Blog

Trò chuyện cùng Sempai_02 Trị an ở Nhật Bản

東京
23/11/2021

 Có thật là khi bị đánh rơi ví hoặc điện thoại di động ở Nhật Bản sẽ tìm lại được không? Trong bài “Trò chuyện cùng Sempai” số này, chúng ta cùng nghe các anh chị đi trước kể lại những trải nghiệm sốc văn hóa khi mới đến Nhật Bản. Chủ đề hôm nay là “Trị an ở Nhật Bản”.

Các Senpai tham gia cuộc trò chuyện lần này

Từ trái qua phải: Ngọc Linh, Bùi Linh, Vũ Hà

Ngọc Linh: Sang Nhật năm 2016. Hiện sống ở tỉnh Kanagawa. Sinh viên tư phí, năm thứ 4.
Bùi Linh: Sang Nhật năm 2019. Hiện sống ở tỉnh Osaka. Sinh viên cao học năm thứ 2 Đại học Osaka.
Vũ Hà: Sang Nhật năm 2017, Hiện sống ở tỉnh Osaka. Sinh viên cao học năm thứ 2 tại Đại học Osaka.
Trọng Dũng: Sang Nhật năm 2008. Sau khi du học thì ở lại Nhật Bản và hiện đang làm chủ một công ty ở Tokyo.

Lan Anh: Dẫn chương trình, thành viên ban biên tập. Ở Nhật trên 30 năm.

Từ trái qua: Trọng Dũng, Lan Anh

Tìm lại được điện thoại di động và tiền đánh rơi!

ーー (Lan Anh) Trong buổi nói chuyện với Senpai hôm nay, chúng ta nói chuyện về tình hình trị an ở Nhật Bản nhé. Nhiều du khách nước ngoài rất ngạc nhiên vì Nhật Bản rất an toàn. Là những du học sinh có kinh nghiệm sống ở Nhật, các em có ý kiến gì không?

Ngọc Linh Lúc em mới tới Nhật được 3, 4 tháng, em lên tàu từ ga Ikeburo ở Tokyo. Tới ga Sugamo thì em xuống tàu và ngay khi xuống sân ga em không thấy ví của mình đâu. Thế là em nhìn lại chỗ ghế em đã ngồi và thấy cái ví nằm trên ghế. Chắc trong lúc ngồi ví bị rơi ra mà em không biết.

Lúc đó tàu đang chuẩn bị đóng cửa lại em mới nói to là “Cái ví đấy là của tôi!”. May sao, hai bạn trẻ trên tàu ra hiệu cho em bảo là đến ga Tabata (tức là ga cách đó 2 ga) thì dừng lại để họ đưa ví cho em.

Thế là em bắt chuyến tàu sau đến ga Tabata, đôi bạn đó đã chờ em ở sân ga và thấy em là đưa ví cho em luôn, em xúc động không nói nên lời. Trong ví của em lúc đó có thẻ cư trú, thẻ học sinh, thẻ ngân hàng và tiền mặt độ 10.000 yên (tương đương 1.983.000 đồng). Em chưa nói được nhiều tiếng Nhật, chỉ biết lặp đi lặp lại câu nói “arigatou” (cảm ơn).

Tỷ giá yên là khoảng 19,880 đồng (tính đến ngày 20/11/2012)

ーー (Lan Anh) Nếu không tìm lại được ví thì phải làm thủ tục cấp lại thẻ cư trú v.v. như vậy sẽ mất thời gian và phiền toái lắm. Em thật là may mắn.

Bùi Linh Em cũng có hai trải nghiệm tương tự. Lần đầu tiên thì em chỉ ở Nhật trong 2 tuần thôi. Vào tháng 8/2016, em cùng một số bạn người Nhật học ở Đại học Kyoto đi Osaka xem bắn pháo hoa. Hôm đó bọn em đi từ ga Kyoto-Kawaramachi của hãng đường sắt Hankyu tới ga Umeda ở Osaka. Giữa đường bọn em xuống ga để đi thăm 1 ngôi đền. Lúc xuống tàu do vội vàng nên em để quên điện thoại trên ghế ngồi.

