Blog

Người Việt Nam tại Nhật Bản và phòng chống thảm họa

■Thao san (8)
14/12/2021

“Nhật Bản là nước có nhiều động đất”. Chắc không ít người từng nghe vậy nhưng coi đó là việc của người khác và chỉ thực sự cảm nhận nỗi sợ hãi khi đang ngủ thì động đất xảy ra và sau đó là mất ngủ. Để phòng tránh thảm họa, người Nhật Bản thường hay chuẩn bị sẵn lương khô, nước uống… Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu cách mà cả người Nhật và người Việt Nam sinh sống ở Nhật chuẩn bị đối phó với thảm họa nhé.

Nhật Bản là một nước có nhiều động đất

Sóng thần trong trận Đại động đất Đông Nhật Bản (3/2011)
ⒸẢnh của báo Mainichi

Tôi sang Nhật năm 2000. Sau khi tốt nghiệp đại học rồi cao học, tôi làm việc tại Nhật Bản và hiện đang vận hành một doanh nghiệp về tư vấn. Nhật Bản là một đất nước mà hàng năm hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới, gây ra thiệt hại nặng nề như nhà cửa bị tàn phá, lụt lội, lở đất… Đặc biệt Nhật Bản còn là một nước có nhiều động đất và núi lửa. Ngày 1/9/1023 tại Tokyo và các khu vực lân cận đã xảy ra trận Đại động đất Kanto khiến 105.000 người tử vong và mất tích. Cách đây 10 năm, trận Đại động đất Đông Nhật Bản xảy ra hồi tháng 3/2011 đã gây ra sóng thần tàn phá 3 tỉnh ở khu vực Tohoku của Nhật Bản khiến khoảng 18,425 người tử vong và mất tích (số liệu tính đến 9/3/2021). Chính vì vậy mà chính phủ và người dân Nhật Bản luôn có ý thức chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp có thảm họa xảy ra. Chúng ta cùng tìm hiểu xem người Nhật chuẩn bị đối phó với thảm họa ra sao nhé.

Chính quyền có nhiều chuẩn bị phòng chống thảm họa

Bản đồ địa điểm lánh nạn do chính quyền địa phương soạn thảo

Thông qua các cơ quan chính quyền địa phương các cấp, chính phủ Nhật Bản cung cấp các loại bản đồ lánh nạn cho người dân. Nếu gia đình bạn chưa có bản đồ này và chưa biết nếu động đất thì đi lánh nạn ở đâu, bạn nên kiểm tra trang chủ của chính quyền địa phương nơi mình sinh sống để biết rõ địa điểm lánh nạn nhé. Mỗi khu vực dân cư đều chỉ định các địa điểm lánh nạn. Thường là các địa điểm là các trường cấp 1-2 hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng…

Một cảnh trong buổi luyện tập phòng chống thảm họa

Ngoài ra, chính sách phòng tránh rủi ro tại Nhật cũng yêu cầu bắt buộc các công ty, tòa nhà, các trường học và địa phương… phải thường xuyên luyện tập phòng tránh thảm họa mỗi năm 1 đến 2 lần.

Nội dung cơ bản là để mọi người trải nghiệm các mức độ rung chấn khi có động đất. Hướng dẫn các cách tự bảo vệ khi động đất xảy ra như chui xuống gầm bàn để tránh vật rơi vào đầu, nếu nhà ở chung cư thì phải mở cửa ra vào ngay để phòng trường hợp rung động khiến cửa bị lệch không thể mở được khi cần thoát ra ngoài, không được sử dụng thang máy khi động đất xảy ra hoặc khi động đất và có khả năng sóng thần thì phải chạy lên nơi có địa bàn cao…

Ngoài ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người nước ngoài tới làm việc và sinh sống tại Nhật Bản, các chính quyền địa phương ngày càng chú ý tới việc cung cấp thông tin cho người nước ngoài, trong đó có cả thông tin về phòng chống thảm họa. Các bạn hãy thử tìm kiếm thông tin bằng tiếng Việt tại địa phương mình sinh sống nhé.

Tự chuẩn bị để đối phó khi động đất xảy ra

Những vật dụng cần thiết khi lánh nạn (Trang web của tỉnh Saitama)

Dù cho chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương có chuẩn bị chu đáo cơ sở hạ tầng về phòng tránh thiên tai thảm họa tốt đến đâu thì cũng vẫn cần sự tham gia tuân thủ, hợp tác rất lớn của người dân. Người Nhật có câu “備えあれば憂いなし” (Sonae-areba Urei-nashi), có nghĩa là: Nếu chuẩn bị kỹ càng thì không lo sợ gì cả.

Nhà cửa và các tòa nhà cao tầng tại Nhật đều được thiết kế chống động đất tuy nhiên. Tuy nhiên khi có rung chấn mạnh thì thường xảy ra hiện tượng đồ đạc đổ vỡ, các đồ vật nặng rơi trúng đầu hay thân thể sẽ gây ra thương tích, rất nguy hiểm. Vì vậy mà người Nhật thường thiết kể tủ âm tường, giá sách, kê bát gắn liền tường. Vừa gọn gàng lại vừa tránh rủi ro. Còn nếu nhà có tủ bát rời thì người ta thường sử dụng những tấm lót chống đổ, dụng cụ giữ tủ với tường hoặc với trần nhà hay khóa cửa đóng tự động khi có rung chấn. Hoặc khi thảm họa xảy ra thường hay bị mất nước nên người ta cũng chuẩn bị sẵn nước uống đủ cho vài ngày.

Chúng tôi xin nêu vài thứ điểm hình mà người Nhật luôn chuẩn bị trong gia đình để phòng chống thảm họa như sau:
● Nước uống đủ 3 lít/ 1 ngày /1 người (phần từ 3 đến 7 ngày)
● Lương khô (đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn cho từ 3~7 ngày)
● Thuốc men, đồ sơ cứu, khẩu trang
● Radio, pin, đèn pin
● Áo choàng giữ ấm, quần áo các loại
● Toilet dùng một lần
● Khi phải đi lánh nạn tập chung thì cần có gel khử khuẩn, khăn mặt
● Áo mưa dùng 1 lần, chăn chiên

Người Việt Nam tại Nhật chuẩn bị đối phó với động đất

Chúng tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ thông qua mạng xã hội đối với người Việt Nam sống tại Nhật và nhiều người đã hưởng ứng trả lời. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về sự chuẩn bị của một số bạn Việt Nam sống ở Nhật Bản.

Sử dụng dụng cụ để giữ đồ đạc không bị đổ

Khi động đất xảy ra, đồ đạc trong gia đình dễ bị đổ vào người gây thương vong. Nhất là các đồ vật như tủ sách và tủ đựng bát đĩa. Nhiều bạn cho biết gia đình có sử dụng dụng cụ chống giữa nóc tủ với trần nhà để giữ cho tủ không bị đổ.

Dụng cụ cố định tủ sách (của một bạn ở Chiba, làm biên-phiên dịch)

Dụng cụ cố định tủ sách (của một bạn ở Tokyo, nhân viên công ty)

Dụng cụ cố định tủ bát đĩa (của một bạn ở tỉnh Kanagawa, làm phiên-biên dịch)

Dụng cụ cố định tủ bát đĩa (của một bạn ở tỉnh Fukushima, nhân viên đoàn thể độc lập)

Dụng cụ hóa cửa tủ bát đĩa

Khóa cửa tủ bát đĩa (của một bạn ở tỉnh Nagasaki, nhân viên Cục Lao động)

Nhiều tủ để bát hiện nay có khóa tự động khi cảm nhận có độ rung lớn. Nếu không có, chúng ta có thể tìm mua tại các trung tâm Home Center và nhờ người lắp đặt.

Dùng dây chằng để cố định đồ điện gia dụng

Dùng dây để cố định vô tuyến (của một bạn ở tỉnh Fukushima, nhân viên đoàn thể độc lập)

Chuẩn bị túi khẩn cấp ①

Túi khẩn cấp do công ty phát (của một bạn ở Tokyo, nhân viên công ty)

Để chuẩn bị khi thảm họa xảy ra, Nhật Bản thường bán một túi gọi là Hijo Fukuro (Túi khẩn cấp) hoặc Hijo Mochidashi Fukuro (túi đối phó thảm họa). Những túi này thường đựng lương khô, nước uống và vật dụng cần thiết với số lượng tối thiểu đủ dụng trong vòng 2-3 ngày sau khi thảm họa xảy ra. Đa phần các bạn trả lời khảo sát đều biết về chiếc túi này và đều mua đầy đủ. Có bạn hiện là nhân viên của một công ty ở Tokyo cho biết công ty còn cấp cho một chiếc túi khẩn cấp như vậy (ảnh trên). Các vật dụng trong túi khẩn cấp trên như sau.

Như các bạn cũng thấy, trong túi có mũ bảo hiểm, nước uống, cơm ăn liền (cho nước hoặc nước sôi vào là ăn được), đèn pin tự phát điện, khẩu trang, găng tay, băng vệ sinh cho phụ nữ, giấy mềm ướt, toilet dùng 1 lần.

Túi khẩn cấp ②

Tự chuẩn bị túi khẩn cấp (của một bạn ở Tokyo, nhân viên công ty)

Có bạn cho biết tự chuẩn bị túi khẩn cấp cho gia đình. Trong túi mỗi loại đồ dùng được để riêng một túi nhỏ, có màu khác nhau rất tiện lợi khi cần dùng đến. Bạn cho biết quyết định mua những đồ dùng khẩn cấp này sau khi trải qua cơn bão mạnh hồi năm 2019. Chúng ta cùng xem trong túi có những gì nhé.

Toilet dùng 1 lần, khăn choàng, khẩu trang, bàn chải đánh răng…

3 loại cơm ăn liền, chỉ cần cho nước hoặc nước sôi là ăn được

4 chai nước

Radio có đèn pin (tự phát điện bằng cách quay tay), đèn, pin

Đồ y tế sơ cứu, áo mưa (phòng chống lạnh và mưa), còi, túi chân không

Khăn mặt để trong túi rút chân không, nệm không khí, túi giấy bạc…

Túi khẩn cấp ③

Ngoài việc chuẩn bị 1 túi đồ để ở nhà, có bạn mỗi khi đi ra ngoài cũng luôn mang theo một số thứ cần thiết. (Ảnh của một bạn ở tỉnh Kanagawa, nhân viên công ty)

Chuẩn bị phòng trường hợp mất nước

Chậu trữ nước (của một bạn ở tỉnh Nagasaki, nhân viên Cục Lao động)

Một bạn khác chia sẻ rằng “Động đất mạnh có thể làm vỡ đường ống gây mất nước kéo dài, nên ngoài việc chuẩn bị nước uống, việc tích trữ nước sử dụng hàng ngày cũng rất quan trọng. Sau trận động đất mạnh Kumamoto năm 2016, ngoài việc đổ đầy bồn tắm gia đình mình còn sắm thêm một chậu to giữ nước ăn và còn các loại can chứa đủ dùng nhiều ngày”.

Kết luận

Tấm lót chống sách không bị trượt (của một bạn ở Tokyo, làm phiên-biên dịch)

Có vẻ như rất nhiều người Việt Nam ở Nhật cũng đã có ý thức chuẩn bị kỹ càng để đề phòng thảm họa!

Bạn thì sao? Nếu bạn chưa làm gì thì hãy bắt tay vào chuẩn bị ngay đi nhé. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tải miễn phí ứng dụng rất hay của Tokyo tên là 東京防災 (TOKYO BOUSAI) với biểu tượng con hà mã đội mũ bảo hiểm màu vàng, trong đó có cả tiếng Việt một số phần quan trọng.

external link https://www.bousai.metro.tokyo.lg.jp/1005744/index.html