Blog

Đường sắt đô thị Hà Nội và tác phong đi tàu ở Nhật Bản

ハノイの都市鉄道と日本の乗車マナー10
02/12/2021

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội đã được chính thức đi vào hoạt động. Do chưa có thói quen đi tàu điện đô thị nên những ngày đầu chạy thử cũng có chút trục trặc. Để cải thiện việc đi tàu tôi muốn các bạn cùng tham khảo tác phong đi tàu ở Nhật Bản, nơi có phong cách đi tàu đã được phát triển lâu đời.
Ảnh trên cùng của Quách Phong〉

Bản đồ đường tàu 〈Nguồn: Hanoimetro.net〉

Ngày 6/11/2021 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội “Đường sắt Cát Linh – Hà Đông” đã được khai thông. Tuyến đường sắt này được khởi công vào năm 2011 với mục đích để giảm tắc nghẽn giao thông. Dự định ban đầu sẽ khai trương vào năm 2015 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Tổng chi phí vào khoảng 18 nghìn tỷ đồng (khoảng 900 tỷ yên). Đây là tuyến đường sắt hoàn toàn trên cao, giá tối thiểu là 8.000 đồng (khoảng 40 yên). Tổng chiều dài từ ga Cát Linh tới ga Hà Đông là 13.1km với 12 ga.

Ngày đầu khai trương và những vấn đề cần cải tiến

Ảnh Quốc Thái

Khác với những tuyến đường xe điện cũ, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một phiên bản nâng cấp xịn xò hơn, hiện đại hơn giúp diện mạo thủ đô Hà Nội gọn gàng và mang hơi thở thời đại hơn rất nhiều. Còn đối với những công dân trẻ thời IT (công nghệ thông tin) đã được tiếp xúc với phương tiện công cộng hiện đại thông qua internet hay phim ảnh, rốt cuộc giấc mơ được ngồi tàu đi giữa thủ đô cũng đã trở thành hiện thực.

Người dân Hà Nội dĩ nhiên là vui mừng. Rất nhiêu bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên học ở những ngôi trường nằm dọc tuyến tàu chạy, ngồi café nói với nhau về viễn cảnh “ngồi tàu đi học” như trong phim Nhật, phim Hàn.

Một gia đình cùng nhau đi tàu 〈Ảnh Cao Minh Ngọc〉

Tuy nhiên, dẫu sao thì hoạt động đi tàu cũng là hoàn toàn mới mẻ với một bộ phận lớn người dân sống tại Hà Nội nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, chệch choạc. Theo thống kê từ Sở giao thông vận tải Hà Nội, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đưa vào hoạt động, tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông đã phải “cõng” tới 80.000 lượt hành khách. Đông ắt sẽ có chuyện.

Ít nhất thì đã có một vụ ẩu đả xảy ra do người này đứng che mất góc chụp ảnh của người khác. Rất nhiều người dân do quá háo hức trải nghiệm nên có đôi chút chen lấn, xô đẩy giữa người lên và xuống tàu. Nhiều người bạn của tôi thì than phiền về tiếng ồn trên tàu. Những cuộc video call gọi về cho bố mẹ ở quê khoe đang đi tàu diễn ra với âm lượng quá lớn, tiếng trẻ con khóc, gào thét vì đông đúc mệt mỏi… đã tạo nên một bầu không khí hơi huyên náo thái quá so với một ga tàu bình thường.

Bãi đỗ xe và những vấn đề phát sinh

Bãi đỗ xe ở tầng 1 ga Cát Linh

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì có hiện tượng thu phí cao hơn so với mức giá niêm yết. Tại bãi đỗ xe ở ga Cát Linh, giá quy định là 5.000 đồng đối với xe máy và 25.000 đồng đối với ô tô nhưng đã bị nâng lên 10.000 cho xe máy và 50.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, hiện tại thì chỉ ở ga chính Cát Linh mới có bãi đỗ xe còn các ga nhỏ dọc tuyến thì vẫn chưa có những địa điểm chính thức để người dân gửi xe. Trong thời gian sắp tới Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Đường sắt Hà Nội phối hợp, đề xuất các vị trí gửi xe tại các ga tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đi tàu, nên học tác phong của người Nhật

Một sân ga xe điện ở Tokyo

Tàu điện là một “sân chơi” khá mới đối với đa phần người Việt nhưng tại Nhật Bản, tàu điện đô thị, tàu điện ngầm có bề dày lịch sử khoảng 150 năm. Tại các đô thị lớn ở Nhật, hệ thống xe điện nổi cộng với hệ thống xe điện ngầm có rất nhiều tuyến đường, đan xen nhau như mạng nhện. Ở Tokyo, chỉ riêng tuyến xe điện ngầm đã có 9 tuyến với tổng cộng 180 nhà ga. Hầu hết những người sử dụng tàu đều đi bộ từ nhà tới ga. Vì vậy ở Tokyo, nhiều người không có xe máy hoặc xe ô tô và chỉ cần sử dụng tàu điện và xe buýt trong sinh hoạt hàng ngày.

Chính vì vậy mà người Nhật cũng quen với “bộ quy tắc ứng xử ngầm” khi đi xe điện như không làm nói chuyện qua điện thoại, không ăn uống, không vứt rác, xếp hàng khi tàu đến… khá giống với việc đi máy bay hay đi xe khách. Khi đi tàu, chúng ta có thể tham khảo những tác phong đi tàu của người Nhật mà chúng tôi xin giới thiệu sau đây.

Phong cách khi đợi tàu và lên tàu

Xếp hàng đợi tàu 〈Ga Osaka, đường tàu JR〉

Khi đợi tàu, văn hoá xếp hàng của người Nhật có nét khác biệt. Họ sẽ xếp thành 2 hoặc 4 hàng và khi tàu đến, họ sẽ đứng dạt sang 2 bên cửa tàu, mở ra một lối đi rộng rãi cho những người từ trên tàu bước xuống hết rồi mới lên tàu. Vào những lúc cao điểm như giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều, những nhà ga lớn sẽ rất đông khách nhưng thường không có bất kỳ sự chen lấn, va chạm nào ở cửa tàu.

Trong 3 ngày đầu chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông được đưa vào hoạt động, đã diễn ra tình trạng chen lấn, va đập, thậm chí… ẩu đả. Các bạn thử tưởng tượng xem nhà ga Shinjuku ở Tokyo, mỗi ngày với các tuyến đường của 5 công ty đường sắt khác nhau, mỗi ngày có tới trên 3,5 triệu lượt khách qua lại mà không hề xảy ra vấn đề gì thì đủ thấy tác phong đi tàu của người Nhật đã phát triển đến mức nào. Chúng ta hãy tham khảo tác phong tại các ga xe điện của Nhật để cải thiện dần cách đi tàu ở mình nhé.

Đeo ba lô phía trước ngực

Ở Nhật, nhiều hành khách đeo ba lô phía trước ngực

Để tránh những va chạm không đáng có, ngoài việc tuân thủ chuyện xếp hàng, người Nhật còn luôn lưu ý vào lúc tàu đông mà đeo ba lô to thì thường quay balo về trước ngực thay vì để sau lưng. Việc ôm balo trước ngực sẽ tránh được việc bạn vô tình đập ba lô hoặc vướng vào mặt người lạ.

Khu vực dành riêng cho xe lăn và ghế ưu tiên

Tàu điện ở Nhật Bản còn có khu vực riêng dành cho người đi xe lăn hoặc người dùng xe đẩy trẻ em để có thể lên xuống dễ dàng với sự giúp đỡ của nhân viên nhà ga. Ngoài ra thì người Nhật rất chú ý đến ghế ngồi dành riêng cho những đối tượng đặc biệt như: Người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già… Ghế ngồi này thường có màu khác với các ghế ngồi bình thường, thường được đặt ở cuối hoặc đầu toa, có ghi rõ là “ghế ưu tiên” để mọi người lưu ý nhường chỗ khi cần. Sẽ có rất ít người Nhật bình thường ngồi vào những ghế này, trừ khi tàu rất vắng. Khi tàu đông, cũng có khi có bạn trẻ người Việt Nam không nhận ra nên vô tư dùng các ghế ngồi ưu tiên đó. Hãy chú ý điều này nếu như bạn không muốn bị lườm nguýt ở Nhật nhé.