Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

84_001
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Lĩnh vực xây dựng không phổ biến đối với các thực tập sinh kỹ năng, nhưng trong đó, xây dựng gia công nội thất là một trong những ngành được cho là tương đối ít khó khăn, rắc rối nhất. Sau khi được đào tạo kỹ năng tại một công ty thiết kế nội thất, Trung và hầu hết các đồng nghiệp của mình, đã chuyển sang tư cách Kỹ năng đặc định tại chính công ty đó. Trong số này, KOKORO sẽ giới thiệu về nơi làm việc và những chia sẻ kinh nghiệm về việc học tiếng Nhật của Trung.

Gặp gỡ sempai số này

Hoàng Quang Trung

  • Năm 2014 Tốt nghiệp Trung học phổ thông〈Tỉnh Quảng Bình〉
  • Năm 2015Làm việc tại một nhà máy của công ty Hàn Quốc〈Tỉnh Đồng Nai〉
  • Năm 2018Học tiếng Nhật tại Công ty phái cử (Trong vòng 8 tháng)
  • Năm 2018Tới Nhật→Học tập→Trở thành thực tập sinh kỹ năng gia công nội thất〈Tỉnh Hyogo〉
  • Năm 2021Chuyển sang tư cách Kỹ năng đặc định (Cùng công ty)
〈Sinh năm 1996 tại tỉnh Quảng Bình〉

Lý do đến với nước Nhật

Tại lớp học của Công ty phái cử

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, mình đã ở nhà giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng (trồng lúa) trong khoảng nửa năm, sau đó mình làm việc trong vòng 3 năm (đến năm 2018) tại một nhà máy sản xuất dây điện ở tỉnh Đồng Nai, nơi các bạn học cấp 3 của mình đang làm việc.Tuy nhiên, ngay cả khi làm việc 12 tiếng một ngày (6 ngày một tuần), mình cũng chỉ nhận được khoảng 10,000,000 VND (khoảng 55,000 yên) mỗi tháng, bao gồm cả tiền làm thêm giờ. Cứ như vậy, dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, cũng rất khó có thể tiết kiệm được tiền.

Vào lúc đó, một cậu bạn rất thân của mình đang đi theo chương trình Thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản, mình đã có cơ hội nghe chia sẻ của bạn mình về các chi phí đi thực tập kỹ năng, nội dung công việc và tiền lương khi bạn ấy nghỉ phép và về nước chơi. Sau khi nghe câu chuyện từ người bạn ấy, mình cũng muốn được sang Nhật Bản làm việc và gửi tiền về cho gia đình, nên mình đã quyết định trở thành một thực tập sinh kỹ năng.

Công ty phái cử tại Việt Nam

Ảnh chụp cùng Giáo viên và bạn bè tại Trung tâm phái cử

Mình đã chọn một Công ty phái cử ở thành phố Hồ Chí Minh, gần với tỉnh Đồng Nai nơi mình làm việc. Sau đó, vì mình vượt qua cuộc phỏng vấn của doanh nghiệp, nên mình đã xin nghỉ công việc tại nhà máy hiện tại, chuyển vào ký túc xá của Công ty phái cử, đồng thời học tiếng Nhật tại đây trong 8 tháng. Chi phí mình đã trả cho Công ty phái cử là khoảng 160,000,000 VND (bao gồm học phí, phí giáo dục, chi phí ký túc xá, chi phí xin Visa,....).

※ Nhận xét của Ban biên tập: Chi phí này là mức phí trung bình của các tổ chức phái cử của Việt Nam vào thời điểm đó, nhưng cao hơn đáng kể so với chi phí do Quốc gia quy định.

Công ty mà mình được nhận là một công ty về thiết kế nội thất-kiến ​​trúc, vậy nên một nửa tiết học tại Công ty phái cử là học tiếng Nhật, nửa còn lại là tiết học về thiết kế nội thất và đào tạo thực hành.Vào mỗi tối, mình tự học khoảng 4 tiếng và quyết tâm cố gắng nhớ càng nhiều tiếng Nhật càng tốt. Ngay cả sau khi sang Nhật, mình vẫn tiếp tục học tiếng, khi muốn trao đổi với công ty, mình cũng sẽ cố gắng trao đổi trực tiếp mà không dựa vào nghiệp đoàn (tổ chức giám sát). Điều này sẽ giúp mình truyền đạt rõ ràng ý muốn của bản thân hơn.

Đi làm bằng tàu điện

Tàu điện và tàu một ray (Monorail) chạy qua khu mình sống

Trong công ty mình, có 13 người Việt Nam (trong đó có 8 thực tập sinh kỹ năng, 4 người theo dạng Kỹ năng đặc định và 1 kỹ sư). Mình sống trong ký túc xá theo dạng nhà riêng cùng với 4 người đồng nghiệp và Kouhai, mình thường thức dậy lúc 6:00 và ra khỏi nhà lúc 6:30. Ký túc xá của mình nằm ở Osaka và nơi làm việc của mình sẽ là các công trường xây dựng ở Osaka, Hyogo, Kyoto,... Tại Nhật Bản, tàu điện rất phát triển nên mình thường đến địa điểm thi công bằng tàu điện hoặc xe buýt, chỉ khi đến nơi nào không thuận tiện, mình mới di chuyển bằng ô tô do đồng nghiệp người Nhật lái. Mình đến các địa điểm thi công như nhà chung cư, khách sạn trước 7:30 và làm việc từ 8:00 đến 18:00. Mình đã được học cách thi công ốp trần và tường, nhưng công việc của chủ yếu gần đây của mình là thi công lát sàn.

Ở địa điểm thi công sẽ tập trung rất nhiều công nhân từ các công ty khác nhau. Khi tới một địa điểm, chúng mình sắp xếp đi khoảng từ 1 đến 3 người, nhưng thường sẽ có đồng nghiệp người Nhật đi cùng để liên lạc với các công ty khác. Tuy nhiên, sau khi tiếng Nhật của mình tốt hơn, mình dần được đảm nhận một mình các công trình có quy mô cao tới 15 tầng.

Chuyến công tác 7 tuần

Phong cảnh tuyệt đẹp tại Thành phố Kagoshima-nơi mình công tác

Công ty của mình có trụ sở chính tại tỉnh Hyogo và có văn phòng chi nhánh tại Tokyo và Fukuoka. Khi bên văn phòng chi nhánh không đủ người, bên mình sẽ được cử đi công tác để hỗ trợ. Ví dụ như, từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022, mình đi công tác tại tỉnh Kagoshima (thuộc phạm vi quản lý của văn phòng chi nhánh Fukuoka) và phụ trách thi công nội thất (sàn) của một khách sạn cao cấp 19 tầng mới xây.

Lúc này, ba người chúng mình đến địa điểm bằng ô tô và lên chuyến phà để đi từ Osaka đến Kagoshima. Di chuyển bằng phà mất khoảng 12 tiếng nhưng rất thoải mái vì chúng mình được sử dụng phỏng ngủ riêng. Ở Kagoshima, mình sống trong một căn hộ thuê theo tuần (mỗi người một phòng) có bếp, tủ lạnh và máy giặt.

Từ thực tập sinh kỹ năng tới Kỹ năng đặc định

Hình ảnh thi công dán sàn nhà

Công ty chúng mình khá bận rộn, vì thế thông thường mình chỉ có thể nghỉ một ngày trong tuần. Tuy nhiên, phụ cấp làm thêm giờ và làm thêm ngày nghỉ được trả đầy đủ, có những ngày nghỉ liên tiếp như lễ Obon và Năm mới, có cả chế độ nghỉ có lương khi bạn có việc riêng. Về phía các đồng nghiệp người Nhật làm việc cùng mình, họ rất thân thiện, công ty cũng hay tổ chức các bữa tiệc gắn kết như tiệc mừng năm mới và tiệc nướng BBQ ngoài trời. Ngoài ra, giám đốc cũng là một người rất tốt, có một Sempai của mình đã thử trao đổi ​​với giám đốc, và anh được giám đốc đồng ý về Việt Nam thăm gia đình trong khoảng sáu tuần.

Với môi trường làm việc tốt như vậy, trừ những đồng nghiệp trở về nước sau khi hoàn thành khóa đào tạo thực tập kỹ thuật ba năm, tất cả mọi người đều quyết định chuyển sang tư cách Kỹ năng đặc định tại công ty này mà không sang công ty khác. Sau khi có tư cách Kỹ năng đặc định, lương thực nhận hàng tháng của mình tăng khoảng 30,000 yên và mình cũng nhận được tiền thưởng (hơn 200,000 yên) một năm một lần.

Mình đã gửi được khoảng 4,5 triệu Yên cho gia đình trong vòng 4 năm

Chiếc iPhone mình mua làm “Phần thưởng cho bản thân”

Trong suốt 3 năm làm thực tập sinh kỹ năng, mình đã gửi khoảng 3 triệu yên về cho gia đình. Sau khi chuyển sang tư cách Kỹ năng đặc định, mình đã có thể gửi khoảng 1,500,000 yên mỗi năm nhờ mức lương cơ bản tăng lên và nhiều khoản trợ cấp đi lại khác. Anh trai mình cũng làm việc tại một nhà hàng Trung Quốc ở Singapore và gửi tiền về cho gia đình, nhờ đó, khoảng hai năm trước, bố mẹ mình đã có thể xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn. Khi xây lại nhà, mình cũng vay thêm ngân hàng một khoản, nhưng có lẽ mình sẽ trả xong trong thời gian gần nhất.

Mình ít đi du lịch vì công việc khá bận và cũng không có nhu cầu mua sắm nhiều. Những thứ mình đã mua ở Nhật Bản chủ yếu có một chiếc đồng hồ đeo tay khoảng 25,000 yên và một chiếc iPhone khoảng 70,000 yên làm phần thưởng cho bản thân khi vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) N3.

Chi phí sinh hoạt của mình (Trung bình trong 1 tháng)

※Chi phí sinh hoạt sau khi chuyển sang tư cách Kỹ năng đặc định

※100 yên = Khoảng 18,218 VND (Tỷ giá tại thời điển 2/2/2023)

Thu nhập:190,000 yên
Lương cơ bản ¥190,000

*Mức lương sau khi trừ thuế, bảo hiểm xã hội, tiền ký túc xá, điện nước,...

*Tiền ký túc xá (25,000 yên), điện nước (4,000-5,000 yên), Wi-Fi và một phần cước điện thoại di động (2,500 yên) sẽ được khấu trừ vào tiền lương

Chi tiêu: 50,000 yên
Tiền ăn (Chủ yếu là tự nấu) ¥30,000
Đồ dùng sinh hoạt, quần áo ¥10,000
Các chi phí khác ¥10,000
Số tiền còn lại hằng tháng:140,000 yên

Lớp học tiếng Nhật tình nguyện

Trong các công việc thực địa như của mình, nếu không thể giao tiếp với những người Nhật làm việc cùng ở mức tối thiểu, thì đó sẽ là một trở ngại lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố chính gây ra các vấn đề xung quanh việc đào tạo thực tập sinh kỹ năng. Tám tháng sau khi đến Nhật, mình đã thi đỗ JLPT N3, đồng nghiệp và Kouhai của mình cũng rất cố gắng học và chúng mình đã có thể giao tiếp tiếng Nhật ở mức tối thiểu.Mình thường trò chuyện với đồng nghiệp người Nhật trong giờ giải lao tại nơi làm việc và điều đó giúp cải thiện kỹ năng tiếng Nhật của mình rất nhiều.

Kể từ khi đến Nhật Bản, mình đã học tiếng Nhật một đến hai giờ mỗi buổi tối.Bên cạnh đó, mình cũng đã tham gia các lớp học tiếng Nhật tình nguyện (miễn phí) do Hiệp hội giao lưu quốc tế tại địa phương tổ chức trong ba năm. Trong lớp học này, giáo viên sẽ dạy tiếng Nhật cho các bạn người nước ngoài trong 2 giờ, cũng có các buổi học riêng một thầy một trò, với các buổi học riêng như vậy, một tuần chỉ cần đi học khoảng 1 buổi là mình đã có thể cảm thấy cực hiệu quả. Gần đây, mình cũng đã giới thiệu lớp học này cho các bạn thực tập sinh là Kouhai cùng công ty, và đi cùng họ tới lớp.

Ở lại Nhật Bản hay trở về Việt Nam

Tham gia chương trình tình nguyện cùng những người bạn Việt Nam, Nhật Bản (Osaka, 2022)

Thông qua việc tự học, đi học các lớp học tiếng Nhật miễn phí và trò chuyện với đồng nghiệp tại nơi làm việc, mình đã có thể giao tiếp tiếng Nhật khá ổn, hiện tại mình đang ôn luyện để đạt mục tiêu đỗ kỳ thi JLPT N2. Tuy nhiên, mình không có dự định trở thành giáo viên tiếng Nhật hay phiên dịch viên. Trong quá trình làm thực tập sinh kỹ năng và Kỹ năng đặc định, mình đã học được các kiến ​​thức và kỹ thuật liên quan đến thi công nội thất, vì vậy trong tương lai, mình hy vọng sẽ tiếp tục có thể làm việc trong ngành này.

Tuy nhiên, mình cũng suy nghĩ rất nhiều về việc không biết nên ở lại Nhật Bản hay trở về Việt Nam trong tương lai. Trước khi sang Nhật, mình đã làm việc 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần tại một nhà máy ở Việt Nam nhưng mức lương chỉ khoảng 10,000,000 VND. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, lương cơ bản ở Việt Nam cũng đã tăng lên, ví dụ như lương của một người bạn của mình ở nhà máy trước đây đã cao gấp 1.7 lần so với thời điểm mình còn làm. Bên cạnh đó, số lượng chung cư cao tầng đang tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam và có khả năng nhu cầu về lát sàn cũng sẽ tăng cao. Mặt khác, nếu suy nghĩ xa hơn về việc kết hôn, cuộc sống gia đình và thu nhập trong tương lai ở Việt Nam, mình nghĩ rằng có thể mình sẽ lựa chọn trở về nước sau khi hoàn thành chương trình Kỹ năng đặc định.