Blog

Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_19: Học sinh tiểu học ở Nhật đi một con đường đi học mỗi ngày?

VN-ok-JP-dame-6
08/07/2021

Các bạn có biết trẻ em tiểu học ở Nhật Bản mỗi khi đi học phải đi theo một đường đi đã định sẵn không? Bạn có nhận thấy rằng đường bộ ở Nhật Bản khá yên tĩnh, ít khi nghe tiếng còi xe ô tô không? Hoặc bạn đã từng gặp khó khăn khi tìm số nhà ở Nhật Bản bao giờ chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu lý do vì sao nhé.

Trẻ em đi học và tan học theo lộ trình cố định

Việc đi học và tan học của trẻ con tại Nhật và Việt Nam có sự khác biệt vô cùng lớn.

Ở Việt Nam, khi học trường tiểu học công lập, đa phần trẻ em sẽ được bố mẹ, ông bà đưa đón hàng ngày. Nhà trường sẽ quản lý học sinh trong khuôn viên trường, còn ra khỏi khuôn viên trường thì do gia đình quản lý.

Nhưng ở Nhật thì rất khác. Đối với học sinh tiểu học, vào đầu năm học bố mẹ sẽ được nhà trường phát một tấm bản đồ và nhiệm vụ của phụ huynh là kẻ đường mà con mình sẽ đi bộ đi học và đi bộ về nhà mỗi ngày. Sau khi thống nhất với phụ huynh về lộ trình đi học và tan học thì học sinh có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đi và về theo đúng lộ trình đó. Ngoài ra thì ở Nhật sẽ không có chuyện bố mẹ đưa đón con đi học trừ trường hợp có lý do đặc biệt. Thay vì việc đưa đón, nhiều trường áp dụng hình thức “đi học theo nhóm” từ vài em tới khoảng chục em một nhóm. Còn lúc tan học đi không cần đi theo nhóm.

School Zone – Khu vực trường học

Ở Việt Nam, đa phần học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đón con cái bằng xe máy nhưng ở Nhật thì các em phải tự đi bộ tới trường. Và để đảm bảo an toàn, chính quyền thành phố sẽ cắm biển báo hoặc in xuống đường dòng chữ “School Zone”, nghĩa là “Khu vực trường học” để xe ô tô chú ý. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ định một số ngôi nhà an toàn mà học sinh có thể chạy vào xin giúp đỡ nếu gặp tình huống ngoài ý muốn. Những ngôi nhà an toàn này sẽ được dán dòng chữ “Kodomo 110 ban no ie” bên ngoài cửa.

Bấm còi để… cảm ơn

Tham gia giao thông ở Việt Nam, điều quen thuộc nhất của chúng ta chính là những tiếng còi xe. Người Việt tạo nên một bản giao hưởng tiếng còi trên đường vì nhiều mục đích khác nhau, nhưng đa phần là để thông báo với xe khác và người đi bộ về sự hiện diện của mình trên đường.

Nhưng ở Nhật, bạn sẽ nhận về những ánh mắt khó chịu, nếu bỗng dưng lại bấm còi. Giao thông Nhật rất ít tiếng còi, nếu không muốn nói là gần như không có. Tôi có hỏi một vài người bạn Nhật thì được biết đa phần người lái xe ở Nhật luôn đặt nặng việc nhường nhịn lẫn nhau nên ít khi bấm còi. Cũng có những lúc họ chỉ bấm còi thì đó là khi cảm thấy thực sự nguy hiểm hoặc là người lái xe hơi “ngang tàng” một chút.

Có những lúc người lái xe bấm còi, nhưng đó là một tiếng còi rất ngắn và nhỏ “Pip” hoặc “Pip pip” là để cảm ơn người hoặc xe khác đã nhường đường cho mình.

Một người bạn của tôi sống ở thành phố Nagasaki từng bị cảnh sát dừng xe chỉ vì lỡ tay bấm còi xin vượt hơi nhiều. Ở Nhật Bản việc cố tình xin vượt (lái xe không an toàn) và bấm còi để cố tình vượt cũng là vi phạm luật.

Số nhà phức tạp

Tại Hà Nội nói riêng, việc tìm địa chỉ dựa vào số nhà là tương đối dễ dàng. Ví dụ số 25 Hàng Đào, 95 Nguyễn Thái Học hay phức tạp hơn thì số 30, ngõ 200 u Cơ… Còn tại Sài Gòn thì bạn cũng chỉ cần thêm tên quận là xong. 

Nhưng ở Nhật, nếu bạn không có một thiết bị kết nối Internet trong tay và định tìm nhà dựa vào số thì không đơn giản chút nào đâu nhé. Người Nhật đánh số nhà theo khu vực hoặc từng khối (block) nhà. Ví dụ sau tên khu vực có ghi địa chỉ là 1-13-22 thì con số này lần lượt có nghĩa là trong tiểu khu 1 (1-chome) sẽ có khối nhà 13 (13-banchi) và trong khối nhà 13 này sẽ có ngôi nhà số 22.

Thêm một khác biệt rất lớn nữa: Ở Việt Nam, đa phần thì các con phố sẽ có số nhà liên tiếp. Ví dụ nhà số bên lẻ 1, 3, 5, 7 và bên kia đường là số chẵn 2, 4, 6, 8… Tuy nhiên, ở Nhật thì số nhà được quyết định dựa vào thời điểm căn nhà đó được xây. Và điều đó có nghĩa là có nhiều trường hợp, 2 căn nhà cạnh nhau chưa chắc đã có 2 số nhà nối tiếp theo quy luật như ở nước ta.

Tuy nhiên, người Nhật lại đánh mã bưu chính cho từng khu vực và điều này rất tiện lợi để chúng ta tìm kiếm thông tin trên mạng. Chỉ cần nhập mã bưu chính của toà nhà vào ứng dụng bản đồ là tự động hệ thống sẽ tìm ra địa chỉ chính xác của toà nhà đó. Hoặc ngoài mã số bưu điện, ta viết thêm tên của tòa nhà nữa thì ứng dụng bản đồ sẽ hướng dẫn bạn dễ dàng tìm được nơi cần đến.