Blog

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_26: Không phải chỗ nào cũng có thể ăn uống hoặc nướng BBQ

2022-01-27 (1)
03/02/2022

Không phải công viên hay bãi đất trống nào ở Nhật bạn cũng có thể lôi bếp nướng ra nướng đồ ăn, và nếu các bạn có thói quen ngồi vỉa hè uống cốc trà đá hoặc nhậu với bạn bè thì sang Nhật bạn sẽ không có được trải nghiệm đó một cách thoải mái đâu.

Công viên không phải nơi nướng đồ ăn

Nếu các bạn sống ở Hà Nội và thường ghé thăm công viên Yên Sở chắc đã rất quen thuộc với hình ảnh người dân trải bạt ngồi chơi hoặc cắm trại trên những bãi đất trống và bên cạnh thì hiếm khi nào thiếu một cái bếp nướng.

Tuy nhiên, nếu các bạn nghĩ rằng có thể làm điều tương tự ở Nhật thì xin hãy cẩn thận. Nhật Bản quy định rõ những khu vực được phép nướng đồ ăn. Thường thì công viên là nơi người dân tập thể dục, chơi thể thao, ngồi thư giãn bằng một chút đồ ăn nhẹ chứ không phải là nơi tụ tập nướng đồ ăn hay kéo loa ra hát karaoke. Trừ mùa hoa anh đào nở, khi đó ta hay gặp cảnh người người trải tấm nilon và vừa ăn uống vui vẻ vừa ngắm hoa anh đào nở rộ.

Những khu vực được phép nướng đồ ăn thường là các địa điểm picnic nằm khá tách biệt với khu dân cư và phải đảm bản an toàn về việc thoát khói, phòng cháy chữa cháy. Có những cơ sở cho phép người sử dụng tự mang bếp đến nhưng cũng có những nơi cho thuê đồ dùng.

Ngồi nhậu ở vỉa hè là vi phạm nếp sống

Dân Việt Nam ta đặc thù sống bám đường phố. Chúng ta có quán nước vỉa hè, quán phở vỉa hè, quán nhậu vỉa hè. Nói chung mọi hoạt động của dân ta đều có thể làm trên vỉa hè. Bản thân tôi cũng là fan của một ly trà nóng kèm theo kẹo lạc vỉa hè.

Tôi giữ nét văn hoá này sang tới Nhật. Còn nhớ một lần, sau khi mua một ly café và cái bánh bao từ cửa hàng tiện lợi, tôi có rủ anh bạn cùng lớp ra một góc vỉa hè ngồi nhâm nhi, nói chuyện phiếm. Chuyện tưởng như rất bình thường này của chúng tôi lại trở nên kỳ lạ trong mắt người Nhật. Ai đi qua cũng liếc nhìn chúng tôi rồi nói điều gì đó nhưng vì chưa hiểu nên bọn tôi cũng không thắc mắc quá nhiều.

Rồi mùa hoa anh đào tới. Trong lúc đi ngang qua công viên trung tâm thành phố Fukuoka, tôi có nhìn thấy một nhóm người Việt (họ treo cả cờ tổ quốc lên xe đạp) trải bạt ngồi uống bia ở một góc vỉa hè, hình như là trước cửa ngôi nhà mà họ đang sống. Rất nhiều người Nhật đi qua nhìn họ bằng ánh mắt ngạc nhiên, kèm theo chút ái ngại. Ở Nhật mà trải bạt ra trên vỉa hè để nhậu nhẹt là vi phạm nếp sống.

Thật ra, vào mùa hoa anh đào nở, người Nhật có phong tục “Hanami” – tức là ngắm hoa. Họ cũng trải bạt dưới tán cây anh đào, ngồi ăn uống vui vẻ. Thế những trải bạt trên vỉa hè trước cửa nhà để ngồi uống bia/rượu và cười nói ầm ĩ gây ảnh hưởng tới xung quanh là không được đâu nhé.

Nếu chỉ đơn thuần là uống bia, uống rượu, người Nhật thích vào những quán rượu nhỏ, kín đáo một chút, riêng tư một chút chứ không ngồi vỉa hè rồi nhậu nhẹt om xòm cả một góc phố.

Xe bus và những sự khác biệt

Xe buýt ở Việt Nam

Xe bus ở Việt Nam trong quá khứ thường mang tiếng xấu là hung thần đường phố vì những cú phóng nhanh, phanh gấp, vào bến đột ngột. Rất nhiều bậc phụ huynh căn dặn con em mình khi tham gia giao thông ở Hà Nội thì cứ tránh ông xe bus cho lành.

Thời kỳ những năm 1990 đến 2000, có những lúc xe buýt ở Hà Nội còn không đỗ hẳn khi vào bến mà chạy chậm chậm để khách phải tự bám xe để lên xuống. Bản thân tôi cũng nhiều lần phải bám xe buýt đang chạy để lên xe như vậy.

Thế nhưng gần đây, thái độ của các tài xế xe buýt đã cải thiện đáng kể. Xe đã sạch sẽ hơn, không còn những cú phóng xanh, dừng đột ngột và khi vào bến là xe đỗ đàng hoàng. Việc bấm còi cũng ít hơn trước. Việc đi xe buýt không còn là những chuyến đi “mạo hiểm” nữa. Tuy vậy các bậc phụ huynh cẩn thận vẫn cứ căn dặn con cái mình cẩn thận khi gặp xe buýt.

Tuy nhiên, xe bus ở Nhật lại chẳng có gì đáng sợ cả, vì đây là phương tiện giao thông nằm trong Top những phương tiện tuân thủ luật pháp nhất trên đường. Xe bus ở Nhật chạy rất từ tốn, và nếu đường chỉ có 2 làn đường thì trên nguyên tắc xe buýt chỉ chạy bên lề trái.

Trên xe, lái xe sẽ báo trước khi xe chuẩn bị vào bến, vào bến tên gì, thậm chí báo khi xe chuyển hướng để hành khách đứng giữ thăng bằng không bị ngã. Hành khách cũng tuân thủ quy định khi đi xe. Chỉ khi nào xe dừng hẳn mới đứng lên để xuống xe.

Thiết bị trên xe buýt ở Nhật: Biển báo “Hành khách hãy ngồi yên khi xe chưa dừng hẳn và chưa mở cửa” (ảnh trái) và máy bỏ tiền hoặc đọc thẻ thu tiền đi xe (ảnh phải)

Tôi lại có một kỷ niệm xin được kể. Thời mới sang Nhật, tôi có một lần lên xe bus. Do mang hành lý nặng nề nên tôi hơi luống cuống để tìm một chỗ đứng hợp lý, vì nghĩ rằng xe bus sẽ chạy ngay sau khi hành khách cuối cùng lên xe. Tuy nhiên, xe vẫn tiếp tục dừng cho đến khi tôi có thể yên vị ở ghế, chỉnh hành lý thật ngay ngắn mới bắt đầu chạy. Hỏi ra mới biết, tài xế xe bus ở Nhật luôn quan sát xem hành khách đã ổn định chỗ ngồi chỗ đứng hay chưa rồi mới khởi hành chứ không đột ngột cho xe di chuyển khi hành khách còn chưa ổn định vị trí.

Đây cũng là một chú ý cho các bạn: Khi lên xe bus, hãy cố gắng ổn định thật nhanh vị trí của mình để lái xe có thể cho xe ra khỏi bến. Ngoài ra, hãy xếp hàng xuống xe ở cửa quy định chứ đừng tiện chân nhảy luôn xuống ở cửa lên xe khi thấy số lượng người xuống quá đông vì xe buýt ở Nhật có quy định rõ ràng cửa lên và cửa xuống.