Giải quyết khó khăn

Sổ tư vấn file 06: Thực tập sinh kỹ năng bị ép buộc về nước

【相談】技能実習の1年目、寮に突然やって来た
19/03/2021

Sau khi bắt đầu thực tập kỹ năng được vài tháng, người xin tư vấn bị giám đốc của công ty phái cử từ Việt Nam sang và nói rằng “Công ty không cần em nữa, hãy cùng tôi về nước đi”. Cô ấy đã liên lạc với tổ chức hỗ trợ người nước ngoài mà cô xin tư vấn từ trước. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức hỗ trợ, OTIT đã cứu cô và giúp cô chuyển việc.

MụcLao động

【Người xin tư vấn】
・Thực tập sinh kỹ năng
・Nữ giới người Việt, độ tuổi 30
・Nơi lưu trú: tỉnh Nara → tỉnh Iwate

Bị giám đốc công ty phái cử ép buộc về nước

Làm thực tập sinh kỹ năng ở công ty đen

Người xin tư vấn bắt đầu thực tập kỹ năng tại một nhà máy may nhỏ ở tỉnh Nara, mỗi ngày cô ấy làm thêm giờ từ 2~5 tiếng nhưng không được nhận một đồng lương thêm giờ nào. Giám đốc nói với cô ấy rằng: “Từ trước đến nay trong vòng 8 tiếng phải may được 200 sản phẩm. Khi nào chưa may xong 200 sản phẩm thì chưa được tính tiền làm thêm giờ”. Vì vậy lương về tay của cô ấy chỉ có 88,000 yên (khoảng 18,610,000 VND).
※100 yên=21,148 VND (Thời điểm 17/3/2021)

Cô ấy đã có kinh nghiệm làm 12 năm ở nhà máy may tại Việt Nam. Thế nhưng khi làm ở Nara thì cô ấy phụ trách may hoàn chỉnh sản phẩm, vì phải may riêng từng bộ phận như tay, vai, nách, cổ áo nên dù cố gắng mấy thì cũng phải mất 5 phút mới xong 1 cái áo. May 100 cái áo mất 500 phút. Dù có làm thêm 3 tiếng nữa thì mỗi ngày cũng chỉ làm được 150 cái là hết sức.

Nguy cơ bị ép về nước

Cô ấy làm việc tới tháng thứ 3 thì bị giám đốc nói rằng: “Nếu một ngày không may được 200 sản phẩm thì cô không cần đến công ty nữa”. Lúc đó thông dịch viên của nghiệp đoàn đã can thiệp giúp cô ấy nên cô ấy được tiếp tục làm việc. Thế nhưng sau đó 4 tháng, giám đốc của công ty phái cử từ Việt Nam sang và nói “Công ty nói là không cần em nữa. Ngày mai cùng tôi về nước đi” sau đó ép cô ấy về nước. Để canh chừng cô ấy, đêm hôm đó giám đốc đã ở lại kí túc xá của cô ấy.

Được bảo vệ bởi Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế

Cô ấy đã liên lạc với một tổ chức “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” thông qua SNS (dịch vụ mạng xã hội) từ 4 tháng trước. Vào tối hôm giám đốc của công ty phái cử đến, cô ấy đã gửi SNS (tin nhắn) cho người đại diện của tổ chức này với nội dung “tôi có thể sẽ bị dẫn về nước nên hãy giúp tôi!”. Ngay trong đêm đó, người đại diện ấy đã gửi báo cáo chi tiết bằng FAX đến Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Sáng hôm sau, người phụ trách của OTIT đã đến công ty và cô ấy đã được bảo vệ. Sau đó cô ấy không tiếp tục làm việc ở công ty đó nữa mà được chuyển sang thực tập tập kỹ năng ở công ty mới.

Điểm quan trọng: Ép buộc về nước là trái pháp luật

Quy trình ép buộc về nước

Đôi khi thực tập sinh kỹ năng bị buộc phải về nước theo hình thức cưỡng chế. Tuy nhiên, điều này là trái với pháp luật. Thêm nữa, khi bắt thực tập sinh kỹ năng về nước, công ty phái cử và nghiệp đoàn thường làm như sau:

・Bắt thực tập sinh kỹ năng viết “Đơn xin về nước theo nguyện vọng của bản thân”.
・Nói và thuyết phục thực tập sinh “về nước chờ vài tháng sau đó sẽ giới thiệu cho nơi làm mới”.

Giám đốc của công ty phái cử lần này cũng đã làm như vậy. Nhưng cô ấy đã nghĩ rằng không có gì bảo đảm cho việc cô sẽ được giới thiệu nơi làm việc mới nên cô ấy đã trả lời là “muốn ở lại Nhật chờ đến khi tìm được nơi làm việc tiếp theo”.

Ép buộc về nước là trái pháp luật

Luật thực tập kỹ năng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có quy định như sau. Hành vi bắt thực tập sinh về nước trong khi người đó không có nguyện vọng về nước là trái với pháp luật.

〇 Trường hợp cho thực tập sinh về nước khi chưa kết thúc chương trình thực tập thì phải thực hiện đầy đủ những việc như giải thích cho thực tập sinh biết rằng họ không cần phải về nước khi họ không muốn; xác nhận nguyện vọng về nước của thực tập sinh bằng văn bản và phải gửi hồ sơ về Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế OTIT.

〇 Nếu thực tập sinh có nguyện vọng tiếp tục thực tập kỹ năng thì công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn có trách nhiệm phải đảm bảo cho thực tập sinh có nơi làm việc tiếp theo.

Điểm quan trọng: Nhờ cậy OTIT và các tổ chức hỗ trợ

Ứng phó khi bị ép về nước

Nếu bạn không được nghiệp đoàn và các công ty tiếp nhận đối xử phù hợp, hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) để xin lời khuyên. Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt. Hiệp hội cũng có hỗ trợ qua số điện thoại (0120-250-168). Nếu bạn có thể đến trực tiếp văn phòng của Hiệp hội thì càng tốt.

Trong trường hợp xấu nhất, khi bạn đã trao đổi với OTIT nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, bạn có thể xin tư vấn từ các tổ chức hỗ trợ phi chính phủ khác. Các tổ chức này sẽ hỗ trợ cho bạn khi bạn không thể tự xin tư vấn từ OTIT và Cục lao động. Trong trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp, người đại diện của tổ chức “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” sẽ gửi cho bạn ảnh chụp danh thiếp của họ thông qua SNS. Ngoài ra, bạn sẽ được khuyên rằng nếu bạn bị ép đến sân bay thì lúc đi qua khu vực kiểm tra hộ chiếu trước khi xuất cảnh, bạn hãy đưa ảnh chụp danh thiếp cho người kiểm tra xem và nói “sự thật là tôi không muốn về nước”.

Tổ chức hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài (Facebook)
Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
Liên đoàn lao động Gifu – Chi nhánh người nước ngoài số 2: Ông 甄凱 (Kenkai) trưởng chi nhánh 090・8496・9668 (tiếng Nhật)

Được OTIT bảo vệ → Chuyển sang thực tập ở công ty khác

Cô ấy đã gửi tin khẩn SOS đến “Tổ chức hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” nên sáng hôm sau, người phụ trách của OTIT đã đến công ty, bảo vệ được cô ấy và đưa cô ấy về khách sạn tránh để bị ép về nước. Khoảng 2 tháng sau, cô ấy đã được chuyển sang một công ty mới nhờ có sự giúp đỡ của OTIT và các tổ chức hỗ trợ khác. Công ty mới này trả đầy đủ tiền lương làm tăng ca và có các hỗ trợ khác dành cho thực tập sinh kỹ năng. Như sự việc trên đây, nếu gặp phải tình huống không tránh khỏi, bạn có thể chuyển đến nơi làm việc mới thông qua OTIT hoặc các tổ chức hỗ trợ khác.