Cuộc sống - Visa
★ Thông tin cơ bản: Quy định – tập quán trong cuộc sống
Chúng ta hãy tuân thủ các quy định – tập quán trong cuộc sống và kết thân với hàng xóm nhé. Bài viết này sẽ giới thiệu một số quy tắc như Cách vứt rác ▽ Cách người Nhật cảm nhận tiếng ồn trong phòng ▽ Điểm chú ý liên quan đến điện thoại di động ▽ Biện pháp chống trộm v.v.
〈Nội dung〉
1. Cách vứt rác
Tuân thủ ngày và địa điểm vứt rác theo từng loại rác
Mỗi loại rác lại có ngày (thứ) và địa điểm vứt khác nhau. Mỗi khu vực có một quy định riêng, nếu bạn không tuân thủ chúng, rác của bạn sẽ không được thu gom.
Sau khi chuyển nhà, hãy đọc kĩ hướng dẫn liên quan đến việc vứt rác. Hướng dẫn này được phát khi làm thủ tục đăng ký địa chỉ tại các toà thị chính địa phương, khi ký hợp đồng thuê nhà tại văn phòng bất động sản. Nó cũng có thể nằm trong hòm thư nhà bạn.
※ Thông thường, chúng ta sẽ vứt rác vào buổi sáng.
※ Hãy sử dụng loại túi chỉ định của địa phương hoặc “túi nhìn thấy bên trong” để vứt nhé.
Ví dụ về các loại rác
Rác cháy được | |
Vụn giấy, rác tươi, dầu ăn, tã lót giấy, đồ cao su, đồ bằng da v.v. | |
Rác không cháy được | |
Bát đĩa, cốc vỡ (được bọc trong giấy dày), kim loại, thuỷ tinh v.v. | |
Rác tài nguyên | |
Lọ thuỷ tinh, lon, báo, sách, khay đựng đồ ăn bằng nhựa, chai nhựa, bìa các tông v.v. | |
Rác quá khổ | |
Đồ đạc như bàn, ghế v.v., xe đạp, chăn đệm v.v. | |
Rác đồ điện gia dụng | |
Máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo v.v. |
【Chú ý ①】Dầu ăn đã qua sử dụng
Không đổ dầu ăn đã qua sử dụng vào bồn rửa. Nếu cho nhiều giấy báo vào trong nồi, chảo, giấy sẽ hút dầu nên có thể vứt giấy đó như “rác cháy được”.
【Chú ý ②】Rác quá khổ
Bạn có thể sẽ cần phải liên lạc trước với cơ quan hành chính địa phương và hẹn ngày thu gom. Sau khi hẹn, mua “phiếu thu gom rác” (回収券) ở cửa hàng tiện lợi, sau đó dán lên rác cần vứt.
【Chú ý ③】Rác đồ điện gia dụng
・ Thu gom máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo
= Nhờ đơn vị thu gom đã được cấp phép, phải trả “phí tái chế”.
・ Điểm thanh toán phí tái chế, điểm thu gom đồ cũ
= Cửa hàng mua sản phẩm mới hoặc cửa hàng đã mua sản phẩm muốn vứt
※ Nếu không hiểu rõ, hãy hỏi cơ quan hành chính tại địa phương của bạn.
Vứt rác trái phép (vứt rác bất hợp pháp)
Nếu vứt rác ngoài nơi quy định, bạn sẽ trở thành tội phạm. Việc vứt các loại vỏ lon, tàn thuốc lá v.v. trên đường (Poi sute ポイ捨て) cũng được coi là vi phạm pháp luật.
2. Tiếng ồn
Tại Nhật Bản, nếu nói to hoặc phát ra âm thanh lớn sẽ làm phiền tới những nhà xung quanh. Đặc biệt, nếu sống ở những khu chưng cư hay căn hộ, hãy chú ý không tạo ra tiếng ồn nhé.
・ Nói chuyện, mở tiệc, xem ti vi hay bật nhạc lớn trong phòng v.v. đều làm phiền đến hàng xóm.
・ Khi sử dụng máy giặt, máy hút bụi vào sáng sớm và đêm khuya, hãy chú ý để không làm phiền hàng xóm nhé.
3. Nhà vệ sinh
・ Khi sử dụng nhà vệ sinh, hãy dùng giấy có sẵn trong đó và vứt giấy vào bồn cầu. Ở một số đất nước và khu vực, giấy đã sử dụng được vứt vào thùng rác bên trong nhà vệ sinh, nhưng ở Nhật thì bạn hãy vứt vào bồn cầu nhé.
・ Nhà vệ sinh ở trung tâm thương mại, ga tàu thường có rất nhiều nút bấm. Nút xả nước thường được viết là “流す(FLUSH)”.
4. Dùng điện thoại di động khi đang di chuyển
・ Không vừa đi vừa nhìn vào điện thoại di động vì bạn có thể va vào người đi đường hoặc xe đạp v.v., gây ra thương tích hoặc tai nạn không đáng có.
・ Luật pháp nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ô tô hoặc xe đạp.
5. Trên tàu điện, xe buýt
Hãy chú ý những điểm sau đây khi đi tàu điện, xe buýt
- Không nói to
- Không gọi điện thoại
- Không nghe nhạc với âm lượng lớn (khi đeo tai nghe, chú ý để âm thanh không lọt ra ngoài)
- Khi tàu xe đông người, đeo ba lô trước ngực để tránh làm phiền người khác
6. Suối nước nóng – nhà tắm công cộng
Hãy tuân thủ các quy định dưới đây khi sử dụng suối nước nóng, nhà tắm công cộng
- Làm sạch cơ thể rồi mới vào bể tắm chung
- Không mang theo khăn tắm vào bể tắm
- Không sử dụng xà phòng, dầu gội đầu trong bể tắm
- Có trường hợp người có hình xăm không được vào bể tắm
7. Sinh hoạt cộng đồng
Các tổ chức cộng đồng (Hội tự quản, tổ dân phố)
Ở Nhật Bản, cư dân của các địa phương có thể thành lập một cộng đồng (hội tự quản, tổ dân phố) để tổ chức nhiều hoạt động khác nhau. Chi phí cho các hoạt động này được các cư dân và công ty ở địa phương tự nguyện đóng góp.
Ví dụ về các hoạt động
- Diễn tập phòng chống thảm hoạ, chuẩn bị cho những trường hợp như động đất, hoả hoạn v.v.
- Hoạt động bảo vệ an toàn cho trẻ em từ nhà đến trường và ngược lại
- Hoạt động phúc lợi dành cho người cao tuổi, người khuyết tật
- Phổ biến thông báo từ toà thị chính v.v.
- Tổ chức các sự kiện như lễ hội, hội thao v.v.
Tình làng nghĩa xóm
Nếu bạn thường xuyên chào hỏi hàng xóm, cùng tham gia các sự kiện giao lưu thì giữa bạn và hàng xóm sẽ khó phát sinh rắc rối, ngược lại, khi gặp khó khăn, bạn có thể nhận được lời khuyên, hỗ trợ. Ngoài ra, khi có hoả hoạn v.v. chúng ta rất cần đến sự trợ giúp lẫn nhau. Hãy làm thân với hàng xóm nhé.
8. Phòng chống tội phạm
Để tránh bị trộm cắp, sàm sỡ v.v., hãy chú ý những điều dưới đây.
- Khi ra khỏi nhà, nhất định phải khoá cửa sổ và cửa chính.
- Khi đỗ xe đạp, xe máy, nhất định phải khoá xe.
- Không để những đồ vật quan trọng như ví v.v. ở nơi ngoài tầm mắt của mình.
- Có tội phạm sẽ đi xe máy, xe đạp phía sau bạn rồi rình để giật túi xách của bạn.
- Hạn chế tối đa việc đi qua nơi ít người vào buổi tối. Nếu bắt buộc phải đi qua, hãy mang theo còi phòng chống tội phạm.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17066 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15540 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13031 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
★Thông tin cơ bản: Để sử dụng điện thoại di động, wifi ở Nhật
Ở Nhật, để sử dụng điện thoại di động, bạn cần phải ký hợp đồng với công ty viễn thông (nhà mạng). Bài viết này sẽ giới thiệu về cách ký hợp đồng kết nối mạng - gọi điện (mua SIM) và các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng dễ dàng ký hợp đồng. Bài viết dành cho các bạn sắp sang Nhật hoặc đang ở Nhật và muốn ký hợp đồng mới, chuyển nhà mạng. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ nói về hợp đồng dùng wifi ở nhà. 〈Nội dung〉 1. Để sử dụng điện thoại di động ở Nhật ・ Ký hợp đồng với công ty điện thoại di động (nhà mạng) ・ Các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng có thể dễ dàng ký hợp đồng 2. Cách ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại ・ Ký hợp đồng ở đâu ・ Thủ tục ký hợp đồng với nhà mạng 3. Mua máy điện thoại di động ・ Không mua vội cũng được ・ SIM lock 4. Để sử dụng wifi ở phòng ・ Wifi miễn phí ・ Hợp đồng kết nối mạng 5. Bán điện thoại trong lúc đang còn hợp đồng là vi phạm pháp luật 1. Để sử dụng điện thoại di động ở Nhật Ký hợp đồng với công ty điện thoại di động (nhà mạng) Khi sử dụng điện thoại di động ở nước ngoài thì việc dùng SIM của nước đó sẽ tiết kiệm hơn. Chế độ SIM ở Việt Nam và Nhật khá khác nhau. Ở Việt Nam, nếu bạn lắp SIM vào điện thoại, bạn có thể gọi và sử dụng mạng ngay lập tức. Tiền cước phí bạn có thể nạp qua thẻ credit v.v. Thế nhưng, để gọi điện và sử dụng mạng (kết nối internet) ở Nhật, bạn cần ký hợp đồng với công ty viễn thông (nhà mạng). ・ Tiền cước phí tính theo tháng ・ Tiền cước hàng tháng được tính tùy theo gói cước viễn thông đã ký Các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng có thể dễ dàng ký hợp đồng [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Người ngoài cũng có thể dễ dàng đăng ký SIM giá rẻ ở Nhật Bản Nếu sử dụng nhà mạng lớn, mỗi tháng phải mất tới 5000~8000 yên nhưng gần đây có rất nhiều hãng SIM giá rẻ trở nên phổ biến. Bài viết trên giải thích rất dễ hiểu về các loại SIM giá rẻ được nhiều người nước ngoài ở Nhật tin dùng. 2. Cách ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại Ký hợp đồng ở đâu ・ Thủ tục ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại sẽ được thực hiện ở các nhà mạng hoặc các đại lý. ・ Cũng có những đại lý tổng hợp tiếp nhận hợp đồng của nhiều nhà mạng khác nhau. ・ Trong các cửa hàng điện máy cũng có quầy bán điện thoại, quầy thụ lý hợp đồng của các nhà mạng. Có một số nhà mạng có thể sử dụng tiếng nước ngoài ở cửa hàng và trên trang chủ có tiếng nước ngoài. Gần đây, số lượng nhân viên người Việt ở các cửa hàng cũng đã tăng lên. Thủ tục ký hợp đồng với nhà mạng Nhân viên đang dùng máy tính bảng để giải thích về các gói hợp đồng Để ký hợp đồng, người ký phải chứng minh nhân thân. Bạn phải xuất trình ở quầy hoặc gửi qua bưu điện hoặc lên web và tải bản sao của những giấy tờ có ① Họ và tên ② Ngày tháng năm sinh ③Địa chỉ hiện tại. ◆ Ví dụ về các giấy tờ xác định nhân thân ・ Thẻ lưu trú ・ Hộ chiếu (cần ghi địa chỉ hiện tại) ・ Thẻ mã số cá nhân - My number card ・ Giấy đồng ý của người giám hộ (đối với người vị thành niên) ◆Thủ tục thanh toán cước phí Có rất nhiều nhà mạng yêu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng (thẻ credit). Vì thế, khi đi ký hợp đồng, bạn nên mang theo: ・ Thẻ tín dụng (thẻ credit) ・ Sổ (thẻ) ngân hàng của Nhật và con dấu “GTN Mobile” và “SIM VÀNG” đều là những nhà mạng SIM giá rẻ dành cho người nước ngoài, bạn có thể thanh toán ở cửa hàng tiện lợi hoặc chuyển khoản ngân hàng. Khi đó, bạn không cần phải có thẻ tín dụng. 3. Mua máy điện thoại di động Có nhiều người nước ngoài chỉ sử dụng wifi ở nhà Không mua vội cũng được Những bạn sắp sang Nhật hãy mang theo điện thoại từ Việt Nam nhé. Sau khi sử dụng máy đó một thời gian và quen với cuộc sống ở Nhật thì bạn có thể mua máy mới hoặc máy cũ vẫn chưa muộn. Máy cũ được bán ở rất nhiều cửa hàng điện máy lớn. ◆ Nếu bạn là du học sinh Trường bạn đang du học có thể giúp bạn mua máy và ký hợp đồng với nhà mạng nhưng bạn không cần ký hợp đồng ngay lập tức. Đã có những anh chị đi trước thấy hối hận vì sau khi sang Nhật đã mua ngay điện thoại do người của trường tiếng Nhật giới thiệu, “biết thế không mua vội, đợi đến khi quen với Nhật rồi mới mua thì tốt biết bao”. Điện thoại mà bạn mang từ Việt Nam sang có thể kết nối wifi ở nhà, ở trường, ở cửa hàng tiện lợi v.v. ◆ Nếu bạn là thực tập sinh kỹ năng Có hơn 50% thực tập sinh không dùng SIM cho tới khi kết thúc quá trình thực tập. Điện thoại của các bạn ấy có thể kết nối với wifi ở phòng, có bạn tiết kiệm tiền rồi mua điện thoại mình thích. SIM lock Cho tới mới đây, khi mua điện thoại ở Nhật, máy điện thoại của các hãng bị khoá và không thể dùng SIM của nhà mạng khác. Từ tháng 10 năm 2021, các loại điện thoại không bị khoá nữa nhưng khi bạn mua đồ cũ và lo lắng không biết là máy đó thế nào thì bạn có thể hỏi “máy không bị SIM lock chứ?” để xác nhận thông tin. 4. Để sử dụng wifi ở phòng Wifi miễn phí Bạn có thể kết nối wifi miễn phí ở sân bay, cửa hàng tiện lợi, các chuỗi cà phê, tàu tốc hành, xe buýt chạy cao tốc v..v. Tuy nhiên, ở Nhật mới chỉ có rất ít điểm có wifi miễn phí. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: Điểm wifi miễn phí! Danh sách các quán cà phê - cửa hàng tiện lợi - cơ quan hành chính Hợp đồng kết nối mạng Để sử dụng wifi ở nhà, bạn cần ký hợp đồng với công ty viễn thông. Thủ tục ký hợp đồng có thể thực hiện ở cửa hàng của công ty viễn thông hoặc qua website của công ty đó. Cước phí hàng tháng 4000~6000 yên. ◆ Nếu bạn là du học sinh ・ Có rất nhiều ký túc xá của trường có thể sử dụng wifi. ・ Để sử dụng wifi trong phòng bạn đã ký hợp đồng, bạn cần ký hợp đồng kết nối Internet. Mobile Wifi - Cục phát wifi Khi ký hợp đồng kết nối Internet nếu bạn chọn Mobile wifi - cục phát wifi, bạn sẽ dùng wifi cầm tay và điện thoại của bạn có thể kết nối wifi bất kỳ lúc nào. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: kakaku.com. So sánh giá cước kết nối Internet [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: Mobile wifi “GTN Wifi” dành cho người nước ngoài ◆ Nếu bạn là thực tập sinh Thực tập sinh học tiếng Nhật qua máy tính bảng kết nối wifi ở phòng Đối với thực tập sinh kỹ năng, hầu hết các ký túc xá của công ty đều có wifi. 5. Bán điện thoại trong lúc đang còn hợp đồng là vi phạm pháp luật Có một số nhóm người hoặc doanh nghiệp có ác ý khi tiếp cận bạn và nói “tôi sẽ thay bạn ký hợp đồng điện thoại”. Họ sẽ sử dụng những giấy tờ cá nhân của bạn để ký hợp đồng kết nối mạng - gọi điện và sử dụng số điện thoại của bạn với mục đích phạm pháp. Khi nhờ người khác làm hợp đồng, bạn phải xác nhận rõ nội dung hợp đồng. Việc bán điện thoại đã ký hợp đồng mà không báo cho công ty điện thoại là việc vi phạm pháp luật. Điện thoại đó có thể bị tội phạm sử dụng nên đừng tự tiện bán và cho người khác nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 6 “việc làm thêm” trở thành tội phạm là?|KOKORO
-
★ Thông tin cơ bản: Tài khoản ngân hàng và Bưu điện
Những người đi làm, đi học ở Nhật đều nhanh chóng tới ngân hàng hoặc bưu điện để mở tài khoản sau khi sang Nhật. Thường thì người của công ty, nghiệp đoàn, trường học sẽ đi cùng bạn nhưng bạn cũng nên biết về thủ tục mở tài khoản và cách sử dụng tài khoản. Nếu bạn bị ai đó nhờ bán hoặc cho thẻ ATM, thẻ đó có thể bị dùng để phạm tội nghiêm trọng nên chúng tôi cũng sẽ giải thích về điều này. <Nội dung bài viết> Tài khoản ngân hàng 1. Mở tài khoản ngân hàng 2. Bán (chuyển nhượng) tài khoản ngân hàng là phạm tội! ・Mua bán, chuyển nhượng thẻ rút tiền mặt (ATM), sổ ngân hàng là phạm tội ・Tài khoản ngân hàng chuyển nhượng bị sử dụng vào việc gì? ・Dù chỉ mua bán tài khoản ngân hàng một lần thôi cũng là có tội! ・Hãy đóng tài khoản ngân hàng trước khi về nước ・Ví dụ thực tế về người Việt phạm tội do liên