Du học - Xin việc

Những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn

022
01/04/2022

Trong các buổi phỏng vấn xin việc, có một số câu hỏi sẽ thường xuyên xuất hiện, cũng như có những điều cần lưu ý khi trả lời những câu hỏi đó. Để hoàn thành buổi phỏng vấn một cách suôn sẻ thì việc chuẩn bị kỹ càng là vô cùng quan trọng. Trong bài viết lần này, chúng mình sẽ giới thiệu tới các bạn giới thiệu những câu hỏi thường gặp, cách trả lời những câu hỏi đó và cách chuẩn bị cho phỏng vấn.

Hiểu rõ mục đích của phỏng vấn

Vậy, tại sao lại những buổi phỏng vấn? Một phần là do công ty muốn kiểm tra năng lực tiếng Nhật của bạn, nhưng lý do chủ yếu là bởi họ muốn biết rõ hơn về ứng viên nên mới cần trực tiếp gặp mặt và nói chuyện. Đồng thời, buổi phỏng vấn cũng chính là cơ hội cho bạn được biết thêm về công ty đó.

Trong lúc nói chuyện, người phỏng vấn sẽ suy nghĩ xem liệu bạn có phải là người phù hợp với “hình mẫu nhân viên” mà công ty đang tìm kiếm hay không. Mặt khác, bạn cũng sẽ kiểm tra xem công ty đó có phù hợp với nguyện vọng của bạn (ví dụ như nội dung công việc, động lực làm việc, chế độ lương bổng và phúc lợi, v.v…). Trong đa số các trường hợp, buổi phỏng vấn sẽ được tổ chức từ 2 cho tới 4 lần.

Như vậy, thế nào là “hình mẫu nhân viên mà công ty đang tìm kiếm” ?

Sau khi xem các thông báo tuyển dụng, có lẽ các bạn thường nộp đơn xin ứng tuyển vào những công việc mình “cảm thấy muốn thử sức”. Tiếp đến, khi đã hiểu rõ về các điều kiện như nội dung công việc cụ thể, mức lương, môi trường làm việc và phương châm đào tạo nhân viên, các bạn có lẽ sẽ chuyển từ cảm giác “tôi muốn thử làm công việc này” sang “tôi muốn làm ở công ty này”.

Bên phía các công ty cũng tương tự như vậy. Bằng cách phỏng vấn và hỏi chuyện bạn một cách cụ thể, họ sẽ nắm được rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của bạn và dự đoán xem bạn có thể làm những việc gì cho công ty. Họ sẽ so sánh các ứng viên và trao quyết định tuyển dụng cho những người được coi là có tiềm năng phát triển nhất”, hay nói cách khác là “hình mẫu nhân viên lý tưởng” mà công ty đó tìm kiếm.

Dù được tổ chức nhiều lần nhưng các buổi phỏng vấn đơn lẻ thường không quá dài. Việc thể hiện rõ mong muốn, nhiệt huyết rằng “tôi muốn làm việc ở công ty này”, “tôi muốn làm công việc như thế này ở công ty này” trong một khoảng thời gian giới hạn là rất quan trọng.

Sự liên quan giữa sơ yếu lý lịch và phỏng vấn

Doanh nghiệp không thể biết tất cả mọi thứ về ứng viên (là bạn) nếu chỉ nhìn vào sơ yếu lý lịch và đơn xin ứng tuyển (entry sheet) bởi những giấy tờ đó chỉ phản phản ánh một phần thông tin về bạn mà thôi.

Từ phần thông tin ít ỏi đó, nhà tuyển dụng sẽ chỉ gửi giấy mời tham dự phỏng vấn cho những người mà họ cảm thấy muốn thử trực tiếp gặp mặt và nói chuyện. Vì vậy, việc viết sơ yếu lý lịch hay đơn xin ứng tuyển để khiến đối phương “muốn được gặp bạn” là vô cùng thiết yếu.

Khi vào đến vòng phỏng vấn, sẽ có rất nhiều câu hỏi đi sâu hơn về những gì bạn đã viết trong sơ yếu lý lịch hay đơn xin ứng tuyển. Vì vậy, những việc bạn cần chuẩn bị đó là xem lại kỹ những nội dung đã viết trong sơ yếu lý lịch và đơn ứng tuyển và các câu trả lời dễ hiểu cho người nghe.

Có 4 loại thông tin quan trọng trong sơ yếu lý lịch.

① Giới thiệu bản thân
② Lý do ứng tuyển
③ Sở trường – Sở đoản
④ Những trải nghiệm thời đi học

Hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn liên quan đến những đề mục trên nhé.

“Giới thiệu bản thân”

Ở phần giới thiệu bản thân, “việc tạo ấn tượng tốt” cho người phỏng vấn là rất quan trọng. Bạn có từ 30 giây cho đến 1 phút để thực hiện phần này. Ấn tượng ban đầu có thể được quyết định chỉ bằng vài giây hoặc vài chục giây. Vì ấn tượng đầu rất quan trọng nên hãy luyện tập trước ở nhà không chỉ nội dung phần giới thiệu mà cả biểu cảm khuôn mặt và giọng nói nữa. Bạn có thể biết rõ biểu cảm mình như thế nào bằng cách luyện tập trước gương.

Giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn
Thời gian 30 giây đến 1 phút
Những nội dung bắt buộc ・ Tên
・ Quê quán
・ Trường học
・ Chuyên ngành
Những nội dung tùy chọn
(không nhất thiết phải giới thiệu)
・ Sở thích
・ Thông tin cá nhân (điều mình đã nỗ lực làm thời còn đi học)
Chú ý khác ・Nói tên một cách chậm rãi
・Giọng nói to, rõ ràng

Mẫu:

「◯◯大学◯◯学部◯◯学科◯◯専攻の◯◯と申します。本日は、貴重なお時間をいただき、ありがとうございます」→「個人的な情報」→「よろしくお願いいたします」

“Lý do ứng tuyển”

時間 3〜4 phút
Những nội dung bắt buộc ・ Bạn muốn làm công việc gì ở công ty này?
・ Bạn có thể cống hiến những gì cho công việc đó?
(Kết nối với những trải nghiệm, câu chuyện mà bạn đã từng trải qua)
Các cách hỏi tương tự ・ Vì sao bạn muốn làm ở công ty chúng tôi?
・ Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?
・ Bạn muốn làm công việc gì ở công ty chúng tôi?
・ Nếu được nhận vào làm, bạn sẽ muốn làm công việc gì?

Để trả lời tốt các câu hỏi này, hãy xem lại nội dung mình đã viết trong mục “Lý do ứng tuyển” (shiboudouki) và chuẩn bị sao cho có thể giải thích nội dung đó một cách chi tiết hơn. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây về cách viết shiboudouki để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.

external link Cách viết lý do ứng tuyển (shiboudouki)

“Sở trưởng – Sở đoản”

Thời gian 3〜4 phút
Những nội dung cần nhắc đến ・ Chọn 1-2 ý về điểm mạnh/ điểm yếu của bản thân và diễn đạt một cách xúc tích
・ Thể hiện rằng mình đã cố gắng khắc phục điểm yếu của bản thân
Các cách hỏi tương tự ・ Hãy nói về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
・ Bạn giỏi và không giỏi trong việc gì?

Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây về cách viết về “sở trường – sở đoản” để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.

external link Cách viết về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân

external link Những câu trả lời mẫu đi kèm diễn giải cho câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu

“Những nỗ lực khi còn là học sinh”

Điều người phỏng vấn muốn biết là bạn đã nỗ lực như thế nào để đạt được mục tiêu và vượt qua những thử thách. Khi gặp câu hỏi “Bạn đã nỗ lực đạt được những gì khi còn đang đi học” một số người trả lời rằng “Tôi luôn nỗ lực trong tất cả mọi thứ”. Tuy nhiên, những câu trả lời này không đủ cụ thể nên không có tính thuyết phục.

Mặt khác, nếu bạn trả lời bằng cách nói về những điều bạn đã cố gắng thực hiện, cũng như cách bạn đã vượt qua những khó khăn, có thể nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng “Về sau dù có gặp khó khăn đến mấy đi chăng nữa thì người này cũng có thể vượt qua như trước đây họ đã từng.”

Sau đây là danh sách các câu hỏi thường gặp về chủ đề “những nỗ lực khi còn là học sinh”, bạn hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời và luyện tập cách nói nhé.

・ Điều khó khăn nhất bạn đã gặp phải khi đi làm thêm là gì? Bạn đã vượt qua nói như thế nào?
・ Khó khăn lớn nhất của bạn từ khi sang Nhật là gì?
・ Bạn đã từng nhận ra điểm khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam chưa? Đó là những điểm khác biệt gì?
・ Bạn đang học về điều gì ở trên trường?
・ Chủ đề cho luận văn tốt nghiệp của bạn là gì?
・ Ngoài việc học ra, bạn đã cố gắng trong việc gì thời đi học? (chủ đề của câu hỏi này còn được gọi tắt là gaku-chika, bắt nguồn từ chữ gakusei-học sinh, và chikara-nỗ lực)

external link Cách viết về “Gakuchika”

Đừng chỉ đơn thuần kể về trải nghiệm của mình mà hãy nhớ đề cập đến việc mình đã học được gì từ trải nghiệm đó và có thể vận dụng điều đó vào công việc như thế nào nhé!

Những câu hỏi về dự định tương lai và công ty

・ Bạn nghĩ mình sẽ đang làm gì trong 5 năm, 10 năm sau?
・ Bạn muốn trở thành con người như thế nào trong vòng 5 năm, 10 năm tới?

Đây là những câu hỏi được dùng để xem bạn suy nghĩ như thế nào về tương lai của mình.

Trong công ty Nhật, những người mới vào công ty trong vòng 1-2 năm đầu hầu như sẽ không làm việc một mình mà sẽ làm việc cùng các tiền bối và cấp trên. Đây là khoảng thời gian để học hỏi và tiếp thu cách làm việc. Sau thời gian đó, các nhân viên mới sẽ bắt đầu làm việc độc lập và dần nâng cao kỹ năng của mình – đó là điều các công ty mong muốn.

Dù ở hiện tại, suy nghĩ của bạn và điều công ty đang cần có thống nhất đi chăng nữa thì cũng có khả năng bạn thôi việc sau khi làm việc ở công ty một vài năm và nhận ra tình hình công ty không còn phù hợp với nguyện vọng của bạn nữa. Trong trường hợp đó, công ty sẽ buộc phải đào tạo nhân viên mới từ đầu dù đã cất công dành thời gian huấn luyện bạn.

Vì vậy, người phỏng vấn cũng muốn biết trước về việc trong tương lai bạn có dự định làm gì và muốn trở thành người như thế nào.

Với du học sinh, nếu có người muốn sống dài hạn tại Nhật thì cũng có người chỉ muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc tại Nhật khoảng 10 năm rồi về nước. Không thể nói lựa chọn nào là tốt hay xấu, nhưng điều quan trọng ở đây là nguyện vọng của bạn có phù hợp với công ty hay không.

Việc các bạn không trả lời thật lòng vì không muốn gây ấn tượng xấu cho công ty là thỏa đáng, nhưng cũng có trường hợp nhờ trả lời một cách trung thực mà công ty dễ hình dung hơn về tương lai làm việc với bạn.

・ Lý do bạn muốn làm việc ở Nhật là gì?
・ Bạn có hình dung thế nào về công ty của Nhật? Công ty có hình ảnh như thế nào trong mắt bạn?
・ Bạn muốn làm việc bao lâu ở công ty? Bạn dự định sống lâu năm ở Nhật hay về nước sau một vài năm nữa?
・ Bạn có muốn làm việc ở chi nhánh công ty tại Việt Nam không?

Trong lúc suy nghĩ về cách trả lời những câu hỏi này, hãy tận dụng cơ hội để một lần lữa phân tích bản thân và suy nghĩ về dự định tương lai của mình nhé.

・ Bạn có câu hỏi gì cho phía công ty không?

Đây là câu hỏi thường có ở phần cuối của buổi phỏng vấn. Hãy đặt câu hỏi nếu bạn có thắc mắc về những gì người phỏng vấn đã nói, triết lý công ty, hay môi trường làm việc của công ty, v.v… Việc đặt câu hỏi nói lên rằng bạn đang cố gắng mường tượng về hình ảnh mình làm việc ở công ty, thậm chí còn có thể tạo ấn tượng tốt cho người đối diện dựa trên nội dung câu hỏi.

Lời kết

Trên đây là danh sách các câu hỏi thường có trong phỏng vấn. Tùy vào công ty và người phỏng vấn mà tiêu chí đánh giá sẽ khác nhau. Nhưng điều mà công ty nào cũng muốn biết là “Bạn có phù hợp với công việc và công ty này hay không?”. Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn và thể hiện mình cũng như những điểm tốt của mình một cách cẩn thận nhưng cũng không kém phần thoải mái nhé.