Blog

Tết Trung thu

中秋節4
16/09/2021

 

Tết trung thu là một phong tục truyền thống từ lâu đời và được nhiều nước châu Á xem là dịp quan trọng của năm. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về Tết trung thu Việt Nam và Nhật Bản nhé.

Nguồn gốc ngày Tết Trung thu

Trung thu được cho bắt nguồn từ Trung Quốc từ trước Công nguyên. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, tháng 8 âm lịch là mùa thu hoạch lúa và sau đó người nông dân bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi”, vui chơi sau mùa vụ và dần dần hình thành tập quán này.

Tết Trung thu trở thành một dịp lễ là do truyền thuyết liên quan tới mặt trăng mà thành. Nổi tiếng nhất là truyền thuyết “Hằng Nga bôn nguyệt” tức là Hằng Nga lên trời. Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ, một người giỏi bắn cung, do bị uống thuốc công hiệu quá mạnh nên đã bay lên cung trăng và sống ở đó. Hậu Nghệ ở mặt đất cúng vợ bằng cách bày những loại hoa quả mà Hằng Nga thường yêu thích và từ đó trở thành tập quán sau này.

Còn ở Việt Nam, mặt trăng gắn liền với truyền thuyết “Chú Cuội”. Chuyện kể rằng một hôm chú Cuội tìm được cây đa thần kỳ, có lá chữa được bách bệnh. Cái cây thần kỳ này chỉ được phép tưới nước sạch thôi nhưng vợ chú Cuội lại tưới phải nước bẩn nên cây tự dưng bay lên trời. Chú Cuội ra sức ôm chặt cây để không cho cây bay lên trời nhưng không được nên cuối cùng chú cùng với cây bay lên tận mặt trăng và sống tới ngày nay. Khi đẹp trời, nhìn lên mặt trăng người Việt Nam vẫn thấy hình bóng chú cuội ngồi dưới gốc cây đa.

Tết Trung thu Nhật Bản, theo tương truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập đến Nhật vào thời kỳ Nara (710 – 794). Người Nhật cũng có phong tục ngắm trăng và được gọi là “Juugoya”, tức là “Đêm trăng rằm” hoặc “ Chushu no meigetsu” – Trăng đẹp Trung thu. Gần đây, vào dịp này, người Nhật cũng dần dần tổ chức “liên hoan ngắm trăng” vui vẻ. Nếu như Tết trung thu ở Việt Nam gắn liền với hình ảnh của chú Cuội thì ở Nhật Bản thì trong tâm trí người dân là hình ảnh một chú thỏ Ngọc đang giã bánh dày.

Các hoạt động trong dịp Trung Thu

Trải qua thời gian dài, Tết Trung Thu đã trở thành cái tết cho trẻ em. Ở Việt Nam, vào dịp Trung thu trẻ em rước đèn lồng trong các ngõ xóm, phố phường. Người ta cho rằng những chiếc đèn lồng tượng trưng cho rằng chú Cuội trên mặt trăng đã trở về mặt đất để chỉ đường. Vào ngày lễ này trẻ em khắp cả nước đều đi ra phố rước đèn, cùng nhau chơi những trò chơi ở dưới ánh trăng ngày rằm, sau đó là cùng nhau phá cỗ bánh kẹo mà cha mẹ, hay nhà trường đã chuẩn bị công phu.

Múa Lân – một hình ảnh không thể thiếu trong Tết Trung Thu

Trung Thu cũng là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn, cảm ơn đến cha mẹ, thầy cô… bằng cách đem biếu, tặng những chiếc bánh trung thu thật ngon cùng với trà và rượu. Ngoài ra, với quan niệm là khi lân vào nhà ai sẽ mang đến sung túc và tài lộc cho gia chủ nên được nhiều người nhân dịp này sẽ rước những chú lân vào nhà của mình và thưởng tiền cho người múa Lân.

Tại Nhật Bản có lễ “Otsukimi” là một trong những dịp lễ cảm tạ mùa màng. Thông thường, ngày này cũng được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch (năm 2021 này là vào ngày 21/9) và đêm trăng rằm được gọi là “Juugoya”.

Món ăn trong Tết Trung thu

Bánh Trung thu Việt Nam (trái) và bánh Tsukimi dango của Nhật (phải)

Vào dịp Trung thu, người Việt Nam thường ăn bánh nướng, bánh dẻo còn ở Nhật Bản cũng có bán các loại bánh nướng nhưng không có thói quen ăn bánh nướng vào dịp Trung thu mà vào dịp này, người Nhật ăn bánh “Tsukimi dango”. Đây là loại bánh dày có nhân đỗ ngào đường, được viên tròn trông giống hình mặt trăng. Vào đêm rằm, người ta thường bày bánh theo hình tháp lên đĩa, để ở nơi cao có thể nhìn thấy mặt trăng và thường sẽ cắm thêm một bình hoa lau susuki nữa.

Tết Trung thu của người Việt Nam ở Nhật Bản

Người Việt Nam đang sinh sống ở Nhật Bản thường cố gắng tụ tập lại với nhau vào ngày này để cùng vui mừng đón Trung thu. Nhiều người Việt sống xa đất nước thường đến các khu phố Tàu để cùng thưởng thức không khí Tết Trung thu hoặc cùng nhau tổ chức liên hoan và ăn bánh Trung thu. Có cả những trường tiếng Nhật cũng tổ chức Tết Trung thu cho du học sinh, tạo dịp cho cả những người Việt đang sinh sống xung quanh gặp gỡ, giao lưu với nhau. Các nhà chùa của người Việt Nam trên khắp nước Nhật cũng có tổ chức Tết Trung thu.

external link Chùa Việt Nam trên đất Nhật (Đông Nhật Bản)

external link Chùa Việt Nam trên đất Nhật (Tây Nhật Bản)