Blog
Ngày 3/3 Hinamatsuri – Lễ hội dành cho bé gái
Nếu bạn sống ở Nhật hoặc có dịp đến Nhật Bản vào thời điểm cuối tháng 2, bạn sẽ được thấy tại các sân bay, công sở, hay các trung tâm mua sắm lớn đều trưng bày các bộ búp bê lớn kèm theo rất nhiều phụ kiện trang trí rực rỡ. Đó chính là Hinamatsuri – Lễ hội búp bê dành cho bé gái ở Nhật Bản. Vậy đây là một lễ hội như thế nào? Chúng ta cùng thử tìm hiểu nhé.
Lịch sử của lễ hội
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của lễ hội Hinamatsuri của Nhật Bản, nhưng một trong những giả thuyết có sức thuyết phục nhất là lễ hội bắt nguồn từ thời Heian (794~1185) ở Kyoto.
Vào thời kỳ Edo, lễ hội này diễn ra vào ngày 3/3 hằng năm với tên gọi Momo no sekku – tức là Tiết hoa đào, do dịp này vốn được tính theo âm lịch, là dịp hoa đào nở rộ. Nếu như dịp 5/5, tức “Tiết Đoan Ngọ” là lễ hội dành cho bé trai ở Nhật Bản thì “Tiết hoa đào” là ngày lễ cầu may mắn và sức khoẻ, ước nguyện cho các cô con gái một cuộc sống hạnh phúc viên mãn.
Búp bê Hinaningyo
Vào dịp này, các gia đình có con gái thường trưng bày một bộ búp bê đặc biệt gọi là Hinaningyo (雛人形) trong vòng vài tuần trước ngày 3/3. Loại búp bê này được làm theo phong cách trang phục của tầng lớp quý tộc thời Heian. Những bộ búp bê nhỏ thì chỉ có đôi búp bê gọi là Dairibina. Còn các bộ búp bê lớn thì có nhiều tầng, phía trên cùng là búp bê Dairibina còn phía dưới và các loại búp bê khác và các đồ trang trí.
Dairibina tượng trưng cho thiên hoàng và hoàng hậu còn các búp bê khác tượng trưng cho những người giúp việc, nhạc công, võ sỹ của thiên hoàng. Ngoài ra, người ta còn bày thêm và các loại tủ đựng quần áo, bánh kẹo và cả rượu trắng nữa.
Món ăn truyền thống trong dịp Hinamatsuri
Những loại bánh kẹo thường ăn trong dịp Hinamatsuri.
・Hishimochi: Bánh dày hình bình hành, một loại bánh dày ngọt, 3 tầng màu cắt theo hình bình hành.
・Hina-arare: Bỏng gạo ngào đường.
Còn món ăn truyền thống trong Hinamatsuri thì thường có các món sau.
・Chirashizushi: Tức cơm sushi trộn với cá sống và các nguyên liệu khác đầy màu sắc.
・Canh ngao Hamaguri suimono: Nhiều gia đình dùng nghêu (asari) thay cho ngao hamaguri. Do loài nhuyễn thể này có hai cái vỏ nó khép vừa khít với nhau, nên món canh này thể hiện lòng mong muốn của cha mẹ, họ mong cho con gái mình sẽ tìm được người chồng xứng đôi vừa lứa, hợp nhau như đôi vỏ ngao.
Vào ngày 3/3, các trường học phổ thông ở Nhật cũng thường có những món ăn truyền thống như thế này vào bữa trưa tại trường. Nếu bạn đi chợ vào những ngày đầu tháng 3, bạn sẽ thấy các siêu thị bán rất nhiều ngao, cũng như nhiều cành hoa đào, hoa cải nanohana, cơm sushi … Nhìn những mặt hàng như vậy được bày bán ở siêu thị, chắc hẳn ai ai cũng cảm nhận được “mùa xuân đang đến gần”.
Người Việt Nam tại Nhật và lễ hội Hinamatsuri
Hiện nay có rất nhiều gia đình Việt Nam sinh sống tại Nhật. Chia sẻ cảm nhận chung về lễ hội dành cho các bé gái Hinamatsuri, không chỉ các gia đình có con gái, mà ngay cả những du học sinh, người đi làm cũng đều công nhận rằng đây là một lễ hội rất đẹp, nhẹ nhàng và rất ý nghĩa. Một số người Việt Nam sinh sống tại Nhật cho biết như sau.
Chị Kiều (sống tại tỉnh Chiba)
Chị Kiều biết tới ngày Hinamatsuri từ lúc bé gái nhà chị đi học mẫu giáo. Vào ngày này bé thường được trường tặng quà bánh được để trong túi giấy có vẽ hình Hinaningyou rất đẹp cùng những hình búp bê Hinaningyo do chính tay bé cắt dán, tô màu. Vào ngày Hinamatsuri, chị Kiều cũng thường làm cơm sushi vào bữa tối và các bé được chọn bánh bé thích, ba mẹ sẽ mua bánh cho bé.
Chị Thảo (sống tại Tokyo)
Chị Thảo là một bà mẹ Việt có hai con gái và đang sống ở Tokyo. Chị cho biết ban đầu do chưa biết phong tục này nên khi chị sinh con gái đầu lòng, ông bà nội tặng búp bê làm chị rất cảm động. Chị biết thêm phong tục phải cất dọn búp bê đi ngay sau ngày 3/3 vì được ông bà gọi điện dặn “phải cất ngay bộ búp bê đi sau khi hết ngày 3/3 để tránh cho con bị ế”.
Chị Bích Hạnh (sống tại Tokyo)
Không chỉ những gia đình Nhật – Việt quan tâm đến Hinamatsuri, cả những gia đình người Việt cũng tổ chức Hinamatsuri cho các con gái của mình. Chị cho biết “Vì con sống ở Nhật từ bé, hiểu và tiếp xúc với văn hóa Nhật nên gia đình cũng luôn để ý đến những ngày lễ truyền thống như thế này để “bày biện búp bê làm bằng tay và những búp bê nhỏ làm bằng vải”.」
Tôi được biết nhiều gia đình Việt ở Nhật cố gắng nấu những món ăn truyền thống của Nhật hoặc dẫn con đi tham quan triển lãm búp bê Hinaningyo trong những ngày này. Đây chính là những cầu nối văn hóa, con người giữa hai nước.
Các lễ hội trưng bày búp bê Hinaningyo nổi tiếng
Chúng tôi xin giới thiệu một số lễ hội/ triển lãm búp bê Hinaningyou lớn tại Nhật.
Kasuisai Hinamatsuri
Là lễ hội trưng bày búp bê Hinaningyo ở tỉnh Shizuoka, một trong những lễ hội Hinamatsuri lớn nhất ở Nhật Bản. Bục trưng bày Hinaningyo ở đây có tới 32 tầng, với khoảng 1.200 búp bê.
