Chúng tôi đã ghé thăm Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (FRESC = FURESUKU) được thành lập tháng 7 năm nay tại Yotsuya, Tokyo. Tại đây, phòng tư vấn luật sư, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan giúp tìm việc làm Hellowork v.v. cùng tập trung tại một tầng nhà và liên kết với nhau thực hiện hỗ trợ cho người nước ngoài, thông qua phiên dịch. Trung tâm bao gồm 4 bộ, cục, 8 cơ quan với tổng số nhân viên khoảng 140 người. Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về hoạt động của cơ sở mới nhất được thành lập này.
・Địa chỉ: Tokyo-to, Shinjuku-ku, Yotsuya 1-6-1 (Toà nhà CO・MO・RE YOTSUYA , tầng 13)
Trung tâm nằm trên tầng 13 của một toà nhà cao tầng đồ sộ, cách ga Yotsuya của tuyến đường sắt JR Chuo・Soubu và tuyến tàu điện ngầm Tokyo Metro Marunouchi・Namboku khoảng từ 1 ~ 3 phút đi bộ. Tên toà nhà là “YOTSUYA TOWER” (tên gọi khác là CO・MO・RE YOTSUYA).
Đây là cơ sở với 8 cơ quan của chính phủ tập trung lại một chỗ để có thể dễ dàng thực hiện tư vấn hỗ trợ người nước ngoài đang sống tại Nhật Bản và các doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài. Cơ sở này được bố trí để có có thể đáp ứng nhu cầu tư vấn, trao đổi nhiều vấn đề ở cùng một địa điểm. Ví dụ như những người vừa cần làm việc với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, vừa cần làm việc với cơ quan Hellowork, hay người muốn được trao đổi đồng thời với trung tâm hỗ trợ luật pháp Nhật Bản (gọi tắt là Houterasu) và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh… Từ ngày đi vào hoạt động, bình quân mỗi ngày nơi đây đã tiếp nhận khoảng hơn 100 cuộc tư vấn.
Ngoài ra, từ tháng 9 năm nay, quầy hỗ trợ “FRESC Help desk” được thiết lập tạm thời để thực hiện tư vấn miễn phí qua điện thoại (bằng nhiều thứ tiếng) cho người nước ngoài đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian gần đây, quầy hỗ trợ này thực hiện khoảng 20 cuộc tư vấn mỗi ngày. Quầy hỗ trợ này cũng nhận tư vấn tại chỗ trong thời gian 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu.
【Các cơ quan chủ yếu được đặt tại FRESC】
❶ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Tokyo
・Nhận tư vấn cho người nước ngoài sống tại Nhật Bản và các doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động người nước ngoài. Về nguyên tắc, phải đặt lịch hẹn trước. (Số điện thoại ghi bên dưới).
❷ Phòng bảo vệ nhân quyền thuộc Cục pháp vụ Tokyo
・Tư vấn các vấn đề về nhân quyền khác nhau như phân biệt đối xử với người nước ngoài và người khuyết tật, bắt nạt, ngược đãi, lạm dụng quyền lực, quấy rối tình dục v.v.
❸ Houterasu
・Tên chính thức của cơ quan này là “Trung tâm hỗ trợ tư pháp Nhật Bản”. Trung tâm giới thiệu về các chế độ luật pháp hoặc các đơn vị tư vấn. Luật sư ở đây đưa ra những lời khuyên và các đề xuất để giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp lý. Sau đó, nếu cần thuê luật sư, trung tâm sẽ giới thiệu các đơn vị tư vấn về pháp luật tại địa phương. Đối với những người không có điều kiện về kinh tế, trung tâm cũng có thể ứng trước phí thuê luật sư (có điều kiện đi kèm).
❹ Văn phòng tư vấn, hỗ trợ đặc biệt dành cho người nước ngoài của Cục lao động Tokyo
・Đây là cơ quan thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thực hiện tư vấn các vấn đề như điều kiện làm việc cho lao động người nước ngoài. Cơ quan cũng tư vấn về pháp luật cho các công ty sử dụng lao động người nước ngoài.
❺ Hellowork
・Tên chính thức của cơ quan này là “Trung tâm dịch vụ tuyển dụng người nước ngoài Tokyo”. Cơ quan này hỗ trợ tìm việc làm và chuyển việc cho lao động tay nghề cao (như du học sinh, người nước ngoài có tư cách lưu trú về chuyên môn hoặc chuyên ngành kỹ thuật). So với Hellowork thông thường thì ở đây có đầy đủ người phiên dịch hơn.
❻ Thông tin visa Bộ Ngoại giao
・Tư vấn các thông tin như thủ tục xin visa cho gia đình v.v.
★ Ví dụ tư vấn 1
Người xin tư vấn đang làm việc với tư cách lưu trú “Kỹ thuật・Tri thức nhân văn・Nghiệp vụ quốc tế”. Vì thời hạn tư cách lưu trú sắp hết nên muốn làm thủ tục gia hạn nhưng công ty lại không cung cấp các tài liệu cần thiết (như giấy chứng nhận nộp thuế, hợp đồng lao động…).
【Cục lao động, Houterasu, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Hellowork thực hiện tư vấn】
・Do có khả năng công ty muốn người xin tư vấn này thôi việc nên để chuẩn bị cho việc phải đấu tranh với công ty, các cơ quan này giải thích cho người đó hiểu cần phải lưu giữ lại các trao đổi với công ty, và giới thiệu cho người đó đơn vị tư vấn luật pháp tại địa phương.
・Tư vấn về việc tìm công việc mới cho người lao động đó trong trường hợp chỗ làm hiện tại không tiếp tục tuyển dụng người này.
・Giới thiệu về tư cách lưu trú tạm thời trong trường hợp chuyển việc.
★ Ví dụ tư vấn 2
Không về nước được do dịch COVID-19, sắp hết thời hạn lưu trú.
【Cục xuất nhập cảnh và Hellowork thực hiện tư vấn】
・Giải thích về chế độ và thủ tục gia hạn hoặc chuyển đổi tư cách lưu trú.
・Đưa ra lời khuyên về việc tìm việc cho đến khi về nước.
◎ Sau khi tư vấn xong thì làm gì tiếp theo?
Ở FRESC, ngoài giới thiệu việc làm, các cơ quan còn cung cấp thông tin và tư vấn về chế độ và các chính sách hỗ trợ. Sau khi tư vấn xong, việc xử lý vấn đề sẽ do chính quyền, cơ quan hành chính hoặc người hỗ trợ tại địa phương và người được tư vấn tự thực hiện. Nhiệm vụ của FRESC là hướng dẫn cách giải quyết vấn đề và giới thiệu các cơ quan có liên quan.
Chúng tôi đã phỏng vấn ông Tabira Kouji, giám đốc trung tâm FRESC.
Hỏi: Những người đến xin tư vấn là người nước nào?
Ông Tabira: Trong khuôn khổ chúng tôi nắm bắt được thì đến xin tư vấn đông nhất là người Trung Quốc. Đông thứ hai thì tuỳ từng tháng có khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là người Việt Nam hoặc Hàn Quốc. Người Nhật với tư cách là người hỗ trợ hoặc người quen của người xin tư vấn cũng hay đến trung tâm.
Hỏi: Những người đến xin tư vấn có tư cách lưu trú loại nào?
Ông Tabira: Cho tới nay, có nhiều người có tư cách lưu trú “Kỹ thuật・Tri thức nhân văn・Nghiệp vụ quốc tế” yêu cầu được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và Quầy hỗ trợ tư vấn. Có cả thực tập sinh kỹ năng và du học sinh cũng xin tư vấn. Chúng tôi cũng trao đổi ý kiến với cả Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Bất kể người có tư cách lưu trú nào đi nữa, khi gặp khó khăn thì đừng ngần ngại, hãy đến để chúng tôi tư vấn.
Hỏi: Hellowork ở FRESC khác Hellowork ở các nơi khác ra sao?
Ông Tabira: FRESC hỗ trợ tìm việc・chuyển việc cho lao động tay nghề cao (như du học sinh, người nước ngoài có tư cách lưu trú liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành). Ngoài ra, Hellowork ở đây có nhiều người phiên dịch hơn Hellowork ở các nơi khác. Đối với những người có visa vĩnh trú hoặc định cư thì có cơ quan Hellowork chuyên hỗ trợ người nước ngoài khác ở gần ga Shinjuku tiếp nhận, trợ giúp.
Hỏi: Lợi ích của việc tập trung các lĩnh vực khác nhau vào một chỗ như thế này là gì?
Ông Tabira: Dù là đến tận nơi để nhận tư vấn, hay nhận tư vấn qua Quầy hỗ trợ FRESC (số điện thoại 0120-76-2029), trong quá trình tư vấn, khi cần có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau thì vẫn có thể giải quyết được tại chỗ. Ngoài ra, nếu đặt hẹn trước qua điện thoại của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (số 03-5363-3025) và biết trước được cơ bản nội dung tư vấn thì các cơ quan cần tham gia có thể cùng tiếp nhận tư vấn ngay từ đầu.
Hỏi: Những người đến xin tư vấn thường sống những khu vực sống nào?
Ông Tabira: Những người đến trung tâm này phần lớn là sống ở Tokyo và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tư vấn qua điện thoại của Quầy hỗ trợ FRESC thì từ những người đang sinh sống trên toàn quốc.
FRESC được thành lập với mục đích thực hiện tư vấn tổng hợp cho người nước ngoài. Do trung tâm này có nhiều người phiên dịch và phiên dịch qua điện thoại, nên nếu các bạn gặp khó khăn, đừng ngần ngại sử dụng dịch vụ tư vấn của đơn vị này nhé.
◎ Quầy hỗ trợ FRESC (0120-76-2029): từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (9:00 ~ 17:00)
◎ Số điện thoại đặt lịch hẹn trước của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại FRESC (03-5363-3025): từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (9:00 ~ 17:00)
※ Trường hợp muốn được trợ giúp bằng tiếng Việt, dù gọi đến số điện thoại nào trong hai số trên thì bạn cũng cứ nói tiếng Nhật “Betonamugo de onegaishimasu” (có nghĩa là “Xin hãy trợ giúp bằng tiếng Việt” ) hoặc tiếng Anh nhé.