Du học - Xin việc

Kinh nghiệm đi làm thêm của 5 du học sinh_Công việc ở quán ăn

021
24/05/2022

Trong thời gian du học ở Nhật, chắc hẳn các bạn đều muốn nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Nhật nhỉ. Vậy thì, chúng mình nên đi làm thêm ở đâu và làm công việc gì? Bạn hãy tham khảo kinh nghiệm đi làm thêm của các bạn du học sinh và tự tìm cho mình nơi làm việc phù hợp nhé. Bài viết lần này sẽ giới thiệu kinh nghiệm của 5 bạn du học sinh.

Vẫn biết mục tiêu lớn nhất của việc đi làm thêm là “kiếm tiền” song điểm tốt của việc đi làm thêm là bạn có thể tích lũy kinh nghiệm khi làm việc. Lần này, chúng mình đã phỏng vấn 5 bạn người Việt có kinh nghiệm đi làm ở nhà hàng – quán ăn. Công việc làm thêm ở nhà hàng – quán ăn có những ưu điểm gì, có những vất vả như thế nào nhỉ?

Cách tìm việc làm thêm

Để tìm việc làm thêm, các bạn du học sinh đã dùng những cách sau đây.

・ Trường học giới thiệu
・ Các anh chị khóa trên, bạn bè giới thiệu
・ Trang web của các công ty giới thiệu việc làm
・ Tạp chí giới thiệu việc làm
・ Thông tin dán tại các cửa hàng
・ Hellowork
・ Hội nhóm trên các trang mạng xã hội của du học sinh

Những thông tin chi tiết có trong bài viết này.


Trong số 5 bạn chúng mình phỏng vấn này thì có 4 bạn đã tìm được việc thông qua lời giới thiệu của anh chị khóa trên và bạn bè. Còn 1 bạn thì tìm được việc ở quán cơm bò (gyudon) qua thông tin đăng tải trên trang “Baitoru” (バイトル).

WA. SA. Bi. cũng giới thiệu việc làm thêm cho du học sinh. Bạn có thể xin tư vấn bằng tiếng Việt, hãy gửi thư cho địa chỉ email dưới đây.

go-en@morikosan.co.jp

Nội dung công việc ở quán ăn

Ở Nhật có rất nhiều nhà hàng, quán ăn nên việc làm thêm ở những nơi này cũng là dễ tìm nhất. Tại các quán ăn, bạn có thể làm việc trong bếp hoặc làm phục vụ bàn. Những bạn chưa nói được nhiều tiếng Nhật thì chỉ có thể làm trong bếp, nếu nói được một chút thì bạn hãy tìm việc phục vụ bàn nhé. Việc phục vụ bàn sẽ đem lại cho bạn nhiều cơ hội nói tiếng Nhật hơn đấy.

Việc phục vụ thường bao gồm những đầu việc như sau.

① Nghe khách gọi món và ghi chép lại
② Báo với nhà bếp đơn khách gọi
③ Chuẩn bị đồ uống và đem ra cho khách
④ (Quán nhậu) Đem món khai vị (món ăn kèm) cho khách
⑤ Đem món ăn mà khách đã gọi ra bàn
⑥ Thu dọn đĩa ăn mà khách đã dùng xong
⑦ Tính tiền tại quầy
⑧ Dọn dẹp và vệ sinh bàn ăn, quán ăn

Quán cơm bò

Chúng mình sẽ giới thiệu từng kinh nghiệm của các bạn du học sinh. Đầu tiên là kinh nghiệm của Bảo – bạn sinh viên đại học đang làm thêm ở một quán cơm bò ở Kyoto từ nửa năm trước.

Điểm tốt của công việc này

Khách hàng thân thiện: Khi làm ca đêm, mình nhận được lời động viên “Cố lên nhé” từ các khách hàng.

Điểm khó của công việc này

Khách hàng đa dạng: Đây là quán ăn mà mọi người dễ dàng ghé qua. Thỉnh thoảng cũng có những khách bị khiếm thị, bị câm vào ăn. Mình và mọi người trong quán cần linh hoạt trong việc tiếp đón để tất cả những khách hàng như vậy cũng cảm thấy thoải mái khi tới quán.

Làm 1 mình: Vào những khung thời gian ít khách, có những lúc mình phải làm việc 1 mình. Đây là việc rất vất vả và có lúc mình đã tính nghỉ việc nhưng vì vẫn còn rất nhiều điều cần học hỏi nên mình cố gắng làm tiếp.

Môi trường nói tiếng Nhật

Công việc của mình là phục vụ bàn nhưng ở quán mình thì trong giờ làm việc không được “nói chuyện phiếm” với khách nên mình chỉ toàn nói theo những gì có trong sách hướng dẫn. Tuy nhiên, khi làm việc với quản lý cửa hàng và các anh chị đồng nghiệp, mình có nhiều cơ hội nói tiếng Nhật.

Kính ngữ: Mình làm việc ở đây và nhớ được rất nhiều “kính ngữ”. Khi nói chuyện với khách, đương nhiên là mình phải sử dụng kính ngữ. Các nhân viên như mình được học kính ngữ thông qua một vài video mà quán đã chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, khi các anh chị và các bạn làm cùng tiếp khách thì mình đã nghe nội dung mà mọi người nói, sau đó mình bắt chước theo. Ví dụ, mình đã nhớ những câu như sau.

・ 少々お待ちください。(Xin quý khách chờ một chút.)
・ (Khi nghe khách gọi món) おうかがい致します。(Em/cháu xin nghe ạ.)
・ (Khi các món ăn được đem ra không theo thứ tự mà khách hàng đã gọi) 順番前後させていただきます。(Các món sẽ được đem ra lần lượt theo thứ tự chế biến.)
・ 申し訳ございません。(Em/cháu xin lỗi ạ.)
・ (Khi nhận đủ tiền từ khách) ちょうどお預かりします。(Em/cháu đã nhận được tiền ạ.)

Hơn nữa, nhờ việc đọc tin nhắn trong nhóm LINE của đồng nghiệp, mình đã học thêm được nhiều từ ngữ dùng trong văn nói và cách nói bằng tiếng Kansai.

Nhà hàng lẩu Shabu Shabu

Tiếp theo là kinh nghiệm của Thanh – sinh viên đại học. Thanh đã làm gần 1 năm rưỡi ở nhà hàng lẩu Shabu Shabu ở tỉnh Osaka.

Điểm tốt của công việc này

Tăng lương giờ: Ở nhà hàng này, mình được tăng lương dựa trên kinh nghiệm và thái độ, tác phong làm việc. Mức lương khởi điểm của mình là 1000 yên, sau đó tăng lên thành 1040 yên và bây giờ là 1070 yên.

Tiền đi lại: Mình nhận được 500 yên 1 ngày. Mình đi làm bằng xe đạp nhưng nhà hàng vẫn trả cho mình 500 yên.

Cách anh quản lý nhà hàng hướng dẫn và chỉ bảo mình: Khi mình đi muộn hay làm sai gì đó, sếp và các anh chị cũng có nhắc nhở nhưng chưa bao giờ mắng mỏ mình. Mọi người nhắc mình “Lần sau đừng để chuyện này xảy ra nhé”.

Khách hàng thân thiện: Nhân viên chúng mình thường nhận được bánh kẹo từ những vị khách quen. Khi ra về, họ cũng được động viên mọi người “cố gắng làm việc nhé”.

Điểm khó của công việc này

Có rất nhiều việc: Vì đồng thời phải làm nhiều việc cùng một lúc nên ban đầu mình không hiểu việc và không biết nên làm gì. Dần dần mình nhớ nội dung được dạy trong sách hướng dẫn, bắt chước cách làm của các anh chị đã làm lâu và quen việc hơn.

Môi trường nói tiếng Nhật

Nói chuyện với khách: Ghế ngồi trong nhà hàng của mình được thiết kế theo kiểu quầy bar nên mình làm việc ngay trước mặt khách. Nếu khách bắt chuyện với mình thì mình có thể trả lời và nói chuyện với khách nên mình có nhiều cơ hội nói tiếng Nhật, trình độ của mình cũng đã tăng lên. Ví dụ, khi khách nhận ra mình là người Việt, khách sẽ hỏi về Việt Nam hoặc về việc du học của mình.

Giao lưu với đồng nghiệp: Đây là một nơi làm việc rất tốt, mình thường xuyên giao lưu với anh quản lý nhà hàng, các anh chị đã làm trước đó và các bạn làm cùng. Vào ngày nghỉ định kỳ, mọi người cùng nhau đi nhậu, khi hết ca làm thì vài người cùng ở lại thêm khoảng 1 tiếng để trò chuyện ở phía trong nhà hàng. Mình thấy công việc ở đây rất vui, mình có thể xin lời khuyên từ mọi người về bất cứ vấn đề gì.

Quán bánh bắp cải nướng

Bây giờ Trâm đang đi làm tại một công ty của Nhật nhưng thời đi du học, bạn ấy đã làm tại một quán bánh bắp cải nướng.

Điểm tốt của công việc này

Học hỏi về “Xã hội”: Mình thấy mình với cô quản lý đầu tiên không hợp nhau, nếu không cố gắng hoà hợp thì không thể làm tiếp được. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục cố gắng, biết đâu sẽ có những mối nhân duyên tốt hơn. Cô quản lý tiếp theo là người rất thân thiện, nhờ thế mà mình đã có thể làm việc ở quán khoảng 4 năm.

Điểm khó của công việc này

Cách nướng bánh bắp cải: Việc nướng bánh bánh bắp cải (bột mì và bắp cải) thành hình tròn rất khó, mình vụng về nên mãi mới có thể nướng được.

Xử lý các vấn đề phát sinh: Để có thể xử lý được các tình huống khi đông khách, khi bị khách mắng thì mình đã mất khoảng 3 tháng.

Môi trường nói tiếng Nhật

Giao lưu với cô quản lý và đồng nghiệp: Công việc rất bận nên trong giờ làm mình không có cơ hội nói chuyện với đồng nghiệp và khách hàng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp ở nơi làm việc rất tốt, vào ngày nghỉ, cô quản lý người Trung, cô người Nhật và nhân viên chúng mình (người Trung và người Việt) thường tổ chức ăn liên hoan. Những lúc đó, mọi người nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật.

Nhà hàng Trung hoa

Bữa ăn sau khi làm xong

Linh đang học đại học ở Việt Nam, bạn ấy đã có 1 năm du học đại học ở Nhật theo chương trình trao đổi. Trong thời gian đó, Linh đã làm thêm ở một nhà hàng Trung hoa do một gia đình người Nhật tự kinh doanh.

Điểm tốt của công việc này

Nhớ tên các món ăn Trung hoa: Ở nhà hàng này, mọi người sẽ đổi nhiệm vụ làm việc với nhau theo ngày, 1 người làm trong bếp, 1 người làm phục vụ bàn. Thế nên mình vừa được tiếp khách, vừa có cơ hội nấu món Trung hoa. Nhờ thế mà mình đã biết tên và nhớ cách làm các món Trung hoa.

Trải nghiệm văn hóa Nhật Bản: Khi làm việc vào buổi trưa, mình nhận ra là các khách hàng người Nhật thường ăn trưa rất nhanh vì họ biết rằng có các vị khách khác đang chờ. Từ đó mình hiểu được văn hoá nghĩ tới người xung quanh của người Nhật.

Ông chủ nhà hàng tốt bụng: Vào ngày nghỉ định kỳ, ông lái xe ô tô đưa mình và bạn người Việt làm cùng đi tham quan những nơi xa như thành Himeji, Kobe, đảo Awaji v.v.

Ông chủ nhà hàng đã đưa chúng mình đi đảo Awaji

Điểm khó của công việc này

Kính ngữ: Ông bà chủ nhà hàng nói với mình là khi tiếp khách thì nói dạng văn lịch sự cũng được, song vì muốn nâng cao khả năng nói tiếng Nhật, mình đã tự ý thức và tập sử dụng kính ngữ. Ví dụ, khi muốn dọn bớt bát đĩa mà khách đã ăn xong, mình sẽ không nói “取ってもいいですか?”, mình đã nói là “お下げしてもよろしいですか?” (cả hai câu đều có nghĩa là em/cháu có thể dọn cái này được không ạ?”). Ngoài ra, khi nhà hàng đã kín khách, mình đã nói là “本当に申し訳ございませんが、今は席が空いていないので、少々お待ちくださいませんか?” (Chúng em/chúng cháu thật sự xin lỗi, hiện nay nhà hàng không còn bàn trống, quý khách có thể chờ một chút không ạ?”.

Môi trường nói tiếng Nhật

Giao tiếp với khách hàng: Mình được các vị khách bắt chuyện và được hỏi về việc học tập của mình, về những điều liên quan đến Việt Nam. Mình trả lời bằng tiếng Nhật và kết thân với một số vị khách. Đây là một nơi làm việc mà mình có nhiều cơ hội nói chuyện với khách. Khi nhà hàng không có khách, mình thường nói chuyện với ông chủ hoặc bà chủ quán.

Quán Okonomiyaki

Chí đang làm ở Tokyo, thời đi du học, bạn ấy đã làm phục vụ ở một quán Okonomiyaki ở Nara.

Điểm tốt của công việc này

Văn hóa hiếu khách: Có những ngày mình làm ca 8 tiếng và rất mệt nhưng luôn tươi cười khi tiếp khách. Điều này mình học được từ các anh chị làm cùng. Mình thấm nhuần “Văn hóa hiếu khách” thông qua những việc như thế này.

Các anh chị người Việt: Quán lúc nào cũng đông, so với những nơi khác thì lương theo giờ cũng hơi thấp nhưng đổi lại mình và mọi người trong quán rất thân nhau. Mình đã cùng anh chủ quán, anh chị người Việt, bạn đồng nghiệp người Nhật đi nhậu, đi du lịch.

Công viên Nara – Ảnh chụp khi đi chơi cùng một bác khách

Giao lưu với khách hàng: Mình có quan hệ tốt với một vài vị khách.Vào ngày nghỉ, mình đã cùng một bác khách đi chụp ảnh, bác và mình đã chụp lại những cảnh đẹp ở Nara.

Điểm khó của công việc này

Nghe khách gọi món: Ban đầu, khi khách nói tắt tên của các món, mình đã không hiểu đấy là món gì. Mình đã mất khoảng 1 tháng để quen và hiểu được.

Môi trường nói tiếng Nhật

Mình cũng có rất nhiều cơ hội nói chuyện với khách tới quán.

Tổng kết

Lần này, chúng mình đã giới thiệu kinh nghiệm đi làm thêm tại “nhà hàng – quán ăn” của các bạn du học sinh. 5 địa điểm làm việc đã được giới thiệu là “Quán cơm bò”, “Nhà hàng lẩu Shabu Shabu”, “Quán bánh bắp cải nướng”, “Nhà hàng Trung hoa”, “Quán Okonomiyaki”.

Dù cùng là việc phục vụ bàn nhưng thông qua lời kể của các bạn du học sinh, chắc hẳn mọi người đã nhận ra là tuỳ từng nhà hàng, quán ăn mà cơ hội giao tiếp với khách sẽ nhiều hoặc ít. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là mình có thể xây dựng mối quan hệ tốt với người quản lý và đồng nghiệp hay không.

Bạn hãy tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đi trước và tìm cho mình một nơi làm việc tốt, nâng cao cơ hội giao tiếp bằng tiếng Nhật nhé. Ngoài ra, hãy thường xuyên đi chơi cùng mọi người, xây dựng các mối quan hệ và tìm cho mình người mà mình có thể xin tư vấn bất kỳ lúc nào nhé.