Blog

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_27: Phòng khách làm gara – Điều ngạc nhiên nhưng có thật

220304-vnokjpdame-6
11/03/2022

Là người Việt, cũng từng chứng kiến vô số ngôi nhà tận dụng phòng khách làm nơi dựng xe máy, xe đạp và hiện tại là cả ô tô, nên tôi không lấy làm lạ. Tuy nhiên, đối với người Nhật thì chuyện này sẽ vô cùng lạ lẫm. Ngoài ra, nếu các bạn bị ốm, các bạn nghĩ rằng có thể ghé đại hiệu thuốc nào đó để mua thuốc bệnh thì quên giấc mơ đó đi nhé. Ở Nhật, mua thuốc không đơn giản như các bạn nghĩ đâu.

Đỗ ô tô trong phòng khách?

Dịp Tết Nhâm Dần vừa rồi tôi được một người bạn mời tới nhà chơi. Anh ấy khoe mới mua được một căn biệt thự khang trang, thoáng mát. Quả thật là nhà anh ấy rất đẹp và rộng rãi. Chúng tôi ngồi ăn uống, đàm đạo đến tận 11h đêm mới ra về. Anh tiễn tôi ra cửa, sau đó lên chiếc ô tô đỗ ngoài mặt tiền ngôi nhà rồi lùi vào phòng khách.

Phòng khách của anh rất rộng, chứa vừa một chiếc ô tô 7 chỗ và 3 chiếc xe máy. Ban ngày, anh mang xe ra để trước cửa để sử dụng phòng khách đúng mục đích tiếp khách. Đến tối, anh dẹp bàn ghế vào trong bếp để lùi ô tô vào nhà cho an toàn.

Tôi hỏi tại sao anh không xây tầng hầm để đỗ xe. Anh nói, do thời tiết Hà Nội mùa mưa dễ ngập, mùa xuân thì nồm nên tầng hầm hộ gia đình thực tế rất bất tiện. Tôi cũng hiểu vấn đề này.

Vì là người Việt, cũng từng chứng kiến vô số ngôi nhà tận dụng phòng khách làm nơi dựng xe máy, xe đạp và hiện tại là cả ô tô, nên tôi không lấy làm lạ. Tuy nhiên, đối với người Nhật thì chuyện này sẽ vô cùng lạ lẫm.

Một kiểu nhà có gara ở Nhật

Ở Nhật, nếu là nhà một căn thì thường khi xây, người Nhật bao giờ cũng dành chỗ cho bãi đậu xe. Nhiều nhà xây nhà 3 tầng, và dành tầng 1 làm gara.

Nếu khi xây nhà mà biết tính trước, để dành chỗ cho chỗ đậu xe như ở Nhật Bản là tốt nhất, nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người Việt suy nghĩ rằng, cứ xây nhà trước rồi sau này có ô tô tính sau. Và điều đó dẫn tới những màn đỗ xe ô tô trong phòng khách, hoặc thú vị hơn là nửa thân xe trong phòng khách, nửa còn lại ngoài sân.

Nhà ở Nhật không được phép xây 100% diện tích đất

Một căn nhà ở Việt Nam

Một người bạn Nhật của tôi ở Hà Nội có nói với tôi rằng “Ở Việt Nam, có vẻ mọi người xây nhà trên 100% diện tích đất của mình. Tôi thấy ngạc nhiên thật sự”. Chính vì việc này mà mới dẫn tới hiện tượng cất xe trong phòng khách như tôi vừa đề cập phía trên.

Tuy nhiên, ở Nhật thì khác. Không thể xây nhà trên 100% diện tích đất được. Lý do là vì luật xây dựng của Nhật Bản có quy định về tỷ lệ được xây dựng so với diện tích mặt đất.

Theo luật hành chính của Nhật thì đất được chia thành nhiều loại khác nhau. Cơ bản nhất là chia làm 2 loại: “Khu vực dân cư”, “Khu vực công nghiệp” và “Khu vực thương mại”. Trong đất thuộc “Khu vực dân cư” thì lại chia thành nhiều loại khác nhau và tùy từng loại đất mà tỷ lệ xây dựng nhà so với diện tích đất có quy định khác nhau. Vì thế khi thiết kế xây nhà thì không được vượt qua tỷ lệ đã được quy định.

Ví dụ với mảnh đất diện tích 150 mét vuông và tỷ lệ xây dựng là 60% thì diện tích được phép xây dựng là 90 mét vuông (150m2 x 60%). Phần 60 mét vuông còn lại chỉ được phép sử dụng vào việc làm bãi đậu xe hoặc làm vườn. Sở dĩ như vậy là đứng trên góc độ phải tính tới việc phòng cháy chữa cháy cũng như để quy hoạch cảnh quan đô thị.

Một căn nhà ở Nhật

Ngoài ra, quy định xây dựng của Nhật còn có “Tỷ lệ diện tích sàn”. Đây là tỷ lệ giữa diện tích đất và diện tích sàn sử dụng ở mỗi tầng. Đa phần nhà ở khu vực dân cư thì tỷ lệ này là từ 50 đến 500%, còn các tòa nhà ở khu “Khu vực thương mại” thì tỷ lệ này là từ 200 đến 1000%. Tùy theo khu vực mà tỷ lệ này khác nhau rất lớn.

Ví dụ, một miếng đất 150 mét vuông, với tỷ lệ xây dựng là 60% và tỷ lệ diện tích sàn là 200% thì ta sẽ có diện tích căn nhà và diện tích sàn sử dụng như sau:

・ Diện tích được phép xây dựng: 150m2 x 60% = 90m2
・ Diện tích sàn sử dụng: 150m2 x 200% = 300m2

Vì thế theo luật xây dựng ở Nhật Bản thì nếu bạn có mảnh đất diện tích đất là 90 mét vuông thì chỉ được phép xây dựng một ngôi nhà 3 tầng (với diện tích sàn sử dụng là 270 mét vuông) nhưng với diện tích đất là 75 mét vuông thì ta có thể xây dựng một căn nhà 4 tầng với diện tích sàn sử dụng là 300 mét vuông.

Có những thứ thuốc không thể dễ dàng mua ở cửa hàng thuốc?

Lại liên quan tới chuyện mua bán, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, nói không quá khi cứ trung bình 100 mét bạn lại bắt gặp một tiệm bán thuốc. Cần mua kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc bất kỳ loại biệt dược nào, cứ việc ghé vào hiệu thuốc là mua được.

Nhưng Nhật Bản thì khác. Năm 2019, tôi bị đau dạ dày cấp tính và phải dùng thuốc kháng sinh. Đầu tiên, tôi lang thang khắp nơi nhưng việc tìm hiệu thuốc ở Nhật không hề dễ dàng. Sau khi tìm kiếm trên google, tôi cũng tìm ra một cửa hiệu bán thuốc. Tôi tự tin đến đó yêu cầu mua kháng sinh rồi bị… từ chối. Lý do là: Tôi bắt buộc phải có đơn của bác sĩ mới được phép mua các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm. Luật pháp của Nhật Bản quy định một số loại thuốc bệnh nhất định phải có kê đơn của bác sĩ mới được phép bán (tiếng Nhật là 処方せん-Shohosen).

Đơn của bác sĩ

Kê đơn – Shohosen nghĩa là bác sĩ khám bệnh và dựa trên tình trạng bệnh hoặc vết thương của bệnh nhân để ghi rõ bệnh nhân cần được dùng loại thuốc, liều lượng, được bào chế theo cách nào … Khi mang tới cửa hàng thuốc, dược sĩ sẽ theo đơn đó mà chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân.

Chính vì vậy mà nếu muốn mua thuốc kháng sinh có nghĩa là phải đi khám bệnh, được bác sĩ kê đơn đàng hoàng mới có thể mua thuốc. Ở Nhật Bản, không phải cửa hàng thuốc nào cũng có bán thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, những loại thuốc đơn giản không có trong quy định thì không cần đơn của bác sĩ cũng có thể mua được.

Các bạn nhớ rõ điều này để đỡ mất công đi tìm hiệu thuốc.