Khác

Thế vận hội Tokyo 2020 – Thông tin và những sự kiện đáng lưu ý –

東京オリンピックまとめ-スタジアムリサイズ:3対2
15/07/2021

“Thế vận hội Tokyo 2020” vốn bị hoãn lại 1 năm do đại dịch vi-rút corona, nay chuẩn bị khai mạc. Chắc hẳn, người dân ở cả Nhật Bản cũng như ở Việt Nam đều náo nức trước sự kiện này. Bài viết này gửi tới các bạn những môn thi đấu được nhiều người yêu thích ở Nhật cũng như lịch trình thi đấu, sự thay đổi ngày nghỉ lễ trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội. Trường hợp vận động viên của Nhật giành được huy chương vàng thì hôm sau đó, truyền thông của Nhật đưa tin rất rầm rộ. Các bạn Việt Nam đang sinh sống ở Nhật cùng tham khảo nhé.

Thông tin cơ bản về Olympic Tokyo

Ngọn đuốc Thế vận hội hiện đang có mặt tại Tokyo Ⓒ Báo Mainichi

【Thời gian tổ chức】Từ Thứ Sáu 23/7/2021 ~ Chủ Nhật 8/8/2021
【Số môn thi đấu】 33 môn thể thao, 339 hạng mục

Bước sang tháng 7, các vận động viên tham gia trại tập huấn trước thềm Olympic, những người có liên quan đến sự kiện đã bắt đầu chính thức đến Nhật Bản. Dự kiến sẽ có hơn 10.000 vận động viên thi đấu tại Thế vận hội và khoảng 41.000 người có liên quan đến Nhật Bản.

Biện pháp phòng ngừa COVID-19

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 tại thủ đô Tokyo trong thời gian 42 ngày, từ ngày 12/7 đến 22/8. Như vậy, Tokyo Olympic lần này sẽ trở thành một Thế vận hội chưa từng có tiền lệ, được tổ chức trong khi tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng.

Về biện pháp phòng dịch đối với các vận động viên nước ngoài nhập cảnh, sau khi đoàn vận động viên Uganda sang Nhật hồi tháng 6 và một thành viên trong đoàn dương tính với COVID-19, chủ đề về biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh của Nhật Bản trở nên nóng hổi. Một biện pháp ứng phó là tại sân bay Narita, đoàn vận động viên sau khi nhập cảnh sẽ đi theo lối riêng, chuyên dụng, tách biệt với các hành khách khác để ngăn việc các vận động viên tiếp xúc với bên ngoài.

Trường hợp có người bị phát hiện dương tính tại sân bay thì những ai ngồi gần người đó trên máy bay sẽ được xác định có phải là người tiếp xúc gần hay không. Sau khi được xác định, những người này sẽ được xe buýt chở tới những địa điểm lưu trú được chỉ định để cách ly cho tới khi được xác nhận là an toàn thì mới được hoạt động trở lại.

Ngoài ra, Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) cho biết dự kiến khoảng 95% vận động viên đội tuyển Nhật Bản và các vận động viên dự Thế vận hội sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19.

Khán giả không được vào xem hoặc bị hạn chế số người

Sân vận động Quốc gia, địa điểm chính của Thế vận hội Tokyo Ⓒ Báo Mainichi

Ngày 21/6, 5 bên bao gồm chính phủ Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) v.v… đã thống nhất số khán giả xem thi đấu “tối đa là 10.000 người”. Tuy nhiên, do hiện nay chính phủ Nhật Bản quy định trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm, số lượng khách tham dự các sự kiện trong nước “tối đa 5.000 người”, nên đã có ý kiến chỉ trích rằng “Olympic được áp dụng cơ chế riêng”.

Vào ngày 8/7, sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, quyết định được đưa ra tại cuộc họp giữa 5 bên là các sự kiện tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận (Saitama, Chiba, Kanagawa) sẽ diễn ra mà không có khán giả. 3 tỉnh Miyagi, Fukushima và Shizuoka giới hạn số khán giả không quá 50% sức chứa của địa điểm và không quá 10.000 người, tỉnh Ibaraki chỉ cho phép khán giả là các em học sinh trong khuôn khổ “chương trình các trường học liên kết xem thi đấu”. Hokkaido, nơi tổ chức thi chạy marathon, cho đến thời điểm này vẫn chưa quyết định biện pháp ứng phó.

Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản thông báo sẽ vận hành các chuyến tàu tạm thời lúc đêm khuya ở vùng thủ đô. Tuy nhiên, sau khi công ty này đưa ra thông báo, trên các mạng xã hội ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng “Nếu thi đấu không có khán giả thì cần gì phải vận hành tàu đến đêm khuya”.

Lịch thi đấu các môn được người Nhật yêu thích

Nhà thi đấu Kokugikan ở Ryokoku, nơi tổ chức các giải đấu Sumo. Đây là nơi diễn ra môn boxing Ⓒ Báo Mainichi

Do đại dịch COVID-19 bùng phát nên quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo trở nên lộn xộn. Tuy nhiên, Olympic là sự kiện trọng đại tầm cỡ thế giới, 4 năm mới tổ chức 1 lần. Các địa điểm xem thi đấu công cộng qua màn hình hầu như cũng đã bị huỷ bỏ, vì vậy, các bạn hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch và chọn cách thức phù hợp để thưởng thức năm Olympic này nhé.

Các vận động viên đội tuyển chủ nhà Nhật Bản được đặt nhiều kỳ vọng. Sau đây là lịch thi đấu các môn thể thao được yêu thích ở Nhật.

◼️ Lịch thi đấu những môn được yêu thích
Ngày 21/7 Bóng đá nữ, bóng mềm nữ bắt đầu
Ngày 22/7 Vòng loại bóng đá nam khởi tranh tại nhiều địa phương của Nhật Bản
Ngày 23/7 Lễ khai mạc
Ngày 24/7 Judo: Môn thể thao được kì vọng giành huy chương đầu tiên
Ngày 25/7 Bơi lội: 400m hỗn hợp cá nhân nam
Ngày 26/7 Chung kết thể dục dụng cụ đồng đội nam (Đội Nhật được kỳ vọng giành huy chương vàng 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp)
Ngày 27/7 Chung kết bóng mềm
Ngày 28/7 Chung kết bóng bầu dục nam, chung kết thể dục dụng cụ tổng hợp cá nhân nam
Ngày 29/7 Chung kết đơn nữ bóng bàn
Ngày 30/7 Judo nam hạng cân trên 100kg
Ngày 31/7 Chung kết tennis đơn nữ, hạng mục mới môn judo, đồng đội hỗn hợp
Ngày 1/8 Chung kết chạy 100m nam, chung kết tennis đơn nam
Ngày 2/8 Chung kết cầu lông đôi nữ
Ngày 3/8 Bán kết bóng đá nam
Ngày 4/8 Golf nữ
Ngày 5/8 Chung kết bóng bàn đồng đội nữ
Ngày 6/8 Chạy tiếp sức 4 x 100m nam
Ngày 7/8 Bóng chày, chung kết bóng đá nam
Ngày 8/8 Marathon nam (Sapporo), lễ bế mạc

Đoàn vận động viên Việt Nam

Biểu tượng Olympic đặt trước Sân vận động Quốc gia. Ⓒ Báo Mainichi

Sau đây là danh sách đoàn vận động viên Việt Nam. Chúng ta cùng cổ vũ và kỳ vọng vào các thành tích của đoàn Việt Nam.

Môn thi đấu(競技) Tên tuyển thủ(選手名)
Taekwondo(テコンドー) Trương Thị Kim Tuyền
Bơi(水泳) Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên
Thể dục dụng cụ
(男子体操)
Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành
Boxing(ボクシング) Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm
Judo(柔道) Nguyễn Thị Thanh Thủy
Cầu lông(バトミントン) Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh
Bắn cung(アーチェリー) Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ
Rowing (đôi nữ)
(女子ボート)
Lường Thị Thảo,Đinh Thị Hảo
Cử tạ
(ウエイトリフティング)
Thạch Kim Tuấn,
Vương Thị Huyền hoặc Hoàng Thị Duyên
Điền kinh(陸上) Quách Thị Lan
Bắn súng(射撃) Hoàng Xuân Vinh
※ Cập nhật tới ngày 5/7

Lịch nghỉ lễ có sự thay đổi!

Các bạn có biết vì Olympic Tokyo nên lịch nghỉ 3 ngày lễ có sự thay đổi? Một số ngày vốn là ngày nghỉ lễ sẽ trở thành ngày thường, một số ngày thường sẽ trở thành ngày nghỉ lễ. Hãy lưu ý điểm này nhé!

Việc đổi ngày nghỉ lễ là dựa trên điều luật sửa đổi đặc biệt về Thế vận hội ban hành tháng 11/2020, nhưng lịch và sổ tay sản xuất, bán ra trước thời điểm đó chưa thay đổi nên cần phải lưu ý.

Các ngày nghỉ lễ được điều chỉnh như sau:
① “Ngày của Biển”: 19/7 → 22/7 (ngày liền trước lễ khai mạc)
② “Ngày Thể thao”: 11/10 → 23/7 (lễ khai mạc)
③ “Ngày của Núi”: 11/8 → 8/8 (lễ bế mạc)

※ Ngày bế mạc 8/8 là Chủ Nhật nên 9/8 trở thành ngày nghỉ bù.

Các bạn hãy xác nhận lại trước các ngày nghỉ lễ nói trên nhé.