Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)
Gặp gỡ sempai số này
Dương Thùy Linh
Sinh năm 1988 tại tỉnh Thanh Hóa
05/2006Tốt nghiệp trường THPT Chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa
09/2006Nhập học khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông, trường ĐH Ngoại ngữ ĐHQG Hà Nội (chuyên ngành tiếng Nhật)
05/2010Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông, ĐH Ngoại ngữ ĐHQG Hà Nội
09/2010Bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh Khoa Văn hóa giáo dục, ĐH Saga
04/2012Bắt đầu chương trình Thạc sĩ ngành Giáo dục xã hội ĐH Saga
03/2014Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Giáo dục xã hội ĐH Saga
04/2014Phụ trách chương trình đào tạo nhân lực Quốc tế tại ĐH Quốc tế Nagasaki
04/2017Giảng viên Nhật ngữ tại Trường Chuyên môn ngoại ngữ Nhật Bản tại Tokyo
04/2019Trở về Việt Nam, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Nhật ngữ ở Hà Nội thông qua việc đi công tác dài ngày
01/2020Trưởng bộ phận du học công ty Esuhai
Email : dlinh.nihon@gmail.com
Lời mở đầu
Dương Linh, cô gái có 8 năm rưỡi sống tại Nhật, tích lũy nhiều kinh nghiệm dụ học Thạc sĩ, làm giáo viên trường Nhật ngữ trước khi trở về Việt Nam và phụ trách hướng dẫn sinh viên ấp ủ giấc mơ du học Nhật Bản. Ngày còn ở Nhật, Linh đã thực hiện rất nhiều dự án và hoạt động như hoạt động trong lĩnh vực ca hát và câu lạc bộ Rotary, lập ra cộng đồng hỗ trợ người Việt, lập kênh Youtube hỗ trợ việc học tiếng Nhật. Linh hoàn thành tốt việc học tập lẫn hoạt động xã hội và công việc chuyên môn. Trong bài báo này, Linh sẽ chia sẻ câu chuyện trải nghiệm và những điều bản thân đã đạt được tại Nhật Bản.
Quyết tâm đến với Nhật Bản
Tôi vốn theo chuyên ngành tiếng Anh ở trường phổ thông, nhưng vào thời điểm lựa chọn ngành học ở Đại học, mẹ tôi bảo “Giờ có quá nhiều người thông thạo lưu loát tiếng Anh rồi, nếu con chọn lựa một ngôn ngữ khác sẽ có rất nhiều đất dụng võ hơn đấy!”. Nghe theo lời khuyên của mẹ, tôi đã quyết định chọn thi vào khoa tiếng Nhật. Có hai lý do khiến tôi quyết định học tiếng Nhật.
Thứ nhất là cảm giác thân thuộc với Nhật Bản khi xung quanh mình có các thương hiệu nổi tiếng như Yamaha và tivi Sony.
Thứ hai là sự cảm phục đức tính kiên trì của người Nhật qua bộ phim Osin đình đám từ từ thời tôi còn là học sinh trung học.
Trong quá trình học tiếng Nhật ở Đại học, tôi có thói quen đặt câu với những từ mới học rồi đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau đó, nuôi ước mơ có thể làm được công việc phát huy năng lực Nhật ngữ của mình, tôi đã quyết định đi du học Nhật Bản.
Nhận học bổng Rotary
Tôi đã trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Saga, ngôi trường có liên kết với Đại học quốc gia Hà Nội. Đây là chương trình dự bị cho việc học lên cao học. Trường đã chu toàn mọi thủ tục du học cho tôi trước khi sang Nhật.
Khoảng thời gian là nghiên cứu sinh, tôi từng làm hai việc làm thêm. Một là nhân viên cửa hàng đồ chiên và hai là nhân viên chế biến tại quầy sushi trong siêu thị. Nhưng đến giai đoạn chính thức vào học Thạc sĩ, tôi đã được nhận học bổng của hội Rotary với giá trị 14 nghìn yên mỗi tháng. Bậc cao học trường Đại học Saga có chỉ tiêu nhận 2 suất học bổng này, và tôi đã ứng tuyển sau khi biết thông tin qua bảng thông báo của trường. Những mong muốn cống hiến cho xã hội, các thành tích trong giai đoạn nghiên cứu sinh cũng như thành tích tiếng Nhật, tiếng Anh, phỏng vấn của kỳ thi lên cao học chính là các yếu tố được đưa ra xem xét trong vòng tuyển chọn.
【Lời khuyên từ Ban biên tập】
Học bổng mà Linh nhận được do Hội khuyến học kỷ niệm Yoneyama Rotary cấp. Đây là một tổ chức sử dụng nguồn quỹ do Hội viên câu lạc bộ Rotary trên khắp nước Nhật quyên góp để làm học bổng chu cấp cho các du học sinh lưu trú tại Nhật Bản. Hội này hoạt động với mục đích hỗ trợ những lưu học sinh ưu tú có ước mơ đóng góp cho cộng đồng quốc tế với tư cách cầu nối giữa Nhật Bản và mẫu quốc của mình. Hằng năm, hội có chỉ tiêu cấp học bổng cho số lượng đến 860 sinh viên và là Quỹ học bổng Quốc tế tư nhân lớn nhất Nhật Bản.
http://www.rotary-yoneyama.or.jp/english/
Cái duyên với âm nhạc
Ở Nhật Bản vào chủ nhật hàng tuần có một chương trình truyền hình rất được yêu thích có tên gọi NHK Nodojiman. Chương trình này được tổ chức trên Toàn quốc và mọi đối tượng đều có thể tham gia. Mỗi tỉnh, khu vực chỉ có 20 thí sinh và nhóm được vào chung kết. Và nếu bạn hát hay sẽ được báo hiệu chiến thắng bằng những hồi chuông rung liên tiếp. Tỉ lệ người “Chiến thắng” rơi vào khoảng 1 phần 3. Tôi đã tham gia cuộc thi này tại Nhà văn hóa Saga một năm sau khi đến Nhật, tôi đã vượt qua hàng trăm thí sinh để tiến vào vòng chung kết cũng như trở thành một trong những người thắng cuộc. Vào khoảnh khắc đó, khi đón nhận tràng pháo tay từ hàng ngàn khán thính giả, tôi thực sự thăng hoa và ao ước rằng kể từ giờ phút ấy sẽ có thêm nhiều người nữa đón nhận giọng hát của tôi.
Từ ngày bé, tôi đã đam mê ca hát. Gần trường đại học Saga có một quán karaoke, và để thư giãn tinh thần, cứ một tháng hai lần tôi đến đây hát cùng với một người bạn học (về sau chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ tốt và bạn ấy cũng từng đến thăm Việt Nam). Trong số khách quen của tiệm này có một vị là ca sĩ bán chuyên đã giải nghệ. Nhờ người này, tôi đã có cơ hội tham gia vào rất nhiều cuộc thi hát của địa phương ngoài Nodojiman. Số cúp mà tôi nhận được từ các cuộc thi đã lên đến con số 15. Khi trở thành người của xã hội, tôi đã bắt đầu việc thực hiện các liveshow của riêng mình. Tại Tokyo trong vòng 2 năm tôi có 2 minishow và sau khi về nước tôi cũng thực hiện 1 minishow mang tên “Linh hát” tại Hà Nội.
Kênh học tiếng Nhật qua Youtube
Sau khi đến Nhật không lâu, tôi đã khởi động việc cho ra mắt các video hướng dẫn học tiếng Nhật. Nội dung các video này xoay quanh phương pháp ghi nhớ Hán tự, những lưu ý khi hội thoại tiếng Nhật (như đặc trưng về phát âm) hay các bí quyết cho kỳ thi năng lực Nhật ngữ JLPT. Tiếp thu từ ý kiến của các kouhai, tôi đã chú trọng chia sẻ những kinh nghiệm đã đúc rút được sau quá trình giao tiếp với người Nhật. Kênh Youtube của tôi bắt đầu được yêu thích và có những video sở hữu lượt xem lên đến 200 nghìn lượt. Tôi cho rằng kênh này rất hữu ích đối với các bạn có kế hoạch sang Nhật sắp tới, nên rất mong mọi người có thể xem như một nguồn tham khảo. Không chỉ có thế, tôi còn tranh thủ “khoe” những bài hát tiếng Nhật mình đã thể hiện trên kênh này nữa đấy.
Kênh Youtube chính thức của Dương Linh ( 18.500 người theo dõi)
Xin việc, chuyển việc tại Nhật Bản
Tôi giữ mối liên hệ thường xuyên với Câu lạc bộ Rotary - nơi đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quãng thời gian nhận học bổng. Và cũng đã không ít lần mặc áo dài giới thiệu về văn hóa Việt Nam trong các sự kiện của Rotary. Tôi cũng được chọn làm Hội trưởng Hội du học sinh nhận học bổng, và được nhiều câu lạc bộ Rotary ở xa mời đến nói chuyện về cuộc sống du học. Đến hiện tại, tôi vẫn giữ liên lạc với các thành viên trong Hội.
Trong Hội khuyến học Rotary có một cán bộ chuyên phụ trách lưu học sinh, lắng nghe và tư vấn về cả cuộc sống lẫn học tập. Tôi gọi ông là bố. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, được sự giới thiệu của “Bố”, tôi đã bắt đầu công việc tại Đại học quốc tế Nagasaki. Tại đây, ngoài việc phụ trách giờ học hội thoại tiếng Nhật cho lưu học sinh người Việt, tôi còn đảm nhiệm lên kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động như tham quan rèn luyện kỹ năng chung sống trong cộng đồng đa văn hóa, hay các sự kiện về ẩm thực đa quốc gia.
Sau 3 năm làm việc ở Nagasaki, tôi đã trở thành giáo viên tại Trường chuyên môn Ngoại ngữ Nhật Bản – Tokyo, một ngôi trường có quy mô rất lớn. Mỗi ngày tôi làm việc từ 8 giờ 30 phút đến khoảng 9 giờ tối, phụ trách khoa biên phiên dịch Nhật Việt dành cho học sinh Việt Nam và khoa Tiếng Việt dành cho học sinh Nhật Bản. Ngoài giờ dạy, soạn giáo án, tôi còn được giao các công việc như tuyển sinh, thường xuyên lui tới khoảng 30 trường tiếng Nhật trong nội thành Tokyo để tuyển học sinh cũng như lên kế hoạch cho các sự kiện tuyển sinh. Trong nhiệm kỳ công tác của tôi, số lượng sinh viên người Việt đã tăng gần 4 lần từ sĩ số 20 em ban đầu.
Vì sự nhiệt tình, tận tâm của tôi trong công việc nên rất được học trò yêu quý. Và bản thân tôi cũng rất yêu các em. Biết tôi luôn tất tả bận rộn, mỗi buổi trưa phải ăn vội mỳ hộp hoặc cơm nắm ở cửa hàng tiện lợi, có em nấu cả cơm mang đến cho tôi. Có em lại tặng thiệp với dòng chữ “Cô Linh ơi, em yêu cô lắm!”.
Chi tiêu của tôi (Trung bình một tháng)
※Để có thể hiểu về cuộc sống ở Tokyo là thế nào, tôi sẽ giới thiệu về chi tiêu sinh hoạt sau khi chuyển việc lên Tokyo để các bạn có thể tham khảo.
※100 yên = 21.156 VND (Tính tại thời điểm ngày 17 tháng 2 năm 2020)
[supsystic-tables id=22]
Thông điệp gửi đến các bạn sắp đến Nhật Bản
8 năm rưỡi ở Nhật Bản, với tôi là quãng thời gian không gì thay thế được. Trong đó 6 năm rưỡi ở Kyushu đã cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ và những tình cảm ấm áp. Nơi đó chở đầy những kỷ niệm thanh xuân, tuổi trẻ của tôi. Ngoài ra, tôi cũng có một chặng đường làm nghề giáo ở Tokyo ý nghĩa khi được gặp gỡ những cấp trên và đồng nghiệp xem tôi như người thân, cùng sự gắn bó tin yêu của các học trò.
Tháng 4 năm 2019, sau khi về nước tôi vẫn tiếp tục công việc của một người giáo viên tiếng Nhật. Tháng 5 năm 2019, tôi đảm nhận vị trí Giám đốc trung tâm tiếng Nhật cho một công ty nhân sự ở Hà Nội. Từ tháng 1 năm 2020 tôi được tin tưởng giao trọng trách làm Trưởng bộ phận Du học của công ty tên tuổi Esuhai. Tôi luôn mong muốn các đàn em kế cận của mình sẽ có thể có được một cuộc sống du học ý nghĩa, đầy sắc màu. Vì vậy khi gặp bất kỳ vấn đề gì, hãy liên lạc với tôi nhé (trong phạm vi thời gian cho phép, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình).