Cuộc sống - Visa
Hướng dẫn chi tiết về cách lấy bằng lái xe ở Nhật Bản – Phương pháp tiết kiệm chi phí khi học lái ô tô
Nếu bạn có bằng lái xe thì bạn có thể làm được khá nhiều việc. Thế nhưng, để có được “bằng lái xe ô tô” tại Nhật Bản, thường cần phải đăng ký học tại trường dạy lái xe ô tô, và chi phí này có thể lên đến khoảng 300,000 yên tùy thuộc vào từng khu vực. Tuy nhiên, có các lựa chọn như “học nội trú” hay các chương trình cho vay tiền để hỗ trợ việc lấy bằng lái xe, giúp bạn có thể lấy được bằng với chi phí thấp hơn so với hình thức thông thường. Ngoài ra, cũng có các trường dạy lái xe hỗ trợ tiếng nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về những cách thức giúp lấy bằng lái xe tại Nhật Bản.
<Nội dung bài viết>
- 1. Các loại bằng lái chính và trường dạy lái xe ô tô
- 2. Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng
- 3. Các chế độ hỗ trợ trong việc học lái xe ô tô
- 4. Rẻ! Nhanh! Nhận bằng lái xe một cách nhanh chóng bằng hình thức “học nội trú”
- 5. Dự thi và lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe (免許センター)
- 6. Tái cấp bằng lái định kì và thủ tục thay đổi địa chỉ, tên, v.v.
- 7. Tóm lược
1. Các loại bằng lái chính và trường dạy lái xe ô tô
Bằng lái thông thường và trường dạy lái xe
Cần phải có bằng lái xe để lái ô tô ở Nhật Bản. Các giấy phép lái xe thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày bao gồm giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) và giấy phép lái xe gắn máy (原付免許).
Giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) |
・ Giấy phép cho phép lái xe ô tô chở khách thông thường hoặc xe gắn máy. ・ Bạn có thể nhận được giấy phép này nếu vượt qua cả bài kiểm tra thực hành và bài kiểm tra lý thuyết tại trung tâm cấp bằng lái xe (trung tâm sát hạch bằng lái xe) tại địa phương mà bạn sinh sống. |
Giấy phép lái xe gắn máy (原付免許) |
・Giấy phép cho phép lái xe gắn máy (phân khối 50cc đổ xuống, xe gắn máy) ・Có thể nhận được bằng việc thi lý thuyết và học khóa học ngắn hạn sau kì thi. |
Việc đỗ kỳ thi thực hành tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) có vẻ khó khăn, nhưng nếu bạn theo học một trường dạy lái xe được chính phủ công nhận và có được “chứng chỉ tốt nghiệp,” bạn sẽ được miễn thi thực hành. Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều tham gia các trường dạy lái xe để hướng đến mục tiêu lấy bằng lái xe thông thường (普通免許).
Bằng lái thông thường (普通免許) phải từ 18 tuổi trở lên
・ Ở Nhật thì phải từ 18 tuổi trở lên mới có thể lấy bằng lái thông thường (普通免許).
・ Bằng lái xe gắn máy (原付免許) thì có thể thi từ năm 16 tuổi,
2. Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng
Chúng tôi sẽ giải thích quy trình tại trường dạy lái xe để lấy bằng lái xe thông thường.
Quy trình tổng thể tại trường dạy lái xe
Bạn sẽ học luật giao thông và các kĩ thuật lái xe tại trường dạy lái xe.
・ 1 tiết học lý thuyết kéo dài 50 phút (học tại lớp học): 26 tiết
・ Học thực hành: 31 tiết trong trường hợp chỉ lái xe AT (automatic), 34 tiết cho bằng lái xe MT (xe có hộp số). Có giới hạn về số tiết học có thể tham gia trong một ngày.
※ Nếu bạn không đỗ các bài kiểm tra giữa kỳ thì bạn phải tham gia học thực hành bổ sung trước khi thi lại.
・ Cũng có các trường dạy lái xe mà bạn có thể học vào buổi tối. Hoặc bạn cũng có thể tham gia học chỉ vào cuối tuần.
・ Thời gian hoàn thành đến khi tốt nghiệp thường mất khoảng 2-3 tháng. Nếu tham gia học một cách tập trung, có thể chỉ mất khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, bắt buộc phải tốt nghiệp trong vòng 9 tháng. Tại các thành phố, có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc đặt lịch học thực hành dẫn đến kéo dài thời gian đào tạo.
・ Chi phí trung bình cho việc học lái xe ô tô (tính đến năm 2023) là từ 240,000 đến 300,000 yen. Chi phí này có thể thay đổi tùy theo từng khu vực.
Học giai đoạn 1
Học lý thuyết・10 tiết |
Bạn sẽ được học về luật giao thông cơ bản và bảo vệ người đi bộ. Các bài giảng sử dụng sách giáo trình chung trên toàn quốc. |
Học thực hành・15 tiết(Trường hợp chỉ học xe AT thì 12 tiết) |
Tại trường dạy lái xe, bạn sẽ học về cách khởi động, dừng lại, cách rẽ tại ngã tư, cũng như cách đỗ xe. Giáo viên sẽ ngồi ở ghế phụ và hướng dẫn bạn, cho dù bạn có lái xe một cách nguy hiểm thì họ vẫn có thể sử dụng phanh hỗ trợ để dừng lại. |
Thi sát hạch(Thường gọi là修検)và thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免)
Sau khi kết thúc toàn bộ việc học lý thuyết và thực hành của giai đoạn 1 thì kì thi sát hạch và thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免) sẽ được tổ chức.
Kì thi sát hạch(tên thường gọi・修検) |
Người học sẽ lái xe trên đường tập luyện trong trường, với giáo viên ngồi ở ghế phụ và các học viên khác ngồi ở ghế sau. Nếu bạn không đỗ, bạn sẽ phải tham gia ít nhất một buổi học thêm trước khi thi lại. Bạn sẽ không thể tiến đến giai đoạn tiếp theo cho đến khi thi đỗ. |
Kì thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免) |
Trả lời câu hỏi ở dạng đánh dấu ◯✕. Trả lời đúng 45/50 câu thì sẽ tính là thi đỗ. |
Trong bài thi lý thuyết có một số câu hỏi rất dễ mắc lỗi, vì vậy hãy nhớ đọc kỹ câu hỏi. Ngoài ra, hãy nghiên cứu nhiều lần các bài luyện tập và các câu hỏi đã từng được ra trong quá khứ. Nếu trượt, bạn sẽ phải thi lại.
Thường sẽ phát sinh chi phí nếu bạn phải thi lại kì thi sát hạch hoặc bài thi lý thuyết. Ngoài ra, các lớp học bổ sung cũng thường mất phí.
Nếu bạn đỗ kì thi sát hạch và kì thi cấp bằng tạm thời karimen (仮免) thì bạn sẽ được cấp “bằng lái xe tạm thời”, và có thể tiến hành học lái xe ngoài đường.
Giai đoạn 2
Học lý thuyết・16 tiết |
Học cách phòng chống tai nạn giao thông và lái xe trong điều kiện bất lợi. |
Học thực hành・19 tiết |
Sau khi bạn nhận được bằng lái xe tạm thời nhờ đỗ kì thi sát hạch, thì sẽ bắt đầu lái xe ngoài đường cùng với giáo viên của trường dạy lái xe. Ở giai đoạn 2 thì sẽ lái xe đồng thời cả trong khuôn viên trường và ngoài đường. Cũng sẽ lái xe cả trên đường cao tốc nữa. |
Thi thực hành tốt nghiệp(Tên thường gọi・卒検)
Bạn sẽ thi thực hành tốt nghiệp sau khi hoàn thành tất cả các bài học của giai đoạn 2. Kì thi này được tiến hành cả trong khuôn viên trường dạy lái xe và đường bên ngoài. Nếu vi phạm những lỗi nghiêm trọng như bỏ qua đèn tín hiệu hoặc không tạm dừng, thì kỳ thi sẽ kết thúc ngay tại đó và bạn sẽ bị đánh giá là không đạt. Tuy nhiên, nếu chỉ vi phạm những lỗi nhỏ thì chỉ bị trừ một ít điểm, vì thế hãy tiếp tục lái xe một cách bình tĩnh cho đến hết bài thi.
Nếu bạn không đỗ kì thi thực hành tốt nghiệp, thì bạn sẽ phải học bổ sung trước khi thi lại.
Nếu vượt qua kì thi thực hành tốt nghiệp, thì bạn sẽ nhận được chứng nhận tốt nghiệp từ trường dạy lái xe. Có giấy chứng nhận này thì bạn sẽ không cần tham gia “thi thực hành” tại trung tâm sát hạch lái xe (運転免許センター) nữa.
3. Các chế độ hỗ trợ trong việc học lái xe ô tô
Học bằng đa ngôn ngữ
Có những trường dạy lái xe bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc hay tiếng Việt. Thường thì chi phí sẽ cao hơn so với trường dạy bằng tiếng Nhật. Bạn hãy tìm kiếm bằng những từ khóa như là「ベトナム語+自動車教習」nhé.
Giáo trình bằng tiếng nước ngoài
Phiên bản tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha) của giáo trình được sử dụng tại các trường dạy lái xe đều có sẵn trên thị trường. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về luật giao thông và lái xe an toàn.
Về phiên bản tiếng nước ngoài của『Quy tắc giao thông – 交通の教則』|JAF
Khoản vay hỗ trợ bằng lái xe
Thường thì bạn sẽ trả hết chi phí trong một lần khi đến trường dạy lái xe. Hãy tiết kiệm trước đó hoặc tìm những trường dạy lái xe cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hoặc cũng có những trường có thể trả phí đào tạo bằng một khoản vay (trả góp). Mặc dù tính cả lãi vào thì cũng hơi đắt, nhưng sinh viên cũng có thể tiếp cận được khoản vay này.
Giảm giá cho sinh viên
Cũng có những trường dạy lái xe sẽ giảm giá cho sinh viên.
4. Rẻ! Nhanh! Nhận bằng lái xe một cách nhanh chóng bằng hình thức “học nội trú”
Dạy lái xe bằng hình thức “học nội trú”, giúp bạn có thể hoàn thành trong thời gian ngắn với chi phí thấp
Có một phương pháp gọi là “học nội trú” dành cho những người muốn lấy bằng nhanh chóng với chi phí thấp. Ở trường “học nội trú”, bạn sẽ được ở tại các cơ sở lưu trú do trường dạy lái xe chuẩn bị và học một cách tập trung. Với hình thức “học nội trú”, bạn có thể tốt nghiệp sau khoảng 2 tuần, chi phí cũng thường thấp hơn so với việc học tại các trung tâm đào tạo lái xe thông thường. Đây là lựa chọn được khuyến khích đối với những người có thể dành ra được một khoảng thời gian tập trung, chẳng hạn như du học sinh.
Các trường dạy lái xe cung cấp hình thức học nội trú giá rẻ thường có nhiều ở các địa phương. Một số nơi có thể chi trả cả phí đi lại từ nơi bạn sinh sống tới trường dạy lái xe.
Chi phí cho hình thức học nội trú thường rẻ hơn trong những khoảng thời gian có ít hoạt động như từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 12, trong khi trong những khoảng có kì nghỉ dài như nghỉ hè hay từ tháng 2 đến tháng 3, gần lúc các trường học chuẩn bị tốt nghiệp thường có chi phí cao hơn. Thêm vào đó, chi phí cũng sẽ có sự khác biệt tùy vào việc bạn chọn ở phòng đơn hay ở chung với người khác.
Lợi ích của học nội trú
- Nếu bạn học lái xe tại các trung tâm đào tạo ở Tokyo, thường sẽ mất khoảng 300,000 yên và việc đặt lịch học thực hành cũng có thể gặp khó khăn, đôi khi phải mất đến vài tháng để tốt nghiệp. Ngược lại, học nội trú có “chi phí thấp” và “thời gian ngắn” so với hình thức trên.
- Có thể giao lưu với những học viên khác.
- Có thể thăm quan ngắm cảnh.
Có một bài viết về trải nghiệm tham gia học lái xe nội trúc của một du học sinh người Việt Nam, các bạn hãy đọc thử nhé.
Mình đã đi học bằng lái ô tô nội trú|KOKORO
5. Dự thi và lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe (免許センター)
Sau khi tốt nghiệp trường dạy lái xe, bạn sẽ dự thi lý thuyết tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) ở địa phương mà mình sinh sống. Có thể sẽ có nơi cho đặt lịch hẹn nên hãy tìm hiểu trước nhé.
Từ 90 điểm trở lên sẽ được tính là đỗ
- Trả lời 95 câu trong vòng 50 phút và đạt được 90 điểm trở lên (100 điểm là điểm tuyệt đối) thì bạn sẽ được tính là đỗ. Có 90 câu hỏi hình thức trả lời ◯✕ (1 điểm/câu) và 5 câu hỏi có tranh minh họa (2 điểm/câu).
- Bạn sẽ được cấp bằng luôn trong ngày hôm đó.
- Chi phí khác nhau tùy theo từng tỉnh. Tokyo thì là 3,800 yên (phí dự thi 1,750 yên, phí cấp bằng 2,050 yên). ※ Thời điểm hiện tại là năm 2023
- Những đồ vật cần mang theo khi đi thi gồm: Giấy chứng nhận tốt nghiệp trường lái xe, bằng lái xe tạm thời karimen, chứng minh thư (thẻ lưu trú hoặc thẻ my number), thẻ cư trú, ảnh, bút.
Những địa phương có thể dự thi bằng tiếng nước ngoài
Cũng có trường hợp có thể thi bằng tiếng nước ngoài. Mỗi địa phương khác nhau sẽ có ngôn ngữ dự thi khác nhau.
◆ Ví dụ về những địa phương có thể dự thi kì thi lý thuyết bằng tiếng nước ngoài
Tiếng Anh | Tiếng Trung | Tiếng Bồ Đào Nha | Tiếng Việt | |
Hokkaido | 〇 | 〇 | ||
Miyagi | 〇 | 〇 | 〇 | |
Saitama | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Chiba | 〇 | 〇 | ||
Tokyo | 〇 | |||
Kanagawa | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Ishikawa | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Shizuoka | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Aichi | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Kyoto | 〇 | 〇 | ||
Osaka | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Hyogo | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Okayama | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Hiroshima | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Ehime | 〇 | 〇 | 〇 | 〇 |
Fukuoka | 〇 | 〇 | 〇 |
(Đến thời điểm hiện tại là tháng 11 năm 2023)
6. Tái cấp bằng lái định kì và thủ tục thay đổi địa chỉ, tên, v.v.
Thời hạn hiệu lực của bằng lái xe và thủ tục cấp lại
Bằng lái xe thường có hiệu lực trong một thời gian nhất định, khi đến hạn thì ta cần làm thủ tục xin cấp lại. Tùy theo tuổi tác và việc có vi phạm giao thông hay không mà thời hạn hiệu lực của bằng lái xe sẽ khác nhau. Nếu như không cấp lại thì bằng lái xe sẽ bị vô hiệu hóa.
Bằng lái xe của Nhật có 3 màu là vàng kim, xanh dương, xanh lá cây.
Xanh lá cây |
・ Là giấy phép đầu tiên bạn nhận được khi có bằng lái, thời hạn hiệu lực là 3 năm |
Xanh dương |
・ Những người lấy được bằng lái dưới 5 năm, thời hạn hiệu lực là 3 năm ・ Người từ 71 tuổi trở lên, thời hạn hiệu lực là 3 năm ・ Ngoài những trường hợp trên, là những người trong vòng 5 năm có vi phạm một lỗi nhỏ, thời hạn hiệu lực là 5 năm ・ Nếu vi phạm nhiều hơn thì thời hạn hiệu lực còn 3 năm |
Vàng kim |
・ Giấy phép này được cấp cho người lái xe không gây tai nạn, không vi phạm trong 5 năm trước khi giấy phép lái xe hết hạn, thời hạn hiệu lực là 5 năm. |
Gần đến hạn phải cấp lại giấy phép thì một bưu thiếp sẽ được gửi tới nhà bạn (theo địa chỉ ghi trên bằng lái) để thông báo. Thủ tục cấp lại giấy phép sẽ được tiến hành tại đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター).
- Người vi phạm luật giao thông trong thời gian giấy phép lái xe còn hiệu lực trước ngày cấp lại, sẽ không được cấp lại nếu không tham gia lớp học về an toàn giao thông.
- Thời hạn cấp lại là khoảng 2 tháng tính từ ngày sinh nhật gần nhất so với ngày hết hạn, nên hãy làm thủ tục trong khoảng thời gian đó nhé.
Thay đổi địa chỉ, tên họ, v.v.
Khi thay đổi địa chỉ hoặc tên họ, thì cần phải nộp các tài liệu cần thiết lên đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) để thay đổi thông tin trên bằng lái.
7. Tóm lược
・ Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường lái xe để lấy bằng lái xe thông thường. Thời gian đào tạo thường từ 2 đến 3 tháng và học viên phải tốt nghiệp trong vòng 9 tháng.
・ Chi phí của trường dạy lái xe vào khoảng 240,000 ~ 300,000 yên. Tùy theo từng vùng mà chi phí trung bình sẽ khác nhau.
・ Ở trường sẽ có các môn lý thuyết và các môn thực hành, giai đoạn 1 sẽ học thực hành lái xe trong trường, giai đoạn 2 thì lái xe cả trong khuôn viên trường và đường bên ngoài. Trước khi học lên giai đoạn 2 thì phải đỗ kì thi sát hạch và kì thi lý thuyết.
・ Kết thúc giai đoạn 2, nếu bạn đỗ kì thi thực hành tốt nghiệp thì sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Sau đó, bạn không cần dự thi kì thi thực hành tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) nữa.
・ Nếu bạn đạt 90 điểm trở lên trong kì thi lý thuyết tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) thì bạn sẽ nhận được bằng lái xe ngay trong hôm đó. Sau đó, khi đến hạn hết hiệu lực của bằng lái, thì bạn cần làm thủ tục cấp tại đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター).
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17075 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13036 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Đổi bằng lái xe quốc tế thành bằng lái xe Nhật Bản. Lái xe bằng bằng lái quốc tế
Để lấy được bằng lái xe ở Nhật Bản, có thể mất khoảng 300,000 yên cho việc đăng ký tại trường dạy lái xe ô tô. Tuy nhiên, nếu đã có bằng lái xe từ nước ngoài thì bạn có thể tham gia kỳ thi tại một trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) ở Nhật Bản với mục đích chuyển đổi sang bằng lái xe Nhật Bản. Trong quá trình này, bạn cũng có thể được miễn giảm một số phần của kỳ thi. Hơn nữa, bạn cũng có thể sử dụng bằng lái quốc tế mà bạn đã có để lái xe ở Nhật Bản. Bài viết này sẽ giải thích quá trình đổi bằng lái xe và các vấn đề liên quan đến bằng lái quốc tế. <このページの内容> 1. Chuyển đổi từ bằng lái quốc tế thành bằng lái của Nhật 2. Lái xe bằng bằng lái quốc tế 3. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản 4. Tóm lược 1. Chuyển đổi từ bằng lái quốc tế thành bằng lái của Nhật Những người đã có bằng lái nước ngoài có thể lấy bằng lái ở Nhật Bản mà không cần phải tham gia một số phần của kỳ thi lấy bằng lái xe (kỳ thi lý thuyết và kỳ thi thực hành) tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター). Thủ tục này được gọi là "Chuyển đổi bằng lái xe." Điều kiện để được miễn thi Để nhận được bằng lái Nhật Bản mà không cần thi viết hoặc thi thực hành thì bạn phải đáp ứng các điều kiện sau. Phải có bằng lái nước ngoài còn thời hạn hiệu lực. Chứng minh được rằng bạn đã ở trong nước tổng cộng từ 3 tháng trở lên sau khi có bằng lái xe nước ngoài (bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh thời gian lưu trú, chẳng hạn như hộ chiếu có đóng dấu xuất nhập cảnh). Cách đăng ký chuyển đổi bằng lái xe Trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) Để được cấp bằng lái xe ở Nhật Bản, bạn cần nộp đơn tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) (hoặc Trường thi cấp giấy phép lái xe) thuộc tỉnh/thành phố mà bạn đang sinh sống. Dưới đây là danh sách tài liệu bạn cần nộp. Trung tâm này thường do cảnh sát quản lý. ① Đơn xin = Hãy nộp cùng 1 bản “phiếu hỏi” liên quan đến tình trạng sức khỏe của bạn. Đôi khi nhân viên của trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) cũng sẽ hỏi những câu liên quan đến các triệu chứng bệnh của bạn. ② 1 ảnh (dọc 3.0 cm x ngang 2.4cm) = Chụp chính diện từ ngực trở lên, không đội mũ. Ảnh phải được chụp trong vòng 6 tháng gần nhất. Nền trắng. ③ Bản sao của thẻ cư trú (Người chưa đăng ký cư trú thì dùng hộ chiếu v.v.) = Tài liệu phải ghi rõ quốc tịch ④ Chứng minh thư(Thẻ bảo hiểm sức khỏe, thẻ my number, thẻ ngoại kiều v.v.) = Chỉ cần trình ra. ⑤ Bằng lái xe nước ngoài ⑥ Bản dịch tiếng Nhật của bằng lái xe nước ngoài = Là tài liệu được tạo ra bởi các cơ quan hoặc tổ chức cụ thể (như sẽ được giới thiệu dưới đây). ⑦ Tài liệu xác nhận rằng bạn đã ở trong nước từ 3 tháng trở lên sau khi có bằng lái xe nước ngoài = Hộ chiếu có đóng dấu xuất nhập cảnh của quốc gia đó. Nếu không được đóng dấu, vui lòng cung cấp bằng chứng cư trú tại đất nước đó. ⑧ Lệ phí Các cơ quan và tổ chức được phép cung cấp bản dịch tiếng Nhật của bằng lái xe nước ngoài ・ Cơ quan hành chính ở nước ngoài nơi bạn đã nhận bằng lái xe nước ngoài của mình (ví dụ: cơ quan cảnh sát). ・ Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của quốc gia bạn ở Nhật Bản, nơi bạn nhận bằng lái xe nước ngoài của mình. ・ Tổ chức pháp nhân ô tô Nhật Bản (JAF) Những giải thích liên quan đến việc đổi bằng lái được ghi ở trang sau. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cục cảnh sát HP (警察庁HP) 2. Lái xe bằng bằng lái quốc tế Bằng lái quốc tế có thể sử dụng ở Nhật Bản Những người có "Bằng lái xe quốc tế" dựa trên "Công ước về giao thông đường bộ" (gọi tắt là Công ước Geneva) có thể lái xe ở Nhật Bản. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những quốc gia tham gia Công ước Geneva|Cục cảnh sát Bằng lái xe quốc tế duy nhất có thể được sử dụng ở Nhật Bản là bằng do các quốc gia đã tham gia Công ước Geneva cấp và có kiểu mẫu do công ước đó xác định. ※ Việt Nam không tham gia Công ước Geneva (tính đến thời điểm tháng 4/2023) ※ Mặc dù Pháp, Bỉ và Monaco có tham gia Công ước Geneva nhưng họ không cấp bằng lái xe quốc tế theo kiểu Công ước Geneva. Tuy nhiên, nếu bạn đính kèm bản dịch tiếng Nhật vào bằng lái của các quốc gia này thì bạn vẫn có thể lái xe ở Nhật Bản. Thời hạn có thể lái xe với bằng lái quốc tế Nhật Bản có quy định về thời hạn sử dụng bằng lái quốc tế. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một vài trường hợp ví dụ. Dành cho những người đã đăng ký cư trú tại Nhật Bản Trường hợp Thời hạn được lái xe bằng bằng lái quốc tế Trường hợp rời khỏi Nhật Bản, lấy bằng lái xe quốc tế ở nước ngoài, và sau đó quay lại Nhật Bản sau ít nhất 3 tháng kể từ ngày xuất cảnh. 1 năm kể từ ngày cấp bằng lái xe quốc tế Trường hợp rời Nhật Bản, lấy bằng lái xe quốc tế ở nước ngoài, và sau đó quay lại Nhật Bản trong khoảng thời gian ít hơn 3 tháng kể từ ngày xuất cảnh. Bạn có thể lái xe trong vòng 1 năm tính từ ngày nhập cảnh trước đó, không phải là ngày bạn nhập cảnh trở lại. Ví dụ, nếu bạn ở lại Nhật Bản trong 2 năm, sau đó xuất cảnh để lấy Bằng lái xe quốc tế và quay lại Nhật Bản trong thời gian ít hơn 3 tháng từ ngày xuất cảnh, bạn sẽ không thể sử dụng bằng lái quốc tế đó ở Nhật Bản, vì đã qua hơn 1 năm kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên. Dành cho những người chưa đăng ký cư trú tại Nhật Bản Trường hợp Thời hạn được lái xe bằng bằng lái quốc tế Trường hợp đến Nhật Bản lần đầu tiên sau khi lấy bằng lái xe ở nước ngoài 1 năm kể từ ngày cấp bằng lái xe quốc tế Trường hợp đến Nhật Bản lần đầu và không xuất cảnh mà nhận bằng lái quốc tế qua đường bưu điện Có thể lái xe kể từ ngày lấy bằng lái xe quốc tế, thời hạn là một năm kể từ ngày nhập cảnh vào Nhật Bản. 3. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản Trường dạy lái xe Cần phải có bằng lái xe để lái ô tô ở Nhật Bản. Các giấy phép lái xe được sử dụng phổ biến trong đời sống bao gồm: Giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) ・ Giấy phép cho phép lái xe ô tô chở khách thông thường hoặc xe gắn máy ・ Bạn có thể nhận được giấy phép này nếu vượt qua cả bài kiểm tra thực hành và bài kiểm tra lý thuyết tại trung tâm cấp bằng lái xe (trung tâm sát hạch bằng lái xe) tại địa phương mà bạn sinh sống. Giấy phép lái xe gắn máy (原付免許) ・ Giấy phép cho phép lái xe gắn máy (phân khối 50cc đổ xuống, xe gắn máy) ・ Có thể nhận được bằng việc thi lý thuyết và học khóa học ngắn hạn sau kì thi. Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường lái xe để lấy bằng lái xe thông thường. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Giải thích chi tiết về cách lấy bằng lái xe ở Nhật Bản|KOKORO 4. Tóm lược Chuyển đổi bằng lái xe Người có bằng lái xe nước ngoài còn hiệu lực, và có thể chứng minh đã lưu trú từ 3 tháng trở lên ở quốc gia đó, có thể được cấp giấy phép lái xe Nhật Bản tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (日本の免許運転センター) mà không cần thi một số phần của kỳ thi (kỳ thi thực hành, kỳ thi lý thuyết). Tuy nhiên, phải nộp các tài liệu như bản sao thẻ cư trú (hoặc hộ chiếu nếu không đăng ký cư trú) và bằng lái xe nước ngoài. Bằng lái xe quốc tế Có thể lái xe ở Nhật Bản bằng bằng lái quốc tế được cấp ở nước ngoài. Chỉ những bằng lái quốc tế có kiểu mẫu được định bởi Công ước Geneva mới có thể được sử dụng ở Nhật Bản và có nhiều giới hạn khác nhau về thời gian bạn có thể lái xe. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường dạy lái xe để lấy bằng lái xe.
-
Mình đã xin visa du lịch Mỹ từ Nhật Bản như thế nào?
Visa Mỹ, hay còn được gọi là thị thực Mỹ, thị thực Hoa Kỳ, visa Hoa Kỳ, thường được nói là một trong những loại visa khó xin nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu có đủ kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ, bạn có thể tự xin visa đi Mỹ. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm tự xin visa du lịch Mỹ (thị thực B2) với tư cách là du học sinh tại Nhật Bản, cũng như danh sách các câu hỏi mình đã gặp trong vòng phỏng vấn. ※Ảnh trên là thị thực (visa) Mỹ mình được cấp 〈Nội dung số này〉 Không biết Tiếng Anh có sao không? Các bước xin thị thực (visa) đi Mỹ Bước 1:Điền thông tin tại Mẫu đơn DS-160 Bước 2:Nộp lệ phí cấp visa Bước 3:Hẹn lịch phỏng vấn Bước 4:Đi phỏng vấn Mình đã được hỏi những câu hỏi như thế nào Lý do mình đỗ phỏng vấn? Tổng kết Không biết Tiếng Anh có sao không? Ngôi trường mình đang theo học Hiện tại, mình đang theo học tại một trường đại học ở Osaka, Nhật Bản. Mình muốn đi du lịch New York một mình trong kỳ nghỉ hè, vì vậy mình đã quyết định xin visa du lịch Mỹ. Thông thường, mình sẽ nhờ một công ty du lịch lo thủ tục xin thị thực, nhưng vì không muốn lãng phí khoản tiền này nên mình đã quyết tâm tự xin visa. Mình đã học tiếng Anh từ khi còn học tiểu học, và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt. Điều này đã rất có lợi đối với mình khi phỏng vấn xin thị thực. Nói như vậy có lẽ sẽ làm những bạn không tự tin về tiếng Anh cảm thấy lo lắng, nhưng các bạn hãy yên tâm. Đúng là mẫu đơn xin thị thực phải được điền bằng tiếng Anh, tuy nhiên, trên trang web của Đại sứ quán Mỹ đã có video bằng tiếng Nhật hướng dẫn rất kỹ cách điền đơn và phỏng vấn cũng có thể được thực hiện bằng tiếng Nhật. Do đó, bạn chỉ cần biết sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật thôi là đã có thể xin thị thực đi Mỹ tại Nhật Bản rồi. Các bước xin thị thực (visa) đi Mỹ Trang web giới thiệu “Các bước xin thị thực (visa) Mỹ” Có 4 bước xin thị thực (visa) Mỹ: ・Bước 1:Điền thông tin tại Mẫu đơn DS-160 ・Bước 2:Nộp lệ phí cấp visa ・Bước 3:Hẹn lịch phỏng vấn ・Bước 4:Đi phỏng vấn [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Các bước xin thị thực (visa) Mỹ【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Các bước xin thị thực (visa) Mỹ【Tiếng Anh】 Ngoài ra, có 6 nơi bạn có thể nộp đơn xin thị thực Mỹ tại Nhật Bản, bao gồm Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Osaka. Đại sứ quán Mỹ tại Nhật (Tokyo) Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Osaka-Kobe (Osaka) Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Nagoya (Tỉnh Aichi) Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Fukuoka (Tỉnh Fukuoka) Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Sapporo (Hokkaido) Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Naha (Okinawa) Tuy nhiên, các bạn hãy lưu ý rằng cách thức xin thị thực tại Tokyo, Osaka và Okinawa hơi khác so với cách xin thị thực tại Sapporo và Fukuoka. Trong bài viết này, mình sẽ chủ yếu giới thiệu về cách xin thị thực ở Tokyo, Osaka và Okinawa. Bước 1:Điền thông tin tại Mẫu đơn DS-160 Mẫu đơn điền thông tin xin thị thực online (Mẫu DS-160) DS-160 là mẫu đơn đăng ký cấp thị thực trực tuyến. Các bạn có thể truy cập đơn từ đường link bên dưới. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Mẫu đơn DS-160 Sau khi bạn click vào link, trang web sẽ hiện ra giống như hình trên. Chọn tên Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán mà bạn muốn đăng ký tại số ① trong hình trên và nhập mã xác minh được hiển thị trên trang. Để bắt đầu điền thông tin, bạn hãy bấm vào nút ”START AN APPLICATION (Tạo hồ sơ)” tại số ②. Trong trường hợp muốn truy cập lại vào mẫu đơn đang điền dở, hãy bấm vào nút “RETRIEVE AN APPLICATION (Lấy lại đơn)”. Khi truy cập lần đầu, sau khi bấm “START AN APPLICATION”, bạn sẽ được chuyển đến màn hình xác nhận như bên dưới. Tại đây, bạn đánh dấu tích vào mục ①, lựa chọn câu hỏi bảo mật và trả lời ở mục ②, sau đó, bấm “Continue (Tiếp tục)” ở mục ③. Tiếp theo, bạn sẽ được chuyển đến trang điền thông tin cho đơn DS-160 (như hình bên dưới). Tại góc trên bên phải của trang, bạn có thể chọn ngôn ngữ giải thích. Ví dụ, sau khi bạn chọn tiếng Việt, mỗi lần di con trỏ chuột vào một mục trên trang thì bản dịch tiếng Việt của mục đó sẽ hiện ra. Có rất nhiều đầu mục nên sẽ mất khá nhiều thời gian để trả lời, các bạn hãy kiên nhẫn nhé. Cách điền thông tin ※Video hướng dẫn trên trang web tiếng Việt và tiếng Nhật khác nhau Để biết thêm chi tiết về cách điền (nhập) Mẫu đơn DS-160, các bạn hãy tham khảo trang web hướng dẫn dưới đây (hình trên) do Đại sứ quán Mỹ cung cấp. Từ trang web này, bạn có thể tham khảo video “Hướng dẫn cách điền Mẫu đơn DS-160" và video "Quy trình phỏng vấn". [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Thông tin về Mẫu đơn DS-160【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Thông tin về Mẫu đơn DS-160【Tiếng Anh】 Tuy nhiên, video nói trên là video hướng dẫn cho trường hợp xin thị thực du học (thị thực F), không phải thị thực thương mại hoặc du lịch ngắn hạn (thị thực B), vì vậy, các bạn cần lưu ý một chút khi điền đơn xin thị thực loại B. Ví dụ: nếu bạn đang xin thị thực với mục đích "Du lịch ngắn hạn", hãy trả lời như sau đối với câu hỏi về mục đích chuyến đi. ・ Purpose of Trip to the U.S. (Mục đích chuyến đi): TEMP.BUSINESS PLEASURE VISITOR (B) / Thương mại, du lịch ngắn hạn (B) ・ Specify (Chi tiết): TOURISM/MEDICAL TREATMENT (B2) / Du lịch, chữa bệnh (B2) Những giấy tờ cần thiết khi điền Mẫu đơn DS-160 Sau đây là những giấy tờ cần thiết khi làm hồ sơ xin visa: ・ Hộ chiếu ・ Ảnh thẻ (file điện tử) Hãy đọc kỹ trang “Yêu cầu về ảnh” trước khi chụp. Bạn có thể chụp và in ảnh thẻ tại máy chụp ảnh tự động. Giá rẻ nhất sẽ khoảng 500 yên. Sau khi chụp xong, hãy lưu file ảnh vào điện thoại di động của bạn. Sử dụng phông nền trắng. Không đeo kính. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Yêu cầu về ảnh【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Yêu cầu về ảnh【Tiếng Anh】 Nhóm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xin visa đi Mỹ của người Việt Nam Chắc hẳn có lúc bạn sẽ có những thắc mắc trong quá trình điền đơn ngay cả khi đã tham khảo những hướng dẫn có trên trang web chính thức của Đại sứ quán. Trong trường hợp này, bạn hãy thử tham gia các nhóm Facebook như “Chia sẻ phỏng vấn xin Visa du lịch Mỹ” để trao đổi và hỏi thêm thông tin về cách thức xin visa với các thành viên trong nhóm. Thông thường, mọi người trong nhóm sẽ trả lời rất nhiệt tình và thân thiện. Trang xác nhận đã nộp đơn DS-160 Trang “Xác nhận đã nộp đơn DS-160” (DS-160 confirmation page) Sau khi nộp đơn thành công, trang “Xác nhận đã nộp đơn DS-160” (còn gọi là “DS-160 confirmation page”) có mã vạch sẽ được hiển thị. Bạn sẽ phải mang tài liệu này đến buổi phỏng vấn nên hãy in trang xác nhận này ra nhé. Bước 2:Nộp lệ phí cấp visa Lệ phí xin thị thực sẽ khác nhau tùy theo loại thị thực. Bạn có thể tham khảo mức giá cụ thể trên trang “Lệ phí xin thị thực Mỹ”. Lệ phí cấp thị thực công tác/du lịch (thị thực loại B) rơi vào khoảng 160 USD và được thanh toán bằng tiền Yên khi đăng ký tại Nhật. Tỷ giá đô – yên có thể được xem tại trang “Lệ phí xin thị thực”. Có nhiều phương thức thanh toán khác nhau bao gồm chuyển khoản ngân hàng, tuy nhiên, mình thấy sử dụng thẻ tín dụng là dễ dàng và nhanh gọn nhất. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Lệ phí xin thị thực Mỹ【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Lệ phí xin thị thực Mỹ【Tiếng Anh】 Bước 3:Hẹn lịch phỏng vấn Trang “Xác nhận đặt lịch phỏng vấn” (appointment letter) Sau khi nộp đơn DS-160, mình đã đặt lịch hẹn phỏng vấn tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ Osaka-Kobe qua Internet. Nếu đặt lịch trước 2-3 tuần so với ngày bạn muốn phỏng vấn, sẽ có tương đối nhiều ngày và khung giờ trống cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu đặt lịch ngay trước ngày phỏng vấn, có nhiều khả năng các khung giờ đều đã kín chỗ nên các bạn hãy lưu ý. Sau khi đặt lịch phỏng vấn xong, trang "Xác nhận đặt lịch phỏng vấn" (còn gọi là “appointment letter”) sẽ hiện ra như hình trên. Các bạn hãy in trang này ra để mang theo khi đi phỏng vấn. Nếu muốn biết thêm thông tin về cách đặt lịch hẹn phỏng vấn, bạn hãy tham khảo trang web bên dưới nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Đặt lịch phỏng vấn【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Đặt lịch phỏng vấn【Tiếng Anh】 Bước 4:Đi phỏng vấn Đại sứ quán Mỹ (Tokyo) Cuối cùng là bước phỏng vấn. Bước này sẽ được thực hiện tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán. Nếu bạn nộp đơn xin thị thực ở Tokyo, Osaka hoặc Naha, đừng quên mang theo các giấy tờ cần thiết sau khi đến phỏng vấn. Các giấy tờ cần thiết ・Trang “Xác nhận đặt lịch phỏng vấn” (appointment letter) (bản in) ・Trang “Xác nhận đã nộp đơn DS-160” (DS-160 confirmation page) (bản in) ・Ảnh thẻ: 1 tấm (tham khảo yêu cầu về ảnh tại Bước 1) ・Hộ chiếu ・Hộ chiếu cũ được cấp trong vòng 10 năm đổ lại (nếu có) ・Bản copy 2 mặt Thẻ ngoại kiều (在留カード) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký người nước ngoài (外国人登録証明書) Quy trình phỏng vấn Lấy dấu vân tay (Trích từ Video trên Trang web chính thức) Dưới đây là quy trình phỏng vấn của mình tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Osaka. ① Nhân viên an ninh sẽ xác nhận thời gian hẹn của người xin thị thực và yêu cầu họ đợi một thời gian. Vì lý do an ninh, bạn không được phép đến sớm quá 15 phút so với thời gian đã hẹn. ② Khi được gọi tên, bạn sẽ đi qua kiểm tra an ninh. Cũng giống như tại sân bay, cả người và vật dụng mang theo đều sẽ được kiểm tra bằng máy dò kim loại. ③ Nộp “Các giấy tờ cần thiết” mình đã nêu ở trên và lấy dấu vân tay. ④ Bắt đầu phỏng vấn. Lúc đầu, người phỏng vấn đã đặt câu hỏi cho mình bằng tiếng Nhật, nhưng sau khi mình nói với họ rằng mình muốn được phỏng vấn bằng tiếng Anh, họ đã chuyển sang dùng tiếng Anh. Kết quả phỏng vấn sẽ được thông báo ngay sau khi phỏng vấn kết thúc. Trích từ video chính thức về quy trình phỏng vấn 【Lưu ý】 Bạn không được phép mang một số loại vật dụng vào Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán. Ví dụ, bạn không thể mang theo hành lý lớn hoặc máy tính xách tay. Bạn hãy tham khảo danh sách những vật dụng bị cấm mang theo tại trang web sau. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những điểm cần lưu ý trước khi tới Đại Sứ Quán【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những điểm cần lưu ý trước khi tới Đại Sứ Quán【Tiếng Anh】 Video về quy trình phỏng vấn Bạn có thể xem video chính thức về cuộc phỏng vấn từ trang web sau. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Thông tin về Mẫu đơn DS-160【Tiếng Nhật】 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Thông tin về Mẫu đơn DS-160【Tiếng Anh】 Mình đã được hỏi những câu hỏi như thế nào? Mình sẽ tóm tắt những gì mình nhớ được về các câu hỏi và câu trả lời của mình trong buổi phỏng vấn. ※Thứ tự câu hỏi có khác so với thực tế. ※Danh sách này không bao gồm toàn bộ các câu hỏi. Hỏi: Tại sao bạn lại muốn đến thăm nước Mỹ? Đáp: Tôi đã xem một bộ phim truyền hình rất thú vị trên Netflix lấy bối cảnh tại New York tên là "Inventing Anna". Bộ phim đã truyền cảm hứng cho tôi và khiến tôi muốn đến thăm New York. Hỏi: Bạn có dự định tới đâu tại đất nước Hoa Kỳ? Đáp: Tôi dự định tới thăm New York. Hỏi: Bạn dự định ở đó trong bao lâu? Đáp: Tôi sẽ ở Mỹ trong một tuần, và tôi sẽ chỉ ở New York trong khoảng thời gian đó. Hỏi: Bạn có thể nói về kế hoạch du lịch của bạn không? Đáp: Thực ra tôi cũng chưa lên kế hoạch chi tiết, nhưng tôi muốn đến thăm thật nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở New York. Ví dụ như Đảo Liberty, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Phố Wall, Tòa nhà Empire State, v.v. Hình ảnh mình chụp tại Đảo Liberty, New York Hỏi: Bạn dự định mang theo bao nhiêu tiền mặt? Đáp: Tôi đang nghĩ đến việc mang theo 1,200 đô la tiền mặt. Hỏi: Bạn có người quen ở Mỹ không? Đáp: Vâng. Tôi có một người bạn sống ở Texas. Hỏi: Bạn đã sống ở Nhật bao lâu rồi? Đáp: Tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 2018 với tư cách là một học sinh trao đổi, nhưng lúc đó tôi chỉ học tại Nhật khoảng nửa năm. Sau đó, tôi lại quay lại Nhật Bản vào tháng 1 năm 2021 để theo học đại học, tính đến nay (tháng 5 năm 2022), tôi đã sống ở Nhật Bản được khoảng 2 năm. Hỏi: Bạn hiện tại đang học ngành gì ở trường Đại học? Đáp: Tôi đang học về kinh tế. Hỏi: Bạn sẽ tốt nghiệp vào thời gian nào? Đáp: Tôi dự định tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2025. Hỏi: Dự định của bạn sau khi tốt nghiệp là gì? Đáp:Sau khi tốt nghiệp tôi định làm việc tại Nhật Bản. Lý do mình đỗ phỏng vấn? Tại Đài thiên văn Top of the Rock, New York Mình nghĩ mình đã vượt qua cuộc phỏng vấn và nhận được visa nhờ những lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất: Mình đã thuyết phục được người phỏng vấn rằng mình sẽ không ở lại Mỹ bất hợp pháp. Điều quan trọng nhất của việc xin thị thực là thuyết phục được người phỏng vấn rằng bạn sẽ không ở lại Mỹ bất hợp pháp. Mình đã nhấn mạnh rằng mình còn hai năm cho đến khi tốt nghiệp đại học, và mình dự định sẽ tìm việc làm tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp. Có thể vì vậy mà họ đã phán đoán rằng khả năng mình ở lại Mỹ bất hợp pháp là rất thấp. Lý do thứ hai: Mình đã trả lời các câu hỏi một cách cụ thể và dễ hiểu. Để trả lời các câu hỏi của người phỏng vấn, bạn nên cung cấp càng nhiều thông tin cụ thể và dễ hiểu càng tốt. Các câu trả lời quá ngắn hoặc chỉ trả lời Yes (có) hoặc No (không) đều không tốt và nên tránh. Mình nghĩ rằng trong buổi phỏng vấn mình đã không mắc lỗi này. Lý do thứ ba: Mình có thể giao tiếp trôi chảy xuyên suốt buổi phỏng vấn. Như đã đề cập ở trên, do có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tương đối tốt, mình đã có thể trả lời trôi chảy các câu hỏi người phỏng vấn đưa ra. Người phỏng vấn rất thân thiện và điều này đã giúp mình bớt căng thẳng trong suốt buổi phỏng vấn. Lời khuyên của mình dành cho các bạn muốn xin visa đi Mỹ là hãy luyện tập phỏng vấn trước bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật để có thể thể hiện thật tốt trong buổi phỏng vấn. Tổng kết Ảnh mình chụp trên đường phố New York Trên đây là tất cả các thông tin về quá trình xin visa du lịch Mỹ của mình. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Việc xin visa Mỹ cần có thời gian và sự nỗ lực, nên “kiên nhẫn” chính là chìa khóa quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên hoàn thành thủ tục xin thị thực khoảng vài tháng trước ngày xuất hành để có thể kịp kế hoạch du lịch mong muốn. Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi xin thị thực là thuyết phục được bên cấp thị thực rằng bạn sẽ không ở lại Mỹ bất hợp pháp. Nếu ghi nhớ điều này trong quá trình điền đơn DS-160 và trả lời các câu hỏi phỏng vấn, chắc chắn cơ hội được cấp thị thực của bạn sẽ tăng lên. Chúc bạn may mắn và có một trải nghiệm tuyệt vời!
-
Những thực phẩm bị nghi là hàng cấm tại sân bay?
Kể từ tháng 4 năm 2022, các hạn chế đối với việc xuất nhập cảnh của Nhật Bản đã được nới lỏng. Vì vậy số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật trở về nước ngày càng tăng. Mình đang là nhân viên văn phòng tại Nhật Bản. Sau ba năm xa nhà, mình đã về Hà Nội một tuần. Khi đó, mình cảm thấy việc kiểm tra hành lý mang vào Nhật khắt khe hơn trước. Trong bài viết này, chúng mình đã tổng hợp lại kinh nghiệm của các bạn người Việt đang sống tại Nhật và giới thiệu tình hình kiểm tra hành lý tại sân bay trong thời gian gần đây. Cấm mang vào Nhật các loại rau tươi và chế phẩm từ thịt! Năm 2018, thầy giáo người Nhật của mình khi từ Việt Nam trở về Nhật đã mang theo nhiều loại hoa quả như xoài, bưởi v.v. để làm quà cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, từ năm 2019, các quy định liên quan đến việc mang các sản phẩm chăn nuôi, rau và trái cây vào Nhật đã được thắt chặt hơn. Việc kiểm tra nghiêm ngặt được thực hiện tại hải quan để ngăn chặn sâu bệnh có trong rau và trái cây tươi. Hiện nay, trái cây tươi là loại thực phẩm bị cấm mang vào Nhật Bản. ◆ Những loại thực phẩm mà cá nhân không được mang vào Nhật Rau củ, hoa quả tươi Nhiều người cố gắng mang ớt tươi của Việt Nam sang Nhật. Ớt của Nhật không cay lắm, còn ớt sống của Việt Nam thường không được bán ở Nhật. Tuy nhiên, ớt tươi cũng được coi là một loại rau quả nên không được mang vào Nhật. Nếu bạn để ớt tươi trong hành lý, chúng sẽ bị tịch thu khi làm thủ tục hải quan. Hạt giống cây trồng Mang sang Nhật các loại hạt giống của các loại hoa và rau không có sẵn ở Nhật để trồng cũng là phạm pháp. Tất cả các loại hạt giống cây trồng đều bị cấm mang vào Nhật Bản. Thịt và các chế phẩm từ thịt Không chỉ thịt sống, những sản phẩm được làm từ thịt lợn hay thịt bò (thịt bò khô, v.v.) về cơ bản đều bị cấm. Thịt bò khô là món ăn vặt rất được ưa thích của người Việt Nam. Do giá thành cao và khó có thể tự làm nên các bạn du học sinh thường hay mang từ Việt Nam sang để ăn. Tuy nhiên, việc mang thịt bò khô vào Nhật Bản là việc làm bị cấm. Nếu bạn thực sự muốn ăn, hãy mua thịt bò khô ở các cửa hàng tạp hóa Việt Nam ở Nhật. Hai loại thực phẩm bị nghi ngờ là mặt hàng cấm Có một số loại thực phẩm mà du học sinh mang từ Việt Nam sang bị nghi ngờ là "hàng cấm" tại sân bay Nhật Bản. Đây đều là thực phẩm và gia vị phổ biến ở Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng là gì nhé? Thực phẩm bị nghi là “ma tuý” là? Set yến sào: tổ yến, hạt chia, táo tàu, đường phèn Vào tháng 5 năm 2022, khi từ Việt Nam quay lại Nhật, bạn Vy - sinh viên năm 3 của một trường đại học ở Osaka đã mang theo nhiều đồ ăn Việt Nam. Trước khi trở lại Nhật, Vy đã cẩn thận tìm hiểu về những thứ có thể và không thể mang vào Nhật để chuẩn bị kỹ hành lý mang sang song Vy vẫn bị mắc kẹt ở hải quan. Đó là vì trong hành lý của Vy có “Yến Sào”. Yến sào mà Vy mang sang là của một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam và nó đã được đóng gói cẩn thận. Tuy nhiên, nhân viên hải quan đã phải bóc tất cả các bao bì và kiểm tra để chắc chắn rằng đường phèn có trong hộp đó không phải là ma túy. Vy biết rõ đấy không phải là ma túy nhưng cũng cảm thấy hơi lo lắng khi nhân viên hải quan hỏi rất nhiều câu hỏi trong suốt 20 phút chờ kết quả xét nghiệm. Cuối cùng Vy cũng được thở phào khi nhân viên hải quan khẳng định đó là đường phèn chứ không phải ma túy. Gia vị bị nghi ngờ là “hạt giống cây trồng”? Bên trái: Hạt tiêu đen, bên phải: Hạt giống rau mồng tơi Thy - sinh viên đang học ở một trường chuyên môn ở Osaka khi từ Việt Nam quay lại Nhật đã mang theo hạt tiêu đen. Thế nhưng, nhân viên hải quan lại nghi ngờ đây là “hạt giống cây trồng” nên Thy đã mất khá nhiều thời gian giải thích ở khu vực hải quan. Hạt tiêu của Việt Nam nếu chưa xay nhỏ sẽ tròn và to nên trông nó khá giống với hạt giống của cây. Việc cho hạt tiêu vào một chiếc túi nilon không có nhãn hiệu cũng đã làm nhân viên hải quan lầm tưởng đây là hạt giống. Tuy nhiên, sau khi được Thy giải thích rõ ràng, lúc mở túi ra thì toàn là mùi cay nồng đặc trưng của tiêu nên mọi chuyện đã được giải quyết. 4 điều cần lưu ý về các hành lý mang theo ① Tra cứu tên tiếng Nhật của các hành lý mang theo Ngay cả khi bạn không biết đó là một mặt hàng bị cấm, nếu hải quan tìm thấy nó trong hành lý của bạn, bạn có thể không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản. Do đó, hãy tìm hiểu trước về những đồ bị cấm và không cho nó vào hành lý. Ngoài ra, hãy tra cứu trước và ghi nhớ tên tiếng Nhật của những món đồ bạn mang đến Nhật để có thể nhanh chóng giải thích khi bị hải quan hỏi. Có một phương pháp nữa là viết tên tiếng Nhật lên sticker và dán vào vật dụng tương ứng. Việc nhân viên hải quan nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra đấy là cái gì sẽ làm giảm khả năng bạn bị nghi ngờ. ② Chỉ mang theo thực phẩm vừa đủ cho 1 tháng Những bạn du học sinh và thực tập sinh kỹ năng lần đầu tiên đến Nhật thường nghĩ đến việc mang theo nhiều mì gói và gia vị từ quê nhà, nhưng hiện nay đã có rất nhiều cửa hàng và nhà hàng ăn uống của Việt Nam tại Nhật Bản. Do vậy bạn chỉ cần mang vừa đủ cho đến khi bạn quen với Nhật Bản, sau đấy bạn có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm ở Nhật. Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam - Tokyo Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam - thành phố Osaka ③ Không hoảng loạn thì khi nhân viên hải quan tra hỏi Bất cứ ai cũng có thể bị mắc kẹt tại hải quan, vì vậy đừng hoảng sợ nếu bạn bị yêu cầu kiểm tra hành lý. Đầu tiên, nhân viên hải quan sẽ hỏi nhiều câu hỏi khác nhau, sau khi được sự đồng ý của bạn, hành lý của bạn sẽ được kiểm tra chi tiết. Cũng có trường hợp họ yêu cầu mở nắp hộp và xem xét bên trong. Nếu không có gì vi phạm pháp luật, việc này sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng dù hơi mất mất thời gian, vì vậy hãy bình tĩnh để hợp tác với nhân viên hải quan. Tuy nhiên, khả năng các bạn bị kiểm tra tại cửa hải quan là rất cao nên tuyệt đối đừng cố tình mang vật cấm vào Nhật Bản. ④ Tuyệt đối không mang giúp hành lý của người khác Đừng bao giờ nhận lời mang giúp hành lý của người khác tại sân bay ở Việt Nam. Nếu ai đó yêu cầu bạn mang theo vật có chứa ma túy bên trong và bị phát hiện tại sân bay ở Nhật Bản, bạn không những không được nhập cảnh mà còn có khả năng cao bị xử phạt và bị bắt giữ. Việc này sẽ không được chấp nhận ngay cả khi bạn khẳng định rằng: "Tôi không biết", vì vậy hãy cẩn thận nhé. Dù có giấu diếm nhưng vẫn bị phát hiện! Chó đánh hơi chế phẩm từ thịt và rau quả tươi tại sân bay Tại khu vực lấy hành lý của các sân bay Nhật Bản, nhân viên kiểm tra các sản phẩm thịt, rau và trái cây sẽ đi cùng với một chú chó . Con chó này thường được gọi là “Keneki tanchi ken” (chó hỗ trợ kiểm dịch). Ngay cả khi bạn đã bọc các sản phẩm thịt, rau và trái cây trong túi nhựa hoặc hộp và giấu vào trong vali , loài chó này vẫn sẽ phát hiện ra. Một chú người Nhật mà mình quen đã có chuyến công tác 2 tuần tại Việt Nam. Trong khoảng mười ngày, chú ấy mang theo hai quả xoài được bọc bằng túi ni lông và để trong vali. Chú ấy đã ăn hết xoài trước khi quay lại Nhật, nhưng có vẻ như mùi vẫn còn trong vali. Tại khu vực lấy hành lý ở sân bay Kansai, một “chú chó” đã chúi mũi vào vali của chú khiến chú bị nhân viên kiểm dịch khám xét toàn bộ hành lý. Chó hỗ trợ kiểm dịch (Video) Tổng kết Dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước, chúng mình đã tổng hợp những điều cần lưu ý khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Bạn không thể mang rau, trái cây, sản phẩm thịt (thịt bò khô) v.v. từ nước ngoài vào Nhật Bản. Ngoài ra, ngay cả khi nó không phải là một mặt hàng bị cấm, vẫn có những trường hợp bị nghi ngờ vì dễ gây hiểu lầm. Nếu bạn dán tên tiếng Nhật lên các món đồ bạn mang theo, nhân viên hải quan sẽ có thể dễ dàng nhận ra và bạn có thể hoàn thành việc kiểm tra trong thời gian ngắn. Mặt khác, nếu bạn vi phạm nghiêm trọng, bạn có thể không bao giờ được nhập cảnh vào Nhật nữa. Những bạn sẽ đến Nhật Bản với mục đích làm việc hoặc học tập, để không bỏ lỡ cơ hội của chính mình, hãy lựa chọn thật cẩn thận những món đồ bạn mang theo và lưu ý không mang theo những vật dụng không cần thiết nhé.
-
Mình đã đi học bằng lái ô tô nội trú
Ở Nhật bằng lái xe không chỉ là giấy tờ tất yếu khi lái xe, mà còn là một trong những giấy tờ tùy thân phổ biến. Để lấy được bằng lái xe, thường sẽ phải mất tới vài tháng đi học ở trung tâm dạy lái, chi phí cũng mất khoảng trên dưới 300.000 yên (khoảng 62,5 triệu đồng). Tuy nhiên, với hình thức học nội trú thì chi phí khá rẻ mà chỉ mất khoảng 2 tuần là có thể thi lấy bằng chính thức. Mình cũng đi học nội trú và đã lấy bằng lái nên hôm nay mình xin chia sẻ kinh nghiệm của mình tới mọi người nhé! ※Tỷ giá tính đến 15/8/2021: 100 yên tương đương khoảng 20.835 đồng 〈Mục lục〉 Cách chọn trung tâm dạy lái và chi phí Cở sở vật chất kí túc xá và cuộc sống Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng Đi tham quan khi có thời gian rảnh Ưu, nhược điểm của việc học bằng lái xe nội trú Thi lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe(免許センター) Tóm lược Cách chọn trung tâm dạy lái và chi phí Shinkansen từ Tokyo tới Niigata Mình là một du học sinh. Sau khi học 1 năm rưỡi ở trường Nhật ngữ mình đã vào học một trường Đại học ở Tokyo và hiện tại là sinh viên năm 4. Mình đã tìm được một công việc ở Nhật và vì công việc cần lái xe nên mình đã đi học bằng lái xe. Toàn bộ chi phí là tự bản thân mình chi trả. Vì muốn nhanh lấy được bằng với chi phí rẻ nên mình đã chọn học nội trú. So với học bình thường phải mất mấy tháng để hoàn thành khóa học thì học nội trú chỉ mất khoảng 2 tuần, chi phí cũng rẻ được mấy chục nghìn yên. Mình đã tìm hiểu thông tin về các trường nội trú trên mạng internet nhưng với số tiền lớn mà chỉ trao đổi qua mạng thì mình thấy không an tâm. Do vậy trong số tờ rơi có ở trường, mình đã chọn trung tâm ở Niigata và làm thủ tục xin học thông qua trường. Giá rẻ, được tận hưởng cảm giác đi du lịch xa nên mình đã chọn trung tâm đó. Mình chọn khóa học có kèm theo 3 bữa ăn mỗi ngày với giá 218,000 yên (khoảng 45 triệu 420 nghìn đồng). Vì không phải mùa cao điểm nên mình được ở 1 mình trong phòng dành cho 2 người mà không cần trả thêm phí. Chi phí bao gồm tiền học, sát hạch hoàn thành khóa học, sát hạch tốt nghiệp, tiền phòng cho 13 đêm 14 ngày và tiền ăn. Tuy nhiên, nếu bị trượt một trong các khi thi sát hạch thì sẽ phát sinh phí và kéo dài thời gian học vài ngày. Chi phí đi lại tới địa điểm học và cả đi được trường dạy lái xe chi trả 19,000 yên. Tháng 7/2021, mình đã đi Shinkansen tới Niigata (mình mua vé shinkansen được giảm giá cho học sinh, gồm vé lên tàu 4,570 yên, vé tốc hành 5,040 yên). Các bạn cùng tham gia với mình chủ yếu là các bạn tới từ vùng thủ đô Tokyo, ngoài ra cũng có bạn từ Hokkaido, Aichi, Gunma, Nagano tới nữa. Cở sở vật chất kí túc xá và cuộc sống Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới:Khung cảnh từ ga Nishishibata, kí túc xá, phòng ngủ, cơm tối Tỉnh Niigata là một vựa lúa lớn của Nhật Bản. Từ ga Niigata đổi tàu đi tới ga Nishishibata (đường sắt JR) mở ra trước mắt bạn sẽ là cảnh những cánh đồng lúa. Tới ga Nishishibata sẽ có xe bus mini tới đón về trường để bắt đầu làm thủ tục nhập học và sau đó sẽ nhận phòng kí túc xá. Kí túc xá là một tòa nhà 2 tầng, phòng rất sạch đẹp, cơm rất ngon, lại có máy giặt, nên rất thời gian ở đây rất thoải mái dễ chịu. Từ kí túc xá tới trường chỉ mất 5 phút đi bộ nên giữa giờ nghỉ của các tiết học mình thường về lại phòng. Kí túc xá nam và nữ là hai tòa riêng biệt nhưng khi ăn cơm thì tất cả đều tập trung ăn ở tầng 1 của tòa kí túc nữ. Vì ảnh hưởng của dịch corona nên buổi đi Osen, tiệc giao lưu như thường lệ đều bị hủy. Tuy nhiên mình quen được các bạn cùng kí túc nên thời gian ở đây rất vui vẻ. Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng Trình tự học lấy bằng lái xe Mình nhập trường ngày 15/7 và tốt nghiệp ngày 28/7. Giai đoạn 1 có 9 tiết học lí thuyết, 12 tiết học thực hành lái trong trường. Học xong các tiết này sẽ có khì thi sát hạch hoàn thành nội dung học (lí thuyết và thực hành) và nếu đậu thì sẽ được cấp karimen để được tập lái thực tế trên đường. Học lí thuyết Sách học lí thuyết khá dày. Lúc đầu mình đã nghĩ là không thể nào mà học thuộc hết được. Nhưng sau khi học thì chỉ cần nắm vững những điểm mấu chốt là được nên mình cũng bớt lo lắng hơn. Trong lớp mình học có mỗi mình là người nước ngoài nên giáo vên vẫn giảng với tốc độ bình thường. Trong giờ học cấm dùng điện thoại, nên có những từ không hiểu cũng không tra nghĩa được mà phải để tới khi về phòng ngồi học lại mới tra rồi hiểu ra. Trường còn có các buổi học tham gia tự do. Mình đã tham gia 5 tiết và làm đi làm lại các đề thi thử rồi nghe giáo viên giải thích những chỗ chưa hiểu, nhờ vậy mình vượt qua kì thi lí thuyết mà không thấy quá khó. Học thực hành Cảnh hoàng hôn ở trường lái Ngày nhập học ngay buổi đó mình học các thao tác cơ bản với mô hình sau đó vô lái thật luôn. Lần đầu tiên ngồi sau vô lăng mình rất run. Tuy nhiên sau 1 tuần đậu kì sát hoạch hoàn thành giai đoạn 1, ngay hôm đó mình đã được lái thực tế ở đường. Lái trên đường cần chú ý chuyển động của các xe khác và người đi bộ. Ở trong trường lái, mình thường lái với tốc độ trên dưới 20km nhưng ngoài đường có những lúc phải lái với tốc độ 70km. Mình vừa lái vừa sợ toát mồ hôi. Tuy nhiên dần dần quen thì khi lái, mình cũng đã thoải mái hơn. Sát hạch tốt nghiệp (lái ngoài đường) thì mình luôn chú ý giữ tốc độ ổn định và xác nhận an toàn. Đi tham quan khi có thời gian rảnh Shimizu-en (thị xã Shibata, tỉnh Niigata) Ngày nào cũng khá là bận rộn, nên hầu như chỉ có thời gian rảnh vào khoảng chiều tối. Hoặc có xong sớm thì do dịch corona thì các địa điểm tham quan lại đóng cửa sớn nên không đi tham quan đâu được. Nhưng 1 ngày trước khi tốt nghiệp, việc luyện tập đến 2 giờ chiều là kết thúc nên cuối cùng mình cũng đi chơi được. Mình đi xe điện của JR tới ga Shibata rồi thuê xe đạp ở trung tâm thông tin du lịch để đi tham quan thị xã Shibata và Shimizu-en (nhà vườn kiểu Nhật). Thành Shibata Ưu, nhược điểm của việc học bằng lái xe nội trú Phòng tiếp nhận của trường dạy lái xe Mình nhận thấy một số ưu điểm và nhược điểm của việc học lái xe nội trú như sau. 〈Ưu điểm〉 ✔︎ Ưu điểm lớn nhất của việc học lái xe nội trú là 2 điểm “nhanh” và “rẻ”. Học các trường bình thường ở khu vực xung quanh thủ đô sẽ mất khoảng 280-300 nghìn yên và thời gian cũng mất khoảng vài tháng. Hơn nữa việc đăng kí và sắp xếp các tiết học khá vất vả còn học nội trú thì tất cả điều được sắp xếp sẵn. ✔︎ Được giao lưu với những người cùng học ✔︎ Tùy từng địa điểm, sẽ được tận hưởng cảm giác như đi du lịch 〈Nhược điểm〉 ✔︎ Trong thời gian học không được về nhà, cũng không làm được các công việc khác. Thi lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe(免許センター) Sau khi tốt nghiệp trường dạy lái, mình phải thi lí thuyết ở trung tâm sát hạch bằng lái nơi mình đang sinh sống. Có chỗ phải đặt lịch trước nên các bạn hãy tìm hiểu trước. Bài thi có 95 câu làm trong 50 phút, trên 90 điểm là đỗ, và sẽ được cấp bằng ngay ngày hôm đó. Chi phí thì ở tỉnh Kanagawa thì lệ phí thi là 1,750 yên, phí cấp bằng là 2,050 yên (mỗi tỉnh mỗi khác). Về phần mình thì sau khi tốt nghiệp mấy ngày mình thi luôn nên đỗ luôn lần một, tuy nhiên nghe nói cũng có rất nhiều người phải thi nhiều lần mới đỗ. Tốt nghiệp xong, trong khi chưa quên kiến thức thì nên thi càng sớm càng tốt. Tóm lược Cổng vào Shimizu-en Học lái xe theo hình thức nội trú thì khoảng 2 tuần là có thể tốt nghiệp. Chi phí vừa rẻ hơn lại còn được trả tiền đi lại. Ngoài ra còn được ngắm nhìn những phong cảnh chưa từng thấy, ăn những món ăn địa phương. Với mình học nội trú là 1 gói học siêu phù hợp. Nếu muốn chi phí ít thì hãy chọn thời điểm học giống mình, tránh những kì nghỉ dài như nghỉ hè... Ngoài ra, mình thì đi học một mình nhưng nếu đi cùng bạn bè thì vừa vui hơn mà có trường hợp lại còn được giảm giá nữa. Mọi người tham khảo nhé!
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17075 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13036 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài