Blog
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_14: Không bắt chuyện với trẻ con trên đường
Bạn có thể gặp chút rắc rối ngoài ý muốn nếu chụp ảnh bằng điện thoại mà không phát ra tiếng “tách” hoặc tự tiện bắt chuyện với một cô/cậu học sinh nào đó ở Nhật…
Chụp ảnh trong im lặng
Ở Việt Nam, bạn thích để điện thoại phát ra tiếng “tách” khi chụp ảnh hay thích nó tuyệt đối yên tĩnh là quyền của bạn, và thực tế thì cũng chẳng ai quan tâm. Tuy nhiên, ở Nhật, sẽ có người quan tâm nếu bạn chụp một tấm ảnh mà chiếc dế yêu của bạn chẳng phát ra âm thanh gì.
Một vài người từng mua Iphone ở Nhật đều sẽ bất ngờ khi bạn không thể tắt được âm thanh khi chụp ảnh. Tại sao lại như vậy? Bắt đầu từ năm 2001, để đối phó với việc chụp ảnh trộm, các công ty điện thoại di động ở Nhật Bản đã tự áp dụng quy định điện thoại buộc phải phát ra âm thanh khi chụp ảnh và sau đó các nhà sản xuất điện thoại đã đi theo quy định này.
Evacomics
Nguyên nhân là vào năm 2000, có một nhân vật đình đám trong giới nghệ sĩ, dùng điện thoại chụp lén dưới váy của 1 phụ nữ đi thang cuốn tại 1 nhà ga ở Tokyo, bị phát hiện và bị thông báo cho cảnh sát. Sau đó nhân vật này bị truy tố về tội Vi phạm Sắc lệnh chống Hành vi gây phiền toái của thủ đô Tokyo. Sau sự việc này, 1 công ty điện thoại di động của Nhật đã quyết định chỉ để chế độ chụp ảnh phát ra tiếng. Dần dà, các công ty khác cũng áp dụng theo.
Cũng chính vì vậy để ngăn hành vi thiếu đạo đức này, ngoài việc dán các cảnh báo ở ga tàu thì các nhà mạng ở Nhật khi bán điện thoại cũng sẽ khóa luôn chức năng tắt tiếng chụp ảnh. Vì vậy nếu bạn mua điện thoại ở Nhật thì không thể thay đổi được chức năng im lặng khi chụp ảnh.
Ngoài ra, tại một số nơi cấm chụp ảnh như viện bảo tàng, shop thời trang thì việc chiếc điện thoại phát ra âm thanh cũng sẽ ngăn cản được hiện tượng chụp trộm các tác phẩm trong bảo tàng hoặc sản phẩm trong cửa hàng. Tuy nhiên cũng vẫn có những người cài đặt ứng dụng chụp ảnh không phát ra âm thanh để thử chụp trộm.
Đừng tự ý bắt chuyện với học sinh
Đây là một câu chuyện có thật: Năm ngoái, bạn tôi mời mẹ (từ giờ gọi là cô A) sang Nhật vừa để du lịch, vừa tiện giúp cô ấy trông em bé. Trước khi sang Nhật, cô A có trải qua một lớp học tiếng Nhật giao tiếp nên cũng bặp bẹ nói được dăm ba câu xã giao.
Vào một ngày đẹp trời, cô A đang đi dạo tập thể dục thì gặp một nhóm học sinh cấp 1 đang tan học. Ở Việt Nam, dăm ba câu hỏi xã giao như: “Cháu học lớp mấy, trường nào”, “Nhà cháu ở đâu”… hoàn toàn vô hại. Người hỏi thật ra cũng chẳng quan tâm cho lắm đến câu trả lời.
Giữ nguyên thói quen đó, cô A rất hồn nhiên hỏi một cậu bé Nhật đang đứng trước cổng trường những câu tương tự. Chú bé bỗng dưng thay đổi sắc mặt, vội vã chạy vào trường… mách thầy giáo về việc đột nhiên có người lạ tiếp cận. Thầy giáo vội vàng chạy ra cổng trường tra hỏi, chất vấn cô A cả nửa tiếng, thậm chí còn định báo cảnh sát.
Ở Nhật là vậy các bạn ạ. Học sinh đi học thậm chí còn phải báo cáo cả quãng đường đi và về cho nhà trường quản lý nên có bất kỳ điều gì khác thường xảy ra sẽ gây ra vô số phiền hà không đáng có.
Trước kia, Nhật Bản không đến mức thận trọng như vậy nhưng đã từng xảy ra việc học sinh trên đường đi học bị bắt cóc hoặc bị lạm dụng tình dục khiến cho các bậc phụ huynh nâng cao ý thức tự bảo vệ do lo ngại khả năng bảo vệ trẻ em của cộng đồng địa phương bị giảm đi. Đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 1988 đến 1989, đã xảy ra vụ án 4 bé gái ở Tokyo và Saitama bị bắt cóc và sau đó bị giết hại (kẻ gây ra tội ác là nam giới, sau đó bị bắt và phải chịu án tử hình). Việc này ảnh hưởng lớn tới câu chuyện nói trên.
Ngoài ra thì cá tính chung của người Nhật cũng khá rụt rè. Người Nhật rất đề cao quyền riêng tư nên hiếm khi chủ động bắt chuyện hoặc ngỏ ý giúp đỡ người lạ. Một cô bạn người Mỹ của tôi kể rằng, cô phải di chuyển ở nhà ga xe điện với 2 chiếc vali lớn nhưng không có người Nhật nào chủ động giúp đỡ. Tuy nhiên, khi cô ngỏ ý nhờ giúp đỡ thì một người đàn ông Nhật đi ngang qua lại cực kỳ nhiệt tình.
Nhiều người cho rằng “người Nhật lạnh lùng”, nhưng thực tế, có nhiều người Nhật rất nhiệt tình giúp đỡ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng đang học tập và làm việc tại Nhật. Còn tại sao họ không thể hiện được nhiệt tình hơn, thì đó là văn hóa và tinh thần của người Nhật.
Cho tiền người vô gia cư
Ở Việt Nam, bạn tình cờ gặp một người vô gia cư trên đường. Lòng trắc ẩn nổi lên, bạn giúp đỡ bằng cách cho họ tiền, quần áo. Tốt thôi, bạn thậm chí có thể nổi tiếng nếu ai đó tình cờ ghi lại câu chuyện và đăng lên mấy trang Facebook có đông người theo dõi.
Nhưng ở Nhật, chưa chắc gì người vô gia cư đã thật sự cần sự giúp đỡ của bạn đâu nhé. Ở Nhật, đa phần người vô gia cư sẽ cố gắng tự làm một việc gì đó, như đi nhặt ống bơ, chai nhựa để bán, lấy tiền sinh sống, hoặc sống bằng sự hỗ trợ của các tổ chức về đồ ăn, nhu yếu phẩm.
Trên trang reddit, một người đàn ông Úc từng chia sẻ việc anh ta bị người vô gia cư từ chối khi định cho họ chút tiền bố thí. Câu hỏi của anh này nhận được rất nhiều trả lời từ chính người Nhật. Đa phần khuyên anh bạn Úc rằng, nếu muốn giúp đỡ họ thì hãy làm một cách có tổ chức. Xin phép chính quyền, tạo ra một địa điểm phát đồ ăn, nhu yếu phẩm.
Người Nhật muốn tạo ra công bằng xã hội và người vô gia cư cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn chỉ giúp đỡ đơn lẻ một người thì những người khác sẽ ra sao? Chẳng có gì lằng nhằng ở đây cả. Đó đơn giản là tác phong của người Nhật thôi.
Thạch Long