Blog

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_25

Cheerful Asian woman sitting in the park and having video call o
05/01/2022

Bạn đang ở Nhật và thấy cảnh đẹp, bạn liền gọi video call về cho gia đình và bạn bè để cùng chia sẻ. Nhưng hãy lưu ý: nếu như ở Việt Nam bạn bạn bật loa ngoài thì không sao nhưng ở Nhật thì sẽ rất phiền phức đấy. Ngoài ra trong khi gọi video call cần lưu ý tới vấn đề riêng tư của người xung quanh nữa.

Gọi video call đừng để âm thanh quá to!

Bạn đang ngắm lá vàng, lá đỏ, bạn đang thơ thẩn nhìn hoa anh đào bay trong gió. Bạn muốn chia sẻ nét đẹp đặc trưng của Nhật Bản với gia đình, bạn bè ở quê nhà. Tôi đoán chắc rằng trong hoàn cảnh đó thì một cuộc gọi video trên điện thoại di động (video call, facetime…) là lựa chọn hợp lý nhất.

Nếu ở Việt Nam, bạn cứ thoải mái bật video lên, bật luôn loa ngoài lên để bắt đầu một cuộc hội thoại mà những người đứng trong bán kính 2-3 mét đều có thể nghe được. Về cơ bản thì cũng chẳng ai để ý bạn đang nói gì, dù về mặt vật lý họ đều có thể nghe được.

Tuy nhiên nếu như đang ở Nhật thì đừng làm như vậy nhé. Hãy đeo tai phone và chọn cho bản thân một âm lượng hợp lý, đừng để xung quanh nghe thấy. Nói nhỏ là một ý thức khi gọi điện thoại nơi công cộng. Hơn nữa khi bạn là người nước ngoài và bạn đang nói thứ ngôn ngữ mà người Nhật chẳng hiểu gì. Đây chính là sự khác biệt về cảm nhận cũng như nhận thức của người dân.

Tôi có người bạn Việt Nam ở Nhật khá lâu có kể cho tôi nghe chuyện một hôm bạn và 1 người khác cùng lên xe điện và nói chuyện khá to. Bất ngờ một người đàn ông Nhật đứng tuổi ngồi đối diện đang đọc sách nhìn sang, đưa ngón tay trỏ lên ngang miệng (dấu hiệu nhắc nhở hãy im lặng) và nói: Suỵt. Hơi ồn ào đấy! Bạn kể rằng lúc đó thấy rất xấu hổ và tự nhắc mình sẽ lưu ý.

Ở Nhật Bản, khi nói chuyện qua điện thoại di động hoặc nói chuyện với bạn bè trên xe điện thì ý thức nói chung là “nói nhỏ”. Hoặc khi đang ở trên thang máy thì nếu được hãy giữ im lặng. Chúng ta hãy nhớ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nhé.

Quay video và việc bảo vệ quyền riêng tư

Đi kèm với câu chuyện để âm lượng cao khi gọi điện nơi công cộng nói trên, còn một vấn đề nghiêm trọng hơn khi quay video nơi công cộng.

Đó là rất nhiều người hồn nhiên chĩa camera khắp nơi, thậm chí chĩa cả vào mặt người lạ trong quá trình video call với người nhà. Đây là hành động vi phạm sự riêng tư và nếu gặp đúng ngày xấu trời, bạn có thể gặp rắc rối lớn đó.

Tôi và cậu bạn người Việt vào mùa Thu năm ngoái có ghé qua một khu dân cư khá đẹp ở thành phố Fukuoka. Bạn tôi rút điện thoại ra quay một đoạn clip, nhưng vô tình lại dính cả một nhóm nữ sinh trung học đang tan học vào trong video.

Chỉ 10 phút sau, một nữ sinh đã báo sự việc này với thầy giáo và vị giáo viên này thậm chí đã chọn cách gọi cảnh sát can thiệp. Bạn tôi được yêu cầu phải xoá những đoạn video có dính mặt các nữ sinh, vì vi phạm quyền riêng tư.

Ở Nhật Bản người ta không thích hình ảnh của mình được đưa lên mạng xã hội nếu không cho phép. Nhất là đối với trẻ em và phụ nữ thì đây là vấn đề khá nhạy cảm. Dù không cố ý, nhưng đây cũng là một bài học đắt giá cho những hành động quá đỗi hồn nhiên mà chúng ta không hề nghĩ rằng nó đang vi phạm một vài điều cấm kỵ ở Nhật Bản.

Đèn cảnh báo – Ý nghĩa và cách sử dụng khác nhau

Vào tháng 8 năm ngoái, tôi đi nhờ xe một cậu bạn Việt Nam từ Kyoto lên hồ Kawaguchi để ngắm núi Phú Sĩ. Cậu bạn này là dân lái xe chuyên nghiệp ở Việt Nam, sang Nhật làm thủ tục đổi bằng, và dễ dàng vượt qua cuộc thi lý thuyết và sát hạch kỹ năng.

Lái xe trong hoàn cảnh giao thông ngăn nắp, ít xe máy như ở Nhật, công bằng mà nói, là tương đối dễ. Vậy nên chuyến đi của chúng tôi khá suôn sẻ.

Tới một ngã tư thì xẩy ra một việc. Tôi vẫn nhớ là cậu bạn tôi tăng tốc vượt qua ngã tư khi đèn xanh chuyển sang đèn vàng. Như một thói quen, cậu ấn vào đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard lamps) rồi dễ dàng băng qua ngã tư. Bỗng dưng có một chiếc motor cảnh sát tiếp cận, ra dấu hiệu cho xe tôi dừng lại.

Hoá ra viên cảnh sát đó chỉ muốn hỏi rằng chúng tôi có ổn không, xe cộ có gặp vấn đề gì không mà tại sao lại bật đèn cảnh báo nguy hiểm. Cậu bạn tôi lúc đó mới ngơ ngác thanh minh rằng không có chuyện gì cả, chỉ bấm theo thói quen mà thôi.

Tôi xin xác nhận thói quen này. Tôi có hơn 10 năm lái xe ở Việt Nam và đã chứng kiến nhiều người bật đèn cảnh báo khi băng qua ngã tư hoặc đơn giản chỉ là quay đầu xe. Nhiều tài xế ở Việt Nam nghĩ rằng đèn hazard lamps là để thông báo với những lái xe khác hãy “ưu tiên” cho họ trong những tình huống như vậy.

Trong khi đó ở Nhật Bản, đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ được sử dụng trong trường hợp xe gặp sự cố, xe phải dừng ở làn khẩn cấp, xe đang thay lốp, xe đang sửa chữa… để báo cho những xe sau biết rằng xe mình đang dừng lại. Ý nghĩa của việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm ở Việt Nam khác hẳn so với ở Nhật Bản.

Nếu bạn đăng ký học lái xe từ đầu ở Nhật, bạn sẽ được dạy rất kỹ chi tiết này. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là dân đổi bằng, việc bạn cần làm là vượt qua buổi thi lý thuyết và thực hành, bạn sẽ không biết kỹ về ngôn ngữ của đèn cảnh báo nguy hiểm ở Nhật.

Ngoài ra, khi chuyển làn đường thì lái xe cũng thường nháy đèn cảnh báo nguy hiểm 2 hoặc 3 lần để cảm ơn người lái xe phía sau đã nhường đường cho mình. Một việc làm thật dễ thương phải không các bạn.