Hàng tháng, tiền lương của thực tập sinh kỹ năng, người nước ngoài có Kỹ năng đặc định, người có tư cách lưu trú “Kỹ nhân quốc” sẽ bị trừ một khoản phí gọi là “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi – Kosei nenkin”. Tuy nhiên, khi rời khỏi Nhật Bản và trở về Việt Nam, người đóng bảo hiểm có thể nhận lại phần lớn số tiền đã đóng. Bài viết này sẽ giải thích về chế độ hoàn lại tiền bảo hiểm hưu trí mang tên “Tiền trợ cấp lương hưu trọn gói – Dattai ichiji kin”. 〈Luật sư Sugita Shohei – Văn phòng luật Global HR Strategy〉
Người nước ngoài cũng tham gia “Bảo hiểm hưu trí”
Ở Nhật, nhân viên thường bị bắt tham gia “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi – Kosei nenkin hoken” và phải đóng phí bảo hiểm. Ngoài ra, những sinh viên từ 20 tuổi trở lên, người tự kinh doanh v.v. phải tham gia “Bảo hiểm hưu trí quốc dân”. Người tham gia được gọi là “Người được bảo hiểm – Hihokenja”.
Quy định tham gia bảo hiểm hưu trí và đóng phí bảo hiểm được áp dụng cho cả người nước ngoài. Thường thì thực tập sinh kỹ năng, người nước ngoài có Kỹ năng đặc định, người có tư cách lưu trú “Kỹ nhân quốc” v.v. đều được công ty làm giúp thủ tục tham gia bảo hiểm hưu trí phúc lợi, tiền phí bảo hiểm sẽ bị trừ vào lương hàng tháng. Tuy nhiên, công ty chịu một nửa phí bảo hiểm này. Du học sinh phải tự tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân nhưng nếu làm thủ tục tham gia, du học sinh sẽ được miễn đóng thuế cho tới khi tốt nghiệp.
Ý nghĩa của Bảo hiểm hưu trí
Mọi người thường nghĩ “Mình không nhận lương hưu ở Nhật nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm hưu trí thì thật là kì cục”. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm hưu trí của Nhật được vận hành dựa trên cách nghĩ “Người đang đi làm hỗ trợ tiền lương hưu cho người cao tuổi hiện nay”. Vì vậy, người nước ngoài đang làm việc tại Nhật cũng đóng bảo hiểm hưu trí để hỗ trợ cho người cao tuổi.
Hơn nữa, nếu đóng bảo hiểm hưu trí từ 10 năm trở lên thì khi về già, người nước ngoài cũng sẽ nhận được lương hưu của Nhật Bản. Số tiền nhận được sẽ tuỳ thuộc vào khoản tiền bảo hiểm mà cá nhân đã đóng. Ngoài ra, dù đây là điều không ai mong muốn nhưng nếu người tham gia bảo hiểm bị tàn tật do gặp tai nạn v.v. thì ở độ tuổi nào cũng có thể nhận được tiền bảo hiểm thương tật hàng năm.
Tiền trợ cấp lương hưu trọn gói (Khoản tiền được hoàn lại)
Khi người nước ngoài rời khỏi Nhật và trở về nước, họ sẽ nhận được một phần tiền bảo hiểm hưu trí đã đóng cho tới thời điểm về nước. Đây là chế độ “Tiền trợ cấp lương hưu trọn gói – Dattai ichiji kin”.
Những người đạt đủ cả 3 điều kiện dưới đây có thể đăng ký xin tiền trợ cấp lương hưu trọn gói.
Tổng thời gian tham gia bảo hiểm hưu trí từ 6 tháng trở lên
Không có quốc tịch Nhật Bản
Chưa đủ điều kiện để nhận lương hưu
Khoản tiền trợ cấp lương hưu trọn gói
Cách tính khoản tiền trợ cấp lương hưu trọn gói như sau.
A (Bình quân thu nhập tiêu chuẩn trong thời gian tham gia bảo hiểm) × B Tỉ lệ chi trả (Tỉ lệ phí bảo hiểm × 0.5 × Số tháng đã đóng phí và được tính để chi trả) = Khoản tiền trợ cấp lương hưu trọn gói (nhận một lần)
・ “Thu nhập tiêu chuẩn hàng tháng” là mức tiền gần nhất với tiền lương hàng tháng, bao gồm cả tiền tăng ca và các khoản trợ cấp. “A” là bình quân của “thu nhập tiêu chuẩn hàng tháng” trong thời gian tham gia bảo hiểm.
・ Giả dụ, nếu thu nhập bình quân hàng tháng là 200.000 yên, tỉ lệ phí bảo hiểm là 15,9%, phí bảo hiểm hàng tháng sẽ là 31.800 yên. Khoản tiền này sẽ được chia đôi, công ty và người tham gia bảo hiểm mỗi bên cùng đóng (31.800 × 0.5 = 15.900 yên).
・ “Số tháng đã đóng phí và được tính để chi trả” là con số gần nhất với số tháng mà người tham gia đã đóng bảo hiểm. Nếu số tháng người tham gia đóng trong khoảng từ 36 tháng tới 42 tháng thì số này là 36, nếu từ 60 tháng trở lên thì số này là 60. Vào năm 2021, con số này đã được nâng mức tối đa lên thành 60.
・ Như vậy một người đã đóng bảo hiểm trong 5 năm (60 tháng), có mức thu nhập tiêu chuẩn trung bình trong thời gian 5 năm là 200.000 yên thì theo công thức tính trên, người đó sẽ nhận được tiền trợ cấp lương hưu trọn gói là 954.000 yên.
A 200.000 × (15,9% × 0,5 × 60) = 954.000 yên
Thủ tục xin tiền trợ cấp lương hưu trọn gói
Các giấy tờ cần thiết v.v.
Để đăng ký nhận tiền trợ cấp lương hưu trọn gói, bạn cần gửi cho Cơ quan bảo hiểm hưu trí Nhật Bản (Nihon nenkin kiko) các giấy tờ sau.
Đơn đăng ký nhận tiền trợ cấp lương hưu trọn gói
Bản sao hộ chiếu (Trang có tên, ngày sinh, quốc tịch, chữ ký, có thể xác nhận tư cách lưu trú)
Giấy tờ xác nhận đã không còn địa chỉ lưu trú ở Nhật (Bản sao giấy cắt địa chỉ lưu trú, bản sao trang có ghi ngày xuất cảnh khỏi Nhật Bản v.v.)
“Tên ngân hàng”, “Tên chi nhánh”, “Địa chỉ chi nhánh”, “Số tài khoản ngân hàng”
Giấy tờ có thể xác nhận được bạn là chủ tài khoản (giấy xác nhận của ngân hàng)
Giấy tờ có thể xác nhận được mã số bảo hiểm hưu trí cơ sở (sổ tay hưu trí v.v.)
・ Bạn có thể đăng ký xin tiền trợ cấp lương hưu trọn gói trước khi về Việt Nam hoặc sau khi về Việt Nam.
・ Nếu xin nhận tiền trước khi về nước, bạn phải nộp đăng ký cắt địa chỉ cho cơ quan chính quyền địa phương và lấy “Bản sao giấy xác nhận cắt địa chỉ”.
・ Những bạn đã kết thúc thực tập kỹ năng số 2 và về nước một thời gian, sau đó có dự định quay lại Nhật với tư cách Thực tập kỹ năng số 3 hoặc Kỹ năng đặc định số 1 cũng có thể xin tiền trợ cấp lương hưu trọn gói nếu đăng ký cắt địa chỉ trước khi về Việt Nam.
Chi trả lương hưu cho người đã đóng bảo hiểm trên 10 năm
Nếu đóng bảo hiểm ở Nhật trên 10 năm, người nước ngoài cũng có thể nhận được lương hưu tại Nhật. Dù giữa chừng có ngừng đóng thì tổng thời gian đóng trên 10 năm vẫn được tính là được nhận lương hưu. Tuy nhiên, nếu bạn đã nhận tiền trợ cấp lương hưu trọn gói (1 lần) thì thời gian đóng bảo hiểm trước đó sẽ không được tính nữa nên những bạn có thể sẽ làm việc lâu dài tại Nhật hãy lưu ý tới điểm này nhé.
Trong thời gian 3 năm thực tập kỹ năng, nếu lấy được chứng chỉ JLPT N3 hoặc N2 thì sẽ rất có lợi cho công việc sau này. Ở Nhật Bản, đâu đâu cũng có lớp học tiếng Nhật miễn phí.
Sau 4 lần phỏng vấn xin việc thất bại, Minh đã được 2 công ty khác tuyển dụng. Vậy, lý do nào đã làm cho Minh thất bại ở 4 lần xin việc đầu tiên? Khi đi phỏng vấn thì điều gì là quan trọng nhất?
Hẳn các bạn đã biết đến quy định du học sinh khi làm baito ở Nhật Bản không được làm quá 28 tiếng mỗi tuần rồi? Tuy nhiên, ngoài con số “28 tiếng một tuần”, còn rất nhiều điểm quan trọng khác nữa.