quan đến mua bán tài khoản ngân hàng Bưu điện 1. Bưu điện ở Nhật Bản có rất nhiều chức năng Tài khoản ngân hàng 1. Mở tài khoản ngân hàng Bạn có thể thực hiện thủ tục mở tài khoản ở quầy dịch vụ của ngân hàng. Cũng có ngân hàng chấp nhận làm thủ tục qua bưu điện hoặc Internet. Thường thì thẻ ATM sẽ được gửi về nhà sau. Khi đi mở tài khoản ngân hàng, cần mang theo các giấy tờ sau đây: ❶ Giấy tờ chứng minh nhân thân (thẻ lưu trú, hộ chiếu v.v...) ❷ Con dấu cá nhân (cũng có ngân hàng chỉ yêu cầu chữ ký) ❸ Giấy chứng nhận là nhân viên hoặc học sinh (nếu không có giấy này thì hãy nhờ người của công ty hoặc trường học đi cùng). ※ Nếu không tự tin giao tiếp bằng tiếng Nhật, bạn có thể nhờ người làm cùng công ty, nhân viên của trường hoặc nhờ bạn bè đi cùng để thông dịch giúp. 2. Bán (chuyển nhượng) tài khoản ngân hàng là phạm tội! Khi không còn cần dùng tài khoản ngân hàng vì những lý do như về nước chẳng hạn, các bạn nhất quyết phải đóng tài khoản ngân hàng. Việc bán, cho tặng thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng là phạm tội. Chắc chắn 100% là tài khoản ngân hàng đó sẽ bị dùng vào hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật, vì vậy tuyệt đối không được chuyển nhượng lại tài khoản nhé. Mua bán, chuyển nhượng thẻ rút tiền mặt (ATM), sổ ngân hàng là phạm tội Có rất nhiều trang Facebook môi giới việc làm cho người Việt cư trú bất hợp pháp và dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản ngân hàng và giấy tờ tuỳ thân v.v... Các bạn tuyệt đối không dùng các trang Facebook này nhé. Những trang Facebook này là ổ tội phạm, cảnh sát vẫn thường xuyên kiểm tra nội dung các trang này. Những kẻ làm ăn bất lương hoặc người cư trú bất hợp pháp thường mua lại thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng của các tài khoản mà mọi người không dùng nữa. Tuy nhiên, việc mua bán, cho tặng tài khoản ngân hàng (thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng) là phạm tội. Dù bạn không biết rằng tài khoản đó sẽ được dùng vào mục đích phi pháp thì bạn sẽ trở thành tội phạm. Tội danh: Vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp Hình phạt: Phạt tù dưới 1 năm hoặc phạt tiền dưới 1 triệu yên, hoặc cả hai. ・ Việc mua bán, cho tài khoản ngân hàng là phạm tội. ・ Nhất định phải đóng tài khoản không cần dùng nữa vì các lý do như về nước v.v... ・ Lập tức khóa tài khoản ngân hàng khi bị mất sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM v.v ... Tài khoản ngân hàng chuyển nhượng bị sử dụng vào việc gì? 100% các tài khoản ngân hàng sau khi chuyển nhượng bị sử dụng vào các hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật. Trường hợp này, người chuyển nhượng tài khoản ngân hàng là người tiếp tay cho tội phạm. Sử dụng vào hành vi phi pháp như “lừa đảo giả làm người thân” Ở Nhật Bản, các tổ chức chống đối xã hội không mở được tài khoản ngân hàng. Tài khoản ngân hàng do các nhóm tội phạm mua lại sẽ được bán cho các tổ chức như vậy, và bị sử dụng vào các mục đích phi pháp như tài khoản thực hiện lừa đảo đặc thù, rửa tiền, hay tài khoản vốn lưu động trong tín dụng đen. Một loại hình tiêu biểu của “lừa đảo đặc thù” là “lừa đảo giả làm người thân”, là kiểu lừa các cụ ông cụ bà chuyển tiền với số lượng lớn. Sử dụng vào hành vi phi pháp như “lừa đảo giả làm người thân” Các nhóm tội phạm hoặc các đối tượng bất lương cũng sử dụng tài khoản ngân hàng với mục đích xấu Chính các nhóm hoặc người cung cấp dịch vụ mua lại tài khoản ngân hàng cũng sử dụng tài khoản đó vào mục đích phi pháp. Ví dụ, có nhiều người bị lừa theo kiểu thấy tin đăng trên mạng xã hội với nội dung “Bán vé máy bay giá rẻ”, sau khi trao đổi tin nhắn và chuyển tiền cho bên kia xong thì không liên lạc được nữa. Các tài khoản gần đây bị sử dụng để thực hiện hành vi phi pháp lừa đảo kiểu này là các tài khoản không dùng nữa và bị mua bán phi pháp. Người cư trú bất hợp pháp sử dụng vào mục đích xấu Có nhiều người cư trú bất hợp pháp sử dụng thẻ lưu trú giả để lao động phi pháp. Khi đó, họ cần tài khoản ngân hàng để nhận tiền lương, nhưng do không có thẻ lưu trú hợp lệ nên họ không mở được tài khoản ngân hàng. Các nhóm tội phạm thường bán sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM của người khác cho các đối tượng cư trú bất hợp pháp kiểu này. Ngoài ra, còn có trường hợp người cư trú bất hợp pháp liên lạc trực tiếp qua mạng xã hội với chủ tài khoản ngân hàng để mua lại tài khoản. Dù chỉ mua bán tài khoản ngân hàng một lần thôi cũng là có tội! Lấy danh nghĩa của mình mở tài khoản ngân hàng rồi bán hoặc chuyển nhượng lại cho người khác sử dụng cũng là phạm tội (tội lừa đảo). ・Mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại. ・Tài khoản ngân hàng đó bị sử dụng vào mục đích phi pháp như lừa đảo v.v... ・Người bị hại trình báo với cảnh sát, nghị phạm bị buộc tội. ・Cảnh sát sẽ xét hỏi cả người đứng tên tài khoản ngân hàng. Những trường hợp như thế này, có thể người bán tài khoản ngân hàng sẽ giải thích với cảnh sát rằng: “Tôi chỉ làm mất sổ ngân hàng (hoặc thẻ ATM) thôi”. Tuy nhiên, cảnh sát sẽ nắm được toàn bộ thông tin tiền vào và ra khỏi tài khoản kể từ khi mở tài khoản, vì vậy, nếu có các khoản tiền ra vào tài khoản lặp đi lặp lại một cách đáng ngờ thì sẽ bị điều tra rất kĩ. Việc mở tài khoản với mục đích cho người khác sử dụng là vi phạm pháp luật. Từng có người chỉ một lần mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại với giá 10.000 yên, sau đó tài khoản đó bị dùng để phạm tội nghiêm trọng nên người đó bị bắt vì tội “lừa đảo ngân hàng để mở tài khoản” và bị xử có tội. Hãy đóng tài khoản ngân hàng trước khi về nước Nếu bạn bán hoặc chuyển nhượng giấy tờ tuỳ thân hay tài khoản ngân hàng không cần dùng nữa vì lý do như về nước, các giấy tờ hoặc tài khoản đó sẽ bị sử dụng vào hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật. Các bạn nhất định phải đóng tài khoản ngân hàng khi không dùng nữa nhé. Đối với tội mua bán tài khoản ngân hàng, khi người thực hiện hành vi mua bán rời khỏi Nhật Bản thì thời hạn vụ án có hiệu lực bị tạm ngừng, nên có thể sau này khi người đó quay trở lại Nhật Bản sẽ vẫn bị truy cứu. Ví dụ thực tế về người Việt phạm tội liên quan đến mua bán tài khoản ngân hàng ★ Người đàn ông Việt Nam bị bắt vì bị tình nghi vận hành trang mạng hỗ trợ lẫn nhau hướng đến đối tượng người cư trú bất hợp pháp (Tháng 10/2020) Do đăng trên mạng xã hội mẩu tin: “Có ai muốn bán sổ hay thẻ ngân hàng không?”, một người đàn ông Việt Nam (24 tuổi) không nghề nghiệp sống tại thành phố Okazaki đã bị cảnh sát tỉnh Aichi bắt vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp. Người này được cho là đang vận hành trang mạng xã hội với mục đích mua bán các loại giấy tờ như thẻ lưu trú giả và mua sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM rồi bán lại cho người Việt cư trú bất hợp pháp. Cảnh sát đã thu giữ tại nhà riêng của người này 123 giấy tờ giả mạo bao gồm thẻ lưu trú và bằng lái xe giả v.v... ★ Người Việt bị bắt vì tình nghi chuyển nhượng sổ và thẻ ngân hàng (Tháng 8/2020) Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã bắt giữ một người đàn ông Việt Nam (21 tuổi) sống tại Tokyo vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp. Người đàn ông này được cho là đã chuyển nhượng 1 quyển sổ ngân hàng và 1 thẻ ATM do mình đứng tên cho một người đàn ông Việt Nam khác với giá 32.000 yên. ★ 7 người đàn ông Việt Nam bị bắt vì xúi giục người khác mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội (Tháng 6/2020) Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã bắt giữ 7 người đàn ông quốc tịch Việt Nam vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp v.v.. do những người này đã xúi giục người khác mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Cảnh sát đã thu giữ được tại 2 cơ sở bí mật của nhóm người này (ở Tokyo) 467 quyển sổ ngân hàng và 637 thẻ ATM. Một phần trong số các tài khoản mua lại này được xác định là đã bị dùng vào hành vi lừa đảo đặc thù. ★ Bị bắt vì cho người khác dùng tài khoản của mình (2023) Năm 2023, cảnh sát tỉnh Saitama bắt giữ một du học sinh Việt Nam 22 tuổi sống ở thành phố Niigata vì tình nghi lừa đảo sau khi mở tài khoản ngân hàng. Du học sinh giải thích rằng “tài khoản này sẽ dùng để gửi và rút tiền trang trải chi phí sinh hoạt” nhưng thực tế là để người khác sử dụng. Đây là tội lừa đảo vì du học sinh này đã lừa dối ngân hàng. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 5 trường hợp thực tế bị bắt vì “làm việc dễ kiếm tiền” |KOKORO Bưu điện 1. Bưu điện ở Nhật Bản có rất nhiều chức năng Bưu điện hoặc hòm thư bưu điện ở Nhật Bản có ký hiệu “〒” và có màu chủ đạo là màu đỏ. Bưu điện ở Nhật Bản và “Ngân hàng Yucho” là một tổ chức thống nhất, thực hiện chức năng bưu điện, ngân hàng và công ty bảo hiểm. 【Những việc có thể làm được ở bưu điện】 ❶ Gửi thư, bưu thiếp, hàng hoá (gửi được ra cả nước ngoài) ❷ Gửi tiền tiết kiệm, chuyển tiền, chuyển khoản trả phí dịch vụ công cộng v.v... ❸ Tham gia bảo hiểm nhân thọ ※ Bạn cũng có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ của các công ty khác ※ Trả phí dịch vụ công cộng bằng cách rút tiền tự động rất tiện lợi. Ngoài ra, hằng tháng bạn cũng có thể thanh toán các khoản phí này tại cửa hàng tiện ích.
-
Những điểm cần chú ý khi thuê nhà ở Nhật
Với những người nước ngoài mới sang Nhật thì việc quen với văn hóa hay phong cách sống ở Nhật thật chẳng dễ dàng. Nhưng nếu không hiểu văn hóa của Nhật thì việc thuê nhà cũng trở nên khó khăn. Theo những người có liên quan đến bất động sản của Nhật thì lý do lớn nhất khiến người nước ngoài khó thuê nhà là “vì có nhiều người không tuân thủ theo các quy định thuê nhà”. Vậy thì, có những quy định như thế nào về việc thuê nhà? <Nội dung bài viết> 1.Một số ví dụ về việc người nước ngoài vi phạm quy định 2.Việc vi phạm quy định sẽ dẫn đến hậu quả gì? 3.Cách tuân thủ các quy định 1.Một số ví dụ về việc người nước ngoài vi phạm quy định Đầu tiên, tại những căn hộ ở Nhật, việc người nước ngoài vi phạm quy định là việc như thế nào? Chúng tôi sẽ giới thiệu một ví dụ điển hình. Ví dụ về việc người nước ngoài vi phạm quy định (khi trả nhà) Nhìn những bức ảnh này mọi người thấy thế nào? Đây là những bức ảnh được chụp sau khi một lưu học sinh Việt Nam trả nhà ở Nhật. Chủ nhà đã mất cả tiền và thời gian (tận 4 tiếng) để vứt sạch rác. Ngoài việc này, một số việc dưới đây cũng được nhắc đến rất nhiều. ✓ Người nước ngoài khi trả nhà không báo trước cho chủ nhà. ✓ Người nước ngoài trả nhà nhưng không báo cắt điện, ga, nước. Những việc như thế này làm cho chủ nhà có thêm gánh nặng, chính là nguyên nhân khiến sau này người nước ngoài bị cảnh giác khi thuê nhà ở Nhật. Trong số những chủ nhà từng bị như thế này, cũng có người đã dừng việc cho người nước ngoài thuê nhà. Ví dụ về việc người nước ngoài vi phạm quy định (trong khi thuê nhà) Dưới đây là một số ví dụ về việc người nước ngoài đã gây phiền toái cho những nhà xung quanh trong thời gian thuê nhà. ✓ Không vứt rác ở nơi đã được quy định, để rác trên đường đi ✓ Không phân loại rác ✓ Cho rác ra ngoài vào những ngày không phải là ngày thu rác ✓ Bật nhạc lớn trong phòng, nói chuyện ầm ầm với bạn bè 2.Việc vi phạm quy định sẽ dẫn đến hậu quả gì? Trong thời gian thuê nhà nếu bạn không tuân thủ các quy định, bạn có thể bị hủy hợp đồng rồi đuổi ra khỏi nhà, thậm chí còn có thể bị yêu cầu trả tiền phá vỡ hợp đồng. Khi trả nhà nếu bạn để lại rác hay các đồ không cần thiết, chủ nhà sẽ phải dọn dẹp số đồ đó. Bạn sẽ gây phiền toái cho chủ nhà. Một bộ phận người nước ngoài vi phạm những quy định như thế này khiến lòng tin với toàn bộ người nước ngoài cũng bị mất đi, gây ảnh hưởng xấu tới những người nước ngoài khác và những người sau này sang Nhật. Chẳng hạn, khi người nước ngoài thuê nhà ở Nhật thì sẽ bị ghét, bị yêu cầu thêm nhiều tiền bảo lãnh, bị ràng buộc thêm nhiều điều kiện khó khăn. 3.Cách tuân thủ các quy định Vì vậy, khi thuê nhà ở Nhật Bản, bạn hãy chú ý đến những điều dưới đây để tốt cho mình và cho cả những người Việt Nam sang sau (kohai). Những chú ý trong khi thuê nhà ① Phân loại rác Phân loại rác theo các nhóm rác cháy được, các loại chai, lon, rác thải nhựa, rác tái chế v.v. rồi vứt theo đúng ngày đã được quy định. Nếu bạn không hiểu rõ thì có thể hỏi công ty quản lý hoặc bắt chước theo hàng xóm xung quanh. Bạn hãy tham khảo trang web dưới đây. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Quy định - tập quán trong cuộc sống | KOKORO ② Tiếng ồn Đừng nói chuyện ầm ầm với bạn bè, bật nhạc to (nhất là sau 10 giờ tối). ③ Tiền thuê nhà Tiền thuê nhà là khoản tiền trả trước. Hãy trả tiền trước hạn nộp. Nếu không thể trả được thì hãy báo trước cho công ty quản lý hoặc chủ nhà. Những chú ý khi trả nhà hoặc gia hạn hợp đồng nhà ① Trao đổi về việc trả nhà hoặc gia hạn hợp đồng Hợp đồng thuê nhà thường có kì hạn 2 năm (24 tháng). Nếu muốn thuê lâu hơn, ngược lại, nếu muốn trả nhà sớm hơn thì bạn hãy trao đổi trước với công ty quản lý hoặc chủ nhà. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tìm người thuê nhà tiếp theo nên nếu bạn trao đổi trước khi hết hạn hợp đồng 2,3 tháng thì mọi chuyện đều suôn sẻ. ② Thông báo trả nhà Kể cả bạn sẽ trả nhà theo đúng hợp đồng 2 năm thì bạn cũng hãy liên lạc với công ty quản lý hoặc chủ nhà trước hơn 1 tháng nhé. Nếu bạn liên lạc muộn thì có thể bạn sẽ bị yêu cầu trả thêm tiền nhà của 1 tháng. ③ Không để lại gì trong nhà Khi trả nhà thì bạn không được để lại gì trong nhà. Những loại rác to như các loại đồ điện bao gồm máy giặt, tủ lạnh v.v. đều sẽ mất phí xử lý. Nếu bạn không hiểu rõ thì hãy trao đổi với công ty quản lý. ※ Tuy nhiên, những thứ đã được lắp đặt từ trước (máy điều hoà v.v.) thì bạn hãy để nguyên như vậy. ※ Nếu việc xử lý các đồ dùng làm bạn thấy phiền thì ban đầu bạn cũng có thể thuê đồ dùng, đồ điện gia dụng cho thuê. Như vậy thì trước khi trả nhà công ty cho thuê đồ sẽ đến lấy các đồ dùng và đồ điện. Bạn hãy tham khảo bài đặc san dưới đây. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Lựa chọn sử dụng đồ mới, đồ cũ và đồ thuê | KOKORO ④ Công ty quản lý kiểm tra nhà Nếu bạn nói trước với công ty quản lý về ngày trả nhà, trước ngày trả nhà họ sẽ đến kiểm tra nhà. Chủ nhà có trách nhiệm xử lý tường, sàn nhà v.v. bị biến màu, xuống cấp do thời gian, cuộc sống thường nhật nhưng với những hỏng hóc, vết bẩn do người thuê nhà không cẩn thận khi sử dụng gây ra thì người thuê nhà sẽ bị yêu cầu trả thêm khoản phí sửa chữa, tu bổ đó. Thông thường, khoản phí đó sẽ được trả từ khoản tiền đặt cọc đã nộp khi vào nhà, sau đó nhận lại phần còn thừa, ngược lại, có lúc cũng sẽ phải trả thêm. ⑤ Cắt hợp đồng điện v.v. Trước khi trả nhà bạn hãy cắt hợp đồng điện, gas, nước và trả tiền tháng cuối. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Điện・Gas・Nước | KOKORO Trên đây là những chú ý khi thuê nhà ở Nhật. Nếu chúng ta nâng cao ý thức, những người sang sau (kohai) cũng sẽ được thuê nhà dễ dàng hơn.
-
Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt
Nếu bạn gặp các vấn đề trong việc học tập, làm việc (thực tập kỹ năng, làm chính thức tại công ty, làm ngắn hạn tại công ty, làm thêm) hay các vấn đề về đời sống, tư cách lưu trú v.v.; dù đã trao đổi với công ty, các tổ chức tiếp nhận, nhà trường, các anh chị tiền bối v.v. mà vẫn chưa giải quyết được thì lúc đó nên đến đâu để xin tư vấn? Cho đến nay, có rất nhiều anh chị tiền bối đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức tư vấn và các hội nhóm hỗ trợ. Dù không thể giải quyết vấn đề ở 1 nơi thì bạn cũng đừng bỏ cuộc, đừng bỏ trốn, hãy thử xin lời khuyên từ nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ nhé! Các tổ chức tư vấn mà bạn nên biết Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình thực tập kỹ năng mà nghiệp đoàn (công ty tiếp nhận) hay công ty bạn đang làm không giải quyết một cách thỏa đáng, việc đầu tiên bạn nên làm là liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) để xin tư vấn. Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt thông qua trang chủ của Hiệp hội. Hiệp hội cũng có hỗ trợ qua điện thoại (0120-250-168) (miễn phí). Nếu bạn có thể đến trực tiếp văn phòng của Hiệp hội (OTIT) thì cũng rất tốt. Khi đó, bạn nên phô tô thẻ lưu trú của mình ở cửa hàng tiện lợi, viết sẵn ra giấy những trăn trở và các điểm bạn thấy không thỏa đáng (bất mãn) rồi mang đến Hiệp hội. Khi tới nơi, bạn có thể đọc những gì đã viết trên giấy và giải thích thêm. Nếu cần, bạn cũng có thể nhờ OTIT hỗ trợ người phiên dịch. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động Dù bạn là thực tập sinh kỹ năng hay lưu học sinh, hãy xin tư vấn từ Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản về các vấn đề như không được trả tiền làm thêm giờ v.v. Gần đây, Cục cũng hỗ trợ tư vấn cho người nước ngoài. Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động trên toàn Nhật Bản Các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều thành tích Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài Nếu bạn đã trao đổi với những cơ quan trực thuộc nhà nước như OTIT hay Cục kiểm tra tiêu chuẩn lao động mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề hoặc không thể tự mình xin tư vấn tại những cơ quan này thì bạn cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ phi chính phủ. Đây đều là các tổ chức đã có nhiều thành tích giúp đỡ những người gặp khó khăn. Cổng tư vấn cho thực tập sinh người nước ngoài (Facebook) = Các vấn đề về lao động của thực tập sinh kỹ năng, vấn đề tuyển dụng, vấn đề trong đời sống, các vấn đề liên quan đến tư cách lưu trú. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật = Các vấn đề liên quan đến lao động, tuyển dụng, đời sống, việc làm, tư cách lưu trú của lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng và toàn bộ người Việt Liên đoàn lao động Gifu Chi nhánh người nước ngoài số 2 = Ông 甄凱 (Kenkai) trưởng chi nhánh: 090・8496・9668 (tiếng Nhật) = Các vấn đề liên quan đến việc lao động, tuyển dụng, tư cách lưu trú của thực tập sinh kỹ năng, nhân viên chính thức tại các công ty, nhân viên kí hợp đồng ngắn hạn, toàn bộ lao động người nước ngoài Các đoàn thể và hội nhóm người Việt hoạt động sôi nổi Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ) =Hotline về đời sống, y tế, sức khỏe: 050-6874-8385 Hội người Việt tại Sendai (SenTVA) Hội người Việt tại Ibaraki Các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (tại các thành phố chính) Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn các tổ chức hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt (chính) trên toàn Nhật Bản. ■ Thành phố Tokyo Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (FRESC) = Tư vấn về tất cả các vấn đề của người nước ngoài như đời sống, lao động, tuyển dụng, việc làm, tư cách lưu trú v.v. = Quầy hỗ trợ FRESC: 0120-76-2029 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) =Số điện thoại đặt lịch hẹn trước của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại FRESC: 03-5363-3025 = từ thứ hai đến thứ sáu (9:00~17:00) ※Quầy hỗ trợ có thể tiếp nhận tư vấn toàn Nhật Bản. ※Trong trường hợp muốn được trợ giúp bằng tiếng Việt, dù gọi đến số nào trong hai số điện thoại trên thì bạn cũng cứ nói tiếng Nhật “Betonamugo de onegaishimasu” (có nghĩa là “Xin hãy trợ giúp bằng tiếng Việt” ) hoặc tiếng Anh nhé. ■ Tỉnh Hokkaido Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Hokkaido = 011-200-9595(ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-17:00) ■ Tỉnh Miyagi Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài Miyagi = 022-275-9990 ■ Tỉnh Ibaraki Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 029-244-3811 (tiếng Việt: thứ hai, thứ ba, thứ tư) ■ Tỉnh Saitama Trung tâm tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài Saitama = 048-833-3296 ■ Tỉnh Chiba Tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Chiba = 043-297-2966 (ngày thường 9:00-12:00 / 13:00-16:00) = Email: ied@ccb.or.jp ■ Tỉnh Kanagawa Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa thành phố Yokohama = 045-222-1209 = E-mail:t-info@yoke.or.jp ■ Tỉnh Shizuoka Trung tâm tư vấn tổng hợp cộng sinh đa văn hóa tỉnh Shizuoka (Kameria) = 054-204-2000(平日10:00~16:00) = E-mail:sir07@sir.or.jp ■ Tỉnh Aichi Trung tâm cộng sinh đa văn hóa Aichi = 052-961-7902 (từ thứ hai đến thứ bảy 10:00~18:00) ■ Phủ Osaka Khu thông tin dành cho người nước ngoài phủ Osaka = 06-6941-2297 = E-mail:jouhou-c@ofix.or.jp ■ Thành phố Osaka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài = 06-6773-6533 (ngày thường 9:00~19:00; thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ 9:00~17:30) ■ Tỉnh Hyogo Trung tâm cộng đồng quốc tế Kobe =078-291-8441 (tiếng Việt: thứ hai, thứ tư 09:00~12:00, 13:00~17:00) ■ Tỉnh Hyogo Hội hữu nghị Việt Nhật Hyogo = 078-646-3110 = Email: cntorimoto@yahoo.co.jp ■ Tỉnh Okayama Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Okayama = 086-256-6052 (ngày thường 9:00~17:00) = E-mail:support@opief.or.jp ■ Tỉnh Hiroshima Trung tâm quốc tế Hiroshima = 0120-783-806 ■ Tỉnh Fukuoka Trung tâm tư vấn dành cho người nước ngoài tỉnh Fukuoka = 092-725-9207 (hàng ngày 10:00~19:00) = E-mail:fukuoka-maic@kokusaihiroba.or.jp ■ Thành phố Fukuoka Trung tâm hỗ trợ tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài TP Fukuoka = 092-262-1799 (ngày thường 8:45~18:00) Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế hỗ trợ tư vấn (toàn tỉnh) Tại đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn danh sách các tổ chức hỗ trợ tư vấn dành cho người nước ngoài tại các tỉnh thành (bao gồm cả khu vực tự quản) trên toàn Nhật Bản, các hội giao lưu quốc tế v.v. (Bản tiếng Việt và tiếng Nhật) Bạn chỉ cần click vào tên của nơi bạn đang sống (tiếng Nhật và bảng chữ cái alphabet) xuất hiện trong khung là bạn có thể xem được danh sách tổng hợp các tổ chức hỗ trợ. Tại những tổ chức có hỗ trợ tiếng Việt, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ màu đỏ có ghi “tiếng Việt”. Ngoài ra, nếu bạn click vào đường link (URL) màu xanh trong bảng, bạn sẽ được liên kết tới trang chủ của tổ chức tư vấn đó. Phân chia theo khu vực: Danh sách các tổ chức, hội giao lưu quốc tế có hỗ trợ tư vấn (có kèm link)
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17066 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15540 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13031 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài