Giải quyết khó khăn

Sổ tư vấn file 07: Bị đuổi việc do cho hôn thê ở cùng kí túc xá

【相談】技能実習の1年目、寮に突然やって来た
21/03/2021

Người xin tư vấn là thực tập sinh kỹ năng người Campuchia. Khi anh ấy cho hôn thê (thực tập sinh của công ty khác) ngủ lại ký túc xá của mình, anh ấy bị huỷ hợp đồng lao động với lý do là “vi phạm luật của công ty”. Khi bị bắt về nước và bị hủy hợp đồng lao động một cách quá đáng thì nên đối phó như thế nào?

MụcLao động

【Người xin tư vấn】
・Thực tập sinh kỹ năng
・Nam giới người Campuchia, độ tuổi 20
・Nơi thực tập: tỉnh Shizuoka

Lấy việc “cho hôn thê ở cùng kí túc xá” làm lý do thông báo đuổi việc

Thông báo đuổi việc vì cho hôn thê ở cùng

Người xin tư vấn là thực tập sinh kỹ năng người Campuchia, làm việc tại nhà máy sản xuất đồ dùng gia đình ở tỉnh Shizuoka. Trong 3 ngày nghỉ liên tiếp (ngày 21~23/11/2020), một cô gái người Campuchia đang thực tập kỹ năng ở tỉnh Gifu đã đến gặp người xin tư vấn. Bố mẹ của người xin tư vấn và bố mẹ của cô gái đã gặp nhau ở Campuchia và hai người có hôn ước với nhau. Cô gái đã ở lại nhà của người xin tư vấn nhưng sáng ngày 23/11/2020, người xin tư vấn phải đi làm vào ngày nghỉ và để hôn thê ở lại phòng một mình, trong lúc anh đang làm việc ở nhà máy thì người quản lý trong công ty (người Nhật) dùng khóa dự phòng để vào phòng kiểm tra và đã phát hiện ra cô gái.

Nghiệp đoàn quản lý (tiếp nhận) thực tập sinh đã nhận thông tin từ người quản lý rồi cử người đến công ty của anh ấy ngay trong chiều cùng ngày, anh ấy bị cho nghỉ làm giữa chừng. Nghiệp đoàn đưa anh ấy về kí túc xá để thu dọn hành lý, sau đó đưa đến khu nhà ở trong nghiệp đoàn. Vào ngày hôm đó, nghiệp đoàn đã thông báo với anh ấy rằng “công ty đã sa thải anh”. Lý do là vì anh đã vi phạm nội quy “trong trường hợp muốn cho người ngoài vào kí túc xá, cần trao đổi trước với công ty”.

Liên đoàn lao động thương lượng với công ty để rút lại quyết định sa thải

Từ ngày hôm đó, anh ấy không được giao việc nữa, bị bắt ở trong khu nhà ở của nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn nói rằng đã mua vé máy bay ngày 2/12 để anh ấy về nước. Sau khi xin tư vấn từ một người Campuchia đã sống lâu ở Nhật, anh ấy được giới thiệu cho một liên đoàn lao động nên đã gọi điện và đến liên đoàn đó. Bốn ngày sau, ngày bị ép về nước đang tới gần.

Nơi anh ấy đến là một chi nhánh của liên đoàn lao động bảo vệ người nước ngoài. Sau khi nghe xong câu chuyện, trưởng chi nhánh đã bảo vệ anh ấy bằng cách đưa anh ấy về khu nhà ở của liên đoàn trong ngày hôm đó và làm đơn thương lượng với công ty và nghiệp đoàn. Sang tháng sau, công ty và nghiệp đoàn đã đến liên đoàn để bàn bạc, vài ngày sau đó thì người đại diện của công ty (luật sư) cũng có đưa ra đề nghị rút lại quyết định sa thải. Về vấn đề này, liên đoàn đã đưa ra đề xuất làm cam kết để không tái diễn hành vi trên, sau đó cho anh ấy quay lại làm việc nhưng đề xuất này đã không được đồng thuận. Hiện tại, liên đoàn đang đàm phán để anh ấy nhận được lương sau ngày 23/11. Nếu khoản tiền lương được nhất trí giữa hai bên thì anh ấy có thể thôi việc ở công ty này, sau đó tiếp tục làm việc ở nơi khác do liên đoàn giới thiệu.

Điểm quan trọng: Nội quy của kí túc xá

Nội quy của nghiệp đoàn về việc ra vào, ngủ qua đêm ở ngoài

Nghiệp đoàn này đã đặt ra nội quy về việc ra vào, ngủ qua đêm ở ngoài cho thực tập sinh kỹ năng. Trong đó có những nội dung như: “Khi ngủ lại ở kí túc xá của công ty khác thì trao đổi trước với công ty của mình”, “khi cho người ngoài vào kí túc xá của công ty cũng trao đổi trước với công ty”, v.v. Trước đó, người xin tư vấn đã từng bị phát hiện là cho hôn thê ở kí túc xá mà không báo trước với công ty nên đã bị nghiệp đoàn cảnh cáo. Lần này anh ấy cũng lại không trao đổi với công ty mà cho hôn thê ở lại nên anh ấy đã nhận được thông báo “vì vi phạm nội quy lần thứ 2 nên công ty đã sa thải anh” từ nghiệp đoàn.

Công ty đặt ra các quy định cấm nhân viên làm, nhưng không phải nhân viên cứ vi phạm quy định đó là công ty có quyền sa thải nhân viên trong bất kì trường hợp nào. Luật về hợp đồng lao động có đưa ra các quy chế về việc sa thải nhân viên và có quy định không được phép sa thải “trừ trường hợp có lý do bắt buộc” đặc biệt là với những nhân viên đã kí hợp đồng lao động trong thời hạn nhất định.

Thêm vào đó, về quy định ra vào, ngủ qua đêm ở ngoài, Luật thực tập kỹ năng có quy định “Những người có liên quan đến thực tập kỹ năng (người quản lý, tiếp nhận v.v.) không có quyền hạn chế và can thiệp vào đời sống và sự tự do cá nhân của thực tập sinh kỹ năng trong đó có việc ra vào kí túc xá và những việc khác”. Có thể hiểu rằng trong trường hợp này, việc người xin tư vấn hẹn hò với hôn thê và cho cô ấy ở lại phòng của mình vài ngày cũng là “việc tự do của cá nhân” nên công ty không có quyền hạn chế.

※Tuy nhiên, nếu công ty cho người ngoài tự ý ra vào kí túc xá mà không cần sự đồng ý của công ty thì công ty cũng có thể sẽ gặp rủi ro và phiền phức. Ví dụ, nếu phát hiện ra có người cư trú bất hợp pháp trong kí túc xá của thực tập sinh kỹ năng thì công ty trở thành nơi tiếp tay cho người cư trú bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Điểm quan trọng: Ép buộc về nước là trái pháp luật

Ép buộc về nước là trái pháp luật

Đôi khi thực tập sinh kỹ năng bị buộc phải về nước theo hình thức cưỡng chế. Tuy nhiên, điều này là trái với pháp luật. Luật thực tập kỹ năng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có quy định như sau. Hành vi bắt thực tập sinh về nước trong khi người đó không có nguyện vọng về nước là trái với pháp luật.

〇 Trường hợp cho thực tập sinh về nước khi chưa kết thúc chương trình thực tập thì phải thực hiện đầy đủ những việc như giải thích cho thực tập sinh biết rằng họ không cần phải về nước khi họ không muốn; xác nhận nguyện vọng về nước của thực tập sinh bằng văn bản và phải gửi hồ sơ về Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế OTIT.

〇 Nếu thực tập sinh có nguyện vọng tiếp tục thực tập kỹ năng thì công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn có trách nhiệm phải đảm bảo cho thực tập sinh có nơi làm việc tiếp theo.

Liên đoàn lao động Gifu – Chi nhánh người nước ngoài số 2

Người đã tư vấn trong trường hợp này là ông Kenkai – trưởng chi nhánh người nước ngoài số 2 của Liên đoàn lao động Gifu. Trụ sở của chi nhánh nằm ở thành phố Hashima tỉnh Gifu. Ông Kenkai đã cho người xin tư vấn sống trong khu nhà ở của một tổ chức phi chính phủ có hợp tác với liên đoàn, thương lượng với công ty và nghiệp đoàn. Sau đó, công ty đã đề nghị rút lại quyết định sa thải và xin lỗi bằng văn bản thông qua luật sư nhưng liên đoàn và người xin tư vấn thấy rằng nội dung đó vẫn chưa đủ thuyết phục nên đã tiếp tục thương lượng sau đó. Thêm nữa, liên đoàn cũng đã báo cáo sự việc này lên Hiệp hội thực tập sinh quốc tế (OTIT) nên OTIT đã bắt đầu điều tra sự việc này từ tháng 3/2021. Nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng, thực tập sinh có thể chuyển đến nơi làm việc mới thông qua OTIT và các tổ chức hỗ trợ khác.

Điểm quan trọng: Nhờ cậy OTIT và các tổ chức hỗ trợ

Ảnh chụp văn phòng làm việc của Chi nhánh người nước ngoài số 2

Liên đoàn lao động Gifu và ông Kenkai – trưởng chi nhánh

Nếu bạn không được nghiệp đoàn và các công ty tiếp nhận đối xử phù hợp, hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) để xin lời khuyên. Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt. Hiệp hội cũng có hỗ trợ qua số điện thoại (0120-250-168). Nếu bạn có thể đến trực tiếp văn phòng của Hiệp hội thì càng tốt.

Trong trường hợp xấu nhất, khi bạn đã trao đổi với OTIT nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, bạn có thể xin tư vấn từ các tổ chức hỗ trợ phi chính phủ khác. Các tổ chức này sẽ hỗ trợ cho bạn khi bạn không thể tự xin tư vấn từ OTIT và Cục lao động. Trong trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp, người đại diện của tổ chức “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” sẽ gửi cho bạn ảnh chụp danh thiếp của họ thông qua SNS. Ngoài ra, bạn sẽ được khuyên rằng nếu bạn bị ép đến sân bay thì lúc đi qua khu vực kiểm tra hộ chiếu trước khi xuất cảnh, bạn hãy đưa ảnh chụp danh thiếp cho người kiểm tra xem và nói “sự thật là tôi không muốn về nước”.

・Liên đoàn lao động Gifu – Chi nhánh người nước ngoài số 2: Ông 甄凱 (Kenkai) trưởng chi nhánh 090・8496・9668 (tiếng Nhật)
・Tổ chức hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài (Facebook)
・Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật