Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

kokoro_img23
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Huỳnh Thị Thảo Nhi
  • Tháng 6/2013Tốt nghiệp trường THPT Phú Bài
  • Tháng 9/2013Nhập học Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản
  • Tháng 4/2016Nhập học trường tiếng Nhật Daiwa Academy
  • Tháng 12/2017Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế
  • Tháng 3/2018Tốt nghiệp trường Daiwa Academy
  • Tháng 4/2018Nhập học trường Ehle Gakuen, Khoá học Dual Business
  • Tháng 3/2019Tốt nghiệp trường Ehle Gakuen
  • Tháng 4/2019Vào làm tại công ty Nico Nico Nori

〈Sinh tháng 10/1995 tại TP Huế〉

Lời giới thiệu

Chụp tại đền Fushimi Inari Taisha, Kyoto (Năm 2019)

      Chị Thảo Nhi đã sang Nhật Bản du học theo chương trình của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Vừa cùng trải nghiệm cuộc sống với bạn đồng hương đi du học cùng kỳ, chị Thảo Nhi vừa làm thêm ở nơi có rất nhiều người Nhật xung quanh và đã trau dồi được năng lực tiếng Nhật. Sau đó, chị học tiếp lên trường chuyên môn có tỉ lệ du học sinh người nước ngoài tìm được việc làm cao ở Osaka, nhận được sự trợ giúp tận tình trong quá trình tìm việc, chị đã vào làm tại một công ty có môi trường làm việc dễ chịu. Sau đây, xin được giới thiệu trải nghiệm thực tế của chị Thảo Nhi, người đang tận hưởng cuộc sống của một nữ nhân viên công sở tại Nhật Bản.

Cơ duyên đi du học Nhật Bản

Tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế (Năm 2014)

      Tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế có chương trình du học, trong đó các học phần tại trường tiếng Nhật của Nhật Bản liên kết với trường sẽ được tính là học phần tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Vì vậy, vào năm thứ ba đại học, tôi đã ứng tuyển vào chương trình đó. Một số bạn cùng khoá với tôi cũng sang Nhật du học theo chương trình này.

Chụp trên bãi biển ở Huế (Năm 2014)

      Lý do tôi quyết định đi du học là do ở trường đại học, ngoài việc học tiếng Nhật, chúng tôi còn được học về phong tục tập quán cũng như phong cách kinh doanh của Nhật Bản, hơn nữa, tôi còn được nghe rất nhiều chuyện về Nhật Bản từ thầy cô giáo, đến mức không thể kiềm chế được lòng ham muốn “được biết nhiều hơn nữa về Nhật Bản".

◇Osaka, nơi tôi đến để du học (các ảnh chụp năm 2016)

Học tiếp lên trường chuyên môn có tỷ lệ du học sinh tìm được việc làm cao

Sinh nhật tôi. Sau khi ăn bánh tại kí túc xá với các bạn cùng phòng ở trường tiếng Nhật, chúng tôi đi ăn thịt nướng. (Tháng 10/2017)

     Trong 2 năm đầu, dự định của tôi là sẽ về nước, nhưng rồi ngày càng trở nên yêu quý nước Nhật, tôi đặt mục tiêu sẽ tìm việc ở đây. Sau khi học 2 năm ở trường tiếng Nhật, tôi được trường giới thiệu trường chuyên môn có tên là “Ehle Gakuen", một ngôi trường nổi tiếng có tỉ lệ du học sinh người nước ngoài tìm được việc cao nên tôi đã thi vào trường này.

Khoá “Dual Business" của trường Ehle Gakuen

Ở hàng thịt nướng, lại có bánh sinh nhật nữa (Tháng 10/2017)

Thỉnh thoảng tôi lại về Việt Nam chơi (Huế, Tháng 4/2017)

Tìm việc làm ở Nhật Bản

Tại thành phố Osaka (Tháng 2/2019)

    Sau khi vào học tại trường Ehle Gakuen, tôi ngay lập tức bắt đầu quá trình tìm việc. Trường Ehle rất tích cực hỗ trợ hoạt động tìm việc, và còn chỉ bảo cho học sinh những điểm cần chú ý khi làm việc tại công ty của Nhật nữa. Vì trường có liên kết với nhiều công ty nên trong các sự kiện tuyển dụng của trường bao giờ cũng có rất nhiều công ty tham gia.

     Tôi còn được trường Ehle giới thiệu nơi để thực tập, và đã thực tập tại một công ty mỹ phẩm trong vòng 1 tháng (tuần 3 buổi), và thực tập 2 tháng tại công ty Nico Nico Nori (tuần 3 buổi). Hôm tôi đi đến Nico Nico Nori để phỏng vấn vào thực tập, có khoảng 40 nhân viên công ty đồng loạt đứng lên và chào “Irasshaimase" khiến tôi giật cả mình. Bình thường, có cả hình thức đi thực tập để tuyển dụng và thực tập để trải nghiệm, nhưng ở đây là thực tập để tuyển dụng, nên sau khi kết thúc tháng thực tập đầu tiên, công ty đã gửi thông báo tuyển dụng tôi cho trường Ehle.

Sau khi đã tốt nghiệp, thỉnh thoảng tôi vẫn đi ăn cùng với các bạn học ở Ehle Gakuen (Tháng 7/2019)

    Thời gian mới bắt đầu quá trình tìm việc, rất nhiều lần tôi bị trượt vòng phỏng vấn, nên tôi bắt đầu tìm hiểu những điểm chưa tốt của bản thân và tìm cách khắc phục. Sau đó, khi đã hiểu rõ chính mình, tôi cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục quá trình tìm việc, và rồi tôi cũng đã nhận được thư tuyển dụng của vài công ty.

Học tiếng Nhật

Tại công viên ở thành phố Sakai, Osaka (Tháng 4/2017)

    Tháng 4/2016 tôi đến Nhật Bản, và tháng 12 năm đó tôi đã đỗ chứng chỉ năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N2. Sau đó 2 năm, tôi đã đỗ chứng chỉ N1. Trước khi sang Nhật, tôi đã có chứng chỉ N3, sau khi sang Nhật, ngoài giờ học trên lớp, mỗi ngày tôi học ít nhất 2 tiếng, còn những ngày không đi làm thêm, tôi học từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian tự học ở nhà, tôi đã dùng các tài liệu sau đây
・Bộ sách “Shin Kanzen Master" (Từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp, đọc hiểu v.v…) ・Bộ sách “Pattern betsu tettei drill" ・Bộ sách “Nihongo Power Drill"
Ngoài ra, tôi còn xem các video tiếng Nhật giao tiếp hằng ngày và tiếng Nhật trong công việc trên YouTube để luyện nghe và luyện shadowing. Dùng từ khoá “shadowing" (シャドーイング) và “nihongo" (日本語) để tìm kiếm, sẽ thấy ngay các video như vậy. Ngoài ra, việc trò chuyện hằng ngày với đồng nghiệp hoặc khách hàng ở chỗ làm thêm là cửa hàng tiện lợi hay quán nhậu izakaya cũng là cách để tôi luyện tiếng Nhật ứng dụng.

Làm thêm

Chơi bowling với các bạn cùng chỗ làm thêm (Tháng 11/2016)

    Công việc làm thêm đầu tiên của tôi là tại cửa hàng tiện lợi do trường tiếng Nhật giới thiệu. Tôi đã làm ở đó trong 3 năm. Tôi cho rằng những ai từng làm thêm thì ít nhiều tiếng Nhật cũng có tiến bộ. Tuy nhiên, quan trọng là trước khi sang Nhật phải học tiếng Nhật thật chăm chỉ để khi sang đến nơi có thể kiếm được công việc sử dụng tiếng Nhật.

    Bởi vì trong công việc như vậy, ta sẽ học được tiếng Nhật ứng dụng. Ví dụ như khi muốn có một thứ gì đó, ở trường ta chỉ học được cách nói “itadakemasenka". Thế nhưng, ở quán bạn sẽ học được rất nhiều cách nói khác như “choudai", “kudasai", “moratte ii desuka" v.v… Ngoài ra, khi nói sai, ta có thể được bạn bè làm cùng chỉ bảo thêm.