Đến lúc muốn chụp ảnh thì em mới nhận ra là em bị mất điện thoại. Mà cái điện thoại đấy lại là điện thoại bố em cho em mượn để mang đi chụp ảnh. Lúc nhận ra là mất điện thoại, mặt em tái đi, một bạn người Nhật đi cùng em hôm đó đã liên lạc với thầy giáo phụ trách đoàn giao lưu. Ngay sau đó, thầy đã liên lạc với công ty đường sắt Hankyu. Hôm sau, thầy bảo “công ty đường sắt nói là đã tìm điện thoại rồi”. Thầy đã đi từ Kyoto đến Osaka để mang cái điện thoại đó về cho em.

Nơi trả lại đồ đánh rơi trong ga Umeda ở Osaka

ーー (Lan Anh) Câu chuyện của em thật cảm động. Thật là may mắn quá!

Bùi Linh Vâng, thật sự rất cảm động ạ. Người Nhật khi nhặt được đồ bị đánh rơi, chắc họ cũng nghĩ tới tâm trạng của người bị đánh rơi đồ chị nhỉ.

Gần đây, em có thêm một trải nghiệm nữa. Em bị rơi 1 tờ 5.000 yên. Hôm đó em và một anh người Nhật phụ trách biên tập báo KOKORO đi thực tế để viết bài về du lịch ở Nara. Lúc tới ga Nihonbashi của hãng đường sắt Kintetsu (ở thành phố Osaka) em lấy máy tính bảng ra để chụp ảnh, lúc đó tờ tiền 5.000 yên để trong ba lô cũng rơi ra mà em không biết.

external link Bài viết về Du lịch ở Nara

Xuống ga Nara rồi mới nhận ra bị mất tiền

Bùi Linh Hôm đó em quên ví ở nhà nên đã vay anh phụ trách biên tập 5.000 yên. Vì không muốn gấp tiền nên em nhét thẳng vào ba lô, lúc rút máy tính bảng ra thì tờ tiền bị rơi ra. Lúc xuống ga Nara thì em mới nhận ra là bị rơi mất tiền. Nhưng em nhớ chỉ mở túi ra ở ga Nihonbashi nên chắc chắn tiền chỉ có thể rơi ở đó thôi.

Sau 12 tiếng làm việc để thu thập thông tin viết bài, tối muộn em mới trở về Osaka. Anh phụ trách biên tập đã hỏi anh nhân viên nhà ga về việc rơi tiền. Anh nhân viên nhà ga hỏi thời gian và địa điểm mà có thể em đã làm rơi và sau khi anh phụ trách biên tập trả lời thì nhân viên nhà ga nói là có người nhặt được 1 tờ 5000 yên và đã gửi lại cho nhà ga!

Và thế là em đã nhận lại được tiền. Tiền không để trong ví mà vẫn tìm lại được nên em thấy bất ngờ và xúc động hơn cả khi nhận lại chiếc điện thoại di động để quên mấy năm trước.

Tờ 5.000 nhận lại được (tại ga của hãng đường sắt Kintetsu năm 2021)

Không nên tin tưởng thái quá

Trọng Dũng Tôi phụ trách việc giới thiệu du học sinh cho các trường tiếng Nhật. Sau khi sinh viên tới Nhật, chúng tôi phải hỗ trợ nhiều mặt. Một hôm, có một em sinh viên không kịp nhận tiền từ nhà gửi sang vì đã tới hạn nộp tiền học nên tôi cho em đó vay 90.000 yên (tương đương khoảng 17.890.000 đồng). Nhưng ngay sau đó, em sinh viên này đã đánh rơi ví ở đâu đó gần nhà ga Shinokubo, nơi có trụ sở của công ty tôi.

Tôi đã cùng với em đó đi báo cảnh sát và 2 ngày sau, cảnh sát gọi điện cho biết đã tìm lại được ví nhưng trong ví chỉ còn lại 1 nghìn yên. Bạn sinh viên đó đã buồn mất một thời gian.

Quang cảnh xung quanh nhà ga Shinokubo

ーー (Lan Anh) Thật đáng ngạc nhiên khi ở Nhật có nhiều trường hợp đánh rơi, để quên đồ vật quý giá nhưng vẫn tìm lại được. Tuy vậy không phải lúc nào cũng tìm lại được như thế. Chúng ta không nên quá tin.

Ngọc Linh Vâng, em cũng đã từng bị mất xe đạp rồi ạ. Em cho xe vào nơi gửi xe ở trước cửa nhà ga, em đã trả tiền nhưng lại quên khóa xe. Thế là lúc em về đến ga tìm xe thì không thấy nữa.

Em có báo số xe cho cảnh sát ạ, nhưng cuối cùng cảnh sát cũng không tìm thấy. Em đợi mãi không thấy cảnh sát liên lạc lại nên em phải mua xe mới.

ーー (Lan Anh) Trị an ở Nhật Bản khá tốt nhưng không vì thế mà chủ quan được. Một bạn người Nhật chơi thân với chị cũng nói việc mất xe đạp cũng thường xuyên xảy ra.

Ô nhựa

Bùi Linh Em muốn kể về chuyện mất ô. Vào ngày mưa, khi vào siêu thị hoặc cửa hàng nào đó, mọi người thường cho ô vào giá để ô bên ngoài cửa. Có nơi thì giá để ô có khoá, có nơi thì không. Kể cả ở những nơi không có khoá thì khi ra về cũng thường không bị mất ô.

Thế nhưng, loại ô nhựa trong có thể mua với giá vài trăm yên là một trường hợp ngoại lệ. Có lần em để ổ ở bên ngoài quán ăn rồi vào bên trong dùng bữa. Tới lúc ra về thì em không thấy ô đâu, chỉ còn lại 1 chiếc ô cũ cùng loại. Em nói với một bác nhân viên là mình bị mất ô và ngay lập tức bác ấy mang 1 cái ô khác mới hơn đổi cho em.

ーー (Lan Anh) Loại ô nhựa trong ở Nhật trông rất giống nhau mà giá lại rẻ nên cũng có nhiều người không để ý, cứ tiện tay thì cầm đi.

Trọng Dũng Đúng rồi, loại ô nhựa đó đa phần giống nhau nên khó phần biệt lắm. Lần sau cẩn thận là phải dán thêm tên mình vào.

Cẩn thận với người gõ cửa chào hàng

Vũ Hà Ở Nhật cũng có hình thức bán hàng có vẻ đáng nghi. Nhất là kiểu gõ cửa chào hàng tận nhà. Có người đến gõ cửa nhà em vào buổi tối tự xưng là nhân viên công ty cung cấp mạng internet, công ty điện lực. Những người ấy nói “Hãy chuyển sang dùng dịch vụ của công ty tôi”, “Công ty điện lực của tôi có giá điện rẻ hơn công ty bạn đang dùng, hãy kí hợp đồng với công ty tôi”.

Em từ chối vì không biết có tin được không, em cũng không nắm rõ về thông tin dịch vụ và điều kiện sử dụng nên em nói “Để cho tôi thời gian suy nghĩ đã”. Nhưng họ lại nói đi nói lại “Bây giờ mà không quyết thì chương trình giảm giá này sẽ kết thúc, bạn hãy kí ngay đi”. Lúc đấy thì em thấy hơi nghi rồi nhưng em vẫn cứ nói chuyện bằng tiếng Nhật với họ một lúc lâu, sau đó họ bỏ cuộc.

ーー (Lan Anh) Cũng có một số hình thức chào hàng tận nhà hơi mang tính lừa đảo một chút như vậy. Chúng ta nên thận trọng. Vì người chào hàng là những người nhận ủy thác của các công ty, nên họ cũng phải cố gắng đạt được doanh thu theo như hợp đồng đã ký kết. Nếu gặp trường hợp đó, chúng ta nên cẩn thận, suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định.

Trọng Dũng Gần đây có nhiều công ty kinh doanh điện ra đời nên họ tích cực đi tiếp thị để có thêm nhiều người biết tới dịch vụ của họ. Tất nhiên là có những dịch vụ thực sự tốt, mọi người nên trao đổi thêm với ai đó rồi hãy quyết định.

Ngọc Linh Nhà em cũng hay gặp nhân viên của NHK đến để thu tiền xem tivi. Nhưng vì em không có tivi nên chắc không trả tiền cũng được.