Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

vol33_img
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Anh Nguyễn Hương Hạnh (tên giả)
  • Tháng 9/2017Vào học tại trung tâm tiếng Nhật 〈Hà Nội〉
  • Tháng 3/2018Sang Nhật → Tập huấn sau nhập cảnh → Bắt đầu thực tập kĩ năng 〈Okinawa〉
  • Tháng 8/2018Bỏ trốn khỏi nơi thực tập → Đi làm bán thời gian ở nơi khác
  • Tháng 10/2018Làm nhân viên bán thời gian tại nhà máy (làm trong 1 năm) 〈Tỉnh Aichi〉
  • Tháng 10/2019Nhóm môi giới việc làm bất hợp pháp bị phát hiện → Bị ngừng hợp đồng làm nhân viên bán thời gian
  • Tháng 4/2020Ra đầu thú cơ quan quản lý xuất nhập cảnh → Chờ ngày về nước
  • 〈Sinh năm 199X, quê ở miền Bắc Việt Nam〉

Lời giới thiệu

Trái: Ảnh chụp tại Hà Nội (Năm 2017) Phải: Sinh nhật tôi tổ chức tại ký túc xá của trung tâm tiếng Nhật ở Hà Nội (Năm 2017)

     Anh Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) ban đầu thực tập kĩ năng trong ngành xây dựng. Ngay khi anh mới bắt đầu làm việc đã lập tức xảy ra tình trạng bạo lực ở chỗ làm. Dù đã trao đổi với đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) nhưng tình hình không được giải quyết, nên anh đã bỏ trốn để thoát khỏi tình trạng bạo lực. Sau đó, anh nhiều lần làm thêm bất hợp pháp, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh không còn việc để làm và đã ra đầu thú ở Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh. Anh Hạnh sẽ kể lại con đường dẫn đến chuyện bỏ trốn cũng như cuộc sống trong thời gian bỏ trốn. Ngoài ra, ban biên tập xin được giới thiệu cơ quan tư vấn, trao đổi khi gặp phải tình trạng bạo lực ở nơi làm việc. ※ Ảnh sử dụng trong bài đã được xử lý che mờ.

Con đường sang Nhật

Vé máy bay hồi sang Nhật (Tháng 3/2018)

    Vì muốn vừa học tiếng Nhật vừa kiếm tiền nên tôi đã chọn đi thực tập kỹ năng. Sau khi đỗ chương trình thực tập tại Nhật với chi phí thấp, từ tháng 9/2017, tôi bắt đầu học tập trong vòng nửa năm tại trung tâm tiếng Nhật ở Hà Nội. Tổng số tiền tôi trả để sang Nhật là 25.000.000 đồng Việt Nam. Tôi đã sang được Nhật Bản mà không phải vay nợ. Cho đến đây mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp, thế nhưng, những ngày tháng đau khổ đang đón chờ tôi ở Nhật Bản. ※ 100 yên = 21.765 VND (Ngày 21/06/2020)

Bạo lực ở chỗ làm

Thanh cốt thép

    Tháng 3/2018 tôi sang Nhật. Nơi thực tập của tôi là một công ty ở tỉnh Okinawa làm về thi công cốt thép tại công trình, nội dung thực tập là “thi công cốt thép". Làm việc được chẳng bao lâu thì bạo lực tại chỗ làm bắt đầu xảy ra. Mỗi khi tôi làm chậm hay có sai sót, sempai người Nhật lại dùng thanh cốt thép để đánh vào đầu tôi. Thanh cốt thép dài từ 60 - 70cm, nặng trịch. Mặc dù tôi có đội mũ bảo hộ, nhưng vì bị đánh khá mạnh nên cũng chịu chấn động lớn, đầu thì đau mà trong lòng cũng đau chẳng kém vì nhục nhã.
   Công việc của tôi hơn một nửa thời gian là mang vác cốt thép, trong đó, có cả những thanh cốt thép nặng, đường kính 35mm, độ dài 6 mét. Trong cái nóng thiêu đốt ở Okinawa, liên tục phải mang vác vật nặng như vậy cực kì mệt mỏi. Hơn nữa, tôi phải xem trên sơ đồ để mang các thanh cốt thép phù hợp đến đúng chỗ, nhưng đọc sơ đồ thì rất khó, tiếng Nhật không thông thạo nên tôi lại không hỏi han được người xung quanh, thế nên thỉnh thoảng lại nhầm lẫn. Cứ mỗi khi tôi mắc sai sót, lại có một người Nhật khoảng trên dưới 30 tuổi cầm thanh cốt thép đập vào mũ bảo hộ của tôi và quát tháo: “Đồ ngu!” hay “Đầu mày có vấn đề à!”. Có lúc tôi còn bị người này nắm lấy ngực áo và doạ nạt nữa. Trong khi đó, những người Nhật khác chẳng ai ngăn người này lại. Ngược lại, có lúc tôi còn bị 3 người khác dùng thanh cốt thép để đánh. Vì nghĩ rằng không thể để bị đuổi việc nên tôi chẳng dám nói gì khác ngoài câu “Tôi xin lỗi ạ".

Bị đánh mạnh vào ống chân bằng dụng cụ buộc thép

Dụng cụ buộc thép

    Vào một ngày tháng 6, tôi bị một người đàn ông khoảng 50 tuổi làm cùng đánh rất mạnh vào ống chân bằng dụng cụ buộc thép. Nguyên nhân là do sau khi tôi đứng buộc xong cốt thép, người đó bảo tôi “ngồi xuống đi", nhưng do nghe không hiểu phương ngữ Okinawa nên tôi cứ đứng nguyên như cũ. Người đàn ông đó lại nói “ngồi xuống đi" một lần nữa, vừa nói vừa dùng dụng cụ buộc thép bằng kim loại vụt ngang vào ống chân tôi. Tôi đã hét lên vì quá đau. Đau đến mức không thở nổi, tôi nằm bẹp dưới đất, hai tay ôm ống chân. Cho rằng đây là hành vi phạm tội, vào giờ nghỉ trưa, tôi đã liên lạc với phiên dịch viên người Việt của đoàn thể quản lý để thông báo, và nhờ họ “liên lạc với cảnh sát giúp tôi”. Thế nhưng...
【Lời khuyên của Ban biên tập】 Dùng thanh cốt thép đánh vào đầu là tội bạo hành trong luật hình sự, dùng dụng cụ đánh mạnh vào ống chân làm bị thương là hành động gây thương tích. Trong trường hợp những chuyện như thế này xảy ra, đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn tiếp nhận) phải nhắc nhở, chỉ đạo cơ quan tiếp nhận. Trường hợp không thể giải quyết được, đoàn thể quản lý phải có các biện pháp xử lý, ví dụ như tìm nơi thực tập khác… Tuy nhiên, trong trường hợp đoàn thể quản lý không có biện pháp xử lý thích đáng, các bạn hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kĩ năng quốc tế (OTIT). Các bạn có thể trao đổi bằng tiếng Việt thông qua đường link dưới đây. Ngoài ra, còn có cả số điện thoại liên lạc: 0120-250-168.     Trong trường hợp ngay cả khi đã trao đổi với OTIT mà tình hình vẫn không cải thiện thì hãy trao đổi với các tổ chức hỗ trợ tư nhân. Ví dụ như tổ chức dưới đây: Hội hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật

Tuyệt vọng vì “Không còn nơi để cầu cứu"

Sau khi bị đánh vào ống đồng bằng dụng cụ buộc thép, tôi đã liên lạc với trụ sở của đoàn thể quản lý. Tuy nhiên, tối hôm đó, hai người đến kí túc xá lại là trưởng chi nhánh Okinawa của đoàn thể quản lý và giám đốc công ty tôi thực tập. Nếu đoàn thể quản lý muốn điều tra một cách nghiêm túc thì phải lắng nghe thông tin của tôi ở một nơi nào đó không có người liên quan đến công ty tôi thực tập và phải có cả phiên dịch. Thế nhưng, đoàn thể quản lý chẳng những không dẫn theo phiên dịch mà lại xuất hiện cùng với giám đốc công ty tiếp nhận thực tập. Quả nhiên, thời gian trao đổi chỉ kéo dài vài phút ngắn ngủi, chỉ bao gồm câu hỏi của họ rằng: “Ngày hôm nay đã xảy ra chuyện gì vậy?”, và tôi dùng thứ tiếng Nhật ấp úng để giải thích. Ngày hôm sau, tôi cùng giám đốc công ty đi bệnh viện, nhưng sự việc chẳng được báo cho cảnh sát, mà cũng chẳng có lời xin lỗi hay bồi thường nào hết.      Hành vi bạo lực đến như vậy mà đoàn thể quản lý cũng chẳng có biện pháp nào để xử lý, nên chuyện họ lấy thanh cốt thép đánh vào đầu tôi vẫn tiếp diễn. Thỉnh thoảng, sau khi xong việc, tôi lại ngồi khóc ở gần kí túc xá. Có lúc, vào giờ nghỉ trưa, tôi đi ra xa khỏi công trường rồi ngồi khóc dưới trời nắng gắt.

Không thể chịu nổi tình trạng bạo lực, tôi quyết định bỏ trốn

   Tôi trở nên bị ám ảnh với suy nghĩ “Mình không thể chịu nổi tình trạng bạo lực thế này suốt 3 năm được. Nhưng mình chẳng có ai để chia sẻ, xin lời khuyên cả”. Thế rồi, tôi bắt đầu vào các trang Facebook giới thiệu công việc cho những người cư trú bất hợp pháp. Có rất nhiều những trang Facebook kiểu như vậy. Trong các trang này, người ta không chỉ giới thiệu công việc (lao động bất hợp pháp) mà còn có cả hoạt động mua bán thẻ ngoại kiều giả hoặc mua bán tài khoản ngân hàng của những người đã về nước. Ngày 13/08/2018, tôi đăng mẩu tin với nội dung “Bây giờ tôi không có việc, muốn ra ngoài để làm việc. Ai có công việc gì có thể giới thiệu cho tôi được không?”. Ngay trong ngày hôm đó, có khoảng 10 người đã trả lời tin. Nội dung công việc mà họ giới thiệu bao gồm phá dỡ công trình, xây dựng, công việc trong nhà máy. Tôi đã nhờ một trong số họ giới thiệu vào một nhóm, và thực hiện đúng theo hướng dẫn của họ, bắt đầu chuẩn bị lên đường đi Osaka.

Bắt đầu cư trú bất hợp pháp ở Kansai

Đi đến bến xe buýt gần kí túc xá để ra sân bay Naha (Ngày 19/08/2018)

   Khi đó đang là thời gian nghỉ hè nên tiền vé máy bay từ Okinawa đến Osaka lên tận 25.000 yên. Sáng sớm ngày 19/8, tôi mang theo một vali rời khỏi kí túc xá, rồi đi xe buýt đến thành phố Naha. Do không biết cách đi tiếp bằng tàu điện nên tôi đã lên taxi đi tới sân bay, mất những 6.000 yên.

Nhìn ra cửa sổ máy bay khi bay từ Okinawa đến Osaka (Ngày 19/08/2018)

    Sau khi đến sân bay Itami ở Osaka và gọi điện thoại cho nhóm nọ, tôi được đón bằng xe con và đưa đến căn hộ ở thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo. Trong hai căn hộ đó, mỗi căn có 5 người lưu trú bất hợp pháp, tôi ngủ lại đó một đêm. Từ ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm công việc phá dỡ tại công trường ở thành phố Sakai, Osaka, nhưng do đây là công việc nguy hiểm nên sau 2 tuần, tôi đã ngừng làm việc. Nhận lương về tay 77.000 yên, tôi phải trả tiền nhà ở trong 2 tuần là 5.000 yên và phí giới thiệu việc làm 20.000 yên.

Ổn định cuộc sống ở tỉnh Aichi

Vận hành xe nâng trong nhà máy ở tỉnh Aichi (Năm 2019)

    Tôi lại đăng tin lên một trang Facebook khác và tìm được công việc tiếp theo. Ngày 6/9, tôi đi tới tỉnh Saitama. Đây là công việc về xây dựng. Tôi ở cùng một căn hộ với 2 người Nhật và 1 người Việt Nam cư trú bất hợp pháp khác. Tôi làm việc ở đây trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, tiền lương ở đây thấp hơn mức được hứa hẹn, khi tôi phàn nàn với người Việt đã giới thiệu công việc thì lập tức bị đuổi việc, nên tôi đã quay trở về căn hộ ở Amagasaki. Sau đó, ngày 18/10, tôi dự phỏng vấn ở tỉnh Aichi và ngày hôm sau bắt đầu làm việc. Đây là nhà máy kiểm tra linh kiện ô tô, phí giới thiệu công việc là 8 vạn yên. Nhóm giới thiệu việc này đã làm giả thẻ ngoại kiều cho tôi và trình cho công ty, nhờ vậy, tôi được tuyển vào theo dạng nhân viên làm thêm bán thời gian.

Tổ chức ăn uống cùng 5 người Việt ở cùng phòng kí túc xá (Năm 2019)

    Tôi sống trong kí túc xá cùng với 5 người khác, tất cả đều là thực tập sinh kĩ năng người Việt đã bỏ trốn. Thời gian làm ngoài giờ ở đây nhiều, nên tôi nhận được mức lương về tay khoảng 21 vạn yên, mỗi tháng gửi được về cho gia đình ở Việt Nam từ 10 đến 15 vạn yên.

Trong thời gian lưu trú bất hợp pháp, lấy được bằng N3

Ảnh chụp tại khu mua sắm gần kí túc xá (Năm 2019)

   Vì cuộc sống đã ổn định nên tôi bắt đầu học tiếng Nhật. Mỗi tối, tôi vào YouTube xem phim hoạt hình Nhật Bản (âm thanh là tiếng Nhật, phụ đề là tiếng Việt), và làm các bài tập trong sách học. Người Nhật ở cùng chỗ làm cũng rất tốt, giao lưu với họ giúp tiếng Nhật của tôi khá lên. 6 người Việt và khoảng 30 người Nhật ở chỗ làm cứ mỗi tuần lại rủ nhau đi nhậu thành nhóm lớn, và thỉnh thoảng còn đi chơi bowling nữa. Tháng 7/2019, tôi đã thi đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3.

Nhóm giới thiệu việc làm bất hợp pháp bị bắt

Bài báo nói về vụ bắt giữ và khởi tố nhóm môi giới việc làm bất hợp pháp (Ngày 22/10/2019)

    Tuy nhiên, cuộc sống không yên ổn mãi như vậy. Tháng 10/2019, nhóm môi giới việc làm bất hợp pháp cho chúng tôi bị bắt và khởi tố do một vụ môi giới lao động bất hợp pháp khác. Vụ việc này đã được đăng lên báo. Do có thể sớm bị điều tra về vụ môi giới việc làm cho chúng tôi, giám đốc công ty đã gọi 6 người Việt chúng tôi lên văn phòng và bảo “Từ mai các cậu đừng đến công ty nữa. Từ mai hãy ra luôn khỏi kí túc xá đi".

Bế tắc vì dịch Covid-19, ra đầu thú cơ quan quản lý xuất nhập cảnh

Thời gian làm việc ở Kyoto, tôi được cho ở trọ trong khách sạn (Năm 2019)

    Ngày hôm sau, 6 người chúng tôi rời khỏi kí túc xá. Tôi đi đến căn hộ tại tỉnh Hyogo của một người bạn đi cùng đợt từ cùng cơ quan phái cử. Người này cũng đang bỏ trốn, chúng tôi cùng tìm được công việc làm thêm ngành xây dựng và làm việc trong 10 ngày ở Kyoto. Sau đó, chúng tôi làm công việc lắp đặt tấm pin mặt trời trong khoảng 40 ngày ở tỉnh Saitama, rồi sống khoảng 2 tuần ở tỉnh Tokushima, nhưng đến cuối năm 2019 thì hết việc để làm.

Thẻ ngoại kiều được cấp khi nhập cảnh và đã mất hiệu lực sau khi tôi bỏ trốn

   Tôi đăng tin lên một trang Facebook công cộng dành cho người Việt với nội dung “Hãy cho tôi ở chung, tôi sẽ trả một nửa tiền nhà". Sau đó, tôi ở trọ tại một căn hộ của kĩ sư người Việt ở tỉnh Aichi trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020. Tính đến tháng 3, mỗi tháng tôi trả số tiền nhà là 25.000 yên, nhưng vẫn không tìm được công việc làm thêm mới, trong khi đó, số tiền còn lại ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày càng khó tìm việc hơn nên tôi quyết định về nước. Ngày 30/4, tôi một mình đi đầu thú ở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Nagoya. Có vẻ như nhiều người Việt đang cùng cảnh ngộ như tôi nên thời gian gần đây, trên các trang Facebook môi giới việc làm bất hợp pháp, tôi thấy rất nhiều các bài đăng với nội dung như “Ngày mai tôi đi lên cơ quan xuất nhập cảnh đây. Có ai đi cùng không?”.

Sống trong chùa chờ ngày xuất cảnh

Ảnh chụp tại chùa Tokurinji (Ngày 1/6/2020)

   Ngày hôm đó ở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, tôi được tạm tha và trọ 3 đêm tại khách sạn. Vì hết tiền, tôi đã gọi điện thoại trao đổi với chị Dương (Phó Hội trưởng Hội người Việt nam vùng Tokai mà tôi biết được qua Facebook). Sau đó, tôi được dẫn đến chùa Tokurinji ở thành phố Nagoya. Hiện nay, tôi đang tạm trú ở chùa này cùng với khoảng 50 người Việt khác cũng đang chờ xuất cảnh.

Anh Hạnh đăng kí cấp giấy thông hành do đã làm mất hộ chiếu (Tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka, Ngày 17/6/2020)

   Do gặp chuyện không hay ở nơi thực tập, tôi đã bỏ trốn để lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, các bạn sắp đến Nhật Bản xin hãy tham khảo trang web này và có cách xử lý cho hợp pháp. Tôi rất thích nước Nhật, nhưng trong lí lịch bị ghi là đã từng cư trú bất hợp pháp nên chắc sẽ khó có thể quay lại Nhật Bản. Vì không muốn các kohai rơi vào tình cảnh như mình nên tôi muốn kể lại câu chuyện trải nghiệm thực tế của tôi.