Cuộc sống - Visa

★ Thông tin cơ bản: Tài khoản ngân hàng và Bưu điện

blog_1112_img3
04/02/2024

Những người đi làm, đi học ở Nhật đều nhanh chóng tới ngân hàng hoặc bưu điện để mở tài khoản sau khi sang Nhật. Thường thì người của công ty, nghiệp đoàn, trường học sẽ đi cùng bạn nhưng bạn cũng nên biết về thủ tục mở tài khoản và cách sử dụng tài khoản. Nếu bạn bị ai đó nhờ bán hoặc cho thẻ ATM, thẻ đó có thể bị dùng để phạm tội nghiêm trọng nên chúng tôi cũng sẽ giải thích về điều này.

Tài khoản ngân hàng

1. Mở tài khoản ngân hàng

Bạn có thể thực hiện thủ tục mở tài khoản ở quầy dịch vụ của ngân hàng. Cũng có ngân hàng chấp nhận làm thủ tục qua bưu điện hoặc Internet. Thường thì thẻ ATM sẽ được gửi về nhà sau.

Khi đi mở tài khoản ngân hàng, cần mang theo các giấy tờ sau đây:

❶ Giấy tờ chứng minh nhân thân (thẻ lưu trú, hộ chiếu v.v…)

❷ Con dấu cá nhân (cũng có ngân hàng chỉ yêu cầu chữ ký)

❸ Giấy chứng nhận là nhân viên hoặc học sinh (nếu không có giấy này thì hãy nhờ người của công ty hoặc trường học đi cùng).

Nếu không tự tin giao tiếp bằng tiếng Nhật, bạn có thể nhờ người làm cùng công ty, nhân viên của trường hoặc nhờ bạn bè đi cùng để thông dịch giúp.

2. Bán (chuyển nhượng) tài khoản ngân hàng là phạm tội!

Khi không còn cần dùng tài khoản ngân hàng vì những lý do như về nước chẳng hạn, các bạn nhất quyết phải đóng tài khoản ngân hàng. Việc bán, cho tặng thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng là phạm tội. Chắc chắn 100% là tài khoản ngân hàng đó sẽ bị dùng vào hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật, vì vậy tuyệt đối không được chuyển nhượng lại tài khoản nhé.

Mua bán, chuyển nhượng thẻ rút tiền mặt (ATM), sổ ngân hàng là phạm tội

Có rất nhiều trang Facebook môi giới việc làm cho người Việt cư trú bất hợp pháp và dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản ngân hàng và giấy tờ tuỳ thân v.v… Các bạn tuyệt đối không dùng các trang Facebook này nhé. Những trang Facebook này là ổ tội phạm, cảnh sát vẫn thường xuyên kiểm tra nội dung các trang này.

Những kẻ làm ăn bất lương hoặc người cư trú bất hợp pháp thường mua lại thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng của các tài khoản mà mọi người không dùng nữa. Tuy nhiên, việc mua bán, cho tặng tài khoản ngân hàng (thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng) là phạm tội. Dù bạn không biết rằng tài khoản đó sẽ được dùng vào mục đích phi pháp thì bạn sẽ trở thành tội phạm.

Tội danh: Vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp

Hình phạt: Phạt tù dưới 1 năm hoặc phạt tiền dưới 1 triệu yên, hoặc cả hai.

・ Việc mua bán, cho tài khoản ngân hàng là phạm tội.

・ Nhất định phải đóng tài khoản không cần dùng nữa vì các lý do như về nước v.v…

・ Lập tức khóa tài khoản ngân hàng khi bị mất sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM v.v …

Tài khoản ngân hàng chuyển nhượng bị sử dụng vào việc gì?

100% các tài khoản ngân hàng sau khi chuyển nhượng bị sử dụng vào các hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật. Trường hợp này, người chuyển nhượng tài khoản ngân hàng là người tiếp tay cho tội phạm.

Sử dụng vào hành vi phi pháp như “lừa đảo giả làm người thân”

Ở Nhật Bản, các tổ chức chống đối xã hội không mở được tài khoản ngân hàng. Tài khoản ngân hàng do các nhóm tội phạm mua lại sẽ được bán cho các tổ chức như vậy, và bị sử dụng vào các mục đích phi pháp như tài khoản thực hiện lừa đảo đặc thù, rửa tiền, hay tài khoản vốn lưu động trong tín dụng đen. Một loại hình tiêu biểu của “lừa đảo đặc thù” là “lừa đảo giả làm người thân”, là kiểu lừa các cụ ông cụ bà chuyển tiền với số lượng lớn.

Sử dụng vào hành vi phi pháp như “lừa đảo giả làm người thân”

Các nhóm tội phạm hoặc các đối tượng bất lương cũng sử dụng tài khoản ngân hàng với mục đích xấu

Chính các nhóm hoặc người cung cấp dịch vụ mua lại tài khoản ngân hàng cũng sử dụng tài khoản đó vào mục đích phi pháp. Ví dụ, có nhiều người bị lừa theo kiểu thấy tin đăng trên mạng xã hội với nội dung “Bán vé máy bay giá rẻ”, sau khi trao đổi tin nhắn và chuyển tiền cho bên kia xong thì không liên lạc được nữa. Các tài khoản gần đây bị sử dụng để thực hiện hành vi phi pháp lừa đảo kiểu này là các tài khoản không dùng nữa và bị mua bán phi pháp.

Người cư trú bất hợp pháp sử dụng vào mục đích xấu

Có nhiều người cư trú bất hợp pháp sử dụng thẻ lưu trú giả để lao động phi pháp. Khi đó, họ cần tài khoản ngân hàng để nhận tiền lương, nhưng do không có thẻ lưu trú hợp lệ nên họ không mở được tài khoản ngân hàng. Các nhóm tội phạm thường bán sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM của người khác cho các đối tượng cư trú bất hợp pháp kiểu này. Ngoài ra, còn có trường hợp người cư trú bất hợp pháp liên lạc trực tiếp qua mạng xã hội với chủ tài khoản ngân hàng để mua lại tài khoản.

Dù chỉ mua bán tài khoản ngân hàng một lần thôi cũng là có tội!

Lấy danh nghĩa của mình mở tài khoản ngân hàng rồi bán hoặc chuyển nhượng lại cho người khác sử dụng cũng là phạm tội (tội lừa đảo).

・Mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại.

・Tài khoản ngân hàng đó bị sử dụng vào mục đích phi pháp như lừa đảo v.v…

・Người bị hại trình báo với cảnh sát, nghị phạm bị buộc tội.

・Cảnh sát sẽ xét hỏi cả người đứng tên tài khoản ngân hàng.

Những trường hợp như thế này, có thể người bán tài khoản ngân hàng sẽ giải thích với cảnh sát rằng: “Tôi chỉ làm mất sổ ngân hàng (hoặc thẻ ATM) thôi”. Tuy nhiên, cảnh sát sẽ nắm được toàn bộ thông tin tiền vào và ra khỏi tài khoản kể từ khi mở tài khoản, vì vậy, nếu có các khoản tiền ra vào tài khoản lặp đi lặp lại một cách đáng ngờ thì sẽ bị điều tra rất kĩ.

Việc mở tài khoản với mục đích cho người khác sử dụng là vi phạm pháp luật. Từng có người chỉ một lần mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại với giá 10.000 yên, sau đó tài khoản đó bị dùng để phạm tội nghiêm trọng nên người đó bị bắt vì tội “lừa đảo ngân hàng để mở tài khoản” và bị xử có tội.

Hãy đóng tài khoản ngân hàng trước khi về nước

Nếu bạn bán hoặc chuyển nhượng giấy tờ tuỳ thân hay tài khoản ngân hàng không cần dùng nữa vì lý do như về nước, các giấy tờ hoặc tài khoản đó sẽ bị sử dụng vào hành vi phi pháp hoặc vi phạm pháp luật. Các bạn nhất định phải đóng tài khoản ngân hàng khi không dùng nữa nhé. Đối với tội mua bán tài khoản ngân hàng, khi người thực hiện hành vi mua bán rời khỏi Nhật Bản thì thời hạn vụ án có hiệu lực bị tạm ngừng, nên có thể sau này khi người đó quay trở lại Nhật Bản sẽ vẫn bị truy cứu.

Ví dụ thực tế về người Việt phạm tội liên quan đến mua bán tài khoản ngân hàng

★ Người đàn ông Việt Nam bị bắt vì bị tình nghi vận hành trang mạng hỗ trợ lẫn nhau hướng đến đối tượng người cư trú bất hợp pháp (Tháng 10/2020)

Do đăng trên mạng xã hội mẩu tin: “Có ai muốn bán sổ hay thẻ ngân hàng không?”, một người đàn ông Việt Nam (24 tuổi) không nghề nghiệp sống tại thành phố Okazaki đã bị cảnh sát tỉnh Aichi bắt vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp. Người này được cho là đang vận hành trang mạng xã hội với mục đích mua bán các loại giấy tờ như thẻ lưu trú giả và mua sổ ngân hàng hoặc thẻ ATM rồi bán lại cho người Việt cư trú bất hợp pháp. Cảnh sát đã thu giữ tại nhà riêng của người này 123 giấy tờ giả mạo bao gồm thẻ lưu trú và bằng lái xe giả v.v…

★ Người Việt bị bắt vì tình nghi chuyển nhượng sổ và thẻ ngân hàng (Tháng 8/2020)

Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã bắt giữ một người đàn ông Việt Nam (21 tuổi) sống tại Tokyo vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp. Người đàn ông này được cho là đã chuyển nhượng 1 quyển sổ ngân hàng và 1 thẻ ATM do mình đứng tên cho một người đàn ông Việt Nam khác với giá 32.000 yên.

★ 7 người đàn ông Việt Nam bị bắt vì xúi giục người khác mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội (Tháng 6/2020)

Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã bắt giữ 7 người đàn ông quốc tịch Việt Nam vì tình nghi vi phạm luật phòng chống chuyển tiền phi pháp v.v.. do những người này đã xúi giục người khác mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Cảnh sát đã thu giữ được tại 2 cơ sở bí mật của nhóm người này (ở Tokyo) 467 quyển sổ ngân hàng và 637 thẻ ATM. Một phần trong số các tài khoản mua lại này được xác định là đã bị dùng vào hành vi lừa đảo đặc thù.

★ Bị bắt vì cho người khác dùng tài khoản của mình (2023)

Năm 2023, cảnh sát tỉnh Saitama bắt giữ một du học sinh Việt Nam 22 tuổi sống ở thành phố Niigata vì tình nghi lừa đảo sau khi mở tài khoản ngân hàng. Du học sinh giải thích rằng “tài khoản này sẽ dùng để gửi và rút tiền trang trải chi phí sinh hoạt” nhưng thực tế là để người khác sử dụng. Đây là tội lừa đảo vì du học sinh này đã lừa dối ngân hàng.

external link 5 trường hợp thực tế bị bắt vì “làm việc dễ kiếm tiền” |KOKORO

Bưu điện

1. Bưu điện ở Nhật Bản có rất nhiều chức năng

Bưu điện hoặc hòm thư bưu điện ở Nhật Bản có ký hiệu “〒” và có màu chủ đạo là màu đỏ.

Bưu điện ở Nhật Bản và “Ngân hàng Yucho” là một tổ chức thống nhất, thực hiện chức năng bưu điện, ngân hàng và công ty bảo hiểm.

【Những việc có thể làm được ở bưu điện】

❶ Gửi thư, bưu thiếp, hàng hoá (gửi được ra cả nước ngoài)

❷ Gửi tiền tiết kiệm, chuyển tiền, chuyển khoản trả phí dịch vụ công cộng v.v…

❸ Tham gia bảo hiểm nhân thọ

Bạn cũng có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ của các công ty khác

Trả phí dịch vụ công cộng bằng cách rút tiền tự động rất tiện lợi. Ngoài ra, hằng tháng bạn cũng có thể thanh toán các khoản phí này tại cửa hàng tiện ích.