Các bạn Việt Nam ở Nhật mỗi khi có dịp về nước thăm nhà thường ai nấy cũng đều mang vali lớn-bé, thùng to-nhỏ với bao nhiều là quà cho gia đình. Rồi khi sang Nhật, bạn nào cũng được người thân gói cho rất nhiều đồ. Được mang nhiều đồ như thế hẳn rất vui, nhưng cũng đau đầu chuyện làm sao vận chuyển được từ nhà ra sân bay và ngược lại, trong khi cách di chuyển chính là phương tiện giao thông công cộng như tàu điện và xe buýt.
Ở Nhật, việc di chuyển đến sân bay vô cùng thuận tiện. Từ các ga lớn luôn có các chuyến tàu nhanh, xe buýt nhanh chạy thẳng đến sân bay với tần suất vài chục phút 1 chuyến. Tuy nhiên, khi có thêm vài ba kiện hành lý cồng kềnh thì đi như vậy khá vất vả.
Nếu đi tàu điện, sẽ rất bất tiện nếu mang theo nhiều hơn 2 vali kéo, hoặc dùng thùng, hộp. Bởi lẽ quãng đường di chuyển trong ga không hề ngắn, nhất là các ga lớn có tuyến chạy thẳng đến sân bay, chưa kể trường hợp phải chuyển tàu đôi ba lần nếu nhà bạn xa ga lớn. Rồi chuyện lên tàu sao cho nhanh nhẹn, không cản trở người khác cũng là vấn đề. Chỉ chậm 1 phút chưa kéo hết được hành lý lên tàu hoặc trong toa có quá đông người, bạn có thể rơi vào cảnh “vali đi còn người ở lại”!
So với tàu thì đi xe buýt 1 chặng đến sân bay mang theo được nhiều hành lý hơn nhờ khoang gầm chứa đồ rất rộng. Tuy nhiên, đi xe buýt thì thời gian không chính xác tuyệt đối được như tàu vì còn phụ thuộc vào tình hình xe cộ lưu thông trên đường. Ngoài ra việc tìm đúng bến xe đi sân bay cũng rất mất thời gian nên thường phải những ai đã đi nhiều lần mới dễ dàng tìm được chỗ mình cần đến.
Vậy thì đâu là phương án di chuyển tốt nhất khi có nhiều hành lý cồng kềnh? Một trong những câu trả lời là nhờ vào dịch vụ chuyển hành lý ra sân bay của các công ty vận chuyển, cho phép hành khách được rảnh tay đi lại (hands-free travel). Phổ biến và có giá cả phải chăng là một số dịch vụ của các công ty sau:
Dù là dịch vụ của hãng nào thì nhìn chung đều gồm 3 bước cơ bản: ➊ Đăng ký, hẹn ngày giờ ➋ Giao đồ cho bên chuyển phát và ➌ Nhận đồ tại quầy giao hàng ở sân bay. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, tuy nhiên mỗi hãng có một số yêu cầu riêng về thời gian giao nhận cũng như cách thức đóng gói hành lý.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của gia đình mình sau nhiều lần sử dụng dịch vụ của Yamato mỗi khi về nước thăm nhà.
Theo hướng dẫn của Yamato, hành lý sẽ được hãng chuyển tới sân bay 1 ngày trước chuyến bay. Do đó, bạn cần đăng ký trước ít nhất 2 ngày (như trường hợp chuyển hàng từ Tokyo đến các sân bay Narita và Haneda), thậm chí có nơi là 3 ngày. Ngoài ra, theo kinh nghiệm cá nhân, nên đăng ký sớm để hành lý được xử lý trong ngày vì nếu đăng ký muộn quá, hàng của mình phải để qua hôm sau mới xử lý, nên việc chuyển hàng vì thế cũng bị chậm lại.
Việc đăng ký thì rất đơn giản. Có 3 cách như sau ➊ Các bạn có thể gọi điện thoại ➋ Liên hệ qua trang web nói trên và ➌ Mang đồ đến tận quầy đại lý (thường là cửa hàng tiện lợi) hay kho của Yamato để đăng ký. Với mình, vì nhà gần 1 kho hàng của Yamato nên chọn cách ra đó đăng ký, rất nhanh gọn. Bạn chỉ cần thông báo ngày giờ và số hiệu chuyến bay, số lượng hành lý cần gửi, nhân viên Yamato sẽ hẹn ngày giờ đến lấy hàng tận nhà.
Phía Yamato sẽ đưa tờ khai cho bạn về điền trước để tiết kiệm thời gian. Thông tin cần điền bao gồm số hiệu chuyến bay, hãng bay, giờ khởi hành, hàng hóa trong mỗi kiện hành lý. Chi tiết về hãng bay, sảnh đi rất quan trọng, để hành lý được chuyển đến quầy giao nhận gần nhất trong sân bay. Đừng quên giữ biên lai giao nhận nhé, vì bạn còn cần đến chúng để lấy đồ tại sân bay đấy.
Nếu sử dụng dịch vụ của hãng Yamato thì phí vận chuyển như hình dưới đây. Chúng ta có thể tìm thông tin về phí vận chuyển trong trang web nói trên. Nếu sử dụng thẻ tín dụng hoặc tiền điện tử ta còn được giảm giá nữa.
Có một lưu ý nho nhỏ khi đóng đồ là bạn cần đọc kỹ quy định về trọng lượng hành lý. Với Yamato thì hành lý không được quá 25kg. Nếu phải đóng thùng, hộp thì cũng cần lưu ý rằng tổng kích thước 3 chiều không vượt quá 160cm.
Còn nhớ lần đầu sang Nhật cách đây hơn 4 năm, việc đầu tiên của cả nhà ở sân bay Narita là hì hục tháo tung những kiện hàng hơn 30kg để xếp lại vào thùng hàng kích thước chuẩn của Yamato. Nhờ “buổi học đầu tiên” dài hơn 3 tiếng vất vả đó, giờ lúc nào nhà mình cũng đóng đồ sao cho mỗi kiện hàng gửi đại khái là 23kg, theo tiêu chuẩn nói chung về hành lý ký gửi.
Hàng được chuyển đi, đến ngày bay ta nên đến sớm và trước đó nên tra cứu kỹ thông tin về vị trí các quầy giao hàng sân bay, tránh mất thời gian tìm kiếm. Một điểm nữa cần lưu ý về thời gian nhận hàng. Đã có bạn đến nhận hàng lúc 22 giờ thì mới phát hiện quầy của Yamato ở sân bay đã đóng cửa, đành ngậm ngùi để lưu kho đồ đạc tại đó suốt thời gian về Việt Nam. Đặc biệt trong thời dịch bệnh như hiện nay, hoạt động của các quầy giao nhận ở sân bay cũng đươc điều chỉnh nhiều như giảm số quầy tại sân bay, rút ngắn thời gian hoạt động, hoặc đứng chung cùng địa điểm với hãng khác. Các thông tin này đều có công khai trên trang web, các bạn nên xem kỹ trước khi gửi nhé.
Với nhà mình, chi phí mỗi chuyến về Việt Nam giờ lúc nào cũng có thêm khoản “tiền đi lại của hành lý”. Phải thừa nhận là có tốn kém hơn, nhưng đỡ được rất nhiều cảm giác căng thẳng vội vã luôn sợ muộn giờ, sót hành lý giữa lúc phải chật vật xoay xở với đống hành lý to kềnh. Mỗi chuyến bay về nhà đã rất dài, bớt được chút lo lắng, mệt mỏi nào thì chuyến đi sẽ trọn vẹn, vui vẻ hơn phải không nào.
(Phương Chi)