Gặp gỡ sempai số này
Lê Trung Hải
Tháng 5/2014Tốt nghiệp trường THPT Phan Châu Trinh 〈TP Đà Nẵng〉
Tháng 9/2014Nhập học trường Nhật ngữ Đông Du 〈Hồ Chí Minh〉
Tháng 10/2015Tốt nghiệp trường Nhật ngữ Đông Du
Tháng 10/2015Nhập học khoa tiếng Nhật trường Kamimura Gakuen 〈Tỉnh Kagoshima〉
Tháng 3/2017Tốt nghiệp khoa tiếng Nhât trường Kamimura Gakuen
Tháng 4/2017Nhập học ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học tỉnh lập Nagasaki 〈Tỉnh Nagasaki〉
〈Sinh năm 1996 tại thành phố Đà Nẵng〉
Lời mở đầu
Ảnh chụp cùng các bạn đại học (người Việt, Nhật và Trung) tại một quán bar đông khách ngoại quốc ở Sasebo〈2018〉
Ở số này chúng ta sẽ gặp gỡ Lê Trung Hải, chàng trai luôn giữ vững mục tiêu “Học thành tài và mở rộng các mối quan hệ trên đất Nhật để cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam”, không ngừng nỗ lực học tập và trân trọng khoảng thời gian cùng bạn bè. Hy vọng câu chuyện du học với trải nghiệm giao lưu phong phú của Hải sẽ là một kênh tham khảo cho các bạn du học sinh cũng như các bạn sắp lên đường đến Nhật Bản !
Ảnh chụp cùng các bạn đại học (người Việt, Nhật và Trung) tại một quán bar đông khách ngoại quốc ở Sasebo〈2018〉
Quá trình học tập miệt mài trước khi đi du học
Mặc dù đã thi đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam, nhưng sau khi nghe câu chuyện của một người họ hàng từng dụ học Nhật và rất thành công, tôi lại muốn được đi du học. Và bước đầu tiên để hiện thực hóa điều đó chính là nhập học trường Nhật ngữ Đông Du.
Trung tâm đào tạo du học Bình Mỹ của trường Nhật ngữ Đông Du áp dụng một chương trình giáo dục tiếng Nhật trình độ cao dành riêng cho các học sinh nhắm đến các trường đại học của Nhật Bản. Tôi đã ở nội trú tại đây trong vòng một năm. Dù bắt đầu từ con số 0 với tiếng Nhật, tôi đã nhanh chóng lấy được chứng chỉ JLPT N3 sau một năm này. Tại ngôi trường này, chúng tôi học liên tục từ sáng đến chiều tối các ngày trong tuần cộng thêm sáng thứ 7, và mỗi tháng đều có kỳ phân chia lại lớp học dựa trên kết quả thi. Thực tế, đã có nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng vì không theo nổi các giờ học tại đây.
Lớp học ở Đông Du (tôi ở góc trái). Nhiều bạn tranh thủ ngủ giấc ngắn giữa các giờ học vì thời gian học kéo dài cả ngày
Lớp học ở Đông Du (tôi ở góc trái). Nhiều bạn tranh thủ ngủ giấc ngắn giữa các giờ học vì thời gian học kéo dài cả ngày
Ảnh chụp cùng các bạn đồng khóa đi từ TPHCM đến sân bay Fukuoka trước khi đến Kagoshima – bến đỗ du học của tôi〈tháng 10/2015〉
Quá trình học tiếng Nhật
Ảnh chụp cùng các bạn học tại trường Kamimura Gakuen〈2017〉
Từ tháng 10 năm 2015, tôi nhập học và trải qua một năm rưỡi tại trường Kamimura Gakuen ( Tỉnh Kagoshima) – ngôi trường có liên kết với Nhật ngữ Đông Du. Bên cạnh đó tôi cũng tự ôn luyện cho kỳ thi du học Nhật Bản (EJU).
Ngoài giờ học trên lớp, tôi cũng sử dụng các giáo trình sau đây cho việc học tiếng Nhật của mình :
・Bộ giáo trình Shinkanzen Master
・Bộ giáo trình Speed Master
・Bộ giáo trình Nihongo Soumatome
Tôi cũng tận dụng các nguồn tivi và internet, chẳng hạn như :
・Tin tức trên tivi
・Phim hoạt hình Nhật Bản ( tiếng Nhật, phụ đề tiếng Việt)
・Các bài hát tiếng Nhật
Ảnh chụp cùng các bạn học tại trường Kamimura Gakuen〈2017〉
Việc ôn luyện cho kỳ thi Du học Nhật Bản (EJU)
Các bạn đồng khóa và kouhai Đông Du của tôi ở Sasebo trong một bữa ăn. Sinh viên Đông Du luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhau〈2016〉
Để phục vụ cho kỳ thi EJU, tôi đã sử dụng các bộ giáo trình như bộ “Tuyển tập đề thi EJU High Level” (NXB Ask), bộ “Toán học I+A dễ hiểu” (NXB Buneido). Ngoài ra, các sempai Đông Du đã đỗ đại học còn tổ chức kỳ thi thử EJU 2 lần mỗi năm ngay trước các kỳ thi thật, chấm điểm và kèm cặp riêng cho kouhai chúng tôi. Kết quả của quá trình cố gắng đó là tôi đã đỗ vào trường đại học tỉnh lập Nagasaki, thành phố Sasebo.
Các bạn đồng khóa và kouhai Đông Du của tôi ở Sasebo trong một bữa ăn. Sinh viên Đông Du luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhau〈2016〉
Học phí và học bổng
Tại lễ hội truyền thống của trường Kamimura Gakuen〈tháng 11/2016〉
Học phí tại trường Kamimura Gakuen gồm 10 nghìn yên tiền nhập học cùng với khoảng vài chục nghìn yên tiền học, tiền ở ký túc xá và phí tiêu thụ năng lượng hàng tháng, được xem như chi phí theo thỏa thuận liên kết với Đông Du.
Học phí ở đại học tỉnh lập Nagasaki bao gồm 370 nghìn yên tiền nhập học và 535.800 yên học phí cho mỗi năm. Tuy nhiên nhờ chế độ miễn giảm cho du học sinh, tôi được giảm một nửa học phí hàng năm. Chế độ này có điều kiện xét dựa trên thành tích học tập của sinh viên.
Ngoài ra, tôi cũng bắt đầu nhận học bổng từ quỹ Rotary Club từ tháng 4 năm 2019 với số tiền 10 nghìn yên mỗi tháng, trong vòng 2 năm.
Link: Về học bổng Rotary : Hội khuyến học kỷ niệm Rotary - Yoneyama
Tại lễ hội truyền thống của trường Kamimura Gakuen〈tháng 11/2016〉
Việc làm thêm
Ảnh chụp cùng với các bạn cùng làm thêm ở Resort – Khách sạn. Sau lưng chúng tôi là công viên Huis Ten Bosch〈khoảng năm 2018〉
Tôi đã duy trì nhiều công việc làm thêm trên nguyên tắc tuân thủ quy định giờ làm tối đa 28 giờ mỗi tuần ( vào kỳ nghỉ dài là 40 giờ mỗi tuần), bên cạnh đó tôi cũng từng đến những nơi xa, ở lại đó và làm các công việc liên quan đến nông nghiệp. Thông qua các công việc làm thêm này, tôi có được cơ hội nói tiếng Nhật nhiều hơn, qua đó có thêm rất nhiều bạn bè, người quen.
Ảnh chụp cùng với các bạn cùng làm thêm ở Resort – Khách sạn. Sau lưng chúng tôi là công viên Huis Ten Bosch〈khoảng năm 2018〉
Giai đoạn
Công việc làm thêm chủ yếu
Kamimura Gakuen
▪ Tiệm mì Ramen (do nhà trường giới thiệu)
Tôi đăng ký làm ở vị trí nhân viên phục vụ nhận order nhằm luyện tập tiếng Nhật. Ban đầu, tôi chỉ ghi nhớ thực đơn cùng các câu nói đã thành quy ước như “Xin kính chào”, “Vui lòng gọi tôi khi quý khách đã chọn xong”, “Các món quý khách gọi đã đủ chưa ạ”…(và nếu bị hỏi những gì mình không biết, tôi sẽ gọi quản lý tiệm ra). Một thời gian sau, tôi đã dần hiểu được tiếng Nhật khá hơn.
Đại học năm 1-3
▪ Khách sạn – Resort
Chỗ làm của tôi là khách sạn cùng chung khuôn viên với công trình du lịch Huis Ten Bosch. Tại đây tôi đảm nhận các việc như nhân viên nhà hàng, chuẩn bị tiệc cưới, bưng bê phục vụ thức ăn…Vì phải mất một giờ để đi từ nhà, nên tôi chỉ làm việc này vào khung giờ cuối tuần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện tôi không thể làm công việc này nữa.
Đại học năm 2-3
▪ Cửa hàng tiện lợi
Vào những ngày trong tuần, tôi làm thêm tại cửa hàng tiện lợi ở gần nhà. Công việc ở các Business Hotel và resort được bố trí vào cuối tuần.
Đại học năm 3-4
▪ Business Hotel
Công việc của tôi là dọn dẹp vệ sinh và trải giường khách sạn. Thời gian làm từ 9h30 đến 14h30. Giai đoạn đầu tôi chỉ làm vào cuối tuần, nhưng khi đã lấy đủ hầu hết tín chỉ cần thiết ở trường, từ năm 4 tôi bắt đầu làm cả những ngày trong tuần nữa.
Đại học năm 4
▪ Tiệm cơm bò (Gyudon)
Tôi bắt đầu công việc tại đây sau khi mất việc ở Resort do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các kỳ nghỉ hè (năm 1-3)
▪ Công việc làm nông (do Sempai Đông Du giới thiệu)
Tôi ở lại đó và làm các công việc đồng áng tại tỉnh Iwate. Tại đây, tôi thức từ 4h sáng và làm các công việc như thu hoạch củ cải. Mùa hè năm 2 đại học, tôi đã ở lại 1 tháng, làm việc 40 ngày và thu nhập 420 nghìn yên. Hè năm thứ 3, tôi cũng ở lại 1 tháng và thu nhập là 220 nghìn yên.
Sổ tay chi tiêu của tôi (tính trung bình một tháng)
※Đây là thông tin thu chi ở thời điểm năm 3 đại học
※100 yên = 21639 đồng (tính tại thời điểm 23/7/2020)
Thu nhập (tổng thu nhập 170.000 yên ~ 180.000 yên)
Thu nhập
・Thu nhập từ 3 công việc làm thêm 70.000 ~ 80.000 yên
※Công việc ở cửa hàng tiện lợi, Business Hotel và Resort
※Vào những tháng có bài thi và kiểm tra, thu nhập rơi vào khoảng 30.000 yên
・Học bổng 100.000 yên
※Học bổng được cấp bởi hội khuyến học Rotary-Yoneyama
Chi tiêu (tổng chi tiêu 94.000 yên ~ 110.000 yên)
Tiền nhà
26.000 yên
※Tôi sống 1 mình, 1 phòng, tiền nhà đã bao gồm tiền wifi và tiền nước sinh hoạt
Tiền học phí
25.000 yên
Phí tiêu thụ năng lượng
10.000 yên
※Gồm tiền điện và tiền gas (do tôi tự nấu ăn nên tiền gas khá cao)
Tiền sử dụng điện thoại
3.000 yên
※Tôi sử dụng mạng Au
※Tôi thường học ở thư viện trường nơi có wifi đầy đủ, nên tiết kiệm được chi phí sử dụng mạng
Tiền ăn uống
15.000 yên
※Thi thoảng tôi cũng được nhận những phần cơm Haiki (vừa quá hạn) từ cửa hàng tiện lợi nơi tôi làm việc
Tiền tiêu vặt
15.000 yên ~ 30.000 yên
※Gồm tiền mua sắm quần áo, đi lại và ăn ngoài
Tiền chênh lệch – Tiền tiết kiệm (70.000 yên ~ 80.000 yên)
Tiền chênh lệch
70.000 yên ~ 80.000 yên
※Dùng để chi cho những tình huống khẩn cấp (như đại dịch Covid-19) hay lúc thu nhập giảm do rơi vào giai đoạn thi cử
※Tôi cũng chi cho việc về thăm quê 2 năm 1 lần
※Chi tiêu cho các chuyến du lịch vào kỳ nghỉ dài
Tôi có thể dễ dàng mua được các nguyên liệu, thực phẩm Việt ngay tại cửa hàng ở địa phương〈tháng 7/2020〉
Tôi có thể dễ dàng mua được các nguyên liệu, thực phẩm Việt ngay tại cửa hàng ở địa phương〈tháng 7/2020〉
Bạn bè ở nơi làm thêm
Các bạn mừng sinh nhật tôi sau giờ làm ở tiệm Ramen. Bánh kem do quản lý tiệm gửi tặng〈2016〉
Tôi đã có được rất nhiều bạn bè thông qua các công việc làm thêm của mình. Giai đoạn học ở trường Kamimura Gakuen, nhóm 6 người gồm tôi cùng các bạn cùng khóa người Việt làm thêm tại tiệm mì Ramen và các tiệm cùng hệ thống. Khi đó, chủ tiệm chỉ hơn chúng tôi 2 tuổi đã nhiều lần cùng các nhân viên đến ký túc xá thăm chúng tôi. Tôi và mọi người đã có những giây phút rất vui, tôi làm món Việt chiêu đãi họ và cùng họ uống bia.
Sau khi vào đại học, tôi và bạn bè cùng làm ở Resort – Khách sạn thường tụ họp lại và tổ chức các buổi tiệc, có khi lại tập trung ở nhà của các bạn thực tập sinh trong nhóm để ăn uống, liên hoan.
Các bạn mừng sinh nhật tôi sau giờ làm ở tiệm Ramen. Bánh kem do quản lý tiệm gửi tặng〈2016〉
Cộng đồng người Việt ở địa phương
Cảnh quan thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki
Người Việt Nam ở nơi tôi sống cũng rất tích cực giao lưu với nhau. Bạn bè tôi và nhiều bạn của họ nữa thường xuyên tụ họp ăn uống vào dịp Tết hay cuối tuần, cũng như cùng hỗ trợ những người Việt mới đến Nhật. Năm nay, rất đông người Việt ở địa phương tôi, gồm sinh viên trường tiếng, đồng nghiệp tại chỗ làm thêm và cả bạn đồng khóa ở đại học đã đến nhà các du học sinh kouhai để cùng nhau đón Tết. Mặc dù người Việt ở Nagasaki có thể không đông như các đô thị lớn, nhưng mối gắn kết giữa người Việt ở đây rất khắng khít, chặt chẽ.
Cảnh quan thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki
Bạn đồng môn Đông Du và những chuyến du lịch
Dùng bữa cùng các bạn đồng khóa Đông Du ở điểm du lịch Yokohama〈2018〉
Sinh viên xuất thân từ Đông Du chúng tôi sinh sống ở khắp mọi nơi trên nước Nhật, vì thế có nhiều cơ hội ở lại chỗ của nhau trong những chuyến du lịch xa. Bản thân tôi cũng đã đặt chân đến nhiều nơi như vùng Kyushu, Kansai, Tokyo, Yokohama hay Fukushima… Cả trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng thường kết nối và chia sẻ với các sinh viên Đông Du tại khu vực mình sinh sống.
Dùng bữa cùng các bạn đồng khóa Đông Du ở điểm du lịch Yokohama〈2018〉
Các hoạt động trong câu lạc bộ Rotary
Ảnh chụp cùng với cố vấn của RC tại thành phố Unzen, tỉnh Nagasaki〈tháng 12/2019〉
Nhờ bắt đầu nhận học bổng từ Rotary Club (RC) từ năm 3 đại học, tôi đã được tham gia rất nhiều hoạt động của RC. Từ cơ duyên này, tôi cũng có cơ hội giao lưu kết nối cùng các du học sinh của nhiều quốc gia cũng như với nhiều người Nhật. Đến thời điểm hiện tại trong khuôn khổ các RC trong tỉnh Nagasaki, tôi đã phụ trách tổ chức 6 buổi giao lưu phát biểu nhỏ. Ở đây cũng có các thành viên của RC phụ trách tư vấn cho du học sinh, các vị này cũng thường dẫn chúng tôi đi thăm thú đó đây sau các buổi phát biểu.
Ảnh chụp cùng với cố vấn của RC tại thành phố Unzen, tỉnh Nagasaki〈tháng 12/2019〉
Giao lưu cùng các em học sinh trường trung học phổ thông Chinzei Gakuin〈2019〉
Ngoài ra cũng phải kể đến những dịp mà du học sinh tự tay nấu nướng chiêu đãi các thành viên của RC, cũng như các sự kiện giao lưu với học sinh phổ thông. Điển hình như năm 2019, tôi được đồng hành cùng với đoàn 14 du học sinh trong chuyến tham quan học tập 2 ngày 1 đêm của RC đến thành phố Ichihaya (Nagasaki) và đã có dịp giao lưu cùng các em học sinh phổ thông của địa phương này.
Giao lưu cùng các em học sinh trường trung học phổ thông Chinzei Gakuin〈2019〉
Trải nghiệm đời sống thực tập sinh thông qua công việc làm nông
Ảnh trái: giờ nghỉ trưa ở nông trại〈2018〉
Ảnh phải: ký túc xá của nông trại. Tôi thức rất sớm và di chuyển đến nông trại bằng xe ô tô〈2018〉
Tôi đã có trải nghiệm làm việc kéo dài 1 tháng tại một nông trại ở tỉnh Iwate vào mùa hè hằng năm. Nhóm toàn người Việt chúng tôi gồm 6 bạn thực tập sinh và 4 nhân viên làm thêm đã cùng nhau sống và sinh hoạt ở ký túc xá. Thông qua những đêm cùng uống bia chuyện trò tâm sự, tôi thân thiết với họ như anh em vậy.
Tuy nhiên vào một ngày cách đây 2 năm, một trong số các bạn thực tập sinh đã bày tỏ bất mãn với cách làm việc của người quản lý và muốn dừng công việc này. Các thực tập sinh còn lại cũng cùng chung nỗi bất mãn đó nhưng không thể giãi bày bởi hạn chế về tiếng Nhật của họ. Khi đó, tôi đã đứng ra làm trung gian để đôi bên có thể chia sẻ thẳng thắn với nhau. Mặc dù sau cùng một bạn đã quay về Việt Nam, nhưng nhờ cuộc trò chuyện này mà những đối đãi dành cho thực tập sinh được cải thiện tích cực, đôi bên đã và đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp mà điển hình là gần đây, vị quản lý ấy còn dẫn các bạn đi du lịch nữa .
Ảnh trái: giờ nghỉ trưa ở nông trại〈2018〉
Ảnh phải: ký túc xá của nông trại. Tôi thức rất sớm và di chuyển đến nông trại bằng xe ô tô〈2018〉
Những điều tuyệt vời ở Kagoshima – Nagasaki
Một bữa ăn uống tại nhà của đồng nghiệp cùng làm ở khách sạn – resort〈2019〉
Tôi vẫn thường lui tới Tokyo và Osaka, nhưng cảm nhận của tôi là mọi người ở đó quá bận rộn, căng thẳng. Không ít bạn bè tôi đang học tập tại các đại đô thị này cảm thán rằng, “ Tớ chả thích nổi nước Nhật”, “Tốt nghiệp xong tớ muốn về nước!”…
Nghe những câu chuyện về quan hệ người với người ở các thành phố lớn đó, tôi cảm thấy khác quá so với Kagoshima và Nagasaki. Ở vùng đất này, nhờ gặp được nhiều người Nhật Bản hiền lành tử tế, tôi đã hòa nhập rất tốt vào cuộc sống ở xứ sở anh đào. Cả ở nơi làm thêm cũng có rất nhiều người Nhật sẵn sàng bắt chuyện với tôi. Thêm vào đó, sự gắn kết của cộng đồng người Việt ở địa phương cũng rất tốt. Có thể nói, tôi thật may mắn vì đã đến và du học tại một vùng quê yên lành thế này.
Một bữa ăn uống tại nhà của đồng nghiệp cùng làm ở khách sạn – resort〈2019〉
Việc học ở đại học và suy nghĩ về tương lai
Tôi vẫn đang nỗ lực học tập từng ngày. Vì đã lấy đủ tín chỉ cần thiết trong vòng 3 năm qua, tôi chỉ còn mỗi luận văn tốt nghiệp nữa thôi là hoàn tất chương trình học của mình. Trong thời gian qua, tôi đã học về bảo hiểm và quản trị rủi ro doanh nghiệp, nhưng với mong muốn được học chuyên sâu hơn, tôi đã thi lên cao học với sự giới thiệu của nhà trường và đã có kết quả đỗ. Sau khi tốt nghiệp, tôi có nguyện vọng làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm tại Nhật, và trong tương lai tôi sẽ mang kiến thức cùng kinh nghiệm của mình về phục vụ cho quê hương Việt Nam.