Học tiếng Nhật

Trước khi du học hãy làm những việc này (phần 2)

ベトナムのお正月の時
29/05/2021

Trước khi du học hãy làm việc này part_2

Các bạn có biết không, khởi điểm của những anh chị đã có N1, N2 (JLPT) cũng bắt đầu từ N5 đấy. Hãy học hỏi và vận dụng các phương pháp học tập của các anh chị đi trước để nâng cao năng lực tiếng Nhật của bản thân và có thêm nhiều cơ hội phát triển công việc sau này nhé. Thêm nữa, nếu bạn có ý định đi du học thì trước khi đi hãy cố gắng học thật nhiều tiếng Nhật ở Việt Nam, điều này sẽ giúp quá trình du học của bạn đạt được hiệu quả cao hơn đấy.

Vì vậy, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn chuỗi bài viết về phương pháp học tập của các anh chị đã trau dồi tiếng Nhật thật tốt ở Việt Nam trước khi đi du học. Bài viết lần này là câu chuyện về một chị sempai đã có thành tích xuất sắc khi học tập tại trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN. Chúng ta cùng xem chị ấy đã thực hiện nhiều hoạt động đa dạng như thế nào để trau đồi khả năng tiếng Nhật của mình nhé.

1. Hoạt động tình nguyện do người Nhật tổ chức

Hình ảnh từ Facebook của quán Lam sach dep Ho Guom voi Ninomiya

Mình đã học tiếng Nhật ở đại học và cũng đã đi trao đổi 1 năm. Hiện nay mình đang vận dụng khả năng tiếng Nhật của mình để làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản ở Hà Nội. Tuy nhiên, không hẳn là chỉ cần đi du học là có thể nói được tiếng Nhật. Mình sẽ giới thiệu với các bạn những phương pháp học tiếng Nhật khác nhau mà mình đã sử dụng khi học đại học nhé.

Trong năm thứ nhất, năm thứ hai đại học, mình đã tham gia hoạt động nhặt rác tình nguyện xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày chủ nhật (khoảng 2 lần 1 tháng). Hoạt động này do người Nhật đứng ra tổ chức, mỗi lần có hơn 20 người Nhật và người Việt tham gia.

Sau khi công việc nhặt rác kết thúc, chúng mình cùng nhau đi đến quán cà phê, người Nhật dạy tiếng Nhật cho người Việt, người Việt dạy tiếng Việt cho người Nhật. Mình giao lưu vui vẻ và thoải mái với mọi người, mình cũng nâng cao được khả năng nói tiếng Nhật. Hiện nay mình vẫn tham gia nhóm này.

external link Lam sach dep Ho Guom voi Ninomiya

2. Hội nghị sinh viên Việt Nam – Nhật Bản (VJSC)

Hội nghị sinh viên Việt Nam – Nhật bản “Vietnam Japan Student Conference (VJSC) là một câu lạc bộ của các sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội, được thành lập năm 2007 dưới sự bảo trợ của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC Hà Nội), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) v.v. VJSC có trụ sở tại trường đại học Ngoại Thương Hà Nội và thường xuyên tổ chức các hoạt động thúc đẩy giao lưu giữa các sinh viên đại học của Việt Nam và Nhật Bản.

Khi học đại học năm thứ nhất, mình đã tham gia chương trình giao lưu của VJSC (trong 8 tháng). 2 lần mỗi tháng, khoảng 10 ~ 20 sinh viên Việt Nam và Nhật Bản tập trung lại với nhau rồi cùng giao lưu, nhờ vậy mình đã không cảm thấy hồi hộp khi nói chuyện với người Nhật. Mình đã dẫn các bạn người Nhật đi tham quan, cùng các bạn ấy chuẩn bị bài giới thiệu văn hóa Nhật Việt bằng tiếng Nhật rồi thuyết trình cho mọi người nghe.

external link Hội nghị Sinh viên Việt Nam Nhật Bản (VJSC)

3. Hội thân hữu Việt Nhật (Câu lạc bộ học tập)

Trong năm thứ nhất đại học, mình cũng đã tham gia câu lạc bộ học tập có tên là “Hội thân hữu Việt Nhật”. Câu lạc bộ chia ra các nhóm học từng mảng như Kanji (chữ Hán), Giao tiếp, Ngữ pháp, Đọc hiểu v.v., học phí thấp và được cả người Nhật hướng dẫn nữa. Mình muốn cải thiện khả năng viết và dùng kanji nên mình đã tham gia nhóm học kanji.

Hơn nữa, ngoài việc cùng nhau tham gia hoạt động của câu lạc bộ, mình cũng đã miệt mài học ôn thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) cùng với các bạn mình quen trong câu lạc bộ này, kết quả là mình đã đỗ N3 theo mục tiêu đề ra.

4. Phim truyền hình – Phim Anime – Thời sự

Trong thời đại này, việc học thông qua các nội dung online cũng không thể thiếu phải không nào. Mình sẽ giới thiệu những nội dung đã giúp mình học tiếng Nhật nhé.

■ Phim truyền hình, phim Anime của Nhật

Các bộ phim có lời thoại tiếng Nhật, phụ đề tiếng Việt. Khả năng nghe của mình được nâng cao, bằng việc bắt chước theo những lời thoại mình thích, phát âm của mình cũng đã hay hơn trước.

■ Các kênh học trên Youtube

■ Các bài hát tiếng Nhật

Có lúc mình vừa nghe các bài hát tiếng Nhật mình thích vừa làm gì đó.

■ New Web Easy (NHK)

Các tin tức được viết bằng tiếng Nhật đơn giản, trên các chữ kanji có viết cả cách đọc nữa. Trang này cũng có tin tức được phát dưới dạng video.

external link News Web Easy

5. Học tại nhà 3 tiếng mỗi ngày

Khi học đại học, mình đã học ở nhà 3 tiếng mỗi ngày. Đây là những tài liệu mình muốn giới thiệu với các bạn.

Minna no nihongo
Giáo trình nhập môn cơ bản và phổ biến.
Bộ sách “Shinkanzen Masuta” (新完全マスター)
Bộ sách được các bạn ôn thi JLPT đánh giá cao. Bộ này cũng có nhiều bài luyện ôn thi. Quyển “Đọc hiểu” trong bộ này được mọi người đặc biệt yêu thích.
Bộ sách “Mimi kara oboeru nihongo noryokushiken” (耳から覚える日本語能力試験)
Quyển “Từ vựng” trong bộ này được mọi người yêu thích. Sách có đĩa CD và file nghe MP3 nên bạn có thể vừa nghe vừa ghi nhớ từ vựng.
Bộ sách “Sou matome” (日本語総まとめ)
Bộ sách này có ít bài tập hơn bộ “Shinkanzen Masuta” (新完全マスター) nhưng sách được thiết kế theo lộ trình mỗi ngày 2 trang và hoàn thành trong 8 tuần nên các bạn tự học cũng dễ dàng duy trì mỗi ngày.

6. Tổng kết

Mạnh là một cô gái có thành tích xuất sắc trong trường đại học, để trau dồi cho mình khả năng giao tiếp tiếng Nhật, chị ấy đã cố gắng tận dụng rất nhiều cơ hội khác nhau. Chúng ta cùng nhìn lại những điểm quan trọng trong phương pháp học tập của chị ấy nhé.

✔︎ Tham gia hoạt động tình nguyện giao lưu giữa người Nhật và người Việt
✔︎ Tham gia chương trình giao lưu mà các sinh viên đại học ở Hà Nội có thể tham gia (VJSC)
✔︎ Học tập ở câu lạc bộ có học phí thấp
✔︎ Học nhóm cùng với các bạn quen trong câu lạc bộ học tập
✔︎ Học nghe thông qua tin tức trên radio online
✔︎ Sử dụng New Web Easy (NHK)
✔︎ Học tại nhà 3 tiếng mỗi ngày

Đằng sau thành tích xuất sắc của chị ấy là con đường học tập đầy cố gắng như vậy đấy. Hãy tham khảo các phương pháp này để học tiếng Nhật thật tốt và sử dụng nó cho các mục tiêu trong tương lai, bạn nhé!

Sempai lần này

Lỗ Thị Mạnh

Mạnh sinh năm 1997, quê ở Hà Nội. Mạnh vào học khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Năm 2018, chị ấy tham gia chương trình trao đổi sinh viên 1 năm tại trường Đại học Meiji (trong thời gian du học đã đỗ được N2). Năm 2020, chị ấy tốt nghiệp đại học, vào làm việc tại một công ty IT của Nhật Bản ở Hà Nội.