Blog

Trò chuyện cùng Sempai_01 Giao thông ở Nhật Bản

日本の交通-giao-thong-tai-nhat-ban-1
22/06/2021

Bắt đầu từ số này, chúng tôi mở mục “Trò chuyện cùng Sempai” để nghe các lớp anh chị đi trước tâm sự cảm nhận về khác biệt văn hóa giữa hai nước khi mới tới Nhật. Trong số đầu tiên hôm nay, chúng ta cùng nghe 4 sempai trò chuyện trực tuyến về “Giao thông ở Nhật Bản” nhé.

Những thành viên tham gia

Nguyễn Văn Hoàn: Sang Nhật từ năm 2018. Sau khi học trường tiếng Nhật thì vào đại học. Hiện là sinh viên năm thứ 2 trường đại học ở Nhật (chuyên ngành kinh tế).

Trần Anh Tuấn: Sang Nhật năm 2009. Sau khi tốt nghiệp trường tiếng thì vào học trường Đại học Akita. Hiện là nhân viên của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ).

Nguyễn Thị Phương: Sang Nhật năm 2019. Sau khi học tiếng Nhật thì vào học trường Chuyên môn, chuyên ngành ngoại thương.

Dẫn chương trình: Phạm Lan Anh, thành viên ban Biên tập Kokoro. Sống ở Nhật hơn 30.

Hệ thống đường sắt và nhà ga phức tạp

LA: Chủ đề của chúng ta hôm nay là: Giao thông ở Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có các loại giao thông công cộng nhưng có vẻ là không được phổ biến lắm. Khi mới sang Nhật thì ấn tượng của các em về cái hệ thống giao thông ở Nhật Bản như thế nào.

Hoàn: Điều ngạc nhiên đầu tiên mà nói đến giao thông ở Nhật là hệ thống giao thông ở Nhật phát triển. Ấn tượng đầu tiên là “ở nhà ga nào cũng rất đông đúc tấp nập” nhưng do việc vận hành tốt nên luôn trật tự. Tàu thì lúc nào cũng đúng giờ. Khi bị chậm trễ thì nhân viên nhà ga sẽ báo ngay lập tức. Điểm cực kỳ hay của Nhật là thái độ phục vụ tận tình. Ngoài ra, ý thức của hành khách cũng cao. Lúc đợi tàu họ luôn xếp hàng nghiêm chỉnh. Khi tàu tới, đợi khách xuống đã rồi mới lên. Em thật sự ngạc nhiên.

LA: Xếp hàng là một phong cách khá mới so với thói quen của người Việt Nam nhỉ.

Phương: Ấn tượng nhất của em là tàu điện. Vì lần đầu tiên tự đi học là em đi nhầm tàu ngay. Hết giờ học, em ra ga và lên tàu về. Lẽ ra phải lên tàu đi về hướng Chiba thì em lại lên tàu đi hướng ngược lại. Đi được một lúc thì em thấy tên ga đi qua không giống như tên ga em đã được chỉ nên bắt đầu lo lắng. Tới ga tiếp theo em quyết tâm xuống tàu và rất may lại gặp ngay một nhân viên nhà ga ở gần đó. Dù mới học tiếng Nhật nhưng em có thể hỏi được “Tôi muốn đi về ga Nishi-Funabashi (Tỉnh Chiba) và được người nhân viên đó chỉ cho đường tàu đi về nhà.

LA: Ở Tokyo thì việc đi tàu ngược hướng là rất hay xảy ra (cười). Được cái nhân viên nhà ga rất tận tình.

Hoàn: Em thì khi đi tàu đi học thường xác định kỹ tên ga rồi mới đi. Chị gái của em chỉ cho em 1 mẹo nhỏ khi đi tàu lần đầu như sau: Lúc đi như thế nào thì lúc về cũng như vậy. Nhớ số ga và tên nhà ga là được.” Từ nhà em tới trường là 4 ga. Em nhớ kỹ số ga và tên ga mỗi khi tàu đi qua và lúc trở về thì em lên hướng ngược lại, đếm đúng số ga và nhớ tên ga là xuống.

Tuấn: Sau khi sang Nhật, ngày đầu đến trường, em được 1 anh sempai giúp đi xe điện nên không có vấn đề gì. Sau khi đến lớp, nhà trường mới phát cho 1 bản đồ mạng lưới xe điện của Tokyo. Nhưng nhìn vào thì giống như mạng nhện (cười). Dù đã học tiếng Nhật 6 tháng tại trường Nhật ngữ Đông Du (Trường tiếng Nhật nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh) nhưng hầu như em không đọc được tên nhà ga nào cả.

Bản đồ hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo. Liệu có giống mạng nhện!?

Phương: Sau này quen rồi thì đi những chỗ nhà ga nhỏ không sao. Nhưng những nhà ga lớn như Shinjuku và Ikebukuro thì sợ lạc lắm. Vì đó là những ga tập trung nhiều tuyến đường sắt khác nhau, quy mô nhà ga lớn, phức tạp, cửa ra nhiều, không biết làm sao mà tìm đúng lối ra.

Cùng làm quen với xe buýt nhé!

LA: Hiện nay hệ thống xe điện ở Nhật thường sử dụng thẻ từ có tích hợp tính năng tiền điện tử để người dùng nạp tiền vào trước, sử dụng dần sau, rất tiện lợi. Thẻ này còn được sử dụng chung cho cả xe buýt nữa. Thẻ từ này cũng có thể dùng để mua hàng tại các nhà ga và cửa hàng tiện lợi nữa.

Phương: Em hay sử dụng xe buýt đi chơi hoặc khi cần đi bệnh viện. Em thấy rất tiện lợi. Có thể dùng thẻ từ này để đi xe buýt. Lúc lên xe thì phải chạm thẻ gắn ở cửa ra vào để máy gắn trên xe đọc thẻ, lúc xuống thì lại chạm thẻ vào máy đọc thẻ ở cửa xuống. Ta chỉ cần nhớ vậy là đi đâu cũng được. Hệ thống xe buýt ở Nhật cũng nhất nhiều tiện lợi lắm. Và em thấy có khác với Việt Nam là xe buýt ở Nhật không có người soát vé, chỉ có lái xe.

LA: Đúng thế. Xe buýt ở Nhật từ lâu đã áp dụng chế độ oneman bus – tức là xe buýt chỉ có 1 người vận hành.

Hoàn: Khi mới sang, em có làm baito ở cửa hàng Mc. Donald và đôi khi phải đi hỗ trợ ở những quán khác nhau và phải đi xe buýt. Khi đó em sang Nhật được độ hơn 3, 4 tháng gì đó nên tiếng Nhật chưa giỏi. Họ gửi cho em đường linh và em tự đi. Để tìm đường ra bến xe, em cứ đi độ 5 phút lại hỏi người đi đường để tìm đúng bến xe. Sau khi lên xe em cũng nói ngay với lái xe tên bến em muốn xuống và nói thêm: “Đến lúc gần tới bến xuống, nhờ ông báo cho tôi biết.” Rồi em đứng ngay đằng sau lái xe để lúc họ gọi cũng dễ biết. Thế là đến lúc xuống, ông lái xe bảo “Đến bến xuống rồi đó.” Nếu không gọi người ta sẽ đưa mình đi chuyến cuối cùng luôn.

Tuấn: Em thấy hệ thống xe buýt non-step của Nhật rất tuyệt vời. Loại xe này được thiết kế sàn thấp, cửa lên xuống không có bậc để hành khách cao tuổi và người đi xe lăn có thể lên xuống dễ dàng.

Đi xe đạp chở người ngồi sau và bị cảnh sát cảnh cáo

LA: Tiếp theo chúng ta nói về việc đi xe đạp, phương tiện giao thông gần gũi với mọi người. Các em có ai đi xe đạp và biết về luật giao thông đối với việc đi xe đạp không?

Hoàn: Ở Nhật có quy định: Xe đi bên trái, người đi bộ bên phải. Đây là nguyên tắc mà người nước ngoài chúng ta cũng phải theo.

Phương: Ngoài ra trên nguyên tắc là xe đạp không được đi trên vỉa hè. Với lại không được đi xe đạp đèo thêm người. Nếu đèo người phía sau, cảnh sát mà bắt gặp là họ sẽ bắt phải xuống.

Hoàn: Thật ra có lần em đã bị cảnh sát cảnh báo là đi xe đạp đèo người phía sau rồi đấy. Lúc đó em đi học về cùng với bạn. Vẫn biết là đi xe đạp đèo người là vi phạm nhưng khi đó cứ tặc lưỡi đi. Đột nhiên, phía sau em nghe tiếng còi xe tuần tra của cảnh sát và họ gọi “Đi xe 2 người là vi phạm. Không được đi xe trên vỉa hè.” Lúc đó em đã học tiếng Nhật sang năm 2 nên em hiểu ngay và xuống xe ngay. Từ đó trở đi không bao giờ em đi xe đạp 2 người nữa.

external link Bài viết của Kokoro liên quan tới ý thức khi đi xe đạp

Xe ô-tô không bấm còi

LA: Ngoài xe điện, xe buýt và xe đạp, các em còn có ấn tượng gì về hệ thống giao thông của Nhật nữa không?

Hoàn: Em còn thấy có đặc điểm là xe ô tô ở Nhật không mấy khi bấm còi. Đây là phát hiện hay nhất của em. Em thấy là người ta chỉ bấm còi khi muốn cảnh báo nguy hiểm thôi.

Phương: Vâng vâng. Em thấy đúng là ở Nhật dù nhiều xe ô tô nhưng ít khi thấy bóp còi, thấy bấm còi còn thấy “lạ” nữa. Ở VN mình thì lúc nào xe cũng bóp còi inh ỏi (cười). Có lẽ do ít có bóp còi nên đường xá ở Nhật dù nhiều xe em thấy vẫn khá yên tĩnh. Đây là nét khác với ở Việt Nam.

LA: Chị cũng có hỏi những người bạn Nhật lái xe thì họ nói là cũng như khi đi xe điện hoặc xe buýt, ý thức khi lái xe là mọi người cũng nhường nhịn lẫn nhau. Người ta chỉ bóp còi khi thực sự có gì nguy hiểm thôi.

LA: Sau cùng mời các em tóm tắt lại điều mình muốn nói sau buổi nói chuyện hôm nay.

Hoàn: Để kết thúc buổi trao đổi hôm nay, em xin được cảm ơn công ty du học đã hỗ trợ em rất nhiều khi mới sang Nhật. Cả trong học tập và đời sống và công việc. Vì vậy mà cuộc sống của em ở Nhật rất thuận tiện.

Phương: Em thấy phương tiện giao thông ở bên này rất là thuận tiện. Rồi mình có gặp khó khăn gì thì hầu như là ở đâu thì mình cũng có sự giúp đỡ ngay từ nhân viên nhà ga hoặc là cảnh sát rồi người đi đường tận tình giúp đỡ mình cả người người nước ngoài hay là người Nhật. Đối với em, Nhật bản là một nước rất đáng sống.

Tuấn: Ở Nhật Bản các loại biển báo thì mới có phổ biến là tiếng Nhật và tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và hầu như chưa có tiếng Việt. Do hạn chế về ngôn ngữ nên đối với người nước ngoài có thể gặp khó khăn bước đầu. Tuy nhiên giống như Hoàn, khi gặp vấn đề gì, hãy tích cực hỏi những người xung quanh. Đa phần người Nhật rất thân thiện và nhiệt tình.