Blog

Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_18: Vì sao người Nhật ít gọi điện cho bố mẹ?

ベトナムの常識・日本の非常識_vol.18-9
04/06/2021

“Lau đũa khi đi ăn ở quán”, “Mượn điện thoại của bạn để thử game”, những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng ở Nhật Bản có lẽ không được hoan nghênh cho lắm, so với người Việt thì người Nhật ít gọi điện cho cha mẹ. Chúng ta cùng tìm hiểu về sự khác biệt này Nhật Bản nhé.

Vào quán ăn đừng lau đũa

Việc dùng tờ giấy ăn lau chiếc đũa, hoặc chà xát hai chiếc đũa vào nhau để những vụn gỗ và dằm gỗ rơi ra ở Việt Nam là hoàn toàn bình thường. Chúng ta lau đũa như một thói quen diễn ra trong vô thức. Nhưng nếu sự vô thức này theo bạn sang Nhật thì coi chừng nhé. Hành động vệ sinh chiếc đũa bằng bất kỳ cách nào, đối với chủ quán ăn có thể bị coi là bất lịch sự.

Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện có thật 100%: Vào năm 2013, tôi và một người bạn vào một quán ramen ở Kyoto. Sau khi đưa phiếu order món cho phục vụ, chủ quán mang cho chúng tôi 2 ly trà. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam rất thịnh xem phim Hong Kong. Trong phim Hongkong thì ly trà đó có 2 tác dụng: Hoặc dùng để uống, hoặc để thực khách nhúng chiếc đũa vào đó vệ sinh rồi dùng giấy ăn lau khô (trong các quán ăn Việt Nam thì muốn có trà uống phải mất tiền, còn trà miễn phí phần lớn để… nhúng đũa).

Chúng tôi theo thói quen nhúng 2 đôi đũa vào đó rồi xin chủ quán tờ giấy ăn để lau. Đang từ hồ hởi, gương mặt chủ quán bỗng dưng sầm lại, trở nên không thoải mái. Sau một hồi do dự, chủ quán tiến về phía chúng tôi cố gắng nói bằng tiếng Anh: Chiếc đũa sạch rồi, bạn không cần vệ sinh đâu.

Lúc đó tôi mới hiểu người Nhật mở quán ăn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu vệ sinh khắt khe. Họ rửa bát, đũa rồi hấp chúng bằng hơi nước nóng đảm bảo sạch nhất có thể, nên hành động khách lấy đũa ra lau chẳng khác nào mắng chủ quán để đũa bẩn. Họ tự ái là một chuyện, thực khách khác nhìn vào rồi xì xào mới là vấn đề.

Vậy nên sang Nhật, hãy tuyệt đối tin tưởng vào sự sạch sẽ, chỉn chu của họ nhé.

Ít gọi điện cho bố mẹ

Bạn rời quê nhà lên thành phố học đại học hoặc đi làm, bố mẹ thì vẫn sống dưới quê. Chuyện này ở cả Việt Nam và Nhật Bản đều như nhau. Tuy nhiên, giữa người Việt và người Nhật sẽ có một khác biệt vô cùng lớn về văn hoá như sau.

Ở Việt Nam, do xa nhà nên mật độ gọi điện về quê hỏi thăm bố mẹ của đa phần sinh viên hoặc lao động xa quê là rất thường xuyên. Tôi biết vài cô bạn làm thực tập sinh ở Nhật, ngày nào cũng phải gọi điện tỉ tê với mẹ cả tiếng đồng hồ. Thật ra cũng không có vấn đề gì.

Nhưng nếu bạn tâm sự thói quen này với người Nhật, tôi tin chắc rằng họ sẽ rất ngạc nhiên đấy. Tại sao? Vì người Nhật xa quê rất ít khi gọi điện về cho bố mẹ.

Đa phần người Nhật khi đã ra ở riêng thì thường là rất bận rộn và vì vậy ít có khi gọi điện về cho cha mẹ ở nhà. Ngược lại, cha mẹ vì lo lắng cho con cái nên thường hay gọi điện cho con. Tuy nhiên, nhiều người, nhất là nam giới trẻ, thường không kiên nhẫn nói chuyện qua điện thoại với cha mẹ nên dần dà, cha mẹ cũng giữ ý, ít gọi điện cho con cái.

Để an ủi cha mẹ khỏi buồn, từ xưa người Nhật có câu: “Tayori ganai no wa yoi tayori”, nôm na là “không có tin tức gì có nghĩa là tin tốt”, nếu có gì cần thì chắc con sẽ gọi điện hoặc viết thư về thôi.

Năm 2020, tôi có trải nghiệm ở homestay tại thị trấn nằm ngay cạnh núi Phú Sĩ: Fuji Yoshida. Bà chủ nhà có con đang làm việc ở tận Fukuoka và chính bà thừa nhận với tôi là “cũng không nhớ chính xác lần gần nhất con trai tôi gọi về là lúc nào, chắc là vào dịp năm mới. Nhưng nó cũng chỉ có nói “con khỏe” với lại “con bận”, thế thôi”.

Điều này được chấp nhận trong văn hoá Nhật, nhưng nó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tình cảm gia đình của người Nhật lỏng lẻo hơn Việt Nam đâu nhé. Chẳng qua đây là văn hoá thôi.

Để phòng chống tội phạm lừa đảo, nhiều người gọi điện cho cha mẹ thường xuyên hơn.

Trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đang già hóa hiện nay, nhiều người lo lắng cho cha mẹ già nên thường xuyên gọi điện hơn trước. Vì ít khi gọi điện, nên có nhiều trường hợp bọn tội phạm giả làm con cái, gọi điện để lừa người già theo kiểu “Lừa đảo Ore ore” , khiến cho các cụ tin là con cái mình đang gặp khó khăn, cần phải giúp đỡ và đã chuyển tiền cho bọn lừa đảo. Để phòng tránh hiện tượng này, trên toàn nước Nhật đều kêu gọi “Hãy tích cực gọi điện cho cha mẹ”.

Đừng mượn điện thoại

Ở Việt Nam, mượn điện thoại bạn bè, đồng nghiệp để thử chất lượng chụp ảnh, chơi game là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải trải nghiệm cảm giác bị từ chối khi ngỏ ý mượn điện thoại người Nhật đó.

Đối với người Nhật thì điện thoại là vật riêng tư, và đặc biệt là có thể chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà họ không muốn bị lộ. Kể cả bạn không tò mò đến mức chui vào album ảnh hoặc lục lọi các folder chứa thông tin trong điện thoại thì người Nhật cũng cảm thấy rất không thoải mái vì lo ngại “nhỡ người ta xem được thì sao”.

Vì vậy mà rất hiếm có trường hợp mà người Nhật hỏi mượn điện thoại của người khác. Nếu bạn sống ở Nhật, bạn sẽ biết được quy tắc bất thành văn là đối với người Nhật “dù có là người trong gia đình đi chăng nữa thì cũng không xem điện thoại của người khác” và cũng “không sờ vào điện thoại của người khác”. Có một người Nhật từng kể với tôi rằng, anh ta sống chung với một người nước ngoài ở ký túc xá và để bảo vệ chiếc điện thoại của mình, anh ta thậm chí còn mang cả điện thoại vào phòng tắm.