Giải quyết khó khăn

img detail
12/06/2020 Giải quyết khó khăn

     Tôi đến thăm chùa Tokurinji ở thành phố Nagoya vào một ngày đầu tháng sáu. Có khoảng chục phòng (chỗ ở) tại ngôi chùa, và khoảng 40 người Việt Nam cùng hai người Sri Lanka đang tá túc tại đó. Họ là những người gặp khó khăn trong cuộc sống tại Nhật do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới.

     Một trong số họ có Hanh (tên đã được thay đổi, 25 tuổi), sang Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ năng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Okinawa vào năm 2018. Có lần khi Hanh mắc lỗi trong công việc, cấp trên của Hanh đã dùng thanh thép xây dựng đánh vào đầu từ phía trên mũ bảo hiểm của Hanh. Một ngày nọ, sau khi bị đánh vào cẳng chân bằng thanh thép, Hanh thấy đau dữ dội và đã xin tư vấn với tổ chức quản lý chăm lo thực tập sinh (tức nghiệp đoàn tiếp nhận). Tuy nhiên, người phụ trách của nghiệp đoàn đã đến kiểm tra mà không có người phiên dịch cũng không xem xét kỹ lưỡng sự việc, chỉ bố trí cho Hanh đi khám bệnh và đề nghị cho Hanh một ngày nghỉ phép.

Những chuỗi ngày sau đó, việc bắt nạt bằng cách dùng thanh sắt đánh vào đầu Hanh vẫn tiếp tục và khoảng 2 tháng sau đó Hanh đã trốn đi. Thực tập sinh trốn khỏi nơi làm việc sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp, nhưng vẫn có những công ty hoạt động trái phép giới thiệu công việc cho họ. Hanh tìm đến các công ty này và bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó trên khắp nước Nhật. Làm công việc bán thời gian được khoảng một năm rưỡi thì Hanh bị mất việc do ảnh hưởng của vi-rút corona, cuối cùng bạn đã đến đầu thú tại Cục quản lý xuất nhập cảnh ở Nagoya. Được phép của Cục quản lý xuất nhập cảnh, Hanh được ở tại chùa Tokurinji cho đến khi rời Nhật Bản.


Ảnh: Bạn Hanh (phía bên trái)

     Người chăm lo cho những người đang tá túc tại chùa Tokurinji là chị Dương Thị Thuỳ Dương (41 tuổi), Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Tokai. Chị Dương đến Nhật Bản từ năm 2001 và phụ trách việc tư vấn cho người Việt Nam tại địa phương. Chị đã trao đổi với nhà sư trụ trì Takaoka Shucho (76 tuổi), về việc giúp đỡ các thực tập sinh và lưu học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, và từ tháng Tư chùa Tokurinji bắt đầu cưu mang cho người Việt Nam.


Khu nghỉ trọ tại chùa


Phòng ngủ của khu trọ tại chùa

     Người tạm trú ở đây chủ yếu là những thực tập sinh kỹ năng, lưu học sinh… đến từ khắp nơi như Hokkaido, Kanagawa, Osaka, Kagoshima, v.v. nhưng bị mất việc và đã liên lạc với chị Dương thông qua Facebook. Trong khoảng 40 người tại đây thì 70-80% vốn là thực tập sinh kỹ năng, và hơn một nửa trong số họ là người cư trú bất hợp pháp giống như Hanh. Ngoài ra, còn có những người từng là du học sinh hay kỹ sư hiện không thể về nước được.

     Từ khoảng 30 năm trước, chùa Tokurinji bắt đầu tiếp nhận những người nghèo khó và người tị nạn, và năm 2011 chùa cũng tiếp nhận các nạn nhân của trận Đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011 tới tá túc tại chùa. Nhà sư trụ trì Takaoka cho biết “Những người cư trú bất hợp pháp dù có đầu thú với Cục xuất nhập cảnh thì cũng không thể làm việc được. Chúng tôi tiếp nhận họ bởi cần phải có ai đó hỗ trợ cuộc sống cho họ. Do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới nên không biết khi nào họ mới có thể về nước, cần phải tiếp tục hỗ trợ chi phí và thực phẩm cho họ.” Chùa cung cấp chỗ ở và thực phẩm, còn Hội người Việt Nam phụ trách phần còn lại, mỗi bên có vai trò riêng của mình. Các bạn sống ở đây tự nấu ăn, dọn dẹp và giặt giũ.

     Để chuẩn bị cho số người cần cưu mang có thể tăng lên, những người Việt Nam tá túc tại chùa đang giúp xây dựng nơi ở trọ mới (tháng 6/2020).

【Chùa Tokurinji】
◇ Địa chỉ: 〒468-0037, Aioi Nonami, Tenpaku-ku, Nagoya-shi, Nhật Bản
◇ Tư vấn liên quan đến đời sống và công việc: Chị Dương, Phó chủ tịch – Hội người Việt Nam tại Tokai (080-3610-6997)
◇ Liên hệ quyên góp (thực phẩm, tiền) = Sư trụ trì Takaoka Shucho (052-896-1606)