Một vài hình xăm trên cơ thể có thể được coi là ngầu, là sành điệu ở Việt Nam. Nhưng sang tới Nhật Bản thì dame.
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, văn hóa xăm ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Dạo các con phố mang hơi thở của giới trẻ ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ cứ trung bình 10 phút bạn sẽ lại có cơ hội chiêm ngưỡng một nam thanh, nữ tú nào đó tung tăng với một vài hình xăm từ dễ thương cho tới cực ngầu.
Tuy nhiên, hãy chuẩn bị trước tâm lý là người Nhật không có thiện cảm với những người xăm mình đâu. Có 2 lý do chính dẫn tới thái độ này. Thứ nhất liên quan tới lịch sử. Theo các tài liệu cổ thì vào khoảng năm 1700, các tội phạm thay vì bị thi hành hình phạt cắt mũi thì sẽ bị xăm vào cơ thể. Thậm chí nếu tái phạm còn bị xăm vào mặt.
Dấu ấn này sẽ theo những tên tội phạm suốt cuộc đời và đó cũng được coi là một hình thức răn đe. Cùng với thời gian, xăm mình đi vào trong ý thức hệ của một bộ phận người Nhật như dấu vết của tội phạm.
Lý do thứ hai đến từ tầm ảnh hưởng của những yakuza (một thuật ngữ chỉ những nhóm tội phạm có tổ chức). Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, những thành viên băng đảng thường xăm kín người để đánh dấu việc họ đã gia nhập thế giới xã hội đen. Đó cũng là một dạng tuyên ngôn chứng minh quyết tâm đoạn tuyệt với xã hội bình thường để cống hiến cho hoạt động của băng đảng.
Cũng chính vì vậy người có hình xăm ở Nhật thường bị liên tưởng tới xã hội đen hoặc tội phạm. Và nó dẫn tới một số hệ lụy khá tồi tệ như: Bạn có thể bị từ chối vào phòng tắm công cộng, bể bơi, onsen. Thậm chí nếu bạn có ý định xin những công việc yêu cầu tiếp xúc với khách hàng như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… bạn có thể bị từ chối chỉ vì có hình xăm.
Ở Việt Nam, bạn có thể trang trí bưu thiếp bằng một chút màu đỏ và viết tên người đặc biệt hoặc chính mình bằng mực đỏ cho nổi bật. Nhưng sang Nhật thì viết tên người khác bằng bút đỏ là một hành động đại kỵ.
Mực đỏ ở Nhật thường dùng để viết tên… người chết. Ở Nhật khi đi viếng mộ ta sẽ thấy trên bia mộ có một phần chữ tô đỏ. Đây là hiện tượng được gọi là “châu nhập”, khắc tên người dựng lên phần mộ này khi người đó vẫn còn sống. Ý muốn nói: người này được khắc lên bia mộ, nhưng người vẫn còn sống”. Vì thế khi viết tên bằng bút đỏ, người ta dễ liên hệ đến “mộ bia” và mang lại điềm rủi.
Ngoài ra, màu đỏ ở Nhật thời xa xưa thường được viết lên các chiến thư. Các samurai Nhật khi muốn thách đấu với ai đó sẽ viết thư bằng mực đỏ với hàm ý: “Tôi sẽ tử chiến với ngài”.
Hiện nay “Chữ đỏ” để chỉ sự thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của công ty. Nếu kinh doanh có lãi, người Nhật gọi là “Chữ đen”, nếu bị trở thành chữ đỏ thì người Nhật gọi đó là “ 赤字転落 – Ngã xuống chữ đỏ”!
Nói tóm lại, viết tên người khác bằng mực đỏ là dấu hiệu của cái chết, của máu và của sự lụn bại. Đừng dại làm điều đó nhé.
Đối với nước Nhật thì việc để thừa đồ ăn trên đĩa vừa bị coi là bất lịch sự. Khi người Nhật nấu ăn cho bạn, họ luôn dốc hết tấm lòng vào đó nên việc bạn không ăn hết đồ ăn trên đĩa sẽ bị coi là phụ lòng chủ nhà.
Tuy nhiên, việc đó vẫn chưa nghiêm trọng bằng chuyện đồ ăn thừa sẽ bị đổ đi và đây đang trở thành một vấn đề cực kỳ nan giải ở Nhật. Theo thống kê thì số lượng đồ ăn thừa bị đổ đi ở Nhật mỗi năm thậm chí còn nhiều hơn lương thực dùng để cứu đói cho các quốc gia chưa phát triển.
Số lượng đồ ăn thừa này bao gồm thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, thực phẩm bị trả lại, thực phẩm bán không hết, thực phẩm ăn thừa… của các nhà hàng ăn, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Vậy nên nếu bạn tình cờ góp thêm vào lượng đồ ăn phải đổ đi bằng việc không dùng hết đồ ăn trên đĩa, điều đó thật không hay chút nào.