Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17066 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15540 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13031 views
Gặp gỡ sempai số này
Nguyễn Thị Linh
Sinh năm 1992 ở Đắc Lắk
Tháng 6/2010: Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Công Trứ
Tháng 9/2010: Vào học trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
Tháng 11/2013: Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
Tháng 9/2014: Vào học Kaizen Yoshida School
Tháng 9/2015: Tốt nghiệp Kaizen Yoshida School
Tháng 9/2015: Bắt đầu thực tập kĩ năng tại nhà máy ở tỉnh Tochigi
Tháng 9/2018: Hoàn thành chương trình thực tập kĩ năng
Tháng 9/2018: Trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật ở công ty phái cử
Tháng 11/2019: Vào làm việc tại công ty giới thiệu nhân sự
Nguyễn Thị Linh
Sinh năm 1992 ở Đắc Lắk
Tháng 6/2010: Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Công Trứ
Tháng 9/2010: Vào học trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
Tháng 11/2013: Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
Tháng 9/2014: Vào học Kaizen Yoshida School
Tháng 9/2015: Tốt nghiệp Kaizen Yoshida School
Tháng 9/2015: Bắt đầu thực tập kĩ năng tại nhà máy ở tỉnh Tochigi
Tháng 9/2018: Hoàn thành chương trình thực tập kĩ năng
Tháng 9/2018: Trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật ở công ty phái cử
Tháng 11/2019: Vào làm việc tại công ty giới thiệu nhân sự
Lời giới thiệu
Vốn thích cuộc sống ở nước ngoài, chị Linh đã tìm kiếm công ty phái cử được đánh giá tốt trên mạng internet và học tập 1 năm ở đó rồi sang Nhật Bản thực tập kĩ năng. Ở nơi chị thực tập kĩ năng có 100 người Việt Nam. Tiền làm thêm giờ không nhiều, nhưng do chi phí trả cho công ty phái cử thấp nên chị không gặp khó khăn trong việc trả nợ. Vì luôn luôn nỗ lực học tiếng Nhật cả trước và sau khi sang Nhật nên chị Linh đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với người Nhật ở chỗ làm, còn được họ dẫn đi ăn và đi tham quan. Mặc dù khi về nước chị mới thi đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3, nhưng khả năng hội thoại của chị còn cao hơn cả trình độ N2. Qua chia sẻ kinh nghiệm của chị Linh, chúng tôi xin giới thiệu cuộc sống thực tập sinh vui vẻ của chị cũng như bí quyết để làm được như vậy.
Lựa chọn công ty phái cử dựa trên các đánh giá trên mạng internet
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi được một người bạn nam giới từng làm việc tại Nhật Bản kể cho nghe rằng: “Nước Nhật đẹp lắm, người Nhật thì rất tốt bụng". Do cũng thích cuộc sống ở nước ngoài nên tôi quyết định sẽ đi thực tập kĩ năng ở Nhật Bản. Tôi đã tìm kiếm công ty phái cử trên mạng internet. Tôi tìm kiếm bằng cụm từ khoá “Muốn đi Nhật công ty nào uy tín”, và đã lựa chọn công ty được đánh giá tốt nhất là “ESUHAI (Kaizen Yoshida School)”.
Tôi không ở kí túc xá toàn thời gian mà chỉ đến lớp học buổi chiều còn buổi sáng thì đi làm thêm. Ở ESUHAI, sau khi tự mình lựa chọn trong số nhiều công ty, học viên sẽ tham dự phỏng vấn, và sau đó sẽ học tiếng Nhật trong thời gian tối thiểu 8 tháng. Tôi học ở đây 1 năm rồi mới sang Nhật. Số tiền tôi trả cho ESUHAI thấp hơn so với các công ty phái cử khác nên tôi sang Nhật mà hầu như không phải nợ nần gì.
【Phỏng vấn】
※ Đây là nội dung phỏng vấn giữa ban biên tập và người phụ trách ở công ty ESUHAI
・Xin cho biết thực tập sinh kĩ năng phải trả cho công ty ESUHAI bao nhiêu tiền?
- Chúng tôi giữ mức phí dịch vụ phái cử trong ngưỡng 3.600 USD theo quy định trong văn bản của DOLAB và giữ mức học phí sao cho học viên có thể chi trả được mà không phải vay nợ. Chúng tôi muốn học sinh của mình sang Nhật không phải để đi kiếm tiền mà là để xây dựng sự nghiệp, vì vậy phương châm của công ty chúng tôi là giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể cho học sinh.
・Phí trả cho bên môi giới (người giới thiệu) là do ai chịu?
