Blog
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_13: Không được sạc pin ở quán cà phê?
Bạn đừng mong có thể sạc thêm chút pin điện thoại ở quán café, khi qua đường phải nhìn hai bên cẩn thận thấy không có xe ô tô chạy tới mới sang đường và đừng thử đồ nếu chưa hỏi nhân viên!
Sạc pin? Đừng hy vọng ở quán café
Vào một ngày trời thu Hà Nội, bạn thong dong đi dạo quanh phố đi bộ Hồ Gươm rồi chợt nhận ra điện thoại sắp hết pin. Chuyện quá đơn giản ở Việt Nam: bạn cứ chạy đại vào một quán café nào đó, gọi một ly nước, tranh thủ nghỉ ngơi và cắm nhờ cái sạc pin.
Tuy nhiên, chuyện tưởng như rất đơn giản này lại không hề đơn giản ở Nhật đâu nhé. Rất nhiều bạn Việt Nam và cả quốc tế tỏ ra ngỡ ngàng khi vô số quán café ở Nhật không cho phép bạn cắm sạc pin. Họ dán hẳn thông báo bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh về việc: “Không được sử dụng ổ cắm điện”. Chủ đề này đã từng được thảo luận cực kỳ sôi nổi trên Quora và TripAdvisor sau khi một anh chàng người Mỹ bị từ chối sạc pin trong quán café ở Tokyo và tỏ ra vô cùng khó chịu vì điều đó.
Không hiếm gặp những thông báo thế này ở các địa điểm công cộng tại Nhật
Lý giải rất đơn giản: Ổ cắm của quán café hay các cửa hàng tiện lợi thuộc quyền sở hữu của người chủ, không phải của bạn. Người Nhật rất rõ ràng chuyện này. Vậy nên Nhật Bản mới rộ lên dịch vụ cho thuê… sạc pin di động ở các cửa hàng tiện lợi hoặc bạn phải sử dụng dịch vụ ở một số cửa hàng cho phép sạc pin như quán café Starbucks, siêu thị Donkihote, quán café internet.
Muốn qua đường hãy đi ở vạch ngựa vằn
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật: Chị họ tôi sống bên Nhật tính đến nay đã 15 năm. Mới đây, chị đưa 2 cậu con trai về Việt Nam chơi và đã phải trải qua một phen hồn bay phách lạc, khi chứng kiến cậu con trai lớn suýt nữa thì bị ô tô tải đâm.
Hóa ra chàng ta thấy đèn xanh cho người đi bộ đã bật sáng và cứ thế thong dong qua đường trên vạch ngựa vằn ở ngã tư. Một chiếc ô tô phóng tới, cậu ta đinh ninh rằng xe sẽ dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Nhưng chiếc xe không những không giảm tốc mà còn bóp còi inh ỏi, hùng hổ lao về phía trước suýt nữa thì tông trúng cậu cháu của tôi.
Muốn qua đường ở Nhật hãy sử dụng vạch ngựa vằn
Ở Việt Nam, nhận thức của một bộ phận lái xe về quyền lợi của người đi bộ còn hạn chế. Nhưng ở Nhật, người đi bộ lại chính là đối tượng… quyền lực nhất trên đường. Một khi đèn xanh dành cho người đi bộ đã bật sáng, bạn có thể điềm nhiên qua đường trong sự nhường nhịn tuyệt đối của các phương tiện khác. Ngay cả một chiếc xe được phép rẽ trái hay rẽ phải khi đèn xanh cho phép người qua đường thì cũng phải dừng lại khi có người đi bộ đang băng qua vạch ngựa vằn, chờ đến khi người đi bộ thật sự an toàn mới dám lăn bánh. Ở Nhật Bản, khi học lấy bằng lái xe, học viên được hướng dẫn triệt để về “Quy định ưu tiên người đi bộ”.
Vạch ngựa vằn ở những ngã tư bình thường cho phép người đi bộ và xe đạp cùng đi qua. Tuy nhiên, ở Nhật Bản còn có một kiểu vạch ngựa vằn ở những ngã tư, ngã năm được gọi là scramble crossing – nơi mà khi đèn xanh bật sáng tất cả mọi người ở các bên đều có thể qua đường cùng một lúc. Ví dụ như ngã tư huyền thoại Shibuya. Theo ước tính của bộ giao thông Nhật thì ngã tư Shibuya có thể chứng kiến… 3.000 người qua đường cùng một lúc. Ở những nơi qua đường kiểu này, cả người đi xe đạp cũng phải xuống xe dẫn qua đường chứ không được đi như ở những nơi có vạch ngựa vằn bình thường khác. Vì vậy nếu đang đi xe đạp, hãy xuống dắt xe bạn nhé.
Vì người đi bộ có quyền lực rất lớn nên chúng ta hãy đàng hoàng qua đường trên vạch ngựa vằn nhé. Tuy nhiên ngay cả khi đèn xanh cho phép qua đường thì chúng ta vẫn cần phải thận trọng. Trẻ em Nhật khi còn ở tiểu học luôn được dạy rằng “Trước khi qua đường, phải nhìn trái, nhìn phải, xác nhận không có xe ô tô thì vừa giơ 1 tay lên vừa qua đường”.
Có lẽ chính vì cả người lái xe và người đi bộ đều được giáo dục kỹ về quy định an toàn nên tai nạn giao thông ở Nhật khá thấp.
Đừng thử đồ nếu chưa hỏi nhân viên
Đa phần các shop thời trang ở Việt Nam cho phép bạn thử đồ thoải mái mà không cần phải báo cho nhân viên mỗi lần mang đồ vào thử. Nhưng ở Nhật, bạn nên báo cho nhân viên nếu cần thử đồ.
Có 2 nguyên nhân tại sao bạn nên làm việc này. Thứ nhất, để nhân viên shop kiểm soát số lượng đồ bạn mang vào phòng thử. Thứ hai, liên quan tới dịch vụ của Nhật: Người Nhật muốn mang tới cho bạn sự phục vụ tốt nhất có thể nên hãy tận hưởng nó. Thường ở trước cửa vào khu thử quần áo sẽ có ít nhất một nhân viên đứng đó, hỏi số lượng bạn mang vào thử, hướng dẫn bạn vào phòng thử. Rồi khi bạn đã vào phòng thử, họ giúp bạn xếp lại đôi giày ngay ngắn, đứng chờ để đổi size cho bạn hoặc có thêm bất kỳ tư vấn cá nhân nào. Hãy tận hưởng niềm vui của một thượng đế các bạn nhé.