Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol34_img-1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Anh Nguyễn Minh Đức
  • Tháng 6/2011 Tốt nghiệp trường THPT Nam Sách
  • Tháng 9/2011 Vào học tại trường trung cấp sư phạm tiếng Anh
  • Tháng 6/2013 Tốt nghiệp trường trung cấp → Làm việc tại quán cà phê giải khát của gia đình
  • Tháng 4/2016 Vào học trường tiếng Nhật ở Tokyo
  • Tháng 3/2018 Tốt nghiệp trường tiếng Nhật
  • Tháng 4/2018 Vào học tại trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, cơ sở Tokyo

〈Sinh năm 1992, quê ở Hải Dương〉

Lời giới thiệu

“Hội hỗ trợ cộng sinh Nhật Việt" là một tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận - là nơi trao đổi, tư vấn khi người Việt Nam ở khắp các vùng miền tại Nhật Bản gặp khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Anh Đức là một trong các tình nguyện viên trẻ tuổi đang đóng góp công sức tại một ngôi chùa là địa điểm hoạt động hỗ trợ của hội. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cuộc sống du học cũng như các hoạt động tình nguyện của anh Đức.

Vì yêu thích chữ Hán (kanji) nên đã lựa chọn Nhật Bản

Ảnh chụp trong lễ tốt nghiệp cấp 3 (Năm 2011)

   Tôi có chị gái và em gái. Do có người họ hàng sống ở Canada nên chị gái tôi đã đi Canada du học, rồi sau khi học xong, chị tôi kết hôn với người Canada gốc Việt và định cư luôn ở đó. Em gái tôi hiện nay cũng đang du học ở Canada. Thực ra ban đầu tôi cũng thích đi Canada, nhưng cha mẹ tôi lại muốn tôi đi học ở nước nào gần gần, nên tôi đã lựa chọn Nhật Bản. Chắc là cha mẹ tôi nghĩ rằng nếu đi Nhật thì khả năng sau này tôi quay trở về Việt Nam sẽ cao.

Lần đầu trình diễn khả năng viết thư pháp tại một ngôi chùa ở Tokyo (Tháng 2/2020)

   Tôi định lựa chọn đi du học ở 3 nơi: Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Được ông dạy cho chữ Hán và cả thư pháp nên tôi hiểu nghĩa của chữ Hán. Không chỉ vậy, từ khi còn học tiểu học cho đến tận trước khi đi du học, ngày nào tôi cũng luyện viết chữ Hán bằng bút lông. Vì vậy, tôi đã chọn Nhật Bản - đất nước sử dụng chữ Hán.

Lần đầu trình diễn khả năng viết thư pháp tại một ngôi chùa ở Tokyo (Tháng 2/2020)

   Về việc lựa chọn trường tiếng Nhật để du học, tôi được công ty môi giới du học ở Hà Nội đưa cho một danh sách mười mấy trường. Tôi đã lên mạng Internet tìm hiểu về các trường này để so sánh. Ở trung tâm Tokyo như khu vực Shinjuku, Ikebukuro, Ueno… cũng có trường tiếng Nhật, nhưng tôi đã chọn một ngôi trường ở thành phố Kiyose, ngoại ô Tokyo. Tôi hy vọng người sống ở vùng thôn quê sẽ thân thiện hơn người sống ở nơi phồn hoa đô hội. Và thực tế là nơi đây có rất nhiều cây xanh, là một nơi rất dễ sống nên sau khi học tiếp lên một trường đại học ở trung tâm Tokyo, tôi vẫn đi học bằng tàu điện từ tận vùng ngoại ô này.

Cuộc sống ở Nhật

Mỗi năm tôi lại về Việt Nam 2 lần. Ảnh chụp cùng chị em họ tại một ngôi chùa ở Hà Nội. (Năm 2019)

   Nơi tôi làm thêm là một cửa hàng trong chuỗi quán ăn Trung Hoa Hidakaya ở gần nhà. Từ khi sang Nhật cho đến nay, tôi chỉ làm việc ở quán này. Ban đầu, lương giờ của tôi là 950 yên nhưng dần dần tôi cũng được tăng lương và hiện nay lương của tôi là 1.170 yên/giờ. Lương giờ làm tối muộn sẽ được tăng thêm 20%. Sau đợt bùng phát dịch Covid-19, quán chỉ giảm thời gian mở cửa nhưng vẫn kinh doanh nên tiền lương của tôi vẫn được bảo đảm.

   Quy định làm thêm đối với du học sinh người nước ngoài là mỗi tuần không được làm quá 28 giờ, tôi luôn nghiêm túc tuân thủ quy định này. Mỗi tháng trung bình tôi làm 100 giờ và nhận từ 85.000 yên ~ 110.000 yên, nhưng tháng 1 và 2 năm 2020, tiền lương của tôi chưa đến 47.000 yên. Đó là do tôi về Việt Nam 2 tuần trong dịp Tết Nguyên đán và vào thời gian thi cuối năm, tôi đã giảm bớt số giờ làm thêm.

Ảnh chụp ngay trước khi tốt nghiệp, trong lớp học ở trường tiếng Nhật (Tháng 3/2018)

   Tuy nhiên, học phí ở trường tiếng Nhật mỗi năm là 73 vạn yên. Học phí ở trường đại học mỗi năm là 100 vạn yên, du học sinh người nước ngoài được giảm 15 vạn yên, tính cả chi phí trang thiết bị… thì tổng cộng mỗi năm tôi phải trả 88 vạn yên. Dù có tiết kiệm đến mấy đi nữa, nếu chỉ làm thêm thì sẽ không đủ tiền để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt, nên mỗi năm tôi phải nhờ cha mẹ gửi sang khoảng 50 vạn yên để hỗ trợ. Tôi dự định sau này, khi đã kiếm được việc làm chính thức sẽ gửi tiền về cho gia đình.

Sổ tay chi tiêu của tôi (trung bình mỗi tháng)

※ 100 yên = 21.770 VND (Ngày 22/6/2020)

Thu nhập(85.000 yên ~110.000 yên =Trung bình 100.000 yên)
Làm thêm ở 1 nơi

85.000 yên ~110.000 yên

※ Quán đồ ăn Trung Hoa

Chi phí (Trung bình 150.000 yên)
Tiền nhà

36.000 yên

※ Căn hộ một phòng, sống 1 mình

Học phí(Tiền học, sách vở, tài liệu v.v...)

73.000 yên

Tiền điện, nước, ga

8.000~10.000 yên

※ Bao gồm tiền điện, nước, ga

Tiền điện thoại di động

7.000 yên

Tiền ăn

20.000 yên

※ Chỗ làm thêm là quán ăn nên được mua suất ăn dành cho nhân viên với giá 200 yên/bữa.

Chi phí lặt vặt

6.000 yên ~10.000 yên

※ Mua quần áo, chi phí đi lại (tiền vé tháng đi học 4000 yên), tiền ăn ngoài

Tiền chênh lệch・Để dành(Trung bình - 50.000 yên)
Khoản chênh lệch

▲50,000 Yên

※ Bù bằng tiền gia đình gửi sang và tiền làm thêm những đợt nghỉ dài ※ Những lần về Việt Nam, tôi chọn mua vé của Vietnam Airlines vào thời điểm giá rẻ (giá vé khứ hồi là khoảng 50.000 yên)

Gimbap và nem rán tự làm

   Vài tháng trước, máy tính của tôi bị hỏng, nhưng do tiền để dành quá ít nên tôi không mua được máy khác. Nhân dịp này, tôi hủy luôn hợp đồng Wi-Fi ở nhà. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giờ học ở trường đại học chuyển hết thành học online, nếu có máy tính và Wi-Fi thì sẽ tiện hơn nhiều, nhưng tôi đành phải cố gắng dùng tạm điện thoại di động.

   Ngoài ra, do ăn uống ở ngoài đắt đỏ nên tôi chủ yếu tự nấu ăn. Tôi chủ yếu chọn mua các thực phẩm rẻ tiền như đậu phụ hay giá đỗ, rồi bỏ công sức để nấu cho ra món ăn. Mỗi khi đi ăn ngoài, nếu thấy món nào ngon nhưng lại đơn giản, có thể tự làm được là tôi lại chụp ảnh và lưu lại tên món đó, rồi tìm kiếm công thức làm trên mạng. Món mà tôi đặc biệt yêu thích là “Mỳ lạnh Trung Hoa".

Hoạt động ở trường đại học

Trong vở kịch tiếng Trung biểu diễn vào ngày hội văn hoá ở trường đại học, tôi đóng vai hoàng tử (Tháng 6/2018)

   Ở trường đại học, tôi học ngoại ngữ chính là tiếng Trung, và ngoại ngữ thứ hai là tiếng Nhật. Trường của tôi tổ chức lớp học rất ít người, lớp tiếng Nhật có 5 người, còn lớp tiếng Trung thì chưa đến 10 người. Tôi muốn trở thành phiên dịch viên 2 thứ tiếng Trung và Nhật.

Cùng các bạn Việt Nam ở trường đại học, 5 người cùng nhau đi du lịch ở Hakone (Tháng 5/2018)

   Năm ngoái, tôi cùng các bạn người Việt trong trường đại học đi chơi ở Hakone. Để tiết kiệm tiền, tôi không đi du lịch ở những nơi quá xa, nhưng tôi vẫn muốn một lần được đi Kyoto vào một ngày gần đây.

Hoạt động tình nguyện

Sư cô Tâm Trí và tôi (Năm 2019)

   Từ 2 năm trước, thỉnh thoảng tôi lại đến ngôi chùa Nisshinkutsu (ở quận Minato, Tokyo) để tham gia làm lễ cầu siêu cho những người Việt Nam qua đời ở Nhật, và hỗ trợ các hoạt động của “Hội hỗ trợ cộng sinh Nhật Việt”.

   Đại diện của “Hội hỗ trợ cộng sinh Nhật Việt” là 2 nữ tăng, cô Yoshimizu Rie và sư cô Thích Tâm Trí (Hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật). Hai cô là chỗ nhờ cậy của người Việt Nam tại Nhật, hai cô thực hiện tư vấn và hỗ trợ người Việt gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống trên khắp nước Nhật.

Đóng mỳ gói viện trợ vào thùng (Tháng 5/2020)

   Ngoài ra, từ tháng 3/2020, hội thực hiện hoạt động gửi thực phẩm quyên góp được cho các thực tập sinh, du học sinh Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên khắp nước Nhật (miễn phí). Từ tháng 4, tôi cũng tham gia giúp sức cho hoạt động này. Trong ngôi chùa này, có cả những người không về Việt Nam được hay bị mất việc do dịch Covid-19 đang ở nhờ. Cứ đến cuối tuần, tôi lại ngủ một đêm ở chùa và cùng mọi người ở đây sắp xếp, đóng gói và gửi hàng hoá hỗ trợ. Ở chùa, mọi người cùng nấu nướng, sáng và chiều lại cùng nhau tụng kinh. Link: Hoạt động của “Hội hỗ trợ cộng sinh Nhật Việt" (blog)

Tụng kinh ở chùa

Cùng ăn cơm với những người Việt ở nhờ trong chùa.

Học tiếng Nhật

Bảng điểm và đánh giá chuyên cần thời học trường tiếng Nhật

   Sau khi sang Nhật 3 tháng, tôi đã thi đỗ trình độ N3 Kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) tổ chức tháng 7/2016. Trước khi sang Nhật, tôi được một cựu du học sinh dạy tiếng Nhật trong vòng 3 tháng, và học 3 tháng nữa tại trung tâm tiếng Nhật ở Hà Nội, ngoài ra, tôi cũng tự học thêm. Tháng 7/2018, tôi thi đỗ chứng chỉ N2 và hiện hiện nay đang học để thi lấy chứng chỉ N1. Tôi chủ yếu sử dụng bộ sách “Shin Kanzen Master" (ngữ pháp, từ vựng, nghe hiểu, đọc hiểu) để học. Ngoài thời gian học trên lớp, mỗi ngày tôi còn tự học hơn 2 tiếng đồng hồ.

Cùng người phụ trách quán (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp tham gia buổi lễ của hội sở chính công ty mà tôi làm thêm (Tại một khách sạn ở Tokyo, tháng 12/2018)

   Ở chỗ tôi làm thêm có rất nhiều sempai và đồng nghiệp người Nhật, nên có chỗ nào không hiểu khi học tiếng Nhật, tôi lại được họ chỉ bảo, giúp đỡ. Tôi được giao tất cả các công việc từ làm bếp, rửa bát, tiếp khách, thu ngân, có hôm tôi còn được giao cả công việc kiểm đếm doanh thu lúc đóng cửa quán. Trong khoảng 20 nhân viên ở quán, có 2 người Việt và 2 người Trung Quốc. Đây là nơi làm việc có nhiều cơ hội nói chuyện bằng tiếng Nhật nên việc làm ở đây giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc cải thiện trình độ tiếng Nhật.

Những điểm khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản

Lúc mới sang Nhật, tôi đã rất bối rối vì những điểm khác biệt trong văn hoá Việt Nam và Nhật Bản
Việt Nam Nhật Bản
Đi học, đi làm Chủ yếu là bằng xe máy, xe đạp, xe buýt. Ở thành phố, vào giờ đi làm, đường sá tắc nghẽn vì xe máy. Chủ yếu là bằng tàu điện. Tàu điện rất tiện lợi, nhưng buổi sáng và tối, tàu rất đông đúc.
Xe ô tô lưu thông Xe đi bên phải đường, tài xế ngồi ở bên trái Xe đi bên trái đường, tài xế ngồi ở bên phải. Khi về Việt nam chơi, ngồi lên xe máy, tôi suýt nữa thì đi nhầm bên, rất nguy hiểm.
Hút thuốc lá Quy định lỏng lẻo, ở đâu cũng hút thuốc được Quy định chặt chẽ các nơi được hút thuốc và không được hút, vi phạm sẽ bị phạt
Ăn ngoài Rẻ và ngon Đắt
Nhà ở Phòng ở nhà tôi rộng rãi hơn Tiền thuê nhà đắt, phòng thì chật

Chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp Hội hỗ trợ cộng sinh Nhật Việt nhận được rất nhiều thực phẩm quyên góp (Tháng 5/2020)

   Tuy nhiên, bây giờ thì tôi đã hoàn toàn quen với nước Nhật. Tôi nghĩ là sau khi tốt nghiệp mình có khả năng tìm được công việc có thể phát huy năng lực về ngoại ngữ. Nếu làm việc ở Nhật Bản, cuộc sống sẽ ổn định hơn. Vì vậy, khi cha mẹ tôi còn khoẻ mạnh (cha tôi 60, còn mẹ tôi 54 tuổi), tôi sẽ sống ở Nhật càng lâu càng tốt. Ngoài ra, ngay cả sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, nếu có thể giúp ích được gì cho Hội hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật thì tôi mong vẫn được tiếp tục làm công việc tình nguyện này.