- Công ty chúng tôi có bộ phận tuyển sinh riêng và không nhận các trường hợp giới thiệu học sinh từ bên ngoài.
・Quý công ty có lời khuyên nào dành cho thực tập sinh kĩ năng hay không?
- Nếu sang Nhật chỉ với mục đích kiếm tiền thì thật là vô nghĩa. Có rất nhiều người chỉ làm công việc thực tập nên tiếng Nhật không tiến bộ được, ở Nhật 3 năm trời nhưng vẫn không thi đỗ được JLPT N4. Ngược lại, càng học tiếng Nhật và tìm hiểu nhiều về nước Nhật thì công việc thực tập và cuộc sống trong thời gian thực tập càng trở nên vui vẻ, cơ hội sau khi về nước sẽ càng rộng mở.
Công việc và cuộc sống ở Nhật
Tháng 9/2015, tôi bắt đầu thực tập kĩ năng ở tỉnh Tochigi. Ở nhà máy lớn, có khoảng 100 thực tập sinh người Việt (số lượng nam nữ tương đương nhau). Công việc của tôi là lắp ráp và kiểm tra máy móc thiết bị của bác sỹ nha khoa. Vì tôi làm ở bộ phận không có nhiều giờ làm thêm nên hầu như không để dành được tiền mấy, nhưng vì có đông bạn bè người Việt, còn người Nhật ở chỗ làm lại rất tốt nên thời gian 3 năm thực tập của tôi rất vui vẻ. Hơn nữa, vì phí trả cho công ty phái cử ít nên tôi không phải vất vả chuyện trả nợ.
Sổ tay chi tiêu của tôi (tính bình quân 1 tháng)
※ 100 Yên = 21.900 VND (Theo tỉ giá ngày 13/4/2020)
Thu nhập (khoảng 100.000 yên)
Tiền lương về tay | 100.000 yên ※ Là tiền nhận về tay sau khi đã trừ thuế, tiền bảo hiểm xã hội, tiền kí túc xá, tiền điện, nước, ga ※ Trong các khoản đã trừ, tiền kí túc xá là 23.000 yên (bao gồm cả tiền điện, tiền nước, ga, tiền mạng Wi-Fi, gạo được chu cấp). Phòng 4 người ở chung. |
Các khoản chi (tổng cộng 40.000 yên)
Tiền ăn | 25.000 yên ※ Tự nấu |
Tiền ăn ngoài | 5.000~10.000 yên |
Chi phí lặt vặt | 5.000~10.000 yên ※ Đồ dùng hằng ngày, quần áo |
Khoản chênh lệch (tiền để dành): 60.000 yên
※ Mỗi năm gửi về nhà số tiền khoảng từ 50 vạn ~ 60 vạn yên. Số tiền còn lại dùng để đi du lịch ở Nhật v.v...
Mối quan hệ với bạn bè người Việt
Vì sống chung kí túc xá với rất nhiều bạn bè người Việt nên vào ngày nghỉ, chúng tôi thường cùng nhau đi mua sắm, hoặc mang theo cơm hộp đi dã ngoại ở gần đó. Khi có thực tập sinh khoá trước hết thời hạn về nước và khi có người mới sang thay, chúng tôi lại tổ chức tiệc chia tay người cũ hoặc chào đón người mới.
Đi xe đạp đến siêu thị lớn mất khoảng 15 phút nên đi một mình hơi buồn. Vì vậy, những người ở chung kí túc xá chúng tôi thường rủ nhau cùng đi siêu thị. Những hôm như thế, chúng tôi thỉnh thoảng lại ăn sushi băng chuyền (loại quán sushi giá rẻ) hoặc ăn udon trước khi về như một cách tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, vì không có nhiều tiền làm thêm giờ nên tôi và các bạn cũng rất chú ý chuyện tiết kiệm tiền bạc.
Các sempai người Nhật tốt bụng
Người Nhật làm cùng chỗ với chúng tôi rất tốt bụng. Họ chỉ bảo công việc cho chúng tôi rất cẩn thận. Những buổi cuối tuần tuyết rơi hay có mưa và khó đi xe đạp, họ còn chở chúng tôi đi mua sắm bằng ô tô. Không chỉ vậy, tôi còn được các sempai dẫn đi ăn hoặc đi tham quan.
Họ lái xe đến tận kí túc xá đón chúng tôi, rồi cùng nhau ra công viên ngồi ăn cơm hộp làm tại kí túc xá hoặc cơm nắm mua ở cửa hàng tiện lợi. Các sempai thường gọi tôi là “Linh-chan", họ rất hay trò chuyện với tôi khi đi chơi hay trong giờ giải lao ở chỗ làm. Tôi vừa cảm thấy vui mà khả năng hội thoại tiếng Nhật của tôi cũng tiến bộ. Tôi nghĩ rằng trong thời gian đi thực tập kĩ năng, không chỉ tiền lương mà môi trường làm việc cũng là rất quan trọng.
Tất cả người Nhật ở chỗ làm và thực tập sinh chúng tôi giao lưu thân thiết với nhau. Chúng tôi từng tổ chức các buổi tiệc và du lịch theo công ty với số lượng người tham gia đông đảo. Đặc biệt, với những sempai đã giúp đỡ tôi rất nhiều thì sau khi về nước tôi vẫn giữ liên lạc, mọi người còn sang tận Việt Nam chơi. Có hai người còn sang Việt Nam dự lễ thành hôn của tôi nữa.
Kết hôn với bạn cùng khoá tại trường tiếng Nhật
Chồng tôi bây giờ vốn là bạn cùng khoá với tôi ở Kaizen Yoshida School và đi thực tập ở tỉnh Fukuoka cùng thời gian tôi đi thực tập. Ban đầu, chúng tôi chỉ đơn thuần là bạn cùng khoá, nhưng trong quá trình liên lạc, trao đổi với các bạn cùng khoá đang thực tập ở các nơi khác nhau trong nước Nhật, dần dần, những tin nhắn cá nhân từ chồng tôi như “Em có khoẻ không?”, “Công việc thế nào?” cứ ngày một nhiều lên. Sau đó, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên hơn và cuối cùng thành đôi. Vì chỗ thực tập của chúng tôi ở rất xa nhau nên khi có kì nghỉ dài, chúng tôi mới lại gặp nhau, cùng đi du lịch và ăn uống. Sau khi về nước, chúng tôi kết hôn.
Học tiếng Nhật
Những khi ít việc làm thêm, sau khi xong việc, mỗi tối tôi lại dành ra được khoảng 2 tiếng (từ 8 giờ đến 10 giờ tối) để học tiếng Nhật. Ngoài ra, các buổi cuối tuần, tôi thường đến lớp học tiếng Nhật miễn phí của các tình nguyện viên người Nhật (mỗi buổi 2 tiếng). Hơn nữa, trong khoảng một năm, gần như mỗi ngày tôi đều viết nhật kí bằng tiếng Nhật, sau đó nhờ trưởng nhóm ở chỗ làm xem và sửa giúp.
Cứ như vậy, 2 năm sau khi sang Nhật, tôi thi đỗ kì thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3. Hai người bạn cùng phòng với tôi ở kí túc xá cũng đỗ chứng chỉ N3, còn 1 người thì đỗ trình độ N2. Tôi đã học bằng giáo trình và các kênh YouTube dưới đây.
・ Kênh YouTube “ChuHanDonGian”
・ Kênh YouTube “Nihongo no Mori"
・ Bộ sách “Mimi kara oboeru Nihongo Nouryoku Shiken” (Nhà xuất bản: ALC)
https://www.alc.co.jp/jpn/article/nihongo/n3-n5/
Sau khi về nước
Tháng 9/2018, sau khi về nước, tôi được người quen giới thiệu vào làm giáo viên tiếng Nhật ở công ty phái cử (lương về tay mỗi tháng khoảng 8.000.000 VND). Nhưng vì kết hôn nên tôi thôi việc sau khi làm 1 năm ở đây. Hiện nay, tôi đang làm việc tại một công ty dịch vụ nhân sự ở thành phố Hồ Chí Minh (lương về tay mỗi tháng khoảng 12.000.000 VND). Những khi trao đổi với giám đốc công ty (người Nhật) hay phỏng vấn các ứng viên tìm công việc sử dụng tiếng Nhật thì năng lực tiếng Nhật của tôi rất hữu dụng. Tôi tìm được công việc hiện nay thông qua thông tin tuyển dụng trên Facebook, điều kiện là “Tiếng Nhật N3” và “Trình độ cao đẳng trở lên".
Lời khuyên dành cho những người đi sau
Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn quay lại sống ở Nhật Bản. Với những ai dự định đi thực tập kĩ năng, tôi mong các bạn ngoài công việc, hãy chơi thật nhiều và học tập thật nhiều. Ngoài ra, hãy tuân thủ các quy định để sao cho sau này người Việt sẽ luôn được đón nhận một cách nồng ấm ở Nhật Bản.
Hơn nữa, đã mất công đến tận Nhật Bản, nếu cố gắng học và nắm thật vững tiếng Nhật thì sau khi về nước sẽ rất có ích cho các bạn. Nếu trước khi sang Nhật, các bạn học tiếng Nhật thật chăm chỉ thì khi sang đến nơi, người Nhật ở chỗ làm sẽ chỉ bảo công việc cho các bạn dễ dàng hơn, các bạn có thể nhanh chóng kết bạn được với người Nhật, và tiếng Nhật sẽ càng nhanh tiến bộ. Hãy thu thập thông tin từ những người từng đi thực tập kĩ năng, và để ý kĩ không chỉ tiền lương mà cả môi trường làm việc khi lựa chọn nơi thực tập nhé.Bài viết liên quan
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí
“Lớp tiếng Nhật tình nguyện" đã giúp ích rất nhiều cho du học sinh và thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với những ai học ở các lớp này vẫn thấy chưa đủ, hoặc không có lớp học như vậy ở gần nơi mình sinh sống thì nên làm thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về Lotus Works, tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận đang tổ chức các lớp học một thầy một trò online miễn phí. Lớp học một thầy một trò qua điện thoại video Giáo viên tình nguyện nói chuyện với học sinh qua mạng Hoạt động tình nguyện do một phụ nữ nội trợ gây dựng Lotus Works là pháp nhân phi lợi nhuận do một phụ nữ nội trợ ở Tokyo đứng ra kêu gọi “làm điều gì đó để giúp đỡ người Việt đang làm việc tại Nhật Bản" và tập hợp các giáo viên tình nguyện dạy tiếng Nhật qua mạng (bằng điện thoại video) cho thực tập sinh kỹ năng hoặc kỹ sư người Việt Nam. Tổ chức bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Các giờ học của Lotus Works gồm có hội thoại, ngữ pháp, kanji, từ vựng, mỗi tuần 1 đến 2 buổi (mỗi buổi 45 phút). Có học sinh dùng máy tính bảng để học, nhưng cũng có cả học sinh học bằng điện thoại di động. Mục tiêu của tổ chức là giúp mọi người học tiếng Nhật để không gặp khó khăn trong cuộc sống ở Nhật và trong công việc, lấy phương pháp luyện thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) làm trọng tâm. Học một thầy một trò miễn phí Lớp học được tổ chức dưới hình thức một thầy một trò, thông qua Skype hoặc Messenger. Thông thường, mỗi học sinh học 2 buổi/tuần, 2 giáo viên mỗi người phụ trách một buổi. Giáo viên sẽ giao bài tập cho học sinh và buổi tiếp theo sẽ phải nộp bài, như vậy, những ngày không có buổi học, học sinh cũng sẽ cần phải học. Trên mạng có nhiều lớp học online có mất phí do các công ty cung cấp, nhưng lớp học của Lotus Works thì hoàn toàn miễn phí. Sau khi nộp bài qua mạng (trái), giáo viên sẽ chấm bài và chữa bài (phải). Địa chỉ liên hệ Nếu muốn đăng ký tham gia học online miễn phí, bạn hãy liên hệ với Lotus Works trên trang web. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Lotus Works ↑↑Phần cuối trang có mục “Hòm thư góp ý”, bạn có thể đăng ký học thông qua mục này. Thành tích của Lotus Works Tính đến tháng 3/2024, đã có tổng cộng 385 sempai thực tập sinh kỹ năng hoặc kỹ sư học tiếng Nhật với Lotus Works. Trong số đó, nhiều sempai đã đỗ chứng chỉ Năng lực tiếng Nhật (JLPT). N1 N2 N3 N4 Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Năm 2015 - - - - 11 5 8 4 Năm 2016 - - - - 36 19 9 7 Năm 2017 - - - - 26 12 0 6 Năm 2018 - - - - 17 5 5 5 Năm 2019 - - - - 22 8 17 6 Năm 2020 - - 2 2 15 8 3 2 Năm 2021 1 0 17 4 13 9 3 1 Năm 2022 5 0 21 7 10 8 6 2 Năm 2023 5 2 22 9 10 4 6 5 Tổng cộng 11 2 62 22 160 78 67 38 Đội ngũ giáo viên của Lotus Works Cựu học sinh đã về nước liên hoan với các giáo viên sống tại Hà Nội Vào thời điểm tháng 1/2024, Lotus Works có 85 giáo viên tình nguyện (20~76 tuổi). Hầu hết các giáo viên đều là người Nhật, có cả giáo viên nam và nữ. Các giáo viên sống ở rất nhiều nơi khác nhau, có 10 giáo viên hiện đang sống ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Thỉnh thoảng các giáo viên gặp nhau để trao đổi thông tin, giao lưu với học sinh. Cô giáo tình nguyện dạy thực tập sinh kỹ năng ở Kobe Học sinh của tôi (nữ giới) là thực tập sinh kỹ năng ngành điều dưỡng. Tôi cũng làm điều dưỡng nên ngoài tiếng Nhật thông dụng, tôi dạy cho học sinh những từ cần thiết liên quan đến điều dưỡng. Em ấy học mỗi tuần 1 buổi trong suốt một năm và đã vượt qua kỳ thi N2 thành công. Tôi và em ấy sẽ ôn lại toàn bộ kiến thức N2. Khả năng tiếng Nhật của em ấy đã tiến bộ đáng kể nên tôi sẽ tập trung ôn cho em ấy thi kỳ thi trở thành điều dưỡng viên. Cô giáo tình nguyện dạy cho người có kỹ năng đặc định ở Niigata Tôi đang dạy cho Trâm (làm việc ở xưởng bánh kẹo) để thi lấy N3. Tôi và bạn ấy chạc tuổi nhau nên ngoài việc học tiếng Nhật, chúng tôi trò chuyện rất vui về các chủ đề của nữ giới. Thông qua việc trò chuyện, tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống, tính cách của Trâm, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Tôi cũng đang học ngoại ngữ nên tôi đặt mình vào vị trí của bạn ấy và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để dạy. Các sempai từng học với Lotus Works Thực tập sinh sempai từng học với Lotus Works Sempai 1 (Thực tập sinh kỹ năng, nữ) ・ Năm 2017: Bắt đầu thực tập kỹ năng・ Năm 2018: Đỗ N3・ Năm 2019: Đỗ N2 Tôi (nhân vật trong ảnh trên) từng thực tập kỹ năng tại một nhà máy ở tỉnh Aichi. Mỗi ngày, tôi học khoảng 2 tiếng, còn thứ Bảy, Chủ Nhật thì dành ra hơn 4 tiếng để học. Hồi luyện thi N3, tôi chủ yếu dùng bộ sách “Nihongo soumatome”, còn khi thi N2 thì luyện bằng bộ “Shinkanzen master". Ở chỗ làm, tôi không có cơ hội dùng tiếng Nhật nên việc học với Lotus Works là vô cùng hữu ích. Tôi có thể trò chuyện được với giáo viên nên có thể rèn luyện hội thoại và khả năng nghe tiếng Nhật. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Xem câu chuyện kinh nghiệm thực tế của sempai thực tập sinh kỹ năng này ở đây|KOKORO Sempai 2 (Thực tập sinh kỹ năng, nữ) ・ Năm 2018: Bắt đầu thực tập kỹ năng・ Năm 2020: Đỗ N2 Gần nơi tôi sống không có lớp học tiếng Nhật tình nguyện nên việc học online với Lotus Works rất có ích đối với tôi. Nơi tôi làm là trại nuôi gà nên không có nhiều cơ hội để trò chuyện, vì vậy, được hội thoại với giáo viên của Lotus Works và làm bài tập là những dịp rất quý báu để tôi được tiếp xúc với tiếng Nhật. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Xem câu chuyện kinh nghiệm thực tế của sempai thực tập sinh kỹ năng này ở đây|KOKORO Tổng kết Lotus Works tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí qua mạng. Học sinh có thể học bằng điện thoại di động, máy tính bảng hay máy vi tính kết nối Wi-Fi. Chia sẻ của bà Shimizu Ryuko, người đại diện Lotus Works Có rất nhiều thực tập sinh kỹ năng và kỹ sư muốn học tiếng Nhật một cách nghiêm túc. Học tiếng Nhật sẽ giúp các bạn trò chuyện được với sempai hoặc đồng nghiệp người Nhật và còn có thể tự mình đi du lịch nữa. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng giao lưu thông qua việc dạy tiếng Nhật cho các bạn trẻ người Việt tràn đầy nhiệt huyết sang Nhật nhưng ngôn ngữ còn chưa thông tỏ và trở thành những “người ông, người bà, người chị Nhật", giúp các bạn cảm thấy hài lòng khi đến Nhật Bản.
-
〈Tổng hợp bài viết〉Trước khi chọn công ty phái cử hãy biết trước những thông tin này!
Chúng tôi đã tổng hợp những thông tin cần thiết và không thể thiếu để các bạn đang muốn đi thực tập ở Nhật cũng như gia đình của các bạn tham khảo. Tuỳ vào từng công ty phái cử, chi phí phải bỏ ra có thể khác nhau tới vài nghìn đô la. Không những thế, dù đã trả nhiều tiền cho công ty phái cử thì cũng có rất nhiều người nhận mức lương ở Nhật rất thấp. Vì vậy, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn những thông tin thiết yếu để có thể đi Nhật với khoản chi phí hợp lý và có cuộc sống thực tập đầy ý nghĩa. Q1. Trong quá trình thực tập kỹ năng có thể tiết kiệm được bao nhiêu? Đầu tiên, số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được trong 3 năm thực tập kỹ năng là khoảng bao nhiêu? ・ Tiền lương tại Nhật mỗi tháng và các chi phí sinh hoạt khoảng bao nhiêu? ・ Trong 3 năm, có thể gửi về Việt Nam bao nhiêu tiền? Để trả lời những câu hỏi trên, một tờ báo của Nhật đã thu thập thông tin từ rất nhiều thực tập sinh kỹ năng người Việt. Số đặc biệt: Thực tập sinh thực sự tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Q2. Có thể hoàn toàn yên tâm với công ty phái cử do người quen giới thiệu!? ・ Đừng chỉ tin vào sự giới thiệu từ người quen, với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử! ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật sẽ có sự khác biệt lớn. Có rất nhiều công ty tốt mà chi phí lại thấp, ngược lại, cũng có nhiều công ty chi phí cao mà chất lượng không tốt! Để lựa chọn công ty phái cử cần phải có bí quyết. Báo KOKORO – Tờ báo nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổng hợp cách tìm công ty phái cử ở Việt Nam. Số đặc biệt: Cách lựa chọn công ty phái cử_01 Q3. Tuỳ từng công ty mà chi phí phái cử khác nhau đến thế sao!? ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà chi phí khác nhau tới vài nghìn đô la. Công ty phái cử có chi phí thấp nhất khoảng bao nhiêu? Công ty phái cử có chi phí cao nhất khoảng bao nhiêu? ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”, ngược lại, “Đã trả ít tiền cho công ty phái cử nhưng lương ở Nhật lại cao hơn mức trung bình”. ・ Vậy thì, các công ty phái cử có chi phí khác nhau như vậy là vì sao? Câu trả lời cho những câu hỏi và hiện tượng trên nằm trong bài viết này. Số đặc biệt: Phí trả cho công ty phái cử khác nhau đến mức nào Văn hoá Nhật Bản Cuối cùng, các bạn hãy thoả sức tìm hiểu sự khác nhau trong văn hoá Việt Nam và Nhật Bản nhé. Chủ đề lần này là: ・ Lau đũa trong quán ăn là kỳ lạ?・ Người Nhật thường không gọi điện cho bố mẹ?・ Người Nhật ghét cho mượn điện thoại? Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_18 Tổng kết ・ Với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử. ・ Tuỳ vào từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật có sự khác biệt lớn. ・ Có rất nhiều công ty phái cử tốt mà chi phí lại thấp, cũng có công ty phái cử chi phí cao song chất lượng không tốt! ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”. Lần này, chúng tôi đã giới thiệu các bài viết liên quan đến những thông tin nêu trên. KOKORO là trang web nhận được hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Các bạn hãy tìm hiểu thông tin trong các bài viết của KOKORO và tự mình tìm công ty phái cử nhé.
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_20: Người Nhật ngại nhìn vào mắt khi nói chuyện?
Trong phần 20 của loạt bài Việt Nam OK Nhật Bản Dame hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu 3 phần: 1. Ở Nhật Bản, khi nói chuyện, nhìn thẳng vào mắt nhau không được coi là tốt? 2. Những điểm “ngạc nhiên” trong cách “hưởng tuổi già” ở Nhật và 3. Người Nhật thường ăn trưa một mình? Chỉ có người trẻ tuổi mới nhìn thẳng vào mắt nhau Do sự du nhập mạnh mẽ của văn hoá phương tây, giao tiếp bằng mắt (eye contact) ở Việt Nam được coi là một kỹ năng. Rất nhiều tài liệu chứng minh quyền lực của khả năng giao tiếp thông qua ánh mắt, dẫn tới hiện tượng nhiều bạn trẻ có xu hướng nhìn chằm chằm vào mặt hoặc mắt người đối diện khi nói chuyện và coi đó là hành động thể hiện sự tự tin. Ở Việt Nam thì không sao, cùng lắm đối phương chỉ nhắc nhẹ bạn rằng “đừng nhìn chằm chằm vào tôi nữa, mất tự nhiên lắm” mà thôi chứ không có ý gì khác. Nhưng ở Nhật thì việc nhìn chằm chằm vào người đối diện có thể được cho là “Có ý lạ”. Người Nhật ngại nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói chuyện Người Nhật vốn coi việc nhìn lâu vào mặt người đối diện khi nói chuyện là hành vi bất lịch sự. Tất nhiên là khi nói chuyện, người Nhật cũng có nhìn vào mặt nhau, nhưng thường để ánh mắt vào “khoảng giữa mặt” hoặc vào “nút thắt ca-ra-vạt”. Vì vậy việc nhìn chằm chằm vào người đối diện đôi khi bị cho là thể hiện sự… hiếu chiến. Chuyện sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn là đàn ông và đối tượng bạn nhìn chằm chằm là một cô gái xinh đẹp. Dù không có tình cảm đặc biệt gì nhưng nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào cô gái đối diện thì sẽ bị hiểu nhầm là bạn thích người đó và có thể khiến người đó cảm thấy khó chịu và sẽ bị cho là “bất thường”. Chính vì cách suy nghĩ bám rễ sâu trong đời sống này, nên người Nhật rất ngại nhìn lâu vào mắt nhau. Tuy nhiên cùng với xu hướng toàn cầu hóa, gần đây khi hướng dẫn sinh viên đi tìm việc làm, còn có cả hướng dẫn “hãy nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện” . Trong mục tiêu giáo dục môn quốc ngữ ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục Khoa học Nhật Bản còn đề ra mục tiêu “Nhìn vào mắt người đối diện khi nghe hoặc khi nói”. Chí ít thì nhà trường cũng cần hướng dẫn các em nhìn vào mặt người đối diện khi nói chuyện. Cách “hưởng tuổi già” của người Nhật Người Nhật thích làm việc kể cả khi đã nhiều tuổi Ở Việt Nam, rất nhiều người già đều có chung suy nghĩ rằng, tuổi già là giai đoạn hưởng thụ. Sau cả một đời người nỗ lực tích góp, chăm sóc gia đình, nhiều người khi bước vào giai đoạn “thất thập cổ lai hy” bắt đầu có xu hướng thả lỏng, hưởng thụ và muốn được hưởng thời gian vui vầy cùng con cháu. Nếu bạn đã quá quen với chuyện này tôi tin rằng bạn sẽ phải tròn mắt khi chứng kiến cách người già Nhật Bản “hưởng thụ” tuổi già: Họ… làm việc. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, lực lượng lao động từ 65 tuổi trở lên mỗi năm lại gia tăng. Năm 2020 có 9.240.000 người lao động từ 65 tuổi trở lên, chiếm hơn 13% tổng số người lao động từ 15 tuổi trở lên. Năm 2013, tức là trước khi chế độ tiếp tục tuyển dụng sau khi về hưu bắt đầu thì số người lao động trong độ tuổi này là 6.370.000. Như vậy sau 7 năm, con số này đã tăng gần 3.000.000 người. Ở siêu thị gần nhà tôi, những công việc như lau dọn nhà vệ sinh, xếp giỏ và xe đẩy, hướng dẫn xe ra vào bãi đậu...đều do một nhóm người già làm. Những bãi đậu xe thu phí ở các nhà ga lớn cũng đa phần do người lớn tuổi phụ trách. Đa phần đây là những người cao tuổi, làm việc bán thời gian. Nhóm người già này có những cụ đã trên 75 tuổi. Do con cái đã trưởng thành và tinh thần yêu lao động nên họ vẫn muốn tiếp tục làm điều gì đó để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tại một khách sạn trung tâm ở thành phố Fukuoka, người già chiếm tới 50% quân số của đội ngũ lau dọn. Người già nhất lên tới 78 tuổi. Họ hàng ngày vẫn làm việc từ 6-8 tiếng, vẫn vác những bao tải ga giường và vỏ gối nặng chình chịch. Thi thoảng vẫn có những cụ than đau lưng, mỏi gối, nhưng họ không bao giờ ngừng lại. Không bia rượu vào buổi trưa? “Đi ăn trưa, tranh thủ làm vài cốc không” là một trong những câu rủ rê quen thuộc nhất ở các văn phòng tại Việt Nam. Bản thân tôi cũng từng tranh thủ giờ nghỉ trưa đi làm vài cốc cho mát vào những ngày Hè nóng bức và chứng kiến không ít bạn bè, đồng nghiệp uống đến mặt đỏ tía tai rồi trở lại làm việc buổi chiều như bình thường. Ở Nhật cũng có giờ nghỉ trưa, cũng có những lời rủ rê đi ăn trưa nhưng chuyện uống vài ly bia, rượu vào giờ nghỉ trưa thì gần như không bao giờ xuất hiện. Có những trường hợp, do công việc mà 2 bên đối tác thỏa thuận cùng uống bia trong bữa trưa vừa làm việc nhưng chỉ ăn trưa thông thường thì không bao giờ uống đồ uống có cồn. Kỷ luật làm việc trong công sở của người Nhật rất nghiêm khắc, nếu đã có hơi men trong máu rồi trở lại làm việc bị coi là vi phạm đạo đức chốn công sở. Văn hoá ăn trưa giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng rất khác biệt. Ở Việt Nam, ăn trưa tại các quán cơm văn phòng rồi làm cốc café tám chuyện là tương đối phổ biến. Tôi biết nhiều người rất tôn trọng nguyên tắc “không bao giờ ăn trưa một mình”. Ở Nhật, hình ảnh những công chức ngồi ăn đơn độc ở các công viên là rất phổ biến. Thường người Nhật cũng hay đi ăn trưa với đồng nghiệp nhưng lúc bận rộn nhiều người mua cơm hộp ở cửa hàng tiện lợi rồi ngồi ăn một mình ở công viên hoặc tại bàn làm việc rồi lập tức trở lại với công việc. Giờ nghỉ trưa ở Nhật chỉ có đúng 1 tiếng nên người Nhật không thể dề dà kéo dài thời gian nghỉ trưa được. Vậy nên nếu bạn có thói quen tận dụng giờ ăn trưa để “khề khà” thì đừng áp dụng nó ở Nhật nhé, người Nhật sẽ cảm thấy rất kỳ lạ khi bạn kéo dài một cách không hợp lý thời gian tận hưởng bữa trưa của mình.
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa
Vì công việc mà tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều bạn trẻ người Việt Nam sang làm việc hoặc học tập tại Nhật Bản. Cách đây một thời gian, tôi có dịp đi công tác xuống địa phương và được một số bạn trẻ người Việt Nam làm thực tập sinh ở đó mời về nhà ăn cơm. Bữa cơm vui vẻ và đầm ấm với những món ăn đơn giản nhưng mang đậm hương vị quê nhà như nem rán, cá rán và đặc biệt là có một bát canh chuối xanh nấu ốc thơm lừng mùi lá tía tô. Các bạn mang canh ra và nói “Chị ăn đi, ngon lắm. Hôm nay có chị đến chơi, bọn em cũng nghĩ chắc chị ở thành phố thì ít có dịp ăn ốc nên hôm nay nấu ốc chuối xanh đãi chị đó ạ.” Thấy các bạn đã chuẩn bị công phu, khêu từng con ốc và tình cảm các bạn dành cho, tôi đã ăn một bát và quả thật là rất ngon vì lần đầu tiên sau bao năm tôi mới được ăn món canh ốc này. Cơm nước xong, ngồi trò chuyện với nhau, tôi mới hỏi xem các bạn mua ốc ở đâu thì bạn cho biết “Bọn em đi bắt ở những thửa ruộng lúa gần chỗ làm ạ. Ở đây nhiều lắm mà hình như người Nhật không ăn chị ạ”. Ốc trong ruộng lúa Nghe vậy tôi mới giật mình và nói cho các em biết là ốc ở những thửa ruộng trồng lúa là KHÔNG THỂ ĂN ĐƯỢC và từ nay trở đi KHÔNG ĐƯỢC ĂN ỐC MÒ Ở RUỘNG LÚA. Lý do là vì việc trồng lúa hiện nay dùng rất nhiều hóa chất, từ thuốc trừ sâu đến thuốc diệt cỏ… Nên các loài sinh vật sống ở đây đều nhiễm hóa chất nặng. Các ruộng lúa dùng rất nhiều hóa chất Liên quan tới việc bắt sinh vật, động vật trong thiên nhiên về ăn có một sự việc xảy ra năm 2019. Một bạn trẻ, nam giới, người Việt Nam ở Nhật bắt 2 con vịt trời ở một khu vực sông ở Tokyo định mang về ăn nhưng đã bị bắt và bị truy tố vì tội “Vi phạm Luật Bảo hộ Động vật” của Nhật Bản. Theo luật này việc tự tiện bắt chim muông và động vật ở Nhật Bản, trên nguyên tắc là bị cấm. Chỉ được phép săn bắt những loài thú được phép “Săn bắt” và phải có “Giấy phép”. Và việc “Săn bắt” phải được cấp phép và được đăng ký. “Giấy phép” được cơ quan hành chính có chức năng cấp cho mục đích loại bỏ những động vật gây nguy hại hoặc vì mục đích nghiên cứu. Ngoài 2 mục đích này ra thì dù chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt. Chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt Quay lại việc mò bắt ốc ở ruộng lúa, việc làm này không vi phạm luật nhưng nếu ăn phải có khả năng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Có thể ta không nhận thấy tác hại ngay sau khi ăn nhưng nếu không biết mà cứ tiếp tục ăn thì lâu dần, những hóa chất độc hại sẽ tích tụ lại trong cơ thể và trong tương lai có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng. Vì thế lời khuyên của tôi là “Nhất định không được ăn ốc ở ruộng lúa” các bạn nhé.