Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)
Gặp gỡ sempai số này
Nguyễn Xuân Bình
Sinh năm 1994 tại thành phố Hồ Chí Minh
2012: Tốt nghiệp trường THPT Thủ Đức
2014: Vào làm việc tại một công ty Thiết kế quảng cáo mạng
10/2015: Bắt đầu học ở trung tâm Nhật ngữ (3 tháng tại TPHCM, 5 tháng tại Hà Nội)
6/2016: Sang Nhật, tham dự các giờ học tập trung
7/2016: Bắt đầu thực tập tại công ty TOIN
6/2019: Về nước và trở thành nhân viên công ty TOIN Việt Nam
Lời mở đầu
Trong số này chúng ta sẽ gặp gỡ Bình, chàng trai đã đã có khoảng thời gian vui vẻ cùng bè bạn và cống hiến hết mình cho các hoạt động của hội người Việt trong suốt những năm thực tập bằng những hiểu biết về quảng cáo cũng như tài nhiếp ảnh của mình. Chẳng những thế, Bình còn được đánh giá cao về cách làm việc và đang là nhân viên tại chi nhánh Việt Nam của chính công ty mình từng thực tập. Hãy cùng nghe câu chuyện về những tháng ngày đáng nhớ của Bình ở Nhật Bản.
Thực tập ở xưởng in ấn
Từ tháng 3 năm 2016, tôi đã có 3 năm thực tập tại một công xưởng ở tỉnh Chiba. Đây là nơi sản xuất nhiều mặt hàng như bao bì, nhãn dán và các tài liệu đính kèm sản phẩm (như thuyết minh hướng dẫn sử dụng). Tôi cùng với hai người Việt nữa là những thực tập sinh đầu tiên của công ty. Công việc chủ yếu của tôi là phụ trách in ấn và hỗ trợ sempai người Nhật trong khâu kiểm tra mực hay chuẩn bị giấy. Công việc được tổ chức luân phiên theo ca, trong đó ca sáng từ 6h30 đến 14h, ca trưa từ 14h đến 22h và thi thoảng cũng có những ca muộn từ 18h đến 6h30 sáng hôm sau.
Ký túc xá nơi tôi ở là một chung cư 9 tầng cách chỗ làm hơn mười phút đạp xe. Năm đầu tiên có 3 người cùng ở và sang năm thứ hai chỉ còn 2 người. Mỗi người đều có một phòng riêng.
http://www.toin.co.jp/index.html
Cuộc sống ở Nhật Bản
Nhờ thu nhập khá ổn định, cứ mỗi cuối tuần tôi lại lên Tokyo họp mặt bạn bè đồng hương người Việt, cùng nhau đi du lịch, vui chơi. Ngoài ra ở chỗ làm tôi cũng có nhiều cơ hội giao tiếp với người Nhật, từ đó khả năng nghe của tôi tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên đáng tiếc là tôi lại thiếu một chút may mắn trong kỳ thi JLPT N3 vừa rồi.
Thu chi bình quân một tháng của tôi
※100 yên = 21.775 VND (tính tại thời điểm 20/4/2020)
Lương thực lãnh (120.000 ~ 160.000 yên)
Lương nhận thực tế | 120.000~160.000 yên ※Là lương nhận về sau khi đã trừ tiền thuế, bảo hiểm xã hội và tiền nhà ※Trong phần tiền khấu trừ, tiền nhà chiếm 25.000 yên ( ký túc xá mỗi người một phòng ngủ) |
Chi tiêu (tổng 50.000 ~ 60.000 yên)
Tiền nước, tiêu thụ năng lượng, wifi | 10.000 yên ※Chia đều cho số người dùng |
Tiền ăn | 15.000 yên ※Tôi tự nấu ăn là chủ yếu. Riêng về phần ăn trưa do được công ty hỗ trợ nên tôi chỉ tốn 200 yên. |
Tiền tiêu vặt, chi phí đi lại | 30.000~40.000 yên ※Chi phí cho những dịp đi chơi và ăn ngoài cùng bạn bè |
Tiền chênh lệch (tích lũy): bình quân 90.000 ~ 100.000 yên
※ Bình quân mỗi tháng tôi gửi về cho gia đình khoảng 80.000 yên
※ Số tiền còn lại tôi dành để đi du lịch trong những kỳ nghỉ dài
Vovinam
Do không có nhiều bạn thực tập sinh đi cùng khóa nên vào những ngày nghỉ tôi thường đi chơi cùng người Việt từ nơi khác. Cơ duyên kết giao bạn bè đầu tiên của tôi là khi tham gia Hiệp hội Vovinam Nhật Bản tại Tokyo. Vovinam là môn võ tổng hợp ra đời năm 1938 tại Việt Nam và hiện đã được đón nhận khắp thế giới mà chủ yếu là các quốc gia châu Á.
Từ năm lớp 12, tôi đã có 2 năm học Vovinam và dạy võ cho trẻ em ở võ đường. Một người bạn cùng luyện võ ngày đó đã đến Nhật làm việc trước tôi và thông tin đến tôi về hiệp hội này. Vừa đến Nhật chỉ được 3 ngày, tôi đã lập tức đến Tokyo thăm Hiệp hội và luyện tập Vovinam. Ở đây có cả người Phillipines, người Thái và người Nhật. Tuy nhiên, các buổi luyện tập bắt đầu khá muộn (từ 19h30), chỗ tập lại xa ký túc xá và nhiều hôm tôi phải về nhà vào lúc nửa đêm. Do vậy tôi quyết định ngừng tập sau khoảng 3 tháng và từ đó chỉ còn tham gia các sự kiện của Hội.
Hội liên hiệp Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA)
Sau đó một sempai trong Hiệp hội Vovinam mời tôi đến dự buổi họp mặt Tết do VYSA tổ chức. VYSA là một tổ chức của thanh niên Việt Nam có chi hội ở khắp nơi. Từng có kinh nghiệm làm quảng cáo mạng ở Việt Nam, tôi được tham gia hỗ trợ mảng truyền thông (chụp ảnh, sáng tạo và chia sẻ nội dung PR) cho VYSA.
https://www.facebook.com/VYSAJP/
Không chỉ trong công việc chuẩn bị sự kiện, tôi còn cùng các bạn trong VYSA đi chơi nhiều nơi như Yokohama và nội đô Tokyo. Thời điểm ấy tôi từng không được thoải mái lắm khi chỉ mỗi mình là thực tập sinh duy nhất và đa phần các thành viên đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng; nhưng rồi qua quá trình làm việc cùng nhau, tôi đã có thể hòa nhập cùng mọi người.
Thỉnh thoảng tôi cũng đi du lịch cùng bạn bè trong VYSA. Nơi tôi thích nhất chính là Okinawa với biển đẹp và những ngôi nhà dân tựa như nhà ở Việt Nam.
Sau khi về nước
Nhờ được đánh giá cao trong quá trình thực tập kỹ năng, sau khi về nước tôi đã được nhận vào làm cho chi nhánh của công ty tại Việt Nam (TOIN Việt Nam).Tuy nhiên từ chỗ được sempai người Nhật tận tình hỗ trợ khi còn ở Nhật, nay tôi phải tự chịu trách nhiệm cho công việc mình làm. Ngoài ra do ở nơi làm hiện tại hoàn toàn không dùng tiếng Nhật nên mỗi ngày ở nhà tôi đều dành một tiếng rưỡi để duy trì việc học tiếng Nhật.
Mặc dù có đôi chút mệt mỏi khi phải ngồi xe buýt của công ty khoảng một tiếng từ TPHCM đến Bình Dương, cũng như đôi chút chưa hài lòng với mức lương của mình, tôi vẫn quyết tâm nỗ lực với công việc này trong những ngày sắp tới.