Blog
10 năm Đại động đất Đông Nhật Bản - Sau thảm họa Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ -
Vào 2 giờ 46 phút chiều ngày 11/03/2011 theo giờ Nhật Bản, trận “Đại động đất Đông Nhật Bản” đã xảy ra với tâm chấn ngoài biển, cách bờ biển tỉnh Miyagi khoảng 130km. Khi đó, các bạn đang ở đâu?
【Fujita Hironobu・Báo Mainichi】
Khu vực bờ biển bị phá huỷ hoàn toàn
30 phút sau khi trận động đất có độ lớn 9,0 xảy ra, sóng thần cực lớn đã ập vào bờ biển hướng ra Thái Bình Dương của vùng Tohoku. Tại các tỉnh như Iwate, Miyagi, Fukushima, độ cao của sóng thần lên tới 8 đến 9 mét, còn riêng thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, ghi nhận được mức sóng thần cao tới 40,1 mét. Nước biển tràn vào đất liền, nơi xa nhất tới 6km, cuốn trôi đi nhà cửa vùng dọc bờ biển, tàn phá các khu dân cư, gây ra thiệt hại vô cùng lớn. Theo Cơ quan cảnh sát và Cơ quan tái thiết Nhật Bản, tính cả các trường hợp tử vong có liên quan, thảm hoạ này đã khiến khoảng 19.600 người thiệt mạng và hơn 2.500 người đến nay vẫn mất tích.
Ngày 11/3 năm nay là tròn 10 năm kể từ khi xảy ra thảm họa gây thiệt hại lớn chưa từng có, cướp đi cuộc sống và cơ nghiệp của người dân trong vùng.
Chính phủ Việt Nam gửi tiền viện trợ
Khi trận Đại động đất xảy ra, Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đại diện đã ngay lập tức gửi lời chia buồn đến Nhật Bản. Không chỉ vậy, Chính phủ Việt Nam còn quyên góp và viện trợ cho khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa số tiền 200.000 đôla Mỹ (tương đương khoảng 16 triệu 420 nghìn yên). Số tiền viện trợ của các nước, đặc biệt là Việt Nam, đã giúp ích rất nhiều cho các nạn nhân thảm họa. Ngoài việc cung cấp những thực phẩm đang cần bổ sung cho khu vực chịu thảm họa, số tiền này còn được dùng để mua quần áo, giường ngủ, nhu yếu phẩm hằng ngày và vật liệu để xây dựng nhà tạm.
Sự cố hạt nhân
Như các bạn đã biết, do ảnh hưởng của sóng thần, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 của công ty Điện lực Tokyo đã xảy ra các sự cố như thanh nhiên liệu lò phản ứng bị nóng chảy gây rò rỉ phóng xạ. Thanh nhiên liệu trong lò phản ứng hầu như nóng chảy hoàn toàn, thải ra một lượng cực lớn chất phóng xạ vào môi trường khiến các thành phố, thị trấn và làng quê lân cận trở thành khu vực phải cảnh báo và hơn 100.000 người dân phải đi sơ tán.
Cùng thời gian đó, Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân với mục đích đảm bảo nguồn điện, đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Năm 2010, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, trên thực tế đã thống nhất việc Việt Nam sẽ đặt hàng Nhật Bản xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nhưng khi sự cố trên xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản làm rõ nguyên nhân sự cố.
10 năm trôi qua, công cuộc tái thiết khu vực bị thảm hoạ đã có tiến triển đáng kể. Chính phủ Nhật Bản nhận định rằng ngoài việc khắc phục thảm họa động đất, sóng thần, các dự án liên quan đến “xây dựng đô thị” như xây dựng lại nhà ở, tái quy hoạch đất đai hầu hết đã hoàn thành. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự cố hạt nhân vẫn còn tiếp diễn cho đến tận bây giờ. Một phần vùng chịu ảnh hưởng vẫn được chỉ định là khu vực sơ tán và tính đến thời điểm ngày 8/12/2020, hơn 42.000 người đã phải sơ tán đến khắp các địa phương trên cả nước. Người ta cho rằng sẽ mất khoảng thời gian tối đa là hơn 40 năm để hoàn thành việc dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố. Do đó, ngày trở về quê hương của những người sống trong khu vực này vẫn còn rất xa xôi.
Công cuộc phục hồi vẫn còn dang dở
Chính phủ Nhật Bản đã bỏ rất nhiều tiền để đầu tư vào nỗ lực tái thiết nên sau 10 năm kể từ ngày xảy ra thảm họa, hạ tầng, phố xá trong khu vực chịu ảnh hưởng và cuộc sống của người dân đang dần bình thường trở lại. Tuy nhiên, vết thương trong lòng những người bị mất gia đình vẫn chưa nguôi ngoai. Đến tận bây giờ, vẫn còn những người tiếp tục tìm kiếm gia đình mất tích do bị sóng thần cuốn đi, và còn rất nhiều người vẫn ngày ngày đau khổ do chưa chấp nhận nổi cái chết của người thân. Đã vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động bị hạn chế nên hẳn là nỗi đau khổ trong lòng nhiều người còn nhân lên gấp đôi.
Đại động đất Đông Nhật Bản được gọi là thảm hoạ lịch sử 100 năm mới có một lần. Công cuộc phục hồi đúng nghĩa vẫn còn dang dở. Chúng ta đừng lãng quên và tiếp tục dành tình cảm cho những địa phương cũng như người dân chịu thiệt hại của thảm hoạ vẫn đang cần được trợ giúp nhé.
Quang cảnh thành phố 1 năm trước khi sóng thần và quang cảnh ngay sau khi xảy ra sóng thần
(Ảnh được chụp tại thị trấn Minamisanriku tỉnh Miyagi vào 2/2010 và 3/2011)