・ Thời gian: 1/1 ~ 31/ 3 năm 2022
・ Thời gian mở cửa: 8:00 ~ 17:00
・ Phí vào cửa: 500 yên (học sinh tiểu học trở xuống: miễn phí)
・ Địa điểm: Tỉnh Shizuoka, thành phố Fukuroi, Kuno 2915-1
Konosu Bikkuri Matsuri
Quận Iwatsuki ở thành phố Saitama và thành phố Konosu ở tỉnh Saitama là 2 địa điểm nổi tiếng với việc sản xuất búp bê Hinaningyou. Ở thành phố Konosu, lễ hội búp bê lớn được trưng bày tại một trung tâm mua sắm gần ga Konosu (tuyến đường sắt JR) theo kiểu kim tự tháp với tên gọi “Kim tự tháp búp bê Konosu”. Năm 2020 lễ hội này trưng bày 1.655 con búp bê Hinaningyou.
・ Thời gian: 18/2 ~ 5/3 năm 2022
・ Giờ mở cửa: 10:00 ~ 21:00 (ngày 5/3 đóng cửa vào lúc 15:30)
・ Ga Konosu (tuyến đường JR) cách ga Ueno (Tokyo) khoảng 50 phút đi tàu
Hinamatsuri tại thành phố Suzaki, tỉnh Nagano
Triển lãm trưng bày búp bê Hinaningyou tại Art Park Suzaka có tên là “三十段飾り 千体の雛祭り” – “Ba mươi tầng – một ngàn búp bê Hinamatsuri”. Tổng cộng có khoảng 6.000 búp bê Hinaningyo được trưng bày ở 3 khu vực tại đây.
・ Thời gian: 15/1 ~ 28/6 năm 2022
・ Giờ mở cửa: 9:00 ~ 17:00 (Giờ vào cửa đến 16:30)
・ Giá vé vào cửa: 500 yên (học sinh trung học phổ thông và dưới 18 tuổi miễn phí)
・ Địa chỉ: Tỉnh Nagano, thành phố Suzaka, Nobe 1386-8
Tổng kết
Lễ hội búp bê Hinamatsuri là ngày lễ truyền thống của Nhật Bản, nhằm cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho các bé gái. Nhiều người Việt Nam sống ở Nhật Bản cũng có cảm giác thân thuộc với những sự kiện trong ngày lễ này. Các bạn hãy cùng đi ngắm những con búp bê Hinaningyo được trưng bày tại các trung tâm mua sắm, cùng ăn thử những món ăn, bánh kẹo truyền thống của ngày lễ này để cảm nhận thêm niềm vui trong văn hóa Nhật Bản nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17080 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13038 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
★ Thông tin cơ bản: Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản
Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản ・ Sự kiện của mùa xuân ・ Sự kiện của mùa hạ ・ Sự kiện của mùa thu ・ Sự kiện của mùa đông ・ Các ngày lễ trong một năm Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn đã sang Nhật những sự kiện lớn diễn ra trong 1 năm. Nhật Bản là đất nước có 4 mùa và có rất nhiều sự kiện liên quan đến các mùa. Sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của các sự kiện theo mùa cũng như những văn hóa quan trọng trong đời sống của Nhật Bản. Sự kiện của mùa xuân Nhắc tới nét thi vị của mùa xuân Nhật Bản là phải nhắc tới hoa anh đào (sakura). Do ảnh hưởng của hiện tượng trái đất nóng lên, thời gian hoa anh đào nở rộ đang dần dần sớm lên nhưng đây là mùa mà nhiều người dân Nhật Bản cầu mong cho một sự khởi đầu mới trong không khí tươi sáng do hoa anh đào và ánh nắng, sự ấm áp của mùa xuân đem lại. Vào tháng 4, các công ty, trường học bắt đầu một năm làm việc, học tập mới. Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những sự kiện của mùa xuân Nhật Bản. Ngày 3 tháng 3: Lễ hội búp bê Nhật Bản (Hina matsuri) Lễ hội búp bê Nhật Bản là ngày lễ cầu mong cho các bé gái hạnh phúc, lớn lên khỏe mạnh v.v. Vào dịp này, nhiều nhà trang trí các con búp bê có tên là “hina”, ăn sushi chirashi, bỏng gạo và cùng đón lễ hội với gia đình. Ngày 14 tháng 3: Valentine trắng Đây là ngày các chàng trai nhận được socola trong ngày Valentine đáp lễ cho các cô gái. Nếu đáp lễ bằng đồ ngọt thì mỗi loại có ý nghĩa như sau: “kẹo” - “tôi thích bạn”, “bánh cookies” - “chúng ta là bạn nhé”, “marshmallow hoặc kẹo dẻo” - “tôi không thích bạn”, còn những loại bánh kẹo khác thì không được biết đến. Trong số những chàng trai đã nhận được quà tặng từ người yêu, bạn gái mà mình thích vào ngày Valentine thì cũng có một số trường hợp được bạn gái kì vọng về một món quà đáp lễ có giá trị. Món quà đáp lễ có thể không phải là đồ ngọt. Tháng 3: Lễ tốt nghiệp Tháng 3 là mùa các trường học tốt nghiệp. Thời gian thi đầu vào thường nằm trong khoảng tháng 1 ~ tháng 3, có nhiều lễ tốt nghiệp được tổ chức vào giữa tháng 3, sau khi lễ nhập học kết thúc. Hạ tuần tháng 3 ~ Thượng tuần tháng 4: Hanami Hanami là việc ngắm hoa anh đào. Thời gian hoa nở ở mỗi địa phương có sự khác nhau nhưng vào tầm này, những bông hoa bung nở trên khắp Nhật Bản. Có người vừa đi vừa ngắm hoa, có người trải bạt dưới gốc cây hoa anh đào, ăn cơm đã chuẩn bị sẵn, uống rượu, tận hưởng cùng bạn bè. Ngày 1 tháng 4: Cá tháng tư Đây là ngày bạn có thể nói dối. Gia đình và bạn bè thường nói những câu nửa đùa nửa thật với nhau. Cũng có những doanh nghiệp nói đùa thông qua SNS để làm cho khách hàng vui. Ví dụ, đưa thông tin phát hành sản phẩm không có thật, chuyển các kí tự chữ của màn hình game online sang kí tự viết tay để đùa vui trong ngày này. Ngày 1 tháng 4: Năm tài khóa mới Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp, trường học ở Nhật bắt đầu năm tài khóa mới vào tháng 