Văn hoá
Những quy tắc ứng xử cơ bản dành cho người mới đi làm_02
Sau khi kết thúc quá trình đi tìm việc, những bạn bắt đầu đi làm hoặc mới đi làm chưa lâu hãy tích lũy thêm cho bản thân những quy tắc ứng xử cơ bản ở Nhật nhé. Nối tiếp các nội dung về “Cách nhận điện thoại”, “Cách mời khách uống trà”, “Hou – Ren – Sou” trong bài viết Những quy tắc ứng xử cơ bản dành cho người mới đi làm_01, trong bài viết này chúng mình sẽ giới thiệu về “Những quy tắc cơ bản khi viết email”, “Những điểm chú ý trong cách dùng kính ngữ”.
Những quy tắc cơ bản khi viết email
Chắc hẳn các bạn du học sinh đã từng trao đổi thông tin qua email với các thầy cô giáo trong trường rồi nhỉ? Trong số những email như vậy, có một số email là thông báo từ nhà trường nên không cần phản hồi. Thế nhưng, khi nhận email liên quan tới công việc, dù là email trong nội bộ công ty hay email từ những người bên ngoài công ty, các bạn đều phải trả lời những email đó. Bạn hãy chú ý tới 5 điểm sau đây nhé.
Nghĩ thật kỹ tiêu đề email
Tiêu đề email có vai trò thông báo nội dung và độ quan trọng của email
Người nhận email sẽ nhìn vào tiêu đề email đầu tiên. Vì vậy, người gửi email cần phải viết tiêu đề email sao cho người nhận chỉ cần nhìn vào là hiểu được email đó chứa nội dung gì.
Nếu bạn viết tiêu đề email như thế này, chỉ cần đọc tiêu đề là người nhận có thể hiểu đại khái nội dung trong email.
「御社訪問の日程について」 (Về thời gian đến thăm Quý công ty)
「〇〇記念式典の準備会合について」 (Về cuộc họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 〇〇)
「御社ビル清掃サービスの契約更新のお願い」 (Yêu cầu gia hạn hợp đồng dịch vụ dọn dẹp tòa nhà của Quý công ty)
Người bận rộn sẽ đọc email quan trọng trước
Nhiều người nhận được vài chục email trong 1 ngày. Khi bạn gửi email cho những người như vậy, tiêu đề email lại càng quan trọng hơn. Họ thường nhìn tiêu đề email và đọc những email quan trọng trước, những email mà họ không rõ nội dung thì họ sẽ để lại sau (có những lúc là vài ngày sau).
Thêm tên công ty mình
Khi viết tiêu đề email, nếu bạn viết thêm tên công ty mình, đối phương sẽ càng dễ tưởng tượng nội dung trong email hơn. Ngoài ra, khi tìm lại email cũng cực kỳ tiện.
「3日の打ち合わせ資料(森興産、ブイ・リン)」 (Tài liệu họp vào ngày 3 (Morikosan, Bùi Linh))
Nếu bạn viết như thế này, đối phương sẽ biết nội dung email cũng như người gửi email trong nháy mắt. Khi tìm lại những email cũ, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy email nếu tiêu đề email bao gồm nội dung email và tên công ty – người gửi email.
Phản hồi email trong vòng 24 tiếng
Để công việc trôi chảy, mọi người thường xuyên liên lạc với nhau qua email. Khi đó, sau khi gửi email và chờ hơn 1 ngày cũng không thấy phản hồi, người gửi email sẽ cảm thấy lo lắng. Vì vậy, khi nhận được email, bạn hãy tập cho mình thói quen trả lời càng sớm càng tốt. Nếu hoàn cảnh không cho phép thì cũng hãy cố gắng trả lời email trong vòng 24 tiếng nhé.
Vào thời điểm đó, nhiều người cảm thấy khó chịu nếu họ không nhận được hồi âm trong hơn một ngày sau khi gửi email. Vì vậy, hãy tập thói quen trả lời càng sớm càng tốt sau khi nhận được email. Vui lòng cố gắng trả lời trong vòng 24 giờ sau khi nhận được, ngay cả khi nó bị trì hoãn do hoàn cảnh.
・Khi bạn phản hồi nhanh, đối phương sẽ có ấn tượng tốt về bạn.
- Làm việc nhanh nhạy
- Làm được việc
- Có thể tin tưởng được
・Khi bạn phản hồi chậm, đối phương sẽ có xu hướng nghĩ về bạn như sau.
- Lo lắng về việc làm việc cùng người này
- Phản hồi chậm nên công việc không tiến triển thuận lợi
Phần lớn là đối phương đợi câu trả lời của bạn để tiếp tục công việc (chuyển sang bước tiếp theo) nên khi bạn phản hồi chậm, bạn sẽ khiến đối phương gặp khó khăn.
Nhiều công ty nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ. Nếu nhận được email vào thứ sáu thì bạn nên trả lời email chậm nhất là vào thứ hai tuần kế tiếp.
Khi có việc gấp thì không chỉ liên lạc qua email
Khi có sự cố, sai sót; khi lịch giao hàng bị đẩy nhanh, khi cần điều chỉnh kế hoạch gấp; v.v. bạn sẽ phải gửi email với những nội dung khẩn cấp. Thế nhưng, bạn không biết khi nào đối phương sẽ đọc email. Có những lúc đối phương để 2,3 ngày rồi mới đọc email.
Trong trường hợp khẩn cấp, ngoài việc gửi email, hạn hãy nhanh chóng liên lạc với đối phương qua điện thoại, qua mạng xã hội để họ kiểm tra email ngay khi có thể. Và nếu mức độ khẩn cấp cực kỳ cao thì bạn nên gọi điện thoại ngay thay vì gửi email.
Nhanh chóng gửi thư cảm ơn
Khách hàng (đối tác) đã dành thời gian cho bạn nên sau khi họp với khách hàng, bạn hãy nhanh chóng viết “thư cảm ơn” nhé.
Trong nội dung email cảm ơn, ngoài việc thể hiện lòng biết ơn, bạn hãy tóm tắt lại nội dung cuộc họp và những vấn đề sắp tới sẽ triển khai. Có như vậy, công việc sau đó sẽ trôi chảy hơn.
Kiểm tra lỗi chính tả, file đính kèm trước khi gửi email
Trước khi bấm nút gửi email, bạn hãy kiểm tra tiêu đề email, tên người nhận email, nội dung email có lỗi chính tả gì không. Nếu bạn viết sai tên người nhận, bạn sẽ thất lễ với họ. Ngoài ra, nếu trong nội dung thư có lỗi sai chính tả nghiêm trọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy của bạn.
Ngoài ra, việc quên đính kèm file, đính kèm nhầm file cũng là một lỗi phổ biến. Trước khi bấm nút gửi thư, bạn hãy kiểm tra xem mình có đính kèm nhầm file không, nội dung trong file đính kèm đã đúng chưa. Làm như vậy, bạn sẽ không quên đính kèm file.
Những điểm cần chú ý trong cách dùng kính ngữ
Chủ động và tích cực chào hỏi
Bước đầu tiên để xây dựng quan hệ tốt với những người làm việc cùng mình là chào hỏi.
Lời chào đối với những người trong cùng công ty
・おはようございます。
・お疲れ様です。
Lời chào đối với những người không cùng công ty
・お世話になります。
・お世話になっております。
Bạn đừng quên chào hỏi mọi người nhé. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu kỹ hơn về các cách chào hỏi, bạn hãy tham khảo nhé.
Tiếng Nhật dùng trong công việc
Phản hồi và thể hiện sự đồng tình một cách phù hợp
Không “うん”
Khi nói chuyện với bạn bè người Nhật, chắc là mọi người thường trả lời là “うん”, “そうだね” v.v. Thế nhưng, khi nói chuyện với khách hàng hoặc những người lớn hơn, việc sử dụng “うん”, “そうだね” v.v. là một điều cấm kỵ. “うん”, “そうだね” v.v. là những cách trả lời dành cho người ngang hàng hoặc có vị thế thấp hơn mình. Nếu bạn trả lời khách hàng, sếp, các anh chị khác là “うん”, “そうだね” v.v. thì bạn sẽ thất lễ với họ.
Chỉ “はい” 1 lần
Đối với những cụm từ chỉ nói 1 lần mà bạn lại lặp lại 2 lần như “はい、はい”, “なるほど、なるほど” v.v., đối phương sẽ cảm thấy “không đúng mực” và có thể nghĩ bạn là “người cợt nhả” nên bạn hãy cẩn thận nhé.
Cách trả lời khi đồng tình
・私もそう思います。
・私もそのように思います。
・私もそのように感じておりました。
・おっしゃる通りです。
・おっしゃる通りかと存じます。
Cách trả lời khi chấp nhận, đồng ý
・承知しました。
・承知いたしました。
・かしこまりました。
・左様(さよう)でございます 。
Bạn hãy chọn cho mình cách nói phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp và chú ý để không gây thất lễ nhé.
Chọn kính ngữ phù hợp với chủ ngữ
Kính ngữ trong tiếng Nhật bao gồm “từ ngữ lịch sự”, “tôn kính ngữ”, “khiêm nhường ngữ”.
Đối với người nước ngoài, việc phân biệt rõ đâu là tôn kính ngữ, đâu là khiêm nhường ngữ là một việc khá khó. Tuy nhiên, nếu bạn biết phương pháp này, việc phân biệt sẽ đơn giản hơn. Đầu tiên, hãy nghĩ xem “Ai là người thực hiện hành động đó”, bạn sẽ biết chủ ngữ là ai. Sau khi xác định được chủ ngữ, bạn hãy áp dụng nguyên tắc này, việc nhầm lẫn kính ngữ sẽ giảm đáng kể.
・ Khi chủ ngữ là đối phương hoặc người khác (đa phần là người trên) → Tôn kính ngữ
・ Khi chủ ngữ là mình hoặc những người thân, cùng nhóm với mình → Khiêm nhường ngữ
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các quy tắc quan trọng của kính ngữ và các ví dụ về những lỗi dễ mắc phải, hãy tham khảo bài viết này.
Vượt qua “nỗi sợ kính ngữ”! Hãy nhớ kính ngữ như thế này!
Ngoài ra, tần suất sử dụng những từ ngữ lịch sự như “〜です”, “〜ます” rất cao nên bạn hãy thường xuyên sử dụng để có thể nói quen miệng nhé.
Tổng kết
Trong bài viết này, chúng mình đã giới thiệu về những quy tắc ứng xử mà các bạn mới đi làm cần nhớ, đó là “Những quy tắc cơ bản khi viết email”, “Những điểm chú ý trong cách dùng kính ngữ”.
【Những quy tắc cơ bản khi viết email】
・ Nghĩ thật kỹ tiêu đề email (Chọn tiêu đề email rõ ràng, dễ hiểu)
・ Phản hồi email trong vòng 24 tiếng
・ Khi có việc gấp thì không chỉ liên lạc qua email
・ Nhanh chóng gửi thư cảm ơn
・ Kiểm tra lỗi chính tả, file đính kèm trước khi gửi email
【Những điểm chú ý trong cách dùng kính ngữ】
・ Chủ động và tích cực chào hỏi
・ Không “うん”
・ Chỉ “はい” 1 lần
・ Chọn kính ngữ phù hợp với chủ ngữ
Nếu những bạn sẽ đi làm ở Nhật hoặc mới làm ở Nhật chưa lâu ghi nhớ những quy tắc trong bài viết này và bài viết Những quy tắc ứng xử cơ bản dành cho người mới đi làm_01 thì các bạn đã nắm được những quy tắc cơ bản rồi đấy. Bạn hãy chủ động và chú ý tới tác phong của bản thân để nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp và đối tác nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17080 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13038 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
“Seiza” (正座) có phải là kiểu ngồi truyền thống của Nhật Bản không?
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở Nhật Bản cách đây không lâu. Vậy thì ngồi “seiza” đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản từ khi nào và như thế nào ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé. Bài viết này được thực hiện với sự hợp tác của JAPO, một nền tảng truyền thông sử dụng năm thứ tiếng. Tại Việt Nam, mỗi tháng trang web của JAPO nhận được 150.000 lượt truy cập, đồng thời phát hành 20.000 bản tạp chí. Bên cạnh đó JAPO cũng có các chương trình truyền hình của riêng mình. Ngày xưa tư thế phổ biến là “ngồi chống một bên chân” (tatehiza) và “ngồi xếp bằng” (agura) Ngồi xếp bằng (agura) Trước đây tư thế phổ biến là “ngồi chống một bên chân” (tatehiza) và “ngồi xếp bằng” (agura) “Seiza” được cho là đã được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong thời kì Nara (710-784). Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài thì dường như tư thế ngồi “seiza” chỉ được sử dụng trong các buổi cầu nguyện với Thần, Phật, hoặc khi cúi lạy những người quyền quý. Cho đến tận thời Edo (1603-1868), đàn ông và phụ nữ vẫn thường ngồi theo kiểu chống một chân lên (tatehiza) ngay cả ở nơi công cộng. Sau này, kiểu ngồi gọi là “ngồi xếp bằng” (agura) như hình trên, tương tự như kiểu ngồi tọa thiền (zazen), cũng trở nên phổ biến. Kimono thập nhị đơn (12 lớp) Từ thời Heian (794-1185) đã có những bức tranh mô tả các phụ nữ quý tộc và nữ quan làm việc trong cung đình, mặc một loại trang phục trang trọng là bộ kimono có tên “thập nhị đơn” (Juni Hitoe). Bộ kimono này được thiết kế mở rộng ở phần thân dưới để có thể bắt chéo chân. Ngoài ra, các bức tranh từ thời Heian cũng vẽ lại cảnh những người phụ nữ đang thư giãn trong tư thế “ngồi bệt với hai chân xếp sang một bên” (yokozawari), một dạng khác của seiza. Cách ngồi của các võ sĩ hoặc trong một buổi trà đạo Võ sĩ ngồi xếp bằng (agura) Cho đến thời Edo, các võ sĩ thường ngồi theo kiểu “xếp bằng” (agura), “chống một bên chân” (tatehiza) hoặc “ngồi xổm” (sonkyo). Lí do là bởi nếu ngồi theo kiểu “seiza” thì sẽ bị tê chân, và phải mất nhiều thời gian mới có thể đứng dậy được, vì vậy sẽ không thể phản ứng nếu xung quanh có ai đó bất ngờ tấn công. Sen no Rikyu Mặt khác, mặc dù hiện nay người ta thường ngồi seiza khi thực hiện một buổi trà đạo, nhưng trước đây thì dường như kiểu “ngồi xếp bằng” (agura) cũng được sử dụng. Chúng ta có thể biết được điều đó từ những bức tranh đương thời vẽ về trà sư nổi tiếng nhất là Sen no Rikyu (1522-1591) trong tư thế “ngồi xếp bằng” (agura) tại một buổi trà đạo. “Seiza” bắt đầu phổ biến từ thế kỉ 17 Những vị tướng quân đã bắt đầu kiểu ngồi seiza Sự lan rộng của seiza đã bắt đầu từ đầu thời Edo (1603-1868) khi các shogun (tướng quân, hay cũng có thể hiểu là những võ sĩ đứng đầu trong nước) gặp mặt các daimyo (lãnh chúa, còn được coi là những samurai đứng đầu ở mỗi vùng) hay các gia thần (kashin: cấp dưới thân cận). Trong những cuộc gặp này, đối phương thường được yêu cầu ngồi seiza. Vì các tướng quân cũng có thể coi là vua của các samurai nên khó có thể cho rằng họ muốn thần thánh hóa bản thân. Khi bạn yêu cầu đối phương ngồi theo kiểu seiza thì người đó sẽ khó có thể đứng dậy và tấn công bạn bằng kiếm. Vì vậy, khi các lãnh chúa daimyo và các gia thần ngồi trước mặt tướng quân, thì tư thế ngồi seiza sẽ được áp dụng như một nghi thức để thể hiện rằng họ không có ý định tấn công, đồng thời thể hiện cảm giác phục tùng. Seiza lan rộng cùng với sự phổ biến của chiếu tatami Sau khi tướng quân bắt các lãnh chúa daimyo và gia thần phải ngồi seiza, văn hóa ngồi seiza đã dần lan rộng trong giới võ sĩ. Tuy nhiên, vì nhà ở thời điểm này vẫn là những căn phòng lát ván gỗ, nên cho dù có là võ sĩ thì cách ngồi chủ yếu dường như vẫn là ngồi chống một chân (tatehiza) hoặc ngồi xếp bằng (agura). Mãi cho đến giữa thời Edo, khi chiếu tatami xuất hiện, thì seiza mới trở nên phổ biến hơn trong giới. Với sự ra đời của chiếu tatami, văn hóa ngồi seiza đã được hình thành trong giới võ sĩ, và những thương nhân tiếp xúc với họ cũng bắt đầu ngồi theo kiểu seiza để thể hiện sự lịch sự. Tiếp tục trở nên phổ biến thông qua việc giáo dục tại trường học Sau này, đến thời Meiji (1868-1912), seiza dần lan rộng đến tầng lớp thường dân. Điều này là do chính phủ kể từ thời Meiji trong môn giáo dục đạo đức được gọi là “tu thân”「修身(しゅうしん)」ở trường học, đã dạy rằng "seiza" được coi là tư thế ngồi của người Nhật, nhằm nhấn mạnh sự khác biệt đối với các nền văn hóa nước ngoài. Thuật ngữ “seiza” cũng được đặt ra vào thời điểm này. Kết quả là kiểu ngồi được chấp thuận trong nghi lễ trà đạo trước đây là “ngồi xếp bằng” (agura) cũng đã được thay đổi thành seiza để thống nhất. Đồng thời, chiếu tatami, vốn trước đây chỉ được tìm thấy trong nhà của những người giàu có cũng đã trở nên phổ biến trong nhà của những người dân thường, khiến cho việc ngồi seiza trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, một phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh tê phù beriberi, một căn bệnh gây đau chân phổ biến trong thời kỳ Edo, cũng đã ra đời trong thời Meiji. Bệnh tê phù beriberi khiến cho chân của mọi người bị đau và không thể ngồi seiza, nhưng việc số lượng bệnh nhân giảm mạnh đã trở thành động lực thúc đẩy sự phổ biến của kiểu ngồi này. Cách ngồi seiza và những trường hợp cần thiết Những trường hợp cần ngồi seiza Hiện nay, “seiza” được sử dụng trong nhiều bộ môn văn hóa Nhật Bản khác nhau như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, kể chuyện cười rakugo, cờ vây, cờ tướng shogi v.v. Ngoài ra, khi gặp người trên trong những căn phòng kiểu Nhật thì seiza được cho là cách ngồi lịch sự. Việc ngồi seiza khi cầu nguyện thần linh hay Đức Phật ở Nhật Bản cũng rất phổ biến. Cách ngồi seiza ① Đầu tiên hãy quỳ trên sàn nhà. ② Hạ thấp mông và ngồi lên gót chân. ③ Duỗi thẳng mu bàn chân theo sàn nhà. Vậy là bạn đã ngồi được theo kiểu seiza. Sau khi ngồi seiza, hãy đặt hai tay lên đầu gối hoặc đùi rồi duỗi thẳng lưng. Đàn ông thường ngồi kiểu này với hai đầu gối hơi mở ra (rộng khoảng bằng nắm tay), trong khi phụ nữ thường ngồi khép đầu gối lại. Những khi không thể ngồi seiza Nếu bạn bị thương ở chân hoặc là người có tuổi, cảm thấy khó có thể ngồi theo kiểu seiza thì hãy nói với đối phương về tình trạng này và ngồi duỗi chân ra nhé. Những lợi ích của việc ngồi seiza Kích hoạt não bộ Bạn có thể ngồi theo kiểu seiza khi học bài hoặc khi muốn tĩnh tâm lại. Ngồi seiza sẽ khiến lưng phải duỗi thẳng ra, từ đó giúp kích hoạt não bộ và cải thiện khả năng tập trung. Ngồi seiza có khiến chân bị ngắn đi không? Một số người cho rằng “chân của người Nhật ngắn hơn người nước ngoài vì tư thế ngồi seiza”. Có lẽ điều này là do tư thế ngồi seiza làm giảm lưu lượng máu xuống phần dưới cơ thể, gây nên cảm giác rằng chân khó phát triển hơn chăng. Tuy nhiên, hiện nay người ta cho rằng không có mối liên hệ nào giữa việc ngồi seiza và chiều dài chân. Nguyên nhân khiến người Nhật có đôi chân dài hơn trước đây được cho là do thay đổi thói quen ăn uống chứ không phải là do họ không còn ngồi theo tư thế seiza nữa. Tổng kết Seiza được cho là đã du nhập từ Trung Quốc vào thời Nara, nhưng kiểu ngồi này không trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, thay vào đó việc ngồi với tư thế "chống một bên chân" (tatehiza) hoặc "xếp bằng" (agura) mới thường gặp hơn. Seiza bắt đầu trở nên phổ biến trong thời Edo (1603-1868) khi các tướng quân bắt buộc các lãnh chúa daimyo và gia thần phải ngồi theo kiểu này. Sau này, với sự ra đời của chiếu tatami, seiza càng trở nên phổ biến hơn trong đời sống của các võ sĩ. Đến thời Minh Trị (1868-1912), chiếu tatami cũng đã trở nên phổ biến trong đời sống của dân thường, bên cạnh đó chính phủ khuyến khích seiza trong giáo dục học đường, vì vậy seiza nhanh chóng lan rộng trong dân chúng. Seiza được coi là kiểu ngồi truyền thống của người Nhật, nhưng nó chỉ mới trở nên phổ biến trong đời sống của người dân cách đây không lâu. Nhân đây thì bạn có thể ngồi seiza được không? Tôi thì không giỏi ngồi theo tư thế này lắm, bởi nó khiến tôi bị đau chân.
-
Cuộc thi viết cảm nghĩ về tác phẩm Manga
Tác phẩm Manga kể về cuộc đời của Hirooka Asako - nữ doanh nhân đã sáng lập công ty bảo hiểm “Daido Life” đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam. Các bạn hãy đọc truyện tranh và viết cảm nghĩ về tác phẩm trong khoảng 1 trang A4 nhé. Những bạn đạt giải cao sẽ nhận được tiền thưởng và tất cả các bạn tham gia đều nhận được phiếu quà tặng điện tử. Cuộc thi đã nhận được 655 bài dự thi từ Việt Nam và Nhật Bản. Sau quá trình chấm điểm kỹ lưỡng, Ban tổ chức đã chọn ra 12 người chiến thắng và lễ trao giải đã được tổ chức vào tháng 11 năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn hãy tham khảo bài viết này. Nữ doanh nhân sáng lập công ty bảo hiểm nhân thọ Đây là truyện tranh kể về cuộc đời của Hirooka Asako (1849~1919) - nữ doanh nhân người Nhật trong thế kỷ 19. 174 năm trước đây, Asako được sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có. Bà được gả vào một gia đình thương gia lớn. Gia đình chồng bà có mô hình kinh doanh giống ngân hàng ngày nay nhưng ngay sau khi làm dâu, một cuộc cách mạng đã nổ ra khiến tình hình kinh tế thay đổi lớn, gia đình chồng bà cũng gặp khó khăn. Trong lúc đó, Asako đã giúp gia đình xoay chuyển tình thế thông qua nhiều hoạt động lớn. Bà thành lập ngân hàng mới, bắt đầu kinh doanh than đá, xây dựng trường đại học đầu tiên dành cho nữ giới, thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Vào thời đại “đàn ông đi làm, đàn bà ở nhà nội trợ và nuôi con”, nữ doanh nhân Asako đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong kinh doanh. Cuốn truyện tranh này giới thiệu cuộc đời của bà một cách rất sinh động. Về Daido Life Trái: Hirooka Asako, Phải: Trụ sở chính của Daido Life Daido Life là công ty bảo hiểm nhân thọ do bà Asako sáng lập với lịch sử hình thành 120 năm. Ngoài việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các công ty vừa và nhỏ, Daido Life còn hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải trong kinh doanh. Cuộc thi viết cảm nghĩ Đối tượng tham gia Người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt (Người Việt đang sống ở Việt Nam và Nhật Bản đều có thể tham gia) Truyện tranh Tác phẩm HIROOKA ASAKO(Shogakukan Educational Manga Character Museum) Bản tiếng Việt※ Bạn có thể đọc miễn phí bản điện tử (tiếng Việt) tại đây Hình thức bài dự thi Bài dự thi viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Nhật.・ Tiếng Việt: Khoảng 1 trang A4 (500~700 chữ)・ Tiếng Nhật: Khoảng 1 trang A4 (1000~1400 chữ)Mẫu bài dự thi - Tải về※ Bạn có thể sử dụng mẫu bài dự thi và viết cảm nghĩ bằng máy tính, điện thoại hoặc viết tay.Mẫu bài nêu cảm nghĩ và bí quyết viết bài Hình thức dự thi ・ Nếu bạn dự thi thông qua trường học, trung tâm tiếng Nhật, nghiệp đoàn v.v, hãy nộp bài dự thi cho giáo viên.・ Nếu bạn tự đăng ký dự thi, hãy gửi bài dự thi về email dưới đây.kokoro.vj.2022@gmail.com Thời hạn nhận bài Ngày 30 tháng 6 năm 2023 Xét duyệt bài dự thi ・ Những người có liên quan đến công ty Daido Life và văn phòng phụ trách tổ chức cuộc thi (người Việt, người Nhật) sẽ đánh giá các tiêu chí như "bạn có hiểu chính xác nội dung tác phẩm không", "bạn có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng không" v.v.・ Giải thưởng sẽ được trao vào mùa thu năm 2023. Cơ cấu giải thưởng
-
Việt Nam Ok, Nhật Bản Dame_Vol 35: Trả lời “はい”-“Vâng” chỉ một lần duy nhất
Khi bạn được sếp hướng dẫn tại nơi làm việc, thông thường ở Việt Nam có thể bạn sẽ trả lời "vâng, vâng, vâng". Ngoài ra, một số bạn hay ưu tiên ghế phụ lái trên xe hơi cho người có địa vị cao hơn, hay người lớn tuổi nhất trong gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn làm những điều tương tự ở Nhật Bản thì như thế nào??? Nói “はい”-“Vâng” ba lần liên tiếp là khiếm nhã Hãy tưởng tượng một tình huống mà bạn nhận được hướng dẫn công việc từ sếp của mình. Ở Việt Nam, khi bạn được hướng dẫn một số công việc, bạn sẽ nói "vâng, vâng, vâng" hoặc "ok, ok, ok". Đây là một cách trả lời khá phổ biến ở Việt Nam và là một cách lịch sự để nói rằng bạn đã hiểu rõ hướng dẫn. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nếu bạn nói“はい”-“Vâng”hai hoặc ba lần liên tiếp, người khác sẽ không có thiện cảm với bạn. Khi nhận được chỉ thị, yêu cầu, giải trình từ cấp trên hoặc khách hàng, chỉ trả lời "có" một lần. Nếu bạn nhìn vào mặt ai đó và nói "có" chỉ một lần, điều đó có nghĩa là "Tôi hiểu (hướng dẫn hoặc lời giải thích của bạn)." Hãy ghi nhớ điều này khi làm việc tại Nhật Bản. Ngay cả khi bạn không nói chuyện với sếp của mình, bạn cũng không nên nói "vâng, vâng, vâng" ở Nhật Bản. Một giáo viên người Nhật nói với tôi rằng khi người Nhật nói "Có" hoặc "OK", họ chỉ nói một lần. Nếu bạn trả lời "Vâng, vâng", có vẻ như bạn sẽ bị hiểu lầm là "Bạn đang xem thường đối phương", "Bạn không có ý muốn nghe", hoặc "Đối phương đang làm bạn phiền". Do đó, việc trả lời “vâng, vâng” hoặc “vâng, vâng, vâng” là bất lịch sự, không chỉ khi giao tiếp với sếp mà còn khi nhận đơn đặt hàng từ khách hàng tại nhà hàng nơi bạn làm việc bán thời gian. Hãy cẩn thận, vì khách hàng có thể cực kỳ khó chịu. Cầm bát trên tay khi ăn Ở Việt Nam, có người đôi khi đặt bát trên bàn và ăn bằng thìa. Ngay cả khi bạn sử dụng đũa, việc đặt bát lên bàn và ăn cũng đôi khi không có vấn đề gì to tát lắm. Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản, ăn bằng đũa hoặc thìa khi bát đang ở trên bàn được coi là thô lỗ. Ở Nhật Bản, tốt hơn là bạn nên nhấc nhẹ bát bằng một tay và đưa nó lại gần miệng trước khi ăn bằng đũa hoặc thìa. Tuy nhiên, với những chiếc đĩa lớn, bạn không cần phải nhấc bằng một tay và có thể để trên bàn để ăn. Tôi không biết điều này cho đến khi con gái tôi, đang học tiểu học ở Nhật Bản, nói với tôi về phong trào “ba không” trong bữa trưa ở trường.“Ba không” là: 1. Không làm đổ thức ăn ra bàn, 2. Không để thừa thức ăn và 3. Không ăn bằng bát trên bàn. Đối với người Nhật, úp mặt vào bàn ăn có thể được coi là cách ăn như thú cưng. Ngoài ra, bưng bát hay bát trà trong trà đạo còn thể hiện lòng biết ơn đối với những người nông dân. Hãy ghi nhớ điều này nếu con bạn đi học ở Nhật Bản hoặc có dịp ăn uống với các đồng nghiệp Nhật Bản tại nơi làm việc. Trên ô tô, người có địa vị cao hơn ngồi ở vị trí nào? Khi ngồi trên ô tô ở Nhật, cách sắp xếp vị trí ngồi trên xe theo thứ tự địa vị có vẻ khác với ở Việt Nam. Tại Việt Nam, ghế cạnh tài xế (ghế phụ) được coi là ghế ưu tiên dành cho gia đình, bạn bè thân thiết. Ví dụ, khi gia đình tôi lên xe, bố tôi luôn ngồi bên cạnh (ghế phụ), còn mẹ, vợ và con tôi ngồi ở ghế sau. Lý do của sự sắp xếp này rất đơn giản: bố tôi là anh cả trong nhà nên bố ngồi ở ghế tốt nhất (ghế hành khách có tầm nhìn rộng). Đây có lẽ là quy tắc phổ biến trong nhiều hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, các quy tắc sắp xếp vị trí trên xe ở Nhật Bản khá khác biệt. Tại buổi lễ tốt nghiệp, tôi và bạn tôi đã lái xe đến đón giáo viên người Nhật của chúng tôi. Bạn tôi lái xe và tôi ngồi ghế phụ. Khi đến nhà thầy, tôi xuống xe để thầy ngồi ghế phụ, còn tôi đi vòng ra ghế sau. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu của sự tôn trọng đối với giáo viên của tôi. Thầy giáo có vẻ hơi bối rối, nhưng không nói gì. Sau khi sự kiện kết thúc, thầy giáo đã cho chúng tôi đã nghe được một sự khác biệt thú vị về điều này. Ở Nhật Bản, người cao tuổi và khách hàng thường ngồi ở ghế sau. Ví dụ: Nếu bạn, sếp và khách hàng của bạn đi bằng taxi, theo thông lệ, họ sẽ ngồi ở ghế sau và bạn ngồi ở ghế hành khách phía trước. Các bạn đang đi làm tại Nhật Bản chú ý điều này nhé.
-
Những quy tắc ứng xử cơ bản dành cho người mới đi làm_01
Khi hỗ trợ các bạn du học sinh đang đi tìm việc ở Nhật, chúng mình thường nhận được câu hỏi là “Trước khi vào công ty, em nên học trước điều gì?”. Câu trả lời của chúng mình là “Bạn nên tìm hiểu trước về các quy tắc ứng xử". Trước khi đi làm chính thức, nếu biết trước những quy tắc cơ bản, bạn sẽ xuất phát sớm hơn các bạn khác một bước. Vì vậy, chúng mình sẽ giới thiệu về những quy tắc ứng xử dành cho các bạn mới đi làm trong hai bài viết. Lần này, chúng mình sẽ nói về “Cách nhận điện thoại”, “Cách mời khách uống trà”, và một quy tắc mà tất cả các công ty đều xem trọng, đó là “Hou - Ren - Sou". Nhận điện thoại trong vòng 3 tiếng chuông Nếu không nhấc điện thoại lên, bạn sẽ không biết ai là người gọi tới công ty của bạn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn luôn ý thức rằng “Khi nhận điện thoại, bạn đang đại diện cho cả công ty". Đầu tiên, khi có điện thoại tới, bạn không nên để đối phương phải chờ lâu, bạn hãy nhấc máy càng sớm càng tốt. Con người sẽ cảm thấy không thoải mái nếu phải chờ hơn 10 giây. Khi gọi điện thoại, nếu nghe nhạc chờ quá lâu, đối phương rất dễ có ấn tượng xấu về công ty của bạn. Một lần đổ chuông kéo dài khoảng 3 giây. 3 tiếng chuông sẽ mất khoảng 10 giây. Bạn hãy cố gắng nhấc máy trong 3 tiếng chuông đổ lại nhé. “Sẽ có ai đấy nhận điện thoại thôi" là một suy nghĩ không tốt chút nào, bạn sẽ ỷ lại vào người khác. Ở nhiều nơi làm việc, có một quy tắc bất thành văn là người có ít kinh nghiệm, chưa có thâm niên là người nhận điện thoại trước. Trong 1, 2 năm đầu sau khi vào làm việc, trừ những lúc bạn bận việc khác và không thể rời tay thì bạn hãy cố gắng là người nhấc máy đầu tiên nhé. Tuy nhiên, nếu hồi chuông đầu tiên chưa dứt mà bạn đã trả lời điện thoại thì bạn sẽ khiến đối phương ngạc nhiên. Vì vậy, bạn hãy cố gắng nhấc máy ở sau 1 hoặc 2 hồi chuông. Cách nhận điện thoại Đây là những điều cơ bản mà bạn sẽ nói khi có điện thoại gọi tới công ty. ①私 : はい、〇〇(自分の会社名)でございます。お電話ありがとうございます。 ②相手: 私、〇〇(会社名)の△△と申します。お世話になっております。 ③私 : 〇〇の△△様でいらっしゃいますね。お世話になっております。 ④相手: 様はいらっしゃいますか? Xác nhận danh tính của đối phương Nếu bạn không nghe rõ tên công ty hoặc tên của người gọi, bạn hãy hỏi lại chính xác tên của người ấy. Bạn hãy dùng câu hỏi “恐れ入りますが、もう一度会社名とお名前をお伺いしてもよろしいでしょうか”. Khi đó, người gọi sẽ nói tên công ty và tên của họ một lần nữa nên bạn có thể nói lại với người phụ trách là “〇〇社の△△様からお電話です”. Khi người gọi không nói tên mình mà hỏi về một ai đó, bạn hãy hỏi “恐れ入りますが、お宅様(おたくさま)のお名前を教えて頂けますか?”. Giới thiệu tên của mình Nếu người gọi đến không chỉ định gặp ai và bạn có thể trả lời nội dung của cuộc điện thoại đó thì trước khi chào いつもお世話になっております, bạn hãy giới thiệu tên mình qua câu nói “私は☆☆と申します”. Đây cũng là một cách cảm ơn đối phương vì họ đã nói tên của họ. Khi bạn nói chuyện với ai đó, bạn hãy giới thiệu tên của mình nhé. Khi nhận điện thoại chậm Nếu bạn để điện thoại kêu quá lâu rồi mới bắt máy, trước khi nói “お電話ありがとうございます”, bạn hãy xin lỗi bằng câu nói “大変お待たせしました”. Cách mời khách uống trà Thông thường, khi có khách tới công ty của bạn, bạn sẽ mời họ uống trà. Có một số công ty mời khách uống cà phê. Dưới đây là quy tắc mời khách uống trà hoặc cà phê. ① Gõ cửa 3 lần và nói “失礼します” rồi vào phòng. ② Nếu trong phòng tiếp khách có bàn ở sát tường, bạn hãy đặt khay trà lên bàn đó và chuẩn bị mời khách uống trà. Nếu trong phòng đó không có bàn trống thì bạn hãy cầm khay bằng một tay, tay còn lại thì lấy trà mời khách. ③ Cầm tách và đĩa trà bằng cả hai tay, vừa đưa trà mời khách vừa nói “どうぞ”, “失礼します”. Hãy mời khách có chức vụ cao trước, sau đó là đến các vị trí còn lại. Về thứ tự mời trà, đầu tiên, bạn hãy mời người ngồi xa cửa vào nhất - vị trí “Kamiza". Đối với người ngồi ở vị trí gần cửa vào nhất - vị trí “Shimoza", bạn hãy mời cuối cùng. Sau khi mời khách xong, bạn hãy mời người trong công ty mình. Về cách phân biệt vị trí Kamiza và Shimoza, bạn hãy tham khảo bài viết này nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Quy tắc ứng xử khi dùng bữa với người lớn hơn ④ Sau khi mời trà xong, khi đứng trước cửa ra, bạn hãy cúi đầu và nói “失礼しました” rồi ra ngoài. ⑤ Khi ra khỏi phòng, bạn hãy hướng về phía khách, cúi đầu và đóng cửa lại. Không thể thiếu “Hou - Ren - Sou” Khi làm việc ở trong các công ty của Nhật, bạn sẽ thường nghe thấy cụm từ “Hou - Ren - Sou”. Đây là từ đầu tiên trong 3 cụm từ dưới đây. ・ホウ=報告(ほうこく) = Báo cáo・レン=連絡(れんらく) = Liên lạc・ソウ=相談(そうだん) = Xin ý kiến, xin tư vấn “Báo cáo - Liên lạc - Xin ý kiến” là những điều rất cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Trong công việc, việc “Báo cáo - Liên lạc - Xin ý kiến” vào lúc nào, như thế nào là việc rất quan trọng. ❌ Không báo cáo tiến độ công việc Khi được cấp trên hoặc người khác giao việc, bạn hãy “báo cáo” tiến độ công việc cho họ thường xuyên nhé. Để cấp trên và đồng nghiệp có thể hỗ trợ bạn, đưa ra lời khuyên cho bạn, điều chỉnh lượng công việc, đưa ra những chỉ thị tiếp theo vào lúc thích hợp thì bạn cần báo cáo tình hình công việc hiện tại cho họ. Để được như vậy, bạn phải thường xuyên báo cáo tình hình công việc với cấp trên hoặc đồng nghiệp. Ở các công ty Nhật Bản, việc siêng “báo cáo” được coi là việc rất quan trọng. ❌ Không nhắc lại Khi đối phương rất bận, họ không thể xử lý được những thông tin mà bạn báo cáo - liên lạc - xin ý kiến - nhờ giúp đỡ v.v. Trong trường hợp này, bạn hãy tìm thời điểm thích hợp, hỏi lại đối phương một lần nữa. ❌ Hành động theo phán đoán của bản thân Nếu bạn là nhân viên mới, chắc chắn là có rất nhiều điều mà bạn chưa biết. Trong các công việc của bạn, nếu có điều gì đó bạn không hiểu hoặc không thể đưa ra quyết định, bạn đừng ngại, hãy hỏi ý kiến của cấp trên và các anh chị đồng nghiệp. Tổng kết Lần này, mình đã giới thiệu với các bạn những quy tắc ứng xử cơ bản dành cho nhân viên mới đi làm như “Cách nhận điện thoại”, “Cách mời khách uống trà”, “Hou - Ren - Sou”. ・ Nhận điện thoại trong vòng 3 tiếng chuông. ・ Khi trả lời điện thoại, hãy nói rõ tên của bạn khi cần thiết. ・ Khi trả lời điện thoại, hãy hỏi tên công ty và tên đối phương khi cần thiết. ・ Cách mời khách uống trà. ・ Thường xuyên báo cáo với cấp trên và các anh chị đồng nghiệp về tiến độ công việc. ・ Khi cấp trên bận và không thể trả lời ngay, thực hiện “Hou-Ren-Sou” một lần nữa. ・ Khi có điều gì không hiểu thì trao đổi trực tiếp với cấp trên hoặc các anh chị đồng nghiệp. Sau khi vào làm việc khoảng 1 tháng, các bạn hãy cố gắng thực hiện nhuần nhuyễn những quy tắc ứng xử cơ bản này nhé. Ngoài ra, bạn hãy nhớ những thông tin này từ bây giờ. Khi bắt đầu làm việc thực tế, bạn hãy thỉnh thoảng nhớ lại và thực hiện những điều này, chúng sẽ trở thành thói quen của bạn. Chúng ta hãy tìm hiểu các quy tắc ứng xử và làm việc thật tốt trong các doanh nghiệp của Nhật nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17080 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13038 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài