Cuộc sống - Visa

Đón gia đình đoàn tụ tại Nhật: Trải nghiệm của 3 gia đình

0907-24
07/09/2022

Số người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đang tăng lên và do vậy số gia đình người Việt Nam ở Nhật cũng tăng lên. Có nhiều trường hợp những người có tư cách kỹ sư hoặc du học sinh sang Nhật trước rồi sau đó đón gia đình sang đoàn tụ. Trường hợp như vậy thì thủ tục đón gia đình ra sao, việc tìm nhà ở hoặc trường học cho con cái như thế nào. Chúng tôi đã gặp 3 gia đình người Việt Nam sang đoàn tụ với vợ hoặc chồng tại Nhật Bản. Xin giới thiệu cùng các bạn.

Người trả lời phỏng vấn

◎ Anh Hà Nam Ninh (nhân viên công ty)

・ Từ năm 2018: Sang Nhật làm cho công ty vận tải tàu biển của Nhật (tại tỉnh Fukuoka)
・ Sau khi sang Nhật 3 năm thì đón được vợ và con trai (đang học trung học cơ sở) sang Nhật.

◎ Chị Phạm Trang Vân (du học sinh cao học)

・ Từ năm 2018: Học tại trường đại học quốc lập trong khoảng 2 năm rưỡi
・ Từ 3/2022: Vào học chương trình MBA tại trường đại học Doshisha (tỉnh Kyoto)
・ Từ 6/2022: Đón chồng và 2 con (con lớn học lớp 8 trung học cơ sở, con nhỏ học lớp 5 tiểu học)

◎ Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (du học sinh cao học)

・ Từ năm 2020: Sinh viên cao học (khóa tiến sĩ), trường Đại học Tsukuba
・ Từ 2/2022: Đón chồng và 2 con sang Nhật

Về nhà ở

―― Các anh chị tìm nhà ở Nhật Bản như thế nào?

Anh Nam Ninh: Công ty chuẩn bị sẵn nơi ở

Tôi sang Nhật du học vào năm 2005 theo chế độ học bổng của Bộ Văn hóa Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (MEXT), và học cao học trong 4 năm tại trường Đại học Hàng Hải Tokyo. Sau đó trở lại
Việt Nam làm việc. Năm 2018, tôi vào làm việc tại một công ty quản lý tàu biển của Nhật Bản tại tỉnh Fukuoka. Tôi không giỏi tiếng Nhật lắm.

Sau khi sang Nhật được khoảng 3 năm rưỡi thì tôi đón được vợ và con trai sang Nhật. Nhà ở của chúng tôi là do công ty thuê sẵn cho. Tiền nhà do chúng tôi trả nhưng trong 5 năm đầu thì công ty có hỗ trợ tiền thuê nhà.

Chị Trang Vân: Tự mình đi thuê nhà

Tôi đang học cao học tại trường đại học tư lập ở thành phố Kyoto. Trước đó, tôi đã từng theo học tại trường Đại học Quốc lập Kyushu và cũng đã đón gia đình sang. Đây là lần thứ 2 tôi đón gia đình sang Nhật. Lần trước tôi sống tại ký túc xá của trường, nhưng lần này thì tôi tự mình tìm nhà và tự ký hợp đồng thuê nhà.

Về trường học cho con cái

Trường quốc tế (Ảnh mang tính chất minh họa)

Anh Nam Ninh: Cho con vào học trường quốc tế

Con trai tôi (khi sang Nhật đang là học sinh trung học cơ sở) và tôi cho cháu vào học tại trường quốc tế (học bằng tiếng Anh). Tiền học 1 năm khá đắt, khoảng 2 triệu yên và công ty không hỗ trợ cho mặt này nên khá là vất vả.

Chị Trang Vân: Con gái tôi vào trường tiểu học công và cháu nắm bắt tiếng Nhật khá nhanh

Học sinh nước ngoài học tiếng Nhật (ảnh minh họa)

Khi đến Nhật lần đầu, tôi cho 2 cháu vào học trường công ở nơi mình sống (không tốn học phí, chỉ mất tiền ăn trưa).

Cháu lớn lúc sang Nhật đang học lớp 4 nên về mặt ngôn ngữ rất vất vả. Sau khi vào học, các cháu được hỗ trợ học tiếng Nhật. Ban đầu, tuần 2 buổi các cháu tham gia 1 lớp học hỗ trợ tiếng Nhật đặc biệt dành cho người nước ngoài ở một trường tiểu học khác, cách xa nhà khoảng 5 cây số. Việc đi lại khá vất vả. Sau đó chúng tôi chuyển nhà và các cháu cũng chuyển sang trường mới thì có lớp hỗ trợ tiếng Nhật tại trường. Cái khó nhất trong việc học tiếng Nhật là chữ Hán. Cháu phải luyện đi luyện lại sách tập viết chữ Hán do nhà trường phát.

Cứ như vậy, sau 1 năm thì trình độ tiếng Nhật của cháu đã đạt được độ 50%, và sau 2 năm thì cháu có thể hiểu được tiếng Nhật tới 90%. Ngược lại, cháu thứ 2 thì khi sang Nhật cháu mới vào lớp 1 tiểu học, nên cháu làm quen tiếng Nhật khá nhanh, hầu như không có vấn đề gì. Lần sang Nhật thứ hai này, cháu lớn vào trung học cơ sở, cháu bé học tiểu học và hoàn toàn không có vấn đề gì về ngôn ngữ.

Chị Bích Thảo: Thành phố Tsukuba tích cực hỗ trợ trẻ người nước ngoài

Tôi đến Nhật và bắt đầu sống ở Nhật từ năm nay (2022). Cháu đầu là con trai, hiện học lớp 4 tiểu học và con gái nhỏ học lớp 1 tiểu học ở trường công (không mất học phí, chỉ mất tiền ăn).

Thành phố Tsukuba có nhiều trẻ em người nước ngoài

Trước khi đón con sang, tôi đã xin tư vấn với ủy ban giáo dục ở thành phố Tsukuba. Tsukuba là một “Thành phố Khoa học” do chính phủ Nhật Bản thành lập tại tỉnh Ibaraki. Nơi đây có khoảng 300 cơ sở nghiên cứu và khoảng 20.000 người nước ngoài đang nghiên cứu và học tập.

Vì lý do này mà các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở Tsukuba có nhiều trẻ em người nước ngoài theo học. Các cháu nhà tôi vào học tại trường tiểu học công lập Azuma. Lớp của con trai tôi có 33 học sinh thì có tới 5 cháu là người nước ngoài. Còn lớp của con gái tôi có 31 cháu thì có 5 cháu là người nước ngoài.

Chương trình hỗ trợ tiếng Nhật Bản cho người nước ngoài

Học sinh nước ngoài học tiếng Nhật (ảnh minh họa)

・ Tại trường tiểu học Azuma có chương trình dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài (tuần 4 buổi học đặc biệt). Các buổi học này hỗ trợ các em học sinh người nước ngoài tùy theo trình độ của từng em.

Tuy trường tiểu học Azuma cách xa nhà tôi (ký túc xá của trường đại học) độ 4 cây số. Nhưng tôi quyết định chọn trường này là vì trường có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận học sinh người nước ngoài. Các cháu nhà tôi đi học bằng xe buýt theo tuyến thông thường.

・ Lớp 4 của con trai tôi có một bạn học sinh người Việt Nam đã học tại đây từ lớp 1 nên bạn hỗ trợ cho cháu nhà tôi. Trong khi ở trường nếu có gì không hiểu thì bạn đó dịch giúp cháu.

Cách xin COE và visa

Giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE)(bản chụp)

Thân nhân của những người đi làm việc hoặc du học sinh đang sinh sống tại Nhật nếu có tư cách “Lưu trú gia đình ” tức có tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE) thì có thể sống tại Nhật. Để có được tư cách này thì cần phải có 2 loại giấy tờ như sau.

① Giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE)

Cần nộp hồ sơ tại Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản (Nyukan).

② Visa (thị thực)

Sau khi có được giấy COE thì sẽ nộp hồ sơ lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã xin visa.

Giấy tờ để xin COE

Hồ sơ xin giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản
Ảnh (4cm×3cm)
Phong bì để gửi trả kết quả
*Có đề tên và địa chỉ người nhận
*Dán tem 440 yên
*Khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ gửi trả lại cho người nộp hồ sơ
Giấy chứng minh quan hệ thân nhân (1 trong số những giấy tờ sau)
*Bản sao hộ tịch
*Bản sao giấy đăng ký kết hôn
*Bản sao giấy chứng nhận kết hôn
*Bản sao giấy khai sinh
*Hoặc loại giấy tờ nào có thể thay thế những giấy tờ nói trên
Thẻ cư trú và hộ chiếu của người gửi đơn xin (bản sao)
Giấy chứng nhận đang làm việc và thu nhập
①Trường hợp người gửi đơn xin là doanh nhân hoặc người đi làm
*Giấy chứng nhận tại chức hoặc giấy phép kinh doanh (bản sao)
*Giấy chứng nhận đóng thuế địa phương và nộp thuế thu nhập (Nếu có ghi rõ tình trạng nộp thuế trong 1 năm thì 1 trong 2 loại này là được (giấy do tòa thị chính địa phương cấp)
②Trường hợp là du học sinh
*Giấy chứng nhận số dư tài khoản hoặc giấy chứng nhận học bổng

Anh Nam Ninh: Công ty hỗ trợ trong việc xin COE cho gia đình

Từ trái sang: Con trai,vợ, tôi (Nam Ninh) và con gái lớn đã du học tại Nhật

Khi tôi sang Nhật thì việc xin giấy chứng nhận tư cách lưu trú (COE) và visa của tôi là do công ty làm. Nhưng khi đón gia đình sang thì tôi phải tự làm hồ sơ với sự hỗ trợ của công ty. Để có được COE cho con trai, tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ như sau.

〈COE〉
・ Đơn xin COE (tự viết)
・ Bản sao giấy khai sinh (do Việt Nam cấp)
・ Giấy đăng ký thường trú (lấy tại cửa hàng tiện lợi conbini)
・ Giấy chứng nhận tại chức (công ty cấp)
・ Hợp đồng lao động (công ty cấp)
・ Giấy chứng nhận nộp thuế thu nhập (tiếng Nhật)
・ Giấy chứng nhận tiền lương (công ty cấp)
・ Sổ ngân hàng (bản sao)
・ Thẻ lưu trú (bản sao)
・ Hộ chiếu của con trai (bản sao)
・ Giấy chứng nhận không mắc bệnh lao của con trai (do phía Việt Nam cấp)

〈VISA〉
・ Đơn xin visa
・ Giấy COE của con trai
・ Giấy bảo lãnh (do công ty cấp)
・ Lý do mời sang Nhật (do công ty cấp)
・ Hộ chiếu của con trai (bản gốc)
・ Giấy khai sinh của con trai

Sau khi có được COE, tôi đã thông qua một công ty để nộp hồ sơ lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để xin visa. Trên trang web của Đại sứ quán có ghi danh sách các công ty được Đại sứ quán công nhận có tư cách làm đại lý.

Chị Trang Vân: Tự mình làm hồ sơ để xin COE

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh (Nyukan), chi nhánh Osaka

Tôi đến Nhật Bản vào tháng 2/2022 và một tháng sau tôi nộp hồ sơ xin COE cho gia đình tại Nyukan chi nhánh ở Osaka. Tôi nghĩ lâu nhất thì cũng chỉ 3 tuần là được cấp COE nhưng lần này hóa ra là mất tận 6 tuần mới xin được COE.

Sau khi có COE, gia đình tiến hành nộp hồ sơ xin visa lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Bản thân tôi khi xin visa phải mất 3 tuần, nhưng gia đình thì chỉ sau 1 tuần là có visa. Có lẽ thời điểm gia đình tôi xin visa thì số người nộp hồ sơ xin visa ít hơn trước chăng.

Toàn bộ hồ sơ xin COE nộp cho Nyukan (tiếng Nhật), tôi đều từ làm lấy, bên trường không hỗ trợ gì. Tùy theo trường đại học mà khi làm thủ tục xin COE cho sinh viên thì trường hỏi xem có đón gia đình không để xin luôn COE cho gia đình. Lần này vì nhà trường nơi tôi đang theo học không có chế độ đó, nên tôi phải tự làm lấy tất cả hồ sơ.

Chị Bích Thảo: Tôi tự làm hồ sơ xin COE cho gia đình

Trường Đại học Tsukuba

Tôi nộp hồ sơ xin COE cho chồng con tại Nyukan chi nhánh ở thành phố Mito. Tôi tải toàn bộ hồ sơ từ trên mạng xuống. Giấy tờ có 2 mẫu, bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, tôi chọn mẫu bằng tiếng Anh.

Sau khi điền xong những giấy tờ cần thiết, tôi chuẩn bị toàn bộ bản sao hộ chiếu của chồng, con, giấy khai sinh của các con, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ sinh viên (bản sao), thẻ lưu trú (bản sao), rồi nộp lên Nyukan. Tại trường Đại học Tsukuba việc lấy bản sao thẻ sinh viên và giấy chứng nhận học bổng rất đơn giản. Chỉ cần cho thẻ sinh viên vào máy ở trường là có thể lấy được.

Sau khi nộp hồ sơ lên Nyukan thì sau khoảng 1 tháng(vào 1/2021) tôi nhận được COE cho gia đình và sau đó gửi về cho gia đình để tiến hành làm hộ chiếu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch corona mà tới tận tháng 2/2022 gia đình tôi mới tới Nhật được.

Cuộc sống ở Nhật

Gia đình chị Trang Vân

―― Ngoài những vấn đề về nhà ở và trường học, xin anh chị cho biết về cuộc sống tại Nhật.

Anh Nam Ninh

① Ngôn ngữ sử dụng ở chỗ làm

Tôi không nói được nhiều tiếng Nhật, nhưng công việc quản lý tàu đang hoạt động trên biển thì lại dùng tiếng Anh và nhân viên người Nhật cũng phải dùng tiếng Anh. Ngoài ra, trong công ty thông thường mọi người nói tiếng Nhật, riêng lĩnh vực mà tôi phụ trách thì mọi người đều nói tiếng Anh nên đối với tôi, ngôn ngữ không có vấn đề gì.

② Giao thông công cộng

Mặc dù hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ở Nhật rất phát triển, nhưng những thông báo trên tàu xe hoặc bản đồ hướng dẫn lại chủ yếu bằng tiếng Nhật nên việc “chuẩn bị trước” là rất quan trọng. Mỗi khi đi đâu, thì tôi đều tìm hiểu kỹ càng xem chuyến tàu tôi định đi xuất phát ở sân ga nào, vào lúc nào, đi mấy ga thì xuống hoặc tới ga nào thì chuyển tàu.

Lúc đầu, tôi thường dùng ứng dụng hướng dẫn cách đi tàu 「乗換案内」というYahooアプリ nhưng ứng dụng này chỉ có tiếng Nhật nên cũng vất vả. Sau này tôi sử dụng Google map phiên bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

③ Các loại giấy tờ chứng nhận liên quan tới hành chính

Một số giấy chứng nhận hành chính, ví dụ giấy đăng ký thường trú có thể tự động lấy được tại các cửa hàng tiện lợi conbini. Còn những loại giấy tờ khác, nếu phải đến tận nơi để xin thì tôi phải tìm hiểu kỹ trước trên các trang web của cơ quan hành chính địa phương để chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết rồi mới đi. Như vậy thì dù có không nói được nhiều tiếng Nhật cũng không khó khăn lắm.

Chị Trang Vân

① Mua SIM điện thoại

Tôi vốn làm việc trong ngành điện thoại viễn thông Việt Nam nhưng không thể lý giải được cách bán SIM điện thoại ở Nhật Bản.

・ Ở Nhật phải ký hợp đồng với nhà mạng để mua SIM điện thoại
・ Để ký hợp đồng với nhà mạng thì cần phải có tài khoản ở ngân hàng ở Nhật
・ Nhưng để mở tài khoản thì lại phải cần số điện thoại

Rất may là ngân hàng Yucho (ngân hàng bưu điện) của Nhật được phép mở tài khoản và khi nào có số điện thoại thì đăng ký sau nên tôi chọn mở tài khoản Yucho. Sau khi có tài khoản, tôi mới ký hợp đồng được với nhà mạng để mua SIM điện thoại.

② Tùy theo trường đại học và sự hỗ trợ khác nhau

Trường Đại học Kyushu

Lần đầu sang du học tại trường Đại học Kyushu thì trường có hệ thống hỗ trợ sinh viên 24/24. Ví dụ nếu bị ốm đột xuất hoặc cần hỗ trợ thì chỉ cần nhắn tin vào hệ thống sẽ có người hỗ trợ. Ví dụ có lần bạn tôi bị đau bụng đột ngột, nhóm hỗ trợ đã gọi xe cấp cứu hộ. Nhưng trường đại học hiện nay tôi đang theo học thì không có chế độ này.

Chị Bích Thảo

① Thủ tục hành chính (hỗ trợ của nơi tiếp nhận)

Khi tôi đến Nhật thì trường Đại học Tsukuba cử một người tutor (người hỗ trợ đời sống) người Nhật đến để giúp tôi làm những thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính. Nhưng khi đón gia đình sang, tôi phải tự làm những thủ tục này. Do không nói được nhiều tiếng Nhật nên khi nào khó tôi dùng tiếng Anh. Nhưng những lúc tiếng Anh mà hai bên vẫn không hiểu được thì tôi sử dụng ứng dụng dịch trên Google. Ngoài ra cũng có lúc tôi phải sử dụng dịch vụ dịch trực tuyến nữa.

② Tiền sinh hoạt

Sau khi đến Nhật, chồng tôi đi làm thêm tại một cửa hàng sushi, 1 tuần làm việc độ 28 giờ làm. Mặc dù tôi có học bổng và tiền học của các con là miễn phí, nhưng việc đi học của các cháu cũng có nhiều thứ phải trang trải. Nhờ có thêm thu nhập của chồng mà chúng tôi có thể dần dần mua sắm đủ đồ dùng học tập cho các cháu.

Tóm lược

Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu về quá trình làm thủ tục để đón gia đình sang Nhật chung sống của những người Việt Nam là kỹ sư hoặc du học sinh đang ở Nhật Bản cũng như những trải nghiệm ở trường học của con cái họ.

Gần đây, các trường tiểu học, trung học ở Nhật cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ học sinh người nước ngoài. Tùy từng trường mà hình thức hỗ trợ có khác nhau nhưng nhiều em học sinh, với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô mà chỉ sau 2 hoặc 3 năm là đã có trình độ tiếng Nhật tốt, đủ để hiểu bài giảng.

Chúng tôi mong các bạn Việt Nam đang sinh sống tại Nhật có thể tham khảo bài viết khi muốn đón gia đình sang đoàn tụ và nếu có bạn bè cần tìm hiểu thông tin, mong các bạn cùng chia sẻ, giới thiệu với họ bài viết này nhé.