Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

Artboard 1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Thị Hường

Sinh năm 1991 tại tỉnh Bạc Liêu
05/2009: Tốt nghiệp cấp 3
12/2009: Tham gia chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng
12/2010: Bắt đầu làm việc tại thành phố Tsu, tỉnh Mie
12/2013: Kết thúc hợp đồng thực tập sinh
04/2014-05/2016: Giảng dạy tiếng Nhật tại cơ sở đào tạo thực tập sinh kỹ năng
06/2016-04/2017: Phụ trách biên phiên dịch cho một công ty nhân sự.
04/2017: Nhập học trường chuyên ngành phúc lợi xã hội Kinki
03/2019: Tốt nghiệp trường chuyên ngành phúc lợi xã hội Kinki
04/2019: Làm việc tại bệnh viện Koseikai Nara

Kết thúc hợp đồng thực tập sinh, đã quay lại Nhật với tư cách du học sinh sau thời gian trở về nước

Từ năm 2010, tôi đã làm việc với tư cách thực tập sinh kỹ năng tại một công trường ở tỉnh Mie. Khi lựa chọn địa điểm tin cậy để đi, tôi đã chú trọng 2 điểm sau:
・Chi phí rẻ
・Số lượng học viên ít ( Đồng nghĩa với chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn)

Đi ngắm lá đỏ cùng các bạn thời còn đi thực tập sinh (Tỉnh Mie, tháng 11 năm 2012)

Tôi đã thi đỗ chứng chỉ N2 (JLPT) khi bước sang năm thứ 2 làm thực tập sinh. Sau khi hết hợp đồng, tôi đã về nước và làm giáo viên tiếng nhật ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào một ngày, qua một đồng nghiệp tôi biết được thông tin “Có thể nhận học bổng đi học tại một trường chuyên ngành điều dưỡng, sau đó nếu lấy được tư cách điều dưỡng viên thì có thể có cơ hội xin việc tại cơ sở chăm sóc điều dưỡng. Tôi đã trực tiếp đến CICS (Công ty Cổ phần dịch vụ Hợp tác Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh) để hỏi cụ thể. Và được tư vấn rằng, đó chương trình vừa làm thêm ngay tại cơ sở điều dưỡng vừa được cấp học bổng để đi học tại trường chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp có thể xin việc và trở thành nhân viên chính thức của cơ sở đó.

Công việc làm thêm và đi học bằng học bổng

Người phụ trách của cơ sở điều dưỡng đã từ Nhật đến Hồ Chí Minh để phỏng vấn tôi. Tôi nhận giấy báo đỗ, và tháng 4 năm 2017 tôi quay lại Nhật sau 3 năm. Đây là cơ sở được hợp nhất với bệnh viện chăm sóc điều dưỡng bệnh viện Koseikai (thuộc thành phố Yamatokoriyama tỉnh Nara). Tôi ở ký túc xá của viện và cứ thế trong 2 năm, tôi đi xe điện đi học ở trường chuyên ngành phúc lợi xã hội Kinki ở Osaka. Giai đoạn đầu nhiều du học sinh phải theo học ở trường tiếng, nhưng vì tôi đã có bằng N2 nên có thể theo học trường chuyên môn ngay.

Tôi dùng số tiền học bổng từ AHP Networks – một quỹ học bổng dành cho sinh viên Quốc tế của tổ chức NPO cấp để trả học phí, còn tiền sinh hoạt phí được trả từ tiền làm thêm bán thời gian tại viện điều dưỡng. Mỗi tháng tôi nhận về tay 7 đến 8 vạn yên, chi phí ở ký túc xá rẻ, tiền đi lại tới trường học cũng do viện trả nên mỗi tháng tôi tiết kiệm được 3 vạn yên.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] AHP Networks

Trường tôi học gần thành Osaka và xung quanh có rất nhiều hoa anh đào nở (Tháng 4 năm 2017)

【Lời khuyên từ ban biên tập】

Học bổng điều dưỡng dành cho người nước ngoài.... Ở Nhật, ngoài quỹ học bổng bạn Hường nhận được còn có các chế độ học bổng khác dành cho du học sinh có nguyện vọng muốn trở thành điều dưỡng viên. Chính quyền tại các tỉnh thành, địa phương sẽ tài trợ cho các cơ sở điều dưỡng, và các cơ sở này sẽ dùng số tiền trên để trợ cấp lại cho du học sinh. Khoản tiền trợ cấp này bao gồm tiền nhập học, tiền học phí mỗi tháng, tiền chuẩn bị cho xin việc, tiền nhà... Hãy tìm một Công ty trung gian hiểu rõ về các chế độ dành cho du học sinh nhé!

Đỗ kỳ thi Quốc gia, lấy bằng điều dưỡng viên

Sau đó khoảng 2 năm, ngay trước khi tốt nghiệp trường chuyên môn, tôi đã thi đỗ chứng chỉ điều dưỡng viên kỳ thi Quốc gia và chính thức làm việc tại viện điều dưỡng. Thời điểm đó cũng có 4 chị người Việt Nam cùng vào làm. Vì các chị ấy mới chỉ có bằng N4 nên phải đi học ở trường tiếng Nhật 1 năm. Sau đó cũng có dự định học tiếp lên trường chuyên môn, nhưng vì cũng đang làm việc tại viện nên được các nhân viên người Nhật khác hướng dẫn bằng tiếng Nhật đơn giản, dễ hiểu.

Ảnh chụp với các bạn học trường chuyên môn. Trong số này, chỉ có 2 người thi đỗ kỳ thi Quốc gia ngay lần đầu và bây giờ tất cả mọi người đều đang làm việc tai các cơ sở điều dưỡng ở Nhật. (Tháng 2 năm 2018)

Đi ngắm hoa anh đào ven sông gần viện điều dưỡng cùng các em người Việt. Vì là lần đầu tiên được thấy sakura nên các em khen rối rít “Đẹp quá! Đẹp quá!” (Tháng 4 năm 2019)

Công việc điều dưỡng

Có hai ca làm việc trong ngày. Ca ngày (Từ 9 giờ sang đến 5 giờ chiều) và ca tối (Từ 4 rưỡi chiều đến 9 rưỡi sáng ngày hôm sau). Sau khi kết thúc ca đêm, tôi về nhà tắm rửa, ăn cơm và đi ngủ. Tầm chiều tôi dậy và giải trí bằng việc xem phim Việt Nam trên điện thoại.

Khi cho người bệnh đi tắm, tuy có người có thể trọng lớn nhưng nếu có 2 điều dưỡng viên cùng làm thì không sao. Lúc thay tã cũng vậy, nếu đã quen rồi sẽ không thấy vấn đề gì cả (đồng nghiệp cũng có chung quan điểm với tôi). Lượng bài tiết ở người cao tuổi ít, và nếu bạn cho tã vào xô, khử mùi và đậy nắp lại, mùi sẽ ngay lập tức biến mất.

Tôi thường xuyên trò chuyện với người bệnh. Trong số đó, người hài hước có, cũng có nhiều người nói lời cám ơn với tôi, khiến tôi cảm nhận được giá trị công việc mình đang làm. Vừa ăn kẹo vừa trò chuyện cùng những đồng nghiệp người Nhật ở phòng nghỉ giải lao cũng rất thú vị. Họ rất tốt với tôi, có khi còn cho tôi gạo, cá, tôm...

Cho người bệnh ăn (Tháng 7 năm 2019)

Tôi thường xuyên trò chuyện với người bệnh (Tháng 7 năm 2019)

Tôi cũng phụ trách các công việc văn phòng như ghi chép lại hồ sơ chăm sóc người bệnh. (Tháng 7 năm 2019)

(Phỏng vấn) Cô Nagahata Sanae – Trưởng bộ phận hộ lý.

・Bệnh viện Kouseikai Nara là một cơ sở y tế như thế nào?

―― Là một cơ sở bao gồm cả bệnh viện và viện dưỡng lão (Bệnh viện chăm sóc điều dưỡng). Viện dưỡng lão (258 phòng ) phục vục chăm sóc y tế, hộ lý 51 người, điều dưỡng viên tính cả bạn Hường là 61 người.

・Đánh giá của cô về cách làm việc của Hường thế nào với tư cách là người nước ngoài đầu tiên được tuyển dụng?

―― Từ khi còn là cô sinh viên của trường chuyên môn, tiếng Nhật của Hường đã rất tốt nên ngay lập tức đã trở thành một nhân viên cốt cán tại viện. Tôi đang đặt kỳ vọng vào 4 bạn Việt Nam khoá tiếp theo sau khi các bạn nâng cao năng lực tiếng Nhật trong thời gian ngắn. Hường là một người giỏi khi có thể tiếp thu ngay những gì được dạy. Ngoài ra còn rất chăm chỉ nữa. Sự có mặt của Hường đã hỗ trợ rất nhiều cho viện của chúng tôi. Nhìn Hường làm việc, tôi đã nghĩ từ giờ sẽ tuyển thêm nhiều nhân viên người nước ngoài nữa.

 Lễ hội mùa hè tại bệnh viện. Tôi trong bộ yukata mượn từ viện. (Tháng 8 năm 2017)

Cuộc sống ở Nhật

Tôi đang sống ở ký túc xá trong bệnh viện với chi phí rẻ và sử dụng miễn phí các trang thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, ti vi, giường. Tôi mua thực phẩm trong siêu thị và chủ yếu nấu món ăn Việt Nam. Các nguyên liệu, gia vị của đồ Việt đều có bán ở các cửa hàng trên Osaka. Tôi ăn trưa ở nhà ăn dành cho nhân viên với suất ăn giá rẻ 220 yên.

Chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng) ※Thời điểm sau khi đi làm 1 năm

※ 100yên = 21,145VND (Theo tỷ giá tính đến ngày 7 tháng 2 năm 2020)

Thu nhập (Tổng cộng khoảng 215,000 yên)

Lương 215,000 yên
*Số tiền sau khi trừ thuế, bảo hiểm xã hội…
*Ngoài số tiền trên, mỗi năm được nhận thưởng 2 lần.

Chi tiêu ( Tổng cộng khoảng 100,000 yên)

Tiền nhà (Ký túc xá) 35,000 yên
*Sống 1 mình, phòng đơn, nhà vệ sinh, bồn tắm
*Đi xe đạp đến nơi làm việc mất 15 phút. Sau đó mất 3 phút đi bộ đến ga tàu điện.
Tiền điện, ga, nước 10,000 yên
*Tổng cộng
Tiền điện thoại 5,000 yên
Tiền ăn 30,000 yên
*Chủ yếu tự nấu, ăn trưa ở nhà ăn dành cho nhân viên
Chi phí đi lại/ Các chi phí khác 15,000 yên
*Một tháng vài lần đi chơi với bạn thân
*Không mấy khi đi mua sắm

Tiền tiết kiệm Trung bình 120,000 yên

※Tự tiết kiệm tiền và gửi về Việt Nam cho bố mẹ.

Phòng ở ký túc xá. Tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, ti vi, giường, tủ… toàn bộ cơ sở vật chất đều được viện cung cấp. (Ảnh chụp tháng 4 năm 2017)

Tận hưởng cuộc sống ở Nhật Bản

 

Khu vực Kansai tôi sinh sống có 3 địa điểm du lịch nổi tiếng là Kyoto, Osaka và Nara. Osaka là thành phố lớn, một nơi rất nổi tiếng về đồ ăn ngon. Vì 1 tháng có hơn 9 ngày nghỉ nên mỗi tháng tôi đi chơi với bạn thân vài lần. Tôi có 2 cô em gái đều đã đi chương trình thực tập sinh ở Hiroshima. Cô em thứ 2 thì hoàn thành vào tháng 12 năm 2018, còn cô em út vừa kết thúc tháng 1 năm 2020. Chị em chúng tôi khi còn ở Nhật mỗi năm 2 lần đều dành thời gian đi du lịch cùng nhau.

 

Đi du lịch Osaka – thành phố lớn nhất miền Tây Nhật Bản cùng cô em gái thứ 2. Đây là nơi rất nổi tiếng về đồ ăn ngon. (Tháng 11 năm 2017)

Chuyến du lịch đến Miyajima cùng hai em gái đã đi thực tập sinh kỹ năng ở Hiroshima. Đây là một trong 3 địa điểm du lịch lớn nhất của Nhật Bản (Tháng 8 năm 2017)

Chuyến du lịch tới Kobe – thành phố đầy phong cách và hoa lệ. Lúc đầu chỉ có tôi và em gái thứ 2 đi thôi nhưng vì đây là nơi quá tuyệt nên đã quyết định dẫn cả cô em út đi theo. (Tháng 11 năm 2017)

Tình yêu lớn dành cho Nhật Bản

Khi còn ở Việt Nam, tôi đã từng chăm sóc bà của mình bị liệt. Trong tương lai, cũng giống như Nhật, các cơ sở phúc lợi dành cho người gia cũng sẽ tăng ở Việt Nam. Để đến ngày có thể trở thành “thủ lĩnh” trong ngành điều dưỡng thì tôi nghĩ phải học bài bản về nghiệp vụ điều dưỡng ở Nhật.

Cuộc sống ở Nhật tiện nghi, đặc biệt là hệ thống tàu điện. Ngoài ra, các gói cơm nắm onigiri và túi kẹo đều được thiết kế khéo léo, rất dễ bóc. Quy trình làm mì soba đóng hộp cũng được tính toán kỹ lưỡng. Chỉ vậy thôi cũng đủ để thấy rất rõ rằng các nhà sản xuất luôn suy nghĩ đến tâm lý người tiêu dùng. Sự tinh tế được thể hiện trong những sản phẩm như thế là điều khiến tôi thấy yêu văn hoá Nhật Bản.

Lễ hội hoá trang Halloween được tổ chức ở trường chuyên môn (Tháng 10 năm 2018)