4. Lễ chào đón nhân viên mới, lễ nhập học được tổ chức vào thượng tuần tháng 4, đối với các em thiếu nhi và học sinh thì một năm học mới lại bắt đầu. Ngày 29 tháng 4 ~ ngày 5 tháng 5: Golden Week Thời gian có nhiều ngày nghỉ và nghỉ lễ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 được gọi là Golden Week (GW). Vì có nhiều người đi chơi vào dịp này nên dễ xảy ra tình trạng đông đúc ở trên tàu điện, máy bay; các khách sạn hết chỗ, hết phòng; các đường cao tốc cũng tắc nghẽn. Tiền thuê khách sạn và tiền vé máy bay cũng sẽ tăng lên. Cũng có người tránh đi xa, thay vào đó là tận hưởng các sự kiện ở gần nhà. ※4 ngày lễ: ngày 29 tháng 4 (ngày Chiêu Hòa), ngày 3 tháng 5 (ngày kỉ niệm Hiến pháp), ngày 4 tháng 5 (ngày cây xanh), ngày 5 tháng 5 (ngày thiếu nhi) và thêm thứ 7, chủ nhật tạo nên một kì nghỉ dài. Cũng có nhiều người Việt đang du học hoặc làm thực tập kỹ năng ở nhiều nơi khác nhau thường cùng nhau đi du lịch, đến thăm nhau trong thời gian này. Ngày 5 tháng 5: Ngày thiếu nhi (ngày lễ) Lễ hội búp bê ngày 3 tháng 3 là sự kiện dành cho bé gái còn ngày 5 tháng 5 là ngày cầu chúc may mắn cho các bé trai. Người Nhật có phong tụ cầu chúc cho các bé trai lớn lên khỏe mạnh, có sự nghiệp trong tương lai bằng hình ảnh đèn lồng cá chép = hình ảnh = được treo ở nơi có gió thổi qua như ở trong vườn v.v. Tuy nhiên, gần đây số lượng gia đình treo cá chép đang giảm đi, ngược lại, số lượng các địa phương treo cá chép cỡ lớn đang tăng lên. Nửa đầu tháng 5 (chủ nhật tuần thứ 2 của tháng): Ngày của Mẹ Ngày của Mẹ là ngày chủ nhật tuần thứ hai của tháng. Đây là ngày mọi người gửi đến mẹ của mình lòng biết ơn thông qua những bông hoa cẩm chướng và những món quà. Sự kiện của mùa hạ Mùa hè ở Việt Nam cũng nóng nhưng mùa hè ở Nhật cũng có độ ẩm cao và nhiều ngày oi bức kéo dài. Vào mùa này có kì nghỉ hè nhưng ngắn hơn kì nghỉ hè của các trường ở Việt Nam. Thêm vào đó, kì nghỉ hè của người đi làm kéo dài khoảng 1 tuần, ngắn thì chỉ 4-5 ngày (nghỉ Obon), không giống như kì nghỉ dài của các nước u Mỹ. Trong thời gian khoảng 1 tuần này, nhiều người đi du lịch nước ngoài. Ngày 1 tháng 6: Ngày đổi trang phục mùa hè Tại Nhật Bản, ở nhiều địa phương, từ ngày 1 tháng 6, mọi người đồng loạt đổi trang phục sang đồ mùa hè, cho tới ngày đổi trang phục mùa đông (ngày 1 tháng 10) thì sẽ mặc vest mỏng, áo cộc tay v.v. Thêm nữa, để tiết kiệm năng lượng sử dụng cho máy lạnh thì gần đây phong trào “Cool Biz” – mặc đồ mỏng đang lan rộng, với mong muốn dù không mặc áo vest bên ngoài, thắt cà vạt thì cũng không phải là điều thất lễ với đối tác. Thời gian áp dụng Cool Biz được các công ty tự quyết định, có công ty đặt ra thời gian dài hơn thời gian đổi trang phục. Tháng 6 (chủ nhật tuần thứ 3 của tháng) Ngày của Bố Đây là ngày biết ơn bố nhưng ở Nhật thì ngày này không có dấu ấn mạnh bằng ngày của Mẹ. Tháng 6 ~ tháng 7: Mùa mưa (Tsuyu) Tại Nhật Bản, từ tháng 6 đến tháng 7 thường mưa nhiều. Chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp, trong tiếng Nhật gọi là “tsuyu zensen” nên độ dài của mùa mưa hơi khác nhau theo từng năm. Sau khi ảnh hưởng của rãnh áp thấp yếu đi, mùa mưa kết thúc, Cục khí tượng sẽ thông báo “hết mùa mưa” (tsuyu ake). Vào mùa mưa, hoa cẩm tú cầu (ajisai) = hình ảnh = nở rất đẹp. Tầm ngày 21 tháng 6: Hạ chí Đây là ngày có thời gian ban ngày ngắn nhất trong 1 năm. Sau ngày này, thời gian ban ngày ngày càng ít đi và ngắn nhất là vào ngày Đông chí trong tháng 12. Tại Nhật Bản, thời gian ban ngày vào mùa hè và mùa đông có sự khác nhau rõ rệt. Ngày 7 tháng 7: Thất tịch (Tanabata) Mọi người viết ước nguyện lên một tờ giấy dài gọi là tanzaku rồi treo lên cây tre để cầu cho điều ước trở thành hiện thực. Các lễ hội liên quan đến Tanabata được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt, lễ hội Tanabata của thành phố Sendai rất nổi tiếng. Do thần thánh ngăn cản, Hikoboshi (Ngưu Lang) và Orihime (Chức Nữ) phải chia xa, một năm chỉ được gặp nhau một lần trên sông Ngân hà vào ngày Tanabata. Tháng 7 ~ tháng 8: Lễ hội pháo hoa Các địa phương ở Nhật đều tổ chức lễ hội pháo hoa. Tại các khu tổ chức lễ hội có cả những gian bán đồ ăn. Người Nhật sẽ ra khỏi nhà từ khi trời chưa tối để tìm chỗ, sau khi mặt trời lặn thì ngắm pháo hoa được bắn lên trên bầu trời. Có nhiều cô gái đi ngắm pháo hoa trong trang phục yukata, và đây cũng là nét đặc sắc lớn nhất của mùa hè ở Nhật Bản. Có một số bạn lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng người Việt thuê yukata hoặc mua yukata rẻ để tận hưởng mùa hè Nhật Bản. Trung tuần tháng 8: Nghỉ Obon Obon là dịp để các gia đình đón người thân đã mất trở về từ thế giới bên kia, diễn ra trong 4 ngày từ 13 đến 16 tháng 8. Vào thời gian này, có nhiều người về quê, đi chơi (giải trí) v.v. Nếu tính thêm “Ngày của Núi” – ngày 11 tháng 8 (ngày lễ) hoặc thứ bảy, chủ nhật trước hoặc sau, thêm cả ngày nghỉ có lương thì cơ hội có kì nghỉ dài trên 5 ngày rất cao nên những ngày này và Golden Week, nghỉ cuối năm cũ đầu năm mới được trở thành “những ngày toàn dân di chuyển” (minzoku daiido). Các phương tiện giao thông hỗn loạn, tiền thuê khách sạn và tiền máy bay cũng tăng lên. Kì nghỉ hè của các doanh nghiệp Nhật Bản thường là 5 ~ 8 ngày và tập trung vào thời gian obon, nhưng cũng có doanh nghiệp tránh nghỉ vào dịp này và cho nhân viên lấy ngày nghỉ khác. Kì nghỉ hè của học sinh tiểu học và THCS kéo dài khoảng 40 ngày từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, các trường THPT và đại học cũng nghỉ hè dài. Cũng có những người sử dụng kì nghỉ hè để đi du lịch nước ngoài. Các sự kiện diễn ra theo mùa tại Nhật Bản Sự kiện của mùa thu Sau khi trải qua mùa hè nóng nực, trước khi mùa đông lạnh giá kéo đến, mùa thu là một khoảng thời gian dễ chịu. Đặc biệt là tháng 10, tháng 11 rất dễ chịu nên nhiều trường học tổ chức hội thao, dã ngoại v.v. trong thời gian này. Tháng 9 ~ giữa tháng 10: Đêm rằm Mùa thu của Nhật Bản không nóng, không lạnh, bầu trời rất trong nên thích hợp để ngắm trăng, sao. Đêm rằm đều thay đổi hàng năm nhưng vào ngày này mọi người vừa ngắm trăng tròn, vừa cầu mong cho mùa màng bội thu. Các nhà trang trí chè vè (susuki), ăn dango và ngắm trăng. Ngày 1 tháng 10: Ngày đổi trang phục mùa thu đông Đây là ngày đổi trang phục mùa thu. Mọi người sẽ đồng loạt đổi từ áo ngắn tay sang áo dài tay, từ vest mỏng sang vest dày. Ngày 31 tháng 10: Lễ Halloween Đây là ngày cầu chúc mùa màng cho mùa thu và xua đuổi tà ma, ngày này được du nhập từ Mỹ. Tại Nhật Bản mọi người cũng mặc quần áo hóa trang. Tại các con phố có nhiều người trẻ như khu Shibuya của Tokyo thì mọi người mặc quần áo hóa trang rồi đi đi lại lại. Ngày càng có nhiều sự kiện Halloween được tổ chức tại trường Nhật ngữ, trường chuyên môn dành cho lưu học sinh ở Nhật = hình ảnh. Ngày 15 tháng 11: Lễ “Bảy - năm - ba” (shichi-go-san) Đây là ngày lễ cầu chúc cho trẻ con trưởng thành, bé gái 3 và 7 tuổi, bé trai 5 tuổi sẽ mặc haregi (kimono v.v.) rồi đến đền để lễ. Các bé cũng sẽ được chụp ảnh kỉ niệm cùng với gia đình. Tại các đền, sau khi được cầu phúc, các em bé sẽ nhận được kẹo dài có tên là chitose ame. Tháng 11~12: Ngắm lá đỏ Mùa thu đến, các cánh rừng, công viên ở Nhật Bản sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc vàng. Hiện tượng này gọi là “koyo”. Tai các địa điểm nổi tiếng, nhiều người tập trung đông dúc như đi ngắm hoa vào mùa xuân. Hình ảnh này được chụp ở Arashiyama – Kyoto. Khu vực Hokkaido, Đông Bắc thường có mùa lá đỏ sớm hơn khu vực Tokyo, Osaka, Kyoto. Sự kiện của mùa đông Mùa thu ngắn ngủi qua đi, mùa đông dài đằng đẵng đang chờ. Từ tháng 12 đến tháng 3 là mùa lạnh, tại các khu vực Hokkaido, Đông Bắc thì thời gian lạnh kéo dài hơn các vùng khác. Trời nhanh tối, khi kết thúc công việc thì bên ngoài đã tối đen. Mặt khác, những khu phố được trang trí lấp lánh trong giáng sinh hay khung cảnh thành phố nhộn nhịp cuối năm cũ đầu năm mới cũng để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Tại các gia đình hay các quán rượu, những nồi lẩu thơm ngon cũng được bày lên bàn nhiều hơn, cũng có nhiều người thích đi du lịch tắm onsen vào cuối tuần. Ngày 21 hoặc 22 tháng 12: Đông chí Đây là ngày ngày ngắn nhất trong năm. Từ ngày này trở đi thì thời gian ban ngày sẽ dần dần dài hơn, khoảng thời gian của ngày và đêm sẽ giống như ngày Xuân phân của tháng 3. Vào ngày Đông chí, Nhật Bản có phong tục ăn bí ngô và tắm nước thanh yên (yuzu) để cầu chúc sức khoẻ. Nước thanh yên là nước tắm có quả thanh yên nổi lên trên, quả này giúp cho máu lưu thông tốt. Ngày 24-25 tháng 12: Ngày Giáng sinh Ngay từ đầu tháng 12, các loại đèn trang trí bắt đầu xuất hiện trên khắp đường phố Nhật Bản, không khí giáng sinh tràn ngập mọi nẻo đường. Trẻ con ở Nhật Bản bảo rằng vào đêm 24 tháng 12 thì ông già Nô en sẽ đem quà đến đặt ở bên cạnh gối. Và vào ngày 25 thì mọi người sẽ ăn bánh ngọt và thịt gà. Ở Nhật thì cả ngày 24 và 25 đều không phải là ngày lễ, nhưng vào buổi tối thì mọi người thường đi hẹn hò với người yêu hoặc tổ chức các bữa tiệc cùng bạn bè. Đối với các cặp đôi, giáng sinh là sự kiện lớn nhất trong một năm. Ngày 31 tháng 12: Ngày cuối cùng trong năm (Omisoka) Ngày cuối cùng của một năm được gọi là “omisoka”. Nhiều người sẽ xem chương trình âm nhạc cuối năm “Kohaku Uta Gassen” của NHK được phát sóng trong khoảng thời gian dài từ buổi chiều. Ngoài ra, vào buổi tối của ngày cuối cùng trong năm, người Nhật thường ăn soba với mong muốn sẽ có thể sống lâu như sợi mì soba. Loại mì soba này được gọi là “toshikoshi soba”. Thêm vào đó, vào 12 giờ đêm (thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới), các ngôi chùa ở khắp nơi sẽ rung chuông. Họ sẽ rung chuông 108 lần. Tiếng chuông này được gọi là “tiếng chuông đêm giao thừa”. Ngày 1 tháng 1: Mùng 1 Tết (ngày lễ) Ở Việt Nam, Tết diễn ra trong khoảng từ tháng 1 ~ tháng 2, nhưng ở Nhật Bản thì ngày 1 tháng 1 sẽ là ngày đầu năm mới. Vào mùng 1 Tết có nhiều người đi đến các đền và chùa để cầu nguyện (hatsumoude), nhiều gia đình sẽ ăn món ăn truyền thống = hình ảnh = tên là “osechi ryori”. Một số nhà có bày một loại mochi gọi là kagami mochi ở trong nhà. Xin nói thêm, vào ngày Tết Việt Nam thì ở Nhật không có sự kiện gì diễn ra cả. Giữa tháng 1 (ngày thứ hai của tuần thứ hai): Lễ trưởng thành (ngày lễ) Nghi lễ trưởng thành sẽ được tổ chức tại các hội trường của thành phố ở khắp Nhật Bản. Những người tròn 20 tuổi vào năm đó (tính từ tháng 4 năm trước cho đến tháng 3 năm sau đó) sẽ tham gia buổi lễ. Nam giới thường mặc vest, nữ giới thường mặc kimono (furisode), sau buổi nghi lễ thì có các buổi họp lớp. Gần đây, nhiều người sử dụng kimono thuê. Ngày 3 tháng 2: Ngày Tiết phân Trước đây ở Nhật Bản, bệnh truyền nhiễm và tai ương được cho là do quỷ gây ra. Để xua tan đi những linh hồn xấu của quỷ, người ta thường rải đậu khô khắp phòng và nói “ma quỷ ra ngoài, phúc lành vào trong”. Hành động này được gọi là “mamemaki”. Ngoài ra, người ta còn cho rằng nếu ăn cơm cuộn thì phúc lành sẽ đến. Loại cơm cuộn này được gọi là “Ehoumaki”. Ở các đền và chùa cũng có tổ chức Lễ Tiết phân. Ngày 14 tháng 2: Ngày Valentine Tại Nhật Bản, chịu ảnh hưởng từ chiến dịch của các hãng bánh kẹo, từ những năm 1970 bắt đầu có phong tục nữ giới tặng socola cho nam giới vào ngày lễ Valentine. Những năm gần đây, “giri choco” - socola tặng cho nam giới là bạn bè, đồng nghiệp và cấp trên cũng trở nên phổ biến. Cho dù là socola giá rẻ thì nếu bạn tặng giri choco ở nơi làm việc thì họ cũng sẽ vui mừng. Các ngày lễ trong một năm Cuối cùng, chúng tôi sẽ giới thiệu về các ngày lễ của Nhật Bản. Ngày 1 tháng 1 Mùng 1 Tết Vào thời điểm bắt đầu một năm, các gia đình, họ hàng thường tập trung lại để cùng đón chào năm mới. Xin nói thêm, ở Nhật thì vào Tết m lịch mọi người không làm gì cả. Ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 1 Lễ trưởng thành Đây là ngày chúc mừng những người đã trưởng thành. Trước đây ngày này được tổ chức vào ngày 15 tháng 1, nhưng theo chiến dịch Happy Monday (tăng thêm các ngày nghỉ lễ vào thứ hai để tạo ra 3 ngày nghỉ liên tiếp) thì từ năm 2000 ngày lễ này được tổ chức vào ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 1. Ngày 11 tháng 2 Ngày kỷ niệm Kiến quốc Ở Nhật Bản, ngày lên ngôi của Thiên Hoàng đầu tiên trong truyện thần thoại được xem là ngày Kiến quốc. Ngày 23 tháng 2 Ngày sinh nhật Thiên Hoàng Đây là ngày sinh nhật của Thiên Hoàng. Ngày 19-22 tháng 3 Ngày xuân phân Ngày này thay đổi theo từng năm. Đây là ngày thể hiện sự trân trọng với tự nhiên và sinh vật. Ngày 29 tháng 4 Ngày Chiêu Hoà Ngày sinh nhật của Thiên hoàng trong thời đại Chiêu Hoà. Đây là ngày để tưởng nhớ lại thời đại Chiêu Hoà với sự phục hưng sau chiến tranh và đạt được phát triển kinh tế cao độ, đồng thời cầu chúc cho sự thịnh vượng của đất nước trong tương lai. Ngày 3 tháng 5 Ngày kỷ niệm Hiến pháp Vào ngày này năm 1947, Hiến pháp của nước Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực. Ngày 4 tháng 5 Ngày cây xanh Đây là ngày thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên, biết ơn những gì mà tạo hoá đã ban tặng. Ngày 5 tháng 5 Ngày thiếu nhi Đây là ngày để cầu nguyện cho trẻ em (đặc biệt là các bé trai) trưởng thành khoẻ mạnh và có được thành công trong tương lai. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 7 Ngày của Biển Đây là ngày thể hiện sự biết ơn với những gì biển cả ban tặng, đồng thời cầu chúc cho vùng biển của đất nước Nhật Bản luôn phồn vinh. Ngày 11 tháng 8 Ngày của Núi Đây là ngày thể hiện sự gắn kết với núi rừng, biết ơn những gì núi rừng ban tặng. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 9 Ngày Kính lão Đây là ngày thể hiện lòng thành kính và cầu chúc trường thọ cho những người cao tuổi. Ngày 22-24 tháng 9 Ngày Thu phân Ngày này thay đổi theo từng năm. Đây là ngày tưởng niệm những người đã mất, thể hiện sự kính trọng với tổ tiên. Có nhiều người sẽ đi thăm mộ vào ngày này. Ngày thứ hai của tuần thứ 2 tháng 10 Ngày thể thao Đây là ngày dâng hiến cho thể thao, nuôi dưỡng cho tâm hồn và thể chất luôn khoẻ mạnh. Cho tới năm 2019 thì ngày này đã được gọi là "Ngày Thể dục". Vốn được đặt ra để kỉ niệm lễ khai mạc của Olympic Tokyo được tổ chức vào ngày 10/10/1964, nhưng từ sau năm 2000 do chiến dịch Happy Monday nên được chọn vào ngày thứ hai tuần thứ 2 của tháng 10. Ngày này được chọn để tổ chức lễ khai mạc Olympic là vì theo thống kê thì tỉ lệ trời nắng trong ngày này rất cao. Ngày 3 tháng 11 Ngày Văn hoá Đây là ngày Hiến pháp Nhật Bản được công bố vào năm 1946, Hiến pháp Nhật Bản chú trọng đến hoà bình và văn hoá nên ngày này đã được chọn làm "Ngày Văn hoá". Ngày 23 tháng 11 Ngày Cảm tạ lao động Đây là ngày nhớ về sự cao quý của việc lao động và mọi người cùng biết ơn nhau điều đó.
-
Những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật (Khu vực Kanto)
Xin chào các bạn! Tiếp theo số trước, hôm nay KOKORO xin tiếp tục giới thiệu những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản! Lần này là "Khu vực Kanto". Cứ đến thời kỳ này, các bản tin dự báo thời tiết ở Nhật Bản đều có mục "Dự báo lịch hoa anh đào nở" với những dự đoán chính xác khi nào hoa sẽ nở trên khắp các vùng miền của đất nước. Vì năm nay mùa Đông ấm nên có khả năng hoa sẽ nở sớm hơn nhiều so với bình thường...! Dưới đây là các điểm ngắm hoa được ban biên tập tuyển chọn, mời các bạn cùng đồng hành cùng chúng tôi nhé! Cũng xin lưu ý “Dự báo lịch hoa anh đào nở” ở đây là thời điểm “hoa bắt đầu nở”, vì vậy sau đó khoảng 5 ngày đến 1 tuần mới là thời điểm tuyệt vời để ngắm hoa mãn khai. 1. Sông Meguro (Tokyo) Sông Meguro là địa điểm nổi tiếng với hàng cây hoa anh đào trải dài khoảng 4km. Từ khu Ohashi đến tận Shimomeguro lúc nào cũng náo nhiệt khách đến chiêm ngưỡng những đoá hoa đua nở. Quang cảnh hoa mãn khai dĩ nhiên là tuyệt đẹp, nhưng khi bắt đầu rụng, những cánh hoa buông mình trôi theo dòng sông cũng đẹp không kém!Dọc theo sông Meguro còn có những cửa hiệu rất “sành điệu”. Hằng năm ở đây đều rất đông đúc, các bạn nên đến vào sáng sớm để có thể thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa anh đào. ©Mainichi Shinbun 2. Chidorigafuchi (Tokyo) Đây là một trong những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất ở Tokyo, cách ga Hanzomon trên tuyến Tokyo Metro 5 phút đi bộ. Do Chidorigafuchi gần khu văn phòng nên đây là điểm được cả những người đi làm về và các cặp đôi yêu thích. Chính sự tương phản giữa sắc hồng của hoa anh đào, sắc xanh của hàng cây ven đường và sắc đen của những bức tường đá Hoàng cung tạo nên vẻ đẹp của nơi đây. ©Mainichi Shinbun 3. Công viên Yoyogi (Tokyo) Công viên Yoyogi là nơi bạn có thể cảm nhận thiên nhiên trong một khuôn viên trải rộng ngay giữa lòng Tokyo. Công viên không chỉ là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện trong năm như Lễ hội Việt Nam vào tháng 6 hằng năm, mà còn là điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng trong và ngoài nước. Đây là một trong những địa điểm hiếm hoi ở Tokyo mà bạn có thể vừa thong thả đi dạo vừa ngắm hoa. ©Mainichi Shinbun 4. Kumagaya Sakura Tsutsumi (Saitama) Chỉ cách cửa Namga Kumagaya trên tuyến JR Chichibu 5 phút đi bộ, Kumagaya Sakura Tsutsumi là điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng từ thời Edo. Đây là nơi có quang cảnh tuyệt đẹp với khoảng 500 cây anh đào somei-yoshino nở rộ suốt quãng đường chừng 2km. Một điểm tuyệt vời nữa khi đến đây là các bạn còn có thể chiêm ngưỡng những đoá hoa cải vàng ruộm tương phản với sắc hồng của hoa anh đào. Cuối tuần sẽ rất đông đúc, các bạn nên đi ngắm hoa vào ngày thường cho vắng vẻ nhé! ©Mainichi Shinbun 5. Hoa Kawaji-zakura (Shizuoka/Izu) Kawaji-zakura có màu hồng đậm hơn so với loài hoa somei-yoshino thường thấy ở Nhật Bản. Ngoài ra, với đặc trưng là thời gian từ khi hoa bắt đầu nở cho đến khi mãn khai là khoảng 1 tháng nên ta có thể chiêm ngưỡng loài hoa này được lâu hơn. Các bạn có thể ngắm những đoá hoa anh đào kawaji-zakura ở Izu, Shizuoka. Có khoảng 850 cây hoa anh đào kawaji-zakura nở dọc theo con đường trải dài khoảng 4 km từ cửa sông gần ga Kawaji lên đến thượng nguồn. Kawaji-zakura là loài hoa "nở sớm", các bạn còn chần chừ gì nữa mà không lên đường ngay thôi! Các bạn cũng đừng bỏ lỡ dịp này để khám phá Izu, một điểm tham quan nổi tiếng nhé! ©Mainichi Shinbun Và còn nhiều nơi khác nữa... Trong số này, mặc dù ban biên tập đã chọn ra "những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng" cả nước, nhưng chắc hẳn là những công viên, hàng cây hay ven sông gần nơi bạn sống vẫn còn những điểm ngắm hoa chưa được nhiều người biết đến. Các bạn hãy nhớ hỏi thêm những người bạn yêu thích hoa anh đào, những người quen có thú vui chụp ảnh và đi du lịch nữa nhé! Biết đâu việc tìm ra điểm ngắm hoa của riêng mình để có thể thong thả chiêm ngưỡng những đoá hoa anh đào lại cũng thú vị lắm đấy!
-
Những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật (Khu vực Kansai)
Khi hỏi về "ấn tượng về nước Nhật" thì thường nhiều người nước ngoài hay trả lời là "hoa anh đào". Nhật Bản có khoảng 600 loài hoa anh đào, ví dụ như somei-yoshino, shidare-zakura, yae-sakura, kawazu-sakura..., mỗi loại đều có vẻ đẹp khác nhau. Từ giữa tháng 3 cho đến giữa tháng 4 là thời điểm hoa anh đào nở và cũng là thời điểm quan trọng đối với người Nhật vì có những buổi lễ như lễ tốt nghiệp, lễ khai giảng hay lễ chào mừng nhân viên mới v.v.. Nếu đi một vòng Nhật Bản, bạn có thể tận hưởng ở khắp nơi những khung cảnh hoa anh đào tuyệt đẹp. Trong bài viết lần này, ban biên tập KOKORO sẽ giới thiệu những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật (Khu vực Kansai) do ban biên tập tuyển chọn. 1. Vườn thượng uyển cố cung Kyoto (Kyoto Gyoen) - Kyoto Đây là vườn thượng uyển của "Cố cung" - nơi Thiên hoàng Nhật Bản sinh sống trước đây. Khi hoa anh đào bắt đầu nở thì không chỉ người dân địa phương mà không ít khách du lịch thường ghé thăm. Có vô số loại anh đào khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là "shidare-zakura". Chắc chắn sẽ rất đáng giá để một lần đặt chân đến nơi tràn ngập không khí cổ kính nơi đây. 2. Con đường triết học (Tetsugaku no michi) - Kyoto Có thể bạn sẽ hình dung rằng chỉ đơn giản là hàng cây anh đào dọc bờ sông, nhưng đây là một con đường vừa có không khí của một khu phố cổ lại vừa rất lãng mạn. Đây là địa điểm nổi tiếng thu hút rất nhiều người. Từ những cặp yêu nhau cho đến những thợ ảnh mong muốn chụp hình hoa anh đào tuyệt đẹp. Nếu may mắn, bạn còn có thể bắt gặp bóng dáng trang phục truyền thống Nhật Bản và áo dài dưới các tán hoa anh đào này. 3. Arashiyama - Kyoto Đây là danh lam thắng cảnh mà du khách có thể chiêm ngưỡng quanh năm. Thế nhưng bạn nhất định nên thử đến đây vào mùa hoa anh đào nhé. Nếu xuống trước điểm cuối Arashiyama 1 hoặc 2 ga, bạn có thể ngắm được cảnh tàu điện và hoa anh đào bay trên không mà ta thường bắt gặp trên phim ảnh. Sau đó, khi đến ga Arashiyama và đi vào công viên gần đó, bạn có thể thưởng thức được cảm giác tuyệt vời mê mẩn khi được bao quanh bởi vô số cây hoa anh đào. 4. Thung lũng núi Yoshino (Yoshinoyama) - Nara Nằm ở trong núi nhưng nơi đây hoa anh đào tụ hợp về san sát nhau từ thung lũng này sang thung lũng kia như muốn lấp đầy toàn bộ dãy núi. Nếu nhìn từ trên xuống, bạn có thể ngắm được cảnh dãy núi nhuốm màu hoa anh đào đến tận phía xa. Đây là một nơi thích hợp cho những người thích leo núi ngắm cảnh. 5. Công viên thành Osaka (Osaka-jou kouen) - Osaka Công viên thành Osaka là di sản văn hóa nằm giữa trung tâm Osaka. Là một danh lam thắng cảnh nên thường ngày nơi đây vốn rất nhộn nhịp. Nhưng khi hoa anh đào nở rộ, các hàng quán yatai (quán cóc) mọc lên, vô số người tập trung ngồi ngắm hoa và ăn uống cùng nhau (tiếng Nhật gọi là hanami). Ở đây chủ yếu trồng loại anh đào somei-yoshino nên mỗi khi gió thổi thì bạn có thể tận hưởng cảnh các cánh hoa tung bay như múa trên không tạo thành những cơn mưa anh đào tuyệt đẹp. 6. Thành Himeji (Himeji-jou) - Hyogo Thành Himeji - Quốc bảo của Nhật Bản và cũng là Di sản văn hóa thế giới dường như long lanh và lộng lẫy xinh đẹp hơn rất nhiều khi tới mùa hoa anh đào nở, xứng đáng như tên gọi "Lâu đài Hạc trắng" của nó. Khung cảnh đẹp như tranh vẽ nên bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội viếng thăm vào mùa này nhé! 7. Kênh Biwako ryusui - Shiga Ở hai bên hàng kênh được tạo ra vào thời đại Minh Trị (Meiji) để dẫn nước từ hồ Biwa tới Kyoto, có hàng cây anh đào với khoảng 200 cây anh đào các loại như somei-yoshino, trở thành địa danh ngắm hoa anh đào nổi tiếng của thành phố Otsu (Shiga). Năm nay nơi đây dự kiến sẽ thắp đèn vào ban đêm từ ngày 27/3 - 12/4.
-
Tanabata
Mùa hè đầu tiên của tôi tại Nhật, khi kí túc xá bắt đầu vào thời kì học căng thẳng hơn để thi kì đầu vào cuối tháng 6 thì cũng là lúc một cây tre to, xum xuê được dựng ngay trong phòng sinh hoạt chung, bên cạnh bày những xập giấy nhỏ dài đủ màu sắc và nhiều loại bút dạ. Các bạn người Nhật cho chúng tôi biết rằng sắp tới là lễ Tanabata – tức Tiết Ngâu ở Nhật Bản và người Nhật có phong tục là viết những điều mình mong ước lên tờ giấy hình chữ nhật gọi là tanzaku đủ màu ấy rồi buộc lên cây tre thì ước nguyện sẽ thành hiện thực. Ngày lễ Tanabata 7/7 năm ấy, chúng tôi đều cầu mong trời đừng mưa để chúng tôi được thấy nàng Orihime (Chức Nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang) được gặp nhau một năm một lần. 【Nguyễn Việt Hà】 1. Lễ hội Tanabata là gì? Nguồn gốc của lễ hội này Tanabata còn được đọc là "Shichiseki", có truyền thuyết từ Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản và trở thành một trong 5 lễ hội truyền thống đại diện trong năm của Nhật Bản. Về nguồn gốc của lễ hội này thì có nhiều giả thuyết trong đó có những giả thuyết chính là (1) Tình yêu của nàng Orihime và chàng Hikoboshi; (2) Một nghi lễ của Thần đạo Nhật Bản và (3) là truyền thuyết “Kikoden” của Trung Quốc. (1) Truyền thuyết thứ nhất là phổ biến nhất liên quan tới tên của hai ngôi sao sáng nhất dải Ngân Hà vào ngày 7/7 âm lịch với câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Orihime (Chức nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang). Ngôi sao Chức Nữ ở chòm sao Thiên Cầm (Lyra) tượng trưng cho nữ giới làm nghề khâu vá còn ngôi sao Ngưu Lang ở chòm sao Thiên Ưng (Aquila) thì làm nông nghiệp; vì hai ngôi sao này xuất hiện rực rỡ nhất trên dải Ngân hà vào ngày 7 tháng 7 âm lịch nên người Trung Quốc xưa coi ngày này là “ngày quan trọng - Ngưu Lang - Chức Nữ có thể gặp được nhau một năm một lần”. Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng có truyền thuyết như vậy. (2) Truyền thuyết thứ 2 pha trộn giữa một tập quán vốn có của Nhật Bản với truyền thuyết của Trung Quốc sau khi được du nhập vào Nhật. Theo truyền thuyết này thì vào ngày 7/7, một thiếu nữ được chọn ngồi trong một ngôi nhà bên cạnh dòng sông sạch đẹp và dệt áo cho vị thần hộ mệnh. Sau khi dệt xong, nàng đặt áo lên giá, bước ra ngoài và đợi thần đến. Người thiếu nữ này được gọi là "Tanabatatsume". Truyền thuyết này có trùng lặp với truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Sau này, khi Phật giáo được du nhập vào Nhật thì thì lễ Bon tức lễ Vu lan vào ngày rằm tháng 7 âm lịch (tức ngày 15/8 dương lịch hiện nay) được coi trọng nên Tanabata được coi là những hoạt động chuẩn bị cho lễ Bon. (3) Đây là truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Theo truyền thuyết này thì người phụ nữ ở Trung Quốc dùng chỉ màu xỏ vào 7 chiếc kim rồi đem bày cúng ở trước sân nhà và đây được cho là nguồn gốc của lễ cầu nguyện sao cho ngày càng giỏi giang trong nghề khâu vá. Từ xa xưa, ở Trung Quốc, người ta thường dùng chỉ hoặc vải 5 màu là xanh (xanh lá cây), đỏ, vàng, trắng và đen, để cúng là vì dựa trên thuyết Ngũ hành. 5 màu này được cho là nguồn gốc những miếng giấy 5 màu gọi là “Goshiki no tanzaku” dùng trong lễ hội Tanabata. 2. Các cách tổ chức lễ hội trong lịch sử Thời Heian, sự kiện Tanabata ban đầu là sự kiện trong cung điện. Giới quý tộc tổ chức cũng hoa quả, ngũ cốc và hải sản đồng thời ngắm nhìn các vì sao, chơi nhạc và thơ ca. Những giọt sương đêm đọng lại thành những giọt nước trên tàu lá khoai sọ được coi là “Những giọt sương của giải Ngân Hà" và được dùng để mài mực viết những bài thơ waka trên lá của cây Kaji để thể hiện những điều ước. Lá cây Kaji (梶の葉) từ lâu được coi là một loại cây linh thiêng và được sử dụng như một công cụ trong nghi lễ cúng thần. Vào thời kỳ Edo (thế kỷ 16 đến 19) lễ hội Tanabata dần dần lan rộng trong dân chúng và trở thành 1 trong 5 tiết quan trọng ở Nhật. Đây cũng chính là thời điểm hình thành tập quán viết điều ước lên giấy rồi treo lên cành tre. Vào thời kỳ này, người dân cũng bắt đầu có điều kiện để học thêm nhiều điều và trẻ em đi học chữ tại các nhà chùa, tiền thân của trường học hiện nay, cũng ngày càng nhiều nên nhiều người cũng muốn cầu nguyện với các vì sao mong cho mọi việc đều phát triển thuận lợi. Vậy nên, khi viết lên giấy thì không viết là “muốn có ○○” mà nên viết ước mơ của mình hoặc điều mình mong phát triển thuận lợi. Vậy tại sao lại dùng cành tre hoặc cành trúc để treo những điều ước đó? Vì giống như người Việt Nam, người Nhật cũng cho rằng, tre, trúc, loài cây tràn đầy sức sống và luôn xanh tươi ngay cả trong mùa đông, có một sức mạnh huyền bí. Sau lễ hội, những lời ước nguyện treo lên cành tre trúc thường được mang tới các đền Thần đạo để đốt chung với các loại bùa khác, hoặc có thể gói vào giấy và bỏ cùng rác đốt được. Còn cành tre, trúc cũng có thể tự đốt ở sân nhà hoặc bỏ cùng với rác có thể đốt được. Ngày xưa, có những vùng có tục thả trúc ra sông, biển nhưng nay do vấn đề môi trường nên người ta không còn làm thế nữa. Ngày nay ở Nhật Bản, trước lễ Tanabata vài tuần, các nhà trẻ, trường học, cơ quan, thậm chí cả ga tàu, không khí lễ hội Tanabata cũng rất náo nhiệt. Đi tới đâu ta cũng gặp những cành tre được dựng lên cùng với những xấp giấy tanzaku nhiều màu sắc đặt cùng với bút ở bên cạnh để mọi người viết và treo điều ước của mình. Nhiều địa phương còn tổ chức lễ hội Tanabata rất hoành tráng. Lễ hội Tanabata trở thành một nét văn hóa cầu ước và hy vọng của người Nhật. Khi con trai tôi học lớp 2, vào mùa lễ hội Tanabata, cháu có viết trong tanzaku treo ở trường và treo ở nhà là “Muốn được đi Kanransha- vòng quay khổng lồ”. Đọc được lời ước của con, đến tháng tiếp theo, vợ chồng tôi đã đưa con đi lên Karansha – giúp con thực hiện được điều ước ấy. Tanabata là sự kiện cả trẻ em lẫn người lớn ở Nhật đều nhiệt tình tham gia một cách vui vẻ và hạnh phúc. 3. Lễ Thất Tịch tại Việt Nam Cũng giống như Nhật Bản, truyền thuyết về chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ cũng được truyền tới Việt Nam nhưng dị bản của chuyện Ngưu Lang Chức Nữ trong văn hóa Việt Nam khác so với Trung Quốc. Ngưu Lang là vị thần phụ trách chăn trâu của Ngọc Hoàng được Ngọc Hoàng gả cho con gái yêu là Chức Nữ chuyên việc dệt vải. Hai vợ chồng quấn quýt nhau không rời. Chàng Ngư Lang vì mê nàng Chức Nữ mà bỏ bê việc chăn trâu còn nàng Chức Nữ vì mê tiếng sáo của chàng Ngưu Lang là bê trễ việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở hai bên bờ sông Ngâu và chỉ cho phép hai người gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành những cơn mưa và người Việt Nam gọi đó là mưa ngâu và Ngưu Lang – Chức Nữ còn được gọi bằng cái tên Ông Ngâu – Bà Ngâu. Vào tháng 7 âm lịch của Việt Nam (tức khoảng tháng 8 dương lịch) thời tiết ở Việt Nam rất nắng nóng, những cơn mưa ngâu là điều nhà nông rất mong chờ. Nhưng trong con mắt của người dân thì những trận mưa sụt sùi này chính là những giọt nước mắt của nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang lúc chia tay nhau. Cũng vì câu chuyện “chia rẽ” này là ở Việt Nam, người ta thường tránh thời điểm tháng “ngâu” khi làm các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin để không gặp điều xúi quẩy. Cảm hứng từ câu chuyện tình mang nhiều nhớ thương này cũng là cảm hứng cho các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác rất nhiều bài hát khác nhau như “Mưa Ngâu” của Nhạc sĩ Thanh Tùng hay bài hát “Hẹn Hò” của nhạc sĩ Phạm Duy... 4. Tanabata trong đời sống văn hóa Nhật – các lễ hội Tanabata nổi tiếng Trong các câu chuyện của chú mèo máy Doraemon nổi tiếng có rất nhiều câu chuyện liên quan đến Tanabata như vũ khí bí mật "Tên lửa Tanabata" hay câu chuyện “Bầu trời đêm tanabata rơi xuống(七夕の空が落ちてきた). Qua những câu chuyện manga và phim hoạt hình gần gũi như vậy, văn hóa của Nhật được truyền tải một cách tự nhiên đến thế hệ tiếp theo. Một số lễ hội nổi tiếng tại các vùng của nước Nhật như sau : ・Lễ hội Tanabata tại Kyoto = được tổ chức tại các điểm tham quan như sông Kamogawa v.v. ・Lễ hội Tanabata tại Sendai = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn của Nhật Bản, rất nhiều quả cầu có tua dài được treo lên. Lễ hội Tanabata này nổi tiếng khắp thế giới, có những năm thu hút đến hơn 2 triệu lượt khách tham quan. ・Lễ hội Tanabata Shonan Hiratsuka ( tỉnh Kanagawa) = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội Tanabata trên toàn Nhật Bản [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] https://travel.rakuten.co.jp/mytrip/trend/tanabata ※ Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona, nhiều lễ hội bị hoãn hoặc bị hủy. Nếu muốn tham dự, các bạn hãy xác nhận kỹ nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17080 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13038 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài