Văn hoá

img detail
04/12/2020 Văn hoá

Mặc bộ đồ ra đường, xông vào thang máy khi người bên trong còn chưa đi ra, đèo người trên 6 tuổi ở yên sau xe đạp, hỏi quá nhiều thông tin cá nhân là những điều có thể chấp nhận ở Việt Nam nhưng ở Nhật thì xin đừng.

Bộ đồ chỉ để mặc ở nhà

Vào ngày Halloween cách đây vài năm, mạng xã hội Việt Nam từng xôn xao lan truyền hình ảnh 3 anh chàng ngoại quốc hóa trang thành 3 bà nội trợ thuần Việt. Họ đội nón, mặc bộ đồ lụa trông rất khôi hài. Trên trang Facebook Hanoi expats (người nước ngoài sống ở Việt Nam), dân mạng quốc tế vui vẻ thừa nhận, chuyện người Việt tặc lưỡi mặc nguyên bộ đồ ở nhà chạy ù ra đầu phố đi chợ là bình thường và khá đặc trưng.

Nếu bạn có thói quen đó, ở Việt Nam thì ok nhưng sang Nhật thì đừng bạn nhé. Bạn đã từng nghe chuyện người Nhật kể cả có chạy ù ra combini cũng phải trang điểm chưa? Thật ra đây chỉ là một câu chuyện phóng đại, nhưng phần nào đó nó đúng với thực tế. Người Nhật rất chỉnh chu, coi trọng hình thức nên họ luôn muốn xuất hiện một cách đẹp đẽ nhất ở nơi công cộng và là cách tôn trọng những người xung quanh.


3 anh chàng tây hóa trang thành bà nội trợ chuẩn Việt

Ở Nhật, những trang phục ở nhà thì chỉ nên mặc ở nhà thôi, còn ra đường tốt nhất là nên chỉnh chu nhất có thể nếu không muốn trở nên lạc lõng giữa cả một cộng đồng ai ai cũng quần là áo lượt bạn nhé.

Đừng vội vàng xông vào thang máy

Tôi có thâm niên hơn 10 năm làm việc ở các tòa nhà văn phòng kiểu mẫu ở Hà Nội trước khi sang Nhật nên tôi biết rất rõ thói quen đi thang máy của dân văn phòng nói riêng và người Việt nói chung. Rất rất nhiều người có thói quen đứng chắn cửa thang máy, vừa mở cửa là vội vàng xông vào đôi khi đâm sầm luôn vào người đang bước ra.

Chuyện này ở Việt Nam chắc chỉ gây khó chịu thôi chứ không bị lên án. Nhưng sang Nhật, bạn có thể nhận về những cái lườm nguýt khó chịu, thậm chí là lời góp ý nếu cửa thang máy vừa mở đã vội xông vào.

Văn hóa đi thang máy ở Nhật rất lịch thiệp: Cửa thang mở, người đứng ngoài sẽ chờ dịch về 2 bên thang, tạo một lối đi cho người ở trong đi ra. Kể cả bên trong không có ai thì người Nhật cũng chủ động bước nép về một phía. Người đứng sát bảng điều khiển thang, dù không ai phân công, nhưng sẽ giữ nút “mở cửa” nếu có ai đó muốn đi ra, và trong đa số trường hợp thì người giữ nút mở cửa sẽ là người ra cuối cùng để đảm bảo chắc chắn rằng không ai bị cửa thang máy kẹp phải.

Ngoài ra thì kể từ khi Covid-19 bùng phát, chính phủ Nhật có khuyến khích người dân nên sử dụng thang bộ nếu chỉ phải lên 1-2 tầng, vừa tăng cường sức khỏe, vừa tránh nguy cơ. Vậy nên nếu được thì chỉ định lên 1-2 tầng thì ta hãy hạn chế dùng thang máy bạn nhé.

Hỏi han quá nhiều về thông tin cá nhân

Ở Việt Nam, đôi khi chỉ sau tầm 20-30 phút nói chuyện với một người mới quen, nếu cảm thấy hạp hạp ý, bạn có thể tương đối thoải mái hỏi đối tác những thông tin cá nhân như gia đình, nhà cửa, sở thích, thậm chí cả… mức lương. Người Việt chúng ta thân thiện bậc nhất thế giới mà (có bảng xếp hạng hẳn hoi).

Điều này không có nghĩa là người Nhật kém thân thiện đâu, chỉ là thói quen của họ rất ngại và cảm thấy vô cùng kỳ lạ nếu bạn hỏi quá nhiều câu hỏi mang tính đời tư cá nhân. Tôi có người bạn. Anh này nói chuyện được dăm ba chục phút với một cô phục vụ thân thiện đã hỏi nhà cô ấy ở đâu, gia đình có mấy người, bố trước làm nghề gì… Mặt cô ấy chuyển hẳn sắc thái rồi tế nhị từ chối và bỏ đi.

Người Nhật tương đối nguyên tắc và hơi “quy trình hóa” mọi việc nên ngay cả chuyện làm bạn với ai, họ cũng cần thời gian, quá trình để bắt đầu cảm thấy nên chia sẻ những thông tin cá nhân.

Đèo nhau trên chiếc xe đạp

Thú nhận đi, nhắc tới biểu tượng tuổi học trò, tôi tin rằng đa phần bạn đọc sẽ ngay lập tức tưởng tượng hình ảnh những cô cậu học trò đèo nhau trên chiếc xe đạp, tà áo dài bay bay, trên đầu hoa phượng nở. Nó là kinh điển rồi.

Nhưng hình ảnh kinh điển ở Việt Nam sang tới Nhật lại là… phạm pháp nhé. Luật giao thông đường bộ ở Nhật quy định trường hợp 2 người được đèo nhau như sau: 1. Người điều khiến xe đạp phải từ 16 tuổi trở lên. 2. Phải lắp ghế ngồi dành cho trẻ em và 3. Chỉ được phép đèo trẻ em từ 6 tuổi trở xuống. Đây là những quy định cơ bản và còn có những quy định chi tiết hơn nữa. Vì thế việc 2 người lớn đèo nhau là vị phạm luật giao thông của Nhật.

Ngoài ra ở Nhật đã từ lâu cấm việc uống rượu rồi đi xe đạp. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Việt Nam quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành ngày 30/12/2019 thì người đi xe đạp nếu uống rượu bia cũng bị xử phạt. Như vậy dù ở Nhật Bản hay ở Việt Nam, dù đi xe máy hay xe đạp thì đã uống rượu rồi thì đừng đi xe bạn nhé.

(Thạch Long)