Du học - Xin việc

Những điều cần biết trước khi viết sơ yếu lý lịch!

301599_s
19/04/2021

 【Collaboration blog】

Chào mọi người!

Sơ yếu lý lịch rất quan trọng trong hoạt động tìm kiếm việc làm (hay còn gọi là “đi shuu”). Nếu không vượt qua được vòng loại hồ sơ với sơ yếu lý lịch, bạn sẽ khó được nhà tuyển dụng gọi đi phỏng vấn đấy. Vậy thì, để có thể đi đến vòng phỏng vấn cần phải viết sơ yếu lý lịch như thế nào? Sau đây, chúng mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số điểm quan trọng cần lưu ý trước khi bắt đầu đặt bút viết nhé!

Sơ yếu lý lịch và Entry sheet

Khi tìm việc tại Nhật, có công ty sẽ yêu cầu nộp thêm Entry Sheet bên cạnh sơ yếu lý lịch (đặc biệt là các công ty lớn). Trong Entry Sheet thường có nhiều mục cần điền theo yêu cầu của công ty, nhưng chủ yếu là phần 自己PR và 志望動機 (lý do ứng tuyển). Nếu 2 phần này đều có trong cả sơ yếu lý lịch và Entry Sheet rồi, hãy liệt kê những ý chính vào phần 自己PR, 志望動機 và ghi nội dung chi tiết hơn vào Entry Sheet của mình nhé.

Cách viết 自己PR

自己PR là phần vô cùng quan trọng trong sơ yếu lý lịch khi tìm việc. Trong phần này, hãy kể ra ít nhất 2 điểm mạnh để làm nổi bật bản thân. Viết càng cụ thể càng tốt nhé! Theo đó, khi liên kết với các phần trải nghiệm, câu chuyện cá nhân khác như học tập, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động xã hội (tình nguyện viên), làm thêm, đi thực tập… nội dung sơ yếu lý lịch của bạn sẽ trở nên rõ ràng và rành mạch hơn đấy. Nhờ vậy mà bạn sẽ dễ dàng để lại ấn tượng đối với nhà tuyển dụng, cũng như dẫn dắt đến các câu hỏi trong buổi phỏng vấn.

Sự khác biệt giữa 自己PR và 自己紹介

Với 自己PR, hãy nhấn mạnh bản thân bằng điều bạn tự tin mình có thể làm tốt. Cẩn thận nếu không 自己PR sẽ trở thành một bài 自己紹介 (giới thiệu bản thân) đơn thuần đấy nhé! Dù bạn dùng mẫu sơ yếu lý lịch được công ty chỉ định không có phần 自己PR thì đến khi phỏng vấn hầu như câu các hỏi đều yêu cầu và liên quan đến 自己PR. Vì thế, khi viết các phần sở thích, điểm mạnh – điểm yếu, kiến thức đã học ở trường các bạn hãy lưu ý tất cả những điều đó là dùng để PR cho chính mình đó nhé. Sơ yếu lý lịch của bạn sẽ để lại ấn tượng đối với nhà tuyển dụng như thế nào, đó chính là chìa khoá quyết định liệu bạn có đi đến vòng phỏng vấn được hay không!!!

Điểm mạnh – điểm yếu

Khi viết điểm mạnh – điểm yếu cũng vậy, luôn ghi nhớ viết sao cụ thể nhất để liên kết đến những trải nghiệm cá nhân, câu chuyện của mình. Đối các bạn vẫn chưa hiểu rõ điểm mạnh – điểm yếu của bản thân, sau đây chúng mình sẽ gợi ý một cách để mọi người có thể tham khảo.

Điểm yếu và điểm mạnh sẽ thay đổi phụ thuộc vào góc nhìn của bạn. Chẳng hạn như, một người hay nói theo cách nói không tốt sẽ là “người lắm chuyện”, “người ồn ào” nhưng nếu nói theo nghĩa tích cực sẽ là một “người năng động”, “người quảng giao”. Như vậy đây cũng là 1 bí kíp thay thế giữa điểm yếu và điểm mạnh, đồng thời biến điểm đó thành PR bản thân.

Tuy nhiên, có vài trường hợp điểm mạnh cũng khó trở thành điểm cộng để nhà tuyển dụng cân nhắc nếu bạn không biết cách dẫn dắt nó vào công việc, chẳng hạn như điểm mạnh đó sẽ áp dụng như thế nào tại nơi làm việc? Nếu không trực tiếp liên kết đến sự đóng góp trong công việc, bạn có thể viết về những nỗ lực vận dụng điểm mạnh ấy để phát triển kinh nghiệm hay giúp đỡ, hỗ trợ được những ai? Như vậy chúng ta sẽ khoe khéo được tính cách, hình ảnh nỗ lực của mình rồi phải không nào. Ngoài ra, khi viết về điểm yếu, nếu kể ra được bạn đã cố gắng như thế nào để thay đổi những điều chưa tốt của mình cũng chính là một chất liệu tuyệt vời để PR bản thân đấy.

Cách viết 志望動機 (lý do ứng tuyển)

志望動機 (lý do ứng tuyển) là phần cực kỳ quan trọng trong sơ yếu lý lịch. Ngay cả khi phỏng vấn, chắc chắn nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt câu hỏi này. Trong sơ yếu lý lịch sẽ có phần viết về lý do muốn vào làm việc tại công ty, nhưng để viết lý do sao cho thật phù hợp, bạn cần phải nắm được công ty đó “hiện tại đang làm gì?”, “sau này sẽ làm gì” và “cần người như thế nào?”

Vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin công ty trên Internet và đọc thật kỹ! Chú ý các mục “sơ lược nội dung kinh doanh”, “nội dung kinh doanh”, “triết lý doanh nghiệp”, “định hướng doanh nghiệp”, “kế hoạch kinh doanh”..v..v Ngoài ra, khi có cơ hội hãy đi thực tập, tham gia buổi giới thiệu công ty, được hơn nữa hãy hỏi thăm các anh chị hiện đang làm việc tại công ty đó nếu có thể nhé.

Sau khi hiểu được thật cụ thể nội dung kinh doanh, triết lý, thế mạnh, phong cách của công ty, nội dung công việc bạn sẽ dần hình dung ra được công việc mình mong muốn làm, mình có thể cống hiến ra sao, có cho mình một bản sơ yếu lý lịch thật vượt trội! Khi ấy, quan trọng là viết sao cho thật chi tiết và liên kết đến kinh nghiệm, câu chuyện cá nhân.

Cách viết các phần khác

Chuyên ngành ở Đại học – trường chuyên môn

Hãy viết cụ thể bạn đã học những gì chứ không phải chỉ mỗi tên môn học. Đây là phần có thể cho nhà tuyển dụng thấy kiến thức chuyên ngành, đặc biệt đối với các bạn theo học khối ngành 理系 (ban khoa học tự nhiên) hãy ghi thật chi tiết nội dung chuyên môn vào nhé! Bên cạnh đó, dù là 文系 (ban khoa học xã hội) hay 理系 (ban khoa học tự nhiên) cũng đều nên viết những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra trong quá trình học tập. Mọi người tham khảo ví dụ là hiểu nè.

Đoạn văn ví dụ:

Tôi đã tham dự lớp tiếng Anh tại trường đại học. Lúc ấy, trong số các ngoại ngữ tôi chỉ tập trung học tiếng Nhật mà không dành nhiều thời gian cho tiếng Anh, nên ban đầu khá vất vả khi phải học tiếng Anh ở trường đại học. Thế nhưng, khi ý thức được rằng tương lai có thể rộng mở hơn tôi đã quyết tâm học tiếng Anh thật tốt. Không chỉ soạn bài trước và ôn bài lại sau giờ học, tôi cố gắng tập viết đoạn văn ngắn kể chuyện bằng những từ đơn ghi nhớ được trong ngày hôm, sau đó tôi luyện đọc đoạn văn ấy thật nhiều lần. Kiên trì như vậy trong suốt 1 năm cho đến kỳ thi cả đầu kỳ và cuối kỳ tôi đều đạt 90/100 điểm. Dù đã hoàn thành số tín chỉ cần thiết của môn tiếng Anh, tôi vẫn tiếp tục tự học và lấy được 700 điểm TOEIC vào năm 3 đại học. Sau khi vào làm tại công ty tôi vẫn tiếp tục học tiếng Anh, nếu được phụ trách công việc sử dụng tiếng Anh tôi cũng sẽ nỗ lực hết sức mình.

Kinh nghiệm bên ngoài trường học

Phần này bạn hãy kể ra những kinh nghiệm làm thêm khi còn đi học. Điều mà nhà tuyển dụng muốn biết chính là từ kinh nghiệm làm thêm bạn đã học được gì? Cẩn thận để không chỉ kết thúc bằng một bài giới thiệu nội dung công việc làm thêm đơn thuần nhé.

Lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch

Nên viết sơ yếu lý lịch khi nào?

Hãy chuẩn bị và viết sớm nhất có thể! Chuẩn nhất là vào khoảng cuối tháng 2 trước khi bước vào năm học cuối. Bởi vì từ tháng 3 các buổi giới thiệu công ty sẽ chính thức bắt đầu.

Phần quan trọng nhất sẽ tốn của bạn kha khá thời gian đấy. Với những bạn gặp khó khăn khi viết sơ yếu lý lịch hãy dùng WA.SA.Bi.công cụ tạo sơ yếu lý lịch trên website WA.SA.Bi. nhé

Sau khi đăng ký thành viên website WA.SA.Bi. bạn có thể sử dụng công cụ tạo sơ yếu lý lịch từ “My page”.

Ảnh thẻ chính là ấn tượng đầu tiên!

Dù bạn là nam hay nữ, nên chuẩn bị cho mình một tấm ảnh thật nghiêm túc và chỉnh chu trong bộ vest lịch sự để làm ảnh thẻ chuyên dùng khi tìm việc nhé. Có thể mỉm cười nhẹ nhàng nhưng nụ cười để lộ răng có lẽ sẽ không phù hợp lắm với một bức ảnh trên sơ yếu lý lịch. Ngoài ra, một bức ảnh chân dung với mái tóc tối màu giống như khi đi phỏng vấn cũng an toàn hơn là bức ảnh với mái tóc nhuộm màu nâu đấy.

Đừng quên nhờ người Nhật kiểm tra trước!

Sau khi chuẩn bị kỹ càng và cố gắng hết sức để viết ra một bản sơ yếu lý lịch, hãy nhờ người Nhật đang hỗ trợ kiểm tra lại nội dung nhé! Cuối cùng, chỉnh sửa lại một chút tiếng Nhật và hoàn thiện phần nội dung theo lời khuyên của người đó nha!

Vậy thì, ai có thể kiểm tra giúp bạn sơ yếu lý lịch đây?

Người phụ trách hỗ trợ việc làm tại trường đại học, trường chuyên môn

Nhất định hãy đến tư vấn tại phòng hỗ trợ việc làm tại trường học và hỏi xin lời khuyên từ các giáo viên hướng dẫn của trường đại học của bạn.

WA.SA.Bi.

Nhóm hỗ trợ du học sinh WA.SA.Bi. đang trợ giúp các bạn tạo sơ yếu lý lịch hoàn toàn miễn phí. Chúng mình còn nhận tư vấn bằng nhiều ngôn ngữ nữa nha! Văn phòng của WA.SA.Bi. nằm ngay tại thành phố Osaka nhưng chúng mình vẫn nhận tư vấn và hỗ trợ trực tuyến cho các bạn du học sinh trên toàn Nhật Bản luôn đấy.

Cùng kết bạn LINE và bắt đầu trò chuyện bạn nhé!