Sinh năm 1995 tại Hà Nội Tháng 6/2013: Tốt nghiệp trường THPT Đan Phượng Tháng 9/2013: Nhập học Đại học Công nghiệp Hà Nội Tháng 6/2014: Nhập học trung tâm tiếng Nhật của công ty phái cử thực tập sinh Tháng 6/2014: Thôi học Đại học Công nghiệp Hà Nội Tháng 12/2014: Bắt đầu chương trình thực tập sinh kỹ năng tại tỉnh Yamanashi Tháng 12/2017: Kết thúc chương trình thực tập sinh kỹ năng, về Việt Nam Tháng 1/2018: Vào làm việc tại công ty phái cử thực tập sinh Tháng 10/2018: Thôi việc tại công ty phái cử thực tập sinh Tháng 1/2019: Vào làm việc tại chi nhánh Việt Nam của một công ty Nhật Bản chuyên kinh doanh thiết bị y tế
Sau 3 năm thực tập, tôi đỗ chứng chỉ N1 và tiếng Nhật trở thành vũ khí lợi hại của tôi
Trên tầng 2 một văn phòng làm việc nhỏ ở nội đô Hà Nội, sau khi xếp thành hàng dài, các cô, các bác độ tuổi trung và cao niên cuối cùng cũng lần lượt ngồi kín 27 chiếc ghế sắp sẵn để nghe Cường giảng bài về chăm sóc sức khoẻ. Trên ghế đặt sẵn thiết bị y tế là các tấm trải có điện chạy qua nên trong 30 phút ngồi nghe giảng, người nghe cũng đồng thời được trải nghiệm dùng thử miễn phí các thiết bị này. Đây là một trong 7 trung tâm tiếp thị sản phẩm tại Hà Nội của công ty kinh doanh thiết bị y tế Nhật Bản. Các bài giảng tại đây do 4 nhân viên lần lượt thực hiện, mỗi bài dài 30 phút, mỗi ngày giảng 14 lượt. Học viên khi đến trung tâm lần đầu sẽ phải đăng kí làm hội viên, từ lần thứ hai trở đi, chỉ cần xuất trình thẻ hội viên là được xếp hàng vào nghe giảng. Tuy nhiên, phòng chờ dưới tầng 1 của trung tâm lúc nào cũng kín chỗ, có hôm phải chờ đến 3 tiếng mới đến lượt vào nghe.
Thiết bị chăm sóc sức khoẻ này có 2 loại, loại 129 triệu đồng (tính cả thuế là khoảng 61 vạn yên) một chiếc và loại 89 triệu đồng (cả thuế là khoảng 42 vạn yên) một chiếc. Không phải ai cũng bỏ tiền ra mua, nhưng chủ trương của Cường là hội viên chỉ cần đến đây thôi là đã được hoan nghênh rồi. Dù không mua máy, nhưng có người lại dẫn bạn bè đến và khi họ trải nghiệm dùng thử máy miễn phí, thấy cơ thể khoẻ khoắn hơn là máy đã được tiếp thị rộng rãi hơn. Hẳn là khách đến đây đều hài lòng về trải nghiệm, vì từ khi mở cửa hồi tháng 4/2019, chỉ sau 10 tháng, trung tâm đã có khoảng 400 hội viên. Hầu hết các hội viên đến đây đều thông qua lời giới thiệu truyền miệng và mỗi tháng trung tâm bán được khoảng từ 7 đến hơn 10 chiếc máy. Lương tháng về tay chỉ khoảng 16 triệu đồng, nhưng tuỳ theo doanh số của trung tâm mà thu nhập của Cường tăng thêm. Anh kể rằng thu nhập nhiều tháng còn tăng gấp 3, 4 lần.
Cường tìm thấy thông tin tuyển dụng trên một trang web giới thiệu việc làm, điều kiện tuyển là trình độ N2 trở lên, có năng lực làm kinh doanh. Anh ứng tuyển và đỗ vào vị trí quản lý trung tâm. Sau 3 năm làm thực tập sinh, Cường đã đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT trình độ N1, và tiếng Nhật đã trở thành vũ khí lợi hại của anh.
Dưới đây là những chia sẻ của Cường về quá trình làm thực tập sinh ở Nhật Bản.
Chuẩn bị bài thật kĩ trước khi lên lớp ở trung tâm tiếng Nhật
Hồi ở trường đại học, tôi học chuyên ngành hàn, nhưng rồi một hôm, tôi trông thấy tờ quảng cáo về chương trình thực tập sinh kỹ năng của một công ty phái cử dán trong trường. Trong tờ quảng cáo có ghi những câu như “Sang Nhật sẽ kiếm được 15 vạn yên (khoảng 30 triệu đồng) một tháng”, “Chịu khó trau dồi tiếng Nhật, bạn có thể trở thành giáo viên tiếng Nhật”. Bản thân tôi cũng không hào hứng lắm với công việc hàn, nên tôi đã quyết định đi Nhật theo chương trình thực tập sinh.
Tôi nghỉ học ở trường, rồi nhập học ở công ty phái cử. Nhà tôi chỉ cách kí túc xá khoảng 10km nên mỗi tuần tôi về nhà một lần. Tuy nhiên, để tập trung học hành, tôi không ngủ lại nhà mà chỉ đi về trong ngày.
Giáo trình dùng tại trung tâm tiếng Nhật của công ty phái cử là “Minna no Nihongo”. Bài 1 đến bài 25 của sách tương đương với trình độ N5, còn từ bài 26 đến bài 50 tương đương trình độ N4. Ở trung tâm, mọi người thường học đến bài 35. Tuy nhiên, trước khi sang Nhật, tôi đã tự học đến hết bài 50. Cuối cùng, tôi đạt được thành tích học tập đứng đầu tổng số khoảng 200 học sinh của 8 lớp. Đó là nhờ việc học theo hình thức chuẩn bị bài từ trước và lên lớp để ổn lại. Tôi thấy cách học này giúp ghi nhớ kiến thức rất hiệu quả.
Đừng tham cái lợi trước mắt mà hãy nghĩ đến thu nhập lâu dài
Sau khi học ở trung tâm khoảng 8 tháng thì tháng 12/2014 tôi sang Nhật. Tôi thực tập ở một nhà máy gia công sợi kim loại và sản xuất lưới thép ở tỉnh Yamanashi. Ở đây có 10 nam thực tập sinh người Việt (đến năm thứ 3 thì là 15 người), tính cả người Nhật thì nhà máy có tổng cộng hơn 100 nhân viên. Công việc của tôi là dùng cần cẩu đặt cuộn dây thép vào thiết bị gọi là máy nắn thẳng, sau khi dây thép được nắn thẳng từ máy đi ra, tôi sẽ cắt dây thành các đoạn có chiều dài định trước.
Tôi đảm nhiệm 9 chiếc máy như vậy, nhưng thời gian chờ dây thép từ máy đi ra rất lâu, nên tôi tranh thủ khoảng thời gian đó để học tiếng Nhật. Hơn nữa, tôi còn đề đạt nguyện vọng với công ty là nếu có thể thì đừng bố trí cho tôi làm thêm ngoài giờ, để dành thời gian học tiếng Nhật vào buổi tối. Thời gian đầu, tôi cũng làm thêm giờ rất nhiều, nhưng khi so sánh giữa “khoản tiền làm thêm giờ trong thời gian 3 năm thực tập” và “khoản tiền kiếm được suốt nhiều năm sau này khi đã học tốt tiếng Nhật”, tôi đã lựa chọn chuẩn bị cho công việc và cuộc sống tương lai, thay vì ham cái lợi trước mắt.
Bí quyết học để thi đỗ N1 của tôi (giới thiệu giáo trình)
Sau khi sang Nhật 1 năm, vào tháng 12/2015 tôi dự kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT trình độ N2 nhưng không đỗ (chỉ thiếu 1 điểm). Sau đó, tháng 7/2016 tôi đỗ N3 và đến tháng 12/2017 thì đỗ chứng chỉ N1.
◇Sách tham khảo, sách bài tập◇
Tôi không bao giờ tiếc tiền mua giáo trình tiếng Nhật. Trước khi sang Nhật, tôi đã bỏ ra khoảng 1 vạn yên (khoảng 2.116.000 đồng) để mua sách và sau khi sang Nhật, tôi tiêu khoảng 19 vạn yên (khoảng 40.197.000 đồng) cho sách tiếng Nhật. Tôi làm như vậy vì tin chắc rằng nếu nắm thật vững tiếng Nhật thì sau này sẽ thu hồi lại số tiền đó. Trong số các sách giáo khoa tôi từng sử dụng, tôi đặc biệt khuyên các bạn đã học tương đối vững nên dùng bộ sách “Shinkanzen mastaa”.
Về phần luyện nghe, hằng ngày tôi nghe đĩa CD kèm theo giáo trình “Mimikara oboeru Nihongonouryokushiken Goi Toreeningu” (Luyện từ vựng cho kì thi năng lực tiếng Nhật bằng cách nghe và ghi nhớ). Tôi dùng máy tính lưu nội dung đĩa CD vào điện thoại iphone rồi đeo tai nghe và luyện nghe ngay trong khi đang làm việc. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nghe và xem chương trình “SAKURA TV” trên internet, và trong khi làm việc cũng như ngày nghỉ, tôi luôn tích cực trò chuyện với người Nhật.
Tôi dùng phần mềm có trả tiền “AnkiMobile” để ghi nhớ từ vựng. (Phần mềm này miễn phí trên điện thoại Android). Tôi mạnh về khả năng nghe hiểu và từ vựng, trong đó vốn từ vựng tôi phần lớn có được nhờ phần mềm này.
Bí quyết học để thi đỗ N1 của tôi (trong cuộc sống hàng ngày)
Những ngày cuối tuần không phải làm việc, tôi thường học bài trong phòng trọ hoặc trong thư viện công cộng của tỉnh Yamanashi. Trong thư viện có điều hoà, lại yên tĩnh nên cực kì phù hợp với việc học hành. Tôi dậy sớm rồi ra ngồi học ngay tại ghế chờ trong ga JR Kofu từ 8 giờ sáng, cho đến khi thư viện gần ga mở cửa thì tôi chuyển sang đó. Đến trưa, tôi ăn cơm hộp ở gần thành Kofu, sau đó đi tới Đại học Quốc lập Yamanashi. Ở đây có lớp tiếng Nhật miễn phí do các tình nguyên viên dạy (Chủ Nhật hằng tuần, từ 2 đến 4 giờ chiều), tôi được học tiếng Nhật cùng bạn bè đến từ rất nhiều quốc gia khác.
Vào ngày nghỉ, các bạn thực tập sinh ở cùng kí túc xá với tôi thường ngủ dậy rất muộn hoặc mải mê chơi điện thoại và chẳng chịu học tiếng Nhật. Tôi tự nhắc nhở mình rằng “Mình đang vừa đi du học ở Nhật (du học tự học), vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống”, vì vậy, tôi luôn dành thời gian cho việc học. Để tập trung cho việc học hành, trong 2 năm đầu tiên, tôi gần như bỏ hoàn toàn Facebook.
Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình một tháng)
※100 yên = 21.156 VNĐ (tỉ giá ngày 17/2/2020)
Thu nhập về tay (khoảng từ 100.000 yên~155.000 yên)
Lương về tay
85.000 yên ~ 93.000 yên *Khoản tiền về tay sau khi đã trừ thuế, bảo hiểm xã hội và tiền kí túc xá *Số tiền đã khấu trừ gồm có tiền kí túc xá 2 vạn yên (Căn hộ 2 phòng ngủ, 3 đến 4 người ở chung/Công ty chuẩn bị sẵn cho tủ lạnh, máy giặt, điều hoà nhiệt độ và các đồ điện gia dụng khác)
Các khoản chi (tổng cộng 40.000 yên ~50.000 yên)
Phí điện nước
0 yên *Tiền điện, nước, ga… đã bao gồm trong tiền kí túc xá
Internet
1000 yên *Chia đều cho 6, 7 người sống cùng kí túc xá *Điện thoại di động không dùng SIM (chỉ dùng Wi-Fi)
Tiền ăn, chi phí đi lại
37.000 yên ~ 60.000 yên *Để dành thời gian cho việc học, tôi chủ yếu ăn ở ngoài *Tiền phí đi lại để đến thư viện. Thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè. *Tiền giáo trình không tính trong các khoản này.
Khoản tiền chênh lệch (tiết kiệm được): Bình quân 40.000 yên
*Cứ 2 đến 3 tháng một lần, tôi lại gửi tiền về cho bố mẹ. Mỗi lần tôi gửi được khoảng 10 vạn yên.
*Phần tiền vay nợ để trả cho công ty phái cử tôi trả hết trong vòng 3 năm, không tiết kiệm được đồng nào. Tuy nhiên, sau khi về nước, tôi có được thu nhập cao và trả lại được tiền cho cha mẹ.
Làm việc tại công ty phái cử thực tập sinh
Tháng 12/2017, sau khi về nước, nhờ người quen của cha giới thiệu nên tôi vào làm việc tại một công ty lớn chuyên về phái cử thực tập sinh. Công việc của tôi là biên dịch tài liệu, thông dịch các buổi phỏng vấn và cả việc kinh doanh. Mục tiêu khai thác kinh doanh là các nghiệp đoàn và các công ty tiếp nhận thực tập sinh nên tôi phải gọi điện thoại từ Hà Nội sang Nhật để đặt lịch hẹn, sau đó đi sang đàm phán và thuyết phục họ chấp nhận tuyển thực tập sinh từ công ty mình. Nếu thuyết phục được, bên đối tác sẽ sang Việt Nam để thị sát, khi đó, tôi sẽ tiếp đãi khách ở các quán ăn, các chỗ dịch vụ massage hoặc karaoke v.v… Tuy nhiên, chẳng bao lâu, tôi phát sinh cảm giác nghi ngại đối với nội dung công việc và sau khi làm ở đó 10 tháng, tôi xin thôi việc. Nguyên nhân là vì tôi luôn muốn làm gì đó có ích cho xã hội, thế nhưng, tôi cảm thấy công việc này hoàn toàn không phải như vậy.
Lòng tốt của người Nhật
Mặc dù dành gần như toàn bộ thời gian cho công việc và học tập, tôi vẫn cảm thấy mãn nguyện vì đã nỗ lực không ngừng để hướng tới mục tiêu. Hơn nữa, tôi còn may mắn gặp được những người bạn và các đàn anh thú vị ở chỗ làm nên trong tôi giờ vẫn còn rất nhiều kỉ niệm đẹp.
【“Bố Mẹ” người Nhật】
Cùng công ty, có một đàn anh người Nhật 60 tuổi tên là Mishina luôn đối đãi với đám thực tập sinh chúng tôi hết sức tử tế. Ông thường mang rau quả đến tận kí túc xá để cho chúng tôi. Ông bảo “Người Việt Nam chắc khổ sở với cái lạnh Nhật Bản lắm nhỉ”, rồi mua nào quần áo, tất và găng tay đem đến cho chúng tôi. Nhóm 5, 6 người chúng tôi thường đi tàu điện đến nhà ông Mishina chơi 1, 2 lần mỗi tháng. Đến đây, chúng tôi được mời cơm và còn cùng nhau đi chơi bowling nữa. Chúng tôi gọi vợ chồng ông bà Mishina là “Bố” và “Mẹ”. Chính ông Mishina là người đã tìm ra lớp học tiếng Nhật miễn phí ở đại học Yamanashi, ngày học đầu tiên, vợ chồng ông đã chở tôi đến tận nơi, rồi ngồi bên ngoài để chờ tôi đến tận khi tan lớp.
【Sự kiện giao lưu quốc tế】
Quản lý nhà máy - ông Fukuoka đã bỏ tiền túi cho chúng tôi đi dự các sự kiện giao lưu quốc tế do chính quyền địa phương tổ chức mỗi năm 2 lần. Đây là sự kiện họp mặt của khoảng 100 người nước ngoài sống trong vùng. Nhóm thực tập sinh gồm khoảng 10 người tại nhà máy chúng tôi rất hay được tham gia sự kiện này.
【Các đàn anh người Nhật】
Các đàn anh người Nhật thường cùng đám thực tập sinh chúng tôi tổ chức tiệc nước BBQ và thỉnh thoảng còn đi trượt băng. Những dịp thế này, hầu như các đàn anh người Nhật thường chịu hết chi phí. Ngoài ra, mỗi năm, các đàn anh vẫn cùng nhóm người Việt chúng tôi đi nhậu khoảng 2, 3 lần.
【Bạn bè cùng kí túc xá】
Đám bạn bè ở cùng kí túc xá chúng tôi thường tổ chức các buổi tiệc đón đàn em mới. Thỉnh thoảng chúng tôi còn cùng nhau đi ngắm hoa và tham quan các khu lân cận. Vào ngày nghỉ, thỉnh thoảng chúng tôi cùng nhau chơi đá bóng. Mọi người thường thu xếp giờ chơi bóng vào buổi chiều tối cho khớp với giờ tôi từ thư viện về nhà.
Đã mất công đi thì nên cố gắng học và làm cho tốt
Tôi đã sống và tận dụng thời gian ở Nhật của mình như vậy đấy. Nên hiểu rằng không phải chỉ cần đi sang Nhật, dù chẳng cần làm gì thì tiếng Nhật vẫn cứ giỏi lên. Ngược lại, nếu chuẩn bị thật kĩ lưỡng trước khi sang Nhật, và khi đã sang đến nơi, hằng ngày vẫn luôn nỗ lực hết sức thì cả năng lực tiếng Nhật cũng như cách nghĩ về công việc theo kiểu người Nhật sẽ trở thành tài sản quý báu cho bản thân. Hãy cố gắng để ít phải vay mượn tiền nong nhất khi sang Nhật. Sau đó, trong thời gian ở Nhật, thay vì chỉ chăm chăm đi kiếm tiền, hãy ưu tiên rèn giũa, nâng cao năng lực bản thân. Nếu làm được như vậy thì sau khi kết thúc thời gian du học hay thời gian thực tập, bạn sẽ có khả năng tìm được công việc hấp dẫn hơn, cũng như có được mức thu nhập hoàn toàn khác.Tôi rất mong các đàn em đi sau hãy suy nghĩ thật kĩ điều này.
Đó là Tuyết, cô gái đã trở thành thực tập sinh người nước ngoài tại một nhà máy chế biến thực phẩm. Cô ấy hoàn toàn không hiểu được tiếng Nhật mà những người Nhật sử dụng để giao tiếp khi mới đặt chân đến đây, nhưng sau vài tháng kiên trì học tiếng Nhật,
Anh Huy đã thực tập kỹ năng trong ngành xây dựng với mức lương thấp hơn trung bình. Việc chuẩn bị máy móc trước giờ làm cũng như dọn dẹp sau giờ làm (mỗi ngày khoảng 2 tiếng) không được tính là làm tăng ca nên anh không nhận được tiền tăng ca. Ở nơi
Anh Trung đã ngày ngày phải làm một công việc khác với những gì anh đã được nghe khi ở Việt Nam. Anh đã xin tư vấn từ Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) và không cần làm công việc đó nữa nhưng vẫn chưa thể chuyển sang nơi làm việc khác.
Lĩnh vực xây dựng không phổ biến đối với các thực tập sinh kỹ năng, nhưng trong đó, xây dựng gia công nội thất là một trong những ngành được cho là tương đối ít khó khăn, rắc rối nhất. Sau khi được đào tạo kỹ năng tại một công ty thiết kế nội thất,