Văn hoá
Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_28: Sau khi tắm xong, đừng xả nước bồn tắm
Ở Nhật Bản, khi đi tắm, người ta tắm rửa trước ở ngoài rồi mới vào ngâm ở bồn tắm và cả gia đình đều dùng chung nước nóng trong bồn. Trong số này chúng tôi sẽ giới thiệu về sự khác biệt trong cách tắm bồn ở Nhật, việc “dán giấy báo đỗ xe phạm luật” và “khi mua xe đạp nếu không đăng ký với cảnh sát sẽ ra sao”.【Thạch Long】
Tắm bồn ở Nhật Bản khác với ở Việt Nam
Ngày xưa nhà bà ngoại tôi có bồn tắm. Tôi và 2 đứa em chiều nào cũng đòi ngâm bồn. Bà tôi thường sắp xếp thế này: Bà xả đầy nước vào bồn tắm cho tôi ngâm (và nghịch) trước. Tôi xong thì bà xả hết nước trong bồn, tráng qua cho sạch rồi lại xả nước mới đầy bồn cho em tôi ngâm. Cứ mỗi lần có người cần tắm bồn lại là chu trình: Xả sạch nước cũ, tráng lại, xả nước mới rồi ngâm.
Có lẽ phải 99% người Việt có cách tắm bồn như vậy. Nhưng ở Nhật thì khác. Tôi có bà chị sống ở Nhật, có kể tôi nghe câu chuyện thế này. Có lần chị đón một người khách Việt Nam đến chơi ngủ lại. Vì là khách nên chị tôi bảo cậu ý đi tắm trước. Xong xuôi, cu cậu bảo em xả sạch nước trong bồn, cho nước mới vào để cho người sau tắm rồi. Chị tôi nghe chuyện phá lên cười.
Tắm bồn trong gia đình người Nhật cũng tuân theo chu trình như tắm onsen hoặc nhà tắm công cộng Sento vậy. Một ngày chỉ đun nước tắm bồn một lần. Các thành viên trong gia đình sẽ lần lượt vào tắm và ngâm người trong bồn nước nóng đó (giữa chừng có thể cho thêm nước nóng vào hoặc đun lại nếu bồn tắm có chức năng tự đun lại nước trong bồn). Để nước nóng trong bồn không bị bẩn, trước khi vào ngâm bồn, người ta thường làm như sau.
・ Trước khi vào bồn tắm, dùng gáo hoặc vòi sen tắm rửa qua.
・ Sau khi ngâm người trong bồn cho ấm người thì mới ra khỏi bồn để tắm rửa, gội đầu.
・ Sau đó lại vào bồn ngâm người thêm một lúc cho người ấm trở lại.
Như vậy có thể nói nguyên tắc cơ bản trong cách tắm bồn ở Nhật là: Tắm rửa xong thì mới vào bồn để “ngâm người trong nước nóng”. Khi ngâm, lưu ý giữ không để cho nước bị bẩn để cả nhà lần lượt dùng chung. Chính vì cách tắm này mà phòng tắm của người Nhật thường thiết kế theo kiểu có bồn tắm và chỗ để ngồi tắm rửa gội đầu còn nhà vệ sinh sẽ nằm ở nơi tách biệt.
Ngoài ra, cách tắm bồn ở Nhật cũng có những đặc điểm khác như.
・ Nhà có trẻ em thì thường cả cha mẹ con cái đều vào tắm chung một lượt với nhau.
・ Vợ chồng cùng đi tắm với nhau cũng không phải là điều hiếm có.
・ Có thể tận dụng nước nóng ở bồn tắm để giặt giũ.
Ở Nhật, máy giặt có gắn bộ phận bơm nước từ bồn tắm lên để giặt khá phổ biến và người ta thường thiết kế chỗ để máy giặt sát với phòng tắm để tiện cho việc tái sử dụng nước trong bồn.
Vậy nên nếu bạn là khách của một gia đình Nhật thì bạn cứ việc đi tắm trước, nhưng tắm xong thì đừng xả sạch nước của nhà người ta nhé.
Dán thông điệp lên xe người khác. Đừng!!?
Dạo gần đây dân mạng Việt Nam tranh cãi vô cùng gay gắt về vụ một chiếc xe đỗ dưới lòng đường vô tình lại chắn tầm nhìn của một quán ăn vỉa hè. Chủ quán bức xúc lấy băng dính dán xung quanh xe cảnh cáo. Cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến.
Người bênh thì cho rằng chiếc xe đỗ thiếu ý thức. Người phản đối thì lập luận rằng, kể cả chiếc xe đỗ có sai đi chăng nữa, chủ quán ăn cũng không được phép lấy băng dính tự tiện dán chằng chịt lên xe của người khác. Như vậy có khả năng phạm tội phá họai tài sản.
Lấy băng dính dán chằng chịt lên xe người khác thì đúng là hơi quá. Nhưng ở Việt Nam, chuyện xe ô tô đỗ dưới lòng đường bị dán giấy nhắc nhở là quá bình thường.
Nhẹ nhàng thì là một tờ giấy A4 dán vào kính xe ghi dòng chữ: “Không đỗ xe ở đây”. Nặng hơn có thể bị đổ rác lên xe để cảnh cáo.
Ở Nhật thì không được tuỳ tiện kiểu này. Đa phần ai cũng hiểu là việc tự tiện dán giấy lên xe của người khác có thể dẫn tới những rắc rối. Cùng lắm thì họ kẹp một mảnh giấy ở cần gạt nước, hoặc đa phần thì im lặng chịu. Khi thấy xe đỗ sai quy định, đa phần người Nhật sẽ gọi điện báo cho cảnh sát biết để cảnh sát giải quyết theo luật. Nếu bạn gặp trường hợp khó chịu như vậy, hãy gọi điện cho cảnh sát nhé.
Mua xe đạp cũng phải đăng ký
Mua xe đạp ở Việt Nam đơn giản như bạn ra cửa hàng mua cái quần, cái áo vậy. Mua về là dùng thôi. Ở Việt Nam, xe đạp được coi là phương tiện thô sơ nên không cần phải có thủ tục gì về mặt pháp lý.
Ở Nhật, xe đạp cũng là một phương tiện giao thông đơn giản, giá cả phải chăng và không cần có bằng lái xe và người Việt Nam ở Nhật cũng nhiều người sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, khi mua xe đạp ở Nhật, phải được “Bohan Toroku” – tức là đăng ký để phòng chống mất cắp. Đây là quy định bắt buộc theo luật ở Nhật, chúng ta đừng quên nhé.
Cách đăng ký thì không có gì phức tạp. Thông thường các cửa hàng bán xe đạp đều có dịch vụ đăng ký giúp khi bạn mua xe ở đó. Tùy địa phương mà phí đăng ký có khác nhau. Ví dụ ở Tokyo thì phí là 660 yên (không phải mất thuế tiêu dùng).
Trường hợp mua xe qua mạng hoặc mua xe cũ qua ứng dụng Free market thì cần phải tự đi đăng ký. Khi đi đăng ký, cần mang theo những thứ như sau.
① Xe đạp
② Giấy bảo hành hoặc giấy chứng nhận mua xe.
③ Thẻ lưu trú hoặc giấy tờ tùy thân
Trường hợp mua xe qua ứng dụng Free market thì thường sẽ không có giấy tờ ở mục ② nhưng cần phải có giấy bán lại (trong đó có thông tin người bán và có đóng dấu). Trường hợp được bạn hoặc các sempai nhường lại thì cần có giấy nhượng quyền và nếu cùng người cho xe tới cửa hàng nhờ đăng ký thì sẽ rất tiện lợi.
Vậy tại sao lại cần phải Bohan Toroku khi mua xe đạp? Ở Nhật luật quy định là khi mua xe đạp cần phải đăng ký đề phòng mất cắp. Nhưng nếu không đăng ký cũng không vì thế mà bị phạt. Tuy nhiên nếu không đăng ký có sẽ gặp phải vài trường hợp sau.
Trường hợp bị mất xe và bạn ra trình báo với cảnh sát mà nếu xe không có đăng ký thì xác xuất tìm được rất thấp. Nếu có đăng ký thì nhãn đăng ký dán trên xe sẽ là đặc điểm để nhận dạng.
Có trường hợp, đang đi thì có thể bị cảnh sát dừng xe lại để chất vấn. Nếu xe không có đăng ký thì sẽ bị hỏi lý do vì sao và cảnh sát sẽ phải xác nhận xe không phải là đồ ăn cắp và như vậy rất mất thời gian. Tôi cũng đã từng bị cảnh sát dừng xe và bị chất vấn rất phiền phức.
Việc đăng ký xe đạp hết sức đơn giản nên khi xin xe đạp từ người khác bạn đừng quên yêu cầu họ đưa cho bạn giấy tờ, rồi đi đăng ký Bohan Toroku để tránh gặp các rắc rối nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17079 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13037 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản_02: Không đặt hàng cá nhân đến địa chỉ nơi làm việc
Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy nhiều người đặt mua đồ trên mạng và chọn địa chỉ giao hàng là nơi làm việc của mình, song ở Nhật thì không làm như vậy được. Ngoài ra, sau mỗi kì nghỉ dài, người Nhật sẽ trở về trạng thái “bật chế độ làm việc”, ngay từ ngày đầu tiên quay lại với công việc. Mình có 9 năm làm việc ở Việt Nam và ba lần du học, hiện nay mình đang làm nhân viên chính thức trong một công ty ở Nhật. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về sự khác nhau giữa văn hoá doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản. 〈Vân Hoàng〉 Chuyển chế độ “ON” - “OFF” Khi làm việc ở Hà Nội, mình luôn cảm thấy ghen tị vì các các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều ngày nghỉ lễ hơn các công ty của Việt Nam. Từ tháng 10 năm 2021, mình vào làm việc tại một công ty ở Tokyo. Ngoài kỳ nghỉ Tết dương lịch, gần như tháng nào mình cũng có ba ngày nghỉ liên tiếp. Mình thấy rất vui vì điều này nhưng nó cũng làm cho mình khổ sở. Mình gặp khó khăn với việc chuyển chế độ “ON” và “OFF” giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Vấn đề của mình là làm thế nào để nhanh chóng thay đổi tâm trạng sau mỗi kỳ nghỉ dài. Những đồng nghiệp người Nhật xung quanh mình đều là những người làm việc rất chuyên nghiệp, sau kỳ nghỉ dài, họ đã ở trạng thái “bật chế độ làm việc” ngay từ buổi sáng đầu tiên đi làm lại. Ở Nhật, vào thời gian cuối năm cũ và đầu năm mới, mọi người sẽ nghỉ khoảng một tuần. Vào ngày đi làm đầu tiên của tháng 1, giám đốc sẽ gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể nhân viên. Sau khi kết thúc màn chào hỏi đầu năm, tất cả các đồng nghiệp của mình đã “bật chế độ làm việc”, và họ tập trung vào công việc như không hề có kỳ nghỉ một tuần trước đó. Ở Việt Nam có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ý nghĩa của câu nói này là ngoài mấy ngày Tết, mọi người sẽ có tâm trạng “ăn Tết, chơi Tết”, kéo dài khoảng một tháng từ trước Tết cho tới sau Tết. Trước khi nghỉ dài, mọi người sẽ chuẩn bị đón Tết, mua sắm, nghĩ xem mình sẽ làm gì trong mấy ngày Tết. Sau kì nghỉ dài, mọi người lại mải mê nghĩ về các hoạt động như tổ chức tiệc chúc mừng năm mới, đi lễ chùa đầu năm, đi du xuân v.v. Khi làm việc cùng người Nhật, mình thấy rất ấn tượng với cách người Nhật chuyển chế độ “ON” - “OFF” và hiểu ra rằng đó cũng là một trong những điều khiến Nhật Bản đạt được những thành quả kinh tế to lớn như ngày hôm nay. Phân chia rõ ràng giữa việc công và việc tư Với người Nhật, họ chia rõ “thời gian làm việc” và “thời gian cho bản thân”, đồng thời họ cũng phân rõ việc nào là việc công, việc nào là việc tư. Ví dụ, trong giờ làm việc, đồng nghiệp của mình đều tập trung vào công việc, hầu như không nói chuyện phiếm hay kể chuyện về gia đình. Ngoài ra, nhân viên trong các công ty của Nhật cũng không đặt đồ cá nhân về địa chỉ của công ty. Ở Việt Nam, khi mua hàng trên mạng, nhiều người đã nhờ các cửa hàng giao đồ đến công ty. Mình cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, trong các công ty của Nhật thì không có ai làm thế. Bây giờ, khi mua hàng trên mạng, mình cũng thường nhận hàng ở nhà riêng vào cuối tuần. Nghỉ vào giờ nghỉ trưa thì thế nào? Người Nhật đúng là làm việc chăm chỉ, đâu ra đấy nhưng có khi họ làm việc quá nhiều, hay có vẻ họ không giỏi tận dụng thời gian OFF của mình. Điều này thể hiện trong giờ nghỉ trưa hàng ngày. Sau khi vào công ty Nhật làm việc, mình thấy bất ngờ nhất với cách người Nhật nghỉ trưa. Trước đây, khi dạy tiếng Nhật tại một trường đại học ở Hà Nội, một đồng nghiệp người Nhật (luật sư phụ trách giờ dạy Luật Nhật Bản) từng nói với mình, “Ở Nhật, nhiều người chỉ ăn trưa trong vòng 5 phút”. Khi nghe anh ấy nói vậy, mình đã nghĩ là anh ấy “phóng đại” mà thôi. Thế nhưng, khi làm việc trong công ty ở Nhật, mình hiểu ra rằng chuyện đó không phải là bịa đặt. Ở công ty mình đang làm, có người rút ngắn giờ nghỉ trưa, có người không ăn trưa mà làm việc liên tục. Ngoài ra, ở Nhật có khi mọi người vừa ăn trưa vừa tham gia một cuộc họp nào đó, một điều gần như không thể xảy ra ở Việt Nam. Việt Nam có câu “Trời đánh tránh miếng ăn”. Câu nói này khuyến khích mọi người hãy trân trọng giờ ăn của mình. Chắc hẳn phần lớn nhân viên chính thức ở Nhật đều có thời gian nghỉ trưa được ghi trong hợp đồng lao động là một tiếng đúng không nào? Mỗi người đều có quyền sử dụng thời gian đó theo cách của mình, nhưng thiết nghĩ nếu dành thời gian đó cho bản thân nhiều hơn một chút thì chẳng phải là rất tốt hay sao? Mình cho rằng nếu nghỉ ngơi đủ thì năng suất làm việc cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, việc thong thả ăn trưa và nói chuyện với đồng nghiệp cũng là một việc rất có ý nghĩa. Nếu là người Việt, vào giờ nghỉ giải lao, mọi người có thể nói bất kì chuyện gì với nhau, kể cả các chuyện riêng tư, chuyện gia đình, con cái. Điều này khiến mọi người hiểu nhau hơn, quan hệ giữa hai bên cũng ngày càng tốt đẹp hơn. Tổng kết Sau khi vào làm việc trong công ty của Nhật, mình hiểu thêm về cách làm việc cũng như văn hoá làm việc của người Nhật và thấy rằng mình cần học từ họ rất nhiều. Cách làm việc ở Nhật có nhiều điểm khác với cách làm việc ở Việt Nam. Đấy là sự khác biệt về văn hoá nên mình nghĩ nó không phải là thứ để đánh giá là cái nào tốt, cái nào kém. Tuy nhiên, nếu có thể cải thiện cách làm việc nhờ tiếp thu văn hoá của người Nhật thì mình nghĩ đó cũng là một việc nên làm. Trong bài viết này, mình đã giới thiệu với các bạn hai điểm tốt trong môi trường làm việc ở Nhật, đó là cách người Nhật “chuyển chế độ ON-OFF” và “phân chia việc công - việc tư”, còn một điểm mình thấy hơi đáng tiếc là “cách dùng thời gian nghỉ trưa” của họ. Qua bài viết, hi vọng mọi người hiểu thêm về văn hoá doanh nghiệp của hai nước và cùng giúp đỡ nhau nhiều hơn trong công việc!
-
Sự khác nhau giữa tàu tốc hành đặc biệt (特急 Tokkyu), tàu tốc hành (急行 Kyuko), tàu nhanh (快速 Kaisoku) ở vùng thủ đô Tokyo
Trải nghiệm bị lạc đường ở các ga lớn hoặc đi nhầm tàu, tới nhầm địa điểm chắc hẳn là một trong những kỉ niệm khó quên đối với nhiều bạn mới chuyển lên Tokyo (và vùng phụ cận) để học tập, sinh sống. Tokyo có hệ thống tàu điện rất phức tạp, nhiều tuyến chạy đan xen, mỗi tuyến lại có nhiều loại tàu nhanh chậm khác nhau nên để chọn được chuyến tàu nhanh hoặc chuyến tàu không mất thêm phụ phí cũng khiến nhiều bạn bối rối. Do đó, trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn điểm khác nhau của các loại tàu từ tàu tốc hành đặc biệt, tàu tốc hành, tàu nhanh…và loại tàu nào mất thêm phụ phí, loại nào không mất để các bạn có thể dễ dàng sử dụng tàu điện ở Tokyo nhé. 1. Điểm khác biệt của các loại tàu thuộc công ty đường sắt JR Tàu tuyến Yamanote (tàu thường) Trước tiên, cả công ty JR và các công ty đường sắt tư nhân đều có 02 loại tàu chính, đó là tàu nhanh và tàu chậm (hay tàu thường). Các loại tàu tốc hành đặc biệt(特急Tokkyu), tàu tốc hành(急行 Kyuko), tàu nhanh(快速 Kaisoku), tàu nhanh chạy giờ cao điểm(通勤快速Tsukin Kaisoku, tàu chỉ chạy vào giờ cao điểm buổi sáng và tối), tàu khá nhanh(準急, Junkyu, loại tàu dừng ít ga hơn tàu thường nhưng dừng nhiều ga hơn các loại tàu nhanh khác)được phân loại vào nhóm tàu nhanh. Còn lại tàu thường(普通 Futsu, dừng tất cả các ga)được gọi chung là tàu chậm. Nếu xếp các loại tàu của JR theo tốc độ giảm dần thì đầu tiên sẽ là tàu tốc hành đặc biệt>tàu tốc hành>tàu nhanh – tàu nhanh giờ cao điểm> tàu thường. Trong đó tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành là những loại tàu phải trả thêm phụ phí. Tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành của công ty đường sắt JR Tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành đều là loại tàu nhanh, nhưng tàu tốc hành đặc biệt có tốc độ chạy nhanh hơn cả. Loại tàu này chỉ dừng ở các ga lớn, nội thất bên trong tàu cũng tiện nghi, cao cấp hơn so với các loại tàu khác. Bởi vậy mà ngoài chi phí vận chuyển thông thường bạn sẽ phải trả thêm phụ phí để sử dụng loại tàu này. Loại phí này chênh lệch ít nhiều tùy thuộc vào bạn sử dụng dịch vụ đặt ghế trước hay không. Shinkansen cũng được xếp vào một loại tàu tốc hành đặc biệt. Giống như tàu tốc hành đặc biệt, tàu tốc hành cũng chỉ dừng ở một số ga lớn và bạn sẽ phải trả thêm phí khi sử dụng. Tuy nhiên số lượng ga dừng của tàu này nhiều hơn tàu tốc hành đặc biệt nên tốc độ của nó cũng chậm hơn đôi chút. Một số loại tàu tốc hành của công ty đường sắt JR có tên riêng. Ví dụ: Tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt JR ・ Tàu Azusa, Kaiji: Chạy trên tuyến Chuo. Dừng ở các ga như Shiojiri, Kofu, Hachioji, Shinjuku・ Tàu Hitachi, Tokiwa: Chạy trên tuyến Joban. Dừng ở các ga như Mito, Iwaki, Sendai・ Tàu Narita Express: Kết nối trung tâm Tokyo với sân bay Narita・ Tàu Odoriko, Shonan: Kết nối Tokyo với khu vực Ito Tàu tốc hành đặc biệt Azusa (Shinjuku – Matsumoto) Trải nghiệm của mình Mình và một vài người bạn có đến thăm thành Matsumoto – một trong những địa danh nổi tiếng của tỉnh Nagano. Bọn mình xuất phát lúc 8h sáng từ ga Shinjuku, di chuyển bằng tàu tốc hành đặc biệt Tokkyu Azusa. Ban đầu tra giờ tàu mình thấy mất 2 giờ 30 phút nhưng do có bạn đi cùng ngồi trên tàu lại thoải mái nên tám chuyện một lúc là đã tới Matsumoto. Giá vé là 6,620 yên cho một lượt, trong đó 4,070 yên là tiền phí vận chuyển và 2,550 yên là tiền phụ phí khi sử dụng tàu tốc hành đặc biệt. Nếu bạn chọn đi tàu nhanh (không phải tàu tốc hành đặc biệt) và đổi tàu một vài lần thì chỉ mất 4,070 yên cho một lượt, hoặc nếu bạn sử dụng vé Thanh xuân 28 (Seishun 18 kippu) vào một số thời điểm trong năm thì còn rẻ hơn nữa nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc di chuyển. Cụ thể là có thể mất khoảng 4 giờ 30 phút cho quãng đường từ Shinjuku tới Matsumoto, do vậy mình quyết định trả thêm 2,550 yên để đi chuyến Tokkyu Azusa và mình nghĩ đây là một sự lựa chọn đúng đắn bởi tàu chạy nhanh và rất thoải mái. Tàu nhanh và tàu thường Trong các loại tàu của công ty đường sắt JR, xếp thứ 3 về tốc độ sau tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành là tàu nhanh (bao gồm tàu Tokubetsu kaisoku 特別快速 và tàu Kaisoku 快速). Hai tàu này đều không mất thêm phụ phí khi di chuyển, so với tàu thường thì dừng ít ga hơn nên thời gian di chuyển trên cùng một quãng đường sẽ ngắn hơn. Ngoài ra còn có tàu nhanh chạy giờ cao điểm (通勤快速, Tsukin Kaisoku), tàu này còn dừng ít ga hơn cả tàu nhanh bình thường. Cuối cùng là tàu thường (普通 Futsu ), loại tàu dừng ở tất cả các ga trên tuyến. Tàu nhanh tuyến Chuo 2. Một số loại tàu nhanh, tàu thường có thu phụ phí (ngoại lệ) Toa xe Green trên tàu thường Các loại tàu nhanh, tàu thường thuộc công ty đường sắt JR đa phần không thu thêm phụ phí. Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ, đó chính là các toa xe Green trên một số đoàn tàu nhanh, tàu thường của công ty này. Các toa xe này thường nằm ở vị trí giữa đoàn tàu, có thiết kế khác với các toa xe còn lại do toa xe Green sẽ có 2 tầng ghế ngồi. Trong phạm vi vận hành của công ty đường sắt JR Đông Nhật Bản thì một số tuyến sau đây có dịch vụ toa xe Green: tuyến Tokaido(東海道線), tuyến Yokosuka – Sobu(横須賀線・総武線快速), tuyến Ueno – Tokyo Line(上野東京ライン)hay tuyến Joban(常磐線), tuyến Shonan Shinjuku(湘南新宿線), tuyến Takasaki(高崎線), tuyến Utsunomiya(宇都宮線). Nếu bạn lên những toa xe này bạn cần mua thêm vé toa Green, tức là bạn sẽ phải trả thêm phụ phí. Máy bán vé toa xe Green 3. Tàu của các công ty đường sắt tư nhân Khác với công ty đường sắt JR, mỗi công ty đường sắt tư nhân ở Nhật lại có quy định riêng về tốc độ chạy cũng như số ga dừng của các loại tàu tốc hành đặc biệt(特急 Tokkyu), tàu nhanh(快速 Kaisoku, 快速急行Kaisoku Kyuko), tàu tốc hành(急行Kyuko), tàu khá nhanh(準急Junkyu) và tàu thường(普通Futsu). Đa phần tàu tốc hành đặc biệt sẽ thu thêm phụ phí, còn lại thì đều không phải trả thêm bất kì phí nào. Bảng 1: Các loại tàu thuộc hệ thống đường sắt tư nhân ở vùng thủ đô Tên tuyến Khu vực Tốc độ (giảm dần) Công ty đường sắt Tobu Tuyến Isesaki Asakusa – Tobu dobutsukoen Kaisoku>Kukan kaisoku>Kukan kyuko>Kukan junkyu>Futsu Tuyến Tojo Ikebukur –Ogawamachi Kaisoku>Kyuko>Tsukin kyuko>Junkyu>Futsu Công ty đường sắt Seibu Tuyến Ikebukuro Ikebukuro – Hanno Tokkyu (Chichibu)>Kaisoku kyuko>Kyuko>Tsukin kyuko>Kaisoku>Junkyu>Futsu Tuyến Shinjuku Seibushinjuku – Honkawagoe Tokkyu (Koedo)>Kyuko>Tsukin kyuko>Junkyu>Futsu Công ty đường sắt Keio Tuyến Keio Shinjuku – Hachioji Tokkyu(không phụ phí)>Juntokkyu>Kyuko>Kukan Kyuko>Kaisoku>Futsu Công ty đường sắt Keisei Tuyến Keiseihonsen Keisei Ueno – Sân bay Narita Kaisoku Tokkyu>Tokkyu>Kaisoku>Futsu Công ty đường sắt Tokyu Tuyến Toyoko Shibuya – Yokohama Tokkyu(không phụ phí)>Tsukin Tokkyu>Kyuko>Futsu Công ty đường sắt Keikyu Tuyến Honsen Senkakuji – Uraga Kaitoku>Tokkyu(không phụ phí)>Futsu Công ty đường sắt Odakyu Tuyến Odakyu Shinjuku – Sagamiono Tokkyu (Romancecar)>Kaisoku kyuko>Kyuko>Junkyu>Kukan junkyu>Futsu Tàu tốc hành đặc biệt có thu phụ phí và không thu phụ phí Khác với công ty JR, mỗi công ty đường sắt tư nhân có chính sách thu phụ phí riêng khi hành khách sử dụng tàu tốc hành đặc biệt. Ví dụ, các chuyến tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt Seibu (Tokkyu Chichibu, Tokkyu Koedo) hay công ty đường sắt Odakyu (Tokkyu Romancecar) là những loại tàu bạn phải trả thêm phụ phí khi sử dụng. Trong khi đó cũng có những chuyến tàu tốc hành đặc biệt không cần trả thêm phụ phí với những toa xe có thiết kế, trang thiết bị không có nhiều thay đổi so với các chuyến tàu thông thường. Tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt Seibu ( Tokkyu Chichibu) Trải nghiệm của mình Khi mình mới sang Nhật, mình có đi gặp một người bạn ở ga Keio Hachioji. Khi đó, mấy anh khóa trên trong trường có nói với mình rằng nếu chú đi Tokkyu là chú phải trả thêm tiền, mình lại sợ tốn kém nên mình đã chọn tàu nhanh Kaisoku để đi, và mình đã mất 1 giờ 15 phút để di chuyển từ Shinjuku tới Keio Hachioji. Sau khi gặp bạn mình, bạn mình có nói rằng tuyến Keio này Tokkyu không mất phí đâu, cứ lên thoải mái. Do vậy khi trở về mình đã chọn tàu Tokkyu để đi, và quả nhiên chỉ mất 43 phút so với ban đầu, vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Ngược lại, nếu bạn sử dụng tàu Tokkyu Chichibu đi từ ga Ikebukuro (tuyến Seibu) tới Chichibu, ngoài tiền phí vận chuyển là 790 yên bạn sẽ phải trả thêm 710 yên tiền phụ phí, thời gian di chuyển là 1 giờ 17 phút. Trong trường hợp bạn không sử dụng tàu Tokkyu mà đi tàu nhanh bình thường thì bạn chỉ mất 790 yên và 1 giờ 47 phút di chuyển. Tàu Tokkyu có ưu điểm là di chuyển nhanh, thoải mái nhưng chắc nhiều bạn học sinh, thực tập sinh sẽ vẫn chọn đi tàu thường trong trường hợp này bởi lẽ thời gian di chuyển chỉ chênh nhau 30 phút. Tàu tốc hành đặc biệt tuyến Keio (Không thu phụ phí) 4. Tổng kết Trong bài viết này mình đã giới thiệu tới các bạn khái quát về các loại tàu chính, các trường hợp có hoặc không thu phụ phí trên các tuyến ở khu vực Tokyo và phụ cận cũng như những trải nghiệm của bản thân mình. Khu vực Tokyo và phụ cận có dân cư đông đúc nên số lượng tàu cũng nhiều hơn hẳn các vùng khác, do vậy những bạn đã quen sống ở khu vực này có thể sẽ cảm thấy rất thuận tiện khi di chuyển. Tuy nhiên với những bạn mới tới hoặc với khách du lịch nước ngoài thì việc di chuyển bằng hệ thống tàu điện ở khu vực này quả thật là một thách thức lớn đối với họ. Có nhiều cách để biết được thời gian di chuyển, số tiền phải trả cũng như các ga dừng đỗ của tàu, bản thân mình thường ứng dụng Google Map tra trước các thông tin nói trên để chủ động hơn trong mỗi chuyến đi. Ngoài ra ở trong sân ga cũng có các bảng hướng dẫn về giờ tàu, số lượng ga dừng đỗ của từng loại tàu trên toàn tuyến, các bạn có thể tham khảo trước khi lên tàu. Trong trường hợp bạn không thể dùng ứng dụng để tra trước xem chuyến tàu này có mất thêm phụ phí hay không, bạn có thể dùng cách này của mình để phân biệt. Đó là dựa vào thiết kế cũng như trang thiết bị của chuyến tàu đó. Nếu bạn thấy chuyến tàu này có vẻ đẹp hơn, hiện đại hơn các chuyến tàu thường thì đa phần đó là những chuyến tàu tốc hành đặc biệt. Nếu bạn lên những chuyến tàu đó có thể bạn sẽ phải trả thêm phụ phí. Hãy lưu ý điểm này nếu không muốn bị trả thêm một khoản phí không đáng có nhé!
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_17: Tại sao các công ty Nhật coi trọng những “Việc không tên”?
Văn hóa doanh nghiệp cũng như phương thức làm việc của Nhật Bản được thế giới chú ý. Người Việt Nam mới đến làm việc ở Nhật, ban đầu không khỏi có những ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Một trong những điểm được công ty Nhật Bản coi trọng là “Việc không tên”. Đó là những việc như thế nào? Ngoài ra, có thật sự là người Nhật “Coi trọng công việc hơn gia đình” hay không? Những “Việc không tên” Tôi có 16 năm làm việc ở Việt Nam và 3 năm gần đây làm lễ tân trong một khách sạn tại Nhật. Ở Việt Nam, ví dụ sếp ra lệnh: Thay cho chú một bình nước mới vào cây lọc nước, tôi sẽ vác bình nước mới, thay thế cái bình rỗng và thế là xong. Tôi nghĩ rằng đa phần các bạn đang đọc bài này cũng đồng ý rằng, sếp nhờ thay bình nước thì thay thôi. Ở Nhật thì khác. Không chỉ thay bình mà người làm việc đó sẽ để ý xem nước có bị tràn ra khay không, còn cốc giấy trong ống đựng hay không. Nếu nước bị lem ra khay, họ sẽ tự động đi tìm một cái khăn để lau sạch. Nếu nhìn thấy cốc giấy gần hết họ sẽ tự cho thêm vào v.v. Tôi gọi đó là những công việc không tên. Ở Nhật Bản, người được coi là “làm được việc” là người biết làm những “việc không tên” như vậy. Việc lau khay, thêm cốc giấy v.v như vậy, trước sau gì cũng có người phải làm để phục vụ khách hàng. Nếu như lúc thay bình mà không nhận ra những việc nhỏ như vậy và làm ngay thì lúc khác sếp cũng sẽ nhận ra và phải cử người khác làm. Hoặc chả may có người khách dùng mà hết cốc và góp ý… thì sếp lại phải xử lý. Thế nên nếu nhân tiện khi thay bình mà làm luôn mấy việc đó thì đỡ được cả sếp lẫn khách. Tôi cho rằng đây chính là một trong những đặc điểm tốt trong văn hóa công sở của Nhật Bản. Vậy tại sao nhiều người Nhật có ý thức như vậy? Lý do là vì do các doanh nghiệp ở Nhật thường huấn luyện nhân viên nói chung là khi làm việc, hãy luôn nghĩ “một việc này có liên quan tới một việc khác ra sao”. Ngoài ra, người Nhật có câu “Nghe một, biết mười”. Nếu việc gì cũng phải nghe chỉ thị từ 1 đến 10 mới làm thì chưa thành “người lớn” được. Chỉ cần nghe một mà học được nhiều, nghe một chỉ thị mà liên hệ được tới các việc khác để tự mình có cách xử lý mới là điều quan trọng. Đây là câu nói phổ biến tại nơi làm việc của Nhật Bản từ rất lâu đời và là một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay. Người Nhật coi trọng công việc hơn gia đình? “Hôm nay con em ốm, sếp cho em về sớm 2 tiếng nhé”, “Hôm nay phải đi họp phụ huynh, cho phép em đến muộn nhé”, “Hôm nay đưa mẹ đi khám, em xin nghỉ nhé” v.v Đây là những đoạn hội thoại cực kỳ phổ biến trong các công sở Việt Nam. Cá nhân tôi cũng từng xin nghỉ làm để đưa con đi nhổ răng, vì bác sĩ quen của gia đình chỉ làm trong giờ hành chính. Từ phía các lãnh đạo cơ quan, họ cũng rất vui vẻ chấp thuận và coi việc “đặt gia đình lên trên công việc” là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên ở Nhật, vì lý do gia đình mà nghỉ việc, đi muộn, về sớm không được coi là chuyện đương nhiên. Người làm công ăn lương ở Nhật thường nghĩ “Nếu thường xuyên đi muộn, về sớm, nghỉ việc v.v thì sẽ ảnh hưởng tới việc thăng tiến”. Trước khi phải nói với công ty thì thường người ta tự mình cố gắng giải quyết việc riêng bằng cách nhờ cha mẹ hoặc bạn bè để không làm ảnh hưởng tới công việc. Thường các công ty ở Nhật không có chuyện nghỉ việc đột xuất. Ngoài ra, cách suy nghĩ “trong thời gian đã quy định thì việc của ai người nấy phải làm” là rất phổ biến. Cho nên nếu không xong việc thì người ta phải làm thêm cho xong mới về. Có người đi làm cả vào ngày nghỉ. Việc làm thêm giờ hoặc làm việc vào ngày nghỉ như vậy có trường hợp không được trả tiền làm thêm, và được gọi là “Service zangyou” , có nghĩa là làm thêm không lương, và đây là vấn đề tồn đọng lâu năm trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Ý thức “Coi trọng công việc hơn gia đình” đã ngự trị lâu dài trong các doanh nghiệp Nhật và là động lực cho sức mạnh cạnh tranh của Nhật, nhưng nhiều người chỉ ra rằng cần phải cân bằng trong cách nghĩ này. Trường cấp 1 của con tôi là một ví dụ mà tôi đã trực tiếp chứng kiến: Để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, các giáo viên trong trường đã tình nguyện ở lại làm việc trong 2 ngày 2 đêm không về nhà. Bạn của con gái tôi có mẹ là một trong những giáo viên đó. Cô bé mới học lớp 6 nhưng đã tự giác về nhà, tự mua thức ăn tại cửa hàng tiện lợi, tự giác vệ sinh cá nhân, tự giác đi ngủ vì bố cô bé cũng làm việc tới khuya mới về nhà. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ có cách suy nghĩ “Coi trọng cuộc sống riêng hơn là thăng tiến hoặc danh vọng” và điều này buộc các doanh nghiệp buộc phải thay đổi văn hóa làm việc. Chính phủ Nhật cũng thực hiện cái gọi là “Cách mạng cách làm việc” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Nhờ đó mà các doanh nghiệp cũng đang dần thay đổi ví dụ như khích lệ người lao động sử dụng ngày nghỉ phép, linh hoạt cho nhân viên nghỉ sớm v.v.
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_10: Ngạc nhiên vì ngủ trưa trên sàn công ty?
Ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái đánh một giấc vào buổi trưa sau khi lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Nhưng ở Nhật, giấc ngủ trưa sẽ đồng nghĩa với sự lười biếng. Người Nhật không ngủ trưa? Giấc ngủ trưa đã được khoa học chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngắn từ 10 – 20 phút giúp bạn tỉnh táo và tăng cường năng lượng tốt nhất trong tất cả các khoảng thời gian ngủ. Biết là ngủ trưa rất tốt nhưng đừng dại mà lôi chăn chiếu trải ra sàn đánh một giấc vào giờ nghỉ trưa nếu bạn đang đi làm ở Nhật. Bạn có nhớ Nobita trong truyện Doraemon không? Cu cậu bị chúng bạn coi là lười biếng chỉ vì lỡ chợp mắt vào một trưa Hè oi ả. Ở Nhật, bạn sẽ rất thường xuyên thấy cảnh người Nhật làm việc xuyên trưa. Những người mang cơm trưa theo sẽ ăn suất của mình rất nhanh rồi tiếp tục công việc. Họ sẽ được coi là chăm chỉ. Những người không mang cơm trưa theo hoặc là ra quán ăn, hoặc là vào combini mua cơm suất rồi mang ra công viên ngồi ăn. Nhân chuyện ăn trưa ở công viên thì đây cũng là một trong những sự khác biệt dẫn tới tình trạng người Việt thích ngủ trưa còn người Nhật (và một số quốc gia khác) thì không. Nó liên quan tới khí hậu. Nhật Bản là nước ôn đới nên số ngày lạnh sẽ nhiều hơn ngày nóng. Vậy nên người Nhật rất thích khí hậu vào buổi trưa, khi mặt trời chiếu ánh nắng ấm áp. Còn ở Việt Nam thì bạn biết rồi đó. Cái tầm 40 - 45 độ mà kéo ra công viên ăn cơm chắc phát điên mất. Tuy nhiên gần đây, tại Nhật Bản, thái độ đối với việc “ngủ trưa” cũng đã có sự thay đổi. Như đã nói trên, giấc ngủ trưa ngắn độ 30 phút sẽ khiến cơ thể sảng khoái và tăng năng suất công việc, nên một số công ty bắt đầu có trang bị phòng nghủ để khuyến khích nhân viên ngủ trưa. Nhưng đa phần người Nhật đều không ngủ trưa. Luôn sẵn sàng trong tư thế đón khách Tôi biết nhiều bạn Việt Nam mở được quán ăn, shop thời trang ở Nhật. Khi không có khách, các bạn rất thoải mái ngồi lướt Facebook, chơi game hoặc xem một bộ phim trên điện thoại. Khách vào mới tạm dừng, đứng dậy tiếp khách. Nhưng đừng dùng cách đó nếu các bạn làm việc cho một cửa hàng dịch vụ của Nhật, như cắt tóc, bán hàng thời trang chẳng hạn. Người Nhật sẽ luôn đứng trong tư thế chào đón khách. Bạn không nghe nhầm đâu: Họ luôn luôn đứng, kể cả ghế đầy trong cửa hàng. Gần chỗ tôi có một cửa hàng cắt tóc của Nhật. Nhân viên đứng làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ. Trong quá trình tiếp khách, ngay cả khi khách mời bạn ngồi cạnh họ bạn cũng không được phép ngồi. Hãy chống đầu gối xuống sàn nhà như thể đang quỳ. Không có gì đáng xấu hổ ở đây cả. Đối với người Nhật thì khách hàng là thượng đế, nên không có chuyện bạn ngồi ngang hàng với thượng đế đâu. Nhớ mang rác…về nhà Ở Việt Nam có 2 kiểu vứt rác chính: Vứt vào thùng rác công cộng, hoặc (rất xin lỗi) vứt toẹt ra gốc cây. Chẳng có ai dở hơi lại mang rác về nhà làm gì. Nhưng ở Nhật chuyện này là hoàn toàn bình thường. Bạn sẽ rất hiếm khi gặp những thùng rác công cộng ở ngoài đường tại Nhật. Lý do? Vì trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều vụ việc có liên quan tới thùng rác công cộng, nên người Nhật sợ có ai đó sẽ bỏ những vật nguy hiểm, ví dụ như… một quả bom trong thùng rác chẳng hạn! Vì vậy họ rất hạn chế để thùng rác nơi công cộng. Bạn chỉ có thể vứt chai nhựa, vỏ lon vào các thùng rác dựng cạnh máy bán hàng tự động. Còn rác thải sinh hoạt như thức ăn, vỏ hộp, túi nylon thì làm ơn mang về nhà, phân loại và bỏ ra nơi quy định theo lịch vứt rác trong tuần chứ đừng cố đi tìm thùng rác làm gì cho bực mình. Đừng tự rót rượu cho bản thân Ở Việt Nam có một kiểu nhậu mỗi ông ôm một chai rồi tự rót cho bản thân. Chuyện quá ư là bình thường. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ bị coi là… bất lịch sự nếu tự rót rượu cho bản thân mình. Nghe kì quặc lắm đúng không, nhưng đây là văn hóa Nhật. Văn hóa “chuốc rượu” của Nhật Bản như sau: Hãy để cho người khác rót cho mình, uống một ngụm xong thì đáp lễ bằng cách rót lại cho họ. Nếu bạn đang ở trong một bàn tiệc, đừng uống ly của mình cho đến khi tất cả các thành viên khác trong bàn đều có ly trước mặt. Khi ăn kiểu mỗi người được dọn một bàn riêng cũng vậy. Đợi khi tất cả mọi người đều có phần rồi thì ta hay bắt đầu ăn nhé! Khi có ai đó rót cho bạn, hãy đảm bảo là ly của bạn hoàn toàn cạn sạch. Nếu tửu lượng của bạn hơi yếu, hãy để ly của mình luôn đầy. Người Nhật sẽ không ép bạn uống trong đa số tình huống (tất nhiên có trường hợp ngoại lệ). Khi tham dự một bữa tiệc của công ty thì người trẻ nhất sẽ đảm trách nhiệm vụ gọi đồ uống và rót cho những đàn anh, đàn chị của mình. Cuối cùng, hãy nhớ rằng nên dùng 2 tay để cầm chai hoặc bình rượu để rót hoặc cầm cốc để đón nhận rượu do người khác rót cho mình. Đó là lịch sự tối thiểu thôi mà.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17079 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15547 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13037 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài