Cuộc sống - Visa

Mang theo dao đi ngoài đường có thể bị bắt!?

★包丁
16/11/2021

Người Việt Nam ở Nhật rất hay mang theo thực phẩm và dụng cụ làm bếp sang nhà bạn bè hoặc ra ngoài trời để tổ chức liên hoan. Tuy nhiên, những dịp như vậy, nếu bạn mang theo dao, kéo với mục đích nấu nướng thì tuỳ từng trường hợp có thể sẽ bị cảnh sát bắt. Bài viết lần này sẽ chia sẻ những điểm cần chú ý liên quan đến việc mang theo dao làm bếp và dao kéo nói chung đi ngoài đường.

Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ①

Trước đây, thời còn là du học sinh, tôi từng làm thêm (baito) tại một cửa hàng thuộc chuỗi quán nhậu (izakaya) có mặt trên cả nước. Quán này nằm ở Shibuya, Tokyo. Những khi quán chúng tôi quá bận rộn, nhân viên từ quán cùng chuỗi gần đó lại chạy qua hỗ trợ và ngược lại, khi quán ở gần quán mình đông khách thì quán chúng tôi lại cử ai đó sang trợ giúp.

Một hôm, vào khoảng 8 giờ tối, trưởng quán chỗ tôi bảo một đồng nghiệp của tôi cũng là du học sinh người Việt rằng “Hãy mang dao sang quán bên cạnh để hỗ trợ”. Đó là con dao dùng để làm bếp. Thời gian đó, chuyện cầm dao đi sang cửa hàng khác làm giúp là phổ biến nên cậu nhân viên đó đã bọc con dao vào giấy báo rồi cứ thế cầm ra khỏi quán.

Phố xá sầm uất ở Shibuya

Cậu ấy vừa đi khỏi quán được khoảng vài trăm mét thì bị 2 nhân viên cảnh sát chặn lại giữa đường và hỏi về nghề nghiệp. Ở Nhật, chuyện cảnh sát thấy ai đó có dấu hiệu khả nghi và chặn lại rất hay xảy ra. Bạn có thể bị hỏi là làm nghề gì và tuỳ từng trường hợp có thể bị khám xét đồ mang theo. Do cậu nhân viên quán cầm theo con dao bọc trong giấy báo nên đã bị đưa về đồn cảnh sát.

Cậu ấy đã giải thích sự thể với cảnh sát, nhưng vì mới sang Nhật năm thứ 2 nên tiếng Nhật còn chưa đủ để trình bày được hết ý. Cuối cùng thì cảnh sát gọi điện thoại đến quán chúng tôi và báo rằng “Nhân viên quý quán cầm dao đi trên phố đông đúc nên đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát”.

Trưởng quán đã đi đến đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Tuy nhiên, cả trưởng quán lẫn cậu đồng nghiệp của tôi đều bị cảnh sát nhắc nhở rằng “Đi ngoài đường cầm theo dao trong trạng thái có thể sử dụng được ngay là một điều nguy hiểm”. Từ lúc đồng nghiệp tôi ra khỏi quán cho đến khi được cảnh sát thả cũng đã mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ②

Hoa anh đào đêm ở Công viên Ueno

Sống lâu ở Tokyo, tôi thường hay đi liên hoan, ngắm hoa anh đào hoặc lá vàng lá đỏ cùng các bạn người Việt. Những lúc như vậy, chúng tôi thường phân công nhau chuẩn bị đồ ăn, thức uống, hoa quả, bát đũa v.v. Có lần nhóm hơn 20 người chúng tôi rủ nhau đi ngắm hoa anh đào ở Công viên Ueno, Tokyo hồi mùa xuân năm 2017 cũng vậy.

Lần đó, một bạn du học sinh được phân công mang theo dao để gọt hoa quả và kéo để cắt thịt. Cậu bạn này cho dao và chiếc kéo to vào túi rồi đi tàu điện và xuống tàu ở ga Ueno. Tuy nhiên, cậu bị cảnh sát ở gần ga chặn lại hỏi nghề nghiệp, và vì trong túi có dao nên cuối cùng bị đưa về đồn cảnh sát.

Cậu bạn đó chưa thạo tiếng Nhật nên không giải thích được rõ lý do tại sao lại mang theo dao. Đã thế, do bình thường chỉ liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội bằng cách kết nối điện thoại di động với Wi-Fi nên điện thoại của cậu cũng không có thẻ SIM. Vì vậy, lúc ở chỗ cảnh sát, do không có Wi-Fi nên cậu ấy cũng chẳng có cách nào liên lạc được với chúng tôi.

Cảnh sát đã phải gọi điện thoại đến trường tiếng Nhật của cậu. Người phụ trách ở trường cùng với người phiên dịch đã phải tới đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Từ lúc cậu du học sinh nọ bị giữ lại hỏi nghề nghiệp cho đến khi được thả mất khoảng 4 tiếng rưỡi đồng hồ.

Luật liên quan đến dao kéo của Nhật

Ở Nhật Bản có luật cấm mang theo súng và các loại dao kéo. Dao làm bếp và các loại dao khác hay kéo v.v. là những đồ vật cần thiết trong công việc và cuộc sống hằng ngày nên được phép tự do sở hữu. Tuy nhiên, việc cầm theo các đồ vật đó đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng lại bị cấm theo luật pháp. Việc cầm theo dao kéo có thể liên quan đến hành vi phạm pháp, nên trong những trường hợp cần thiết, cảnh sát được phép xét hỏi.

Luật này quy định rằng đối với các loại dao kéo có phần lưỡi dài hơn 6cm thì “nếu không có lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác thì không được phép mang theo người”. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt.

Ở đây, “lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác” có ý nghĩa như sau.

Về lý do “công việc”, ví dụ như trường hợp đầu bếp để dao trong túi mang đến chỗ làm sẽ là “mục đích công việc” nên vẫn hợp pháp. Ngoài ra, “lý do chính đáng khác (ngoài mục đích công việc)” là để chỉ những trường hợp như bạn đi mua dao ở cửa hàng, để dao vào túi trong tình trạng vẫn được đóng gói và mang về nhà. Tuy nhiên, việc mang theo dao ra đường để tự vệ thì không được coi là “lý do chính đáng” và là hành vi vi phạm pháp luật.

Việc nhân viên làm thêm của quán nhậu (izakaya) mang theo dao đi sang cửa hàng khác thì đúng là vì mục đích công việc. Tuy nhiên, chỉ bọc dao bằng giấy báo rồi cầm theo ra đường, con dao đó ở trong tình trạng có thể sử dụng được ngay và từ ngoài nhìn vào thì rất nguy hiểm. Do đó, làm như vậy sẽ bị cảnh sát tra hỏi nghiêm ngặt. Dù có cho dao vào trong túi, nhưng lại không cất trong vỏ hay hộp thì lấy từ túi ra vẫn ở trong trạng thái có thể dùng được ngay, cũng cùng mức độ nguy hiểm, nên vẫn có thể bị cảnh sát xét hỏi kỹ lưỡng.

Không chỉ thế, ngay cả đối với các loại dao kéo có chiều dài lưỡi dao dưới 6cm vẫn bị cấm theo luật khác và phải có lý do chính đáng mới được mang theo. Nếu mang theo dao kéo đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng thì sẽ gây lo ngại cho người xung quanh, và tuỳ từng trường hợp vẫn có thể bị cảnh sát bắt giữ. Có thể nói rằng về cơ bản ở Nhật, không nên mang theo dao kéo ra đường.