Văn hoá
Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_29
Giáo dục thể chất tại trường học ở Nhật mức độ rất cao, khá khác so với Việt Nam. Đừng biến xe máy thành… xe thồ ở Nhật, cảnh sát mà bắt gặp sẽ “hỏi thăm” đấy và cách tổ chức đám tang giản tiện trong phạm vi gia đình, xu hướng gần đây tại Nhật. Xin giới thiệu cùng các bạn.
Những tiết thể dục khác biệt một trời một vực
Cái này thì là trải nghiệm thực tế của con gái tôi.
Cháu nó học lớp 1, 2 ở Việt Nam rồi sang Nhật học đến hết cấp 1. Ở Việt Nam, những tiết thể dục cho học sinh cấp 1 thường diễn ra khá hình thức và hơi chiếu lệ. Các cháu chỉ vận động những bài đơn giản như giơ tay, vặn người bằng một nhịp điệu khá uể oải. Vậy nên với những đứa trẻ từng trải qua thời gian tập thể dục cho vui ở Việt Nam mà sang Nhật học thể dục, đa phần đều sốc nặng.
Người Nhật rất coi trọng thể chất của trẻ em. Các trường học từ tiểu học lên trung học cơ sở và trung học phổ thông, đều có phòng tập thể chất và sân đất và bể bơi. Bất kể là trời nắng hay lạnh thì trẻ em Nhật vẫn ra sân tập thể dục, thể thao hay tập luyện các môn thể thao trong phòng tập thể chất. Nội dung bài học cũng đòi hỏi rất cao. Tất cả học sinh đều thay quần áo thể thao và nắng hay mưa thì cũng vận học bình thường.
Khung leo trèo
Xà đơn
Sân trường cấp 1 ở Nhật thường có những thiết bị thể dục như xà đơn, xà kép, các loại thiết bị để leo trèo, nên sau giờ học, trẻ em Nhật rất thích chơi với các loại hình thể dục này.
Vậy nên nếu bạn có ý định đưa con cái của mình sang Nhật từ năm cấp 1 thì hãy chuẩn bị tinh thần cho cháu nó về những tiết học thể dục rất căng nhé.
Xe máy không thể biến thành xe thồ
Bạn của tôi năm ngoái quyết định chuyển từ ký túc xá ra ngoài sống. Thay vì thuê công ty chuyển nhà, cậu này nhờ xe ô tô của một người bạn chất lên đó những món đồ cồng kềnh. Đen thế nào lại xót ra 1 cái bàn học dài khoảng 1,2 mét.
Người Việt Nam thường hay buộc hàng hóa vào sau xe máy để chở đi, và người bạn tôi vì không muốn nhờ bạn đi 2 chuyến nên buộc cái bàn học lên yên sau xe máy của mình rồi cứ thế chở sang nhà mới. Suốt chặng đường đi, cậu bạn tôi liên tục bị người dân nhìn theo.
Ở Nhật Bản không có chuyện chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe máy và kết cục là cậu bạn tôi bị cảnh sát dừng xe, yêu cầu phải tháo chiếc bàn khỏi xe máy và thuê một công ty vận chuyển đàng hoàng để chuyển bàn tới nhà mới. Kết cuộc, bạn tôi phải nhờ người bạn mang xe ô tô đến chuyển một chuyến nữa.
Ở Việt Nam, việc vận chuyển hàng hóa cồng kềnh bằng xe máy cũng không là điều gì đáng ngạc nhiên, thậm chí được nâng lên tầm… nghệ thuật, khiến người nước ngoài phải ố á, trầm trồ không ngớt.
Nhưng thực ra, luật giao thông Việt Nam cũng không cho phép chở hàng cồng kềnh sau xe máy. Tuy nhiên xe máy ở Việt Nam hiện vẫn là một phương tiện di chuyển quan trọng nên trên thực tế, cảnh sát giao thông cũng … phớt lờ cho.
Đồ được chở bằng xe máy ở Nhật được quy định kích cỡ như sau:
・ Chiều dài chỉ được phép dài hơn yên xe 30cm
・ Hai bên chỉ được phép rộng hơn yên xe mỗi bên 15cm (tổng cộng là 30cm)
・ Chiều cao tối đa tính từ mặt đất là 2 mét.
・ Trọng lượng đối đa là 60kg (đối với xe phân khối 50cc thì chỉ được phép 30kg)
Như các bạn thấy, quy định đối với hàng hóa được phép chở bằng xe máy rất cụ thể rõ ràng nên nếu cần vận chuyển đồ lớn, hãy thuê xe tải nhẹ hoặc thuê công ty chuyển nhà cho nhàn thân nhé.
Tổ chức tang lễ trong phạm vi gia đình ở Nhật
Gần đây tôi có một người bạn Nhật làm việc nhiều năm ở Việt Nam và sau khi về Nhật một thời gian thì mất. Bạn bè, đồng nghiệp ở Nhật và ở Việt Nam đều biết ông qua đời nhưng không được gia đình thông báo việc tang lễ. Chúng tôi đều buồn vì nghĩ rằng “Gia đình ông không coi chúng tôi là bạn của ông”.
Tuy nhiên, đây là văn hóa tổ chức tang lễ gần đây của người Nhật chứ không phải họ lạnh lùng đâu. Gần đây, nhiều người không thông báo việc người thân qua đời cho bạn bè thân quen của người quá cố. Trường hợp có thông báo thì đa phần đều viết thêm là “Không nhận tiền phúng điếu hoặc vòng hoa”.
Từ khi đại dịch vi-rút corona lan rộng, ngày càng nhiều gia đình tổ chức lễ tang với quy mô nhỏ rồi sau đó mới thông báo với bạn bè hoặc người quen với người quá cố.
Vì vậy, nếu không được thông báo về đám tang thì cũng đừng nghĩ rằng gia đình không coi trọng bạn bè của người quá cố mà hãy hiểu rằng đây là văn hóa trong thời gian gần đây ở Nhật Bản.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17079 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13037 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Cách mở thẻ Credit cho người nước ngoài
Khi bắt đầu sống ở Nhật, hai thứ bạn cần có đầu tiên là tài khoản ngân hàng và điện thoại di động phải không nào? Thế nhưng với mình, như vậy vẫn chưa đủ. Hồi ở Việt Nam, mình sử dụng thẻ tín dụng và các ứng dụng trên điện thoại để thanh toán hầu hết các hoá đơn nên khi sang Nhật, nếu không có thẻ tín dụng, mình thấy rất bất tiện. Ban đầu mình không thể mở thẻ tín dụng ở Nhật một cách dễ dàng, nhưng cuối cùng thì mình cũng đã mở được 3 loại thẻ khác nhau, sau đây mình sẽ giới thiệu cho các bạn trải nghiệm của mình nhé.〈Vân Hoàng〉 Không thể mở thẻ tín dụng tại ngân hàng Trước khi bắt đầu đi làm vào mùa thu năm 2021 này, mình đã sống 1 năm ở Nhật với tư cách là du học sinh nhận học bổng Chính phủ. Ngay sau khi sang Nhật, để có thể nhận tiền học bổng hàng tháng, mình đã mở tài khoản của “Ngân hàng Yucho”. Sau đó mình được ngân hàng phát cho sổ ngân hàng và thẻ rút tiền, nhưng thẻ này không có chức năng như một thẻ Debit nên không thể sử dụng để thanh toán khi mua hàng tại siêu thị hay trên các trang mua sắm online. Lần này là lần thứ ba mình đi du học theo diện nhận học bổng Chính Phủ (chương trình cao học). Lần du học đầu tiên, mình không biết về thẻ Credit, còn lần du học thứ hai thì nhân viên của ngân hàng Yucho đã hỏi mình có muốn làm thẻ Credit hay không nên mình đã làm thẻ. Lần thứ ba này, mình nói với nhân viên của ngân hàng Yucho là “Tôi muốn mở thẻ Credit”, nhưng vì thời gian lưu trú của mình chỉ có 1 năm nên họ đã trả lời là mình không đủ điều kiện mở thẻ. Ở lần du học thứ hai, mình có thời gian lưu trú là 2 năm, còn lần này chỉ có 1 năm thôi nên mình không được mở thẻ. Khác biệt lớn giữa cuộc sống không dùng tiền mặt và cuộc sống cần tiền mặt Những năm gần đây, mình đã sống ở Việt Nam với phương thức thanh toán không cần tiền mặt (cashless). Trong ví của mình có 3 thẻ Credit, trong điện thoại cũng có các ứng dụng của ngân hàng, ví thanh toán điện tử nên gần như mình không đem theo tiền mặt và mình thấy không có gì bất tiện cả. Khi đi làm (bằng GrabBike), mua sắm, ăn uống bên ngoài, mình đều có thể thanh toán bằng thẻ, ở các cửa hàng nhỏ thì có thể thanh toán thông qua mã QR trên ứng dụng trong điện thoại. Ngoài ra, khi đi ăn cùng với bạn bè, một bạn sẽ đứng ra trả hết tiền trước, sau đó các thành viên còn lại sẽ chuyển khoản tiền ăn cho bạn đó. Ở Việt Nam, chuyển tiền trong ngân hàng hay khác ngân hàng đều không mất phí, đã vậy còn không mất thời gian, không mất công nên cực kì tiện lợi và thoải mái. Bảng sao kê giao dịch khi mình mua sắm ở Nhật bằng thẻ của Việt Nam Thế nhưng, lần này vì không mở được thẻ Credit của Nhật nên mình đã quay lại cuộc sống cần đến tiền mặt. Dù mình có 3 thẻ của Việt Nam nhưng sau khi mua sắm ở Nhật, công ty thẻ sẽ quy đổi tỷ giá sang tiền Việt và điều này thì không hề có lợi chút nào, thậm chí còn bị tính phí giao dịch nước ngoài (0,8% tổng số tiền giao dịch). Nhiều ứng dụng ví điện tử trên điện thoại cũng yêu cầu phải có thẻ Credit, nên không có thẻ thì không dùng được. Các khoản tiền điện thoại, tiền điện v.v… mình đều phải đến cửa hàng tiện lợi để thanh toán bằng tiền mặt. Mình cũng đã thử dùng ứng dụng “Yucho pay” nhưng ứng dụng này không được chấp nhận ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Thẻ EPOS của GTN Cứ như thế, mình đã rất khổ sở vì không làm được thẻ Credit của Nhật, nhưng một ngày nọ, một vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện. Khoảng một tuần sau khi kí hợp đồng với hãng SIM điện thoại giá rẻ tên là “GTN mobile”, nhân viên người Việt của hãng đã gọi điện thoại cho mình. Họ mời mình mở thẻ Credit được gọi là “Thẻ EPOS (Epos card)”. GTN là SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng có thể dễ dàng mua được. Nhân viên của GTN biết mình là người nước ngoài nên đã gọi điện thoại cho mình. Việc “không mất phí hội viên thường niên” hay “được tặng 2000 điểm” cũng cực kì hấp dẫn. Nghe thế, mình không hề phân vân mà nói luôn “đúng rồi, mình muốn mở thẻ” và sau đó mình đã đăng ký online để làm thẻ. Chỉ mấy hôm sau, thẻ Credit của mình đã được chuyển đến. Để xác nhận danh tính, nhân viên chuyển phát đã yêu cầu mình xuất trình thẻ lưu trú, sau khi đưa thẻ cho anh ấy xem, mình đã nhận được thẻ Credit. Thời gian lưu trú của mình chỉ có một năm thôi nhưng mình đã nhận được thẻ Credit với thời hạn sử dụng là 5 năm đấy. Cảm ơn GTN rất nhiều! [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Về GTN mobile [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang đăng ký thẻ EPOS của GTN Mở được thẻ của Rakuten và Amazon! Quảng cáo về thẻ của Rakuten Mọi người thường nói là thời gian lưu trú ngắn nên không mở được thẻ Credit. Thế nhưng, có vẻ là chính sách đó đã thay đổi rồi. Một hôm, khi đang mua sắm trên trang Rakuten ichiba (một trang bán hàng rất lớn), tình cờ thấy phần quảng cáo là nếu mở thẻ Credit của Rakuten, “bạn sẽ nhận được 5000 điểm (tương ứng với 5000 yên)”, “không mất phí hội viên thường niên” nên mình nghĩ, “Hay thử mở cái này xem sao” và mình đã thử đăng ký. Không ngờ mình qua được vòng xét duyệt và đã mở được thẻ. Thẻ này có ưu điểm là khi mua sắm trên trang Rakuten ichiba và thanh toán bằng thẻ của Rakuten, mình sẽ tích được nhiều điểm hơn so với việc thanh toán thông thường. Amazon thì thế nào nhỉ? 10 năm trước mình đã thử đăng ký mở thẻ Credit của Amazon nhưng không qua được vòng xét duyệt. Tuy nhiên, khi thấy Amazon có ưu đãi “nhận được 5000 điểm” nếu mở thẻ, dù biết trước có thể sẽ không mở được thì mình vẫn thử đăng ký. Sau đó, mình qua vòng xét duyệt và nhận được thẻ của Amazon! Thẻ Debit Ngoài thẻ Credit, mình nghe nói người quen của bạn mình thường sử dụng thẻ Debit. Thẻ Debit là thẻ có thể sử dụng số tiền tương ứng với số dư trong tài khoản ngân hàng, khi sử dụng thẻ thì đồng thời tiền trong tài khoản cũng sẽ bị trừ luôn. Anh ấy là kỹ sư, sau khi sang Nhật vài tháng anh ấy có thử làm thẻ Credit nhưng không qua được vòng xét duyệt của công ty thẻ. Sau đó anh ấy đã đăng ký làm thẻ Debit của ANA trên trang chủ của ANA – hãng hàng không lớn của Nhật và hãng đã đồng ý phát hành thẻ cho anh ấy. Anh ấy dùng thẻ này để kí hợp đồng với SIM giá rẻ “Rakuten mobile”, mua vé máy bay v.v. Thẻ Debit cũng có thể tích điểm và số điểm này có thể sử dụng thay cho tiền mặt. Tổng kết Lần này, mình đã không thể mở thẻ Credit của ngân hàng Yucho nhưng mình đã có thể mở thẻ EPOS của GTN, thẻ Credit của Rakuten và Amazon. Có vẻ như ngay cả những người nước ngoài có thời gian lưu trú ngắn hạn ở Nhật cũng có thể dễ dàng mở thẻ hơn trước đây. Thẻ Credit có một số ưu điểm chính như sau. ✔︎ Thẻ có thể dùng để thanh toán khi mua hàng trên các trang online như Amazon, Rakuten ichiba v.v. ✔︎ Khi mua vé máy bay, đặt vé và thanh toán online ✔︎ Có thể tích điểm khi sử dụng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi v.v. ✔︎ Nếu dùng thẻ để thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, tiền gas v.v., hàng tháng tiền sẽ được tự động trừ vào ngày cố định và bạn cũng được tích điểm vào thẻ. ✔︎ Dùng thẻ để thanh toán dịch vụ giao hàng tận nhà cũng rất tiện lợi. Lần này mình đã giới thiệu với các bạn cách mở thẻ Credit. Về cách sử dụng thẻ Credit, mình sẽ giới thiệu cụ thể hơn trong một bài viết khác nhé.
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào?
(Chia sẻ từ anh Bùi Bình Minh, thành viên ban lãnh đạo của một công ty nhân lực ở Nhật) Tôi đã sống ở Nhật khoảng 30 năm và là một trong những thành viên ban lãnh đạo của một công ty Nhật Bản được 5 năm. Xã hội Nhật Bản xác lập một chuẩn mực rất cao về việc đúng giờ. Trễ giờ vài phút có thể chưa phải là nghiêm trọng, nhưng tới 15 phút thì ở ngưỡng chịu đựng, còn trễ 30 phút có thể coi là “miễn bình luận”. Người nước ngoài thường choáng với mức độ chi tiết trong lịch làm việc của các đoàn công tác Nhật Bản. Sự chính xác giờ giấc của phương tiện giao thông công cộng cũng là một kỳ tích với những người mới bước chân tới Nhật Bản. Không giữ đúng giờ, dù chỉ là khoảng thời gian trong khuôn khổ mà một người nước ngoài có thể xuề xòa bỏ qua thì ở Nhật lại được nhìn nhận là không giữ lời hứa và rất khó được châm chước. Vấn đề không phải là ít phút đó quan trọng từ khía cạnh thời gian. Vấn đề là người Nhật sẽ đánh giá bạn là người thiếu tin cậy, thậm chí thiếu tôn trọng người khác khi để người khác phải lãng phí thời gian đợi bạn. Trễ hẹn trong những dịp quan trọng như phỏng vấn hay lần tiếp xúc đầu tiên với khách hàng sẽ để lại ấn tượng đặc biệt tiêu cực và ảnh hưởng lớn lên quyết định đối với bạn. Theo cách hiểu thông thường ở Nhật, “đúng giờ” trong công việc không có nghĩa là tới điểm hẹn đúng giờ mà cần được hiểu là đến trước chừng 10 phút. Và để có thể đảm bảo tới điểm hẹn trước 10 phút trong cả trường hợp gặp trục trặc trên đường đi, bạn cần phải tính toán để có một khoảng dự phòng dài hơn thế, tuỳ theo quãng đường di chuyển đến điểm hẹn. Vậy thì phải làm thế nào nếu bạn rơi vào tình huống có nhiều khả năng bị lỡ hẹn? Nhìn chung, nếu như nhận thấy khả năng bị trễ, hãy tìm cách thông báo càng sớm càng tốt. Nếu có thể tính toán được thời gian dự định sẽ trễ hẹn, đừng quên cộng thêm một khoảng dự phòng đủ an toàn để bạn chắc chắn tới trước giờ đã báo. Trường hợp không dự tính được thời gian, hãy thông báo rằng bạn sẽ liên lạc ngay khi biết được thời gian dự định. Ngay cả khi đang rất vội vã để tới được điểm hẹn sớm nhất, việc liên lạc cần được ưu tiên để người đợi bạn không phải bị động chờ đợi. Nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và trong hầu hết các trường hợp, ảnh hưởng của việc trễ hẹn sẽ giảm nhẹ đi đáng kể. Nếu là một cuộc hẹn trong nội bộ công ty, bạn nên thông báo đúng về lý do trễ hẹn, ngay cả khi đó là lý do chủ quan của cá nhân bạn. Nếu là cuộc hẹn với bên ngoài, một lý do quá rõ ràng do sự bất cẩn của cá nhân bạn có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả công ty. Trường hợp đó, tốt nhất là nên đưa ra cách giải thích hay một lý do dễ chấp nhận hơn. Đương nhiên, điều cần làm là tránh không để bị rơi vào tình huống như vậy. Lên lịch cẩn thận, di chuyển sớm, dành khoảng thời gian thích hợp cho chuẩn bị, đến trước hẹn còn giúp bạn có phong thái tốt nhất trước cuộc gặp và chắc chắn có tác động tích cực lên ấn tượng của người gặp. Có một điểm thú vị cần lưu ý là nếu bạn tới điểm hẹn là nhà hay văn phòng của người bạn gặp quá sớm, bạn lại cần đợi cho tới trước giờ hẹn chừng 5, 10 phút mới nên xuất hiện. Xuất hiện quá sớm cũng có thể gây phiền hà cho người phải tiếp đón bạn và khiến họ bối rối. Nhưng nói người Nhật đúng giờ thì có khi lại chỉ đúng một nửa. Có vẻ như người Nhật chỉ nghiêm khắc về thời điểm bắt đầu, nhưng lại dễ dãi trong thời điểm kết thúc một cuộc hẹn. Những cuộc họp lê thê tưởng chừng như bất tận, rồi những cuộc nhậu không hồi kết là thứ không hề hiếm hoi. Chẳng mấy ai nhận thức được rằng kết thúc cũng cần phải đúng hẹn như bắt đầu. Vậy nên, nếu bạn cần kết thúc một cuộc hẹn đúng giờ, ngay khi bắt đầu, hãy thông báo trước thời gian bạn có kèm theo lý do. Khi đó chắc chắn người bạn gặp sẽ hiểu và thu xếp thời gian cuộc gặp trong khuôn khổ mà bạn đã yêu cầu.
-
Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt
Nếu bạn gặp các vấn đề trong việc học tập, làm việc (thực tập kỹ năng, làm chính thức tại công ty, làm ngắn hạn tại công ty, làm thêm) hay các vấn đề về đời sống, tư cách lưu trú v.v.; dù đã trao đổi với công ty, các tổ chức tiếp nhận, nhà trường, các anh chị tiền bối v.v. mà vẫn chưa giải quyết được thì lúc đó nên đến đâu để xin tư vấn? Cho đến nay, có rất nhiều anh chị tiền bối đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức tư vấn và các hội nhóm hỗ trợ. Dù không thể giải quyết vấn đề ở 1 nơi thì bạn cũng đừng bỏ cuộc, đừng bỏ trốn, hãy thử xin lời khuyên từ nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ nhé! Các tổ chức tư vấn mà bạn nên biết Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình thực tập kỹ năng mà nghiệp đoàn (công ty tiếp nhận) hay công ty bạn đang làm không giải quyết một cách thỏa đáng, việc đầu tiên bạn nên làm là liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) để xin tư vấn. Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt thông qua trang chủ của Hiệp hội. Hiệp hội cũng có hỗ trợ qua điện thoại (0120-250-168) (miễn phí). Nếu bạn có thể đến trực tiếp văn phòng của Hiệp hội (OTIT) thì cũng rất tốt. Khi đó, bạn nên phô tô thẻ lưu trú của mình ở cửa hàng tiện lợi, viết sẵn ra giấy những trăn trở và các điểm bạn thấy không thỏa đáng (bất mãn) rồi mang đến Hiệp hội. Khi tới nơi, bạn có thể đọc những gì đã viết trên giấy và giải thích thêm. Nếu cần, bạn cũng có thể nhờ OTIT hỗ trợ người phiên dịch. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động Dù bạn là thực tập sinh kỹ năng hay lưu học sinh, hãy xin tư vấn từ Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản về các vấn đề như không được trả tiền làm thêm giờ v.v. Gần đây, Cục cũng hỗ trợ tư vấn cho người nước ngoài. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản Các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều thành tích Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài Nếu bạn đã trao đổi với những cơ quan trực thuộc nhà nước như OTIT hay Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề hoặc không thể tự mình xin tư vấn tại những cơ quan này thì bạn cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ phi chính phủ. Đây đều là các tổ chức đã có nhiều thành tích giúp đỡ những người gặp khó khăn. Cổng tư vấn cho thực tập sinh người nước ngoài (Facebook) = Các vấn đề về lao động của thực tập sinh kỹ năng, vấn đề tuyển dụng, vấn đề trong đời sống, các vấn đề liên quan đến tư cách lưu trú. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật = Các vấn đề liên quan đến lao động, tuyển dụng, đời sống, việc làm, tư cách lưu trú của lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng và toàn bộ người Việt Liên đoàn lao động Gifu Chi nhánh người nước ngoài số 2 = Ông 甄凱 (Kenkai) trưởng chi nhánh: 090・8496・9668 (tiếng Nhật) = Các vấn đề liên quan đến việc lao động, tuyển dụng, tư cách lưu trú của thực tập sinh kỹ năng, nhân viên chính thức tại các công ty, nhân viên kí hợp đồng ngắn hạn, toàn bộ lao động người nước ngoài Các đoàn thể và hội nhóm người Việt hoạt động sôi nổi Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ) =Hotline về đời sống, y tế, sức khỏe: 050-6874-8385 Hội người Việt tại Sendai (SenTVA) Hội người Việt tại Ibaraki Các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (tại các thành phố chính) Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (chính) trên toàn Nhật Bản. ■ Thành phố Tokyo Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (FRESC) = Tư vấn về tất cả các vấn đề của người nước ngoài như đời sống, lao động, tuyển dụng, việc làm, tư cách lưu trú v.v. = Quầy hỗ trợ FRESC: 0120-76-2029 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) =Số điện thoại đặt lịch hẹn trước của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại FRESC: 03-5363-3025 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) ※Quầy hỗ trợ có thể tiếp nhận tư vấn toàn Nhật Bản. ※Trong trường hợp muốn được trợ giúp bằng tiếng Việt, dù gọi đến số nào trong hai số điện thoại trên thì bạn cũng cứ nói tiếng Nhật “Betonamugo de onegaishimasu” (có nghĩa là “Xin hãy trợ giúp bằng tiếng Việt” ) hoặc tiếng Anh nhé. ■ Tỉnh Hokkaido Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Hokkaido = 011-200-9595(ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-17:00) ■ Tỉnh Miyagi Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Miyagi = 022-275-9990 ■ Tỉnh Ibaraki Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 029-244-3811 (tiếng Việt: thứ hai, thứ ba, thứ tư) ■ Tỉnh Saitama Trung tâm tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài Saitama = 048-833-3296 ■ Tỉnh Chiba Tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Chiba = 043-297-2966 (ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-16:00) = Email: ied@ccb.or.jp ■ Tỉnh Kanagawa Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa thành phố Yokohama = 045-222-1209 = E-mail:t-info@yoke.or.jp ■ Tỉnh Shizuoka Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa tỉnh Shizuoka (Kameria) = 054-204-2000(平日10:00~16:00) = E-mail:sir07@sir.or.jp ■ Tỉnh Aichi Trung tâm cộng sinh đa văn hóa Aichi = 052-961-7902 (từ thứ hai đến thứ bảy 10:00~18:00) ■ Phủ Osaka Khu thông tin dành cho người nước ngoài phủ Osaka = 06-6941-2297 = E-mail:jouhou-c@ofix.or.jp ■ Thành phố Osaka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 06-6773-6533 (ngày thường 9:00~19:00; thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ 9:00~17:30) ■ Tỉnh Hyogo Trung tâm cộng đồng quốc tế Kobe =078-291-8441 (tiếng Việt: thứ hai, thứ tư 09:00~12:00, 13:00~17:00) ■ Tỉnh Hyogo Hội hữu nghị Việt Nhật Hyogo = 078-646-3110 = Email: cntorimoto@yahoo.co.jp ■ Tỉnh Okayama Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Okayama = 086-256-6052 (ngày thường 9:00~17:00) = E-mail:support@opief.or.jp ■ Tỉnh Hiroshima Trung tâm quốc tế Hiroshima = 0120-783-806 ■ Tỉnh Fukuoka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Fukuoka = 092-725-9207 (hàng ngày 10:00~19:00) = E-mail:fukuoka-maic@kokusaihiroba.or.jp ■ Thành phố Fukuoka Trung tâm hỗ trợ tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài TP Fukuoka = 092-262-1799 (ngày thường 8:45~18:00) Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế hỗ trợ tư vấn (toàn tỉnh) Tại đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn danh sách các tổ chức hỗ trợ tư vấn dành cho người nước ngoài tại các tỉnh thành (bao gồm cả khu vực tự quản) trên toàn Nhật Bản, các hội giao lưu quốc tế v.v. (Bản tiếng Việt và tiếng Nhật) Bạn chỉ cần click vào tên của nơi bạn đang sống (tiếng Nhật và bảng chữ cái alphabet) xuất hiện trong khung là bạn có thể xem được danh sách tổng hợp các tổ chức hỗ trợ. Tại những tổ chức có hỗ trợ tiếng Việt, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ màu đỏ có ghi “tiếng Việt”. Ngoài ra, nếu bạn click vào đường link (URL) màu xanh trong bảng, bạn sẽ được liên kết tới trang chủ của tổ chức tư vấn đó. Phân chia theo khu vực: Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế có hỗ trợ tư vấn (có kèm link)
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_20: Người Nhật ngại nhìn vào mắt khi nói chuyện?
Trong phần 20 của loạt bài Việt Nam OK Nhật Bản Dame hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu 3 phần: 1. Ở Nhật Bản, khi nói chuyện, nhìn thẳng vào mắt nhau không được coi là tốt? 2. Những điểm “ngạc nhiên” trong cách “hưởng tuổi già” ở Nhật và 3. Người Nhật thường ăn trưa một mình? Chỉ có người trẻ tuổi mới nhìn thẳng vào mắt nhau Do sự du nhập mạnh mẽ của văn hoá phương tây, giao tiếp bằng mắt (eye contact) ở Việt Nam được coi là một kỹ năng. Rất nhiều tài liệu chứng minh quyền lực của khả năng giao tiếp thông qua ánh mắt, dẫn tới hiện tượng nhiều bạn trẻ có xu hướng nhìn chằm chằm vào mặt hoặc mắt người đối diện khi nói chuyện và coi đó là hành động thể hiện sự tự tin. Ở Việt Nam thì không sao, cùng lắm đối phương chỉ nhắc nhẹ bạn rằng “đừng nhìn chằm chằm vào tôi nữa, mất tự nhiên lắm” mà thôi chứ không có ý gì khác. Nhưng ở Nhật thì việc nhìn chằm chằm vào người đối diện có thể được cho là “Có ý lạ”. Người Nhật ngại nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói chuyện Người Nhật vốn coi việc nhìn lâu vào mặt người đối diện khi nói chuyện là hành vi bất lịch sự. Tất nhiên là khi nói chuyện, người Nhật cũng có nhìn vào mặt nhau, nhưng thường để ánh mắt vào “khoảng giữa mặt” hoặc vào “nút thắt ca-ra-vạt”. Vì vậy việc nhìn chằm chằm vào người đối diện đôi khi bị cho là thể hiện sự… hiếu chiến. Chuyện sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn là đàn ông và đối tượng bạn nhìn chằm chằm là một cô gái xinh đẹp. Dù không có tình cảm đặc biệt gì nhưng nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào cô gái đối diện thì sẽ bị hiểu nhầm là bạn thích người đó và có thể khiến người đó cảm thấy khó chịu và sẽ bị cho là “bất thường”. Chính vì cách suy nghĩ bám rễ sâu trong đời sống này, nên người Nhật rất ngại nhìn lâu vào mắt nhau. Tuy nhiên cùng với xu hướng toàn cầu hóa, gần đây khi hướng dẫn sinh viên đi tìm việc làm, còn có cả hướng dẫn “hãy nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện” . Trong mục tiêu giáo dục môn quốc ngữ ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục Khoa học Nhật Bản còn đề ra mục tiêu “Nhìn vào mắt người đối diện khi nghe hoặc khi nói”. Chí ít thì nhà trường cũng cần hướng dẫn các em nhìn vào mặt người đối diện khi nói chuyện. Cách “hưởng tuổi già” của người Nhật Người Nhật thích làm việc kể cả khi đã nhiều tuổi Ở Việt Nam, rất nhiều người già đều có chung suy nghĩ rằng, tuổi già là giai đoạn hưởng thụ. Sau cả một đời người nỗ lực tích góp, chăm sóc gia đình, nhiều người khi bước vào giai đoạn “thất thập cổ lai hy” bắt đầu có xu hướng thả lỏng, hưởng thụ và muốn được hưởng thời gian vui vầy cùng con cháu. Nếu bạn đã quá quen với chuyện này tôi tin rằng bạn sẽ phải tròn mắt khi chứng kiến cách người già Nhật Bản “hưởng thụ” tuổi già: Họ… làm việc. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, lực lượng lao động từ 65 tuổi trở lên mỗi năm lại gia tăng. Năm 2020 có 9.240.000 người lao động từ 65 tuổi trở lên, chiếm hơn 13% tổng số người lao động từ 15 tuổi trở lên. Năm 2013, tức là trước khi chế độ tiếp tục tuyển dụng sau khi về hưu bắt đầu thì số người lao động trong độ tuổi này là 6.370.000. Như vậy sau 7 năm, con số này đã tăng gần 3.000.000 người. Ở siêu thị gần nhà tôi, những công việc như lau dọn nhà vệ sinh, xếp giỏ và xe đẩy, hướng dẫn xe ra vào bãi đậu...đều do một nhóm người già làm. Những bãi đậu xe thu phí ở các nhà ga lớn cũng đa phần do người lớn tuổi phụ trách. Đa phần đây là những người cao tuổi, làm việc bán thời gian. Nhóm người già này có những cụ đã trên 75 tuổi. Do con cái đã trưởng thành và tinh thần yêu lao động nên họ vẫn muốn tiếp tục làm điều gì đó để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tại một khách sạn trung tâm ở thành phố Fukuoka, người già chiếm tới 50% quân số của đội ngũ lau dọn. Người già nhất lên tới 78 tuổi. Họ hàng ngày vẫn làm việc từ 6-8 tiếng, vẫn vác những bao tải ga giường và vỏ gối nặng chình chịch. Thi thoảng vẫn có những cụ than đau lưng, mỏi gối, nhưng họ không bao giờ ngừng lại. Không bia rượu vào buổi trưa? “Đi ăn trưa, tranh thủ làm vài cốc không” là một trong những câu rủ rê quen thuộc nhất ở các văn phòng tại Việt Nam. Bản thân tôi cũng từng tranh thủ giờ nghỉ trưa đi làm vài cốc cho mát vào những ngày Hè nóng bức và chứng kiến không ít bạn bè, đồng nghiệp uống đến mặt đỏ tía tai rồi trở lại làm việc buổi chiều như bình thường. Ở Nhật cũng có giờ nghỉ trưa, cũng có những lời rủ rê đi ăn trưa nhưng chuyện uống vài ly bia, rượu vào giờ nghỉ trưa thì gần như không bao giờ xuất hiện. Có những trường hợp, do công việc mà 2 bên đối tác thỏa thuận cùng uống bia trong bữa trưa vừa làm việc nhưng chỉ ăn trưa thông thường thì không bao giờ uống đồ uống có cồn. Kỷ luật làm việc trong công sở của người Nhật rất nghiêm khắc, nếu đã có hơi men trong máu rồi trở lại làm việc bị coi là vi phạm đạo đức chốn công sở. Văn hoá ăn trưa giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng rất khác biệt. Ở Việt Nam, ăn trưa tại các quán cơm văn phòng rồi làm cốc café tám chuyện là tương đối phổ biến. Tôi biết nhiều người rất tôn trọng nguyên tắc “không bao giờ ăn trưa một mình”. Ở Nhật, hình ảnh những công chức ngồi ăn đơn độc ở các công viên là rất phổ biến. Thường người Nhật cũng hay đi ăn trưa với đồng nghiệp nhưng lúc bận rộn nhiều người mua cơm hộp ở cửa hàng tiện lợi rồi ngồi ăn một mình ở công viên hoặc tại bàn làm việc rồi lập tức trở lại với công việc. Giờ nghỉ trưa ở Nhật chỉ có đúng 1 tiếng nên người Nhật không thể dề dà kéo dài thời gian nghỉ trưa được. Vậy nên nếu bạn có thói quen tận dụng giờ ăn trưa để “khề khà” thì đừng áp dụng nó ở Nhật nhé, người Nhật sẽ cảm thấy rất kỳ lạ khi bạn kéo dài một cách không hợp lý thời gian tận hưởng bữa trưa của mình.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17079 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13037 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài