Du lịch - ăn uống
Quán Karaoke dành cho người Việt Nam tại Tokyo
Tại Nhật Bản, trong những năm gần đây, do sự gia tăng nhanh chóng của số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, nhiều quán Karaoke dành cho người Việt Nam đã được mở ra. Đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka, các cửa hàng Karaoke được sử dụng làm nơi hẹn hò, giao lưu vào cuối tuần và ngày lễ. Chúng tôi đã có thử trải nghiệm một số cửa hàng Karaoke ở Tokyo và Chiba và giới thiệu để các bạn có thể tham khảo.
1. Karaoke Sóc Con
Karaoke, có nguồn gốc từ Nhật Bản, không biết từ khi nào đã trở thành một trong những nét văn hóa phổ biến của người Việt Nam. Giờ đây, hầu như người Việt Nam nào cũng biết đến loại hình giải trí này. Dù già hay trẻ, nông thôn hay thành thị thì bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy một quán karaoke ở bất cứ đâu, để giao lưu cùng bạn bè và vui vẻ bên gia đình.
Cùng với số người Việt Nam tại Nhật Bản gia tăng, số cửa hàng Karaoke Việt Nam cũng gia tăng. Cửa hàng đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là quán Sóc Con. Quán nằm ở khu Shinokubo, nơi tập trung nhiều cửa hàng của các nước châu Á. Từ ga Shinokubo rẽ tay phải đi dọc theo đường lớn nơi tập trung nhiều hàng quán độ 500m thì rẽ phải ta sẽ thấy ngay quán Sóc Con.
Quán có nhà hàng Việt Nam ở tầng 1 và quán karaoke ở tầng 2. Quán karaoke là một phòng lớn có thể chứa khoảng 20 người khá thoải mái. Tường và trần được trang bị các loại bóng điện đầy mầu sắc tạo một không gian rực rỡ, khác hẳn các phòng Karaoke đơn giản của người Nhật.
Màn hình điều khiển trung tâm kiểu Việt Nam và số lượng bài hát Việt Nam phong phú, bạn có thể tìm kiếm và lựa chọn bài hát bằng màn hình điều khiển trung tâm rất giống hệ thống tại các quán karaoke ở Việt Nam. Có những bài hát tiếng Nhật và tiếng Anh, nhưng số lượng bài hát Việt Nam áp đảo hơn rất nhiều.
Ngoài ra, có nhiều đồ uống như bia và nước ngọt của Việt Nam.
Trước khi rời quán, tôi đã hát bài “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”. Lâu lắm mới có dịp hát tiếng Việt nên tôi rất vui.
Phí sử dụng phòng là 3000 yên một giờ cho 4 người. Theo chủ cửa hàng, tối đa 6 người là 3000 yên một giờ, và từ người thứ 7 là thêm 500 yên một giờ. Nhóm chúng tôi có 4 người, tiền phòng 3.000 yên, tiền đồ uống 3 lon là 1.650 yên (chưa tính thuế). Đồ ăn và thức uống có thể được đặt từ nhà hàng ở tầng một cũng có giá cả khá hợp lý.
▶︎︎ Địa chỉ: Tokyo-to, Shinjuku-ku, Okubo 1-7-2
▶︎ Điện thoại: 070-3610-0689
▶︎ Giờ mở cửa: 11:00〜23:30
2. Gold Karaoke
Đây cũng là quán Karaoke nằm ở khu vực Shinokubo. Cửa hàng mới mở cửa không lâu, bên trong cửa hàng được bài trí trông sạch sẽ gọn gàng. Cửa hàng cũng phục vụ đồ ăn Việt Nam và hệ thống giá cả giống như nhiều quán karaoke Việt Nam khác.
Ở đây, hệ thống bảng điều khiển trung tâm cũng tương tự như với các quán Karaoke Việt Nam khác. Người sử dụng có thể thoải mái lựa chọn các bài hát Việt Nam. Phí sử dụng là 2000 yên / giờ cho tối đa 4 người và thêm 500 yên/người/giờ cho người thứ 5.
Bạn có thể đặt đồ ăn Việt Nam và trái cây theo mùa thông qua việc lựa chọn đồ trên điện thoại thông minh của nhân viên.
▶︎ Địa chỉ: Tokyo-to, Shinjuku-ku, Hyakunin cho 1-10-11
▶︎ Điện thoại: 090-8946-1618
▶︎ Mở cửa: 17:00〜5:00
3. Quán Karaoke Anh Em
Quán mở từ năm 2016, cách ga Funabashi đi bộ vào tầm 7 phút. Đây là khu vực tương đối đông người Việt Nam và nước ngoài và cũng thuận tiện khi muốn chuyển đến các địa điểm khác nên quán được nhiều người lựa chọn.
Trong ảnh là các bạn nữ Việt Nam sống ở khu vực quanh đây sử dụng cửa hàng để tổ chức tiệc mừng sinh nhật vui vẻ. Giá sử dụng là 3000 yên/giờ và không giới hạn số người. Phòng có thể chứa trên 20 người.
Thực đơn đồ uống và hoa quả cũng rất phong phú.
▶︎ Địa chỉ: Chiba-ken, Funabashi-shi, Honcho 4-31-20
▶︎ Điện thoại: 080-9423-4648
▶︎ Giờ mở cửa: 16:00 ~ 3:00
※ Ngày lễ có thể thay đổi.
Tổng kết
Các cửa hàng Karaoke tại Nhật Bản dành cho người Việt Nam ngày càng thấy xuất hiện nhiều. Những địa điểm này đang trở thành nơi giao lưu bạn bè người Việt Nam, nơi gia đình vui vẻ hát hò cùng nhau, với giá cả vừa phải. Trong bài này chúng tôi chỉ giới thiệu 2 cửa hàng ở Tokyo và 1 cửa hàng ở Chiba làm đại diện nhưng trên khắp nước Nhật, đâu đâu cũng ngày càng nhiều các cửa hàng Karaoke Việt Nam.
Chúng tôi hi vọng nơi đây sẽ là điểm đến lành mạnh để mọi người có thể hát những bài hát Việt Nam, giải toả những muộn phiền, căng thẳng trong cuộc sống khi đến học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17081 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15550 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13040 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
★ Thông tin cơ bản: Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản
Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản ・ Sự kiện của mùa xuân ・ Sự kiện của mùa hạ ・ Sự kiện của mùa thu ・ Sự kiện của mùa đông ・ Các ngày lễ trong một năm Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn đã sang Nhật những sự kiện lớn diễn ra trong 1 năm. Nhật Bản là đất nước có 4 mùa và có rất nhiều sự kiện liên quan đến các mùa. Sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của các sự kiện theo mùa cũng như những văn hóa quan trọng trong đời sống của Nhật Bản. Sự kiện của mùa xuân Nhắc tới nét thi vị của mùa xuân Nhật Bản là phải nhắc tới hoa anh đào (sakura). Do ảnh hưởng của hiện tượng trái đất nóng lên, thời gian hoa anh đào nở rộ đang dần dần sớm lên nhưng đây là mùa mà nhiều người dân Nhật Bản cầu mong cho một sự khởi đầu mới trong không khí tươi sáng do hoa anh đào và ánh nắng, sự ấm áp của mùa xuân đem lại. Vào tháng 4, các công ty, trường học bắt đầu một năm làm việc, học tập mới. Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những sự kiện của mùa xuân Nhật Bản. Ngày 3 tháng 3: Lễ hội búp bê Nhật Bản (Hina matsuri) Lễ hội búp bê Nhật Bản là ngày lễ cầu mong cho các bé gái hạnh phúc, lớn lên khỏe mạnh v.v. Vào dịp này, nhiều nhà trang trí các con búp bê có tên là “hina”, ăn sushi chirashi, bỏng gạo và cùng đón lễ hội với gia đình. Ngày 14 tháng 3: Valentine trắng Đây là ngày các chàng trai nhận được socola trong ngày Valentine đáp lễ cho các cô gái. Nếu đáp lễ bằng đồ ngọt thì mỗi loại có ý nghĩa như sau: “kẹo” - “tôi thích bạn”, “bánh cookies” - “chúng ta là bạn nhé”, “marshmallow hoặc kẹo dẻo” - “tôi không thích bạn”, còn những loại bánh kẹo khác thì không được biết đến. Trong số những chàng trai đã nhận được quà tặng từ người yêu, bạn gái mà mình thích vào ngày Valentine thì cũng có một số trường hợp được bạn gái kì vọng về một món quà đáp lễ có giá trị. Món quà đáp lễ có thể không phải là đồ ngọt. Tháng 3: Lễ tốt nghiệp Tháng 3 là mùa các trường học tốt nghiệp. Thời gian thi đầu vào thường nằm trong khoảng tháng 1 ~ tháng 3, có nhiều lễ tốt nghiệp được tổ chức vào giữa tháng 3, sau khi lễ nhập học kết thúc. Hạ tuần tháng 3 ~ Thượng tuần tháng 4: Hanami Hanami là việc ngắm hoa anh đào. Thời gian hoa nở ở mỗi địa phương có sự khác nhau nhưng vào tầm này, những bông hoa bung nở trên khắp Nhật Bản. Có người vừa đi vừa ngắm hoa, có người trải bạt dưới gốc cây hoa anh đào, ăn cơm đã chuẩn bị sẵn, uống rượu, tận hưởng cùng bạn bè. Ngày 1 tháng 4: Cá tháng tư Đây là ngày bạn có thể nói dối. Gia đình và bạn bè thường nói những câu nửa đùa nửa thật với nhau. Cũng có những doanh nghiệp nói đùa thông qua SNS để làm cho khách hàng vui. Ví dụ, đưa thông tin phát hành sản phẩm không có thật, chuyển các kí tự chữ của màn hình game online sang kí tự viết tay để đùa vui trong ngày này. Ngày 1 tháng 4: Năm tài khóa mới Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp, trường học ở Nhật bắt đầu năm tài khóa mới vào tháng 4. Lễ chào đón nhân viên mới, lễ nhập học được tổ chức vào thượng tuần tháng 4, đối với các em thiếu nhi và học sinh thì một năm học mới lại bắt đầu. Ngày 29 tháng 4 ~ ngày 5 tháng 5: Golden Week Thời gian có nhiều ngày nghỉ và nghỉ lễ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 được gọi là Golden Week (GW). Vì có nhiều người đi chơi vào dịp này nên dễ xảy ra tình trạng đông đúc ở trên tàu điện, máy bay; các khách sạn hết chỗ, hết phòng; các đường cao tốc cũng tắc nghẽn. Tiền thuê khách sạn và tiền vé máy bay cũng sẽ tăng lên. Cũng có người tránh đi xa, thay vào đó là tận hưởng các sự kiện ở gần nhà. ※4 ngày lễ: ngày 29 tháng 4 (ngày Chiêu Hòa), ngày 3 tháng 5 (ngày kỉ niệm Hiến pháp), ngày 4 tháng 5 (ngày cây xanh), ngày 5 tháng 5 (ngày thiếu nhi) và thêm thứ 7, chủ nhật tạo nên một kì nghỉ dài. Cũng có nhiều người Việt đang du học hoặc làm thực tập kỹ năng ở nhiều nơi khác nhau thường cùng nhau đi du lịch, đến thăm nhau trong thời gian này. Ngày 5 tháng 5: Ngày thiếu nhi (ngày lễ) Lễ hội búp bê ngày 3 tháng 3 là sự kiện dành cho bé gái còn ngày 5 tháng 5 là ngày cầu chúc may mắn cho các bé trai. Người Nhật có phong tụ cầu chúc cho các bé trai lớn lên khỏe mạnh, có sự nghiệp trong tương lai bằng hình ảnh đèn lồng cá chép = hình ảnh = được treo ở nơi có gió thổi qua như ở trong vườn v.v. Tuy nhiên, gần đây số lượng gia đình treo cá chép đang giảm đi, ngược lại, số lượng các địa phương treo cá chép cỡ lớn đang tăng lên. Nửa đầu tháng 5 (chủ nhật tuần thứ 2 của tháng): Ngày của Mẹ Ngày của Mẹ là ngày chủ nhật tuần thứ hai của tháng. Đây là ngày mọi người gửi đến mẹ của mình lòng biết ơn thông qua những bông hoa cẩm chướng và những món quà. Sự kiện của mùa hạ Mùa hè ở Việt Nam cũng nóng nhưng mùa hè ở Nhật cũng có độ ẩm cao và nhiều ngày oi bức kéo dài. Vào mùa này có kì nghỉ hè nhưng ngắn hơn kì nghỉ hè của các trường ở Việt Nam. Thêm vào đó, kì nghỉ hè của người đi làm kéo dài khoảng 1 tuần, ngắn thì chỉ 4-5 ngày (nghỉ Obon), không giống như kì nghỉ dài của các nước u Mỹ. Trong thời gian khoảng 1 tuần này, nhiều người đi du lịch nước ngoài. Ngày 1 tháng 6: Ngày đổi trang phục mùa hè Tại Nhật Bản, ở nhiều địa phương, từ ngày 1 tháng 6, mọi người đồng loạt đổi trang phục sang đồ mùa hè, cho tới ngày đổi trang phục mùa đông (ngày 1 tháng 10) thì sẽ mặc vest mỏng, áo cộc tay v.v. Thêm nữa, để tiết kiệm năng lượng sử dụng cho máy lạnh thì gần đây phong trào “Cool Biz” – mặc đồ mỏng đang lan rộng, với mong muốn dù không mặc áo vest bên ngoài, thắt cà vạt thì cũng không phải là điều thất lễ với đối tác. Thời gian áp dụng Cool Biz được các công ty tự quyết định, có công ty đặt ra thời gian dài hơn thời gian đổi trang phục. Tháng 6 (chủ nhật tuần thứ 3 của tháng) Ngày của Bố Đây là ngày biết ơn bố nhưng ở Nhật thì ngày này không có dấu ấn mạnh bằng ngày của Mẹ. Tháng 6 ~ tháng 7: Mùa mưa (Tsuyu) Tại Nhật Bản, từ tháng 6 đến tháng 7 thường mưa nhiều. Chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp, trong tiếng Nhật gọi là “tsuyu zensen” nên độ dài của mùa mưa hơi khác nhau theo từng năm. Sau khi ảnh hưởng của rãnh áp thấp yếu đi, mùa mưa kết thúc, Cục khí tượng sẽ thông báo “hết mùa mưa” (tsuyu ake). Vào mùa mưa, hoa cẩm tú cầu (ajisai) = hình ảnh = nở rất đẹp. Tầm ngày 21 tháng 6: Hạ chí Đây là ngày có thời gian ban ngày ngắn nhất trong 1 năm. Sau ngày này, thời gian ban ngày ngày càng ít đi và ngắn nhất là vào ngày Đông chí trong tháng 12. Tại Nhật Bản, thời gian ban ngày vào mùa hè và mùa đông có sự khác nhau rõ rệt. Ngày 7 tháng 7: Thất tịch (Tanabata) Mọi người viết ước nguyện lên một tờ giấy dài gọi là tanzaku rồi treo lên cây tre để cầu cho điều ước trở thành hiện thực. Các lễ hội liên quan đến Tanabata được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt, lễ hội Tanabata của thành phố Sendai rất nổi tiếng. Do thần thánh ngăn cản, Hikoboshi (Ngưu Lang) và Orihime (Chức Nữ) phải chia xa, một năm chỉ được gặp nhau một lần trên sông Ngân hà vào ngày Tanabata. Tháng 7 ~ tháng 8: Lễ hội pháo hoa Các địa phương ở Nhật đều tổ chức lễ hội pháo hoa. Tại các khu tổ chức lễ hội có cả những gian bán đồ ăn. Người Nhật sẽ ra khỏi nhà từ khi trời chưa tối để tìm chỗ, sau khi mặt trời lặn thì ngắm pháo hoa được bắn lên trên bầu trời. Có nhiều cô gái đi ngắm pháo hoa trong trang phục yukata, và đây cũng là nét đặc sắc lớn nhất của mùa hè ở Nhật Bản. Có một số bạn lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng người Việt thuê yukata hoặc mua yukata rẻ để tận hưởng mùa hè Nhật Bản. Trung tuần tháng 8: Nghỉ Obon Obon là dịp để các gia đình đón người thân đã mất trở về từ thế giới bên kia, diễn ra trong 4 ngày từ 13 đến 16 tháng 8. Vào thời gian này, có nhiều người về quê, đi chơi (giải trí) v.v. Nếu tính thêm “Ngày của Núi” – ngày 11 tháng 8 (ngày lễ) hoặc thứ bảy, chủ nhật trước hoặc sau, thêm cả ngày nghỉ có lương thì cơ hội có kì nghỉ dài trên 5 ngày rất cao nên những ngày này và Golden Week, nghỉ cuối năm cũ đầu năm mới được trở thành “những ngày toàn dân di chuyển” (minzoku daiido). Các phương tiện giao thông hỗn loạn, tiền thuê khách sạn và tiền máy bay cũng tăng lên. Kì nghỉ hè của các doanh nghiệp Nhật Bản thường là 5 ~ 8 ngày và tập trung vào thời gian obon, nhưng cũng có doanh nghiệp tránh nghỉ vào dịp này và cho nhân viên lấy ngày nghỉ khác. Kì nghỉ hè của học sinh tiểu học và THCS kéo dài khoảng 40 ngày từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, các trường THPT và đại học cũng nghỉ hè dài. Cũng có những người sử dụng kì nghỉ hè để đi du lịch nước ngoài. Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản Sự kiện của mùa thu Sau khi trải qua mùa hè nóng nực, trước khi mùa đông lạnh giá kéo đến, mùa thu là một khoảng thời gian dễ chịu. Đặc biệt là tháng 10, tháng 11 rất dễ chịu nên nhiều trường học tổ chức hội thao, dã ngoại v.v. trong thời gian này. Tháng 9 ~ giữa tháng 10: Đêm rằm Mùa thu của Nhật Bản không nóng, không lạnh, bầu trời rất trong nên thích hợp để ngắm trăng, sao. Đêm rằm đều thay đổi hàng năm nhưng vào ngày này mọi người vừa ngắm trăng tròn, vừa cầu mong cho mùa màng bội thu. Các nhà trang trí chè vè (susuki), ăn dango và ngắm trăng. Ngày 1 tháng 10: Ngày đổi trang phục mùa thu đông Đây là ngày đổi trang phục mùa thu. Mọi người sẽ đồng loạt đổi từ áo ngắn tay sang áo dài tay, từ vest mỏng sang vest dày. Ngày 31 tháng 10: Lễ Halloween Đây là ngày cầu chúc mùa màng cho mùa thu và xua đuổi tà ma, ngày này được du nhập từ Mỹ. Tại Nhật Bản mọi người cũng mặc quần áo hóa trang. Tại các con phố có nhiều người trẻ như khu Shibuya của Tokyo thì mọi người mặc quần áo hóa trang rồi đi đi lại lại. Ngày càng có nhiều sự kiện Halloween được tổ chức tại trường Nhật ngữ, trường chuyên môn dành cho lưu học sinh ở Nhật = hình ảnh. Ngày 15 tháng 11: Lễ “Bảy - năm - ba” (shichi-go-san) Đây là ngày lễ cầu chúc cho trẻ con trưởng thành, bé gái 3 và 7 tuổi, bé trai 5 tuổi sẽ mặc haregi (kimono v.v.) rồi đến đền để lễ. Các bé cũng sẽ được chụp ảnh kỉ niệm cùng với gia đình. Tại các đền, sau khi được cầu phúc, các em bé sẽ nhận được kẹo dài có tên là chitose ame. Tháng 11~12: Ngắm lá đỏ Mùa thu đến, các cánh rừng, công viên ở Nhật Bản sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc vàng. Hiện tượng này gọi là “koyo”. Tai các địa điểm nổi tiếng, nhiều người tập trung đông dúc như đi ngắm hoa vào mùa xuân. Hình ảnh này được chụp ở Arashiyama – Kyoto. Khu vực Hokkaido, Đông Bắc thường có mùa lá đỏ sớm hơn khu vực Tokyo, Osaka, Kyoto. Sự kiện của mùa đông Mùa thu ngắn ngủi qua đi, mùa đông dài đằng đẵng đang chờ. Từ tháng 12 đến tháng 3 là mùa lạnh, tại các khu vực Hokkaido, Đông Bắc thì thời gian lạnh kéo dài hơn các vùng khác. Trời nhanh tối, khi kết thúc công việc thì bên ngoài đã tối đen. Mặt khác, những khu phố được trang trí lấp lánh trong giáng sinh hay khung cảnh thành phố nhộn nhịp cuối năm cũ đầu năm mới cũng để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Tại các gia đình hay các quán rượu, những nồi lẩu thơm ngon cũng được bày lên bàn nhiều hơn, cũng có nhiều người thích đi du lịch tắm onsen vào cuối tuần. Ngày 21 hoặc 22 tháng 12: Đông chí Đây là ngày ngày ngắn nhất trong năm. Từ ngày này trở đi thì thời gian ban ngày sẽ dần dần dài hơn, khoảng thời gian của ngày và đêm sẽ giống như ngày Xuân phân của tháng 3. Vào ngày Đông chí, Nhật Bản có phong tục ăn bí ngô và tắm nước thanh yên (yuzu) để cầu chúc sức khoẻ. Nước thanh yên là nước tắm có quả thanh yên nổi lên trên, quả này giúp cho máu lưu thông tốt. Ngày 24-25 tháng 12: Ngày Giáng sinh Ngay từ đầu tháng 12, các loại đèn trang trí bắt đầu xuất hiện trên khắp đường phố Nhật Bản, không khí giáng sinh tràn ngập mọi nẻo đường. Trẻ con ở Nhật Bản bảo rằng vào đêm 24 tháng 12 thì ông già Nô en sẽ đem quà đến đặt ở bên cạnh gối. Và vào ngày 25 thì mọi người sẽ ăn bánh ngọt và thịt gà. Ở Nhật thì cả ngày 24 và 25 đều không phải là ngày lễ, nhưng vào buổi tối thì mọi người thường đi hẹn hò với người yêu hoặc tổ chức các bữa tiệc cùng bạn bè. Đối với các cặp đôi, giáng sinh là sự kiện lớn nhất trong một năm. Ngày 31 tháng 12: Ngày cuối cùng trong năm (Omisoka) Ngày cuối cùng của một năm được gọi là “omisoka”. Nhiều người sẽ xem chương trình âm nhạc cuối năm “Kohaku Uta Gassen” của NHK được phát sóng trong khoảng thời gian dài từ buổi chiều. Ngoài ra, vào buổi tối của ngày cuối cùng trong năm, người Nhật thường ăn soba với mong muốn sẽ có thể sống lâu như sợi mì soba. Loại mì soba này được gọi là “toshikoshi soba”. Thêm vào đó, vào 12 giờ đêm (thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới), các ngôi chùa ở khắp nơi sẽ rung chuông. Họ sẽ rung chuông 108 lần. Tiếng chuông này được gọi là “tiếng chuông đêm giao thừa”. Ngày 1 tháng 1: Mùng 1 Tết (ngày lễ) Ở Việt Nam, Tết diễn ra trong khoảng từ tháng 1 ~ tháng 2, nhưng ở Nhật Bản thì ngày 1 tháng 1 sẽ là ngày đầu năm mới. Vào mùng 1 Tết có nhiều người đi đến các đền và chùa để cầu nguyện (hatsumoude), nhiều gia đình sẽ ăn món ăn truyền thống = hình ảnh = tên là “osechi ryori”. Một số nhà có bày một loại mochi gọi là kagami mochi ở trong nhà. Xin nói thêm, vào ngày Tết Việt Nam thì ở Nhật không có sự kiện gì diễn ra cả. Giữa tháng 1 (ngày thứ hai của tuần thứ hai): Lễ trưởng thành (ngày lễ) Nghi lễ trưởng thành sẽ được tổ chức tại các hội trường của thành phố ở khắp Nhật Bản. Những người tròn 20 tuổi vào năm đó (tính từ tháng 4 năm trước cho đến tháng 3 năm sau đó) sẽ tham gia buổi lễ. Nam giới thường mặc vest, nữ giới thường mặc kimono (furisode), sau buổi nghi lễ thì có các buổi họp lớp. Gần đây, nhiều người sử dụng kimono thuê. Ngày 3 tháng 2: Ngày Tiết phân Trước đây ở Nhật Bản, bệnh truyền nhiễm và tai ương được cho là do quỷ gây ra. Để xua tan đi những linh hồn xấu của quỷ, người ta thường rải đậu khô khắp phòng và nói “ma quỷ ra ngoài, phúc lành vào trong”. Hành động này được gọi là “mamemaki”. Ngoài ra, người ta còn cho rằng nếu ăn cơm cuộn thì phúc lành sẽ đến. Loại cơm cuộn này được gọi là “Ehoumaki”. Ở các đền và chùa cũng có tổ chức Lễ Tiết phân. Ngày 14 tháng 2: Ngày Valentine Tại Nhật Bản, chịu ảnh hưởng từ chiến dịch của các hãng bánh kẹo, từ những năm 1970 bắt đầu có phong tục nữ giới tặng socola cho nam giới vào ngày lễ Valentine. Những năm gần đây, “giri choco” - socola tặng cho nam giới là bạn bè, đồng nghiệp và cấp trên cũng trở nên phổ biến. Cho dù là socola giá rẻ thì nếu bạn tặng giri choco ở nơi làm việc thì họ cũng sẽ vui mừng. Các ngày lễ trong một năm Cuối cùng, chúng tôi sẽ giới thiệu về các ngày lễ của Nhật Bản. Ngày 1 tháng 1 Mùng 1 Tết Vào thời điểm bắt đầu một năm, các gia đình, họ hàng thường tập trung lại để cùng đón chào năm mới. Xin nói thêm, ở Nhật thì vào Tết m lịch mọi người không làm gì cả. Ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 1 Lễ trưởng thành Đây là ngày chúc mừng những người đã trưởng thành. Trước đây ngày này được tổ chức vào ngày 15 tháng 1, nhưng theo chiến dịch Happy Monday (tăng thêm các ngày nghỉ lễ vào thứ hai để tạo ra 3 ngày nghỉ liên tiếp) thì từ năm 2000 ngày lễ này được tổ chức vào ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 1. Ngày 11 tháng 2 Ngày kỷ niệm Kiến quốc Ở Nhật Bản, ngày lên ngôi của Thiên Hoàng đầu tiên trong truyện thần thoại được xem là ngày Kiến quốc. Ngày 23 tháng 2 Ngày sinh nhật Thiên Hoàng Đây là ngày sinh nhật của Thiên Hoàng. Ngày 19-22 tháng 3 Ngày xuân phân Ngày này thay đổi theo từng năm. Đây là ngày thể hiện sự trân trọng với tự nhiên và sinh vật. Ngày 29 tháng 4 Ngày Chiêu Hoà Ngày sinh nhật của Thiên hoàng trong thời đại Chiêu Hoà. Đây là ngày để tưởng nhớ lại thời đại Chiêu Hoà với sự phục hưng sau chiến tranh và đạt được phát triển kinh tế cao độ, đồng thời cầu chúc cho sự thịnh vượng của đất nước trong tương lai. Ngày 3 tháng 5 Ngày kỷ niệm Hiến pháp Vào ngày này năm 1947, Hiến pháp của nước Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực. Ngày 4 tháng 5 Ngày cây xanh Đây là ngày thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên, biết ơn những gì mà tạo hoá đã ban tặng. Ngày 5 tháng 5 Ngày thiếu nhi Đây là ngày để cầu nguyện cho trẻ em (đặc biệt là các bé trai) trưởng thành khoẻ mạnh và có được thành công trong tương lai. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 7 Ngày của Biển Đây là ngày thể hiện sự biết ơn với những gì biển cả ban tặng, đồng thời cầu chúc cho vùng biển của đất nước Nhật Bản luôn phồn vinh. Ngày 11 tháng 8 Ngày của Núi Đây là ngày thể hiện sự gắn kết với núi rừng, biết ơn những gì núi rừng ban tặng. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 9 Ngày Kính lão Đây là ngày thể hiện lòng thành kính và cầu chúc trường thọ cho những người cao tuổi. Ngày 22-24 tháng 9 Ngày Thu phân Ngày này thay đổi theo từng năm. Đây là ngày tưởng niệm những người đã mất, thể hiện sự kính trọng với tổ tiên. Có nhiều người sẽ đi thăm mộ vào ngày này. Ngày thứ hai của tuần thứ 2 tháng 10 Ngày thể thao Đây là ngày dâng hiến cho thể thao, nuôi dưỡng cho tâm hồn và thể chất luôn khoẻ mạnh. Cho tới năm 2019 thì ngày này đã được gọi là "Ngày Thể dục". Vốn được đặt ra để kỉ niệm lễ khai mạc của Olympic Tokyo được tổ chức vào ngày 10/10/1964, nhưng từ sau năm 2000 do chiến dịch Happy Monday nên được chọn vào ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 10. Ngày này được chọn để tổ chức lễ khai mạc Olympic là vì theo thống kê thì tỉ lệ trời nắng trong ngày này rất cao. Ngày 3 tháng 11 Ngày Văn hoá Đây là ngày Hiến pháp Nhật Bản được công bố vào năm 1946, Hiến pháp Nhật Bản chú trọng đến hoà bình và văn hoá nên ngày này đã được chọn làm "Ngày Văn hoá". Ngày 23 tháng 11 Ngày Cảm tạ lao động Đây là ngày nhớ về sự cao quý của việc lao động và mọi người cùng biết ơn nhau điều đó.
-
Quần thể Đền Ise và dãy phố “Okage Yokocho” có từ thời Edo
Bài viết do Cơ quan Xúc Tiến Du Lịch Nhật Bản (JNTO) cùng KOKORO đồng thực hiện Quần thể Đền Ise (Ise jingu) nằm tại thành phố Ise tỉnh Mie, được xây dựng từ khoảng 2000 năm trước đây và được tất cả người dân Nhật Bản biết đến. Vào thời kì Edo (1603~1868), phong trào đi lễ Đền Ise bùng nổ, phương tiện đi lại lúc đó không có gì ngoài ngựa và đi bộ nhưng rất nhiều người trên toàn quốc đã đổ về Đền Ise. Ngày nay, bên cạnh đền có thêm dãy phố tái hiện lại quang cảnh thời Edo bấy giờ tên là “Oharai machi” và “Okage yokocho”, bạn có thể thỏa sức ăn uống trong các hàng quán, mua sắm, tận hưởng thú vui vừa đi vừa ăn. 〈Nội dung〉 Geku (đền ngoài) – 5 ngôi đền trong khu rừng thần bí – Có những ngôi đền nhỏ Cách đi đến quần thể Đền Ise Mỳ udon Ise và “Tekone zushi” Thuê kimono Quần thể Đền Ise – Naiku (đền trong) “Okage yokocho” và “Oharai machi” Vừa đi vừa ăn Geku (Đền ngoài) – 5 ngôi đền trong khu rừng thần bí Quần thể Đền Ise・Lối vào Geku – Đền ngoài Tôi làm thực tập kỹ năng ở tỉnh Mie đến năm nay là năm thứ 3 nhưng trước đây tôi đã không biết ở tỉnh Mie có quần thể Đền Ise (Ise jingu). Lần này được một bạn lưu học sinh người Việt (đã sống ở Nhật trên 10 năm) thường làm việc cùng người Nhật giới thiệu nên tôi đã quyết định đến thăm quần thể Đền Ise và khu phố “Okage yokocho”. Cổng torii của Geku - Đền ngoài Cây có rêu mọc ngay sát phần gốc (Geku – Đền ngoài) Quần thể Đền Ise gồm hai phần đền có tên gọi là Naiku (đền trong) và Geku (đền ngoài). Vào Geku trước rồi vào Naiku là thứ tự đúng từ ngày xưa nên tôi cũng đã vào từ Geku. Bước vào khuôn viên đền, tôi thấy một cái cổng torii rất to nên đã cúi đầu chào. Từ cổng trở vào có rất nhiều cây cổ thụ to nên không gian nơi đây giống như một khu rừng thần bí. Lối vào Shogu (chính điện). Từ đây không nhìn được vào sâu bên trong (Khu vực cấm quay phim chụp ảnh) Geku (đền ngoài) có tên gọi đầy đủ là Tokouke Daijingu. Phần trung tâm của Đền là khu Shogu (chính điện) thờ thần Toyoukeno Oomikami. Vị thần này cai quản việc ăn mặc ở và các hoạt động sản xuất của người Nhật Bản. Đây là một ngôi đền đơn sơ nhưng đầy thần bí. Có những ngôi đền nhỏ Betsugu (Đền nhỏ) của Geku có tên “Takanomiya” Ở Geku, ngoài khu Shogu (chính điện) còn có 4 đền nhỏ. Sau khi lễ ở Shogu, nhiều người đi thăm cả các đền nhỏ khác. Đi xung quanh khuôn viên của đền dưới những tán cây um tùm là một cuộc hành trình khá dài. Quần thể Đền Ise - Geku (đền ngoài) Địa chỉ 279 Toyonaka-cho, Isei-shi Thời gian mở cửa 5:00~18:00 (tháng 5~tháng 8 mở cửa đến 19:00, tháng 10~tháng 12 mở cửa đến 17:00) Ngày nghỉ Mở cửa quanh năm Vé vào đền Miễn phí Cách đi đến quần thể Đền Ise Cột chỉ dẫn cách đi tới Geku (ở trước ga Ujiyamada) Xuất phát từ Tokyo, Nagoya Bạn có thể đi tàu điện Kintetsu hoặc JR từ ga Nagoya (mất khoảng 90 phút). Sau đó xuống ga gần Geku nhất, có tên là “Iseshi” rồi đi bộ khoảng 5 phút là tới Geku. Xuất phát từ Osaka, Kyoto Đi từ Osaka hoặc Kyoto thì xuống ga Ujiyamada (Kintetsu) sẽ rất tiện. Từ ga đi bộ khoảng 10 phút là tới Geku. Nếu không muốn đi Geku mà chỉ đi Naiku thôi thì từ ga Ujiyamada đi xe buýt khoảng 10 phút là tới. Tôi đã đi bộ từ ga Ujiyamada đến Geku. Bản đồ khu vực Geku (hình ảnh do Hiệp hội du lịch thành phố Ise cung cấp) Bản đồ khu vực Geku (hình ảnh do Hiệp hội du lịch thành phố Ise cung cấp) Từ Geku đi Naiku Tôi và bạn tôi đã nhận sách hướng dẫn và bản đồ tại Quầy hướng dẫn tham quan ở phía trước Geku. Ngay bên cạnh đó có điểm dừng xe buýt nên tôi đã lên xe và di chuyển đến Naiku. Từ bến Gekumae đến bến Naikumae mất khoảng 20 phút và giá vé là 440 yên (khoảng 93,000 VND). ※100 yên = 21,146 VND (Thời điểm 18/3/2021) Vị trí của Geku (đền ngoài) và Naiku (đền trong) (hình ảnh do Hiệp hội du lịch thành phố Ise cung cấp) Mỳ udon Ise và “Tekone zushi” Phố Oharai machi Sau khi xuống bến Naikumae, đi bộ một chút là bạn sẽ thấy một cái cổng torii rất lớn của Naiku. Tôi đi bộ từ sáng nên đã thấm mệt, tôi quyết định nghỉ một chút và ăn gì đó lót dạ. Đối diện với cổng torri có một lối đi vào phố mua sắm ở phía bên trái. Đây là con phố “Oharai machi” với hàng chục cửa hàng và quán ăn san sát tái hiện lại quang cảnh của thời Edo. Có trên 50 cửa hàng của một phần khu phố này và khu liền kề được gọi là “Okage yokocho”. Cũng có nhiều khách tham quan đã gộp “Oharai machi” và “Okage yokocho” lại và gọi chung là “Okage yokocho”. Quán ăn “Mỳ udon Ise Okunoya” Tôi sẽ nói kĩ hơn về “Okage yokocho” ở phía dưới. Cả hai chúng tôi đều tìm những món ăn dân dã của Ise là “mỳ udon Ise” và “Tekone zushi”, chúng tôi đã vào quán ăn có tên là “Mỳ udon Ise Okunoya”. Tại quán Okunoya, bạn sẽ gọi món bằng cách bấm vào hình ảnh có trong máy tính bảng (tablet), nên nếu không đọc được tiếng Nhật thì cũng không sao (tôi thì đọc được một chút). Có rất nhiều thực đơn cho bạn lựa chọn: Set Tekone zushi (tekonezushi cỡ thường + mỳ udon Ise cỡ nhỏ + canh) 1,400 yên (đã bao gồm thuế) ▽Set Tekone zushi nhỏ (Tekone zushi cỡ nhỏ + mỳ udon Ise cỡ thường + canh) 1,300 yên (đã bao gồm thuế) ▽Mỳ udon Ise 500 yên ▽Mỳ udon Ise tempura (có thêm tempura bên trên) 850 yên. “Tekone zushi” là món cơm trộn giấm (cơm có vị hơi chua dùng để làm sushi), phía trên có sashimi cá ngừ vằn. Cá ngừ vằn đã được ướp sốt ăn với cơm trộn giấm rất hợp. Mỳ udon Ise có đặc trưng là sợi mỳ udon sẽ to hơn sợi thông thường. Hơn nữa, đây không phải là loại udon có nước xúp, nó được ăn cùng nước sốt sệt làm từ nước tương (shoyu). Nhân tiện, cũng có ý kiến cho rằng món Cao lầu ở Hội An có nguồn gốc từ mỳ udon Ise. Tôi và bạn người Việt của tôi đều cực kì ấn tượng vì mỳ udon Ise quá ngon. Xin cảm ơn ạ! Mỳ udon Ise Okunoya Địa chỉ 18 Ujiimazaike-cho, Isei-shi Điện thoại 0596-22-2589 Thời gian mở cửa 11:00~16:00 (có thể kéo dài thời gian khi đông khách) Ngày nghỉ Mở cửa quanh năm Thuê kimono Sau khi ấm bụng, tôi đi tới chỗ thuê kimono ở gần đó có tên là “Yumekomachi”. Gói thuê rẻ nhất là 3,980 yên, nếu đặt trước qua mạng thì chỉ 3,500 yên (đã bao gồm thuế). Gói này bao gồm tiền công mặc kimono (thường thì mình không thể tự mặc) và tiền phụ kiện đi kèm kiểu Nhật như túi xách, guốc gỗ v.v. Ảnh chụp trong cửa hàng sau khi tôi được nhân viên mặc kimono cho Khi tôi đang phân vân không biết nên chọn bộ kimono nào thì chị nhân viên xinh đẹp của cửa hàng đã cùng tôi chọn bộ này. Mặc kimono mất khoảng 30 phút. Ở đây cũng có thêm set làm tóc (1,500 yên). Yumekomachi Địa chỉ 96-10 Ujinakanokiri-cho, Isei-shi Điện thoại 0596-63-6621 Thời gian mở cửa 9:00~17:00 Ngày nghỉ Không cố định Quần thể Đền Ise - Naiku Sau khi chuẩn bị xong, với bộ kimono này tôi đã sẵn sàng vào Naiku. Tôi quay lại cổng torii đã nhìn thấy lúc nãy. Tôi đi qua cầu Uji bắc qua con sông Isuzu. Cây cầu này được cho là điểm kết nối giữa thần linh và con người. Sông Isuzu nhìn từ cầu Uji Cầu Uji Naiku có tên chính thức là “Kotai jingu”, bao gồm khu Shogu (chính điện) và 10 Betsugu (đền nhỏ). Tại đây tôi cũng bắt đầu lễ từ Shogu. Sau khi qua cầu Uji, đi tiếp về phía bên tay phải, tôi đi theo dòng người hướng về phía Shogu. Một phần của dòng người rẽ vào lối nhỏ trên đường tới Shogu nên tôi cũng đi theo, tôi đã tới gần sông Isuzu! Có nhiều người rửa tay ở đây trước khi vào lễ. Từ sông Isuzu, tôi quay lại con đường lúc nãy, tôi lại đi theo dòng người và lần này đã đi tới khu bán đồ lưu niệm của đền. Ở đây có nhiều người mua bùa may mắn (có nhiều mức giá dao động khoảng 1,000 yên). Lối vào Shogu của Naiku (Khu vực bên trong cấm quay phim chụp ảnh) Khu Shogu (chính điện) của Naiku (đền trong) thờ một vị thần rất nổi tiếng ở Nhật Bản tên là Amaterasu Oomikami. Từ thời Edo, nhiều người dân Nhật Bản đã đến đền này để lễ thần. Sau khi rời khỏi Shogu, tôi đi dạo trong khuôn viên và thấy hoa mơ đã nở. Trông giống hoa anh đào (sakura) nhỉ. Quần thể Đền Ise - Naiku (đền trong) Địa chỉ 伊勢市宇治館町1 Thời gian mở cửa 5:00~18:00 (tháng 5~tháng 8 mở cửa đến 19:00, tháng 10~ tháng 12 mở cửa đến 17:00) Ngày nghỉ Mở cửa quanh năm Vé vào đền Miễn phí “Okage yokocho” và “Oharai machi” Sau khi dời khỏi Naiku, tôi quay lại khu phố thời Edo là “Oharai machi” và “Okage yokocho”. Ở đây, ngoài những hàng quán phục vụ ăn tại quán thì có cả những quán phục vụ đồ ăn để vừa đi vừa ăn. Không khí xung quanh như những gian hàng đồ ăn tại lễ hội, cảm giác vừa đi vừa ăn cũng rất thú vị. Bánh mitarashi (300 yên 2 que), bánh gạo shoyu (140 yên 1 cái) Chả bạch tuộc (chả cá) 550 yên v.v. Thịt xiên nướng (500 yên) v.v. “Okage yokocho” Cửa hàng bánh kẹo lâu đời ở Okage yokocho. Tại đây có bán các loại bánh kẹo của Nhật từ ngày xưa như bánh gạo tẻ (senbei), bánh gạo nếp (okaki) v.v. Okage yokocho còn có sân khấu ngoài trời, vào hôm tôi đi đã có một buổi biểu diễn nhạc truyền thống của Nhật bằng trống (miễn phí). Tại đây cũng có nhiều ghế được đặt ở khắp mọi nơi để khách tham quan có thể ngồi nghỉ chân và ăn uống. Okage yokocho Địa chỉ Ujinakanokiri-cho, Isei-shi Điện thoại 0596-23-8838 Thời gian mở cửa 9:30~17:30 (tháng 11~tháng 2 mở cửa đến 17:00) Số lượng cửa hàng Chỉ riêng Okage yokocho có trên 50 cửa hàng Vừa đi bộ vừa ăn Ở Okage yokocho có một cửa hàng mà mọi người đứng xếp hàng dài. Tôi cũng đứng vào xếp hàng… Đây là cửa hàng bán bánh khoai tây (korokke) và thịt băm chiên xù (minchi katsu). Cửa hàng này có tên là “Butasute”. 1 cái bánh khoai tây 100 yên, 1 miếng thịt băm chiên xù 160 yên (đã bao gồm thuế), tôi thấy giá cả cũng phải chăng. Tôi đã mua bánh khoai tây rồi ăn bên ngoài cửa hàng. Bạn cũng có thể ăn cơm thịt bò (gyudon) (1,000 yên) hoặc lẩu bò (sukiyaki) bên trong cửa hàng. Butasute Địa chỉ 52 Ujinakanokiri-cho, Isei-shi Số điện thoại 0596-23-8803 Thời gian mở cửa 9:30~17:30 (thời gian ăn uống bên trong 11:00~last order 17:00) Ngày nghỉ Mở cửa quanh năm Tôi đã mua “Xúc xích xoắn” ở một gian hàng ở Okage yokocho (500 yên) “Oisemairi” của hôm nay đã ăn rất nhiều, đi bộ rất nhiều (nghe nói người Nhật gọi việc đi lễ quần thể Đền Ise là “Oisemairi”). Có một cửa hàng sắp tới giờ đóng cửa. Cửa hàng này có tên là “Akafuku” (cửa hàng chính), được ra đời vào năm 1707. Còn căn nhà này có từ khoảng 140 năm trước đây. Sản phẩm chủ lực của cửa hàng này là bánh mochi được gói trong đậu đỏ nghiền (anko). Đây là món bánh truyền thống đã được biết đến trên khắp đất nước Nhật Bản từ thời Edo đến nay. Tôi mua 2 cái bánh với giá 220 yên rồi thử ăn trong cửa hàng. Nó rất ngon! Chúng cũng được mua về làm quà, hộp 8 cái 760 yên, hộp 12 cái 1,100 yên. Akafuku (cửa hàng chính) Địa chỉ 26 Ujinakanokiri-cho, Isei-shi Điện thoại 0596-22-7000 Thời gian mở cửa 5:00~17:00 Ngày nghỉ Mở cửa quanh năm Dạ dày và tinh thần của tôi đều đã mãn nguyện, chuyến tham quan nho nhỏ của tôi trong ngày hôm nay sẽ kết thúc ở đây. Tôi trả lại kimono, mua hàu ở một cửa hàng bán hải sản ở phố Oharai machi rồi quay lại ga Ujiyamada bằng xe buýt. Quần thể Đền Ise và Okage yokocho chưa được nhiều người Việt Nam biết đến nhưng tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời và học được thêm rất nhiều điều ở đây. Tôi hy vọng nơi đây sẽ được nhiều người Việt biết đến hơn. *Bài viết này được thực hiện với sự hợp tác của JNTO. Các thông tin chi tiết về du lịch Nhật Bản của JNTO (tiếng Việt) Các thông tin chi tiết về du lịch, tham quan Ise của JNTO (tiếng Việt) Người viết bài Chu Thị Mức Mức quê ở Bắc Ninh. Cô đang thực tập kỹ năng tại tỉnh Mie từ năm 2018. Cô được một người bạn của bạn đã sinh sống ở Nhật trên 10 năm giới thiệu nên đã đến thăm quần thể Đền Ise.
-
Khu phố mua sắm Ameyoko
Tại “Khu phố mua sắm Ameyoko” ở Ueno, Tokyo có đến khoảng 400 cửa hàng nằm san sát, với đủ các loại hàng hoá từ quần áo, mỹ phẩm, tạp hoá, cho đến thực phẩm v.v. được bày bán với giá phải chăng. Do có nhiều nguyên liệu nấu ăn cũng như món ăn của các nước nên khu phố mua sắm này rất đông khách nước ngoài, mang phong thái của một khu chợ quốc tế. Bài viết lần này sẽ giới thiệu với các bạn những điểm hấp dẫn của “Ameyoko”, một địa điểm mua sắm và tham quan hấp dẫn. (※Hình trên là quang cảnh tấp nập của Ameyoko trước khi có dịch COVID-19) Nguồn gốc cái tên “Ameyoko” Từ ga Ueno hay Okachimachi chỉ cần đi bộ một chút là tới ngay “Khu phố mua sắm Ameyoko”. Ở lối vào có treo cả biển ghi tên “Ameyayokocho” (アメヤ横丁) và “Ameyoko” (アメ横). Có hai cách giải thích về các cái tên này như sau. (1) Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc, đường trở nên khan hiếm. Người ta nói rằng do nhiều cửa hàng bán món “imoame” (kẹo khoai – kẹo làm từ khoai lang) dần mọc lên ở đây, nên khu vực này được gọi là “Ameyokocho” (ngõ hàng kẹo). “Yokocho” là lối nhỏ rẽ ngang ra từ đường lớn. Rất có thể khu phố mua sắm trở nên sầm uất như ngày nay là do được mở rộng dần ra từ ngõ nhỏ “Ameyayokocho” ban đầu. (2) Một cách giải thích khác là tại đây từng có nhiều cửa hàng bán vật tư do quân đội Mỹ thải loại nên khu phố này được gọi là “America Yokocho”. Không rõ cách lý giải nào trong hai cách trên mới là đúng, nhưng ngày nay, mọi người cũng không mấy ai để ý đến nguồn gốc của tên gọi nữa và thường gọi nơi này là “Ameyoko”. Khu phố mua sắm này đã trở thành một điểm tham quan được cả người Nhật và người nước ngoài yêu thích. Các cửa hàng bán đủ loại thực phẩm Hàng hoá được bày bán ở “Ameyoko” rất phong phú về chủng loại, và một điểm đặc trưng của khu phố này là có rất nhiều cửa hàng bán thực phẩm và nguyên liệu nấu ăn. Cửa hàng bánh kẹo lớn “Niki no kashi” “Niki no kashi” là một cửa hàng bánh kẹo lớn, bắt đầu kinh doanh từ năm 1947. Ngoài các món bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản như bánh gạo tẻ senbei hay bánh gạo nếp arare, ở đây còn rất nhiều loại bánh kẹo khác như sô-cô-la v.v. được bày bán bạt ngàn. Giá bánh kẹo tại đây cũng phải chăng nên sẽ chẳng quá lời nếu gọi nơi đây là “thiên đường đồ ngọt”. Quang cảnh bên trong cửa hàng rộng lớn. Tại đây còn bán nhiều thực phẩm khác ngoài bánh kẹo, ví dụ như mì ramen v.v. Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu ăn phong phú Ở Ameyoko có bán rất nhiều loại nguyên liệu nấu ăn khác nhau như đồ khô, hoa quả, gia vị, hải sản v.v. với giá rẻ. Cửa hàng hoa quả tươi Cửa hàng bán các loại hạt Cá khô Cửa hàng hải sản tươi Thưởng thức món ăn các nước ngay trên phố Ở Ameyoko có rất nhiều quán ăn có các dãy bàn ngay hai bên đường, gợi nhớ đến quang cảnh phố xá ở Việt Nam. Tại đây có đồ ăn của rất nhiều nước, tạo nên bầu không khí đậm chất “chợ châu Á đa quốc gia”. Quán đồ ăn Thái Lan Cửa hàng đồ ăn nhanh Thổ Nhĩ Kỳ Quán ăn Trung Hoa Mỹ phẩm, tạp hoá, quần áo, mọi thứ đều rất rẻ! Ở Ameyoko, ngay cả mỹ phẩm cũng rẻ! Rất nhiều mặt hàng đa dạng được bày bán ở Ameyoko với giá phải chăng. Ở đây còn có cả những cửa hàng mà ta có thể mặc cả, một điều hiếm thấy ở Tokyo. Mỹ phẩm của Nhật thì rất được người Việt ưa chuộng, và Ameyoko còn nổi tiếng vì có bán cả các loại mỹ phẩm, nước hoa v.v. của các thương hiệu hàng đầu với giá rẻ. Có cả các hiệu thuốc thuộc chuỗi cửa hàng lớn. Cửa hiệu đồng hồ Cửa hàng quần áo v.v. Nguyên liệu nấu ăn của châu Á và Việt Nam cũng rất phong phú Cửa hàng nguyên liệu nấu ăn châu Á Ảnh trên là cửa hàng bán nguyên liệu thực phẩm của các nước châu Á. Tại đây, có các sản phẩm như trong hình dưới. Lòng mề, tim gan gà v.v. Tiếp theo, chúng ta hãy tìm hiểu các cửa hàng khác ở đây. Ngoài thực phẩm châu Á, còn có cả nguyên liệu thực phẩm và gia vị Việt Nam nữa. Thịt ba chỉ nguyên da Các loại thực phẩm không mua được ở siêu thị Chân gà Ameyoko Senta Biru Ameyoko Senta Biru Toà nhà “Ameyoko Senta Biru” (Tokyo-to, Taito-ku, Ueno 4-7-8) có 4 tầng nổi và 1 tầng hầm. Quang cảnh bên trong giống như một khu chợ Đông Nam Á. Ở dưới tầng hầm có bán rất nhiều nguyên liệu thực phẩm và gia vị châu Á. Dưới tầng hầm có cả quầy nguyên liệu thực phẩm Việt Các loại nước mắm và tương ớt cũng được bày bán. Cách đi đến Ameyoko Google map Tại Ueno có ga của nhiều tuyến đường sắt khác nhau, từ các ga này đi đến Ameyoko chỉ mất vài phút đi bộ. Như các bạn nhìn thấy trên bản đồ, khu vực Ameyoko nằm dọc theo đường sắt trên cao nối từ ga JR Ueno đến ga JR Okachimachi. ・ JR = ga Ueno, Okachimachi ・ Tokyo Metro = ga Ueno ・ Toei Chikatetsu = ga Ueno-Okachimachi ・ Keisei Dentetsu = ga Ueno Tổng kết Tại Ameyoko, các mặt hàng như mỹ phẩm, tạp hoá, quần áo, thực phẩm v.v. được bày bán rất phong phú với giá rẻ. Tại đây có thể mua được cả nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam và các nước châu Á. Ngoài ra, đến đây, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn châu Á tại các quán ăn bày bàn ngay trên mặt phố. Ngay cả việc thong thả đi bộ ngắm quang cảnh ở đây cũng đã là rất thú vị rồi. Không chỉ vậy, ở gần đây còn có “Công viên Ueno”, là nơi được nhiều người yêu thích. Tại công viên này, bạn có thể ngắm hoa anh đào vào mùa xuân, hay ngắm hồ sen nổi tiếng (nở đẹp nhất vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8). Liền kề với công viên Ueno là Vườn thú Ueno nổi tiếng với các con gấu trúc. Bạn hãy thử ghé qua khu chợ đa quốc gia “Ameyoko” ở Tokyo nhé!
-
Giao lộ Shibuya
Giao lộ Shibuya là nơi mà khi đèn tín hiệu dành cho người người qua đường chuyển màu xanh thì ngay lập tức dòng người từ tất cả các ngả phải, trái, ngang, dọc… đều qua đường cùng một lúc. Dù trong biển người đông đúc như vậy nhưng không ai va chạm vào ai, không ai bị dừng lại, việc qua đường diễn ra suôn sẻ. Trong con mắt của người nước ngoài, đây là cảnh tượng khá kỳ bí! Giao lộ nổi tiếng nhất thế giới Giao lộ Shibuya có tên gọi chính thức là “渋谷駅前交差点” - Giao lộ trước cửa ga Shibuya. Giao lộ này là một ngã 5, nằm theo hướng Tây-Bắc phía trước cửa ga Shibuya. Đặc trưng của giao lộ này là đèn giao thông dành cho người đi bộ tách biệt hẳn với các phương tiện xe cộ khác. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh thì người đi bộ có thể đi lại tự do theo mọi hướng ngay trong lòng đường. Ờ Nhật Bản có khoảng 800 giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông kiểu này nhưng giao lộ Shibuya là nổi tiếng nhất. Người ta ước chừng tại giao lộ này, trong vòng 120 giây khi đèn xanh bật lên, lúc đông nhất có tới độ 3.000 người cùng qua đường một lúc . Với số người đông tới vậy qua đường theo nhiều hướng khác nhau cùng một lúc mà việc đi lại vẫn không bị lộn xộn. Trong mắt người nước ngoài, đây là hình ảnh hết sức kỳ bí. Chính vì vậy mà những hình ảnh chụp hay đoạn clip ghi lại hình ảnh của giao lộ này thường xuyên được cập nhật trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội khiến nơi đây được gọi là “Giao lộ nổi tiếng nhất trên thế giới”. Trải nghiệm lần đầu với “Giao lộ nổi tiếng nhất thế giới” Vì đại dịch vi-rút corona chủng mới mà tôi không được đi đâu nhiều. Rất may là tháng… năm 2021, tôi đã sang được Nhật Bản với tư cách là du học sinh trường tiếng do chính phủ Nhật tạm dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh trong một thời gian ngắn. May sao trường tiếng Nhật của tôi nằm trên tuyến đường sắt Keio và chỉ cách ga Shibuya 1 ga. Vì thế, ngay ngày nhập học vào tháng 12, tôi tranh thủ đi sớm để tận mắt ngắm nhìn quang cảnh giao lộ này. Trước khi tới Nhật, tôi được biết tới giao lộ này qua phim hoạt hình hoặc chuyên tranh manga và cũng hình dung được cảnh khi đèn xanh thì dòng người từ khắp ngả ùa qua đường cùng lúc. Nhưng khi tận mắt chứng kiến tôi mới thấy quy mô quả là khắc hẳn. Ấn tượng đầu tiên là người quá đông. Chỗ nào cũng chật ních người. Tại quảng trường trước ga cũng đông nghịt tới mức tôi cảm thấy gần như khó thở. Khi đèn giao thông dành cho các phương tiện xe cơ giới chuyển sang màu đỏ thì trong giây lát, giao lộ dường như trở thành một khoảng trống và khi đèn dành cho người đi bộ chuyển sang màu xanh, ngay lập tức dòng người từ tứ phía đổ vào giao hộ, lấp đầy hết lòng đường. Các bạn có thể tưởng tượng lượng xe máy dồn vào những ngã tư ngã năm trên những con phố tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào lúc tắc đường như thế nào thì hình ảnh người đi bộ trên giao lộ Shibuya vào lúc này cũng như vậy. Và thật ngạc nhiên cả một biển người như vậy di chuyển hết sức nhanh nhẹn, suôn sẻ và không hề va chạm. Thời điểm tốt nhất cho việc “Tham quan” Đối với người Việt Nam mới đến Nhật như tôi thì quang cảnh ở giao lộ Shibuya này vào thời điểm 8 giờ sáng thật vô cùng ấn tượng. So với thời điểm trước khi có đại dịch mà số lượng người đến đây còn giảm đi rất nhiều. Nếu như bình thường thì không hiểu còn đông tới mức nào. Nếu muốn “thưởng ngoạn” cảnh tượng biển người qua đường này thì tốt nhất bạn hãy tới đây vào thời điểm từ 7 giờ tới 8 giờ chiều vào ngày thường. Vào ngày nghỉ, lượng người tới đây có thể tăng gấp rưỡi và đặc biệt là vào những dịp lễ như Halloween, Giáng sinh…lượng người qua lại giao lộ Shibuya có thể tăng gấp đôi. Những điểm tham quan xung quanh giao lộ Dưới đây mình xin liệt kê một số địa điểm xung quanh giao lộ Shibuya. ❶ Tượng chú chó trung thành Hachiko Mình (bên phải) và người bạn thân trước tượng chú chó Hachi Tượng Hachiko là một bức tượng đồng cao 217cm (bệ cao 126cm, tượng chú chó Hachi 91cm) được xây dựng vào năm 1934 trước nhà ga Shibuya. Đây là một địa điểm nổi tiếng để mọi người hẹn nhau ở Shibuya và cũng rất nổi tiếng với du khách trên thế giới. Hachi là một chú chó giống Akita. Chiều chiều chú luôn ngồi ở trước nhà ga Shibuya để đợi chủ đi làm về rồi cùng nhau về nhà. Sau khi người chủ qua đời, chú chó Hachi vẫn đứng ngóng đợi ở ga chờ chủ của mình cho đến khi chết. Lòng trung thành của Hachi đã làm xúc động biết bao người và sau Hachi chết, người ta đã dựng bức tượng này để nhớ tới chú chó trung thành. ❷ Tại khu vực mua sắm Shibuya Center Gai Từ quảng trường đặt bức tượng chú chó Hachi băng qua giao lộ Shibuya theo hướng chéo nghiêng về bên phải, ta sẽ tới một đường lớn dài độ 350m cùng với những khu vực xung quanh tạo thành khu vực mua sắm với tên gọi Shibuya Center Gai. Đây là khu vực được giới trẻ, kể cả học sinh trung học các cấp ưa thích và ngày thường có tới 50.000 người, ngày nghỉ có tới 70.000 tới vui chơi mua sắm ở đây. ❸ Trung tâm mua sắm SHIBUYA 109 Nằm ngay bên cạnh giao lộ Shibuya, trung tâm mua sắm này là nơi lý tưởng để tìm kiếm những trang phục, giày dép, mỹ phẩm, đồ trang sức mang phong cách độc đáo của Nhật Bản cũng của châu Âu. ❹ Quán cà phê Starbucks Shibuya Tsutaya Quán cà phê Starbucks này nằm trong tòa nhà QFRONT, tọa lạc ngay phía trước con đường đi vào Shibuya Center Gai. Từ tầng 2 các bạn có thể ngắm trọn vẹn giao lộ náo nhiệt và đông đúc này. Tổng quan Trên đây chúng tôi vừa giới thiệu với các bạn một số thông tin về giao lộ Shibuya nổi tiếng, cũng như một số địa điểm mà các bạn có thể hẹn hò cùng bạn bè. Nếu các bạn thấy có địa điểm nào còn hay và thú vị hơn nữa, hãy ghi dưới comment cho mọi người cùng tham khảo nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17081 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15550 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13040 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài