Các bạn đã từng nhờ cậy việc gì ở KOBAN của Nhật bao giờ chưa? KOBAN là để chỉ chỗ làm việc của cảnh sát, nhưng so với đồn công an ở Việt Nam thì về cảm giác vẫn có những khác biệt nhỏ phải không nhỉ. Lần này, chúng tôi xin được giới thiệu về KOBAN, niềm hãnh diện với thế giới của Nhật Bản.
Dưới đây là câu chuyện tôi ghi chép lại từ lời kể của một người bạn. Câu chuyện kể về lần con gái nhỏ của chị bị thương ngoài phố hồi gia đình chị mới sang Nhật.
Tôi từng một lần được giúp đỡ của KOBAN.
Một buổi cuối tuần hồi mới sang Nhật, gia đình 4 người chúng tôi cùng nhau đi mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Mới sang, rất nhiều thứ phải mua nên hôm đó chúng tôi mua đồ đến gần 11 giờ đêm mới xong, đồ đạc rất nhiều thứ cồng kềnh lỉnh kỉnh.
Cả chồng tôi và tôi đều hai tay đầy ắp đồ đạc nên chúng tôi phải nhờ cậu con trai 8 tuổi đẩy giúp xe đẩy mà con gái nhỏ đang ngồi. Không may, xe đẩy vấp vào gờ đường và lật úp khiến con gái tôi ngã sấp xuống đường, dưới cằm con bé có một vết rách máu chảy đầm đìa.
Vì là đêm khuya, các bệnh viện bình thường đều đã đóng cửa và chỉ nhận các ca cấp cứu. Chúng tôi gọi taxi định nhờ đưa đến bệnh viện gần nhất nhận cấp cứu, nhưng khi nhìn thấy con gái tôi máu tuôn xối xả, tài xế taxi đã từ chối không chịu chở.
Đang lúc hoảng hốt không biết phải làm sao, tôi bỗng chợt nhớ đến KOBAN. Từng nghe nói rằng “nhân viên cảnh sát ở KOBAN luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân gặp khó khăn” nên tôi nghĩ “đến đó hỏi thăm có khi lại được trợ giúp cũng nên”. Cũng chẳng còn nơi nào để nhờ vả, tôi thử đi đến KOBAN.
Quả đúng như lời đồn, khi chúng tôi tới nơi, các anh cảnh sát tỏ ra rất lo lắng cho tình hình con gái tôi và còn gọi giúp luôn cả xe cứu thương. Chúng tôi chờ xe cứu thương ngay tại KOBAN và sau đó cả nhà cùng lên xe đi tới bệnh viện. May sao, vết thương con gái tôi không nặng và mọi chuyện cuối cùng cũng êm xuôi.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi ngồi trên xe cứu thương và câu chuyện đêm hôm đó trở thành kỉ niệm rất khó quên trong cuộc sống của chúng tôi nơi đất khách quê người.
Ngoài những công việc thường lệ của cảnh sát như xử lý vấn đề liên quan đến vụ án, tai nạn, tuần tra khu vực xung quanh, nhiệm vụ của cảnh sát tại KOBAN còn bao gồm rất nhiều việc khác như chỉ đường, tiếp nhận thông tin đồ thất lạc, các hoạt động bảo vệ trẻ em đến trường, điều phối giao thông, đi thăm hỏi nhà người cao tuổi v.v…
Một đặc trưng về văn hoá vẫn được ca ngợi ở Nhật Bản là “rất dễ tìm lại được đồ đánh rơi”. Tôi cho rằng một phần lý do khiến văn hoá này được hình thành là do ở Nhật Bản đâu đâu cũng có KOBAN.
Một trong những đồ vật nếu làm rơi sẽ rất phiền phức là ví tiền. Theo trung tâm quản lý đồ thất lạc của Cục cảnh sát, trong năm 2018, tổng số tiền mặt bị đánh rơi được đưa đến KOBAN hoặc sở cảnh sát trong nội đô Tokyo lên tới khoảng 3,8 tỷ yên. Trong đó, số trả lại được cho người đánh mất là khoảng 2,8 tỷ yên, tức là hơn 70%. Có lẽ, do từ trước đến nay, khi còn nhỏ, người Nhật đã được dạy rằng “nhặt được của rơi phải đưa đến KOBAN”, với tính cách nghiêm chỉnh của người dân, lại thêm KOBAN có mặt ở khắp nơi trên cả nước nên ở Nhật rất dễ tìm lại được đồ thất lạc. Tôi tin rằng Nhật Bản là đất nước mà không chỉ người Nhật mà cả người nước ngoài cũng thấy việc báo cáo và tìm đồ thất lạc là rất dễ dàng.
Hệ thống KOBAN của Nhật Bản đã vươn ra khắp thế giới, có nước còn dùng nguyên biển hiệu ghi chữ KOBAN. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á quan tâm đến hệ thống KOBAN và đã triển khai hệ thống này từ năm 1983. Indonesia thì bắt đầu triển khai từ năm 2004, ở Campuchia cũng có KOBAN.
Các nước Mỹ Latin như Brazil, Honduras và El Salvador đã triển khai hệ thống KOBAN, trong đó Brazil là nơi hệ thống này mang lại hiệu quả ấn tượng.
Ở Brazil, hệ thống KOBAN bắt đầu được triển khai từ năm 1997 trên cơ sở tham khảo mô hình của Nhật Bản. Năm 2005, theo đề nghị của Chính phủ Brazil, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cử chuyên gia đến bang San Paolo và bắt đầu triển khai “Dự án Hoạt động cảnh sát khu vực”. Mục đích của dự án là để ổn định “Hệ thống KOBAN” nhằm bảo vệ sự yên ổn và an toàn cho khu vực dựa trên các điểm KOBAN. Hiện nay, ở đây đã có hơn 270 KOBAN được thiết lập.
Kết quả là trong khu vực địa phận quản lý của một KOBAN nọ, so với tình hình khoảng 10 năm trước, số lượng các vụ phạm tội đã giảm xuống còn dưới 1/15. Hiệu quả của việc thiết lập các KOBAN gồm có: Một là, sự hiện diện thường xuyên và cận kề của cảnh sát đã ngăn chặn tình trạng phạm tội; Hai là, sự hiện diện thường xuyên và gần gũi trong khu vực khiến lòng tin của người dân dành cho cảnh sát tăng lên v.v… Có thể nói rằng các lợi ích này của KOBAN được phát huy và đã khiến hình thành các chách suy nghĩ: không phải là xảy ra vụ án hay tai nạn rồi mới xử lý mà “phòng ngừa trước khi xảy ra”.
Hiện nay KOBAN đang phấn đấu để tạo nên sự gần gũi, thân thiện hơn nữa với mọi người dân trong khu vực. Quanh tôi có rất nhiều người từng được KOBAN giúp đỡ. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài chúng ta, luôn tồn tại một sự lo lắng về “rào cản ngôn ngữ”.
Để đáp ứng nhu cầu này, cảnh sát Nhật Bản đang nỗ lực để có thể làm việc được cả bằng tiếng nước ngoài. Các biện pháp đang được thực hiện gồm có: bố trí nhân viên cảnh sát biết ngoại ngữ hoặc người phiên dịch ở những nơi người nước ngoài đến nhiều như các điểm du lịch hay điểm giao thông quan trọng trên toàn quốc để có thể giao tiếp suôn sẻ với người nước ngoài.
Hiện nay, Cục cảnh sát đang thực hiện thí điểm bố trí ít nhất 1 nhân viên cảnh sát biết ngoại ngữ thường trực ở KOBAN Kabukicho (sở cảnh sát Shinjuku) và KOBAN Shibuya Ekimae (sở cảnh sát Shibuya). Sở cảnh sát Osaka thì hiện đang áp dụng mô hình KOBAN sử dụng được tiếng nước ngoài tại KOBAN Terminal trong Sân bay Quốc tế Kansai bằng cách bố trí người phiên dịch tiếng Anh có mặt 24/24 giờ.
Ngoài ra, những năm gần đây, trường đào tạo cảnh sát cũng tổ chức các khoá học ngoại ngữ cho học viên, trong đó có cả tiếng Việt.