Văn hoá

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_30: Hai mùa trong năm khiến người Nhật phải đeo khẩu trang trước cả khi có dịch covid-19

VNOKJPDAME-30-top
04/07/2022

Đối với người Nhật, kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng nổ thì khẩu trang vẫn được nhiều người sử dụng hằng ngày. Có 2 mùa trong năm mà đường phố ở Nhật có rất nhiều người đeo khẩu trang. Tại sao vậy? Ngoài ra, khi hỏi người Nhật “Bạn sống ở đâu?” thì câu trả lời bạn nhận được sẽ khá đặc biệt. Hãy cùng tìm hiểu về sự khác biệt văn hoá này. (Thạch Long)

Tại sao người Nhật đeo khẩu trang

Năm 2014 – thời điểm dĩ nhiên là nhân loại hoàn toàn chưa biết gì về sự tồn tại của con virus Covid-19 – tôi lần đầu tiên sang Nhật. Bước lên một chuyến tàu từ ga Shinjuku đi về hostel vào lúc 9 giờ tối, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người Nhật đeo khẩu trang trên tàu.

Vào thời điểm đó, tôi chưa có nhu cầu tìm hiểu về lý do tại sao lại có rất nhiều người đeo khẩu trang trong một không gian kín như trên tàu. Cho đến năm 2016, tôi trở lại Nhật lần 2 và tiếp tục chứng kiến cảnh tượng tương tự: Khắp các ga tàu từ Osaka đến Tokyo, những người che đi khuôn mặt dưới chiếc khẩu trang trắng nhiều vô số kể.

Đợt đó tôi ở nhờ nhà một người bạn đã sống ở Nhật được 13 năm. Tôi đem chuyện khẩu trang ra hỏi thì nhận được lời giải thích như sau: Một năm có 2 mùa mà nhiều người Nhật thường đeo khẩu trang.

・Đó là mùa cúm influenza (mùa đông)
・Và mùa các cây tuyết tùng phát tán phấn hoa ra khắp không khí (từ tháng 2~4)

Phần lớn người Nhật đeo khẩu trang để không lây cúm (cảm) từ người khác, đồng thời nếu mình bị bệnh, thì cũng không để virus cúm đi lây cho những người xung quanh. Còn trong mùa phấn hoa bay khắp nơi thì chiếc khẩu trang là để chống căn bệnh dị ứng phấn hoa.

Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, đa phần người Việt không có thói quen đeo khẩu trang để ngăn ngừa bệnh tật và Việt Nam cũng không có bệnh dị ứng phấn hoa.

Chiếc khẩu trang ở Việt Nam chỉ có duy nhất tác dụng là ngăn bụi và chống nắng khi đi xe máy. Vậy nên kể cả khi một người Việt bị cảm cúm, họ cũng không nghĩ đến việc đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác.

Sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, việc đeo khẩu trang đối với nhiều người dân Việt Nam là một nghĩa vụ nên việc này không trở thành thói quen. Chúng ta sẽ không lạ lẫm gì với cảnh người dân đeo khẩu trang chỉ để tránh việc bị công an phạt. Chỉ cần xuống khỏi xe máy, họ sẽ ngay lập tức tháo khẩu trang và sinh hoạt bình thường.

Vậy nên nếu sang tới Nhật Bản, các bạn hãy nhớ rằng việc đeo khẩu trang khi bị cảm sốt nhức đầu là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng nhé.

Sự khác biệt khi hỏi “bạn sống ở đâu”

Quang cảnh một khu phố ở Việt Nam

Ví dụ bạn đang sống ở Hà Nội và mới quen một người bạn thú vị, bạn có nhu cầu hỏi đối phương đang sống ở mạn nào để lần sau còn hẹn hò, bạn thường sẽ hỏi thế nào? Tôi dám chắc đa phần sẽ hỏi: “Cậu ở phố nào”. Đó là Hà Nội. Còn trong thành phố Hồ Chí Minh, cũng với tình huống như trên, dân Sài Gòn sẽ hỏi: “Cậu ở quận nào”.

Vậy các bạn có biết người Nhật khi muốn đặt câu hỏi cho tình huống trên, họ sẽ hỏi thế nào không? Đại khái người ta cũng sẽ hỏi “Cậu sống ở đâu”. Nhưng tùy khu vực mà ý củacâu hỏi sẽ khác đi. Ví dụ ở những khu vực đô thị, hệ thống đường sắt phát triển thì câu hỏi “Cậu sống ở đâu” sẽ hàm nghĩa “Cậu sống ở gần ga nào”.

Cảnh nhà ga ở khu vực đô thị Nhật Bản

Hơn nữa, việc đánh số nhà ở Nhật là dựa vào tên khu vực chứ không dựa vào tên đường phố. Mà tên các khu dân cư thì nhiều vô kể, chỉ có người sống ở đó mới biết nên khi được hỏi “Cậu sống ở đâu” thì câu trả lời thường sẽ là “Tớ ở gần ga Hachioji” hoặc “Tớ ở Hachioji”, tức là nói tên của nhà ga gần nhất.

Tuy nhiên ở các khu vực đô thị, nhà ga cũng nhiều vô kể và trong trường hợp người ấy sống ở một ga không có nhiều người biết đến thì họ sẽ cho biết tên nhà ga lớn gần nhất mà đa phần ai cũng biết đến.

Bản đồ dân cư ở Nhật không đánh tên phố mà đánh tên khu vực (được khoanh đỏ)

Nếu như ở Việt Nam khi được hỏi đường đi đâu đó, chúng ta thường nói: “đi theo đường này, cách độ 3, 4km, đến ngã tư thì thì rẽ phải…” đại loại thế. Nhưng nếu ở Nhật thì thường người ta ước tính quãng đường bằng số phút tàu, xe bus chạy. Ví dụ: “Đi tới đó mất độ 40 phút đi tàu thường hoặc tàu điện ngầm. Lên ga ABC của đường sắt JR, rồi xuống ga XYZ , sau đó đổi sang tàu điện ngầm, đi thêm 3, 4 ga nữa” câu trả lời đại khái có nội dung như thế.

Nhưng một khi về địa phương thì khi được hỏi “Cậu sống ở đâu” thì thông thường người ta cũng sẽ trả lời tên địa phương mình sống giống như ở Việt Nam vậy. Vì khác với khu vực đô thị, các khu vực địa phương hệ thống giao thông công cộng cũng không phát triển như ở đô thị.

Những người đi ăn một mình

Cửa hàng ăn Tachigui bán mỳ soba, udon

Ở Nhật, nhiều người thích đi ăn một mình và có nhiều cửa hàng đáp ứng nhu cầu đi ăn một mình của người dân. Thông thường một cửa hàng ăn có 2 loại chỗ ngồi: ngồi ở quầy và ngồi ở bàn. Về nguyên tắc, ngồi ở quầy sẽ chỉ có từ 1 hoặc 2 người, còn ngồi ở bàn là từ 2 người trở lên.

Ở những cửa hàng bán món cơm thịt bò Gyudon hoặc mỳ Ramen thường chỉ có chỗ ngồi ở quầy. Ở khu vực đô thị lớn như Tokyo hoặc Osaka còn có nhiều cửa hàng ăn hoặc quán bả không có ghế, khách hàng đứng ăn uống tại quầy, tiếng Nhật gọi là Tachigui. Những quán này luôn đông khách nên nếu chỉ có một mình, bạn có thể thoải mái vào mà không ngần ngại gì.

Ở Hà Nội, bạn sẽ ít khi gặp những người đi ăn một mình. Dĩ nhiên việc đi ăn một mình ở Việt Nam không có gì kỳ quặc và cũng chẳng ai phán xét. Tuy nhiên, đa phần thì các quán ăn truyền thống ở Hà Nội thực tế chưa có những chỗ ngồi được thiết kế để đáp ứng nhu cầu và cảm hứng của những người đi ăn một mình.