Ngoài ra, bạn còn biết được những thông tin về đời sống khác như món ăn nào đang thịnh hành ở Nhật. Ở cửa hàng tiện lợi, thấy nhiều khách hàng mua hộp cơm chiên đông lạnh cỡ nhỏ rồi hâm nóng bằng lò vi sóng của cửa hàng và mang về nhà, một hôm tôi thử hỏi khách rằng “món này cứ thế là ăn được luôn ạ?”. Người khách đáp rằng: “Đúng rồi, ngon lắm đấy”. Vậy là từ đó, những khi đang vội, ví dụ như trước khi vào giờ học, tôi lại mua món này rồi hâm nóng lên để ăn.

Cuộc sống ở Nhật

Món ăn dành cho nhân viên ở quán nhậu izakaya nơi tôi làm thêm

    Để sang Nhật, tôi đã chuẩn bị số tiền khoảng 100 vạn yên. Hơn nữa, chỉ làm công việc làm thêm thì không thể chi trả được học phí cũng như phí sinh hoạt, nên sau đó, tôi còn nhờ mẹ gửi thêm khoảng 40 vạn yên nữa. Sau khi đi làm chính thức, tôi có thể gửi tiền về nhà cho mẹ (khoảng 80 vạn yên trong 1 năm), và từ nay trở đi tôi dự định sẽ tiếp tục làm như vậy.
◎Chi tiết các khoản chi trong 100 vạn yên chuẩn bị khi sang Nhật
・Học phí 1 năm (chủ yếu là tiền học): 70 vạn yên ・Tiền thuê nhà trong nửa năm: 12 vạn yên ・Tiền vé máy bay: 6 vạn yên ・Tiền mua chăn đệm, giáo trình…: 10 vạn yên
Các công việc làm thêm của tôi gồm có: cửa hàng tiện lợi (quầy thu ngân, 3 năm), quán nhậu izakaya (bếp và tiếp khách, 2 năm), phiên dịch (1 năm). Năm thứ 2 du học, tôi được học bổng của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), mỗi tháng 3 vạn yên.  

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng)  ※Năm đầu tiên du học

※Tỷ giá 100 yên=21,671 VND(Ngày 14/6/2020)

Thu nhập(Tổng cộng 90.000 yên ~100.000 yên)
Làm thêm ở một nơi

90,000 yên ~ 100,000 yên

※Cửa hàng tiện lợi

Chi phí (Tổng cộng 115.000 yên ~ 120.000 yên)
Tiền nhà

20,000 yên

※Căn hộ 3 phòng ngủ, 6 người sống chung

※Bao gồm cả tiền Wi-Fi và tiền nước

Học phí (Tiền học, tiền giáo trình)

60,000 yên

Tiền điện, ga

2,000 yên

※Bao gồm tiền điện, tiền ga

Tiền điện thoại di động

8,000 yên

Tiền ăn

20,000 yên

※Suất ăn dành cho nhân viên ở quán nhậu izakaya chỗ làm thêm là miễn phí

Chi phí lặt vặt

5.000 yên ~ 10.000 yên

※Quần áo, sách học, phí đi lại, thỉnh thoảng ăn ngoài

Khoản chênh lệch - Để dành (▲20,000 yên ~▲30,000 yên)
Tiền chênh lệch

▲20,000 yên ~ ▲30,000 yên

※Khoản chênh lệch được bù bằng tiền gia đình gửi sang và làm thêm trong các đợt nghỉ dài

Cùng bạn đồng hương trong ngày nghỉ ở Nhật (Năm 2019)

Tận hưởng nước Nhật

Sau khi đi làm, vào ngày nghỉ, tôi vẫn thường hay đi chơi với các bạn bè thời du học (Tháng 1/2020)

    Ngày nghỉ, tôi thường tụ tập với các bạn đồng hương, bao gồm cả bạn đồng khoá đại học đi du học cùng đợt, hay bạn bè hồi học ở trường Ehle Gakuen, rồi cùng nhau đi tham quan Kyoto, Kobe. Khi tìm kiếm trên mạng bằng tiếng Việt, các địa danh ở Kyoto như Arashiyama, Kinkakuji, Fushimi Inari Taisha… thường xuất hiện đầu tiên. Nơi mà tôi thích nhất là Arashiyama, lá đỏ ở đây tuyệt đẹp.

Arashiyama, Kyoto (Tháng 11/2019)

    Tương lai thế nào thì chưa rõ, nhưng nếu như kết hôn với người Nhật, tôi sẽ sống hẳn ở Nhật. Những điều mà tôi yêu thích ở Nhật Bản:
Quán ăn yêu thích Sushi băng chuyền (ví dụ như quán Daiki Suisan ở Namba, Osaka…)
Món ăn yêu thích Sushi, Takoyaki, Oden
Cuộc sống tiện lợi ① Khi muốn mua thứ gì, có thể mua được ngay. Ví dụ, ở các hiệu thuốc và tạp phẩm có thể mua được bất kì loại mỹ phẩm nào. Ở Huế, khi muốn mua mỹ phẩm gì đó, phải lên mạng tìm xem thứ đó bán ở đâu, và phải tìm hiểu kĩ xem người bán hàng đó có đáng tin cậy hay không.
Cuộc sống tiện lợi ② Tàu điện rất tiện lợi. Cửa hàng tiện lợi cũng nhiều nữa.
Cuộc sống tiện lợi ③ Khi đi lên văn phòng chính quyền thành phố, nếu có chỗ nào không hiểu về thủ tục thì sẽ được người phụ trách giải thích cặn kẽ. Tác phong phục vụ ở hàng quán cũng lịch sự.
Cuộc sống sảng khoái Không khí trong lành. Khí hậu có đủ bốn mùa, mùa Xuân và mùa Thu rất dễ chịu.

Fushimi Inari (Thuê Kimono trước cửa ga) (Tháng 3/2019)

Fushimi Inari (Tháng 9/2019)

Nội dung công việc và tương lai

Đi xem bóng chày cùng sempai và đồng nghiệp ở sân bóng chày Koshien (Năm 2019)

     Tôi rất thích chỗ làm việc hiện nay. Trụ sở chính của công ty ở Osaka có một mình tôi là người Việt Nam, còn ở Fukuoka có 17 người Việt Nam (nhân viên chính thức có 2 người, còn 15 người nữa là thực tập sinh kĩ năng). Ở Osaka chỉ có một người Việt Nam, nhưng mọi người đối xử với tôi rất tốt. Ví dụ như trong cuộc họp, sau khi ai đó giải thích điều gì xong thường hỏi tôi “bạn có hiểu không?” v.v…, hoặc thường xuyên hỏi thăm xem tôi có gặp vướng mắc gì trong cuộc sống hay không. Năm ngoái, tôi cùng với sempai và bạn cùng lứa ở chỗ làm đã 3, 4 lần đi đến sân bóng chày Hanshin Koshien (tỉnh Hyogo) để xem giải bóng chày chuyên nghiệp. Mặc dù không hiểu lắm về luật bóng chày, nhưng không khí ở sân bóng vui như ngày hội nên tôi cảm thấy rất vui.

Đi ăn uống cùng các sempai và bạn cùng lứa ở gần công ty (Năm 2019)

     Nội dung công việc của tôi, ngoài dịch tài liệu cho thực tập sinh kĩ năng, cũng bao gồm các việc khác giống người Nhật như quản lý công tác tuyển dụng, thời gian đi làm, trang thiết bị và trả lời điện thoại v.v… Tôi hy vọng sau này nếu công ty phát triển thị trường sang Việt Nam, tôi sẽ được giao các công việc liên quan đến Việt Nam.

Vào ngày nghỉ đi chơi Adventure World ở tỉnh Wakayama với bạn bè thời học ở trường Ehle Gakuen (Năm 2019)