Giải quyết khó khăn
Chú ý lừa đảo trong mua bán rau quả trên mạng
Số người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản ngày càng gia tăng nên nhu cầu về thực phẩm, rau quả của Việt Nam cũng tăng nhanh. Hiện ở Nhật Bản, ngoài những cửa hàng bán nguyên liệu nấu món ăn Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhiều nhóm bán hàng rau quả, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến trên mạng xã hội cũng hoạt động rất sôi nổi. Ngoài những trang mạng kinh doanh chính thức, còn có những cách bán hàng trên mạng không chính thức và khi mua bán theo kiểu này có nhiều nguy cơ dẫn tới hiện tượng lừa đảo “đã trả tiền mà không nhận được hàng”. Sau đây là một số hình thức lừa đảo đang phổ biến hiện nay.
Chuyển tiền vào tài khoản, không nhận được hàng ①
Một bạn nữ sống ở Hokkaido cho biết: Mình có mua xoài của cửa hàng đăng trong một nhóm mạng xã hội. Mình vào tin nhắn trao đổi và sau đó đã chuyển khoản 2.500 yên. Sau đó vài hôm mình vào nhắn tin thì bị chặn facebook không vào được, không xem được, và tài khoản họ gửi cho cũng bị huỷ. Mình hiểu thế là mình đã bị lừa.
Nội dung trao đổi như sau
Người mua: Shop cho mình xin thẻ, mình chuyển tiền xoài và nhót
Người bán: (Gửi ảnh thẻ ngân hàng Yucho)
Người bán: Chuyển xong chụp ảnh bill cho shop với nhé
Người mua: Em chuyển khoản tổng bao nhiêu chị
Người bán: 1kg xoài, 1 cân nhót, 2.520 yên em nhé
Người mua: 2kg xoài nha chị. Hàng chị gửi về địa chỉ này nha (gửi địa chỉ)
Sau khi chuyển khoản
Người mua: Shop gửi đồ cho mình chưa
Người bán: Rồi em nha. Chắc mai có rồi
Sau đó 2 ngày
Người mua: Em vẫn chưa nhận được đồ shop gửi ạ
Tới đây thì hộp thư hiện lên dòng chữ: Hiện không liên lạc được người này trên Messenger
※ Bạn nữ bị lừa trong trường hợp này có viết rằng số tiền mình bị lừa tuy không nhiều nhưng mình muốn mọi người hãy cẩn thận, đừng để bị lừa đảo như vậy.
Chuyển tiền vào tài khoản, không nhận được hàng ②
Một bạn nữ là thực tập sinh kỹ năng đặc định ở Kanagawa mua xoài qua một bạn đăng bán hàng, cho biết hôm 25/12/2021 có thấy 1 bạn đăng bài bán xoài trên một nhóm FB. Bình thường mua xoài ở cửa hàng Nhật thì đắt nhưng giá bán ở bài đăng lại rẻ nên em đã nhắn tin và đã chốt đặt 3 thùng giá 2.100 yên/ thùng.
Mọi việc liên lạc suôn sẻ và theo chỉ dẫn bên bán, bạn đã chuyển số tiền 7.200 yên và địa chỉ nhận hàng và vui mừng chờ đợi hàng đến. Mấy ngày sau cũng không thấy hàng đến và khi vào hộp nhắn tin để liên lạc thì thấy hiện ra dòng chữ thông báo người dùng hiện tại không có mặt trên messenger.
Thủ thuật lừa đảo
Thường bán hàng lừa đảo trên FB diễn ra như sau:
・ Lấy cắp ảnh của người khác để lập fb giả
・ Sử dụng fb giá đó để bán hàng (thường thì ảnh hàng hóa cũng là ảnh giả)
・ Người mua nhắn tin để trao đổi mua bán
・ Bên bán hướng dẫn người mua chuyển khoản
・ Bên bán xác nhận tiền đã chuyển khoản (vẫn chưa gửi hàng)
・ Bên bán chặn người mua, không thể liên lạc được
・ Sau đó xóa fb giả đi.
Có rất nhiều trường hợp bị lừa theo kiểu chuyển khoản không nhận được hàng như vậy. Đa phần người bị lừa không báo cảnh sát vì cho là số tiền bị lừa không đáng kể và chỉ cảnh báo trên các nhóm fb mà thôi.
Gửi hàng rồi không nhận được tiền
Có lừa đảo chuyển khoản rồi nhưng không nhận được hàng và bị chặn tài khoản fb, thì ngược lại cũng có trường hợp gửi hàng xong, người nhận không trả tiền và chặn tài khoản fb.
Một bạn sống ở khu vực thủ đô có đăng bán hàng trên Facebook. Sau khi chốt bán hàng cho 1 người và chuyển hàng xong thì không nhận được tiền mua hàng (ảnh trên). Sau đó người này không còn liên lạc được trên Facebook nữa. Mặc dù có địa chỉ của người mua, nhưng vì tư cách lưu trú không cho phép hoạt động kinh doanh nên bạn không báo cho cảnh sát biết vụ việc.
Đặc điểm của kẻ lừa đảo
Việc sử dụng mạng xã hội hoặc trang đấu giá để mua bán là vấn đề tự do, kể cả đối với người nước ngoài. Tuy nhiên về cơ bản là để bán những thứ mà mình không còn dùng nữa. Trường hợp mua sỉ rồi bán lẻ hoặc bán hàng để thu lời thì việc này trở thành “kinh doanh”.
Những hoạt động kinh doanh trên mạng như vậy cần phải có tư cách lưu trú (visa) về hoạt động “Kinh doanh, quản lý”. Vì vậy người có tư cách “Kỹ thuật, trí thức nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” hoặc “Thực tập sinh kỹ năng” nếu tham gia hoạt động như vậy rất có khả năng bị coi là làm việc bất hợp pháp. Vì vậy không nên kéo dài hoạt động như vậy.
Trường hợp bị lừa, chúng ta nên thông báo với cảnh sát để điều tra, trường hợp bắt được kẻ lừa đảo, có thể chúng ta sẽ được hoàn trả một phần số tiền bị mất. Tuy nhiên những tài khoản Facebook được sử dụng để lừa đảo thường là thông tin giả và số tài khoản ngân hàng sử dụng để lừa đảo cũng là thẻ ngân hàng mua lại bất hợp pháp, nên rất khó bắt được kẻ lừa đảo.
Tổng kết: Làm thế nào để không bị lừa
Bán (chuyển nhượng) tài khoản ngân hàng là tội phạm!
Để không gặp phải những vụ việc lừa đảo như vậy, cách tốt nhất là có ý thức tuân thủ pháp luật. Không sử dụng dịch vụ bất hợp pháp là ta đã góp phần giảm được những tác hại của các hình thức lừa đảo. Đừng sử dụng những dịch vụ có khả năng phạm pháp hoặc trước khi về nước, không bán lại thẻ ngân hàng cho người khác.
Ngoài ra hiện nay có nhiều cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam trên khắp nước Nhật và các cửa hàng này đều có chế độ gửi hàng qua chuyển phát. Hãy tích cực mua hàng tại các cửa hàng chính thức có đăng ký kinh doanh nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17076 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13036 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt
Nếu bạn gặp các vấn đề trong việc học tập, làm việc (thực tập kỹ năng, làm chính thức tại công ty, làm ngắn hạn tại công ty, làm thêm) hay các vấn đề về đời sống, tư cách lưu trú v.v.; dù đã trao đổi với công ty, các tổ chức tiếp nhận, nhà trường, các anh chị tiền bối v.v. mà vẫn chưa giải quyết được thì lúc đó nên đến đâu để xin tư vấn? Cho đến nay, có rất nhiều anh chị tiền bối đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức tư vấn và các hội nhóm hỗ trợ. Dù không thể giải quyết vấn đề ở 1 nơi thì bạn cũng đừng bỏ cuộc, đừng bỏ trốn, hãy thử xin lời khuyên từ nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ nhé! Các tổ chức tư vấn mà bạn nên biết Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình thực tập kỹ năng mà nghiệp đoàn (công ty tiếp nhận) hay công ty bạn đang làm không giải quyết một cách thỏa đáng, việc đầu tiên bạn nên làm là liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) để xin tư vấn. Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt thông qua trang chủ của Hiệp hội. Hiệp hội cũng có hỗ trợ qua điện thoại (0120-250-168) (miễn phí). Nếu bạn có thể đến trực tiếp văn phòng của Hiệp hội (OTIT) thì cũng rất tốt. Khi đó, bạn nên phô tô thẻ lưu trú của mình ở cửa hàng tiện lợi, viết sẵn ra giấy những trăn trở và các điểm bạn thấy không thỏa đáng (bất mãn) rồi mang đến Hiệp hội. Khi tới nơi, bạn có thể đọc những gì đã viết trên giấy và giải thích thêm. Nếu cần, bạn cũng có thể nhờ OTIT hỗ trợ người phiên dịch. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động Dù bạn là thực tập sinh kỹ năng hay lưu học sinh, hãy xin tư vấn từ Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản về các vấn đề như không được trả tiền làm thêm giờ v.v. Gần đây, Cục cũng hỗ trợ tư vấn cho người nước ngoài. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản Các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều thành tích Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài Nếu bạn đã trao đổi với những cơ quan trực thuộc nhà nước như OTIT hay Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề hoặc không thể tự mình xin tư vấn tại những cơ quan này thì bạn cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ phi chính phủ. Đây đều là các tổ chức đã có nhiều thành tích giúp đỡ những người gặp khó khăn. Cổng tư vấn cho thực tập sinh người nước ngoài (Facebook) = Các vấn đề về lao động của thực tập sinh kỹ năng, vấn đề tuyển dụng, vấn đề trong đời sống, các vấn đề liên quan đến tư cách lưu trú. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật = Các vấn đề liên quan đến lao động, tuyển dụng, đời sống, việc làm, tư cách lưu trú của lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng và toàn bộ người Việt Liên đoàn lao động Gifu Chi nhánh người nước ngoài số 2 = Ông 甄凱 (Kenkai) trưởng chi nhánh: 090・8496・9668 (tiếng Nhật) = Các vấn đề liên quan đến việc lao động, tuyển dụng, tư cách lưu trú của thực tập sinh kỹ năng, nhân viên chính thức tại các công ty, nhân viên kí hợp đồng ngắn hạn, toàn bộ lao động người nước ngoài Các đoàn thể và hội nhóm người Việt hoạt động sôi nổi Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ) =Hotline về đời sống, y tế, sức khỏe: 050-6874-8385 Hội người Việt tại Sendai (SenTVA) Hội người Việt tại Ibaraki Các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (tại các thành phố chính) Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (chính) trên toàn Nhật Bản. ■ Thành phố Tokyo Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (FRESC) = Tư vấn về tất cả các vấn đề của người nước ngoài như đời sống, lao động, tuyển dụng, việc làm, tư cách lưu trú v.v. = Quầy hỗ trợ FRESC: 0120-76-2029 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) =Số điện thoại đặt lịch hẹn trước của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại FRESC: 03-5363-3025 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) ※Quầy hỗ trợ có thể tiếp nhận tư vấn toàn Nhật Bản. ※Trong trường hợp muốn được trợ giúp bằng tiếng Việt, dù gọi đến số nào trong hai số điện thoại trên thì bạn cũng cứ nói tiếng Nhật “Betonamugo de onegaishimasu” (có nghĩa là “Xin hãy trợ giúp bằng tiếng Việt” ) hoặc tiếng Anh nhé. ■ Tỉnh Hokkaido Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Hokkaido = 011-200-9595(ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-17:00) ■ Tỉnh Miyagi Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Miyagi = 022-275-9990 ■ Tỉnh Ibaraki Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 029-244-3811 (tiếng Việt: thứ hai, thứ ba, thứ tư) ■ Tỉnh Saitama Trung tâm tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài Saitama = 048-833-3296 ■ Tỉnh Chiba Tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Chiba = 043-297-2966 (ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-16:00) = Email: ied@ccb.or.jp ■ Tỉnh Kanagawa Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa thành phố Yokohama = 045-222-1209 = E-mail:t-info@yoke.or.jp ■ Tỉnh Shizuoka Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa tỉnh Shizuoka (Kameria) = 054-204-2000(平日10:00~16:00) = E-mail:sir07@sir.or.jp ■ Tỉnh Aichi Trung tâm cộng sinh đa văn hóa Aichi = 052-961-7902 (từ thứ hai đến thứ bảy 10:00~18:00) ■ Phủ Osaka Khu thông tin dành cho người nước ngoài phủ Osaka = 06-6941-2297 = E-mail:jouhou-c@ofix.or.jp ■ Thành phố Osaka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 06-6773-6533 (ngày thường 9:00~19:00; thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ 9:00~17:30) ■ Tỉnh Hyogo Trung tâm cộng đồng quốc tế Kobe =078-291-8441 (tiếng Việt: thứ hai, thứ tư 09:00~12:00, 13:00~17:00) ■ Tỉnh Hyogo Hội hữu nghị Việt Nhật Hyogo = 078-646-3110 = Email: cntorimoto@yahoo.co.jp ■ Tỉnh Okayama Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Okayama = 086-256-6052 (ngày thường 9:00~17:00) = E-mail:support@opief.or.jp ■ Tỉnh Hiroshima Trung tâm quốc tế Hiroshima = 0120-783-806 ■ Tỉnh Fukuoka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Fukuoka = 092-725-9207 (hàng ngày 10:00~19:00) = E-mail:fukuoka-maic@kokusaihiroba.or.jp ■ Thành phố Fukuoka Trung tâm hỗ trợ tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài TP Fukuoka = 092-262-1799 (ngày thường 8:45~18:00) Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế hỗ trợ tư vấn (toàn tỉnh) Tại đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn danh sách các tổ chức hỗ trợ tư vấn dành cho người nước ngoài tại các tỉnh thành (bao gồm cả khu vực tự quản) trên toàn Nhật Bản, các hội giao lưu quốc tế v.v. (Bản tiếng Việt và tiếng Nhật) Bạn chỉ cần click vào tên của nơi bạn đang sống (tiếng Nhật và bảng chữ cái alphabet) xuất hiện trong khung là bạn có thể xem được danh sách tổng hợp các tổ chức hỗ trợ. Tại những tổ chức có hỗ trợ tiếng Việt, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ màu đỏ có ghi “tiếng Việt”. Ngoài ra, nếu bạn click vào đường link (URL) màu xanh trong bảng, bạn sẽ được liên kết tới trang chủ của tổ chức tư vấn đó. Phân chia theo khu vực: Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế có hỗ trợ tư vấn (có kèm link)
-
Sổ tư vấn file 01: Mang thai và sinh con với người Nhật khi chưa kết hôn
Trong thời gian du học, người xin tư vấn đã sinh con với người yêu người Nhật. Hai người không thể kết hôn, người yêu của cô ấy không công nhận mình là cha của đứa bé. Với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ và luật sư, người xin tư vấn đã nhờ tới toà án, toà đã công nhận anh người Nhật kia là cha của đứa bé. Nhờ thế, cả người xin tư vấn và đứa bé đã xin được tư cách lưu trú ở Nhật. Mục Kết hôn・Ly hôn・Con cái 【Người xin tư vấn】 ・Du học sinh đang học tại trường tiếng Nhật ・Nữ giới người Việt ・Sống tại tỉnh Aichi Muốn nuôi dạy con nhỏ ở Nhật Bản Xin tư vấn của các tổ chức hỗ trợ Người xin tư vấn đang du học tại trường tiếng Nhật. Tuy nhiên, năm thứ hai ở Nhật Bản, cô gái này phát hiện mình đang có thai 3 tháng. Bố đứa bé là bạn trai người Nhật của cô (người này đang là học sinh trường chuyên môn). Cha mẹ của bạn trai cô phản đối không cho hai người kết hôn, cô gái cũng đã từ bỏ việc kết hôn nhưng cô vẫn muốn sinh và nuôi con tại Nhật Bản nên đã xin tư vấn của trường học và các tổ chức hỗ trợ. Tổ chức Gaikokujin Helpline Tokai, Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật và giáo viên ở trường tiếng Nhật đã trợ giúp cho cô. Nội dung trợ giúp Các tổ chức hỗ trợ đã giới thiệu luật sư cho cô gái này và nhờ đó, cô thực hiện được thủ tục thừa nhận cho đứa trẻ. Con của cô được người bố (người Nhật) nhận là con và đã lấy được quốc tịch Nhật Bản. Vì là mẹ của người Nhật nên cô gái đã chuyển được tư cách lưu trú thành “Người định trú”. Hơn nữa, hai mẹ con hiện đang sống tại cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con), mỗi tháng trang trải cuộc sống bằng vài vạn yên tiền làm thêm baito. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (tiếp nhận tư vấn từ khắp cả nước) Điểm quan trọng: Việc nhận con và nhập quốc tịch cho đứa trẻ Quốc tịch, tư cách lưu trú Trường hợp nữ giới người nước ngoài sinh con với người Nhật, đứa trẻ đó có thể lấy quốc tịch Nhật Bản. Ngoài ra, nếu không muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì người phụ nữ đó cũng có thể chuyển tư cách lưu trú thành loại “Người kết hôn với người Nhật hoặc tương tự”. Hơn nữa, nếu có lý do chính đáng thì người mẹ có thể chuyển sang tư cách “Người định trú”. Tuy nhiên, trường hợp chưa kết hôn thì đứa trẻ cần phải được người cha (là người Nhật) thừa nhận là con mình. Việc thừa nhận con Trong trường hợp này, vì người yêu cũ của cô gái không thừa nhận đứa trẻ là con mình nên sau khi sinh con, cô đã nộp đơn lên toà án xin phân xử. Theo phân xử của toà, dựa trên kết quả giám định ADN, đứa trẻ đã được xác nhận đúng là con của anh người yêu cũ này. Nhờ vậy, đứa trẻ đã được nhập quốc tịch Nhật Bản. Thận trọng trong việc lựa chọn quốc tịch cho đứa bé Ban đầu, cô được cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em hướng dẫn lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm giấy khai sinh để cho đứa bé được lấy hộ chiếu Việt Nam. Tuy nhiên, một khi đã lấy quốc tịch Việt Nam, nếu sau đó muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì thủ tục sẽ vô cùng phức tạp. Các tổ chức hỗ trợ đã khuyên cô suy nghĩ thật kĩ lưỡng và sau đó, cô đã chọn cho con mình lấy quốc tịch Nhật Bản. Điểm quan trọng: Việc nuôi con Cơ sở hỗ trợ mẹ và con Vài tháng sau khi sinh nở, vì cô gái này không có khả năng tự xoay sở trong cuộc sống nên cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em đã dùng biện pháp cưỡng chế đưa em bé đi nuôi dưỡng. Cô gái vì muốn được sống cùng con nên đã nhờ luật sư do các tổ chức hỗ trợ giới thiệu đứng ra đại diện đàm phán với cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em. Song song với việc đàm phán, luật sư đã tìm kiếm cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con) chịu tiếp nhận hai mẹ con cô gái. Sau đó, cô gái chuyển từ căn hộ thuê sang sống tại kí túc xá mẹ và con, nhờ vậy, luật sư mới có cơ sở để đàm phán rằng cô “đã có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống và mong cho con được về với mẹ” và cuối cùng đứa bé đã được trả về cho cô. 【Cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con là gì?】 Đây là cơ sở cho phép trẻ em chưa tròn 18 tuổi được tạm thời sống cùng với mẹ đơn thân. Sau khi được nhận vào đây, các cơ sở này sẽ tư vấn, hỗ trợ để mẹ và con được ổn định cả về vật chất và tinh thần, đồng thời giúp đỡ để họ có thể sống độc lập. Nhờ được trợ giúp, cô gái đã được sống cùng con nhỏ của mình Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú ① Người định trú Như đã trình bày ở phần trên, nữ giới người nước ngoài sau khi sinh con với người Nhật, nếu có lý do chính đáng thì có thể lấy được tư cách lưu trú “Người định trú”. ② Tư cách lưu trú để có thể làm việc Nếu tìm được công việc ở Nhật Bản thì có thể xin tư cách lưu trú liên quan đến công việc đó. ③ Hoạt động đặc định Trong trường hợp các thủ tục toà án liên quan đến việc thừa nhận con hoặc ly hôn v.v... bị kéo dài, có thể xin tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” để ở lại Nhật Bản phục vụ cho việc phân xử. Tuy nhiên, khi việc phân xử tại toà kết thúc thì sẽ không thể xin gia hạn được tư cách lưu trú này. Trong trường hợp này, cô gái trong câu chuyện đã chuyển đổi tư cách lưu trú từ “Du học sinh” sang “Người định trú”. Trên đây là một số lựa chọn khác nhau để xin tư cách lưu trú, còn việc chấp nhận tư cách lưu trú đó hay không sẽ do Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú quyết định.
-
Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật – Địa điểm tư vấn cho người Việt Nam ở Nhật Bản: Bản 2021
Tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận “Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật” đặt trụ sở tại một ngôi chùa ở quận Minato, thủ đô Tokyo. Tổ chức này từ lâu đã thực hiện việc hỗ trợ người Việt sống ở Nhật Bản (thực tập sinh kỹ năng, du học sinh v.v...). Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hội đặc biệt dồn sức hỗ trợ đời sống, tìm kiếm và tìm lại việc làm cho người Việt ở Nhật Bản gặp khó khăn. Hỗ trợ thực phẩm, đời sống, việc làm Hỗ trợ về thực phẩm Hội hỗ trợ thực phẩm cho những người Việt sống tại Nhật Bản gặp khó khăn trong cuộc sống do đại dịch COVID-19. Gạo, mì gói, gia vị v.v... được xếp vào các hộp các-tông gửi đi khắp các vùng miền trên đất Nhật. Từ tháng 3 ~ tháng 7/2020, hội đã gửi đi khoảng 5.000 hộp và sau đó lại liên kết với tổ chức phi lợi nhuận ở Kobe để tiếp tục thực hiện hỗ trợ thực phẩm. Hỗ trợ đời sống, hỗ trợ tìm việc Trong khoảng nửa năm tính từ tháng 3/2020, hội đã cưu mang khoảng 100 người Việt sống tại Nhật Bản, là cựu thực tập sinh kỹ năng hay cựu du học sinh v.v... chưa thể về nước do đại dịch COVID-19. Những người được hội cưu mang được ở miễn phí trong chùa và được cấp cả đồ ăn thức uống. Từ tháng 9/2020, hội chuyển hướng từ hỗ trợ người chờ về nước sang hỗ trợ những người muốn đi tìm việc hoặc tìm lại việc làm. Ngoài việc cung cấp chỗ ăn ở miễn phí tại chùa, hội còn hướng dẫn học thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) và thi kĩ năng, là những kỳ thi cần thiết để chuyển sang tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định. Không chỉ thế, hội còn hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú và tìm việc làm. Hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú Hơn nửa số người Việt được hội cưu mang thời gian gần đây có nguyện vọng tìm việc hoặc tìm lại việc làm mới. Trong số đó có cả các cựu du học sinh hoặc cựu thực tập sinh kỹ năng từng bỏ trốn. Đối với các cựu thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn, trước tiên, hội giúp họ lấy tư cách “lưu trú ngắn hạn” để không còn cư trú bất hợp pháp. Bước tiếp theo, hội thực hiện đàm phán với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để chuyển đổi từ tư cách “lưu trú ngắn hạn” sang loại tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” (để duy trì công việc). Dù là người đã bỏ trốn, nếu chứng minh được rằng việc bỏ trốn là vì lý do bất khả kháng như bạo lực ở chỗ làm v.v... thì vẫn có thể tìm lại công việc khác. Để chứng minh được điều đó, cần có các chứng cứ như nội dung trao đổi (qua Messenger, LINE v.v...) với đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) hoặc công ty tiếp nhận, video, hình ảnh v.v... Từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2021, trong số 305 cựu thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn mà Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật cưu mang, 189 người đã lấy được tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” (để duy trì công việc). Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục xin chuyển tư cách lưu trú này, cần phải có các giấy tờ do đoàn thể quản lý cũ cung cấp. Do nhiều đoàn thể quản lý không chịu hợp tác, nên hội phải đàm phán, thuyết phục rất vất vả. Trường hợp thực tập sinh kết thúc quá trình thực tập kỹ năng một cách êm đẹp thì thủ tục chuyển tư cách lưu trú này là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu đã bỏ trốn quá lâu thì vẫn có khả năng không chuyển được tư cách lưu trú. Trường hợp này, hội lại đứng ra hỗ trợ để người đó có thu nhập thông qua việc làm thêm baito cho đến khi về nước. Ngoài ra, trường hợp thực tập sinh kỹ năng chưa hết thời hạn lưu trú mà không thể tiếp tục quá trình thực tập, Hội lắng nghe để nắm được sự tình rồi trao đổi với 3 bên bao gồm Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT), đoàn thể quản lý, công ty tiếp nhận để giải quyết theo hướng đưa người đó trở lại làm việc tại nơi thực tập cũ hoặc nhờ tìm cho nơi thực tập mới. Dạy tiếng Nhật miễn phí Giờ học tiếng Nhật do hội tổ chức Tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” để duy trì công việc là tiền đề để chuyển sang tư cách lưu trú kỹ năng đặc định. Người nước ngoài muốn có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định cần phải đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT trình độ N4 trở lên và đỗ kỳ thi kỹ năng đúng ngành nghề mình mong muốn. Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật cũng hướng dẫn người Việt do hội cưu mang trong cả việc học thi các kì thi này. Trong hội có một số nhân viên dạy tiếng Nhật, trong đó có 3 người đã hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên tiếng Nhật. Ngoài ra, cuối tuần còn có các sempai người Việt từng thi đỗ kì thi kỹ năng đến hướng dẫn học thi. Năm 2021, hội tổ chức lớp học tiếng Nhật miễn phí 3 tiếng mỗi ngày, hằng tuần còn tổ chức thi thử cả JLPT. Ngoài giờ học nói trên, các cựu thực tập sinh kỹ năng và cựu du học sinh muốn chuyển sang kỹ năng đặc định còn tự học mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Hỗ trợ tìm việc Song song với các hoạt động trên, khi tìm thấy công ty phù hợp với nguyện vọng của người Việt do hội đang cưu mang thì hội sẽ cung cấp cho họ thông tin của công ty đó. Nếu họ tìm thấy nơi muốn làm thì có thể đến dự phỏng vấn, nhưng hội hoàn toàn không thu phí giới thiệu. Phần đông trong số những người này sau khi đỗ phỏng vấn thì ban đầu sẽ đi làm theo hình thức baito. Khi thi đỗ JLPT và kỳ thi kỹ năng thì mới chuyển tư cách lưu trú từ “Hoạt động đặc định” sang “Kỹ năng đặc định”. Người có tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định” có thể làm việc ở Nhật tối đa 5 năm. Lịch sử gần 50 năm hỗ trợ người Việt Các buổi tối, những người đang trú tạm tại cơ sở của hội cùng nhau ăn tối Thời điểm hiện tại (ngày 15/7/2021), Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật đang cưu mang 26 người Việt. Đại diện của hội là bà Yoshimizu Rie (52 tuổi). Cha bà vốn là sư trụ trì của chùa. Từ năm 1963, ông đã bắt đầu giúp đỡ cho các nhà sư Việt Nam sang du học tại Nhật Bản và bố trí cho họ sống ở ngoài chùa. Tuy nhiên, sau trận Đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011, nhà chùa đã cưu mang cho 86 du học sinh và thực tập sinh Việt Nam trong vòng 1 tháng. Kể từ đó, nhà chùa tiếp tục cưu mang những người Việt Nam cần hỗ trợ tới tạm sinh sống. Bà Yoshimizu Rie thương lượng với công ty tiếp nhận mới cho 1 thực tập sinh kỹ năng (người ngồi bên trái) Từ vài năm gần đây, bà Yoshimizu chính thức thực hiện việc hỗ trợ cho các thực tập sinh kỹ năng và du học sinh người Việt đang bế tắc. Bà cứu giúp các thực tập sinh kỹ năng gặp khó khăn do công ty tiếp nhận đối xử không thoả đáng, và thậm chí còn giúp đỡ trong việc sinh nở và đời sống cho người Việt chẳng may có thai ngoài ý muốn. Sau khi tiếp nhận nội dung xin tư vấn, bà vừa trao đổi với chuyên gia, vừa đàm phán với công ty tiếp nhận, đoàn thể quản lý, OTIT, trường học v.v... để giải quyết vấn đề. Trong năm tài chính 2019, Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật đã hỗ trợ 218 người (tính theo số vụ việc đàm phán với các bên liên quan), cưu mang được 46 người. Trong năm tài chính 2020, Hội hỗ trợ được 6.500 người, cưu mang 306 người. 【 NPO・Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật】 ◇ Điện thoại:03-6435-6644 ◇ Địa chỉ:〒105-0011 Tokyo-to, Minato-ku, Shibakoen 2-11-1-203 (Chùa Nishinkutsu) ◇ E-mail:n.tomoiki@gmail.com ◇ Đại diện: Yoshimizu Rie (※Khi có người nghe điện thoại thì hãy nói “Rie san wo onegai shimasu.” thì sẽ được chuyển máy)
-
Mang theo dao đi ngoài đường có thể bị bắt!?
Người Việt Nam ở Nhật rất hay mang theo thực phẩm và dụng cụ làm bếp sang nhà bạn bè hoặc ra ngoài trời để tổ chức liên hoan. Tuy nhiên, những dịp như vậy, nếu bạn mang theo dao, kéo với mục đích nấu nướng thì tuỳ từng trường hợp có thể sẽ bị cảnh sát bắt. Bài viết lần này sẽ chia sẻ những điểm cần chú ý liên quan đến việc mang theo dao làm bếp và dao kéo nói chung đi ngoài đường. Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ① Trước đây, thời còn là du học sinh, tôi từng làm thêm (baito) tại một cửa hàng thuộc chuỗi quán nhậu (izakaya) có mặt trên cả nước. Quán này nằm ở Shibuya, Tokyo. Những khi quán chúng tôi quá bận rộn, nhân viên từ quán cùng chuỗi gần đó lại chạy qua hỗ trợ và ngược lại, khi quán ở gần quán mình đông khách thì quán chúng tôi lại cử ai đó sang trợ giúp. Một hôm, vào khoảng 8 giờ tối, trưởng quán chỗ tôi bảo một đồng nghiệp của tôi cũng là du học sinh người Việt rằng “Hãy mang dao sang quán bên cạnh để hỗ trợ”. Đó là con dao dùng để làm bếp. Thời gian đó, chuyện cầm dao đi sang cửa hàng khác làm giúp là phổ biến nên cậu nhân viên đó đã bọc con dao vào giấy báo rồi cứ thế cầm ra khỏi quán. Phố xá sầm uất ở Shibuya Cậu ấy vừa đi khỏi quán được khoảng vài trăm mét thì bị 2 nhân viên cảnh sát chặn lại giữa đường và hỏi về nghề nghiệp. Ở Nhật, chuyện cảnh sát thấy ai đó có dấu hiệu khả nghi và chặn lại rất hay xảy ra. Bạn có thể bị hỏi là làm nghề gì và tuỳ từng trường hợp có thể bị khám xét đồ mang theo. Do cậu nhân viên quán cầm theo con dao bọc trong giấy báo nên đã bị đưa về đồn cảnh sát. Cậu ấy đã giải thích sự thể với cảnh sát, nhưng vì mới sang Nhật năm thứ 2 nên tiếng Nhật còn chưa đủ để trình bày được hết ý. Cuối cùng thì cảnh sát gọi điện thoại đến quán chúng tôi và báo rằng “Nhân viên quý quán cầm dao đi trên phố đông đúc nên đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát”. Trưởng quán đã đi đến đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Tuy nhiên, cả trưởng quán lẫn cậu đồng nghiệp của tôi đều bị cảnh sát nhắc nhở rằng “Đi ngoài đường cầm theo dao trong trạng thái có thể sử dụng được ngay là một điều nguy hiểm”. Từ lúc đồng nghiệp tôi ra khỏi quán cho đến khi được cảnh sát thả cũng đã mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ② Hoa anh đào đêm ở Công viên Ueno Sống lâu ở Tokyo, tôi thường hay đi liên hoan, ngắm hoa anh đào hoặc lá vàng lá đỏ cùng các bạn người Việt. Những lúc như vậy, chúng tôi thường phân công nhau chuẩn bị đồ ăn, thức uống, hoa quả, bát đũa v.v. Có lần nhóm hơn 20 người chúng tôi rủ nhau đi ngắm hoa anh đào ở Công viên Ueno, Tokyo hồi mùa xuân năm 2017 cũng vậy. Lần đó, một bạn du học sinh được phân công mang theo dao để gọt hoa quả và kéo để cắt thịt. Cậu bạn này cho dao và chiếc kéo to vào túi rồi đi tàu điện và xuống tàu ở ga Ueno. Tuy nhiên, cậu bị cảnh sát ở gần ga chặn lại hỏi nghề nghiệp, và vì trong túi có dao nên cuối cùng bị đưa về đồn cảnh sát. Cậu bạn đó chưa thạo tiếng Nhật nên không giải thích được rõ lý do tại sao lại mang theo dao. Đã thế, do bình thường chỉ liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội bằng cách kết nối điện thoại di động với Wi-Fi nên điện thoại của cậu cũng không có thẻ SIM. Vì vậy, lúc ở chỗ cảnh sát, do không có Wi-Fi nên cậu ấy cũng chẳng có cách nào liên lạc được với chúng tôi. Cảnh sát đã phải gọi điện thoại đến trường tiếng Nhật của cậu. Người phụ trách ở trường cùng với người phiên dịch đã phải tới đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Từ lúc cậu du học sinh nọ bị giữ lại hỏi nghề nghiệp cho đến khi được thả mất khoảng 4 tiếng rưỡi đồng hồ. Luật liên quan đến dao kéo của Nhật Ở Nhật Bản có luật cấm mang theo súng và các loại dao kéo. Dao làm bếp và các loại dao khác hay kéo v.v. là những đồ vật cần thiết trong công việc và cuộc sống hằng ngày nên được phép tự do sở hữu. Tuy nhiên, việc cầm theo các đồ vật đó đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng lại bị cấm theo luật pháp. Việc cầm theo dao kéo có thể liên quan đến hành vi phạm pháp, nên trong những trường hợp cần thiết, cảnh sát được phép xét hỏi. Luật này quy định rằng đối với các loại dao kéo có phần lưỡi dài hơn 6cm thì “nếu không có lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác thì không được phép mang theo người”. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt. Ở đây, “lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác” có ý nghĩa như sau. Về lý do “công việc”, ví dụ như trường hợp đầu bếp để dao trong túi mang đến chỗ làm sẽ là “mục đích công việc” nên vẫn hợp pháp. Ngoài ra, “lý do chính đáng khác (ngoài mục đích công việc)” là để chỉ những trường hợp như bạn đi mua dao ở cửa hàng, để dao vào túi trong tình trạng vẫn được đóng gói và mang về nhà. Tuy nhiên, việc mang theo dao ra đường để tự vệ thì không được coi là “lý do chính đáng” và là hành vi vi phạm pháp luật. Việc nhân viên làm thêm của quán nhậu (izakaya) mang theo dao đi sang cửa hàng khác thì đúng là vì mục đích công việc. Tuy nhiên, chỉ bọc dao bằng giấy báo rồi cầm theo ra đường, con dao đó ở trong tình trạng có thể sử dụng được ngay và từ ngoài nhìn vào thì rất nguy hiểm. Do đó, làm như vậy sẽ bị cảnh sát tra hỏi nghiêm ngặt. Dù có cho dao vào trong túi, nhưng lại không cất trong vỏ hay hộp thì lấy từ túi ra vẫn ở trong trạng thái có thể dùng được ngay, cũng cùng mức độ nguy hiểm, nên vẫn có thể bị cảnh sát xét hỏi kỹ lưỡng. Không chỉ thế, ngay cả đối với các loại dao kéo có chiều dài lưỡi dao dưới 6cm vẫn bị cấm theo luật khác và phải có lý do chính đáng mới được mang theo. Nếu mang theo dao kéo đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng thì sẽ gây lo ngại cho người xung quanh, và tuỳ từng trường hợp vẫn có thể bị cảnh sát bắt giữ. Có thể nói rằng về cơ bản ở Nhật, không nên mang theo dao kéo ra đường.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17076 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13036 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài