Blog

“Shokuhin Sampuru – đồ ăn mẫu” Nhật Bản – Quả là nghệ thuật!

追加01:サンプル(魚定食)
14/10/2021

Trước các nhà hàng, quán ăn ở Nhật Bản thường có tủ kính, trong đó bày các món ăn của quán trông rất ngon mắt. Hồi mới sang Nhật, nhìn thấy các món trong tủ, tôi vẫn tưởng là đồ ăn thật cơ đấy. Nhưng tôi đã nhầm! Đó chỉ là “Shokuhin Sampuru”, hay “mô hình đồ ăn” mà thôi. Phía ngoài quán mà bày Shokuhin Sampuru thì thực khách sẽ biết ngay “trong quán có món gì, giá bao nhiêu”. Hơn nữa, độ chân thực của các mô hình này sẽ kích thích vị giác, khiến khách cảm thấy muốn được thưởng thức ngay lập tức. Trong bài viết lần này, tôi xin giới thiệu một nét văn hoá độc đáo của Nhật Bản, đó là “Shokuhin Sampuru”, mô hình đồ ăn tinh xảo, giống đến mức khó phân biệt với đồ thật.

Lịch sử của Shokuhin Sampuru

Có vẻ việc sử dụng Shokuhin Sampuru của Nhật Bản bắt đầu từ những năm 1920, khi chuyện đi ăn hàng quán ở ngoài trở nên phổ biến. Ban đầu chỉ là chủ các quán ăn tự tìm tòi nghiên cứu và làm ra mô hình đồ ăn của quán mình. Thời đó, người dân từ nhiều địa phương đổ về các khu đô thị đông đúc. Nhờ mô hình đồ ăn bày ngoài cửa quán mà người dân địa phương dù chưa quen với hàng quán ở chốn phồn hoa đô hội vẫn có thể quyết định có nên bước chân vào quán hay không. Thời đó, Shokuhin Sampuru được gọi là “Shokuhin Mokei” (Mô hình thực phẩm) hay “Ryori Mokei” (Mô hình đồ ăn).

Năm 1931, một người tên là Iwasaki Takizo, quê ở tỉnh Gifu, bắt đầu tính chuyện sản xuất, kinh doanh mô hình thực phẩm. Iwasaki Takizo dày công thử nghiệm nhiều cách khác nhau để tìm phương pháp chế tạo mô hình đồ ăn. Vào năm 1932, ông đã chế tác thành công mô hình món cơm trứng chiên (omuraisu) bằng sáp có độ tinh xảo khác hẳn so với các sản phẩm khác từng có. Sau đó, Iwasaki Takizo thành lập “Iwasaki seisakusho” (cơ sở chế tác Iwasaki, nay là Công ty cổ phần Iwasaki) tại thành phố Osaka. Mô hình thực phẩm do công ty sản xuất nhanh chóng trở nên nổi tiếng, với sản phẩm xuất hiện tại các nhà hàng ăn uống trên khắp Nhật Bản.

Sau Thế chiến thứ 2, khoảng những năm 1950, ngày càng có nhiều người Mỹ đến Nhật và từ đó ngành sản xuất Shokuhin Sampuru càng phát triển mạnh mẽ. Thời đó, trong các quán ăn ở Nhật không có thực đơn bằng tiếng Anh cũng như hình ảnh. Vì vậy, Shokuhin Sampuru và bảng giá bày ngoài cửa quán trở nên hết sức hữu ích cho người Mỹ.

Đến những năm 1970, nguyên liệu làm Shokuhin Sampuru chuyển từ sáp dễ chảy, dễ hỏng sang vật liệu tổng hợp có độ bền cao hơn. (Hiện nay, vật liệu chủ đạo là cao su silicon). Nhờ sự xuất hiện của khuôn kim loại dùng cho chất dẻo tổng hợp mà người ta có thể làm ra được cả các chi tiết rất nhỏ trong mô hình.

Nhờ sự phát triển của kỹ thuật chế tác mà tính năng “công cụ xúc tiến bán hàng” của Shokuhin Sampuru ngày càng được nâng cao. Do đó, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, ví dụ như “độ chân thực” hay “trông ngon mắt”. Vì vậy, hạng mục chủ đạo của ngành sản xuất Shokuhin Sampuru chuyển từ sản xuất số lượng lớn sang chế tác theo đơn đặt hàng.

Đối với sản phẩm chế tác theo đơn đặt hàng, tất cả các bước đều được làm bằng tay. Càng ngày kĩ thuật và chất lượng của ngành sản xuất Shokuhin Sampuru càng tăng tiến, hiện nay đã đạt tới mức dù có gọi là một môn nghệ thuật cũng chẳng phải quá lời.

Phố dụng cụ Kappabashi, nơi có các cửa hàng Shokuhin Sampuru

“Phố dụng cụ Kappabashi” ở quận Taito, Tokyo, chuyên bán các dụng cụ nấu ăn, là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán buôn. Nơi đây có phong vị phố cổ, dọc hai bên đường là hàng dãy cửa hàng bán bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo, dao, và cả quần áo đầu bếp v.v… Ngoài ra, tại đây còn có cả các cửa hàng chuyên bán Shokuhin Sampuru.

Trước đây, tại khu phố này có 4 cửa hàng chuyên bán Shokuhin Sampuru, nhưng năm 2020, một trong số đó đã đóng cửa. Hiện nay chỉ còn 3 cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh. Khu phố dụng cụ Kappabashi nằm giữa Asakusa và Ueno, đi bộ từ ga Ueno tuyến JR Yamanote khoảng 15, còn nếu đi từ ga Tawaramachi tuyến Tokyo Metro Ginza thì mất khoảng 5 phút.

Trải nghiệm làm Shokuhin Sampuru!

“Ganso Shokuhin Sampuru-ya” ở Kappabashi (Hình ảnh lấy từ trang web cửa hàng)

Tại cửa hàng “Ganso Shokuhin Sampuru-ya” (có liên quan đến công ty Iwasaki) ở phố dụng cụ Kappabashi, ta có thể tự làm thử Shokuhin Sampuru. Tôi đã thử sức với mô hình tempura và rau xà lách. Tại đây, tôi sẽ trải nghiệm cách làm mô hình món ăn theo ý tưởng và kỹ thuật của thợ làm Shokuhin Sampuru hiện đại nhưng dựa trên phương pháp chế tác bằng vật liệu sáp từ thời xưa.

Làm mô hình tempura

〈Trái〉Đầu tiên, rót sáp màu vàng nóng chảy từ độ cao khoảng 60cm xuống nước ấm để làm phần vỏ tempura. Sáp khi chảy xuống nước ấm thì dần cứng lại.

〈Phải〉Quấn lớp vỏ trong chậu nước ấm quanh nhân tôm, cà tím v.v. đã có sẵn.

Lấy sản phẩm từ trong nước ra rồi dùng tay nặn, chỉnh sửa chi tiết là xong.

Món “Tempura tôm” và “tempura cà tím” đã hoàn thành!

Làm “rau xà lách”

〈Trái〉Rót sáp màu trắng vào nước ấm rồi dàn mỏng ra là có ngay lá rau màu trắng.

〈Phải〉Tiếp theo, rót sáp màu xanh lục vào nước ấm rồi dàn mỏng để làm “phần lá rau màu xanh”. Phần lá xanh này nối liền với “phần lá trắng” vừa làm.

Kéo để “phần lá rau màu xanh” rộng ra và mỏng đi.

Cuốn “lá rau” để tạo hình rau xà lách.

Sau khi hoàn thành, cắt rau xà lách ra ta sẽ thấy phần bên trong cũng rất giống thật! Trải nghiệm xong, ta có thể mang các tác phẩm về nhà.

Ganso Shokuhin Sampuru-ya
Địa chỉ Tokyo-to, Taito-ku, Nishi Asakusa 3-7-6
Thời gian mở cửa 10:00~17:30
Số điện thoại 0120-17-1839
Phí trải nghiệm Tempura và rau xà lách: 2.500 yên Giá cả có thể thay đổi tuỳ theo nội dung trải nghiệm.

Cửa hàng cũng có ngày kín khách, vì vậy, nên gọi điện thoại hẹn trước.

Tổng kết

Chắc hẳn là có nhiều khách nước ngoài rất bất ngờ trước sự tinh xảo của Shokuhin Sampuru bày trong tủ kính của các quán ăn.

Shokuhin Sampuru là một nét văn hóa rất đặc biệt của Nhật Bản. Shokuhin Sampuru của Nhật Bản, với vai trò là “công cụ xúc tiến bán hàng”, giúp tái hiện hình ảnh món ăn. Kĩ thuật làm Shokuhin Sampuru của Nhật Bản trải qua nhiều năm phát triển và nay đã lên tới tầm nghệ thuật. Không chỉ vậy, hiện nay, các mặt hàng Shokuhin Sampuru còn được bán cho khách hàng tiêu dùng cá nhân dưới dạng đồ lưu niệm nhỏ như móc chìa khoá v.v. Khi đến Nhật Bản, các bạn hãy thử tìm hiểu và khám phá các món “Shokuhin Sampuru” này nhé!